THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ HUỆ SINH

Ngài họ Lâm tên Khu Vũ quê làng Đông Phù Liệt, dòng dõi Lâm Phú ở núi An Tra. Không rõ năm sinh, tịch năm 1063, thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 13. Tiểusử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 116 cùng tác giả. Sau đây bài kệ nói về cách dụng tâm của Ngài khi vua hỏi :

Âm:

            Pháp bổn như vô pháp,

            Phi hữu diệt phi vô.

            Nhược nhân tri thử pháp,

            Chúng sanh dữ phật đồng.

            Tịch tịnh lăng già nguyệt

            Không không độ hải chu.

            Tri không, không giác hữu,

            Tam muội nhậm thông châu.

Dịch:

            Pháp gốc như không pháp,

            Chẳng có cũng chẳng không.

            Nếu người biết pháp ấy,

            Chúng sanh cùng phật đồng.

            Trăng Lăng Già vắng lặng,

            Thuyền Bát Nhã rỗng không.

            Biết không, không giác có,

            Chánh định mặc thong dong.

Giảng:

“Pháp bổn như vô pháp, phi hữu diệt phi vô”. Pháp gốc như không có pháp, chẳng phải có cũng chẳng phải không. Chữ pháp nghĩa là Cái, trong đạo Phật thường dùng chỉ cho những hiện tượng sự vật có hình tướng như: cái bàn, cái tách, cái dĩa, cái nhà, cái chùa…đó là nghĩa hẹp. Còn nghĩa rộng thì Pháp là pháp giới tánh, hay pháp tánh, không hình không tướng trùm khắp tất cả, không có một vật nào ở ngoài nó. Chữ Pháp trong bài này chỉ cho pháp tánh, Pháp tánh hay pháp gốc không phải là cái gì cả, nó không phải có mà cũng không phải không, tức là nó không hình tướng mắt có thể thấy, tay có thể sờ mó được, nhưng cũng không phải là không ngơ.

“Nhược nhân tri thử pháp, chúng sanh dữ Phật đồng”. Nếu biết được pháp này thì chúng ta là chúng sanh đồng với chư Phật, không khác. Pháp này là cái gì mà quan trọng như thế? Xưa trên hội Linh Sơn đứùc Phật Thích Ca truyền pháp cho Tổ Ma Ha Ca Diếp qua bài kệ:

            Pháp bổn pháp vô pháp,

            Vô pháp pháp diệt pháp.

            Kim phó vô pháp thời,

            Pháp pháp hà tằng pháp.

Bài kệ truyền pháp của Phật ảnh hưởng đến bài kệ của ngài Huệ Sinh rất lớn. Câu đầu Phật nói “Pháp bổn pháp vô pháp” tức là pháp gốc không phải pháp. Ngài nói “Pháp bổn như vô pháp”, hai câu này ý giống nhau. Câu thứ hai Phật nói “Vô pháp pháp diệt pháp” tức là cái không phải pháp mà pháp đó cũng là pháp. Ngài nói “Phi hữu diệt phi vô” nghĩa là pháp đó không phải có mà cũng không phải không. Ý hai câu này cũng giống nhau. Câu thứ ba Phật nói “Kim phó vô pháp thời”, tức là nay trao cho cái không phải pháp. Ngài nói: “Nhược nhân tri thử pháp” nghĩa là nếu ai biết được pháp này. Câu thứ tư Phật nói “Pháp pháp hà tằng pháp” tức là mỗi pháp mỗi pháp đâu từng là pháp. Ngài nói “Chúng sanh dữ Phật đồng” nghĩa là chúng sanh đồng với chư Phật. Ý câu thứ ba, câu thứ tư của Phật và của Ngài khác nhau. Nhưng ý hai câu đầu của Phật và của Ngài không khác.

Bài kệ này trước hết là chỉ pháp gốc. Ngài nói muôn sự muôn vật trên thế gian này mỗi pháp có hình tướng riêng của nó, chúng ta có thể thấy có thể phân biệt sờ mó được, song những pháp đó chỉ là cành lá chứ chưa phải là pháp gốc. Pháp gốc là pháp sanh ra pháp cành lá, nhưng không phải là một pháp. Tại sao? Ví dụ hiện giờ trong tham vấn đường này có cửa, có tranh có màn… Cửa là một pháp, tranh là một pháp, màn là một pháp… cho tới người ở trong nhà này, mỗi cái đều có hình tướng của nó, mắt chúng ta có thể thấy, tay chúng ta có thể sờ mó được. Nhưng trong chỗ trống không này có một cái mắt chúng ta không thấy, tay chúng ta không sờ mó được, đó là không khí. Không khí không có hình dáng như tất cả vật trong nhà. Song đối với sự sống rất là thiết yếu. Nếu thiếu không khí thì con người sẽ chết. Như vậy không khí có mà không phải có như các cái khó khác. Nói rằng trong chỗ trống này có không khí sao không thấy, không sờ mó được? Đòi thấy đòi sờ mó không khí mới tin có không khí, đòi như vậy thì coi như không có không khí! Tuy không khí như không có nhưng mà có để cho người vật thở và sống. Không khí như không mà có, có mà không có. Cái có như không có, không có mà có, cái đó hết sức thiết yếu cho loài người và loài vật, thế mà người ta không thấy! Con người có thói quen quan niệm rằng cái gì thấy và sờ mó được mới cho rằng có, cái gì không thấy không sờ mó được cho là không. Quan niệm này không đúng. Như vậy không khí nói có như cái cửa cái màn không được, mà nói không ngơ cũng không được. Thế nên ở đây nói pháp bổn tức là tâm thể hằng giác của con người, nó là cái gốc hay sanh muôn pháp. Pháp bổn không có hình tướng, mắt không thấy tay không sờ mó được, nhưng lúc nào cũng hiện hữu, do đó nói như không như phải pháp mà là pháp. tại sao? Vì thiếu nó không thể được. Người nào biết được pháp gốc thì người ấy tuy là chúng sanh mà đồng với chư Phật. Vì chư Phật ngộ được pháp gốc mới thành Phật. Và chúng ta là chúng sanh mà ngộ được pháp gốc, cũng giống như Phật không khác.

Bốn câu đầu Ngài chỉ cho chúng ta pháp gốc chân thật có sẵn nơi chúng ta, mà mắt không thấy tay không sờ mó được nên nói không phải pháp, tuy không phải pháp mà hằng hiện hữu nên gọi là pháp. Chỗ này Lục Tổ nói “Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”. Pháp gốc này không phải vật có hình tướng, nên không bị nhiễm ô, không bị bụi bặm dính.

Như vậy Ngài nhận được bản tánh chính là nhận ra pháp bổn này, nhưng pháp bổn này xưa nay không một vật nên không tất cả pháp mà là pháp. Pháp này là pháp trọng yếu của Chư Tổ truyền thừa từ xưa cho đến nay, rõ nét nhất ở giai thoại: Ngài Hoài Nhượng đến Tào Khê tham vấn Lục Tổ Huệ Năng. Tổ hỏi:

- Ở đâu đến?

Ngài thưa:

- Ở Tung Sơn đến.

- Vật gì đến?

- Nói in tuồng một vật tức không trúng.

- Lại có thể tu chứng chăng?

- Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.

- Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế ta cũng như thế.

Trước, Lục Tổ nói “Xưa nay không một vật”. Sau, ngài Hoài Nhượng là đệ tử nói khác hơn “Nói in tuồng một vật tức không trúng”. Như vậy lục tổ và Ngài Hoài Nhượng đã thầm nói pháp bổn hay pháp gốc này vậy. Pháp gốc này không phải là một vật nhưng không phải là không, do đó ngài Hoài Nhượng nói “Nói in tuồng một vật tức không trúng”. Lục Tổ gạn “Lại có thể tu chứng chăng?” Ngài Hoài Nhượng đáp “Tu chứng tức chẳng phải không, nhiễm ô tức chẳng được” pháp gốc không có hình tướng nên không nhiễm ô, nhưng khéo tu thì nhận ra, gọi là ngộ đạo. Nếu hiểu được chổ này mới nắm vững lý thiền, không hiểu thì thấy quá rắc rối. Bốn câu này nói lên ý nghĩa Phật là người giác ngộ được pháp gốc, tức bản tánh bất sanh bất diệt không hình không tướng. Pháp gốc này ai cũng có, người nào giác ngộ được thì đồng với chư Phật, chưa giác ngộ là chúng sanh.

“Tịch tịch Lăng Già nguyệt”. Trăng sáng vằng vặc trên núi Lăng Già lặng yên bất động. Câu này dẫn ý kinh Lăng Già. Đức Phật nói kinh trên núi Lăng Già, núi này ở giữa biển nên các vị La Hán, Bồ Tát phải vận thần thông mới đến được núi này để nghe Phật nói kinh. Kinh này được gọi là kinh lăng già. Hai hình ảnh: một ngọn núi và một mặt trăng, núi thì sừng sững lặng lẽ bất động, trăng sáng soi vằng vặc cũng bất động. Tuy bất động mà có núi có trăng, bất động mà trăng vẫn sáng, bất động mà núi vẫn hiện tiền. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa: người tu muốn nhận ra pháp gốc, hay thể chân thật thì phải có định và tuệ. Núi lặng lẽ bất động dụ cho định, trăng sáng soi vằng vặc dụ cho tuệ, do định mới có tuệ.

“Không không độ hải chu”. Hải là biển, chu là thuyền, độ là qua. Không không độ hải chu là con thuyền không không qua biển. Tôi dịch thuyền Bát Nhã rỗng không. Người đời dựa vào câu này làm thuyền Bát Nhã không đáy, chỉ có phần xung quanh và phần trên. Nếu thuyền không đáy đẩy xuống biển sẽ chìm, làm sao qua biển mà gọi là thuyền Bát Nhã? Đây nói thuyền Bát Nhã rỗng không, rỗng không là ngã không và pháp không. Người nào dùng trí tuệ Bát Nhã chiếu soi thấy rõ ngã  không và pháp không thì người đó cỡi thuyền vượt qua biển trầm luân sanh tử. Chúng ta tu là phải thấy rõ năm uẩn này không thật, tức là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Thấy thân năm uẩn này không có thật thể, đó là ngã không, thấy các pháp duyên hợp không có tự tánh đó là pháp không, thấy như thế mới qua được biển trầm luân sanh tử. Biển trầm luân sanh tử bằng trí tuệ Bát Nhã. Ngài dạy chúng ta tu trước hết phải có định và tuệ. Song muốn có định tuệ phải làm sao? Phải phá chấp ngã và chấp pháp.

Ngày nay chúng ta tu mà không chịu phá pháp ngã. Có lắêm ngươi tu càng lâu ngã càng lớn. Lúc mới vào chùa còn tóc quí thầy sai bảo cái gì cũng được không buồn. Khi cạo tóc thọ giới Sa Di rồi, quí thầy sai bảo việc gì không hợp với sở thích thì buồn, cho rằng người xuất gia làm việc đó không xứng đáng. Như thế là bản ngã tăng một chút rồi. Nếu Thọ Tỳ keo mà bảo quét sàn nước đãi cơm đổ thì không làm. Vì việc làm đó của mấy người công quả, không phải việc làm của Tỳ Keo. Đó là bản ngã lớn theo giới phẩm. Rồi danh xưng cũng vậy, lúc còn tóc xưng huynh hay chú cũng được, khi cạo tóc thọ giới Sa Di kêu huynh hay chú thì không bằng lòng. Thọ Tỳ Keo khoảng 20 tuổi hạ được tấn phong lên Hòa Thượng, ai kêu Đại Đức thì đỏ mặt, kêu bằng thượng tọa cũng không vui. Như vậy là bản ngã tăng trưởng theo danh xưng, tăng trưởng nhiều lớp thì bản ngã quá to. Chúng ta tu là làm cho bản ngã mòn, càng tu bản ngã càng nhỏ. Kêu anh kêu chú hay kêu thằng cũng được, đâu có gì quan trọng, vì đó là giả danh. Kêu bằng gì mình cũng cười cũng vui thì khả dĩ bản ngã mới mòn, bản ngã mòn thì tu mới tiến, bản ngã tăng thì tu không tiến, có khi còn lùi nữa là khác. Tu như vậy không phải là “không không độ hải chu”. Vậy quí vị phải hiểu cho rõ để tu. Tu mà không hiểu chổ này thì càng tu càng bệnh không tiến được. Đó là ý nghĩa thuyền Bát Nhã rỗng không.

“Tri không không giác hữu”. Biết ngã không pháp thì nhận ra tánh giác hằng hữu bất sanh bất diệt. Từ cái thân năm uẩn có hình tướng, sự vật có hình tướng, thấy được lý không của nó thì nhận ra tánh giác hằng hữu là cái chân thật. Để thấy đường tu cúng ta tiến từng bước từøng bước, nhờ trí Bát Nhã chúng ta phá chấp ngã phá chấp pháp, thấy ngã pháp đều không, sau đó nhận ra tánh giác hằng hữu. Được như vậy mới:

“Tam muội nhậm thông châu”. Tam muội là chữ Phạn, Trung Hoa dịch là chánh định, nhậm là mặc tình, thông châu là thông suốt khắp cả. Tam muội nhậm thông châu nghĩa là người được chánh định, mặc tình thong dong dạo khắp chổ nơi không ngăn ngại. Ý nói người tu khi nhận ra tánh giác rồi thì trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong chánh định. Vì thấy rõ ngã không thật thì đâu có bận lòng lo cho cái ngã. Vì thấy pháp không thật thì đâu có ham muốn chạy theo cảnh. Đối với mình không quí trọng không quan tâm, đối với người, đối với cảnh không dính mắc thì được tự do tự tại trong tam giới.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM