CỬA THỨ NHÌ: PHÁ TƯỚNG LUẬN
Phá tướng tức
là dẹp bỏ những cái hình tướng bên ngoài để trở về bản tâm.
Hỏi: - Nếu có
người chí cầu Phật đạo phải tu pháp gì thật là tỉnh yếu?
Chữ tỉnh là
đơn giản, chữ yếu là thiết yếu. Nói tóm lại là phương pháp đơn giản, thiết
yếu là pháp gì?
Đáp: - Chỉ
quán tâm. Đó là một pháp tổng nhiếp hết các pháp cho nên rất là tỉnh yếu.
Tức là chỉ có
phương pháp quán tâm là tỉnh yếu bậc nhất, chớ không có phương pháp nào
tỉnh yếu hơn nữa. Tại sao vậy? Vì một cái tâm đó nó bao trùm hết các pháp
cho nên nói là tỉnh yếu.
Hỏi: - Sao nói
một pháp hay nhiếp hết các pháp?
Đáp: - Tâm là
cội gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp chỉ do tâm mà sanh ra. Nếu hay liễu
được tâm thì muôn pháp đều đầy đủ, ví như cây to có những cành lá và hoa
quả thảy đều y nơi cái gốc mà sanh ra. Khi chúng ta chặt cây, đào gốc ắt
là cây phải chết. Nếu liễu được tâm mà tu hành thì tỉnh lực mà dễ thành
(tỉnh lực tức là ít tốn công lực). Còn không liễu được tâm mà tu hành thì
phí công nhiều mà vô ích. Cho nên biết tất cả thiện, ác đều do nơi tâm
mình. Ngoài tâm riêng cầu cái gì khác trọn không có lẽ ấy.
Như vậy ở đây
có hai câu hỏi:
1. Câu thứ
nhất: Mở màn cho người cầu đạo có phương pháp gì vừa đơn giản mà lại thiết
yếu. Ngài chỉ cho một phương pháp đơn giản và thiết yếu nhất là Quán tâm.
Quán tâm không phải ngồi lại một chỗ mà quán tâm, mà là trở về thấy được
tâm mình hay là chăn trâu, nghĩa là thấy nó đang chạy Đông chạy Tây hay là
thấy nó đứng yên lặng. Đó gọi là quán tâm. Pháp quán tâm là pháp cội
nguồn.
2. Câu thứ hai: Tại sao nói: “chỉ có một
pháp đó mà trùm hết các pháp”? Vì pháp quán tâm nó là cội gốc của các
pháp. Ví như cây to có hoa, quả, có cành, có lá. Cành, lá, hoa, quả tuy
nhiều nhưng từ cái gốc mà ra. Nếu chúng ta muốn cây nó chết thì chặt gốc
nó, tự nhiên cành, lá, hoa quả theo đó mà hết. Như vậy muôn pháp thiện, ác
đều từ tâm mà ra. Nếu ngay tâm mà chúng ta nhận được, liễu tri được thì
muôn pháp cũng theo đó mà sạch. Không trở về tâm mà đi cầu những pháp khác
bên ngoài thì không bao giờ có cái lẽ đó, nghĩa là không bao giờ đạt được
đạo.
Hỏi: - Thế nào
là quán tâm gọi đó là liễu?
Đáp: -
Bồ-tát-ma-ha-tát khi hành thâm Bát-nhã-ba- la-mật-đa rõ tứ đại, ngũ uẩn
vốn là không, là vô ngã rồi liễu kiến (tức thấy rõ), tự tâm khởi dụng có
hai thứ sai biệt: Một là tịnh tâm. Hai là nhiễm tâm.
Hai thứ tâm
này pháp giới tự nhiên. Tại sao gọi hai thứ tâm này pháp giới tự nhiên? Vì
xưa nay đều có, tuy lìa cái giả duyên mà hiệp lẫn nhau đối đãi.
Bởi hai cái đó xưa nay nó đều đủ. Tuy lìa
giả duyên mà khi hiệp thì nó lẫn nhau đối đãi tức nhiên đây muốn nói rằng:
Tâm nhiễm, tâm tịnh là hai cái tâm nó vẫn có sẵn bên mình, nó sẵn có chớ
không phải đợi tạo mới có. Ngay nơi mỗi con người chúng ta đều có sẵn tâm
nhiễm, tâm tịnh cho nên gọi là pháp giới tự nhiên. Đứng về mặt tâm thể thì
nó lìa giả duyên (tức là duyên mượn bên ngoài), tâm thể nó không dính gì
với cái giả duyên bên ngoài, nhưng mà khi cái duyên hiệp với nó cho nên
gọi là hiệp hỗ tương đãi. Cái duyên mà hiệp lại với nhau thì nó trở thành
đối đãi, bởi vì khi chúng ta không có khởi niệm thì cái tâm đó ra sao? Nó
hiệp với tướng bên ngoài cho nên gọi là hỗ hiệp, tức là hiệp lẫn nhau, khi
hiệp như vậy ở trong có tâm, ở ngoài có cảnh, tức là khởi niệm thì trong
có tâm duyên theo cái gì? Duyên theo sự vật bên ngoài thì ngoài có cảnh.
