THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ MINH TRÍ

Thiền sư Minh Trí họ Tô tên Thiền Trí, quê làng Phù Cẩm, không biết năm sinh chỉ biết năm tịch là 1196, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 191 cùng tác giả. Sau đây là bài kệ đối đáp giữa Ngài với một vị tăng :

Âm :

            Giáo ngoại khả biệt truyền,

            Hy di Tổ Phật uyên.

            Nhược nhân dục biện đích,

            Dương diệm mích cầu yên.

Dịch :

            Giáo ngoại nên biệt truyền,

            Lâu xa Tổ Phật riêng.

            Nếu người muốn phân biệt,

            Ánh nắng tìm khói mây.

Giảng :

“Giáo ngoại khả biệt truyền, hy di Tổ Phật uyên”. Giáo ngoại nên biệt truyền, lâu xa Tổ Phật riêng . “Hy di” nghĩa là lâu xa, cũng có nghĩa là nhiệm mầu. Tức là lý giáo ngoại biệt truyền của Phật Tổ rất là nhiệm mầu rất là sâu xa.

“Nhược nhân mục biện đích, dương diệm mích cầu yên”. Nếu người muốn biện rõ, ánh nắng tìm khói mây. Giáo ngoại biệt truyền là chỗ sâu xa vi diệu. Người muốn tìm thấy nó chẳng khác nào giữa trưa nắng mà tìm khói mây. Tại sao ? Vì thể chân thật do chư Phật chư Tổ truyền riêng không phải lời dạy thông thường trong kinh điển. Chúng ta phải lưu ý từ ngữ giáo ngoại và biệt truyền, giáo ngoại là ngoài giáo lý, biệt truyền là truyền riêng. Như chúng ta biết lời Phật dạy được ghi lại trong kinh để chúng sanh nương theo tu hành, giáo lý ấy tất là sâu xa mầu nhiệm, ở đây nói ngoài giáo lý truyền riêng là truyền cái gì ? Vậy Tổ có cái gì riêng đặc biệt chăng ?

Người học thiền ai cũng biết câu chuyện “niêm hoa vi tiếu”. Trong nhà thiền thường nhắc đến giai thoại Phật ở trong hội Linh Sơn, đưa cành hoa sen lên nhìn khắp đại chúng. Cả hội chúng đều im lặng, chỉ riêng ngài Ma ha Ca Diếp nhìn Phật chúm chím cười. Đức Phật bảo : “Ta có chánh pháp nhãn tạng Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, nay phó chúc cho ông, ông khéo giữ gìn và làm hưng thịnh cho đời sau”. Cả hội chúng đông, tại sao đức Phật chỉ phó chúc riêng cho ngài Ma ha Ca Diếp ? Như vậy tâm Phật có bất bình đẳng không ? Tâm Phật không bất bình đẳng. Chỗ này ai lãnh hội được thì nhận ra, biểu hiện bằng một cử chỉ. Ngài Ma ha Ca Diếp hội biểu hiện bằng một nụ cười, nên phật ấn chứng. Truyền riêng là như vậy. Ví dụ như hiện giờ tôi giảng cho tăng ni nghe, đến một giai đoạn kinh Phật dạy, hay câu nói của Tổ hàm súc ý nghĩa sâu xa, tôi cảm nhận được chỗ thâm thúy tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong đại chúng vị nào lãnh hội được thì mắt sáng lên, miệng chúm chím cười. Còn người không lãnh hội được thì xao lãng, hoặc nhắm mắt mơ màng ngủ gục. Đối với người lãnh hội được thì thầy gật đầu thông cảm, trò được thầy cảm thông coi như được hiểu rêng, truyền riêng. Những người lờ mờ làm sao cảm thông được với ông thầy ? Mới nghe qua chúng ta thất ông thầy dường như bất công, chỉ truyền riêng cho một người. Nhưng sự thật thì ông thầy thuyết pháp cho hội chúng nghe với tâm bình đẳng, không nhắm riêng một người. Như đức Phật đưa cành hoa lên nhìn cả đại chúng chớ không nhìn riêng ngài Ma ha Ca Diếp, nhưng chỉ có ngài Ma ha Ca Diếp hội ý, nhìn lên đức Phật với ánh mắt sáng ngời, miệng cười chúm chím, nên đức Phật ấn chứng. Vậy Phật đâu có tâm riêng tư. Hiểu như thế chúng ta mới thấy việc truyền riêng ngoài giáo lý, có ý nghĩa rất mầu nhiệm sâu xa, là một lẽ đương nhiên không có gì lạ lùng hết. Do đó nên nói muốn tìm hiểu lẽ thật này không khác nào tìm khói trong nắng chang chang, tìm mây vào lúc trời trong sáng. Vì việc truyền riêng này không do biện biệt tìm kiếm mà hiểu được.

Sau đây là bài kệ thị tịchcủa Ngài :

Âm :

            Tùng phong thủy nguyệt minh,

            Vô ảnh diệt vô hình.

            Sắc tướng giá cá thị,

            Không không tầm hưởng thinh.

Dịch :

            Gió tùng trăng nước sáng,

            Không bóng cũng không hình.

            Sắc tướng chỉ thế ấy,

            Trong không tìm tiếng vang.

Giảng :

“Tùng phong thủy nguyệt minh, vô ảnh diệc vô hình”. Gió tùng trăng nước sáng, không bóng cũng không hình. Gió thổi cành tùng và bóng trăng sáng ở dưới nước có thật có hình tướng thật không ? Gió thổi thấy cành tùng xao động thì biết có gió, chớ đâu thấy được hình tướng gió ra sao. Thấy bóng trăng ở dưới nước chúng ta có vớt được bóng trăng không ? Có bóng trăng mà không có mặt trăng thật, nên nói “Không bóng cũng không hình”. Chữ ảnh ở đây nghĩa là tướng thì đúng hơn, nhưng vi chữ ảnh phải dịch là bóng. Vậy gió thổi cành tùng, bóng trăng đáy nước, hai cái đó có mà không có tướng thật.

“Sắc tướng giá cá thị, không không tầm huởng thinh”. Sắc tướng chỉ thế ấy, trong không tìm tiếng vang. Sắc tướng của sự vật trên thế gian này chỉ thế ấy, nó như bóng trăng đáy nước, như gió thổi cành tùng, thảy đều là ảo tướng chớ không có thật, Nếu chúng ta muốn tìm cho ra nó chẳng khác nào trong hư không mà tìm tiếng vang. Tiếng vang có nhưng tìm hình tướng thì không ra.

Tóm lại bài kệnày Ngài dạy rằng, mọi hình tướng của các pháp trên thế gian đều không có thật, giống như gió thổi cành tùng, như bóng trăng dưới nước. Muốn tìm ra hình tướng của các pháp thế gian, chẳng khác nào tìm âm vang của tiếng. Ngài nói như vậy là để phá chấp chúng sanh cho tất cả sự tướng là có thật.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM