THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ ĐẠO HẠNH

Thiền sư Đạo Hạnh tục danh là Từ Lộ, ở làng Yên Lãng, không biết năm sinh, tịch năm 1115  , đời thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tiểu sử của Ngàiin trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 103 cùng tác giả. Sau đây vài đoạn đối đáp quan trọng trong lúc Ngài đi tham vấn. Ngài nghe thiề sư Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình , Ngài đến nói kệ hỏi về chân tâm :

Âm :

            Cửu hỗn phàm trần vị thức câm,

            Bất tri hà xứ thị chân tâm ?

            Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện,

            Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.

Dịch :

            Lẫn lộn phàm trần chưa hiểu vàng,

            Chẳng rõ nơi nào phải chân tâm  ?

            Cúi mong chỉ thẳng bày phương tiện,

            Thấy rõ như như hết khổ tầm.

Giảng :

Ý bốn ân biệt được đâu là cát đâu là vàng, chưa biết rõ chân tâm là cái gì ? Xin Thầy dùng phương tiện chỉ  bày để con không khổ nhọc tìm kiếm.

Ngài Trí Huyền đáp :

Âm :

            Ngọc lý bí thinh diễn diệu âm,

            Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.

            Hà sa cảnh thị Bồ đề cảnh,

            Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm.

Dịch :

            Trong ngọc ẩn thinh diễn diệu âm,

            Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm.

            Hà sa cảnh là Bồ đề cảnh,

            Nghĩ đến Bồ đề cách vạn tầm.

Giảng :

Ngài Đạo Hạnh hỏi chân tâm là cái gì ? Ngài Trí Huyền dùng bốn câu kệ đáp :

“Ngọc lý bí thinh diễn diệu âm, cá trung mãn mục lộ thiề tâm”. Trong ngọc ẩn thinh diễn diệu âm, nơi kia mắt bày thiền tâm. Nghiã là trong hòn ngọc có ẩn chứa sẳn âm thanh, nếu chúng ta gõ vào hòn ngọc thì sẽ phát ra tiếng. Như vậy tiếng đã có sẳn trong hòn ngọc. Và, khi chúng ta nhìn mọi sự vật thì chân tâm hiện sờ sờ trong ấy chớ không ở đâu xa, nên Ngài nói nơi kia đấy mắt bày thiền tâm.

“Hà sa cảnh thị Bồ đề cảnh, nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm”. Hà sa cảnh là Bồ đề cảnh, nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm. Nghiã là tất cả cảnh vật nhiều như cát dưới sông đều là cảnh Bồ đề, nếu nghĩ tìm Bồ đề là cách xa Bồ đề muôn tầm. Hiện tại chúng ta nhìn cảnh vật trên thế gian này là Bồ đề hay phàm tục ? Người đạt đạo nhìn núi, nhìn hồ, nhìn cây, nhìn mây, nhìn nước... thấy tất cả cảnh  đều là Bồ đề. Ngược lại người thế gian với tâm loạn động thấy tất cả cảnh đều là phàm tục. Ví dụ : Nhìn cây thông với tâm thanh tịnh sáng suốt không khởi niệm phân biệt là Bồ đề. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh đẹp xấu,  sanh tâm thủ xả thì thành phàm tục. Như vậy thì tùy theo tâm niệm của chúng ta mà cảnh vật trở thành Bồ đề hay phàm tục. Thế nên Ngài nói “nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm”. Bồ đề có sẳn nếu chúng ta khởi nghĩ tìm Bồ đề thì xa Bồ đề muôn tầm.

Sau đây là giai thoại tham học của Ngài với thiền sư Sùng Phạm :

Ngài  vẫn mờ mịt không hiểu, lại tìm đế pháp hội của thiền sư Sùng phạm ở chùa Pháp Vân. Đến đây Ngài lập lại câu hỏi : “Thế nào là chân tâm ?” Thiền sư Sùng Phạm đáp : “Cái gì chẳng phải chân tâm ?” Ngài hoát nhiên nhận được ý chỉ. Lại hỏi : “Làm sao gìn giữ ?” Sùng Phạm bảo : “Đói ăn, khác uống”. Ngài lền lễ bái rồi lui.

Giảng :

Ngài đến thiền sư Sùng Phạm nhận ra chân tâm. Việc này có liên hệ đến việc khai thị của thiên sư Trí Huyền ở trước không ? - Nếu ở trước thiền sư Trí Huyền không nói : “Hà sa cảnh là Bồ đề cảnh”, thì tới đây nghe thiền sư Sùng Phạm hỏi : “Cái gì chẳng phải chân tâm ?” Làm sao Ngài nhận được ? Ở trước thiền sư Trí Huyền đã mớm sẵn cho Ngài rồi, nên đến đây chỉ cần khơi lại một chút là Ngài nhận ra ngay. Đó là cái khéo của người xưa. Nghe thiền sư Trí Huyền nói : “Hà sa cảnh là Bồ đề cảnh”, tuy Ngài mờ mịt không hiểu, nhưng từ đó đã có ấn tượng sâu đậm trong tâm, cho nên thiền sư Sùng Phạm gạn lại là Ngài nhận ra ngay.

Sau đây là giai thoại giáo hóa tăng chúng :

Sau, Ngài trụ trì chùa Thiên Phước ở núi Phât Tích, tăng chúng tìm đến tham vấn. Có vị tăng hỏi :

- Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm ?

Ngài nói kệ đáp :

Âm :

            Tác hữu trần sa hữu,

            Vi không nhất thiết không.

            Hữu không như thủy nguyệt,

            Vật trước hữu không không.

Dịch :

            Có thì muôn sự có,

            Không thì tất cả không.

            Có, không trăng đáy nước,

            Đừng mắc có cùng không.

Giảng :

Lúc Ngài ở chùa Thiên Phước là lúc Ngài ra giáo hóa rồi, nên mới có vị tăng hỏi : “Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm ? Ngài bèn dùng kệ đáp :

“Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không”. Có thì muôn sự có, không thì tất cả không. Nếu chúng ta thấy có thì tất cả  bụi cát cái gì cũng có hết. Nếu nói không thì tất cả, đều là không. Hai câu này hơi khó hiểu nên Ngài đưa ra ví dụ cụ thể :

“Hữu không như thủy nguyệt, vật trước hữu không không”. Có không trăng đáy nước, đừng kẹt vào có và không. Nhìn mặt trăng dưới đáy nước, chúng ta cho là có hay không ? - Không có mặt trăng thật, chỉ có bóng hiện trong nước, cho nên chúng ta đưa tay nắm bắt không được. Cũng vậy, hiện giờ chúng ta thấy người, thấy cảnh, thấy thiên hình vạn trạng đều là tướng tạm bợ giả dối không có thật thể, nếu nói có thì chỉ có những cái tạm bợ giả dối mà thôi. Qua ví dụ bóng trăng đáy nước chúng ta hiểu được ý nghiã có và không thật rõ ràng. Đứng xa nhìn thấy bóng trăng thì không thể nói là không, mà đến gần đưa tay sờ nắm thì toàn là nước chẳng có mặt trăng nào cả. Ví dụ này cho chúng ta thấy sự vật chỉ có giả tướng ảo ảnh mà không có thật thể. Thế nên người đạt đạo nhìn sự vật biết không có thật, còn người mê lầm nhìn sự vật cho là có thật. Ngài nhìn sự vật đúng lẽ thật thấu suốt lý trung đạo, nên nói “đừng kẹt vào có và không”. Nếu chấp có và không thì sanh ra bất đồng ý kiến, đưa đến bất hòa với nhau. Ví dụ người này nói các pháp không có thật thể, đó là đứng về mặt thể tánh mà nói thì đúng, người khác đứng về mặt sự tướng thì nói các pháp có thật, hai người cải nhau. Vậy ai đúng ai sai ? Đúng sai chưa ra lẽ nhưng đã cải nhau là thiệt thòi rồi. Thế nên chúng ta hiểu cho tường tận, các pháp có mà hư dối tạm bợ, nhưng thật thể thì không. Đó là lẽ thật từ xưa nay.

Ngài lại tiếp :

Âm :

            Nhật nguyệt tại nham đầu,

            Nhân nhân tận thất châu.

            Phú nhân hữu câu tử,

            Bộ hành bất kỵ châu.

Dịch :

            Nhật nguyệt tại non đầu,

            Người người tự mất châu.

            Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh,

            Bộ hành chẳn ngồi xe.

Giảng :

“Nhật nguyệt tại nham đầu, nhân nhân tận thất châu”. Nhật nguyệt tại non đầu người người tự mất châu. Ngài nói rằng mặt trăng mặt trời ở trên đầu núi, thế mà người người lại làm mất hạt châu của mình. Tại sao vậy ? Vì mặt trăng mặt trời ở đầu núi soi sáng muôn vật, còn mỗi người chúng ta có sẵn hạt châu sáng ngời mà không nhận ra nên chiụ cảnh tối tăm.

“Phú nhân hữu câu tử, bộ hành bất kỵ câu”. Kẽ giàu sẵn ngựa mạnh, bộ hành chẳng ngồi xe. Nghiã là người giàu  thì có ngựa mạnh để cỡi, còn người bộ hành thì không ngồi xe. Tại sao vậy ? Có một thiền sư nói : “Ông có cây gậy thì ta cho ông cây gậy, nếu ông không có cây gậy thì ta cướp cây gậy của ông”. Câu nói này vô lý làm sao ? Đã có cây gậy mà cho thêm là dư, nếu không có cây gậy thì lấy gì mà cướp ? Có cây gậy là chỉ cho người tin mình có chân tâm nên các Ngài chỉ cho mình nhận. Người không tin mình có chân tâm các Ngài làm sao chỉ được ? Thế nên nói không có cây gậy thì cướp luôn cây gậy. Hai câu “Người giàu sẵn ngựa mạnh, bô hành chẳng ngồi xe” cũng giống ý trên.

Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài :

Âm :

            Thu lai bất báo nhạn lai qui,

            Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.

            Vị báo môn nhân hưu luyến trước,

            Cổ sư kỷ độc tác kim sư.

Dịch :

            Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay,

            Cười lạt người đời luống xót vay.

            Thôi, Hỡi môn đồ đừng lưu luyến,

            Thầy xưa mây lượt hóa Thầy nay.

Giảng :

Đọc bài lệ này có nhiều người cho rằng Ngài chưa giải thoát.

“Thu lai bất báo nhạn lai qui, lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi”. Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay, cười lạt người đời luống xót vay. Nghiã là thu về không hẹn mà chim nhạn vẫn bay về, để thấy rằng hễ có mùa thu là có chim nhạn bay. Ý Ngài muốn nói thời tiết nhân duyên đến, thân này tan hoại thì đi, không có gì quan trọng, nhưng người đời khi nghe nói đến chết thì buồn bã bi thương. Chết là chuyện thường, thời tiết nhơn duyên đến thì đi, như mùa thu đến thì thấy chim nhạn bay về chớ không có gì lạ. Đó là lẽ đương nhiên mà người đời lại lo buồn than khóc. Do đó Ngài khuyên :

“Vị cáo môn nhân hưu luyến trước, cổ sư kỷ độ tác kim sư”. Thôi hỡi môn đồ đừng luyến tiết, thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay. Ngài nói, thôi các đệ tử đừng lưu luyến, khóc than, thầy đã từng làm thầy những đời về trước, bây giờ mất đi rồi trở lại làm thầy nữa, không mất luôn đâu ! Như vậy Ngài chỉ tạm ra đi một thời gian ngắn rồi sẽ trở lại gặp nhau, không mất luôn thì có gì phải buồn khóc. Qúi vị có can đảm như vậy không ? Chỉ đổi hình vóc chớ không mất mát gì đâu mà buồn ! Thầy già thì chết đổi thân trẻ để làm phật sự. Trò già thì chết đổi thân khác để tu học. Nhân duyên xưa đâu có mất, thầy trẻ khỏe gặp lại trò cũng trẻ khỏe cùngnhau tu hành có thích hơn không ? Cái thân cũ kỹ hư mục giữ lại là gì ? Mất cái hư mục lẽ ra nê mừng, thế mà khi mất cũng cứ thương tiết. Tình đời là như thế đó !

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM