CỬA THỨ NHẤT: TÂM KINH TỤNG
Bây giờ bắt
đầu vào ngay cửa thứ nhất: TÂM KINH TỤNG. Sở dĩ cửa đầu là cửa Tâm Kinh,
thì quí vị cũng thấy rõ bản ý của Thiền viện chúng ta. Vừa bước vô tới
cổng thì thấy đề hai chữ gì? Ờ, Chân Không. Chính đó là cửa mà tôi nói
rằng: “Bao nhiêu Phật tử đều nhắm thẳng vào đó để tiến đến chỗ cứu kính
viên mãn.” Cho nên bước vào cửa thiền là cửa Bát-nhã. Cửa Bát-nhã là cửa
Chân Không.
1. Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa Tâm Kinh.
Trí tuệ biển thanh tịnh
Lý mật nghĩa u thâm
Ba-la qua bờ ấy
Soi đường chỉ do tâm
Nghe nhiều ngổn ngang ý
Chẳng lìa chỉ vì kim
Hoa kinh một mối đạo
Muôn kiếp Thánh Hiền vâng.
Ba-la-mật,
Trung Hoa dịch là đến bờ kia, mà
đến được bờ kia là do cái gì? Nói rằng đến được đạo chỉ là do Tâm. Như vậy
thì trong mấy câu kệ trên, chúng ta thấy Tổ Bồ-đề-đạt-ma xác nhận rằng:
Bát-nhã là cái trí tuệ thanh tịnh rộng lớn như biển, trí tuệ đó đứng về
mặt lý thì nó thật là thầm kín, còn đứng về mặt nghĩa thì thật là sâu xa.
Vì lẽ đó nên gọi là đến bờ kia (ba-la-mật). Trí tuệ đó không khác hơn là
Tâm. Cho nên muốn đạt được trí tuệ đó tức là đạt được Tâm, vì vậy mà nói
hướng đạo chỉ do Tâm (nếu được Đạo là do Tâm). Như vậy chữ Tâm Kinh là chỉ
cho cái trí tuệ rộng lớn chớ không có gì khác. Trí tuệ rộng lớn đó gọi là
Tâm. Vì vậy cho nên người đạt được trí tuệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa tức là
người đạt được Bản tâm chớ không có gì khác.
- Nghe nhiều
ngổn ngang ý: Người nào mà học nhiều thì có ngàn thứ ý. Tại sao học nhiều
lại có ngàn thứ ý? Sau đó Ngài nói tiếp.
- Chẳng lìa
chỉ vì kim: Bây giờ chúng ta thấy kim nó may được từng cái áo, từng bộ đồ,
nó mở đầu đi trước là mũi kim rồi sau mới là sợi chỉ đi theo, thấy không?
Thành ra chỉ và kim là hai cái không thể rời nhau. Có kim thì tức là kéo
chỉ đi. Như vậy cái đa văn của mình nó lôi ý mình chạy, học nhiều thì ý
phân tán, đó là một lẽ thật. Chỗ này là Ngài muốn cho mình thấy rõ rằng sở
dĩ chúng ta muốn trở về Tâm là phải dứt mọi ý hướng ra bên ngoài thì mới
trở về cái thanh tịnh, như vậy mới gọi là cái trí tuệ thanh tịnh, mới gọi
là Tâm. Còn nếu mình chỉ hướng ra ngoài tìm hiểu nghĩa lý cho nhiều thì
tức nhiên mình sẽ bị phân tán, mà tâm phân tán thì không bao giờ đạt được
Đạo. Cho nên Ngài mới ví dụ: có kim tức là nó lôi chỉ. Vì vậy cho nên kim
và chỉ, hai cái nó chẳng lìa nhau. Nếu chỉ một cái sợi tơ hoa đạo hay chỉ
một sợi tơ kinh hoa, nó dẫn đường thì muôn kiếp Thánh Hiền đều tôn trọng,
tức là nếu mình chỉ có một mặt, nghĩa là tâm mình chỉ hướng có một mặt
không còn phân tán, không còn có bệnh đa văn nữa thì như vậy cái chỗ đó
làm nên Thánh nên Hiền. Còn nếu như mình phân tán nó ra thì dù mình có nhớ
hay, mình học giỏi cũng chỉ là cái duyên để nó làm cho mình chạy theo
ngoại cảnh chớ không thể đạt được Đạo.
Như vậy trong
mấy câu tụng này, Tổ đã chỉ cho chúng ta thấy rõ được tại sao gọi là Ma-ha
Bát-nhã-ba-la-mật-đa Tâm Kinh. Tóm lại Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa là chỉ
cho trí tuệ thanh tịnh, rộng lớn sâu xa. Tâm kinh là đạt được trí tuệ đó
tức là trở về bản tâm. Muốn trở về bản tâm ấy thì đừng có tưởng học nhiều
mà được, mà chỉ nhất tâm nhất trí hướng thẳng vào đó thì chỗ đó sẽ làm nên
Thánh nên Hiền chớ không phải nhớ nhiều học rộng mà được.
2. Quán Tự Tại Bồ-tát.
Bồ-tát vượt thánh trí
Sáu xứ rốt chung đồng
Tâm không quán tự tại
Vô ngại đại thần thông
Cửa thiền vào chánh thọ
Tam-muội mặc tây đông
Mười phương trải chơi khắp
Nào thấy Phật hành tung.
Bồ-tát là bậc
vượt khỏi thánh trí, tức là
không còn mắc kẹt trong cái thánh trí tầm thường của hàng Thanh văn nữa.
-Sáu xứ rốt
chung đồng: sáu chỗ là chỉ cho lục căn hỗ dụng. Nói tới Bồ-tát thì các
ngài đi tới chỗ lục căn hỗ dụng.
- Tâm không
quán tự tại: tức là tâm mình không còn có nhiều thứ ý, không còn nhiều thứ
loạn, như vậy gọi là quán tự tại.
- Vô ngại đại
thần thông: không còn bị chướng ngại gọi đó là đại thần thông.
Như thế là
Ngài đã giải thích Bồ-tát Quán Tự
Tại: Sao gọi là Bồ-tát? Tức là chỉ cho những vị có cái trí tuệ vượt
hơn tất cả các hàng Thánh giả bên Thanh văn, những người ấy đối với lục
căn hỗ dụng không còn bị chướng ngại cắt đứt nữa. Do tâm các ngài không
dấy niệm, xao động nên gọi là Quán Tự Tại. “Tâm Không” tức là không mọi
thứ vọng tưởng phiền não, bởi tâm không còn vọng tưởng phiền não cho nên
nó không bị chướng ngại, mà không bị chướng ngại nên gọi đó là đại thần
thông.
- Cửa thiền
vào chánh thọ - Tam-muội mặc tây đông: Người tu thiền mà khi vào chánh
định rồi thì ngay trong chánh định đó, mình tự do hay mặc tình tiến sang
đông hay vượt sang tây không có cái gì chướng ngại hết. Như vậy muốn được
không chướng ngại như Bồ-tát Quán Tự
Tại tức là chúng ta phải
tập tu thiền. Chính trong khi tâm mình định, ở trong cái chánh định đó
không còn bị chướng ngại thì đó là tự tại. (Chánh thọ là dịch nghĩa chữ
Tam-muội, thành ra dùng chữ Chánh thọ hay Tam-muội tức là chỉ cho Chánh
định hết).
Khi tâm tự tại
rồi thì làm gì nữa? Thì mười phương du lịch, tức là mình dạo hết khắp mười
phương, lúc đó không còn thấy dấu vết của đức Phật nữa. Như vậy khi mình
vào được trong chánh định rồi thì mình tự tại, vô ngại đi khắp mười
phương. Tại sao mình đi tu, mình vào chánh định là cốt gặp Phật, nương
theo dấu vết của Phật mà đi, mà tu, mà tới đây lại không gặp dấu vết của
đức Phật nữa? Như vậy lạc rồi sao? Bởi vì nếu chúng ta được vào chánh định
thì chúng ta còn thấy ông Phật có hình tướng nữa không? Lúc đó nếu chúng
ta thấy Phật là Phật pháp thân, mà thấy Phật pháp thân thì đâu có hình
tướng, dấu vết gì đâu, phải vậy không? Cho nên lúc đó không còn thấy dấu
vết gì nữa hết. Như vậy thì muốn thấy được ông Phật pháp thân thì khi
chúng ta vào chánh định rồi thì mười phương đều vô ngại. Tóm lại, câu
“Bồ-tát Quán Tự Tại”, mà tại sao vị Bồ-tát này tên là Quán Tự Tại? Bởi vì
cái trí tuệ của Bồ-tát thì vượt trên hàng Thánh giả Thanh văn và các ngài
đã được lục căn hỗ dụng, tâm các ngài không còn dấy niệm cho nên tự tại vô
ngại. Mà tự tại vô ngại ấy là thần thông. Làm sao được như các ngài? Chỉ
có cách là chúng ta tập tu thiền để vào chánh định, khi vào chánh định rồi
chúng ta mới tự tại mười phương, qua lại tự do không bị ngăn chướng, chừng
đó chúng ta mới thấy được pháp thân Phật, chính nơi chúng ta không còn mắc
kẹt nơi hình tướng bên ngoài nữa. Đó là ý nghĩa Quán Tự Tại.
3. Hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật-đa thời.
Sáu năm cầu Đạo lớn
Hành sâu chẳng lìa thân
Trí tuệ tâm giải thoát
Đến bờ kia tột cùng
Thánh đạo không và lặng
Như thị ngã kim văn
Phật hành ý bình đẳng
Thời đến vượt thường nhân.
- Sáu năm cầu
đạo lớn - Hành sâu chẳng lìa thân - Trí tuệ tâm giải thoát - Đến bờ kia
tột cùng: tức là nói rằng sáu năm tìm đại đạo, tuy trong sáu năm tìm đại
đạo đó đi sâu vào cũng không lìa thân mình, ở phần này có hai ý:
a. Ý thứ nhất
là nói đức Phật lục niên khổ hạnh, như vậy sáu năm tu khổ hạnh để cầu đạo
mà cầu đạo đó là cầu ở đâu? Cũng vẫn không ngoài cái bản thân Ngài phải
không? Nghĩa là lặng hết vọng tưởng trở về thiền định, như vậy đó là cầu
đại đạo, ấy là nơi đức Phật Ngài cũng không cầu cái gì ngoài thân Ngài. Đó
là nói về đức Phật.
b. Ý thứ hai
là nói về chúng ta, sở dĩ nói hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật là sao? Là ngay
nơi sáu căn muốn thấy đại đạo, thì tự ngay nơi sáu căn của mình mà đi sâu
vào thì mới thấy rõ không lìa thân, tâm, trí tuệ của mình được giải thoát
ngay nơi sáu căn đó, mà sáu căn tức là chỉ phần của bản thân. Ngay nơi sáu
căn đó chúng ta nhận được cái tâm trí tuệ giải thoát, thì đó là chúng ta
đến được đầu nguồn ở bờ bên kia. Đến được đầu nguồn ở bờ bên kia là sao?
Là bởi vì đến đó chúng ta mới tìm được chỗ cứu kính của con người, đến đó
chúng ta mới được. Bờ bên kia tức là bờ giác, không đâu xa lạ mà chỉ ngay
nơi sáu căn của chúng ta, nhận ra được tâm trí tuệ giải thoát của chúng ta
thì lúc đó là chúng ta đạt được đến bờ bên kia, đến tột được chỗ cứu kính
của con người.
- Thánh đạo
không và lặng - Như thị ngã kim văn (khi đến được chỗ đó rồi thì mới thấy
đạo thánh lặng lẽ, rỗng rang. Rõ ràng là bây giờ ta mới được nghe như
thế). Phật lúc nào cũng thực hành ý định bình đẳng, nhưng mà muốn được thì
phải làm thế nào?
- Thời đến
vượt thường nhân: tức là tu hành khi đến thời nó đến thì tự nhiên mình sẽ
được siêu quần bạt tụy, vượt hơn mọi cái phàm tình.
Tóm lại câu
“Hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật đa thời” thì theo quan niệm của Tổ
Bồ-đề-đạt-ma nói là ngay nơi sáu căn của chúng ta mà chúng ta nhận được
sâu trí tuệ giải thoát ở trong đó thì gọi là: hành thâm Bát-nhã, mà nhận
sâu được trí tuệ giải thoát đó gọi là chúng ta đã đến được bờ kia hay còn
gọi là được cứu kính viên mãn của con người. Do đó khi đạt đến chỗ đó rồi,
chúng ta mới thấy đạo thánh là lặng lẽ, rỗng rang và ngay lúc đó, chúng ta
mới nghe được chánh lý và mới thấy tâm bình đẳng của chư Phật. Mà chỗ đó
chừng nào đến? Thời đến thì nó đến chớ không phải một ngày, hai ngày hay
năm, ba tháng gì được. Thời cơ đến thì tự nhiên nó được.
4. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không.
Ham mến thành năm uẩn
Giả dối kết thành thân
Máu thịt liền gân cốt
Trong da một đống trần
Nẻo mê vui chấp dính
Bậc trí chẳng vì thân
Bốn tướng đều dứt bặt
Mới được gọi là chân.
Như vậy, Ngài
không cắt nghĩa như trong
kinh Bát-nhã mà Ngài nói rằng: “Sở dĩ chúng ta thành năm uẩn đó là gốc tại
cái gì? Tại cái tham ái.” Bởi có tham ái nên thành ngũ uẩn, khi thành ngũ
uẩn là sự giả hợp mà được nên thân này chớ không có thật. Cái thân ngũ uẩn
là cái thân giả hợp, trong đó có những gì? Nào là máu, thịt, gân, mạch,
xương rồi bọc ở ngoài là da, tất cả chỉ là một mớ bụi đất mà thôi chớ
không có gì hết. Rốt cuộc rồi thì ngay nơi cái thân ngũ uẩn này chỉ là
máu, thịt, gân, xương...
- Nẻo mê vui
chấp dính: Những bọn mê như mình thì đối với thân ngũ uẩn sanh ra ưa
thích.
- Bậc trí
chẳng vì thân: Còn người trí thì không làm thân với nó. Quí vị thấy người
nào mà cứ xăm soi thân thể, thích những trang sức tốt đẹp thì đó gọi là
người sao? Nếu căn cứ theo Tổ thì người đó gọi là người mê, còn người trí
thì không làm thân với nó, bởi vì biết nó là thứ giả, thứ do gân, thịt,
xương được bao bọc ở ngoài là da chớ không có gì quan trọng hết, chỉ có
người ngu thì ưa thích nó, còn kẻ trí thì cảm thấy nhớp nhúa. Vì vậy người
ngu thì sợ chết. Còn người trí thì sao? Nếu không làm thân với nó thì có
sợ nó mất đâu, phải vậy không? Còn làm thân với nó quá thì nó mất, mình
mới sợ nó mất. Như vậy cái sợ chết là tại vì mình thấy nó là quan trọng,
còn mình biết nó là cái không quan trọng, không cần thiết thì tức nhiên là
mình đâu lệ thuộc vào nó. Vì vậy cho nên thấy ngu hay trí nhìn qua là biết
liền phải không? Nhìn qua là tự nhiên biết người đó tư cách ra sao, lo
lắng ra sao? Hằng ngày nhớ những cái gì, tính toán những cái gì thì biết
người đó thuộc hạng người nào, nếu trong đạo thì kẻ ngu hay người trí là
biết rồi, phải không? Giả sử không dám nói sợ người ta buồn chớ mình cũng
biết ngay. Đó là Tổ chỉ cho chúng ta biết. Quí vị nghĩ nếu mình không
thích làm thân với nó, thì nó có mất, mình đâu có quan trọng. Cho nên
người nào lo sợ chết quá thì cũng là ngấm ngầm cái ý sao? Ý trí hay ý ngu?
Như vậy để thấy chúng ta bị ngu mê nhiều đời quá. Vì vậy cho nên cái thân
ngũ uẩn này nó hơi rung rinh là mình sợ quá rồi, phải vậy không? Chính cái
sợ đó mà chúng ta khổ. Nếu chúng ta có trí, thấy nó là không quan trọng
với chúng ta thì tự nhiên không còn khổ nữa. Vì bốn tướng tức là tứ đại
(đất, nước, gió, lửa) thảy đều trở về cái chỗ tiêu mất, vì có người nào
giữ bốn cái đó còn hoài không? Bây giờ mình khéo giữ gìn nó thì nó còn tạm
một lúc nào đó, còn nếu sơ sẩy một chút thì nó hoại đi, hễ mà hoại đi rồi
thì nó tan hết. Nó không còn nên bốn tướng đều trở về chỗ tiêu mất, đã trở
về chỗ tiêu mất thì gọi gì là chân? Quí vị thấy nếu toàn bốn tướng đó sớm
chầy gì nó cũng trở về cái chỗ tiêu tan, mà đã tiêu tan thì nói chân là
chân cái gì chứ? Như vậy để biết rõ năm uẩn là hư giả không có thật. Đã hư
giả không thật tại sao mình cứ bám vào đó mà mến mà yêu? Nếu bám vào cái
hư giả không thật mà mến mà yêu thì không gọi là cái bọn ngu là gì? Phải
vậy không? Học đạo một chút sao thấy mình ngu quá thấy không? Mình còn đeo
bám vào cái hư giả, chẳng những mến yêu nó mà lại còn sanh kiêu căng ngã
mạn đủ thứ cũng vì cái đó. Nếu mình thật là trí thì nó không còn quan
trọng nữa, cho nên đối với việc sanh tử không còn gì mà phải sợ.
5. Độ nhất thiết khổ ách (qua tất cả khổ nạn).
Vọng buộc hóa thân khổ
Ngân ngã tâm tự mê
Niết-bàn đường thanh tịnh
Sao chấp được tâm y
Ấm
giới sáu trần dậy
Ách nạn nghiệp theo kề
Ví
rõ tâm không khổ
Sớm nghe ngộ Bồ-đề.
Do có vọng ràng buộc thân là khổ, tâm nhân
ngã nên tự mê. Cái đạo Niết-bàn thanh tịnh thì ai mà nhận mắc cái tâm y.
Hỏi ai là người chấp nhận nó mắc kẹt nó để mà lấy đó làm chỗ dựa, chỗ gá
của tâm?
- Ấm giới sáu
trần dậy - Ách nạn nghiệp theo kề: Nếu mình nhận được cái tâm thì không
còn khổ gì hết. Thấy được nó tức là sớm đạt được đạo Bồ-đề. Ngài nói rằng:
“qua tất cả khổ nạn” là sao? Bởi vì khổ nạn từ đâu mà có? Từ nơi vọng tâm
trói buộc nó ràng rịt nơi thân cho nên làm thân nó khổ, vọng tâm nó luyến
ái trói buộc nơi thân cho nên nói rằng khổ, rồi ở trong đó mà sanh cái tâm
nhân, ngã, mình, người; hay cái tâm nhân, ngã tự nó mê đi (tự mê lầm). Như
vậy hai câu này nói rõ nguyên nhân đau khổ là tại vì chúng ta có cái tâm
hư vọng, chấp chặt vào thân. Bởi chấp chặt vào thân cho nên thân đói thì
thấy khổ, thân lạnh thì khổ, thân nguy hiểm thấy khổ... chấp cái khổ đó là
vì chúng ta cứ bám chặt vào thân, rồi nhân đó mà chúng ta chia ra: có
người, có mình rồi sanh ra kiêu căng ngã mạn, hay là sanh cái thương, cái
ghét mà làm cho tâm mình nó tự mê. Bây giờ muốn hết khổ phải làm sao? Trên
cái đạo Niết-bàn là đạo thanh tịnh, vì vậy nên không bao giờ chúng ta bám
cái mà để cho tâm mình mắc kẹt. Không còn mắc kẹt thì còn gì mà khổ? Sở dĩ
chúng ta bị trói buộc nơi thân cho nên chúng ta khổ, bây giờ chúng ta thấy
được Niết-bàn, tâm chúng ta không còn mắc kẹt nữa thì cái gì làm cho chúng
ta khổ? Đó là qua tất cả khổ ách. Tiếp theo Ngài giải thích thêm là do Ngũ
ấm, Thập bát giới, Sáu trần dấy khởi lên nên thành ra cái ách nạn cũng
theo đó mà nó dẫn đi. Sở dĩ chúng ta thấy khổ là vì chúng ta thấy ngũ ấm
thật, thấy thập bát giới thật, thấy sáu trần thật, phải vậy không? Thấy
những cái đó thật cho nên những ách nạn từ đó mà có, chúng ta liền theo
nghiệp mà nó dẫn chúng ta trong cái ách nạn. Nếu chúng ta nhận được bản
tâm của chúng ta thì không còn gì là khổ nữa hết. Như vậy nhận được bản
tâm rồi mới ngộ được đạo Bồ-đề thì hết khổ. Còn chưa nhận được bản tâm là
còn khổ. Điều này là một lẽ thật mà ít ai được biết. Sở dĩ Bồ-tát không
khổ mà chúng sanh luôn luôn khổ là vì Bồ-tát do quán năm uẩn không, nên
qua hết tất cả khổ ách. Còn chúng ta thì xem năm uẩn là thật, bởi xem năm
uẩn là thật cho nên cái khổ theo đó mà có. Khi nào chúng ta thấy được đạo
Niết-bàn thanh tịnh, tức là thấy được tâm thanh tịnh của chúng ta, thì lúc
đó chúng ta không còn đổ thừa cho tâm nó gắn bó nơi ngoại cảnh hay là nơi
thân nữa. Sở dĩ chúng ta đau khổ là vì chúng ta thấy tất cả như: sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp là thật, ở trong thì thấy sáu căn, sáu thức
đều thật. Căn, trần, thức, đều thấy là thật, như vậy mười tám giới thấy là
thật, ngũ ấm thấy là thật thì lúc đó bao nhiêu ách nạn theo đó mà có. Nói
tóm lại, ai thấy thân thật, cảnh thật thì người đó không bao giờ hết ách
nạn, phải vậy không? Bởi vì thân mình là thật, cảnh của mình là thật thì
cảnh mất đi mình có khổ không? Thân này là thật thì thân này bị người ta
hành hình có khổ không? Cho nên thấy cảnh thật, thân thật thì người đó
không bao giờ hết khổ. Cái nhà này là nhà của tôi, đất này là đất của tôi,
những món đồ này là của tôi, rồi thân này là thân tôi. Nếu cái nhà này của
tôi bị cháy tôi có khổ không? Của của tôi bị mất tôi có khổ không? Tất cả
cái gì thuộc về tôi, tôi cho nó là thật thì tôi phải khổ, mỗi một cái hư
hao, bị tàn phá là nỗi đau đớn, đau nhói trong tim trong gan mình phải vậy
không? Còn bây giờ mình thấy tất cả cái đó không thật thì nó có còn, có
mất cũng như một giấc mộng, giật mình thức dậy thấy mất hết rồi. Nếu thấy
như vậy thì còn gì mà khổ? Giả sử giấc mộng là giấc mộng lành vui chơi.
Khi giật mình thức dậy mình có giấc mộng lành vui chơi. Còn nếu giật mình
thức dậy nhớ hồi nãy có giấc mộng dữ quá, nhưng đã là mộng thì cũng thôi,
bỏ cũng không có gì buồn, và không có gì sợ nữa phải không? Cho nên chúng
tôi thường nhắc toàn chúng ở đây hiện giờ chúng ta cứ tưởng như chúng ta
đang sống trong cơn ác mộng. Đã là ác mộng thì đáng sợ hay không đáng sợ?
Nếu còn mộng thì sợ thật phải vậy không? Hết mộng rồi thì không còn gì sợ
nữa. Như vậy biết là ác mộng thì cái sợ nó cũng nhẹ đi, chớ còn mình thấy
đây là mình đang ở trong cảnh thật, ngoài là thật rồi thì bao nhiêu cái ở
trong này cũng đều là thật nữa thì chúng ta cả ngày đêm mất ăn mất ngủ
thấy không? Cứ lo ngày nay mất cái này, ngày mai mất cái kia, mất của cải,
mất người thân, cứ lo mất riết rồi lo mất mình nữa. Như vậy tự nhiên mất
mình trước khi những sự việc nó tới. Vì vậy cho nên chúng ta phải thấy rõ.
Nếu mình là người trí thì đừng có thấy như vậy phải không? Còn nếu thấy
người thật, cảnh thật rồi đắm mê thì người đó không phải là người trí rồi
đó. Nhớ như vậy. Người nào thấy cảnh bên ngoài là thật rồi mê say theo
cảnh, theo người, thì người đó, thưa không phải là người trí đâu nghe. Nếu
biết mình, chấp nhận mình là trí thì đừng cho nó dính trong cái đó, còn
nếu dính trong cái đó thì dù cho nói có hay mấy đi nữa cũng còn nằm trong
cái không phải trí đó. Hiểu như vậy thì chúng ta tự thấy mình có một nguồn
an ủi vô biên, cái đau khổ của thế gian không còn làm cho mình đau khổ
nữa.
6. Xá-lợi Tử:
Đây là ba chữ
Xá-lợi-phất mà chúng ta đọc ở trong kinh Bát-nhã, chúng ta thấy rằng đức
Phật đối diện với ngài Xá-lợi-phất, Ngài nói chuyện. Nhưng ở đây quan niệm
của Tổ thì Ngài nói Xá-lợi-phất là gì? Còn Xá-lợi Tử tức là chỉ cho cái
bản tâm.
Đạt đạo tâm là gốc
Tâm lặng lợi bao la
Như sen nhô mặt nước
Thoát rõ gốc đạo hòa
Luôn ở nơi tịch diệt
Trí tuệ mấy ai qua
Một mình siêu ba cõi
Hết tiếc cảnh Ta-bà.
Trong mấy câu
tụng trên ý Tổ nói rằng: Xá-lợi Tử là chỉ cho cái bản tâm, cái bản tâm này
mà được thanh tịnh, nó không còn bị vọng tưởng che lấp nữa, lúc đó mới
thật là lợi nhiều. Bản tâm đó chẳng khác nào như hoa sen ở trong bùn vậy.
Hoa sen là dụ cho bản tâm, bùn nước là dụ cho vô minh vọng tưởng. Nếu hoa
sen từ nơi bùn nước vô minh vọng tưởng ấy vượt lên được, thì như vậy đó là
giác ngộ được cái nguồn gốc của đạo.
- Luôn ở nơi
tịch diệt: như vậy chừng đó mới thấy bản tâm mình thường ở trong cái tướng
tịch diệt.
- Trí tuệ mấy
ai qua: tức là tất cả cái trí tuệ nào cũng không vượt khỏi nó được, khó mà
vượt khỏi.
- Một mình
siêu ba cõi: riêng về cái bản tâm thanh tịnh này là riêng vượt ngoài tam
giới.
- Hết tiếc
cảnh Ta-bà: tức là không còn đắm mến cõi Ta-bà nữa.
Tóm lại ý Ngài
muốn rằng: Xá-lợi Tử ở trong kinh Bát-nhã mà đức Phật thường nói đó tức là
chỉ cho bản tâm, khi chúng ta đạt được bản tâm thì lúc đó mới là cái lợi
lớn, nhưng bản tâm ấy không phải tự nó ở trong cái thanh tịnh mà nó đang
bị phủ lấp bởi bùn nhơ, vọng tưởng vô minh. Cho nên bản tâm như là cái hoa
sen từ bùn nhơ, vọng tưởng vô minh, nó vươn lên đó là nó giác ngộ được cái
đạo nguồn cội, chừng đó mới thấy được cái tướng của nó hằng ở trong tịch
diệt, không còn cái trí nào qua được nó và chính nó là cái vượt ra ngoài
tam giới, trong tam giới không còn gì đáng luyến ái nữa hết. Đó là gốc.
7. Sắc bất dị không, không bất dị sắc.
Theo nghĩa
thông thường thì cắt nghĩa: sắc nó không khác với không, không chẳng khác
với sắc. Ngài nói: “Sắc cùng Không một loại chưa thấy đến hai thứ.” Đúng
ra Sắc với Không nó là một loại với nhau mà mình chưa đến cái chỗ cứu kính
thì mình vẫn thấy là hai cái riêng biệt.
Sắc với không một giống
Chưa rõ thấy hai đàng
Hai thừa đâm phân biệt
Chấp tướng tự dối gian
Ngoài không không có sắc
Chẳng sắc mới năng khoan
Vô sanh tánh thanh tịnh
Ngộ ấy tức Niết-bàn.
- Hai thừa đâm
phân biệt - Chấp tướng tự dối gian: Hàng Nhị thừa phân biệt đây là sắc,
kia là không hai cái rời rẽ nhau, bởi vậy cho nên mới mắc kẹt trên hình
tướng. Tự cái tâm mình nó gạt mình.
- Ngoài không
không có sắc - Chẳng sắc mới năng khoan: ngoài cái không thì không riêng
có cái sắc. Bây giờ, quí vị thấy có cái sắc nào ngoài không không? Ngoài
không có sắc không? Nếu mà ngoài hư không có cái bàn được không? Như vậy
sắc không ngoài không. Như vậy lúc trước tôi phân tích ngay trong cái bàn,
nó cũng có không, thì sắc đây chỉ là một mớ bụi nó ráp kết với nhau thành
một hình tướng. Trong cái ráp kết đó nó còn thưa hở mà thưa hở đó là
không. Rồi ngoài cái bàn cũng là không, ngay trong bản thân cái bàn cũng
là không. Cũng như thân mình, ngoài nó cũng là không, mà ngay trong cái
thân mình, mà mình đang sống cũng là không, nếu không có không thì không
có cuộc sống phải vậy không? Vì nếu không có không thì không động. Lỗ mũi
mình mà bít chịt thì chắc mình hết thở, hết thở thì tức nhiên là nó đâu có
động. Rồi cái miệng nó Không cho nên mới dồn nước, dồn này dồn kia vô mới
được và rồi nó mới nuôi được cái bao tử. Nói tóm lại, trong cơ thể mình nó
cũng rỗng trống cho nên mới có này, có nọ mà hữu dụng, còn nếu nó bít rồi
thì mình cũng như cục đá vậy, không dùng cái gì được hết, mình chết cứng
một chỗ, phải vậy không? Như thế trong đã là không, ngoài cũng là không,
như vậy Sắc có rời Không hay không? Vậy mà mình cứ luôn luôn chia đây là
Sắc kia là Không. Cái đó nó không tách rời nhau được, vậy mà mình cứ chia
nó thành hai. Đó là cái mê lầm của mình. Cho nên nói: “sắc chẳng khác với
không, không chẳng khác với sắc”. Tại mình chưa đến chỗ cứu kính, chưa
thấy tột cùng cái chỗ đó, mình thấy hai riêng biệt. Bởi thấy hai riêng
biệt rồi thì tự nhiên mình chấp rồi mình tự dối mình, chớ sự thật ngoài
cái không thì không có cái sắc riêng khác, nếu mà không có cái sắc riêng
khác thì lúc đó mình mới thấy cái nghĩa nó rộng rãi mênh mông. Khi mình
không thấy có cái sắc ngoài cái không thì lúc đó mình liền thấy được tánh
vô sanh thanh tịnh, liền ngộ được lý Niết-bàn. Chỗ này chính là yếu lý của
Đại thừa mà chúng ta nhiều khi không hiểu nổi.
Bây giờ nếu
ngay thân chúng ta đây, chúng ta cảm thấy thân chúng ta có, phải không?
Tới chừng tắt thở, thân nó rã nát rồi lần lần tiêu hết thì nó thành không,
phải không? Bây giờ là có, ngày kia tiêu hoại hết gọi là không. Quan niệm
của chúng ta như vậy, khi có gọi là sanh mà hoại đi gọi là tử, phải vậy
không? Nếu mình còn thấy có, thấy không là hai thì còn thấy sanh, thấy tử
là hai. Mà có không, sanh tử là mình còn thấy nó rời rã nhau thì tâm mình
không bao giờ an được, không bao giờ mình thấy được Niết-bàn. Bây giờ ngay
nơi cái có này mình biết nó là không. Bởi hồi nãy nói cái có không thể rời
ngoài cái không được, mà ngay trong cái có đó nó đã hàm chứa cái không ở
trong, rồi ngoài cái có cũng là không, như vậy chính có tức là không, ngay
cái có tức là không, thì ngay cái sanh tức là tử, phải vậy không? Nếu
không rời cái có không thì sao? Tử cũng tức là sanh, sanh tức là tử, thì
còn có sanh tử thật nữa không? Không có sanh tử thật như vậy tức là vô
sanh rồi. Như vậy mình khổ vì cái thân sanh tử, mà bây giờ ngay cái thân
này mình không còn thấy có sanh có tử nữa thì mình đâu có khổ.
Coi bộ chỗ này
tôi nói vậy mà khó nhận ra cái lẽ này. Nếu nhận ra được cái lẽ này thì quí
vị mới thấy Niết-bàn hiện tại. Ngay nơi thân này vì chúng ta cứ chấp nhận
sự duyên hợp giả có của nó, mình cho nó là thật, chớ còn biết rằng ngay
nơi thân này nó đâu có thật, thời dùng chữ “Tự Tánh Không”, nhưng tại vì
mình chưa có trí tuệ lớn cho nên nghe rất nhiều mới hiểu, chớ còn trí tuệ
lớn mới nghe thì hiểu liền. Mình bây giờ muốn hiểu thân này nó không thật
có, có mà không thật thì phải thấy rõ nó là một sự giả hợp. Tại sao chúng
ta chết? Bây giờ đừng nói khi ban đầu được cha mẹ sanh ra mà nói ngay
trong hiện tại lúc chúng ta đang có ở đây. Hỏi tại sao chúng ta chết? Là
vì chúng ta không được sự bồi bổ của tứ đại bên ngoài, hay là ngay trong
tứ đại này không chấp nhận cho tứ đại bên ngoài vô nữa thì tự nhiên nó
phải hoại đi, nó hoại đi vì thiếu sự bồi bổ tứ đại bên ngoài vô. Bây giờ
tôi thí dụ tại sao chúng ta chết khát? Tại vì chúng ta không bồi bổ nước
vô được, nó khô, nó chết. Chúng ta tắt thở là sao? Có phải chúng ta không
bồi, không hít gió vô được thì chúng ta chết? Như vậy cái chết của chúng
ta chỉ là một việc không bồi bổ được tứ đại bên ngoài vô, phải vậy không?
Tứ đại bên ngoài mà không hỗ trợ được tứ đại bên trong thì chúng ta hoại.
Như vậy cái sống của chúng ta là sự hỗ trợ của tứ đại bên ngoài và tứ đại
bên trong mà thôi.
Mà chúng ta
chết đó tứ đại có mất hết không? Tứ đại có chết không? Như vậy thì cái gì
chết? Bây giờ cái tâm của chúng ta có chết không? Như vậy cái gì chết đâu?
(như thế chỉ có hoại tướng thôi, đâu có gì chết.) Vậy tại sao mình nói
chết? Tướng hợp rồi tan, tự nhiên vậy. Tỉ dụ mình gom một đống cát rồi
người ta phủi một cái nó tan ra mình có buồn khổ không? Tụ lại thì thành
đống cát, tan ra thì nó rời ra chớ có gì thật đâu mà buồn khổ. Vậy mà tại
sao mình cứ buồn khổ vì cái mất, cái tan rã của nó, như vậy có phải mình
si mê hay không? Như vậy khi nó gom góp lại thành một hình tướng, mình
chấp nhận đó là thật sống chớ mình đâu biết rằng nguyên tứ đại nó không
chết, mà tâm cũng không chết. Tâm không chết, tứ đại không chết thì có gì
đâu mà buồn khổ. Phải chi nói mình chết mất hết tứ đại, mất hết tâm, không
còn gì nữa hết thì mình buồn khổ thật, nhưng mà sự thật không phải, tứ đại
bây giờ không được sự hỗ tương trong ngoài nữa thì nó hoại, nó hoại tức là
không đem cái ngoài vô, không đem cái trong ra thì tự nhiên cái trong nó
tan ra. Nó tan ra thì đất trở về với đất, nước trở về với nước, gió trở về
với gió, lửa trở về với lửa, rồi nó cũng chuyển qua cái hướng khác, thì có
gì đâu mà mình lại bám vào cái đó mà khi nó hoại làm mình khổ. Như vậy cái
hợp lại và cái tan đi của nó là một cái tướng giả hợp, giả tan mà thôi. Tứ
đại không thật mất, phải vậy không? Rồi tâm mình cũng không thật mất, phải
không?
Như vậy cái gì
còn, cái gì mất? Chỉ có còn mất của giả tướng có hợp là có tan đó thôi,
phải vậy không? Như vậy thấy rõ cái giả tướng hợp tan đó, mà đã là giả
tướng hợp tan thì tại sao mình lại sợ? Vậy mà mình đau khổ vì cái giả
tướng đó. Đã giả tướng hợp thì giả tướng ấy phải tan chớ làm sao khỏi. Vậy
mà mình bám vào cái giả tướng đó mình nói nó là thật sanh, thật tử rồi
mình đau khổ trong cái sanh tử đó. Như vậy kiếp kiếp đời đời không thấy
Niết-bàn. Còn trong cái giả tướng sanh tử đó mình biết rõ nó không sanh,
không tử, phải vậy không? Nó chỉ là giả tướng hợp rồi tan chớ không có gì
là sanh là tử hết. Sanh không thật sanh, tử không thật tử thì ngay nơi đó
mình thấy sanh tức là vô sanh, mà vô sanh tức là Niết-bàn rồi, phải vậy
không? Bây giờ quí vị thấy ngay nơi thân này mình thấy rõ như vậy thì hằng
ngày sống trong Niết-bàn, cười hoài, miệng cười toe toét như đức Phật
Di-lặc vậy, không còn gì đau khổ. Tuy trong cõi Ta-bà lửa cháy bừng bừng
vậy mà mình vẫn cười vì không có gì là thật thọ hết, lửa có đốt thì tứ đại
này rã ra, thì lửa hòa với lửa có gì đâu. Mình có lửa thì lửa chính là
mình thì lửa hòa với lửa, còn nếu mình chìm xuống nước thì nước hòa với
nước cũng là bạn chớ có mất đâu mà sợ.
Đâu có cái gì
gọi là mất? Như vậy quí vị thấy có gì đau khổ nữa không? Mà thế gian đau
khổ là vì sợ mất, mà sự thật, sợ cũng không khỏi, nó là hợp thì nó phải
tan. Do đó tứ đại hợp rồi tứ đại tan, hợp tan chuyện của tứ đại cũng như
trò chơi chớ có gì đâu, phải vậy không? Cũng như mình vùa đất lại thành
núi chơi một hồi buồn thì phủi ra, phủi ra một lát lại vùa lại chơi,
chuyện đó như trò chơi chớ có gì đâu? Hợp rồi tan, tan rồi hợp có nghĩa
gì? Tại sao mình bám vào một chấm nhỏ của tan hợp rồi mình bảo vệ nó, gìn
giữ nó, lo mất. Như vậy cái đau khổ đó là tại ai làm cho mình đau khổ? Tức
là tại cái si mê của mình. Mình bám vào cái tan hợp đó mà cho là nó thật
rồi mình muốn giữ cái tan hợp đó đừng cho nó tan. Nhưng làm sao giữ được?
Mà giữ không được tức là đau khổ, đau khổ ngay nơi đó.
Bây giờ nếu
mình không sợ luân hồi, thây kệ nó hợp, nó tan, hợp hợp tan tan như trò
chơi thì như vậy mình có bị luân hồi hay không? Cho nên nói rằng hàng Nhị
thừa vì thấy có hai cho nên tự dối mình. Tâm mình tự dối cho nên các ngài
sợ sanh tử, cầu Niết-bàn, đó cũng là tự gạt mình. Còn hàng Bồ-tát thấy
“sắc với không” không hai nữa thì các ngài không còn sợ sanh tử thì ngay
trong sanh tử thấy Niết-bàn rồi, thấy vô sanh tức là Niết-bàn, Niết-bàn là
vô sanh, ngay nơi sanh tử mà thấy Niết-bàn. Quí vị thấy cái ngộ đó có xa
xôi gì đâu, phải vậy không? Thật ra chúng ta chỉ cởi đi cái chấp mê sai
lầm đó tự nhiên là tỉnh là giác. Tỉnh giác rồi thì ngay nơi thân này cũng
như là trò chơi vậy, nó hợp lại mình lấy nó mình đi chơi, còn nó rã ra thì
của đâu trả về đó. Hợp rồi tan, tan rồi hợp cũng kiểu như ngài Từ Minh
nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ.” Vậy như chuyện chơi không
có nhằm gì hết, còn gì là đau khổ trong sanh tử nữa, phải vậy không? Vì
thế ở đây Ngài nói rằng: “Khi chúng ta biết ngoài không không riêng có
sắc, chính nghĩa không sắc đó là nghĩa rộng rãi.” Ngay nơi đó chúng ta
thấy tánh vô sanh thanh tịnh. Đó là: người ngộ thì liền đó là Niết-bàn,
ngộ được đó thì Niết-bàn ngay trong hiện tại chớ không có đâu xa lạ hết.
Ngoài sanh tử không có Niết-bàn, ngay trong sanh tử đó mà mình thấy. Như
vậy giả sử chúng ta sống được như vậy, thì chúng ta thấy trên cõi đời này
lửa đỏ, chiến tranh, giặc giã này chúng ta có sợ không? Chắc là mình cũng
đùa với lửa chơi chớ không sợ gì hết, phải vậy không? An nhiên trong cái
đau khổ không còn cái gì bận bịu hết. Còn nếu chúng ta vì thấy cái thân
này thật quá rồi lo mất, mất vì cách này, mất vì cách khác, vì vậy mà cả
ngày cứ lo mất hoài rồi mình bất an, bất an ngay trong cái lo đó. Nếu mình
nhận chân được chỗ tu hành như vậy thì mình được an lành tự tại.
* |