Vì vậy mà tâm cảnh đối đãi.
- Tịnh tâm
hằng ưa nhân lành (tâm tịnh thì nó ưa nhân lành). Còn nhiễm thì nó thường
suy nghĩ nghiệp ác.
Như vậy nói
cái nhiễm, cái tịnh là nói khi khởi nghiệp. Khởi niệm thì hoặc có lành
hoặc có dữ. Cái tịnh thì ưa nghĩ những cái lành, còn nhiễm thì thường nghĩ
những cái ác.
Nếu không thọ
(tức không nhận) cái nhiễm nó huân vô thì gọi là thánh.
Người nào tu
hành mà không nhận, không chịu những cái nhiễm làm nhơ nhớp tâm mình thì
gọi là Thánh.
- Bèn hay xa
lìa các khổ, chóng được cái vui Niết- bàn.
Người nào mà
lìa được cái nhiễm, không bị nó huân vô thì người đó là Thánh, là lìa khổ,
là được vui Niết-bàn.
Còn nếu theo
tâm nhiễm mà tạo nghiệp tức là phải chịu sự trói buộc gọi người đó là
phàm, sẽ chìm đắm trong tam giới, chịu các thứ khổ.
Như vậy nếu
chúng ta theo cái chiều nhiễm để làm cho nó ô nhiễm ở trong mình, tức là
chúng ta tạo nghiệp rồi chịu luân hồi trong tam giới, như vậy đó là phàm.
Vì cớ sao? Do
cái tâm nhiễm kia nó che lấp cái thể chân như, nó làm chướng ngại cái thể
chân như, cho nên kinh Thập Địa nói: “Trong thân chúng ta có Phật tánh kim
cương.”
Sở dĩ nói Phật
tánh kim cương đây là cả pháp lẫn dụ. Phật tánh bất sanh bất diệt, không
có gì phá hoại được nên ví dụ như kim cương. Ông Phật tánh đó chắc cũng
cứng ngắc rồi mình không có lúc nào an ổn được, phải vậy không? Thành ra
chữ kim cương là cái bất hoại, là cái không sanh diệt. Vì Phật tánh là cái
không sanh diệt và không có gì phá hoại được nó, cho nên gọi là Phật tánh
kim cương.
Ví như vầng
mặt trời sáng suốt, tròn đầy, rộng lớn không có ngằn mé, chỉ bị những lớp
mây ngũ ấm che đậy, ví như ở trong cái bình để cái ngọn đèn sáng mà không
thể phát hiện ánh sáng.
Tỉ dụ như
trong cái bình sành để một ngọn đèn sáng, trong đó phát ra ánh sáng được
không? Cho nên nói nó không phát hiện ánh sáng được.
Lại trong kinh
Niết-bàn cũng nói: “Tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, vì vô minh
che đậy nó cho nên không được giải thoát.” Phật tánh ấy tức là tánh giác
vậy. Chỉ tự giác và giác cho người cái tri giác ấy nó mới được sáng suốt
rõ ràng, ắt gọi là giải thoát. Cho nên biết tất cả cái thiện đều lấy giác
làm gốc. Nhân cội gốc giác này liền hay hiển hiện các cây công đức, cái
quả Niết- bàn nhân đây mà được thành tựu. Quán tâm như thế gọi là liễu.
Như ở đoạn trước nói phương pháp tỉnh yếu
nhất là quán tâm, là cội nguồn của muôn pháp. Quán tâm bằng cách nào? Ngay
nơi tâm mình có hai phần: tịnh và nhiễm. Mình không để cái nhiễm làm ô uế
tâm thì gọi là Thánh và được giải thoát. Chạy theo cái vòng nhiễm để nó
che đậy cái tâm mình thì như vậy nó sẽ mờ tối, sẽ trầm luân trong sanh tử.
Vì vậy cho nên nói quán tâm là liễu được tất cả.
Hỏi: - Ở trên
nói Chân như, Phật tánh, tất cả các công đức, nhân nơi gốc giác (hay là
nhân nơi giác làm gốc). Chưa biết cái tâm vô minh lấy gì làm gốc?
Hồi nãy ở trên
nói rằng chân như, Phật tánh và tất cả công đức nhân nơi giác làm gốc. Vậy
không biết cái tâm vô minh ấy lấy gì làm gốc?
Đáp: - Cái tâm
vô minh tuy có tám muôn bốn ngàn phiền não, tình dục và hằng hà sa số các
thứ ác đều lấy tam độc làm cội gốc. Ba độc ấy tức là tham, sân, si ấy vậy.
Như vậy thì
cội gốc của tất cả pháp ác là tham, sân, si. Còn cội gốc của tất cả pháp
lành là tánh giác.
Ba thứ độc này
tự hay đầy đủ tất cả cái ác, ví như cây to cái gốc tuy là một mà sanh ra
cành, lá, cái số nó lại vô biên. Ba cái gốc độc kia mỗi cái gốc sanh ra
các nghiệp ác trăm ngàn muôn ức, nghĩa là bội quá hơn trước nữa không thể
nào dụ được. Như thế cái tâm ba độc đó nhân ở trong cái bản thể của nó ứng
hiện ra vào nơi sáu căn, cũng gọi là lục tặc tức là lục thức vậy. Do sáu
thức này ra vào nơi các căn rồi tham trước vạn cảnh hay thành ra các
nghiệp ác mà chướng ngăn cái thể chân như cho nên gọi nó là lục tặc.
Chúng ta thấy
tuy nói phiền não rất nhiều, trăm ngàn muôn ức nhưng mà ở đây cái gốc của
nó chỉ là tham, sân, si thôi. Bởi có tham, sân, si ở trong rồi nó mới
nương nơi cái bản thể này ứng hiện ra sáu căn thì sáu căn này biến thành
lục tặc. Còn nếu không có tham, sân, si thì sáu căn nó thành cái gì? Nếu
không có tham, sân, si thì nó biến thành lục ba- la-mật hoặc là lục thần
thông. Chỉ vì tham, sân, si mà sáu căn biến thành lục tặc.
Tỉ dụ con mắt
mình mà không có cái tham hợp tác với nó thì nó đâu bị nhiễm sắc thì đâu
có che ngại chân như, phải vậy không? Lỗ tai mình mà không có cái sân hợp
tác với nó, nó đâu có nổi giận khi nghe người ta nói nặng, nó không nổi
giận thì đâu có chướng ngại chân như? Như vậy cái tham, sân, si nó ẩn
trong đó rồi nó hòa hợp với sáu căn của mình, rồi sáu căn biến thành lục
tặc. Nhớ khi nào hết tham, sân, si rồi thì sáu căn cũng nghe, cũng thấy,
cũng biết mà nó trở thành lục ba-la-mật hay là lục thông. Sở dĩ thành lục
tặc là vì có ba chú giặc lớn ở trong.
Chúng sanh do
ba cái độc và sáu thứ giặc nó làm loạn thân tâm rồi chìm đắm trong sanh
tử, luân hồi trong lục thú, chịu các thứ khổ não. Ví như sông cái và rạch
nhỏ, nhân nơi nguồn suối nhỏ rồi nó chảy mãi không dứt mới hay đầy dẫy nào
là sóng ngòi muôn dặm.
Tức là từ nơi
những nguồn suối chảy ra sông lớn, sông nhỏ, rồi từ sông lớn, sông nhỏ và
các suối nó cứ chảy mãi ra biển. Cho nên khi ra biển thì nó mênh mông biến
ra thành muôn ngàn lượn sóng to muôn ngàn dặm.
Nếu lại có
người chặn bít cái nguồn gốc kia (tức là nguồn gốc cái suối kia), tức là
các dòng đều theo đó mà dứt.
Người cầu giải
thoát hay chuyển được ba độc làm ba nhóm tịnh giới, và chuyển sáu giặc ra
làm sáu ba-la- mật, tự nhiên hằng lìa tất cả biển khổ.
Như vậy người tu cầu giải thoát chuyển ba
độc làm ba nhóm tịnh giới và chuyển sáu giặc thành sáu ba- la-mật thì tự
nhiên hằng lìa xa được tất cả cái khổ. Tam tụ tịnh giới tức là ba nhóm
giới thuộc về Đại thừa: Nhiếp thiện pháp giới... rồi sáu ba-la-mật là: bố
thí... Như vậy chúng ta thấy cũng từ nơi sáu căn này nếu không hợp tác với
ba độc thì chuyển sáu căn thành ra lục ba-la-mật. Như vậy tu là cái
chuyển, do đó mà chúng ta đang sống trong cái đau khổ mê lầm do ba độc nó
hoành hành; bây giờ chúng ta chuyển ba độc được thì cái đau khổ theo đó mà
sạch hết.
Hỏi: - Lục
thú, tam giới rộng lớn vô biên, nếu quán tâm thì do đâu mà khỏi được cái
khổ vô cùng?
Ở đây nói rằng
trong lục đạo, trong tam giới thì rộng lớn vô biên, mình bây giờ chỉ quán
tâm của mình không thì làm sao khỏi cái đau khổ vô cùng trong tam giới,
lục thú?
Đáp: - Tam
giới, nghiệp báo chỉ do tâm mà sanh ra. Cái gốc nếu mà không tâm đối trong
tam giới tức là ra khỏi tam giới. Tam giới ấy tức là tam độc (nói tam giới
là chỉ cho tam độc vậy): Tham là dục giới, Sân là sắc giới, Si là vô sắc
giới. Cho nên gọi là tam giới. Do tam độc này tạo nghiệp nhẹ và nặng rồi
phải chịu cái quả báo chẳng đồng, phân trở về nơi sáu chỗ cho nên gọi là
lục thú.
Ngài nói đơn
giản: tam giới là tham, sân, si chớ không có gì hết. Như vậy tham đó là
dục giới, sân là sắc giới, si là vô sắc giới nghĩa là còn tham, còn sân,
còn si thì còn ở trong tam giới; hết tham, hết sân, hết si thì ra khỏi tam
giới. Bây giờ chúng ta thấy tham là dục giới thì dễ hiểu rồi, nhưng còn
sân sao là sắc giới? Bây giờ ngay nơi thân mình, khi nổi sân hiện hình sắc
sao? Dễ thấy hay khó thấy? Như vậy khi nổi sân lên thì tướng trạng người
ta thấy liền phải không? Rồi khi si thì dễ thấy hay khó thấy? Ờ, si nó mờ
mờ không ai thấy được nó hết. Vì vậy cho nên si nó thuộc về vô sắc giới,
không có tướng trạng. Còn tướng trạng dễ thấy nhất là sân. Như vậy trong
tam giới gốc từ tam độc mà ra chớ không có gì hết.
Hỏi: - Tại sao
nặng, nhẹ, phân làm sáu nẻo?
Đáp: - Chúng
sanh không liễu được cái chánh nhân, mê nơi tâm mà tu thiện.
Đây chúng ta
nhớ cho rõ cái nhân tu rồi sẽ kết quả ra sao? Sau đó tự kiểm lại coi mình
tu cái nhân gì?
Mê tâm tu
thiện (Mê tâm tức là không nhận được cái bản tâm của mình, không nhận được
mình có cái bản tâm thanh tịnh cho nên gọi là mê tâm, nhưng mà ưa làm các
việc thiện lắm. Việc thiện thì ưa làm mà không nhận được cái bản tâm thì
gọi là đó là mê tâm tu thiện.) thì chưa ra khỏi tam giới, sanh ở ba cõi
nhẹ. Thế nào là ba cõi nhẹ?
Chỗ gọi là mê
tâm mà tu thập thiện, mong cầu được sự khoái lạc (tức là sự an vui thích
thú) thì chưa ra khỏi tam giới cho nên sanh ở các cõi trời.
Như vậy tu mười điều lành mà mình không
nhận được bản tâm thì mười điều lành đó mình tu mình mong cầu đời sau được
an vui thì như vậy đó là còn lòng tham, mà còn lòng tham cho nên sanh ở
cõi trời dục giới.
Nếu mê tâm mà
giữ năm giới, vọng khởi yêu và ghét chưa khỏi sân giới thì sanh ở cõi
người.
Người mê tâm
rồi giữ năm giới, nhưng trong khi giữ năm giới lòng yêu ghét vẫn còn thì
người đó bị vì lòng còn yêu, ghét tức là còn có nổi sân. Vì vậy cho nên
không ra khỏi sân giới thì sanh ở cõi người.
Còn người mê
tâm mà chấp các pháp hữu vi, rồi tin theo cái tà để cầu phước thì người đó
chưa ra khỏi si giới.
Cái chấp tà
cầu phước là như thế này, có nhiều người cũng ham làm lành, làm phước lắm,
cả ngày chỉ lo cúng thần hoàng, thổ địa, ông táo... lo cúng lung tung phải
vậy không? Cúng rồi vái, vái cho người này, nghe người ta bị tai nạn cũng
vái cho họ hết. Cúng vái như vậy là thiện quá rồi phải không? Nhưng mà cái
thiện trong cái tà, chấp tà mà làm thiện. Như vậy đó là được cái phước,
nhưng mà cái phước đó ở trong cái si. Vì vậy cho nên kết quả phải đưa vào
cái gì?
Chưa khỏi cái
si giới, thì sanh trong các cõi a-tu- la. Như thế sanh cõi trời, cõi
người, cõi a-tu-la gọi là ba loại, ba loại ấy gọi là trong thế giới nhẹ.
Hỏi: - Thế nào
là ba cõi nặng?
Đáp: - Chỗ gọi
là buông lung tâm tam độc, chỉ tạo nghiệp ác thì rơi vào cõi nặng:
- Nếu nghiệp
tham nặng thì rơi vào cõi ngạ quỉ.
- Nếu nghiệp
sân nặng thì rơi vào cõi địa ngục.
- Nếu nghiệp si nặng thì rơi vào cõi súc
sanh.
Như thế ba cái
lớp nặng chung với ba cái lớp nhẹ trước liền thành ra sáu thú. Cho nên
biết tất cả cái nghiệp khổ do nơi tâm mình mà sanh ra. Chỉ hay nhiếp được
tâm thì lìa được các cái tà ác, cái khổ luân hồi trong tam giới, lục thú
tự nhiên tiêu diệt liền được giải thoát.
Như vậy Ngài
chỉ rõ ngay nơi mình tu. Nếu mình bỏ quên tâm mà tu thì lẩn quẩn chỉ ở
trong lục thú, tam giới mà thôi. Còn nếu mình nhận biết được tâm mà tu thì
tự nhiên ra khỏi luân hồi trong tam giới, lục thú và được giải thoát. Đó
là cái cội gốc tu hành. Cho nên, chúng ta thấy người tu bây giờ làm việc
thiện tràn trề, nhưng thiện có ở trong cái tà. Thấy ai bệnh hoạn cũng
thương rồi cũng tìm đủ mọi cách cứu giúp, mà nhiều khi muốn dùng thần
thông, rồi cũng muốn dùng luôn bùa chú nữa, phải vậy không? Như vậy họ
muốn làm cái điều đó mà với lòng thương thì tốt chứ, nhưng mà kết quả vẫn
còn nằm trong cái tà si chớ chưa ra tới chỗ giải thoát. Còn người làm mười
nghiệp lành mà không nhận được bản tâm, mà ưa đời sau được sung sướng thì
được sanh ở cõi trời sung sướng. Vì vậy cho nên tùy theo chỗ tu mình nó
nặng, nó nhẹ thì theo đó mà sanh trong lục đạo luân hồi. Còn nếu mình ngộ
được tâm mà tu, dứt hết cái mầm sanh tử, ra khỏi tam giới thì đó mới gọi
là giải thoát.
Hỏi: - Như
Phật đã nói: “ta ở trong ba A- tăng-kỳ kiếp, vô lượng siêng năng, khổ hạnh
mới thành Phật đạo”, tại sao ngày nay nói rằng chỉ có quán tâm thì chế
được tam độc là giải thoát?
Vì nhớ trong kinh Phật nói: Tu tam A-tăng-
kỳ kiếp khổ hạnh vô cùng, cực khổ nhọc nhằn, sau mới được thành Phật mà
bây giờ nói dứt hết tam độc đó được thành Phật, thì điều đó coi bộ đơn
giản quá!
Đáp: - Phật đã
nói ra thì không có hư dối. A-tăng- kỳ kiếp tức là cái tâm tam độc vậy.
Ngài giảng
A-tăng-kỳ kiếp tức là tam độc, tại sao vậy?
Vì Ấn Độ nói
A-tăng-kỳ, ở Trung Hoa nói là bất khả sổ tức là không có thể tính.
A-tăng-kỳ là
vô số tức là không thể tính được, cho nên gọi là bất khả sổ.
Cái tâm tam
độc này ở trong đó có hằng hà sa số cái niệm ác và ở trong mỗi niệm ác đó
đều là một kiếp, như thế hằng hà sa số không tính kể cho hết nên nói tam
đại A-tăng-kỳ.
Ngài mới nói
trong cái tâm tam độc của chúng ta, trong đó từ tam độc nó biến ra hằng hà
sa thức ác niệm, rồi mỗi ác niệm là một kiếp, như vậy dứt hết ba vô số
kiếp của tham, của sân, của si thì gọi đó là qua ba A-tăng-kỳ kiếp. Nghe
giảng như vậy chúng ta thấy hơi gượng ép, phải vậy không? Nhưng sự thật
cái lẽ đó là một lẽ thật mà nhiều khi chúng ta mắc kẹt trên ngôn ngữ bên
ngoài. Thật tình tu hành muốn thành Phật, hết tam độc thì thành Phật chớ
gì, phải vậy không? Vì có tam độc cho nên nó biến ra thiên hình vạn trạng
phiền não. Bao nhiêu phiền não cũng từ gốc tam độc mà ra, tam độc nó có
cái độc thô, độc tế. Tham cũng có cái tham thô, tham tế. Sân cũng có cái
sân thô, sân tế. Si cũng có cái si thô, si tế. Nói thô, nói tế là mình nói
hai tiếng thôi chớ còn trong cái thô còn ngàn thứ thô, trong cái tế có
ngàn thứ tế nữa, phải vậy không?
