THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ Y SƠN

Thiền sư Y Sơn họ Nguyễn, quê ở làng Cẩm, tỉnh Nghệ An, không biết năm sinh chỉ biết năm tịch là 1213, đời thứ 9 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 205 cùng tác giả. Sau đây là bài kệ dạy chúng của Ngài :

Âm :

            Như Lai thành chánh giác,

            Nhất thiết lượng đẳng thân.

            Hồi hỗ bất hồi hỗ,

            Nhãn tình đồng tử thần.                    

            Chân thân thành vạn tượng,

            Vạn tượng thành chân thân.

            Nguyệt điện vinh đan quế,

            Đan quế tại nhất luân.

Dịch :

            Như Lai thành chánh giác,

            Tất cả lượng bằng thân.

            Xoay lại chẳng xoay lại,

            Trong mắt con ngươi nằm.

            Chân thân thành vạn tượng,

            Vạn tuợng thành chân thân.

            Cung trăng thành quế đỏ,

            Quế đỏ tại một vầng.

Giảng :

“Như Lai thành chánh giác, nhất thiết lượng đẳng thân”. Như Lai thành chánh giác tất cả lượng bằng thân. Nghĩa là khi giác ngộ thành Phật (thành chánh giác) thì pháp thân trùm khắp không giới hạn, nên thiền sư Thường Chiếu nói : “ngoài đại thên sa giới chỗ nào chẳng là nhà”. Ý hai câu này nói, khi tu thành Phật hằng sống được với pháp thân thanh tịnh, thì mọi hành động tới lui qua lại, đều phát xuất từ tâm thanh tịnh. Mọi việc thuận nghịch xảy đến, Ngài nhìn nó bằng con mắt trí tuệ sáng suốt, dưới cái nhìn của Ngài, mọi sự vật đều phơi bày rõ ràng không có gì mờ mịt u tối. Thế nên các thiền sư thường dạy, hãy lo tu cho thành Phật, chớ đừng lo thành Phật không biết thuyết pháp. Vì tu thành Phật nói ra lời nào cũng là pháp hết, còn tâm chúng sanh thì nói ra lời nào cũng là nhân phiền não. Tăng ni ở đây tu đừng nghĩ rằng mình ở thiền viện, không học trường lớp không có cấp bằng mai kia không có phương tiện làm lợi ích chúng sanh. Thử hỏi muốn giáo hóa chúng sanh dùng cái gì để giáo hóa ? Dùng triết học dùng sự khôn ngoan đối đãi của thế gian dạy cho người, hay dùng đạo đức chân chánh ? Nếu dùng đạo đức chân chánh để giáo hóa chúng sanh thì học không chưa đủ, mà cần phải tu cho ngộ đạo mới có đủ trí đức để ra giáo hóa mọi người.

