CỬA THỨ SÁU: HUYẾT MẠCH LUẬN (tt)
Phật nói: Tất
cả chúng sanh thảy đều là người mê nhân đây mà tạo nghiệp, đọa trong sông
sanh tử. Muốn ra khỏi chỗ chìm đắm, muốn ra trở lại vào chỉ vì không thấy
tánh. Chúng sanh nếu không mê thì nhân đâu mà hỏi đến cái việc trong ấy,
không có một người được hội? Tự ở nhà mình: vận tay, động chân, nhân đâu
mà chẳng biết? (Tức là chính ở trong nhà mình, mình ở trong cái nhà đó mà
múa tay, khoa chân, tại sao mình không biết nó?) Cho nên biết, Thánh nhân
nói không có lầm, người mê tự không hiểu rõ. Cho nên biết cái này là khó
mà hiểu rõ được, chỉ Phật là một người hay hội được cái pháp này, ngoài ra
người, trời và chúng sanh thảy đều không có thể hiểu được.
Nếu người trí
tuệ minh liễu được cái tâm này thì mới gọi là pháp tánh, cũng gọi là giải
thoát, sanh tử không câu thúc, tất cả pháp không câu thúc được y (hay là
câu thúc y không được) ấy là Đại Tự Tại Vương Như Lai, cũng gọi là Bất Tư
Nghì, cũng gọi là Thánh Thể, cũng gọi là Trường Sanh Bất Tử, cũng gọi là
Đại Tiên, cái tên tuy chẳng đồng mà thể tức là “một”.
Thánh nhân bao
nhiêu cách phân biệt đều không lìa tự tâm. Tâm lượng rộng lớn ứng dụng
không cùng: ứng nơi mắt thì thấy sắc, ứng nơi tai thì nghe tiếng, ứng nơi
mũi thì ngửi mùi, ứng nơi lưỡi thì nếm vị... cho đến thi vi vận động đều
là tự tâm.
Thì như vậy
tất cả cái hành động nào cũng là tự tâm mình, có rời tâm đâu? Nhưng mà chỉ
không nhận được nó thì thôi, rồi thì thấy mình không có. Vì vậy cho nên
chỗ đó là chỗ mà tất cả chúng ta ai nấy cũng phải học đạo là học chỗ đó.
Tìm cho ra chỗ đó gọi là học đạo hay là người xưa gọi là tham thiền cũng
là tìm cái đó. Tham vấn đầu này, tham vấn đầu kia để cho thấy được cái đó
chớ không có gì khác hơn nữa hết. Chúng ta phải khéo léo nhận cho ra cái
đó. Nhận ra được cái đó rồi thì hết sợ sanh tử nữa, nhận ra được cái đó
rồi thì mới tin rằng mình tu thành Phật, chớ không nhận được cái đó thì tu
không tin thành Phật, bị vì xa quá không biết thành Phật ra sao? Còn bây
giờ mình nhận ra được cái đó rồi thì biết ngay nơi đời này mình có ông
Phật ngồi chực đó. Chỉ có điều là mình đứng ngó ổng thôi, phải không? Chớ
còn nếu mình không có ngó lơ mà ngó chăm chăm vào ổng thì mình sẽ gặp,
không có xa lạ. Như vậy để thấy cái kiến tánh là cái quan trọng trong sự
tu hành. Nếu không kiến tánh mà khởi tu thì cái tu ấy ở trong cái mờ mịt.
Còn kiến tánh mà khởi tu thì cái tu đó mới có thể đi tới chỗ thành Phật
không khó.
