Âm :
Sanh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phược thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu thiền.
Thiền, Phật bất cầu,
Uổng khẩu vô ngôn.
Dịch :
Sanh già bệnh chết,
Xưa nay lẽ thường.
Muốn cầu thoát ra,
Mở trói thêm ràng.
Mê đó tìm Phật,
Lầm đó cầu thiền.
Phật, thiền chẳng cầu,
Uổng miệng không lời.
Giảng :
“Sanh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên”. Sanh
già bệnh chết từ xưa tới nay là lẽ thường, có ai sanh ra ở đời này mà không
già, không bệnh, không chết ? Như vậy sanh già bệnh chết là lẽ thường, đã là
lẽ thường thì có quan trọng không ? Không quan trọng nhưng sao sợ chết ?
Sanh già bệnh chết ai cũng phải trải qua, không ai tránh khỏi, vậy mà lo sợ
thì vô lý làm sao ! Có người bào chữa tôi không sợ già không sợ bệnh mà chỉ
sợ chết, chết cũng là lẽ thường sao lại sợ ? Ví dụ ở Đà Lạt năm nào tới mùa
đông cũng lạnh. Biết vậy rồi mùa đông đến chúng ta có sợ không ? Nó đến thì
nó đến, chỉ có điều chúng ta phải khôn ngoan là sắm chăn áo ấm cho đầy đủ,
để mùa đông mặc cho ấm thì đâu có sợ ! Vì chúng ta không chịu sắm chăn áo ấm
cho đầy đủ, để mùa đông mặc cho ấm thì đâu có sợ ! Vì chúng ta không chịu
sắm áo ấm, nên mùa đông đến chúng ta sợ lạnh. Cũng vậy, vì chúng ta không
chịu tu hành nên mới sợ chết. Vậy sợ có khỏi không ? Biết chắc ai sanh ra
cũng phải già bệnh chết, có sợ cũng không khỏi nên không sợ, mà chuẩn bị thì
khi sắp chết chúng ta an nhiên vui cười. Nếu không chịu tu khi chết đến, dù
có cầu Phật trời cứu độ cũng không được cứu độ. Đó là một lẽ thật mà ai ai
cũng phải chiêm nghiệm.
“Dục cầu xuất ly, giải phược thiêm triền”.
Muốn cầu thoát ra, mở trói thêm buộc. Có một số người hiểu lầm cho rằng tu
theo đạo Phật để giải thoát sanh tử, tức là tu tới già khỏi chết. Họ cho
rằng giải thoát sanh tử là khỏi chết. Như vậy thì giống như mấy vị tu tiên
luyện thuốc trường sanh bất tử sao ? Ý Ni sư nói, người muốn thoát ra cái
sanh già bệnh chết giống như người muốn mở trói mà lại cột thêm. Tại sao vậy
? Vì theo luật vô thường thì con người sanh ra ai cũng già bệnh chết, không
ai tránh khỏi. Nhưng nơi thân sanh già bệnh chết này, nếu chúng ta nhận ra
thể chân thật thì chúng ta không bị sanh già bệnh chết chi phối làm cho khổ
đau. Tu mà mong sống hoài không chết là quan niệm sai lầm. Quan niệm sai lầm
ấy làm cho chúng ta thêm trói buộc, chớ không giải thoát được. Sau đây là
câu chuyện cầu giải thoát của sai di Đạo Tín. Một hôm sa di Đạo Tín đến lễ
Tam Tổ, thưa:
- Xin Hoà thượng từ bi ban cho con pháp môn
giải thoát.
Tổ hỏi:
- Ai trói buộc ngươi ?
Ngài nhìn lại một hồi rồi thưa:
- Bạch Hòa thượng không ai trói buộc.
Tổ bảo:
- Không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì ?
Ngang đây Đạo Tín bừng ngộ. Ngài ngộ cái gì ?
- Ngài Ngộ cái lý giải thoát mà không mong cầu giải thoát. Chúng ta ngày nay
cầu giải thoát mà nghĩ rằng có pháp tu nào đó để cho mình sống hoài không
chết đó là điều lầm lẫn rất lớn.
Bốn câu kệ này Ni sư dạy người học đạo phải
dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật của cuộc đời, thấy bốn tướng sanh già bệnh
chết là lẽ thường. Nhận chân được điều đó rồi chúng ta không còn lo sợ nữa,
ngay trong cái vô thường của sanh già bệnh chết, chúng ta nhận ra cái chân
thường bất tử, đó là giác ngộ giải thoát.
“Mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu thiền”. Mê đó
cầu Phật, lầm đó cầu thiền. Ni sư nói người mê mới cầu Phật, người lầm mới
cầu thiền. Ni sư nói như vậy chúng ta tu thiền là mê lầm phải không ? Chúng
ta đi chùa lạy Phật là mê phải không ? Chỗ này rất nhiều người hiểu lầm. Ở
đây nói “mê đó cầu Phật” là cầu Phật ngoài mình. Bởi vì ngay nơi mình có sẵn
tánh giác mà bỏ quên, chạy tìm ở non này núi nọ nên nói mê. Tại sao cầu
thiền là lầm ? Vì thiền là một phương tiện sống để Phật tánh hiển lộ, chớ
không phải là một phép lạ mầu nhiệm ở bên ngoài. Nếu cầu xin người này người
kia cho mình được thiền là lầm. Thiền là định tâm để tánh giác hiển lộ. Cầu
và tìm ở đây ngầm chỉ cho bệnh ỷ lại trông cậy bên ngoài. Hướng ra ngoài cầu
là quên mình rồi vậy.
“Thiền Phật bất cầu, uổng khẩu vô ngôn”. Thiền
Phật chẳng cầu, nhọc miệng không lời. Nếu không có niệm cầu Phật cầu thiền
thì tâm yên không động, tức là không còn hướng ngoại thì dứt sạch vọng tưởng
đảo điên, tâm an định thì miệng không nói, do đó mà nói nhọc miệng không
lời. Sở dĩ chúng ta nói liên miên là vì tâm chúng ta lúc nào cũng động niệm.
Tâm không khởi niệm thì có gì để nói ? Hằng ngày chúng ta tọa thiền tuy
ngoài miệng không nói mà trong tâm thì nói liên miên. Nói chuyện mình nói
chuyện người đủ thứ. Khởi nghĩ là đã nói rồi, vì khởi nghĩ là có ngôn ngữ,
không phải đợi mở miệng mới có ngôn ngữ. Khi xưa có người hỏi: “Thế nào là
Phật?”. Có thiền sư trả lời bằng cách im lặng. Cũng có thiền sư trả lời bằng
cách nói đông nói tây. Như có một vị tăng hỏi ngài Động Sơn: “Thế nào là
Phật ?”. Ngài đáp: “Ba cân gai”. Đáp như vậy khiến cho người hỏi không vin
vào đâu để suy nghĩ. Người xưa quá chân thành, muốn chỉ lẽ thật cho chúng ta
mà chúng ta thì quen chạy theo tâm vượn khỉ không chịu nhận. Thế nên khi
hỏi, các Ngài chỉ cho chúng ta lẽ thật không cho chúng ta kẹt trong ngôn
ngữ. Hỏi “Thế nào là Phật?”. Đáp: “Ba cân gai”. Ngài đáp không cho suy nghĩ,
không suy nghĩ thì nhận ra ông Phật của mình liền. Còn nếu giải nghĩa Phật
là giác, gồm có tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn... Giải nghĩa một hồi
tâm vượn nhảy lung tung thì ông Phật đâu còn hiện tiền. Giải nghĩa Phật mà
Phật mất tiêu ! Thiền sư không giải nghĩa Phật là gì, mà người nghe khéo
nhận thì Phật hiện. Đó là một lẽ thật.
Xưa ngài Lâm Tế hỏi Tổ Hoàng Bá: “Thế nào là
đại ý Phật pháp ?”. Tổ không trả lời mà lại đánh. Ba lần hỏi ba lần bị đánh.
Khi ngài Lâm Tế đến thiền sư Đại Ngu, thiền sư Đại Ngu nói: “Bà già Hoàng Bá
đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi”. Ngay
câu nói ấy ngài Lâm Tế đại ngộ. Đó là những giai thoại thiền cho chúng ta
thấy tâm lão bà tha thiết của các bậc Thầy. Ngày xưa khi khai ngộ như thế
thì được, ngày nay thì không được buộc lòng tôi phải nói, phải giảng cho
nghe. Song nói rồi phải khỏa lấp những dấu vết của việc giải thích bằng cách
dạy cho tọa thiền. Nếu người nghe không chiụ ứng dụng lời dạy bằng cách tọa
thiền, mà cứ mãi mê suy nghĩ luận đàm suông những kiến giải về thiền, về
chân tâm... thì lâu ngày sanh bệnh đa ngôn đa lự, nói nhiều là do nghĩ
nhiều.
Tóm lại hai câu kết Ni sư dạy chúng ta, nếu
không huớng ra ngoài để cầu Phật cầu thiền thì tâm an nhiên lặng lẽ. Tâm an
nhiên lặng lẽ thì không còn gì để trình thưa, không còn gì để đàm luận nên
nói nhọc miệng không lời, nói ra là mỏi miệng. Đa số chúng ta thì không sợ
cái miệng nhọc mà thích nói đủ thứ, nên không có giây phút nào yên lặng và
thân tâm luôn luôn trạo cử rộn ràng. Đây là bài kệ ý nghĩa thâm trầm của một
thiền sư ni Việt Nam đã thấy đạo đến chỗ rốt ráo.
|