CỬA THỨ NĂM : NGỘ TÁNH LUẬN (tt)
Bây giờ mới
định nghĩa Niết-bàn là gì?
Chữ niết là bất sanh, chữ bàn là bất tử.
Đúng ra theo
chỗ khác định nghĩa, chữ niết là vô, chữ bàn là sanh; Niết-bàn là vô sanh.
Xuất ly sanh
tử thì gọi đó là Niết-bàn.
Như vậy nếu
Bồ-tát thấy ngay trong sanh tử nó là vô sanh, tức nhiên là Niết-bàn. Còn
hàng Nhị thừa nhập chỗ tịch tịnh mới gọi là vô sanh. Vì vậy cho nên các
ngài bị Niết- bàn nó câu thúc. Còn ở đây ngay trong sanh tử biết là vô
sanh thì không bị Niết-bàn câu thúc.
Tâm không có
đi lại tức là vào Niết-bàn. Thế mới biết Niết-bàn là tâm không.
Niết-bàn là
tâm không chớ có gì đâu? Niết- bàn là tâm không sanh, không dấy vì tâm dấy
động là tâm sanh tử, mà tâm không dấy động tức là Niết-bàn. Bây giờ giả sử
chúng ta đi, đứng, hoạt động hằng ngày mà tâm không sanh, không dấy động
thì như vậy chúng ta hằng ở trong Niết- bàn rồi. Như vậy hằng ở Niết-bàn
làm lợi ích cho chúng sanh, thì chẳng hay hơn là nhập Niết-bàn để rồi có
một mình yên tịnh sao? Cho nên chỗ này tôi giản trạch cho chúng ta thấy
cái bệnh của Nhị thừa và cái cao siêu của Bồ-tát. Bởi vì Nhị thừa thấy
động và tịnh còn là hai. Động là nhân sanh tử, tịnh là nhân Niết-bàn cho
nên bỏ động để cầu tịnh. Khi bỏ hết động được vào tịnh rồi thì ai gan dạ
trở về động. Cái mình bỏ, bây giờ đâu còn thể trở lại nữa? Như vậy cho nên
mắc kẹt hẳn ở trong Niết-bàn. Bị mắc kẹt ở trong Niết-bàn chỉ là tịnh cho
mình, mà không có lợi ích cho chúng sanh. Đó là vì cái bệnh còn thấy có
động có tịnh, có hai. Còn thấy hai đó tức là chưa thấy được cái cứu kính
bản thể, là do mê bản giác.
Bồ-tát thấy
được bản thể là do mình mê tánh giác cho nên hiện ra sơn hà, vũ trụ. Vì
vậy mà ngay trong cái sơn hà, vũ trụ là giả, mình biết nó là giả thì tâm
mình không động. Tâm mình không động thì sống trong giả mà cũng hằng ở
Niết-bàn thì có lựa gì phải trốn cái giả đó. Vì vậy cho nên Bồ-tát thì
xông pha, ở đâu các ngài cũng tới, cũng sống mà các ngài không sợ, là vì
các ngài biết sống ở trong cái cảnh hư giả, mà cái hư giả thì đâu có thật
sanh, đâu có thật tử. Không có sanh thật, không có tử thật thì đó là vô
sanh rồi. Cho nên Niết-bàn của các ngài ngay trong sanh tử chớ không phải
rời sanh tử. Vì vậy nói Bồ-tát là mạnh, mạnh là tại chỗ đó. Cái nhận định
đó mới làm cho người ta mạnh, còn cái nhận định kia làm cho người ta yếu.
Chúng ta cứ cầu tịnh sợ động thì tức nhiên lâu ngày chúng ta trở thành hư
tịch. Ngay trong cái động mà chúng ta tịnh thì mới thành một người không
sợ gì hết. Vì vậy mà nói ngay trong sự mà ngộ mới là kẻ có khí lực mạnh.
Ngay trong cảnh ồn náo mà mình thấy được vô sanh, thì cái vô sanh đó không
ai làm sao cho mình phải nhiễm, mà không còn cái gì làm cho mình phải sợ
nữa. Đó mới là người có khí lực mạnh.
Chư Phật vào
Niết-bàn ấy tức là chỗ không vọng tưởng. Đạo tràng của Bồ-tát là gì? - Là
chỗ không có phiền não.
Ở chỗ nào
không có phiền não là đạo tràng của các ngài. Bồ-tát ở giữa chợ búa cũng
là không có phiền não thì chợ búa cũng là đạo tràng của Bồ-tát. Vì vậy mà
ngài Duy- ma-cật ở ngoài cửa thành mà hỏi từ đâu lại, Ngài nói từ đạo
tràng lại. Như vậy nhân đây mình hiểu được ý của ngài Duy- ma-cật, nghĩa
là không phiền não tức là đạo tràng. Như vậy Bồ-tát đi đâu cũng không
phiền não, thì chỗ nào không phải là đạo tràng của Bồ-tát? Còn mình ngồi
trong chùa mới có đạo tràng, xuống chợ thì mất đạo tràng rồi. Đó là vì
mình còn lựa chỗ yên là đạo tràng, chỗ động thì không phải đạo tràng. Còn
các ngài ở đâu cũng không phiền não cho nên ở đâu cũng là đạo tràng.
Còn chỗ không
nhàn tức là không tham, sân, si.
Thường thường
nói chỗ không nhàn tức là chỗ lặng lẽ, yên ổn, chỗ đó là chỗ nào? Là chỗ
không tham, sân, si.
Tham là Dục giới.
Sân là Sắc giới.
Si
là Vô sắc giới.
Nếu biết một
niệm tâm sanh tức là vào tam giới. Một niệm tâm diệt là ra khỏi tam giới.
Bây giờ chúng
ta đang ra, đang vào trong tam giới phải không? Một lát thì ra, một lát
thì vào. Mình bây giờ đang ở trạng thái ra vào, chớ chưa có ra hẳn, không
có yên ổn mà trụ hẳn trong tam giới như phàm phu, mà cũng chưa ra khỏi tam
giới như Bồ-tát, mình đang ra vào.
Thế nên biết,
tam giới sanh diệt, muôn pháp có không đều do một tâm.
Như vậy sự sanh diệt trong tam giới và sự
có không của muôn pháp đều là do tâm mình. Tâm mình sanh thì đó là vào tam
giới, tâm mình diệt là ra khỏi tam giới. Như vậy các pháp có không cũng do
tâm mà thành.
Phàm nói nhất
tâm ấy dường như đập vật vô tình ngói, đá, tro, cây (làm vỡ tan các vật vô
tình như là ngói, đá, tro, gỗ).
Nếu biết tâm
là giả danh, không có thật thể tức biết được tâm tự tịch cũng là không
phải có, cũng là không phải không.
Cái chỗ mà nói
nhất tâm dường như là mình đập vỡ vật vô tình như là ngói, đá, tro, cây đó
là sao? Bởi chỗ này là chỗ mà đa số chúng ta không nhận ra được “cái nhất
tâm”. Khi nào chúng ta nói nhất tâm lúc đó thế nào? Đây dùng chữ đập vỡ,
phá vỡ ngói, đá, tro, cây tức là vỡ tan những khối đó ra thì gọi là nhất
tâm. Vỡ tan những khối đó ra thì gọi là nhất tâm. Cái khối đó tức là mình
bây giờ gọi là có tình, là vọng tưởng, là vọng tình. Còn nếu nhất tâm thì
vọng tình nó nát. Nếu vọng tình mà còn thì đâu gọi là nhất tâm, nó dấy lên
có hình, có tướng cho nên gọi là có khối. Còn nếu cái khối đó vỡ ra rồi
thì tức nhiên lặng lẽ, mà lặng lẽ đó mới là nhất tâm. Như vậy nói nhất tâm
là vỡ tan những khối hữu tình. Coi như trở thành vô tình, như vậy đó là
nhất tâm. Chúng ta nhớ rõ chỗ khi chúng ta vọng niệm dấy lên nghĩ, thì lúc
đó chúng ta thấy mình biết mình nghĩ. Khi vọng niệm dấy nghĩ nó tan đi,
thì lúc đó không thấy mình, biết mình nghĩ hết. Dường như là vô tình. Vỡ
tan những cái khối vọng niệm đó, thì dường như vô tình nhưng không phải vô
tình. Chính cái đó mới là cái trở về đại trí tuệ đó. Cho nên ở đây Ngài
mới giải thích: Nhất tâm là giả danh không có thật thể. Chữ tâm đó là chỉ
cho vọng tâm, nó là giả danh không thật thể. Tức là biết cái tâm tự tịch.
Mình biết cái tâm hư vọng đó là giả, là vọng không thật thì lúc đó mình
biết được cái tâm lặng lẽ của mình. Cái tâm lặng lẽ nó không phải có cũng
không phải không.
Vì cớ sao?
Phàm phu một bề sanh tâm gọi là có.
Tiểu thừa một bề diệt tâm gọi là không.
Phàm phu dấy
niệm khởi nghĩ thì nói rằng tôi có nghĩ. Như vậy có nghĩ gọi là có tâm.
Còn hàng Nhị thừa diệt tâm vọng đó cho nó xuống hết thì gọi đó là không
tâm. Như vậy bên nói có, bên nói không, cũng đều căn cứ chỗ sanh, chỗ diệt
của tâm mà thôi. Còn bây giờ nếu chúng ta đứng về hạng Bồ-tát:
Bồ-tát cùng
Phật chưa từng sanh tâm mà cũng chưa từng diệt tâm, gọi là chẳng phải có,
chẳng phải không tâm. Chẳng phải có, chẳng phải không tâm, đây gọi là
trung đạo vậy.
Chẳng phải có
tức là chẳng phải có như phàm phu, chẳng phải không tức là chẳng phải
không như Nhị thừa, vì Nhị thừa cứ đè cho nó thành không. Còn ở đây Bồ-
tát thì sao? Không có đè mà biết ông chủ không mất. Như vậy hằng ở trong
cái tâm thanh tịnh ấy, cho nên không nói là sanh không nói là diệt. Vì vậy
mà nói chưa từng sanh diệt là vậy. Chớ không có đè, có bóp gì hết mà chỉ
hằng biết mình có ông chủ. Cho nên những cái vọng tình không khởi. Được
như vậy đó mới gọi là trung đạo.
Thế nên biết
đem tâm mà học pháp, ắt là tâm pháp đều là mê. Chẳng đem tâm học pháp, ắt
là tâm pháp đều ngộ.
Đem tâm học pháp, chữ pháp này giống hồi
nãy tôi nói, đem tâm cầu pháp hay đem tâm học pháp cũng như vậy. Vì đây là
chỉ cho học cái tâm thể hay là tìm được pháp thân, đem tâm mà học pháp
thân, như vậy tức là không bao giờ thấy được pháp thân, mà cũng lầm luôn
cả tâm mình. Vì vậy cho nên nói tâm pháp đều mê. Còn không đem tâm mà học
pháp thì tâm, pháp đều ngộ. Không đem tâm tức là không dấy niệm để mà học
thì tự nhiên tâm nó lặng lẽ, mà tâm lặng lẽ thì như vậy mình thấy được
pháp, mà thấy được pháp tức là mình cũng biết được tâm. Như vậy cả hai đều
ngộ.
Phàm mê là mê nơi ngộ.
Còn nói ngộ đó là ngộ nơi mê.
Mê đó là mê
cái ngộ, mà ngộ đó là ngộ cái mê. Bây giờ mê cái ngộ và ngộ cái mê như thế
nào? Những chữ này nó đơn giản mà nó thấm thía làm sao? Mê là mê cái ngộ,
mà ngộ là ngộ được cái mê chớ không có gì khác. Thường thường mình cứ nói
mê ngộ cả ngày mình sống trong mê hay là cần cầu cái ngộ. Nhiều khi cầu
ngộ mà tới cái ngộ mình cũng không biết nữa. Không biết cái ngộ ra sao,
cầu ngộ là ngộ cái gì? Như vậy phải biết rõ: mê là mê cái gì? mà ngộ là
ngộ cái gì? - Mê là mê cái ngộ, mà ngộ là ngộ cái mê.
Bây giờ tôi
thí dụ: như bây giờ mình bỏ trong túi áo mình một chiếc vòng đáng giá mấy
trăm ngàn, rồi mình chạy giặc, chạy riết rồi mắc lo chuyện sanh tử rồi
mình quên mất. Mình quên chiếc vòng ở trong túi áo mình. Bây giờ tới chỗ
nào đó bình tĩnh lại, mình bần cùng phải đi xin ăn, mình thấy như mình
không còn sự nghiệp gì hết. Hồi mình sửa soạn đi, mình ý thức rõ ràng: đã
lấy chiếc vòng bỏ trong túi đem theo để tùy thân. Lúc như vậy gọi là lúc
tỉnh. Khi mình chạy đi mình quên, bị mắc lo chuyện khác quá nhiều mà quên
nó. Tới chỗ yên ổn hết chạy nữa thì mình cũng quên lửng nó đi. Bây giờ
mình thấy hết tiền phải đi ăn mày, ăn nhờ của người ta. Rồi bỗng một phút
chốc nào đó, mình sực nhớ lại mình có một chiếc vòng ở trong túi áo. Mình
thò tay lấy ra. Như vậy bây giờ mình tỉnh, nhớ là nhớ cái gì? Nhớ cái quên
hồi nãy chớ có gì lạ. Còn hồi nãy mình quên là quên cái gì? Quên cái nhớ
ban đầu mình để vô đó, chớ có quên cái gì lạ đâu! Quên cái nhớ ban đầu thì
gọi là quên. Mà bây giờ mình nhớ lại là nhớ cái lúc mình quên, cái gì có
mà mình quên đó. Nhớ lại cái mình quên hồi nãy chớ có gì lạ đâu? Như vậy
cái nhớ và quên là để dụ cho ngộ và mê. Nhớ là ngộ mà mê là quên.
Bây giờ mình
có tánh giác mà mình mắc lo chạy theo phiền não để quên nó đi, như vậy để
quên nó đi gọi là mình mê. Mê cái gì? Mê tánh giác tức là quên tánh giác.
Rồi bây giờ mình trực nhận ra tánh giác gọi là ngộ. Ngộ cái gì? Ngộ cái
mình bỏ quên tức là cái mê hồi nãy. Cho nên mê và ngộ chỉ chừng ấy việc.
Bây giờ nếu chúng ta nhận ra rằng mình có một cái, cái đó mà lâu nay mình
bỏ quên thì lúc đó cũng tạm gọi là mình ngộ rồi. Nhưng mà tại vì chúng ta
cứ tưởng mình ngộ là mình rốt ngộ rồi thành Phật liền, cho nên rồi không
ai dám tưởng mình ngộ, chớ thật ra mình biết mình có cái đó. Khi xưa không
bao giờ mình biết, bây giờ mình biết là có ngộ rồi. Có ngộ nhưng mà cái
ngộ nó nhẹ, còn yếu, hoặc là ngộ qua lời nói, hoặc là ngộ trong chữ nghĩa
chớ chưa thật ngộ. Nếu thật ngộ là mình thấy được cái đó không giờ phút
nào mất hết, thì đó là mình đã giải ngộ. Giải ngộ là nhận ra được cái đó,
nhưng mà ngộ đó chưa xong thành ra mới gọi là giải ngộ. Như vậy người tu
là cốt ngộ được cái đó.
Cho nên nói tới cái mê, cái ngộ nhiều khi
người ta nói cả ngày liền, miệng nói mê ngộ mà không biết mê cái gì? ngộ
cái gì? Bây giờ chúng ta thấy chúng ta ngộ, có nhiều người nói mình ngộ
thế gian này cái gì mình cũng biết hết. Cho nên bây giờ không dám nói mình
ngộ. Bị tưởng rằng mình ngộ rồi thì phải biết hết, hỏi cái gì đều biết,
rồi có thần thông diệu dụng. Bây giờ mình chưa có những cái đó làm sao dám
nói ngộ? Nhưng sự thật ngộ là nhận ra được cái mình quên thuở xưa, đó là
ngộ rồi. Nhưng mà nhận được nó, mình chưa có xong, mình phải trở về nó cho
được. Sống với nó lâu ngày chầy tháng thuần tịnh rồi thì chừng đó mới có
diệu dụng của nó. Như vậy cái ngộ mà tới khi khởi diệu dụng, cái đó mới
hoàn toàn ngộ. Ngộ đó gọi là chứng ngộ. Còn bây giờ mình mới nhận ra được
cái đó để trở về nó thì gọi là giải ngộ. Như vậy ngộ là ngộ cái mình quên
chớ không có gì lạ, chớ không phải ngộ cái gì ở bên ngoài. Mình nhiều khi
mắc kẹt cứ nói cái gì ở bên ngoài. Như ai nói ngộ, đem cái này, cái kia
tới thí dụ, hỏi thử coi hiểu không, hiểu mới ngộ chứ. Cái này không biết
gì hết làm sao nói ngộ được? Nhưng mà không ngờ chính ngộ là ngộ cái gì
mình đã quên, cái gì mình mê. Chúng ta thấy mấy chữ đơn giản đó đã chỉ cho
mình thấy rõ ý nghĩa mê ngộ rồi.
Người chánh
kiến biết tâm Không Vô tức là siêu trên cái mê ngộ.
Người chánh
kiến là biết cái tâm không vô (tức là rỗng không) thì tức là siêu trên cái
mê ngộ. Tại sao nói người chánh kiến là biết tâm rỗng không? Bởi vì nếu
mình có nhận ra được cái thể thanh tịnh ở trong thì mới thấy vọng tưởng đó
có cái nào thật đâu? Vọng tưởng không tự tánh thì không rỗng không là cái
gì? Cho nên biết tâm rỗng không, tức là biết vọng tưởng nó là hư, là rỗng
không thật. Người như vậy đó là vượt trên mê ngộ rồi.
Không có mê
ngộ mới gọi là chánh giải chánh kiến.
Không còn mắc kẹt trong mê ngộ đó nữa mới
gọi là chánh giải chánh kiến. Bởi vì còn quên và còn nhớ, thì cái nhớ và
quên ấy cũng chưa phải là thật bình tĩnh như xưa. Còn nếu bình tĩnh thì
không còn nhớ, không còn quên nữa.
Sắc không có tự sắc, do tâm cho nên có sắc.
Tâm không có tự tâm, do sắc cho nên có tâm.
Thế nên biết: tâm, sắc hai
tướng đều có sanh diệt.
Mấy câu này
quá là cô đọng, đọc nghe không thể nào hiểu một cách dễ dàng. Tại sao nói:
Sắc không có tự sắc, do tâm cho nên có sắc. Tâm không có tự tâm, do sắc
cho nên có tâm. Bây giờ tại sao chúng ta phân biệt sắc? Tại vì mình biết
rằng cái đó có hình tướng. Hình tướng mà không hiểu biết thì gọi đó là
sắc; còn cái hiểu biết mà không hình tướng thì gọi đó là tâm. Như vậy nhân
cái không hình thức mà hiểu biết, cho nên nói cái hình thức mà không hiểu
biết là sắc. Cũng như nhân sắc (cái hình tướng mà không hiểu biết), cho
nên mới nói cái không hình tướng mà hiểu biết gọi là tâm. Như vậy cái này
là đối với cái kia mà lập, cái kia đối với cái này mà thành, thì hai cái
đều là pháp đối đãi. Như vậy sắc là đối với tâm, tâm là đối với sắc chớ
không có gì khác. Như vậy cho nên biết cả tâm, cả sắc hai tướng đều là có
sanh diệt. Đối đãi tức là sanh diệt.
Chữ có là có
đối với không. Chữ không là không đối với có. Ấy gọi là chân kiến.
Nếu mình biết
có đối với không, không đối với có, sắc đối với tâm, tâm đối với sắc thì
như vậy phàm cái gì đối đãi đều là pháp sanh diệt. Biết đối đãi là pháp
sanh diệt cho nên không mắc kẹt ở trong cái pháp đối đãi đó, thì người đó
mới gọi là người thấy đúng đắn chân thật.
Phàm chân kiến
là không có chỗ thấy, cũng không có chỗ chẳng thấy.
Mấy chữ này
nghe hơi khó hiểu. Nói rằng người chân kiến là sao? Là không có chỗ chẳng
thấy, cũng không có chỗ thấy.
Thấy đầy khắp mười phương mà chưa từng có
thấy.
Cái đó tôi đã
thí dụ quá nhiều rồi. Chân kiến là cái thấy trùm hết mà không chú mục vào
một sự hoặc một vật nào. Như vậy thấy trùm khắp cho nên không có chỗ nào
mà chẳng thấy, mà không có chỗ thấy là vì không có chú mục vào một vật,
một người, cho nên nói là không có chỗ thấy. Do không chỗ thấy cho nên
thấy khắp mười phương, mà thấy khắp mười phương cho nên chưa từng có thấy.
Vì cớ sao? Vì
không có chỗ thấy, thấy vì thấy không thấy, thấy vì thấy chẳng phải thấy.
Chúng ta nghe mấy chữ này điếc lỗ tai. Hỏi
vì cớ sao thấy mười phương mà nói chưa từng thấy? Nói rằng: vì không có
chỗ thấy, bởi vì không thấy một điểm riêng cho nên gọi là không có chỗ
thấy, bởi vậy nói chưa từng thấy. Vì thấy cái không thấy, vì thấy cái
chẳng phải thấy. Tại sao thấy cái không thấy? Cái không thấy làm sao mà
thấy được? Bởi vì chúng ta nhớ rõ cái bản tâm thanh tịnh, cái đó không
phải là vật bị thấy. Nếu nó là vật bị thấy thì cái hay thấy là mình, thì
cái tâm thanh tịnh ấy là vật bị thấy rồi. Vì vậy cho nên nói rằng thấy cái
không thấy. Thấy được, nhận ra cái đó chính là cái không phải bị thấy, cái
không thấy tức là không phải cái bị thấy. Thấy cái không phải thấy vì mình
nhận ra được cái đó, cái đó không phải là cái để cho mình thấy được, vì nó
không có tướng, không có trạng, làm sao mình thấy? Vì vậy cho nên thấy cái
không phải thấy được. Như vậy nói cho dễ nhận ra là chỗ này Tổ muốn chỉ
thẳng rằng: Nói cái chân kiến là cái thấy được bản tâm thanh tịnh. Cái bản
tâm thanh tịnh ấy không phải là vật bị thấy, cho nên mới gọi là thấy cái
bản tâm thanh tịnh.
Phàm phu mà
thấy được (có chỗ thấy) đều gọi là vọng tưởng (phàm phu mà còn có chỗ thấy
thì đều gọi là vọng tưởng). Nếu mà tịch diệt thì không có chỗ thấy mới gọi
là chân kiến.
Phàm phu còn có chỗ thấy tức là còn có
vọng niệm dấy lên, còn có thấy cái này, nghĩ cái kia thì gọi đó là còn có
chỗ thấy, mà còn có chỗ thấy thì đó chưa phải hàng thánh giả. Bây giờ lặng
lẽ không còn có chỗ thấy nữa thì đó mới gọi là chân kiến, là thánh giả.
Tâm cảnh đối
đãi nhau, thấy sanh ở trong ấy.
Tâm và cảnh,
hai cái đối đãi nhau ở trong đó sanh ra cái thấy, hay là cái thấy sanh
trong đó.
Nếu trong
chẳng khởi tâm thì ngoài chẳng sanh cảnh, cho nên tâm cảnh đều tịnh, mới
gọi là chân kiến.
Sở dĩ mình thấy, nói tôi thấy cái đồng hồ
là tâm tôi dấy niệm nghĩ về cái đồng hồ, rồi con mắt nhìn thấy cái đồng hồ
gọi là thấy đồng hồ. Còn bây giờ tôi không nghĩ niệm gì về đồng hồ hết,
tôi nhìn qua tuy thấy mà như không thấy. Vì vậy cho nên tâm cảnh nó đều
tịnh, mà tâm cảnh tịnh thì đó mới gọi là chân kiến.
Khi khởi hiểu
này mới gọi là chánh kiến.
Hiểu được như
vậy mới gọi là chánh kiến.
Chẳng thấy tất
cả pháp mới gọi là được đạo.
Không thấy tức là không mắc kẹt; không để
tâm duyên theo tất cả pháp thì mới gọi là được đạo.
Chẳng hiểu tất
cả pháp mới gọi là hiểu pháp.
Tức là chẳng nghĩ chẳng tính, chẳng suy
lường tất cả pháp; như vậy mình mới thấy được pháp tánh. Như vậy mới gọi
là hiểu pháp.
Vì cớ sao?
Vì thấy cùng
chẳng thấy, đều là chẳng thấy.
Bởi vì nếu có thấy và chẳng thấy thì hai
cái đó đều là đối đãi, mà còn đối đãi thì đều nằm ở trong cái chẳng thấy
hết.
Hiểu cùng
chẳng hiểu đều là chẳng hiểu.
Còn hiểu và
chẳng hiểu thì hai cái đó cũng chưa phải là hiểu hết.
Thấy cái không
thấy mới gọi là chân kiến.
Hiểu cái không
hiểu mới gọi là chân giải.
Như vậy chân
kiến, chân giải này: kiến cái gì và giải cái gì?
Kiến được pháp tánh đó mới gọi là chân
kiến.
Thấy cái không
thấy: vì pháp tánh nó không có hình tướng mà mình thấy được cái đó mới gọi
là chân kiến. Hiểu cái không hiểu: cái chân tánh của mình nó không có suy
tính cho nên gọi là không hiểu, không hiểu mà mình nhận ra được cái đó,
mình nhận được cái đó mới là chân giải. Hiểu được cái đó mới là chân giải.
Phàm chân kiến
chẳng phải thẳng thấy ở nơi thấy, cũng thấy ở nơi chẳng thấy. Chân giải là
chẳng phải thẳng nơi giải, trực giải nơi giải, mà cũng là giải nơi bất
giải.
Đây là giải thích lại chân kiến và chân
giải. Hỏi chân kiến là cái gì? Chân kiến là không phải trực kiến nơi kiến,
tức là không phải thấy thẳng nơi cái thấy, cũng là thấy nơi chẳng thấy.
Thường thường trực kiến là mình thấy thẳng nơi sự vật bên ngoài. Chân kiến
nó không phải là trực kiến nơi kiến, tức là không phải thấy nơi cái thấy,
cũng là thấy cái chẳng thấy. Còn chân giải cũng vậy, chẳng phải hiểu nơi
cái hiểu, mà cũng là hiểu nơi cái chẳng hiểu. Như vậy là lập lại ý đoạn
trước chân kiến và chân giải đó, nghĩa là phải thấy được chân tánh mới gọi
là chân kiến. Phải nhận được chân tánh, mà chân tánh không phải là suy
lường, không phải là cái hiểu, mà nhận được cái đó mới gọi là hiểu, thật
hiểu.
Phàm có chỗ giải đều gọi là bất giải.
Phàm không chỗ giải mới gọi là chân giải.
Nếu còn có chỗ
hiểu tức là hiểu mà duyên theo cảnh thì gọi đó là có chỗ hiểu, cái hiểu đó
gọi là không hiểu. Còn mình không có chỗ hiểu tức là không có cái tâm
duyên cảnh, thì cái hiểu đó mới là cái hiểu chân thật.
Giải cùng bất
giải đều không phải giải.
Nếu còn hiểu và không hiểu đối đãi, thì
cũng đều nằm trong cái chưa hiểu hết.
Kinh nói rằng:
“Chẳng bỏ trí tuệ gọi là ngu si.” Do lấy tâm làm không, hiểu cùng không
hiểu đều là chân. Do lấy tâm làm có, hiểu cùng không hiểu đều là vọng.
Chỗ này là chỗ
Ngài kết thúc cho chúng ta thấy rõ ý của Ngài. Kinh nói rằng: Không bỏ trí
tuệ gọi là ngu si. Tại sao không bỏ trí tuệ gọi là ngu si? Nếu không bỏ
trí tuệ thì người ta hằng có trí tuệ chứ? Mà sao lại gọi là ngu si? - Bởi
vì chúng ta ưa quan niệm đây là ngu, đây là trí, bỏ ngu để cầu trí, mà còn
cầu trí tức là cũng là còn ngu. Cho nên bỏ ngu mà cầu trí thì trí này cũng
còn ngu. Biết trí và ngu là cái đối đãi không thật, thì đó mới là thật
trí. Trí đó mới là trí chân thật. Vì vậy mà nói: chẳng bỏ trí tuệ gọi đó
là ngu.
Cho tâm là
không, giải cùng không giải đều là chân. Nếu mình biết tâm hư vọng là
không thì hiểu cùng không hiểu đều là chân. Còn nếu cho tâm hư vọng là có
thì hiểu cùng không hiểu đều là hư vọng. Những vọng tưởng dấy lên mà mình
cho là thật có, thì dù cho hiểu tới trời đi nữa cũng là cái hiểu hư vọng.
Còn nếu biết tâm mình dấy niệm suy nghĩ nó là không, thì hiểu và không
hiểu đều là chân. Nói như vậy tức là Ngài tóm kết cho mình thấy cái quan
trọng là biết tâm đó có thì đều nằm trong cái kẹt. Vì vậy cho nên tôi
thường nói rằng: dù cho mình học tới cỡ nào đi nữa mà còn cho những cái
hiểu, những cái biết là thật thì đều là chưa hiểu. Còn mình ngu si không
học gì hết, mà biết bao nhiêu cái vọng tưởng đó là không thật thì mình sẽ
biết hết. Đó mới là then chốt của sự học. Mà người đời bây giờ chỉ ham học
để biết, học để nuôi dưỡng những cái vọng tưởng mà không biết trở về cái
không vọng tưởng.
Nếu khi hiểu thì pháp theo người.
Nếu khi chẳng hiểu thì người
theo pháp.
Rồi tới bài
Chân tánh tụng, bài này chúng ta muốn đọc chỗ nào cũng thành bài tụng hết.
Bây giờ giả sử đặt ngay chữ “thỉ”: Thỉ chung thường diệu cực, đọc đúng năm
chữ thì là đúng bài tụng. Chân lý tánh tình duyên, cứ như vậy đọc là thành
bài tụng chớ không có gì hết.
Bây giờ giả sử đặt qua khỏi danh từ “thỉ
chung” mà mình đặt “thường diệu” thì nó cũng thành bài tụng luôn. Nói tóm
lại đây là lối chơi chữ của các ngài. Thôi biết đại khái như vậy, biết
thôi chớ nó lòng vòng quá.
Đây là tụng
chân tánh
Minh Viên
Tịnh Thỉ
Chí Chung
Thân Thường
Diệt Diệu
Chiếu Cực
Vong Chân
Không Li
Lí Tánh
Duyên Tình
Như vậy là Ngộ
tánh luận chúng ta đã qua rồi.
] |