Ở đây Tổ cố chỉ cho chúng ta thấy rằng:
tâm ấy nó không rời cái động tác thi vi hiện giờ. Ngay nơi mắt, ngay nơi
tai này có tâm ấy hiện không? Có không? Y đâu có giấu giếm gì? Y lộ mày,
lộ mặt hằng ngày đó mà tại mình không thấy y. Như vậy nó hiện ở mắt, nó
hiện ở tai, hiện ở thân, nó hiện đủ thứ hết mà mình không chịu nhận cái
đó, mà mình cứ nhận cái mà nó cộng tác thêm cái chú suy nghĩ đó, cái chú
vọng tưởng, mình nhận cái đó thôi, bây giờ thấy tất cả sự vật đâu không
phải là y thấy nhưng mà mình không chịu. Thấy sự vật, thấy rồi còn khởi
niệm vật này tốt vật kia xấu, rồi chấp nhận cái nghĩ này tốt cái nghĩ kia
xấu là “mình”. Còn cái hồi nãy “thấy tổng quát” đó không chịu “thấy” cái
đó. Thành ra chỉ thấy cái cộng thêm phân biệt, mới chấp nhận cái đó thôi.
Như vậy cho nên tiếc gì mà không mất y, y lồ lộ đó mà mình bỏ mất y hoài
không chịu tìm thấy y. Cho nên tôi nhớ mãi cái thí dụ nhìn vào mặt gương
mà vừa thấy bóng người, bóng vật trong gương là đã quên cái sáng của mặt
gương rồi. Cái đó là một sự thật. Chúng ta cũng vậy, bởi vì mình chấp nhận
cái cộng tác để mà suy nghĩ, phân biệt là mình thì tức nhiên mình không
bao giờ thấy cái hiện rõ ràng hằng ngày, hằng giờ của y. Nên Tổ cố chỉ cho
mình biết nó không vắng mặt lúc nào hết. Mọi hành động đều có nó mà tại
không nhận.
Trong tất cả
thời chỉ có nói năng tức là tự tâm (có nói năng là có nó hiện ra). Cho nên
nói rằng Như Lai sắc vô tận, trí tuệ cũng lại như vậy.
Như Lai sắc vô
tận tức là đối về Như Lai thì bao nhiêu sắc tướng không cùng, không tận,
không chỗ nào không có Như Lai. Trí tuệ Ngài cũng vô tận như vậy.
Sắc vô tận ấy
là tự tâm. Tâm thức khéo hay phân biệt tất cả cho đến thi vi vận dụng đều
là trí tuệ.
Tâm không hình
tướng, trí tuệ cũng vô tận, cho nên nói rằng Như Lai sắc vô tận, trí tuệ
cũng như vậy.
Câu này giải
thêm: Trí tuệ cũng vô tận, cho nên nói rằng Như Lai sắc vô tận, trí tuệ
cũng như vậy.
Cái sắc thân
tứ đại là phiền não. Phàm là sắc thân phải chịu sanh diệt.
Pháp thân thì
thường trụ, nhưng không chỗ trụ. Như Lai pháp thân thường không có biến
khác. Cho nên kinh nói:
Chúng sanh nên biết, Phật tánh vốn tự có. Ngài Ca-diếp chỉ là ngộ được cái
bản tánh. Bản tánh tức là tâm. Tâm tức là tánh. Tức nơi đây đồng với tâm
chư Phật. Phật trước Phật sau chỉ truyền cái tâm này. Trừ ngoài cái tâm
này ra không có ông Phật nào có thể được.
Chúng sanh
điên đảo không biết tự tâm là Phật. Hướng ra ngoài để chạy tìm, trọn ngày
mê man tâm niệm Phật, niệm Phật lễ Phật, Phật ở chỗ nào? Không nên khởi
cái thấy như thế ấy.
Chỉ biết tự
tâm. Ngoài tâm lại không có ông Phật khác. Kinh nói: Phàm có tướng đều là
hư vọng. Lại nói: Ở cái chỗ hiện tại tức là có Phật.
Tự tâm là
Phật. Không nên đem Phật lễ Phật, chỉ là có Phật và cái tướng mạo Bồ-tát
bỗng dậy hiện tiền cũng không cần thiết dùng lễ kính.
Ở đây Ngài nói
cho chúng ta biết: Mình phải nhận tự tâm là Phật, không nên đem Phật mà đi
cầu Phật, đi lễ Phật. Chỉ giả sử có Phật và có cái tướng mạo Bồ-tát hiện
tiền bỗng nhiên hiện ở trước mình cũng không cần thiết, không có cung kính
lễ.
Tại sao?
Tâm ta nó vốn
không có tướng mạo ấy. Nếu mà chúng ta chấp nhận tướng tức là ma, trọn rơi
vào đạo tà. Nếu là huyễn thì từ nơi tâm khởi tức chẳng dùng để lễ. Lễ đó
là không biết, mà biết đó là không lễ. Lễ thì bị ma nó nhiếp. E cho người
học đạo không biết cho nên phải biện bạch cái lẽ này. Chư Phật Như Lai
trên cái thể bản tánh trọn tự không có những tướng mạo như thế.
Chỗ này nghe
thì chúng ta thấy thường, chớ thật là nó thiết yếu đối với người tu thiền.
Trong khi chúng ta tu, chúng ta đã nhận ra mình có bản tâm tịch diệt lặng
lẽ, mà bản tâm tịch diệt lặng lẽ đó là Phật, chấp nhận như vậy không? Ngay
nơi tâm tịch diệt lặng lẽ đó là Phật tánh chớ gì? Đó là Niết-bàn, đó là
Phật. Đã chấp nhận cái tâm thanh tịnh lặng lẽ đó là Phật thì bây giờ có
những người hiện tướng Phật, hiện tướng Bồ-tát ở ngoài thì mình nên theo
hay không? Đã nói cái tâm lặng lẽ thanh tịnh đó là Phật, thì tâm đó đâu có
tướng mạo Phật, đâu có tướng mạo Bồ-tát. Mà bây giờ có tướng mạo Phật,
tướng mạo Bồ-tát ở ngoài thì mình nên xử sao đây? Nếu theo tướng mạo bên
ngoài thì mất cái này, còn nếu theo cái này thì phải bỏ quên cái tướng mạo
bên ngoài. Như vậy tự nhiên chúng ta phải nhớ sống lại với cái trong mà
đừng theo cái ngoài. Tại sao? Vì tướng mạo bên ngoài, tỷ dụ như mình đương
ngồi thiền bỗng nhiên thấy ông Phật ngồi đài sen ở trước mặt mình, bỗng
nhiên mà hiện thì cái đó thật hay giả? - Giả. Còn ông Phật của mình đây
hồi nào cũng có hết mới là Phật thật. Quá khứ không có, hiện tại không có,
vị lai không có và một bên là cái hằng có. Vậy mình phải giữ ông Phật thật
mà quên ông Phật giả, nếu mà theo ông Phật giả tức là quên ông Phật thật.
Chỗ đó là chỗ quan trọng. Vì hiện tại người ta không thấy ông Phật thật
nơi mình cho nên bao nhiêu Phật, Bồ-tát giả hiện ra thì họ mừng quá họ lễ,
họ lạy hoặc là họ chạy theo cầu pháp rồi họ bị lạc. Còn nếu chúng ta nhận
rằng mình có ông Phật đương thanh tịnh lặng lẽ đó, sống với ông đó rồi thì
tất cả cái bên ngoài, cái gì cũng không chấp nhận hết.
Như vậy tà ma
hết cách làm nhiễu loạn được mình. Người tu thiền mà không lầm là chỗ đó.
Người tu thiền mà lầm cũng tại chỗ đó. Cho nên đại đa số người tu thiền
bây giờ lầm, bị ma nó gạt là tại chạy theo bên ngoài mà không nhận được
bên trong. Nếu chúng ta nhận được ông Phật bên trong thì một ngàn, triệu
thiên ma cũng không làm gì động chúng ta được, chỉ có cái là chúng ta nhận
yếu quá rồi còn nặng về bên ngoài thì bị động. Bây giờ giả sử thử cho
tưởng tượng đi, tưởng tượng sống với cái điên đảo đi. Tưởng tượng như hôm
nào mình đương ngồi thiền ngoài gốc cây, bỗng nhiên có ông Phật Thích-ca
Ngài xuống, Ngài ngồi trên tòa sen hào quang rực rỡ thì lúc đó mình nghĩ
sao? Bây giờ phải dự bị, lúc đó mình xử sao? Nghĩ sao đây? Bây giờ phải dự
bị lúc đó mình xử sao? Đứng dậy đảnh lễ Ngài hay phớt tỉnh Ngài làm gì thì
làm, Ngài hiện mặc Ngài, mình cứ sống với cái của mình thôi. Bây giờ chúng
ta nghĩ làm sao? Đó là cái điều hết sức là gan dạ thấy không? Hằng ngày mơ
ước Phật mà tới khi Phật hiện vẫn ngó lơ. Cái đó là một cái hết sức gan
dạ. Người nào mà làm được như vậy thì người đó bảo đảm là tu không sợ lạc.
Còn người nào mà như vậy sợ thất lễ thì người đó có thể bị lạc. Cho nên
chỗ đó là chỗ hết sức khó chớ không phải dễ. Tuy nói là dễ nhưng mà thật
sự hết sức khó. Bởi vì mình cứ nơm nớp sợ. Tôi nói thật tình, chúng ta là
những người nhát nhúa, sợ sệt, cái gì hô có tội thì hoảng vía lên, thấy
không? Dầu cho cái đó không có tội thật, mà nghe nói có tội cũng hoảng
lên. Rồi bây giờ nghe nói Phật hiện mà không lạy Ngài thì có tội, rồi sợ
quá ngồi một hồi làm sao xả ra cũng đảnh lễ. Như vậy đó là nguy. Bởi vì ma
có quyền hiện Phật, có quyền hiện Bồ-tát, hiện đủ thứ hết.
Mình bây giờ
biết ngay nơi mình: lúc thanh tịnh đó là ông Phật của mình hiện rồi, ông
Phật đó là thật một trăm phần trăm tại sao mình lại bỏ? Cho nên nói rằng
chỉ sống với ông Phật thật của mình thôi, còn Phật, Bồ-tát gì ở ngoài cũng
đều không theo. Kiểu như ngài Văn Kiết vậy mới được. Chớ còn nếu yếu đi
thì bị gạt dễ dàng. Chỗ đó là chỗ mà chính ở đây Tổ muốn chỉ cho chúng ta
thấy. Bởi vì tâm thanh tịnh mình nó không có tướng mạo, mà cái gì có tướng
mạo biết là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” mà, phải vậy không? Như
vậy ông Phật hiện có tướng mạo bên ngoài đó là ông Phật hư vọng, không
thật, còn ông Phật của mình thật là không có tướng mạo. Nhớ như vậy thì
mình cứ sống với ông Phật thật của mình, mà sống với ông Phật thật của
mình, mình có động tâm không? Mình không động tâm thì ma hết phương tiện
phá nổi. Phương tiện mà phá được ma là tâm mình không động. Tâm không động
thì ma nào phá được? Như vậy đó là trị ma. Cái thuật trị ma hay nhất là ở
chỗ đó, cho nên mình chỉ nhớ ông Phật của mình thôi, bất chấp ông Phật nào
ở ngoài thì ma nào cũng không phá mình được. Đó là cái thiết yếu của sự
tu. Chúng ta thấy được cái thiết yếu này, tức là chúng ta mới biết tầm
quan trọng của người tu thiền. Bởi vì mình tu còn sơ sơ cho nên ma nó cũng
phá sơ sơ, nó chỉ lâu lâu phá một chuyện là nổi sân lên hay chọc tức chơi
vậy thôi, chớ chưa tới hiện Phật. Bây giờ mình phải dự bị trước, giả sử
Phật hiện, mình phải làm sao? Nếu không dự bị rồi mai mốt mình ngồi trên
thất, Phật hiện ra đó rồi đứng dậy đảnh lễ, nghe thuyết pháp một hồi thành
ma... Cái đó là nguy to. Cho nên phải hiểu rõ, giả sử gặp Phật thì cũng
không thèm chấp nhận như thường. Mình chỉ sống với ông Phật của mình, ông
Phật chắc chắn, ông Phật đó không bao giờ gạt mình hết. Còn Phật ở ngoài
có thể gạt mình. Như vậy thì chúng ta ráng gan dạ, cho nên tôi nói hoài,
người tu thì phải gan dạ cùng mình. Nhát nhúa thì khó tu, bởi vì thấy Phật
cũng không có quan trọng, cũng phớt tỉnh. Mình đi xuất gia đầu Phật tức là
theo Phật, mà gặp Phật không mừng thì chuyện đó phải khó hay không? Vì vậy
cho nên phải gan dạ, trước cảnh hết sức mừng đó cũng vẫn điềm đạm, sống
ngay lại bản tánh của mình không xao động.
