Âm :
Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,
Biến hóa linh thông hiện bảo
tướng,
Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,
Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.
Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
Quan lai bất kiến như hữu tướng,
Thế gian vô vật khả tỷ huống,
Trường hiện linh quang, minh lãng
lãng.
Trường thời diễn thuyết bất tư
nghì,
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.
Dịch :
Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,
Biến hóa linh thông bày tướng báu,
Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,
Hóa thân ứng hiện đâu tính được.
Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,
Xem ra nào thấy có tướng gì,
Thế gian không có vật để sánh,
Thường hiện linh quang sáng khắp
nơi.
Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,
Không có một lời cho thỏa đáng.
Giảng :
“Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn, biến hóa
linh thông hiện bảo tướng”. Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở, biến hóa linh
thông bày tướng báu. Khi thân tâm liễu ngộ thì mắt trí tuệ mở sáng, mắt tuệ
mở sáng rồi thì biến hóa linh thông và tướng bàu hiện. Ý hai câu này nói khi
thân tâm người tu đã liễu ngộ, thì có thần thông biến hóa diệu dụng khôn
lường. Ở đây Ngài nói bày tướng báu, tướng báu chỉ cho thể bất sanh bất
diệt. Thân sanh diệt là cái tầm thường, thể bất sanh bất diệt đối với thân
sanh diệt thì quí hơn nên nói là tướng báu. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật dụ
tướng báu là hạt minh châu. Như vậy người học đạo muốn mắt trí tuệ mở sáng
không cần tìm ở đâu xa, mà phải xoay lại mình, ngay nơi thân tâm này mà ngộ
được thể tánh thì trí tuệ mở sáng. Người thế gian cũng có trí tuệ, nhưng trí
tuệ thế gian khác với trí tuệ Phật. Trí tuệ thế gian là trí thông minh biết
được nhiều việc, nhưng không biết các pháp đùúng như thật. Còn trí tuệ Phật
là trí tuệ thấy biết đúng như thật, biết rõ tướng sanh diệt của các pháp,
nên không bị mê hoặc lôi cuốn. Nhận ra thể bất sanh bất diệt thì không chạy
theo ảo ảnh tạm bợ bên ngoài.
“Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên, ứng hiện
hóa thân bất khả lượng”. Đi đứng nằm ngồi riêng vững vàng, hóa thân ứng hiện
đâu tính được. Nghĩa là khi ngộ được thể chân thật rồi thì trong bốn oai
nghi đi đứng nằm ngồi, thể chân thật hiện tiền không thiếu vắng, nên nói là
vững vàng. Và, khi ngộ được thể chân thật thì ngang đây chẳng phải không còn
gì cả, mà tùy duyên ứng hóa thân để làm lợi ích cho chúng sanh, có duyên với
chúng sanh ở đâu thì ứng hiện đến đó giáo hóa.
“Tuy nhiên sung tắc biến hư không, quan lai
bất kiến như hữu tướng”. Mặc dù đầy dẫy cả hư không, xem ra nào thấy có
tướng gì. Mặc dù thể chân thật đầy cả hư không nhưng nhìn xem thì không có
tướng mạo. Tại sao đầy cả hư không mà không có tướng mạo ? Hư không thì
không hình tướng, thể chân thật trùm cả hư không cũng không có hình tướng.
Nếu có hình tướng thì không thể trùm cả hư không. Ví dụ như chúng ta thắp
một ngọn đèn để trong nhà, ánh sáng của ngọn đèn trùm hết khoảng hư không
trong nhà. Vì ánh sánh không có tướng mạo bằng sắc chất nên trùm hết khoảng
hư không trong nhà, nếu ánh sáng có hình tướng sắc chất như cái tử cái bàn,
thì chỉ chiếm một khoảng hư không bằng cái tủ cái bàn mà thôi. Cũng vậy, tâm
thể thanh tịnh không tướng mạo nên trùm cả hư không, vì không tướng mạo nên
không thấy tướng.
“Thế gian vô vậy khả tỷ huống, trường hiện
linh quang minh lãng lãng”. Thế gian không vật để so sánh, thường hiện linh
quang sáng khắp nơi. Ở thế gian không có vậy gì để so sánh với tâm thể chúng
ta hết. Tại sao ? Vì tất cả sự vật ở thế gian đều có hình tướng, hễ có hình
tướng là do duyên hợp thành bị vô thường chi phối, nên không so sánh được
với tâm thể bất sanh bất diệt. Tuy không có gì so sánh được, nhưng ánh sáng
nhiệm mầu của tâm thể thường hiển hiện ở khắp mọi nơi không giới hạn.
“Thường thời diễn thuyết bất tư nghì, vô đắc
nhất ngôn dĩ vi đáng”. Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn, không có một lời
cho thỏa đáng. Tức là nghĩa lý luôn luôn diễn nói nhưng không thể nghĩ bàn,
nói nhiều mà không một lời để nói. Vì tất cả ngôn ngữ đều không thật, nên
không thể nói đến được. Do đó hỏi thế nào là Phật ? Chỉ ngồi im là thỏa đáng
nhất, còn nói ra lời gì cũng chỉ là tạm mượn phương tiện ngôn ngữ để nói vậy
thôi.
Tóm lại, bài kệ này Ngài nhắc người tu phải
khéo nhận ra ngay nơi thân tâm này có cái thể chân thật. Nhận ra tạm gọi là
ngộ đạo, và trong mọi oai nghi nó đều hiện tiền. tâm thể này không có hình
tướng nên trùm cả hư không, khi hằng sống với nó thì tùy duyên ứng hóa làm
lợi ích chi chúng sanh. Ở thế gian không có vật gì để so sánh, không có ngôn
ngữ nào diễn tả nó được. Tuy nhiên ánh sánh nhiệm mầu của thể chân thật tỏa
khắp mọi nơi.
|