Bây giờ chúng
ta kể thử coi cái tham có chừng bao nhiêu thứ? Cái tham không biết bao
nhiêu thứ mà tính hết. Tôi ví dụ nó phát ra lỗ tai thì tham nghe tiếng
hay, nó phát ra con mắt thì tham thấy sắc đẹp, nó phát ra lỗ mũi thì tham
ngửi mùi thơm, nó phát ra cái lưỡi thì tham nếm vị ngon, nó phát ra thân
thì tham xúc chạm những gì nó ưa thích. Như vậy, mình nói cái tham nó phù
hợp với sáu căn. Rồi trong cái tiếng nó có trăm ngàn thứ tiếng êm dịu,
tiếng khen... đủ thứ tiếng nó tham được hết phải vậy không? Rồi trông thấy
sắc nó có bao nhiêu thứ sắc: sắc đẹp con người, sắc đẹp nhà cửa, sắc đẹp
xe cộ, sắc đẹp bông hoa... Nó phát ra cái mũi thích mùi cũng có trăm ngàn
thứ mùi. Như vậy thử kiểm điểm lại coi tham có bao nhiêu thứ? Nó phát ra
sáu căn thì chỗ nào tham cũng được hết. Rồi mỗi cái tham lại có trăm ngàn
muôn ức cái tham. Cái sân cũng vậy, nó xáp vô sáu căn thì cái nào nó cũng
sân được hết. Hễ trái với tham thì nó sân, sân đủ thứ hết. Đó là mình nói
cái tham mà biến ra thiên hình vạn trạng. Cái si cũng vậy. Rồi lại có cái
thô cái tế của nó nữa.
Tỉ dụ bây giờ
tôi nói gần, như con mắt mình nếu mình thấy sắc đẹp của con người, mình
nói: Ờ! Tham sắc đẹp đó là một tội lỗi, mình tu rồi không có tham sắc đẹp
của con người nữa, nhưng khi thấy cái bông hoa đẹp mình còn thích, còn
ngắm. Như vậy cái tham bông hoa đẹp nó tế hơn cái tham sắc đẹp của con
người, phải không? Rồi còn cái ý của mình, hồi xưa mình tham tiền, tham
của cho nên thấy tiền của ai hơ hỏng thì mình lượm. Bây giờ tu rồi, mình
lượm của người ta một cách vô cớ là ăn cắp, là mang tội. Do đó bây giờ
người ta để hơ hỏng, mình không dám lượm nữa, nhưng mà họ có lỡ làm rớt
ngoài đường thì mình lượm, mình bỏ túi xài luôn như vậy là có tham không?
Đúng lý thì mình lượm mình phải tìm cách này cách khác để mình trả, nhưng
bây giờ mình lượm mình không trả, mình cho rằng mình không có ăn cắp,
không phạm tội ăn cắp. Cũng có khi mình lượm mình trả thì hết tham, nhưng
nhiều khi trong cái trả cũng có hai cách nữa. Lượm được một món tiền hay
món đồ quí, mình thấy mình không nỡ cất mình xài, cho nên mình đem gởi cho
cảnh sát hay đem gởi đâu đó để trả lại cho người làm mất. Nhưng mà khi gởi
trả đó trong lòng còn tiếc phải vậy không? Còn tiếc thì có tham không? Như
vậy tức nhiên mình cũng trả, nhưng mà cũng còn hiện cái tướng tham trong
đó nữa. Như vậy cái tế nó từ từ tế. Cho nên chúng ta thấy cái tham nó biến
đủ thứ hết.
Cái sân cũng
vậy, nhiều khi hồi xưa bình thường nghe người ta nói trái tai mình nổi
giận la hét. Bây giờ tu khá rồi thì trái tai mình không có nổi giận la hét
nữa mà nổi giận ngầm ngầm ở trong bụng, thấy không? Không thèm nhìn mặt
người đó, muốn bỏ đi liền, như vậy cũng là sân. Rồi mai mốt họ nói trái
tai mình, mình cũng không còn cái tệ là không muốn nhìn mặt họ; cũng nhìn
mặt họ đó nhưng mà cũng hơi bực trong lòng. Chừng nào mà người ta nói trái
tai mình thấy mà mình không có gì chướng ngại gì hết, không có cái gì làm
mình bực bội hết thì tới chừng đó là hết sân. Như vậy để thấy rằng cái sân
nó từ thô lần lần tới tế. Cả trăm ngàn thứ sân, cả trăm ngàn thứ si, cả
trăm ngàn thứ tham cho nên gọi là vô lượng vô biên hay vô số, dùng danh từ
gọi là hằng hà sa, không thể tính được.
Bây giờ nếu chúng ta tu mà dứt sạch hết ba
thứ đó rồi thì tự nhiên thành Phật chớ không có gì hết. Ba thứ đó bây giờ
chúng ta tính bao lâu thì chúng ta dứt hết? Nói ra thì nghe nó đơn giản
quá phải không? Mình tưởng chừng như một sớm một chiều mình làm hết được
vậy. Nhưng mà sự thật ba thứ đó mà hết những cái tế của nó cũng không biết
bao lâu mà hết nữa! Tỉ dụ như người ta chửi vô mặt mình, mà mình không nổi
nóng đó là không phải dễ đâu! Cho tới chừng nào người ta chửi vô mặt mình,
mà mình cũng vẫn tươi cười như thường, cười không gượng gạo, vì nhiều khi
vẫn cười nhưng cười gượng, thì cái đó cũng chưa phải là thật nữa. Như vậy
cho nên hết được ba cái đó, thì thời gian nó dài đằng đẵng chớ không có
mau. Cho nên biết rõ ba cái độc mà dứt thì có thể gọi là qua ba vô số
kiếp. Nhưng ở đây Ngài nói ba độc nó biến hình biến trạng quá nhiều, ở
trong mỗi niệm ác của mình gọi là một kiếp. Vì vậy mà chúng ta dứt bao
nhiêu niệm ác, đó gọi là qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp.
Cái tánh chân
như đã bị tam độc nó che đậy, nếu không vượt qua ba đại hằng sa ác độc này
thì làm sao gọi là giải thoát?
Vì vậy cho nên
nói qua ba A-tăng-kỳ kiếp mới được giải thoát.
Nay nếu hay
chuyển tham, sân, si... ba thứ tam độc này làm ba thứ giải thoát, ấy gọi
là được độ tam A- tăng- kỳ kiếp (tức là được qua ba A-tăng-kỳ kiếp).
Chúng sanh đời
mạt pháp ngu si, độn căn, không hiểu lời nói bí mật của Như Lai về ba đại
A- tăng-kỳ, bèn nói thành Phật ở trong cái số kiếp như vi trần. Đây đâu
khỏi làm nghi lầm những người tu hành họ thối Bồ-đề đạo.
Mình cứ nói tu
là phải qua cái số kiếp nhiều như vi trần họ ngán quá chừng ngán, không
biết chừng nào hết? Còn nếu nói tu tam độc, qua tam độc rồi thì đó là qua
ba vô số kiếp thì có ngán không? Hết tam độc thì qua được ba vô số kiếp.
Tỉ dụ như mình thấy hôm trước mình sân mười, bữa nay mình giảm còn tám,
chín thì mình thấy mình qua được một chút rồi, phải vậy không? Như vậy
mình có thể lường biết được chừng nào mình thành Phật, con đường còn không
xa mấy. Chớ còn nói qua ba vô số kiếp như là cát bụi thì có nghĩa là như
mình vô phần, nếu vô phần thì tức nhiên mình thối Bồ-đề tâm. Vì vậy cho
nên chúng ta biết ba vô số kiếp tức là tam độc. Qua ba độc rồi thì thành
Phật, đó là một sự thật ở ngay nơi tâm mình. Như vậy thì chúng ta hy vọng,
tuy ngày nay chúng ta còn tham, sân, si, nhưng chúng ta cố gắng nỗ lực làm
cho nó giảm, nó mòn từ từ, nó giảm được phần nào thì mình thấy qua được
phần nấy. Như vậy con đường thành Phật chúng ta thấy có phần chớ không
phải vô phần nữa. Như vậy, Ngài chuyển hết cái bên ngoài trở về tự tâm, mà
trở về tự tâm thì cái đó mình mới thấy mình làm được, chớ còn nếu mà mắc
kẹt những ngôn ngữ bên ngoài, những danh từ bên ngoài thì chúng ta đâm ra
chán nản, thối chí. Vì vậy cho nên hiểu lầm có thể làm cho mình thối tâm
Bồ-đề.
Sở dĩ bây giờ
đại đa số người tu mà không biết, không tin mình thành Phật là tại sao?
Tại vì mình tưởng tu ba vô số kiếp, mà bây giờ mình nói mình làm có một
kiếp nhỏ xíu, vậy còn tới hai vô số kiếp và với một vô số kiếp mà mới chỉ
mòn có một chút xíu, thì không biết chừng nào mà kể, cho nên không có hy
vọng thành Phật. Bây giờ mình nghĩ rằng dứt tam độc thì thành Phật, thì sẽ
nỗ lực dứt mau chừng nào thì sẽ thành Phật mau chừng nấy, như vậy khả dĩ
mình hy vọng phải không? Trong đời này dứt hết tam độc thì thành Phật.
Chính cái đó là cái làm cho mình nỗ lực tu. Rõ ràng thành Phật thì hết
tham, sân, si vì có ông Phật nào còn tham, sân, si đâu? Thấy không? Như
vậy nói ba vô số kiếp thì không ai có hy vọng hết. Còn nói hết tham, sân,
si thì mỗi người đều có hy vọng. Chúng ta thấy Tổ khéo léo, uyển chuyển
cái bên ngoài trở về tự tâm, mà trở về tự tâm thì mình cảm thấy nó gần.
