THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ ĐẠI XẢ

Thiền sư Đại Xả họ Hứa, quê ở phường Đông Trác nay thuộc Hà Đông, sanh năm 1120 tịch năm 1180, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu sử của ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 170 cùng tác giả. Sau đây là bài kệ thị tịch :

Âm :               

            Tứ xà đồng kiếp bổn lai không,

            Ngũ uẩn sơn cao diệt bất công.

            Chân tánh linh minh vô quái ngại,

            Niết bà sanh tử nhậm già lung.

                       

            Thạch mã xỉ cuồng nanh,

            Thực miêu nhật nguyệt minh.

            Đồ trung nhân cộng quá,

            Yên thượng nhân bất hành.

Dịch :

            Bốn rắn chung rương trước giờ không,

            Núi cao năm uẩn đâu chủ ông.

            Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,

            Niết bàn sanh tử mặc che lồng.  

                

            Ngựa đá nhe răng cuồng,

            Ăn mạ nsgày tháng kêu.

            Đường cái người đồng qua,

            Trên ngựa người chẳng đến.

Giảng :

“Tứ xà đồng kiếp bổn lai không”. Tứ xà là bốn con rắn, kiếp là cái rương, đúngra là cái giỏ hay cái chum. Bổ lai không là xưa nay không thật. “Tứ xà đồng khiếp” xuất xứ từ những kinh luận sau đây : Kinh Kim Cang Minh Tối Thắng Vương, Luận Trí Độ quyển 22, kinh Đại Niết Bàn quyển 23, Đạt Ma Đa la Thiền kinh. Tại sao Phật Tổ hay dùng câu này ? Vì sắc thân con người do đất nước gió lửa hợp thành. Chất cứng thuộc về đất, chất ướt thuộc về nước, động thuộc về gió, ấm thuộc về lửa. Thân chúng ta hiện có đây do bốn chất căn bản đó hợp thành, chúng hợp mà không hòa, luôn luôn chống trái không thuận. Vì chống trái nhau nên thân này giống như cái giỏ đựng bón con rắn vậy. Bốn con rắn đựng trong cái giỏ luôn luôn chống trái nhau. Rắn hổ lửa thì chống với rắn nước. Rắn hổ mây thì chống với rắn hổ đất. Do bốn rắn chống trái nhau, nên lúc nào chúng ta cũng thấy khó chiụ. Nếu thiếu lửa thì thân này lạnh phát run, dư lửa thiếu nước thân gầy nóng bức, dư nước dư đất thân mập mạp nặng nề, dư gió thì thân mình đau nhức. Như vậy bốn đại hợp lại thành thân người, tuy nó ở chung mà đối nghịch nhau. Muốn được bình an chúng ta phải theo dõi canh chừng để đều hòa bốn con rắn ấy. Chúng ta nuôi bốn con rắn trong một cái giỏ mà nó cứ cắn lộn nhau hoài, điều phục cho nó nằm yên là làm một việc rất cay đắng chứ không phải dễ. Như vậy ngày nào cái giỏ hư, bốn con rắn chạy ra thì ngày đó chúng ta khỏi điều phục, khỏe quá rồi. Tạo sao cái giỏ hư hoại bốn con rắn sắp đi mỗi đứa mỗi nơi, chúng ta tiết nuối lo sợ ? Có phải chúng ta mãi mãi thích làm kẻ điều hòa bốn con rắn không ? Sống cả đời sáu bảy mươi năm quí vị xét kỹ xem mình đã làm gì ? Có phải chỉ lo điều hòa bốn con rắn không ? Hôm nay nghe trong người hơi nóng, tìm thứ gì mát ăn vô. Ngày mai nghe trong bụng hơi lạnh sôi ruột, phải kiếm thứ gì ấm ấm ăn vô. Cứ như thế mà làm từ năm này đến tháng nọ. Lo cho đến ngày cuối cùng thì sao ? Thân này tan rã bốn đại phân tán, giống như cái giỏ mục nát bốn con rắn mỗi con chạy mỗi nơi. Khi ấy ông chủ nghĩ sao về tương lai ? Có nên kiếm cái giỏ khác chắc chắn hơn bắt rắn về nuôi nữa, hay là để nó chạy đi cho ông chủ được thảnh thơi sung sướng ?

Người nào muốn tiếp tục nuôi rắn là khờ khạo. Người nào hoan hỷ cho bốn con rắn tự do ra đi để mình đươc tự do là người khôn. Thế mà lắm người mất thân này, mong kiếm thân sau đẹp và khỏe mạnh hơn. Đó là người thích bắt rắn về nuôi, hay nói cách khác là chấp nhận đi trong luân hồi sanh tử. Qua ví dụ này, thấy chúng ta thật đáng thương, cả mấy chục năm trời chỉ lo nuôi dưỡng điều hòa bốn đại, cuối cùng nó cũng tan rã, không ai giữ được lâu dài mà cứ lo nuôi nó hoài, có vô lý không ? Thứ nữa, lẽ ra bốn đại tan rã thì mình vui mừng, vì thoát được cái ách đau khổ, nhưng trái lại khi nó sắp tan hoại chúng ta lại tiết rẻ khóc than. Bốn con rắn nó phá hoài mà lại thương, muốn tìm điều kiện để tiếp tục nuôi ! Thật vô lý ! Chẳng những hiện tại vô lý mà tương lai cũng vô lý. Đức Phật thấy rõ cái vô lý ấy mới dạy chúng ta thoát ra, đó là thoát ly sanh tử luân hồi. Nghĩa là đời này lỡ bốn con rắn thì phải cho ăn cho uống, nhưng đến khi cái giỏ mục nát bốn con rắn chạy đi, ông chủ vui cười, không lo sợ, nếu lo sợ là tiếp tục nuôi rắn, là còn luân hồi sanh tử. Như vậy giải thoát sanh tử không có gì lạ là không tiếp tục nuôi rắn nữa. Phải nhớ, ông chủ không thèm nuôi rắn, chứ không phải không có bốn con rắn là không có ông chủ. Thường chúng ta sợ mất rắn rồi mất mình luôn. Rắn đi mất chứ ông chủ thì bất sanh bất diệt. Hiểu tường tận chỗ này chúng ta mới thấy Phật Tổ tha thiết dạy chúng đừng dại khờ tiếp tục nuôi rắn, rốt cuộc chỉ là khổ đau. Phật Tổ thường dan kinh luận để nhắc chúng ta, đối với thân này phải biết nó như cái giỏ nuôi bốn con rắn, từ xua tới giờ nó không thật. Biết được như vậy thì không còn tự hào ngã mạn, không còn thấy mình là quí là cao. Biết được như vậy là người thấy được lẽ thật, thấy được lẽ thật này mới là tu, tu một cách chân chính. Chỉ một câu đầu của bài kệ đủ nhắc chúng ta tỉnh giác rồi.

“Ngũ uẩn sơn cao diệt bất tông”. Nghĩa là núi cao năm uẩn đâu chủ ông. năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bốn đại hay bốn con rắn nói ở câu đầu là sắc uẩn, sắc uẩn thuộc về phần sắc chất, thọ, tưởng, hành, thức thuộc về phần tinh thần. Thân năm uẩn có hai phần sắc chất và tinh thần, nó không có chủ tể, chỉ là tướng giả dối tạm bợ. Ý hai câu này dạy chúng ta không nên chấp thân giả hợp tạm bợ này vì nó không thật bền.

“Chân tánh linh minh vô quái ngại, Niết bàn sanh tử nhậm già lung”. Chân tánh sáng ngời không chướng ngại, Niết bàn sanh tử mặc che lồng. Nơi thân năm uẩn có chân tánh sáng ngời không ngăn che không chướng ngại. Niết bàn sanh tử là hai từ đối đãi che đậy khiến chân tánh không hiển lộ được. Chân tánh không hình tướng, hằng sáng ngời không có tên Niết bàn hay sanh tử. Vì muốn cảnh tỉnh chúng ta chạy theo niệm sanh diệt, đức Phật nói Niết bàn là vô sanh để phá niệm sanh diệt. Niết bàn và sanh tử là ngôn ngữ giả lập thuộc về tươ`ng đối đãi, nếu còn đối đãi là còn che đậy. Lại nữa chân tánh sáng suốt nơi mỗi người vượt ngoài tướng đối đãi, nếu dùng danh từ đối đãi để nói là làm cho nó bị che khuất. Chỉ có bốn câu kệ mà Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy tường tận thân tâm này phần nào là hư dối tạm bợ, phần nào là hằng hữu chân thật. Và, Ngài cũng nói rõ nếu còn dùng ngô ngữ để đặt tên để diễn tả chân tánh là còn làm chướng ngại ngăn che, chân tánh không hiển lộ. Như vậy người tu muốn đến chỗ cứu cánh thì không được kẹt dính ở hai bên, nếu còn kẹt hai bên thì không thoát khỏi sanh tử. Bốn câu này đơn giản mà đầy đủ ý nghĩa, hướng dẫn chúng ta tiến tới đạo lý chân thật.

“Thạch mã xỉ cuồng nanh, thực miêu nhựt nguyệt minh”. Nghĩa là ngựa đá nhe răng cuồng, ăn mạ ngày tháng kêu. Hai câu này Ngài nói nghe lạ lùng làm sao ! Ngựa đá mà biết nhe răng biết ăn mạ và biết kêu. Nói như thế thật là vô lý ! Tuy nhiê, Ngài dùng những ngôn ngữ vô lý như vậy để nói cho chúng ta không suy nghĩ. Chuyện không hề có mà vẫn nói, nói cho người nghe không có chỗ để suy gẫm. Thế nên trong nhà thiền có câu : “Suốt ngày nói mà không động lưỡi,suốt ngày ăn cơm mà không dính răng”. Tức là nói mà không cho suy nghĩ, nghe rồi bặt tâm tư. Các Ngài không dạy pháp tu nào cả, chỉ bảo chúng ta buông hết mọi nghĩ suy. Nghe mà không cho suy nghĩ phân biệt phải quấy hay dở, vậy có tu chưa ? - Đó là chỗ kỳ đặc của nhà thiền ! Nghe nói “Ngựa đá nhe răng cuồng, ăn mạ ngày tháng kêu”, chúng ta suy nghĩ cái gì ? Nghe câu nói vô lý thì bặt nghĩ suy.

“Đồ trung nhân cộng quá, mã thượng nhân bất hành”. Đường cái người cùng qua, trên ngựa người chẳng đến. Đường cái thì ai cũng đi, chuyện đó là chuyện rất bình thường, chính cái bình thường đó là kết quả tốt . Người ngồi trên ngựa thấy không đi, không đi mà đến chỗ đặc biệt. Như vậy đạo lý chân thật không phải ở chỗ kỳ đặc mà ở ngay trong cái bình thường, nếu chúng ta nhận ra và biết sống thì được giải thoát. Tóm lại ý hai câu này Ngài dạy chúng ta thấy cái bình thường là cái đưa chúng ta đến gần với đạo. Chỉ có bốn câu kệ mà Ngài đã nói lên lý thiền cho mọi người nhận ra.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM