Âm :
Tại quang tại trần,
Thường ly quang trần.
Tâm phủ trần triệt,
Dữ vật vô thân.
Thể ư tự nhiên,
Ứng vật vô ngân.
Tông thượng nhị nghi,
Đào thải nhân luân.
Đình độc vạn vật,
Dữ vật vi xuân.
Tác vũ thiết nữ,
Đã cổ mộc nhân.
Dịch :
Ở chỗ sáng bụi,
Thường lià sáng bụi.
Tâm phủ bóng tột,
Cùng vật không thân.
Thể vốn tự nhiên,
Hiện vật không thiên.
Tài bằng trời đất,
Vượt cả nhân luân.
Ngăn độc môn vật,
Cùng vật làm xuân.
Đứng múa gái sắc,
Đánh trống người cây.
Giảng :
“Tại quang tại trần, thường ly quang trần”. Ở
chỗ áng sáng bụi trần thường lià ánh sáng bụi trần. Tại sao ở trong ánh sáng
ở trong bụi trần mà thường lià ánh sáng thường lià bụi trần ? Ví dụ khoảng
hư không trong nhà này, sáng sớm ánh sáng mặt trờ chiếu vào, nhìn khoảng
không chúng ta thấy có bụi bặm lăng xăng. Bụi thì xao động mà ánh sáng và hư
không thì không động. Ánh sáng và bụi ở trong hư không, nhưng hư không không
phải là ánh sáng không phải là bụi, nó không rời ánh sáng và bụi. Nếu nó là
ánh sáng thì khi ánh sáng hết hư không cũng mất, Nếu hư không là bụi thì bụi
hết thì hư không cũng không còn. Hư không trước sau vẫn là hư không. Ánh
sáng suyên qua thì thấy có ánh sáng, nhờ có ánh sáng nên thấy bụi lăng xăng.
Có ánh sáng có bụi, nhưng ánh sáng và bụi không phải là hư không. Hư không
trùm cả ánh sáng và bụi, nhưng không phải ánh sáng không phải bụi, nên nói ở
chỗ sáng bụi thường lià sáng bụi.
“Tâm phủ trần triệt, dữ vật vô thân”. Tâm phủ
lóng tột, cùng vật không thân. Tức là tâm tư chúng ta lóng lặngkcùng tột thì
không còn dính kẹt với sự vật bên ngoài.
Tóm lại, từ câu kệ thứ nhất đến câu này, Ngài
chỏ cho thấy nơi mỡi người có tâm thể không phải là sắc chất (bụi) không
phải là tinh thần (ánh sáng). Ngay trong thân sắc chất này có phần tinh
thần (vọng tưởng), tâm thể chân thật không phải sắc chất cũng không phải
tinh thần (vọng tưởng). Như vậy khi lóng lặng vọng tưởng tâm an định không
còn dính mắc nơi thân cảnh thì thể chân thật hiện bày.
“Thể ư tự nhiên, ứng vật vô ngân”. Tâm thể đó
không ai làm ra, nó sẵn vậy, nó ứng hiện ra muôn vật mà không có tỳ vết. Ví
dụ như hình ảnh ở ngoài hiện trên mặt gương, chúng ta nhìn gương thấy ảnh
người ảnh cảnh. Khi ảnh người ảnh cảnh không còn, chúng ta nhìn vào gương.
Thấy mặt gương nguyên vẹn không có tỳ vết gì cả. Cũng vậy, tâm thể chúng ta
ứng vật hiện hình đủ thứ, mà không hiện tượng nào làm cho nó tỳ vết, cho nên
:
“Tông tượng nhị nghi, đào thải nhân luân”. Làm
nên trời đất, loại bỏ loài người. Nghĩa là một bên làm nên, một bên loại bỏ,
ý nói rằng nó trùm cả trời đất và loài người, không có cái gì ngoài nó.
“Đình độc vạn vật, dữ vật vi xuân”. Ngăn độc
cho vạn vật, cùng vật làm xuân. Nghĩa là tâm thể này không phá hoại sự vật
mà còn làm cho vạn vật càng thêm tươi tốt. Ở đây Ngài muốn diễn tả cho chúng
ta thấy tâm thể không những làm nên con người mà còn bao trùm cả trời đất,
nó là cái thể của nhân loại, của muôn vật chứ không riêng của một ai.
“Tác vũ thiết nữ, đả cổ mộc nhân”. Cô gái bằng
sắc đứng múa, người bằng gỗ đánh trống. Gái sắc làm sao biết múa, người gỗ
làm sao biết đánh trống ? Vật vô tri mà có động tác là ngầm ý nói đến diệu
dụng nhiệm màu của thể chân thật, hay nói Bát Nhã vô tri mà vô bất tri. Bát
Nhã chỉ cho thể chân thật. “Vô tri) là không biết mà (Vô bất tri) là không
có cái gì không biết. Gái sắc và người gỗ là vô tri mà múa và đánh trống
được là vô sở bất tri, đó là theo lý Bát Nhã. Đứng về mặt chân không diệu
hữu mà nói, thì gái sắc và người gỗ là thể chân không, biết múa và biết đánh
trống là diệu hữu. Ngay nơi thể chân không có cái diệu hữu. Chân không diệu
hữu không rời nhau. Đó là giảng theo kinh. Nếu giảng theo thiền thì gái sắc
biết múa và người gỗ biết đánh trống là câu nói phi lý, giống như câu thần
chú, nói để người nghe không còn suy nghĩ phân biệt. Không suy nghĩ phân
biệt mới hợp với thể chân thật. Hai câu này cho chúng ta thấy người xưa dùng
từ ngữ rất là kỳ đặc chúng ta nghe thấyb lạ lùng. Chính cái kỳ đặc lạ lùng
đó, khiến người nghe có căn cơ nhạy bén, lãnh hội được chỗ cứu cánh chân
thật.
|