CỬA THỨ NHẤT: TÂM KINH TỤNG (tt)
29. Cứu kính Niết-bàn.
Không sanh tức cứu kính
Thanh tịnh ấy Niết-bàn
Phàm phu đừng luận thánh
Chưa đến biết chi bàn.
Niết-bàn là
gì? Tức là chỉ cho cái tâm thể thanh tịnh chớ không có gì hết. Tâm thể
thanh tịnh là Niết-bàn. Phàm phu chớ có nghĩ về Thánh. Còn người chưa đến
tức thấy nó là khó. Phàm phu khó mà lường được cái việc thánh. Còn những
người chưa đến cái quả thánh hay là chưa tới Niết- bàn thì cũng khó mà
biết được Niết-bàn. Những hàng hữu học với những hàng vô học đối với trí
tuệ của Phật thì những người ấy thấy nó càng sâu xa. Cần phải hội được cái
lý vô tâm. Nếu mình hội được cái lý vô tâm thì chớ có mắc kẹt, dứt cái
nguồn tâm. Chỗ này là chỗ thật là nhiều khi chúng ta bị mắc kẹt. Mình
tưởng rằng mình kềm chết được cái vọng thì đó là trở về nguồn, nhưng mà sự
thật, dứt vọng không thì chưa hẳn là trở về nguồn, tại sao vậy? Bởi vì cái
nguồn đó mình phải nhận ra, mình phải thấy nó thì cái vọng mới hết, mới
trở về nguồn, phải vậy không? Chớ nhiều người họ không biết, nói tôi dứt
vọng thì chân, nhưng dứt vọng mà không thấy chân, không biết chân thì làm
sao?
Bây giờ tôi
thí dụ nhỏ cho quí vị thấy: Hiện nay tôi có chén nước đục nó có tánh nước
trong ở trong đó, lúc đó chúng ta để chén nước đục này từ từ nó lóng
xuống, khi lóng xuống hết bùn rồi, chúng ta lọc nước trong qua một bên,
như vậy thì biết nước trong có ở trong chén nước đục cho nên chúng ta mới
lọc được. Còn nếu có người nói rằng đây là bùn, chỉ biết chén nước đục là
chén nước đục mà không hề biết ngay trong nước đục nó có cái thể nước
trong thì khi biểu họ trong chén nước đục đó bỏ bùn thì họ chán, chỉ muốn
hất đổ chén nước đi vì chỉ thấy nó là bùn, họ không tin rằng trong đó có
nước trong, họ thấy bùn cặn ở dưới xài không được. Còn mình biết rằng sau
khi lóng mình sang qua một bên, bỏ bùn ra thì nước này hữu dụng.
Cái tu của mình cũng vậy, nghĩa là ngay
trong lúc mình tu hành mình nhận ra được bản tánh thì mình dứt vọng, bản
tánh hiện mình biết. Còn mình không nhận ra bản tánh, dứt vọng rồi mình
không biết là cái gì, như vậy dứt vọng rồi ngồi êm ru rồi đâm chán, không
tu nữa. Đừng tưởng rằng dứt vọng đều giống nhau hết. Nếu nhận ra bản tánh
mình, dứt vọng thì an vui ngay đó. Còn không nhận được bản tánh, dứt vọng
rồi thì hoảng hốt bỏ, hết muốn tu. Đó là cái chuyện khó của người tu
thiền. Hiểu như vậy rồi mình mới thấy được cái chỗ thiết yếu, chớ không
hiểu như vậy thì chắc rằng mình tu một lúc rồi cũng đâm ra chán. Ở đây nói
cứu kính Niết-bàn là để chỉ cho chúng ta khi mà tu rồi là cốt phải nhận
được lý vô tâm, nhận được cái lý vô tâm rồi thì như vậy là mình thấy được
cái nguồn tâm, để từ đó trở về nguồn tâm, chớ dứt nó làm gì? Cho nên không
có mắc kẹt.
30. Tam thế chư Phật (Ba đời chư Phật).
Quá khứ lời chẳng thật
Vị lai cũng chẳng chân
Hiện tại bồ-đề tử
Không pháp gọi huyền môn
Ba
thân cùng về một
Một tánh gội nhuần thân
Đạt lý thời gian mất
Chứng pháp “một” không nhân.
Đối với quan
niệm trên, Ngài cho rằng ba đời, nhưng trong ba đời đó quan niệm của Ngài:
quá khứ đã qua nó không thật, vị lai thì chưa đến nó cũng không thật, chỉ
hiện tại đó mới là Bồ-đề. Tại sao hiện tại là Bồ-đề? Vô pháp đó là huyền
môn. Quí vị nên nhớ cái chủ yếu hiện tại của Tổ Bồ- đề-đạt-ma (chư Tổ
thường nói câu hiện tiền). Chữ hiện tiền là sao? Hiện tiền cái thể tâm
thanh tịnh mình có vắng mặt lúc nào không? Đâu chúng ta kiểm lại coi cái
thể tâm thanh tịnh của chúng ta có vắng mặt lúc nào không? Sao không dám
nói dứt khoát? Nếu nó vắng thì chết mất rồi! Nhưng thật tình cái thể đó
không vắng mặt nơi mình một phút giây nào hết, chỉ tại mình vô tình với y,
thấy không? Nếu nó vắng mặt lúc nào thì lúc đó những cái tâm sanh diệt chỗ
đâu mà trụ? Cũng như cái nhà kho mà bị đốt lúc nào đó thì đồ đạc này biết
dồn vô đâu. Thành ra không bao giờ nó vắng mặt, nhưng mà lỗi là tại chúng
ta bội bạc vô tình với y, có mặt mà không người biết tới coi như vắng mặt,
phải vậy không? Vì vậy cho nên lúc nào tôi cũng nói hiện tiền, Bây giờ,
chúng ta trong tâm không có nghĩ quá khứ, không nghĩ vị lai, không chạy
theo sự vật thì lúc đó không hiện tiền là cái gì? Vì vậy cho nên đó là
Bồ-đề, là hạt giống Bồ-đề không pháp tức là huyền môn. Do đó ba thời tuy
không thật, nhưng ở đây là Tổ muốn chỉ cho mình ngay ở trong hiện tại đó,
sống với cái phút hiện tại, đừng bao giờ bỏ quên cái đó.
- Một tánh gội
nhuần thân: Chỉ một tánh nó trùm hết cả thân. - Đạt lý thời gian mất: Nếu
người đạt lý rồi thì không thấy ba đời là thật nữa. - Chứng pháp “một”
không nhân: Một pháp cũng thấy là không có thật, không có nhân nào thật
hết.
Nói tóm lại ba đời không thật. Nếu thấy ba
đời không thật, đó là Phật, đó là Bồ-đề rồi.
31. Y Bát-nhã-ba-la-mật-đa cố đắc A-nậu- đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
Phật trí thâm nan trắc
Tuệ giải quảng vô biên
Vô
thượng tâm chánh biến
Từ
quang mãn đại thiên
Tịch diệt tâm trung xảo
Kiến lập vạn dư ban
Bồ-tát đa phương tiện
Phổ cứu vị nhân thiên.
- Phật trí
thâm nan trắc: tức là cái trí Phật sâu xa khó mà lường được. - Tuệ giải
quảng vô biên: còn cái tuệ giải của Ngài rộng lớn không có ngằn mé. - Vô
thượng tâm chánh biến: cái tâm chánh biến giáo là vô thượng. - Từ quang
mãn đại thiên: cái ánh sáng từ bi đầy khắp tam thiên, đại thiên. - Tịch
diệt tâm trung xảo: ở trong cái tâm tịch diệt đó mới là khéo léo. - Kiến
lập vạn dư ban: mới dựng lập muôn ngàn thứ - Bồ-tát đa phương tiện: hàng
Bồ-tát thì rất nhiều phương tiện. - Phổ cứu vị nhân thiên: khắp cứu người
và trời.
Khi nói ba đời
chư Phật y Bát-nhã-ba-la-mật- đa này, đến chỗ Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác đó chỉ cho trí tuệ sâu xa, rộng lớn của đức Phật khó mà lường biết
được. Trí tuệ đó do trong tâm tịch diệt đó khéo léo dựng lập muôn ngàn
pháp cho nên nói là “y Bát-nhã” (y theo trí tuệ đó) dựng lập muôn ngàn
pháp để cứu độ chúng sanh. Gọi ba đời chư Phật y Bát-nhã-ba-la-mật-đa được
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác
là vậy.
32. Cố tri Bát-nhã-ba-la-mật-đa thị đại thần chú thị đại minh chú.
Bát-nhã làm thần chú
Trừ dứt năm uẩn nghi
Phiền não cũng mất trọn
Thanh tịnh tự phân ly
Bốn trí cuồn cuộn sóng
Tám thức lộ thần uy
Đèn tâm soi pháp giới
Đó
tức là bồ-đề.
Tại sao gọi
Bát-nhã là đại thần chú? Là vì Bát-nhã hay trừ được cái nghi của ngũ uẩn,
vì Bát-nhã đoạn đứt được các phiền não mà đem lại cho mình được cái thanh
tịnh, như vậy thì gọi là đại thần chú. Khi trở về được cái Bát- nhã rồi
thì mình có tứ trí, thì cái sóng tứ trí là vô cùng tận. Rồi cái uy lực
thần thông của tám thức ngọn đèn tâm nó sáng rỡ cả pháp giới tức là Bồ-đề
vậy. Vì vậy cho nên nói là đại minh chú hay đại thần chú.
33. Thị vô thượng chú.
Vô thượng xưng tối thắng
Cứu vớt đám ngu si
Giáo chủ ba ngàn cõi
Rộng mở nguyện từ bi
Thuận lòng chúng sanh muốn
Tùy cảnh dẫn qua mê
Người người lên bờ giác
Do
mình chẳng do ai.
Tại sao gọi
rằng Vô thượng chú? Vì cái trí tuệ đó vô thượng cho nên gọi là tối thắng
(vô thượng chỉ cho tối thắng). Tại sao nói tối thắng? Vì nó hay phổ cứu
tất cả mê lầm của chúng sanh, thành ra cái trí tuệ đó lớn, nó là chủ của
cả tam giới. Cái nguyện của nó rộng cho nên nói khởi từ bi. Như vậy cái vô
thượng chú này không phải là thần chú do chư thần thánh ở ngoài, mà chính
là chỉ cho tâm mình rộng lớn, cái tâm rộng lớn đó nó có công lực cứu giúp
tất cả chúng sanh, dìu dắt tất cả chúng sanh ra khỏi mê lầm, để đưa đến bờ
giác cho nên gọi là Vô thượng chú. Vô thượng chú đó chính nơi mình chớ
không phải nơi ai.
34. Thị vô đẳng đẳng chú.
Đường Phật con đường thánh
Pháp lực chẳng gì qua
Chân không dứt mọi có
Hóa thân hiện hằng sa
Đến vì chúng sanh khổ
Đi
vì thế gian ma
Kiếp thạch thảy về hết
Mình ta tại Ta-bà.
Do Phật đạo mà
thành cả ngàn vị Thánh. Cái
pháp lực lại không có gì hơn. Về cái chân không tịch diệt đó diệt các cái
hữu, thị hiện nơi hóa thân rất là nhiều.
- Đến vì chúng
sanh khổ: đến là vì cứu khổ tất cả chúng sanh. - Đi vì thế gian ma: có đi
cũng vì muốn hàng phục chúng ma mà đi.
Câu này nói
nghĩa hơi khó hiểu. Nói rằng chư Phật khi trở về pháp thân ấy rồi, tùy
theo chúng sanh diệt cái mê lầm của họ mà thị hiện ra nhiều hóa thân. Như
vậy hóa thân của Phật có đến cũng vì chúng sanh khổ mà đến, có đi cũng vì
muốn hàng phục chúng ma mà đi, chớ đâu phải các ngài có chết, có sanh, có
tử thật. Vì vậy: - Kiếp thạch thảy đều hết: trong kinh thường dụ: Có một
hòn đá to, mỗi ngày lấy cái áo nhẹ mà phất qua, phất lại một lần, rồi hằng
trăm năm cứ phất như thế, phất hoài cho đến khi nào cục đá mòn hết trơn
thì gọi là hết một kiếp. Quí vị cứ thử nghĩ một cục đá to mà cứ một trăm
năm dùng áo phất nhẹ một lần cho đến cục đá mòn không còn gì hết gọi là
kiếp thạch, mà nó hết ta vẫn còn ở cõi Ta-bà. Ta đây là ai? Tức là pháp
thân của Ngài. Pháp thân của Phật hằng ở Ta-bà chớ không có chết, mình cứ
tưởng đâu Phật nhập Niết-bàn là mất, chớ sự thật Ngài cũng vẫn còn có mặt
ở đây chớ không có mất đi đâu hết. Vì vậy cho nên nói rằng Ngài đến vì
chúng sanh khổ mà đến, Ngài đi vì hàng phục chúng ma mà đi chớ sự thật
Ngài đâu có chết. Vì pháp thân hằng còn thường thanh tịnh.
35. Năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư.
Phật từ tâm rộng lớn
Đời đời nguyện độ sanh
Hoằng pháp nêu lẽ thật
Khắp khuyên gấp tu hành
Quày đầu thấy tướng thật
Khổ hết thấy vô sanh
Dứt hẳn ba đường ác
Thanh thản lòng vui thành.
Cái khổ thảy
đều hết liền thấy được Niết-bàn vô sanh, hằng dứt được cái khổ trong ba
đường ác và rỗng rang an vui trong ấy. Như vậy đó là chỉ cho trừ hết tất
cả khổ.
36. Cố thuyết
Bát-nhã-ba-la-mật-đa chú.
Nên nói lý chân như
Chưa ngộ gấp tâm hồi
Sáu giặc thôi gieo ác
Thùng sơn đáy lủng rồi
Thần chú trừ ba độc
Hoa tâm này năm chồi
Trái chín căn nguồn dứt
Bước bước thấy Như Lai.
Sở dĩ mà nói
thần chú, nói thần chú là vì sao? Thần chú là chỉ cho cái lý chân như,
thành ra quí vị thấy Ngài đâu có dấu. Thần chú này là chỉ cho cái lý chân
như, nếu người chưa ngộ được lý chân như thì nên chóng hồi tâm trở về chân
như. Trở về chân như thì sao? Thì sáu giặc và mười ác liền tiêu diệt, cả
cái núi ma đều tan nát. Vì vậy mà nói thần chú. Chú này là trừ được ba
độc, rồi cái tâm hoa của mình nó sanh ra năm cánh. Quả chứng cái gốc nó
vững chắc, mỗi bước, mỗi bước đều thấy Như Lai. Thần chú đó là chỉ cho cái
lý chân như.
37. Tức thuyết chú viết: Yết-đế yết-đế, ba-la yết- đế ba-la-tăng yết-đế
Bồ-đề tát-ba-ha.
Yết-đế giềng mối đạo
Đưa duyên phướn nêu đường
Như Lai tối tôn thắng
Phàm tâm biết đâu lường
Không bờ không ở giữa
Dài, ngắn cũng không luôn
Bát-nhã-ba-la-mật
Suốt kim cổ hằng thường.
Câu thần chú
trên là gì? Yết-đế, yết-đế là gì? Chữ yết-đế là chỉ cho cái bản tông cương
(cái gốc của tông này). Bản tông cương là cái cương lĩnh của tông này (tức
là cái tông thiền). Cái tâm phàm khó mà lường xét được, vô biên tức là
không có bên này không có bên kia cũng không có chặng giữa nữa.
Thần chú
yết-đế, yết-đế này là cốt Ngài nói là chỉ cho tông cương của thiền. Tông
cương của thiền là dùng phương tiện để hiện pháp tràng, đó là trở về tối
thắng của Như Lai, chỗ đó không thể dùng tâm lượng của phàm tình mà lường
được, vì chỗ đó gạt ra ngoài tất cả đối đãi hai bên, chặng giữa hay là dài
ngắn. Bát-nhã này là cứu kính, viên mãn. Nói tóm lại Bát-nhã là gì?
Bát-nhã-ba-la-mật-đa Tâm Kinh này chỉ về chân tâm, thành ra khi chúng ta
vào cửa thứ nhất là phải nhận ra nơi mình có cái chân tâm hằng thường bất
biến đó, đó là cái cửa vào Bát-nhã. Thành ra khi nào mình tụng Bát-nhã Tâm
Kinh, tức là tụng lên cái đó để nhớ rằng mình có cái tâm thường hằng bất
biến đó. Tâm đó không phải là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, mà
chính là ở trong đó đầy đủ và diệu dụng, đầy đủ uy lực, trở về đó là hết
khổ, là an lành, là tự tại.
Vì vậy cho nên
muốn bước vào cửa thiền thì phải từ cửa thứ nhất là cửa Bát-nhã mà bước
vô. Như thế lâu nay mình cứ tưởng Bát-nhã này là chỉ phá cái chấp không,
phá cái chấp có, phải không? Nhưng thật ra không phải, ở đây Tổ nói:
“Bát-nhã là chỉ thẳng về chân tâm.” Trong chân tâm đó nó không có tất cả
pháp sanh diệt của thế gian và xuất thế gian an lập, mà chân tâm ấy là chỗ
miên viễn, an lành. Ai biết trở về đó thì thành Phật chứng quả, bằng không
biết trở về đó thì dù có tu cái gì, tìm cái gì đi nữa thì rốt cuộc rồi
cũng không đạt được đạo.
] |