Tuy nhiên muốn dứt bỏ hết phải có thời gian khá dài, nhưng mà mình cảm
thấy gần, dễ tu. Chính nhờ vậy mà mình phấn chấn tu hành, dứt sớm được ba
cái độc, hy vọng mau thành Phật. Đó là cái khéo léo uyển chuyển bên ngoài
để trở về tự tâm. Cho nên phần này gọi là phá tướng. Phá tướng là vậy, tức
là không có mắc kẹt nơi hình tướng bên ngoài mà đều qui hướng về nội tâm.
Hỏi: -
Bồ-tát-ma-ha-tát do trì tam tụ tịnh giới, hành lục ba-la-mật mới thành
Phật đạo, nay bảo người học chỉ có quán tâm thôi, không có tu giới hạnh
thì làm sao mà thành Phật được?
Đáp: - Tam tụ
tịnh giới tức là ngăn tâm tam độc vậy. Ngăn tâm tam độc thành ra vô lượng
nhóm thiện. Chữ “Tụ” nghĩa là hội họp vậy. Vô lượng pháp thiện khắp hội
họp nơi tâm cho nên gọi là tam tụ tịnh giới. Lục ba-la- mật ấy tức là tịnh
sáu căn.
Người Ấn Độ
gọi là ba-la-mật, người Trung Hoa gọi là đến bờ kia. Do sáu căn thanh tịnh
không nhiễm theo sáu trần tức là qua được con sông phiền não, đến được bờ
Bồ-đề cho nên nói rằng lục ba-la-mật.
Có đầy đủ lục
ba-la-mật mới thành Phật, thì bây giờ lục ba-la-mật tức là sáu căn. Lục
căn thay vì hồi xưa nó nhiễm với lục trần, bây giờ đây mình thanh tịnh, nó
không nhiễm với sáu trần nữa, tức là đã qua được sông ô nhiễm rồi. Sông
phiền não ô nhiễm đã qua tức là đến bờ Niết- bàn chớ không có gì hết, thì
lục ba-la-mật là ngay nơi sáu căn mình chớ không có gì đâu xa lạ hết. Ba
A-tăng-kỳ và lục ba-la- mật đều ngay nơi tâm mình và sáu căn của mình.
Hỏi: - Như
kinh đã nói, tam tụ tịnh giới là:
Thệ đoạn tất cả ác
Thệ tu tất cả thiện
Thệ độ tất cả chúng sanh
Đó gọi là tam tụ tịnh giới. Nay chỉ nói
chế tâm tam độc thì đâu không phải là văn nghĩa có chỗ trái nhau?
Đáp: - Phật
nói kinh ấy là lời chân thật. Bồ-tát-ma- ha-tát đối ở nơi quá khứ, trong
lúc tu nhân vì đối trị tam độc, phát ba thệ nguyện đoạn tất cả ác, cho nên
người thường trì giới đối với tham độc. Thệ tu tất cả thiện, cho nên người
thường tập định đối với sân độc. Thệ độ tất cả chúng sanh, cho nên thường
tu trí tuệ đó là đối với si độc. Do trì giới, định, tuệ như thế (hay là
bình đẳng như thế) ba thứ pháp thanh tịnh hay tiêu diệt ba cái độc kia mà
thành Phật đạo.
- Các cái ác
tiêu diệt gọi đó là “đoạn”.
- Các cái
thiện đầy đủ gọi đó là “tu”.
Do hay đoạn
ác, tu thiện thì muôn hạnh được thành tựu, tự và tha đều lợi, khắp cứu
giúp quần sanh gọi đó là “độ”.
Cho nên biết
chỗ tu giới hạnh chẳng lìa nơi tâm. Nếu tự tâm thanh tịnh thì tất cả Phật
độ thảy đều thanh tịnh. Cho nên trong kinh nói: “Tâm cấu thì chúng sanh
cấu. Tâm tịnh thì chúng sanh tịnh. Muốn được Tịnh độ phải tịnh cái tâm
kia. Tùy theo cái tâm kia tịnh thì cõi Phật thanh tịnh. Ba nhóm tịnh giới
tự nhiên được thành tựu.”
Như vậy để cho
thấy, tuy ở trong kinh nói: “Tam tụ tịnh giới: - thệ đoạn tất cả ác - thệ
tu tất cả thiện - thệ độ tất cả chúng sanh”, những cái đó cũng không ngoài
tam độc mà ra.
- Đoạn tất cả
ác tức là đoạn cái tham.
- Tu tất cả
thiện tức là trừ cái sân.
- Độ tất cả
chúng sanh tức là diệt cái si.
Như vậy tham,
sân, si hết thì đó là được “Tam tụ tịnh giới”, như vậy thì sẽ được về cõi
Phật thanh tịnh.
* |