Âm :
Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xư hành.
Dịch :
Lìa tướng mới bàn câu tịch diệt,
Được vô sanh sau nói vô sanh.
Làm trai có chí xông trời thẳm,
Chớ dẫm Như Lai vết đã qua.
Giảng:
Bài kệ này tuy có bốn câu, nhưng ý nghĩa thật
là tuyệt diệu. “Ly tịch phương ngôn tịch diệc khứ, sanh vô sanh hậu thuyết
vô sanh”. Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt, được vô sanh sau mới nói vô sanh.
Hai câu này nói lên cái thật thà của người chân tu, điều mình đã sống được
mới nói lên để sách tấn cho người tiến, cái mình chưa được thì không nói, vì
lời nói đó là lời nói rỗng không lợi ích. Ngài dạy phải lìa tướng tịch diệt
mới bàn câu tịch diệt, nhận được lý vô sanh mới nói về lý vô sanh. Ý này
người đời thường dùng ví dụ để nói : ra khỏi cái lu mới diễn tả được cái lu,
còn ngồi trong cái lu chỉ tả được phần bên trong của cái lu, chớ không diễn
tả được toàn thể cái lu. Cũng vậy, chúng ta khi tu tâm yên lặng, mình còn ở
trong trạng thái yên lặng thì không diễn tả được cái yên lặng. Chừng nào
chúng ta thật sự yên lặng và thật sự tự tại, không kiềm giữ mà tâm vẫn yên
lặng, chừng đó diễn tả mới đúng. Mới vừa yên liền nói tôi yên lặng rồi,
nhưng ra gặp cảnh bị chao đảo thì cái yên lặng đó chưa phải yên lặng thật.
Chừng nào chúng ta nhận ra thể thanh tịnh, hằng sống với nó trong tịnh cũng
như trong động không chao đảo mới thật là yên. Quí vị nhớ kỹ chỗ này. Đừng
tưởng lầm ngồi yên chừng năm mười phút là đã yên, liền khoe tâm con thanh
tịnh lắm, nhưng khi ra ngoài chạm cảnh thì cũng sân si như ai, đó là tự làm
mất uy tín mình. Và, nếu chúng ta sống được với thể vô sanh rồi thì mới nói
đến lý vô sanh. Nếu chưa được mà nói thì e không đúng. Hai câu này Ngài dạy
người tu phải có thực chứng rồi hãy nói, chưa chứng mà nói là nói rỗng để
khoe khoang thì xa rời thực tế, hạnh giải chẳng tương ưng không lợi ích.
“Nam nhi tự hữu xung thiên chí,hưu hướng Như
Lai hành xứ hành”. Làm trai có chí xông trời thẳm, chớ dẫm Như Lai vết đã
qua. Nam nhi là chỉ cho người có ý chí mạnh mẽ, quyết tâm đi trên đường đạo
cho đến cùng, dù là nam hay nữ cũng gọi là nam nhi trượng phu. Còn người có
tướng nam mà ý chí nhu nhược lười biến thì không xứng đáng gọi là nam nhi
theo nghĩa này. Nam nhi tự có chí xung thiên theo ngôn ngữ Việt Nam gọi là ý
chí ngất trời, ý chí ngất trời là sao ? Ở thế gian người đi học thì quyết
học cho tới nơi tới chốn, gặp khó khăn không bỏ dở, đó là người có ý chí,
nhưng còn giới hạn. Hoặc người làm việc lợi ích cho nhiều người dù gặp khó
khăng chướng ngại cũng vượt qua, quyết tâm làm cho đến nơi đến chốn, đó cũng
là người có ý chí, nhưng chưa ngất trời. Ý chí ngất trời là ý chí của người
vượt ra khỏi tam giới không còn hạn cuộc ở phạm vi nào hết. Song người có ý
chí đó “Chớ dẫm Như Lai vết đã qua”. Nghĩa là chớ nhắm lối đi của Như Lai để
đi. Câu này ít ai dám dịch. Vì chúng ta tu ai cũng noi theo gương của Phật
mà thực hành, đi theo non đường của Phật đã đi. Nhưng ở đây nói không đi
theo lối đi của đức Phật, vậy đi đường nào ? Đi theo ai ? Có nhiều người đọc
câu này họ rất e ngại, nếu đi khác đường của Phật đã đi thì đi đường tà sao
? Chúng ta phải hiểu cho tường tận ý câu này. Đây là một câu nói có ý nghĩa
giáo ngoại biệt truyền. Tại sao ? Vì nếu còn nương theo giáo lý của đức Phật
dạy trong kinh để tu thì còn có chỗ nương tựa, chưa thoát khỏi tướng văn tự.
Theo Ngài, tu là phải vượt ngoài văn tự, gọi là không theo lối Phật đã đi.
Ngài Vân Môn một hôm ở trong chúng đưa cây gậy
lên nói :
“Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích
nó là không, Duyên Giác gọi nó là huyễn có, Bồ tát nói đương thể tức không,
Thiền gia thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được
động đến”. Phàm phu mê lầm, thấy cây gậy có hình tướng sờ mó được cho cây
gậy là thật có. Hàng Nhị thừa thấy cây gậy liền phân tích : Cây gậy hiện có
đây mai kia sẽ cũ, rồi hư mục, hoại mất thành không. Duyên Giác quán sát cây
gậy do nhân duyên sanh. Do tứ đại chung hợp mới có cây gậy, cây gậy do duyên
hợp mới có, nên không thật, như huyễn như hóa. Bồ tát thấy cây gậy đương thể
tức không, nghĩa là thấy cây gậy do duyên hợp mà có nhưng không có tự tánh
cố định nên nói đương thể tức không. Đương thể tức không nghĩa là hiện tướng
của nó thì tạm có nhưng thể nó là không. Đó là cái nhìn thấu đáo bằng trí
tuệ của Bồ tát. Như vậy cái nhìn cây gậy của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát
đều căn cứ vào giáo lý Phật dạy. Còn thiền sư thì thấy cây gậy là cây gậy,
không thêm một miệm nào. Đó là cái đaăc biệt của Thiền tông. Như trước đã
nói hàng Thanh văn nhìn cây gậy dùng trí tuệ quán sát theo giáo lý vô thường
của Phật dạy, thấy ngày nay có mai kia bị cũ mục hoại đi và trở thành không.
Quán như vậy là người trí là người thức tỉnh. Còn Duyên giác nhìn cây gậy
thấy nó hư huyễn là y theo giáo lý quán các pháp như huyễn của Phật dạy.
Quán các pháp như huyễn cũng dùng trí tuệ để quán, quán thấy duyên hợp có
rồi tan cho nê nói là huyễn hóa. Bồ tát nhìn cây gậy biết đương thể tức
không, vì cây gậy có giả tướng do duyên hợp tự nó không có thật thể. Thấy
như vậy là dùng trí tuệ quán sát. Do dùng trí tuệ quán sát thấy rõ bản chất
của cây gậy nên tâm không dính mắc.
Thiền sư thấy cây gậy là cây gậy không nương
vào giáo lý của Phật để quán, như vậy làm sao tu ? Dùng trí tuệ quán sát
thấy cây gậy là không, là huyễn, là đương thể tức không, khiến hành giả
không còn thấy cây gậy là thật để tâm không dính mắc. Đó là tu. Còn thiề sư
thấy cây gậy là cây gậy tâm không dấy niệm phân biệt đẹp xấu, thì tâm không
thủ xả, cũng không dùng trí quán là không, là huyển, là đương thể tức
không... Thiền sư nhìn cây gậy với tâm vô phân biệt, thấy như vậy, tâm như
như lặng lẽ đã là tu rồi. Vì nhìn thấy cây gậy khởi niệm dính mắc, nên phải
dùng pháp quán để đối trị. Thiền sư nhìn cây gậy biết nó là cây gậy không
khởi niệm dính mắc cần gì phải quán. Nếu nhìn sự vật mà còn dùng trí quác
sát là đã bóp méo sự thật rồi. Thiền gia nhìn sự vật không qua một lăng kính
nào, nhìn sự vật là sự vật. Như thấy hoa sen là hoa sen, nếu thấy hoa sen
khởi trí quán sát mai kia hoa sen khô héo thành không, hay hoa sen như huyễn
như hóa... là đã quên cái hoa sen trong hiện tại rồi. Theo tinh thần Thiền
tông thì không đánh mất hiện tại nên nói Như Thị, sự vật thế nào thấy như
thế ấy không thêm bớt gì cả. Đó là cái đặc biệt của thiền sư.
|