KẾT LUẬN HAI CỬA: THỨ NHẤT VÀ THỨ HAI
Như vậy đây là
cửa gọi là “phá tướng”. Sở dĩ quyển luận này không được các học viện đem
ra học là quí vị biết tại sao không? Bởi vì học cái này chắc chúng chẳng
thèm đi tụng kinh, phải vậy không? Không tụng kinh rồi biểu đi làm đám,
cũng không dám, không đi làm đám chắc là học viện sẽ nhịn đói. Cho nên
quyển luận này các học viện không bao giờ học. Nhưng mà ở đây phải học.
Tại sao chúng ta ở đây phải học? Vì chúng ta tu là cốt thành Phật, mà
thành Phật là phải giác ở trong, nếu muốn giác ở trong mà còn nặng về hình
tướng bên ngoài thì không làm sao giác ở trong được. Con người có hai
hướng: hoặc là hướng nội hoặc là hướng ngoại. Nếu nặng về hướng ngoại thì
quên nội, còn nếu hướng nội thì quên ngoại, chớ còn hướng ngoại thì không
bao giờ hướng nội được. Mà muốn trở về tâm thì không thể hướng ngoại được.
Nặng về hình tướng bên ngoài thì khó mà thấy được tâm. Vì vậy cho nên ở
đây Tổ Bồ-đề-đạt-ma muốn chỉ cho chúng ta thấy được bản thể của chân tâm:
đó là cái tánh giác, đó là ông Phật pháp thân của chúng ta, mà nếu chúng
ta còn nặng về hình tướng bên ngoài thì làm sao chúng ta nhận ra cái đó
nổi. Vì vậy cho nên mở đầu cái cửa thứ nhất là chỉ cho mình biết mình có
cái bản tâm: Đó là trí tuệ ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật là bản tâm của
mình, bản tâm đó không cố định một vật gì thế gian và xuất thế gian. Như
vậy bây giờ mình biết mình có cái bản tâm, mà mình còn nặng về hình thức
bên ngoài thì làm sao sống với bản tâm đó được. Vì vậy cho nên Ngài phá
hết tất cả hình tướng bên ngoài để hướng thẳng vào bản tâm. Đó là cửa thứ
hai. Dẹp hết những tướng bên ngoài để hướng thẳng, chỉ vào bản tâm.
Như vậy từ cửa
thứ nhất đi tới cửa thứ hai thì chúng ta thấy Ngài cố tình chỉ cho chúng
ta bản tâm. Khi chỉ ra bản tâm đó là ở trong Tâm Kinh, qua được cái đó rồi
thì phải đừng mắc kẹt sự tướng bên ngoài, thì mới có thể sống sâu với bản
tâm đó được; còn mắc kẹt sự tướng bên ngoài thì sống không nổi. Tỷ dụ bắt
mình tụng kinh hoài, mệt nhoài lúc đó khiến mình quán, quán gì nổi, thấy
không? Tự nhiên như vậy! Cứ ngày đêm sáu thời lễ lạy riết rồi mệt mỏi quá
làm sao đi, đứng, nằm, ngồi mà thấy được tâm mình? Cho nên muốn thấy được
tâm mình thì phải biết bớt hình thức. Vì hình thức bên ngoài nó sẽ chướng
ngại cho cái hướng nội. Nhiều khi có những người không hiểu, họ nói Tổ chỉ
có nói lý mà bỏ sự, nhưng muốn đạt được lý thì phải quên sự chứ, phải
không? Nếu chấp sự làm sao đạt lý được? Cho nên cái cửa này phá tướng là
vậy, nghĩa là phá những cái tướng để cho mình đạt cái lý, mà lý là tâm,
trở về tâm là đạt lý.
] |