Ngày xưa thầy tôi (Hòa thượng Viện Trưởng) thường nhắc đến Hòa thượng Phi Lai, ai tới học đạo Ngài không dạy gì hết mà chỉ bảo về niệm Phật đi. Một lời nói như vậy đã đủ cho người học tu rồi. Ngày nay chúng ta thuyết pháp từ sáng tới chiều mà người nghe ít ai lãnh hội. Hoặc có người nghe chỉ nói suông, gặp duyên nói toan là lời siêu Phật vượt Tổ, chính bản thân thì sống chẳng ra gì. Đó là tại cái lỗi của người thuyết pháp chưa sống được với những lời mình nói. Người nghe pháp cũng chưa sống được với những điều Phật Tổ dạy trong kinh luận, do vị giảng sư giảng giải cho mình nghe. Thế nên tăng ni học đạo nếu học cho thông để nói suông cho người khác nghe, mà thiếu tu thì chắc rằng sự truyền bá Phật pháp không kết quả bao nhiêu. Còn người nghe pháp chỉ chú trọng vào văn chương hay lời giảng lưu loát của giảng sư, mà không quan tâm đến đạo đức tác phong của người giảng, không thật tâm ứng dụng lời dạy vào đời sống hằng ngày của mình, thì người nghe cũng không được lợi lạc bao nhiêu. Có nhiều người bỏ thời giờ bàn huyền nói diệu mà quên sống cho mình, thật đáng thương. Người dù ít học mà thật tu(ít học là không học nhiều học rộng cả Phật học lẫn thế học, mà chỉ học Phật pháp căn bản rồi nắm vững để tu cho sáng đạo) sau khi sáng đạo tùy duyên ra hướng dẫn cho người tu không ngăn ngại. Bằng chứng cụ thể là Lục Tổ không học trường lớp nào hết, chỉ nghe câu kinh Kim Cang rồi vô chùa giả gạo sáu tháng, kế đó vào ẩn trong rừng với bọn thợ săn mười lăm năm ra giáo hóa thành Tổ. Ngày nay có ai dám chê Ngài không ? Mấy vị cử nhân Tiến sĩ cũng phải học với Ngài. Mỗi người chúng ta ai cũng có trí vô sư, sống được với trí này thì cái học bên ngoài là thứ yếu. Hiểu chỗ này rồi quí vị mới không nghĩ rằng mình tu mãi rồi dốt, sau này không làm được phật sự, không làm lợi ích cho ai. Phải nhớ, nhờ tu đức Phật mới chứng tam minh, lục thông, chứng nhất thiết chủng trí, thành bật thế gian giải... Có thật tu thì tâm an định trí tuệ sáng. Nếu giả tu, tu ngoài hình thức, tâm toan tính đủ thứ, tài sắc danh lợi vẫn say đắm như người chưa biết tu thì tâm càng ngày càng tối thêm, hiện tại không an lạc tương lai càng mờ mịt.

“Hồi hỗ bất hồi hỗ, nhãn tình đồng tử thần”. Xoay lại chẳng xoay lại, trong mắt con ngươi nằm. Xoay lại là ngó vào trong, chẳng xoay lại là ngó ra ngoài, con ngươi nằm trong con mắt. Con ngươi và con mắt tuy hai tên mà không có hai thể. Nếu nói con ngươi thì thấy như một và nếu nói con ngươ và con mắt thì thấy như hai. Thật ra con ngươi và con mắt tuy hai tên mà là một thể, không tách rời nhau được. Thể chân thật nơi mình có sẵn, không tìm kiếm ở bên ngoài cũng không xoay lại bên trong tìm, nó sẵn có như vậy nên nói hồi hỗ không hồi hỗ. Hồi hỗ là nhìn vào, không hồi hỗ là nhìn ra, nhìn ra thì tìm ở ngoài, nhìn vào thì tìm ở trong. Nhưng thể chân thật đã có sẵn không ở trong không ở ngoài, giống như con ngươi nằm sẵn nơi con mắt, không phải tìm kiếm đâu cả, ngay con mắt là có con ngươi. Ngay nơi thân này có thể chân thật, không cần phóng ra hay nhìn vào để tìm. Tìm là không hợp đạo lý. Lâu nay chúng ta có cái lầm, nghe nói đạo là muốn tìm đạo ở chỗ này ở chỗ kia, hoặc nghe nói chân tâm thì tìm vào trong coi chân tâm ở chỗ nào. Học đạo như thế là sai lầm, nên ở trên Ngài nói “Xoay lại chẳng xoay lại, trong mắt con ngươi nằm”.

“Chân thân thành vạn tượng, vạn tượng thành chân thân”. Chân thân tức là pháp thân trùm khắp cả vạn tuợng và vạn tượng không rời pháp thân. Sau đây Ngài dùng ví dụ hết sức rõ ràng :

“Nguyệt điện vinh đan quế, đan quế tại nhất luân”. Nghĩa là cung trăng thành quế đỏ, quế đỏ tại một vầng. Người xưa tưởng tượng trên cung trăng có cây quế đỏ và chú cuội. Vậy cây quế đỏ ở cung trăng là ở trong cung trăng hay ở ngoài cung trăng ?Ở đây Ngài lấy ví dụ cây quế với cung trăng không tách rời không xa lìa, để nói rằng pháp thân và vạn tượng cũng không tách rời nhau. Ý nghĩa đó rất là rõ ràng.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM