THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ VẠN HẠNH

Thiền Sư Vạn Hạnh tịch năm 1018, năm sanh thì không rõ, Ngài thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 12. Tiểu sử của Ngài đã in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 53 cùng tác giả. Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài :

Âm :

                        Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

                        Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

                        Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,

                        Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch :

                        Thân như bóng chớp có rồi không,

                        Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng.

                        Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,

                        Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.

Giảng :

Bài kệ này lâu nay trong giới học Phật ai cũng biết và nhiều thuộc. Quí vị là người trong tông môn đã thuộc bài này chưa ? Cái hay của hàng tôn túc, chúng ta là con cháu trong tông môn,mà không biết không học đó là một khuyết điểm lớn. Nay tôi trích giảng quí vị học cho thấu đáo để rồi thực hành theo người xưa.

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”. Con người sống được sáu bảy mươi năm cho là dài là trường thọ. Nhưng khi già nhớ lại cuộc đời của mình từ bé đến già, thấy mau như bóng thoáng qua, nhƯ lằn điện xẹt, qua rồi mất qua rồi mất, tới tuổi già thân này cũng Aát luôn, không có gì lâu bền vững chắc cả. Thân này ví như cỏ cây, mùa xuân thì xanh tươi mùa thu thì héo khô rụng lá. Ý Ngài muốn nói con người và cảnh vật theo thời gian mà đổi thay còn mất, không có cái gì trường cữu vĩnh viễn. Cuộc đời và cảnh vật chuyển biến vô thường như vậy, Ngài dạy chúng ta có thái độ như thế nào để không trở thành người tiêu cực yếm thế ?

“Nhậm vận thạnh suy vô bố úy, thạnh suy như lộ thảo đầu phô”. Ngài bảo, mặc cho sự đời hưng thạnh hay suy vong, đừng lo sợ. Vì việc thạnh suy của cuộc đời chẳng khác nào hạt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Sáng sớm sương đọng óng ánh trên đầu ngọn cỏ, mặt trời lên ánh nắng chiếu rọi, sương khô từ từ rồi mất. Như vậy tất cả cái được cái có hiện giờ, theo thời gian rồi sẽ mất không lâu dài không bền chắc. Thế mà chúng ta hễ gặp thạnh thì vui gặp suy là buồn.

Cuộc đời vốn là vậy, thạnh hay suy tùy theo duyên, chẳng có gì đáng sợ. Vì giá trị của cuộc đời là con người, chớ không phải cảnh vật. Con người là chủ có tri giác khôn ngoan là quan trọng. Thế mà chủ (thân) giữ còn không được, huống gì cảnh vật còn mất làm sao giữ ? Chuyện mất còn của cảnh vật chỉ là lẽ thường. Nhiều khi chúng ta quên mình bệnh sắp chết, cứ nhớ tiền của còn hay hết, nhớ của hơn là nhớ mình. Có ai khờ như vậy không ? Cứ lo tiền của, lo sự nghiệp mà không nhớ lo cho bản thân mình. Thậm chí có nhiều người đem thân liều chết để được tiền của. Như vậy là khôn hay khờ ? Thế mà có những người dấn thân vào cái chết, để được tiền của một cách đáng thương. Nếu thấy rõ cuộc đời từ thân cho đến cảnh vật là một dòng biến chuyển đổi dời, có lúc thạnh có lúc suy không dừng trụ không cố định một chỗ, chỉ là lẽ thường của cuộc đời thí mình cũng xủ sự theo cái thường, không buồn lo không sợ hãi. Được vậy thì cuộc sống lúc nào cũng an vui. Còn nếu lo sợ thì xử sự không bình thường, lúc nào cũng lo, lo cho cái thân gìa bệnh chết, lo cho cảnh vật còn mất... Cứ thế mà lo mãi, tới chết cũng chưa hết lo, thật là khốn khổ. Đó là cái bệnh si mê của người không hiểu đạo.

Bốn câu thơ này Ngài dạy cho chúng ta thái độ sống an bình. Nếu chúng ta thấy các pháp đúng như thật thì dù cho cuộc đời có biến chuyển thạnh suy gì đi nữa, chúng ta vẫn an nhiên tự tại không buồn khổ. Đó là nói theo tinh thần của bài kệ. Nếu thấy rộng hơn nữa thì cuộc đời có vô thường, mới có vui có buồn. Như vừa rồi tôi đi Úc, tôi sửa soạn về, các Phật tử bên ấy nói: “Mau quá ! Thầy mới qua nay lại về !”. Tôi nói: “Cuộc đời vô thường, nhờ vô thường nên thầy lại trở về”. Nhờ vô thường nên vui một chút, nhờ vô thường cũng có buồn một chút. Biết vô thường thì thôi, vô thường đều là chuyện tốt. Thân này khi mới sanh ra nặng tối đa là bốn kí lô, nhờ vô thường biến chuyển từ nhỏ tới lớn nặng năm sáu chục kí lô. Nếu cố định không biến chuyển thì giờ này chúng ta vẫn nằm trong nôi, cựa quậy chòi đạp chớ không làm được việc gì. Nhờ vô thường nên mới khôn lớn, chuyển biến hết thời kỳ tăng tời thời kỳ giảm, thân già bệnh từ giả cõi đời này, qua cõi đời khác mới hơn vui hơn. Bỏ thân cũ kỹ già bệnh, được thân mới khỏe mạnh là vui. Giống như chiếc xe cũ không còn xài được bỏ đi, nhận chiếc xe mới tốt hơn thì vui chớ có gì mà sợ !

Cuộc đời là một dòng vô thường chuyển biến không dừng, thế mà chúng ta chỉ muốn nó chuyển ở thời kỳ tăng, tức là chuyển tới ba bốn mươi tuổi ngừng ngang đó, không muốn chuyển ở thời kỳ giảm, chuyển tới sáu bảy mươi tuổi thì buồn. Tội nghiệp các cụ già, ngồi lại thì kể chuyện trai tráng của thời oanh liệt, ít khi kể chuyện của tuổi già như nhổ cái răng đau, ăn cơm bị nghẹn nuốt không xuống... Như vậy là muốn chuển tốt chớ không muốn chuyển xấu, chuyển xấu thì sợ lắm, không dám nhìn thẳng. Đó là tướng trạng vô thường của nội thân và ngoại vật.

Giờ đây nói đến biến chuyển của tâm niệm, tâm niện của con người sanh diệt từng sát na, vừa khởi lại diệt. Nhờ có biến chuyển nên từ con người háo danh tham lợi, chúng ta từ bỏ trở thành người cao thượng xem thường lợi danh. Nhờ có biến chuyển mà từ con người phàm vươn lên thành Thánh. Nếu không có biến chuyển thì con người ù lì không tiến bộ, và cũng chẳng cần tu sửa. Như vậy biến chuyển có dở mà cũng có hay. Hiểu lý vô thường rồi, chúng ta khéo xoay chiều cho nội tâm chuyển hướng theo chiều tốt thánh thiện, không cho chuyển theo chiều thấp hèn phàm tục. Nếu chúng ta biết được sự chuyển biến của thân tâm và cảnh vật, chúng ta sống đời tự tại an nhiên, không lo sợ trước mọi đổi thay của thế sự. Ngược lại thì chúng ta cũng buồn sũng sợ như người thế gian không khác, vậy thì chúng ta có tu hành gì ?

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM