THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ GIÁC HẢI

Ngài họ Nguyễn, ở làng Hải Thanh, không rõ năm sanh và năm tịch, Ngài thuộc đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 155 cùng tác giả. Sau đây là giai đoạn đối đáp giữa Ngài với một vị tăng :

Phật và chúng sanh ai khách ai chủ ?

Sư dùng kệ đáp :

Âm :

            Liễu dụng nữ đầu bạch,

            Báo nhĩ tác giả thức.

            Nhược vấn Phật cảnh giới,

            Long môn tao mặc khách.

Dịch :

            Biết dùng gái đầu bạc,

            Bảo ông người khéo biết.

            Nếu hỏi cảnh giới Phật,

            Long môn khách tao nhã.

Lúc sắp tịch, Sư gọi chúng nói kệ:

Âm :

            Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,

            Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.

            Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn,

            Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.

Dịch :

            Xuân về hoa bướm gặp nhau đây,

            Hoa bướm phải cần hợp lúc này.

            Hoa bướm xưa nay đều là huyễn,

            Giữ tâm bền chặt bướm hoa thây.

Giảng :

Có vị Tăng hỏi: “Phật và chúng sanh ai khách ai chủ ?”. Sư dùng kệ đáp: “Liễu dụng nữ đầu bạch, báo nhĩ tác giả thức”. Nghĩa là khéo dùng gái đầu bạc, bảo ông là bậc tác gia. Ngài đáp như vậy dễ hiểu không ? Cô gái đầu tóc đen tại sao ở đây Ngài nói đầu bạc ! Nếu cô gái đầu bạc thì cô gái ấy là bà già. Sở dĩ hỏi Phật và chúng sanh là hai, giống như thấy cô gái và bà già là hai. Nhưng Ngài trả lời: Khéo biết cô gái đầu bạc, bảo rằng ông là bậc tác gia. Ý Ngài nói nếu thấy cô gái và bà già không hai thì sẽ thấy Phật và chúng sanh không hai thì đó là bậc tác gia sáng mắt, chớ không phải người thường. Câu trả lời này nói nghe qua chúng ta thấy lạ nhưng đó là lẽ thật. Vì có cô gái nào không thành bà già và có bà già nào không từ cô gái ? Như vậy thấy bà già đầu bạc biết rõ gốc từ cô gái tóc đen, cũng như thấy Phật biết từ chúng sanh mà thành. Phật từ chúng sanh thì đâu có ai khách ai chủ. Nếu không thấy ai chủ ai khách thì thấy Phật và chúng sanh không hai không khác, cũng như cô gái và bà già không hai không khác vậy.

“Nhược vấn Phật cảnh giới, long môn tao mặc khách”. Long môn là chỗ cá nhảy qua các cấp rồi hóa rồng, chỉ cho chỗ thi cử. Tao mặc khách chỉ cho văn nhân thi sĩ. Ngài nói nếu hỏi cảnh giới Phật thì phải là văn nhân thi sĩ đến triều đình thi đậu mới biết. Ý nói muốn biết cảnh giới Phật phải tu cho đạt đạo mới biết, nếu chưa tu chưa giác làm sao biết được. Cũng như muốn biết đền vua phải đi thi mới biết, không đi thi làm sao biết. Tóm lại, bốn câu này Ngài dạy: Phật và chúng sanh không khác, muốn biết cảnh giới Phật thì phải tu cho giác ngộ rồi mới biết. Đó là bốn câu kệ dạy chúng. Sau đây là bốn câu kệ thị tịch.

“Xuân lai hoa điệp thiện tri thì, hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ”. Nghĩa là xuân về hoa bướm phải khéo biết thới tiết, hoa bướm nên đến đúng thời đúng lúc. Ý Ngài nói mùa xuân thì hoa tự nở, bướm thấy hoa nở liền đến để hút mật. Vậy, hoa và bướm đồng biết xuân đến, một bên thì nở và một bên đi kiếm ăn, nghĩa là cả hai đều biết thời tiết để làm phận sự của mình. Hai câu này dường như Ngài không nói gì về đạo lý, nhưng sự thật đã nói ý nghĩa đạo lý rất rõ ràng. Ở đây bướm dụ cho người, hoa dụ cho cảnh, người vả cảnh tùy theo thời tiết nhân duyên mà xuất hiện. Giáo lý nhà Phật gọi thân người là chánh báo, hoàn cảnh chung quanh là y báo. Có chánh báo là có y báo. Có con người là có cảnh vật chung quanh, hai cái này không thể tách rời nhau. Ngoài cảnh không có người, ngoài người không có cảnh, đủ thời tiết nhân duyên thì cảnh và người cùng xuất hiện. Nhưng:

“Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn, mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”. Hoa và bướm xưa nay đều là huyễn nên mặc kệ nó, phải quay về gìn giữ tâm. Ý nói người và cảnh đều huyễn hóa không thật, biết nó không thật phải hướng về tâm để tu.

Tóm lại, bài kệ này dạy rằng: Con người có mặt trên trần gian này không phải đơn phương chỉ có con người, hễ có người là có cảnh chung quanh. Tùy thời tùy duyên mà người và cảnh theo nhau ứng hợp. Có người là có cảnh, có cảnh là có người. Nhưng biết rõ ràng người cảnh là huyễn hoá không bận lòng, luôn luôn hướng về nội tâm khéo tu cho tâm được thanh tịnh sáng suốt, mới nhận ra thể chân thật của mình. Đó là căn bản của sự tu hành đưa đến giải thoát luân hồi sanh tử.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM