THIỀN SƯ ĐẠO HUỆ
Thiền sư Đạo Huệ họ Âu, quê ở Chân Hộ làng Như
nguyệt, năm sinh không rõ tịch năm 1173, đời thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu
sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam, trang 148, cùng tác giả.
Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài :
|
Âm :
Điạ thủy hỏa phong thức,
Nguyên lai nhất thiết không.
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng.
Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhâ yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.
Dịch :
Đất nước gió lửa thức,
Nguyên lai thảy đều không.
Như mây lại tan hợp,
Phật nhật chiếu không cùng,
Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp chẳng chia lià.
Nếu người cần phân biệt,
Trong lò một cành hoa.
Giảng :
“Điạ thủy hỏa phong thức,nguyên lai nhất thiết
không”. Đất nước gió lửa chỉ cho phần sắc chất, thức chỉ cho phần tinh thần.
Con người chúng ta gồm hai phần thể xác và tinh thần. Hai phần này Ngài nói
xưa nay đều là không. Nhưng không như thế nào ?
“Như vân hoàn tụ tán, Phật nhật chiếuvô cùng”.
Thân người như mây hợp rồi tan tan rồi hợp, tùy duyên tụ tán không thật,
nhưng có mặt trời Phật soi sáng không cùng. Ý bốn câu này dạy thân sắc chất
do bốn đại hợp và tâm thức phân biệt lăng xăng không thật. Nó hợp tan tan
hợp như mây tụ tán trên bầu trời, nhưng trong ấy có trí tuệ soi sáng không
cùng tận. Ngài chỉ rõ nơi con người chúng ta, phần nào là bại hoại sanh
diệt, phần nào không bại hoại không sanh diệt. Ý này Ngài chỉ tiếp ở bốn câu
kế :
“Sắc thân dữ diệu thể, bất hiệp bất phân
ly”.Sắc thân chỉ cho thân tứ đại, diệu thể chỉ cho Phật tánh, ở trên gọi là
Phật nhật, hai phần này không hợp cũng không ly, nghĩa là nó không phải một
mà cũng không phai hai. Tại sao vậy ? Vì thân con người gồm phần sắc chất có
đủ thứ bệnh hoạn, luôn luôn đổi thay không cố định, phần tâm thức thì niệm
niệm sanh diệt không dừng. Hai phần này không là một với tánh giác hằng hữu,
nên nói không hợp. Nhưng tánh giác hằng hữu không rời tâm thức và thân tứ
đại này. Nếu rời thì nó là ai chứ không phải là mình. Nếu rời làm sao mình
nói năng hành động ? Vì vậy mà nói chẳng phân ly. Tôi dạy quý vị tu thiền để
thấy thân tứ đại này hòa hợp không thật, thấy vọng tưởng sanh diệt không
thật, nhưng cái thấy hai cái không thật đó thì chân thật. Như vậy thân không
thật vọng tưởng không thật là cái bị thấy và cái thấy là cái hay thấy. Cái
bị thấy và cái hay thấy là một hay là hai ? Nếu là một thì không thể thấy,
nếu là hai thì cái hay thấy tựa ở đâu để thấy ? Nó không phải một mà cũng
không phải phân ly. Ngài chỉ trong mỗi chúng ta có diệu thể hằng hiện hữu
không phân biệt và không bao giờ mất.
“Nhược nhân yếu chân biệt,lô trung hoa nhất
chi”. Nếu ai cần phân biệt rành rẽ thì được hoa sen ở trong lò lửa. Hoa sen
chỉ cho thể chân thật không sanh diệt. Lò lửa chỉ cho thân tâm vô thường
sanh diệt. Người biết rõ cái giả và cái chân thì ngay nơi thân tứ đại này
nhận ra thể chân thật. Như vậy chúng ta đi tìm thể chân thật ở đâu ? Có
phải ở trên núi rừng không ? Nó ở ngay nơi thân tứ đại này, như tại sao các
vị thiền sư lại lên núi rừng tu ? Nó không phải ở núi rừng, nhưng nhờ thiền
định tâm thức lóng lặng nó mới hiển hiện. Ở chốn thành thị bao nhiêu đều hay
đều dở, bao nhiêu cái đẹp cái xấu chi phối cả ngày, nên tâm không lóng lặng,
tâm không lóng lặng thì thể chân thật không hiển hiện. Như vậy không phải ở
chỗ núi rừng mới có thể chân thật, mà thể chân thật có sẵn nơi chúng ta,
song chúng ta phải ở núi rừng cho vọng tưởng lặng yên thì dễ nhận ra hơn.
|