Bây giờ tới
chuyện gặp ma.
Giả sử lúc đó
hiện ra một con ma lưỡi dài cả mười thước tây, thân to lớn, nó lại muốn
chụp nhai mình, lúc đó mình phải làm sao? Hồi nãy gặp Phật thì mình không
chấp nhận vì mình sống với ông Phật của mình, bây giờ hiện ra con ma to
tướng như vậy thì mình phải sao? La quải quải? Đó là cái cớ thuận tiện mà
nó làm cho mình mất hồn. Cho nên thường thường ở thế gian nói bị ma nó hốt
hồn, nó hốt hồn của mình là vậy đó, nghĩa là vì mình hoảng kinh lên cho
nên tán đởm kinh tâm, từ từ loạn trí rồi phát điên, rồi người ta đổ thừa
tại ma hốt hồn chớ không có gì lạ. Tại vì quá sức sợ rồi thì loạn trí, mà
loạn trí thì thành điên chớ có gì đâu. Vì vậy mà giả sử nó hiện ra ma, hồi
nãy nó hiện Phật thì mình biết, mình sống với ông Phật của mình, không
theo ông Phật giả, bây giờ hiện ma thì mình biết mình có ông Phật thì ma
làm gì hại được mình. Như vậy ma mình càng không sợ hơn nữa, nghĩa là Phật
đâu có sợ ma. Hồi nãy mình biết Phật thật nên không theo Phật giả, bây giờ
nếu mình biết cái đó là ma thì Phật không sợ ma, sống với ông Phật mình
thì ma không làm gì mình được. Phật nào sợ ma, mà sợ ma tức là mình bỏ
Phật rồi. Như vậy tới cái thứ hai mình còn mạnh hơn nữa. Như vậy tu thiền
phải đủ sức chịu trong những khi đó. Chẳng những tu thiền, tu cái gì mà
muốn thành Phật thì đều như vậy hết, đều có những thử thách đó. Những thử
thách đó mình phải đủ sức để mà nhận, mà muốn đủ sức nhận không gì hơn là
sống với bản tánh của mình. Cái đó là cái duy nhất làm cho mình qua hết
mọi chông gai, chướng ngại. Còn nếu mà không sống được với bản tánh mình
thì bao nhiêu chướng ngại mình đều mắc kẹt.
Cần phải ở nơi
ý, chỉ có những cảnh giới khác, cần thiết không có dùng nắm bắt thái quá
(tức là mình vùa, mình dụng, mình góp).
Đây nói cần thiết là ở nơi ý mình chỉ có
những cảnh khác nó hiện ra, những cảnh giới khác nó hiện ra trong lúc mình
tu đó, có những cảnh hoặc là ma hoặc là Phật hiện ra thì quan trọng là
không có dùng để nắm bắt nó, tức là chấp nhận nó, không chấp nhận nó.
Cũng chớ sanh
kinh sợ, chẳng có cần nghi ngờ.
Mấy cái này là
mấy cái quan trọng. Mấy cái này mà ông Trúc Thiên ổng lược đi, thì tôi
thấy ổng còn trống cái khoảng thực hành nhiều quá. Cho nên ổng là học giả
chớ không phải là người tu. Những cái này là những cái thiết yếu của người
tu, mà ổng lại lược bớt. Dịch tới đó ổng lược bớt đi.
Thành ra cái này là để cho mình biết, vì
đây là trong cái tu, Tổ chỉ cẩn thận, sợ e trong khi chúng ta tu rồi có
những cảnh giới khác nó hiện ra: hoặc là cảnh giới đáng mừng hoặc là cảnh
giới đáng sợ. Cảnh giới này tức là hiện tướng: hoặc là ma, hoặc là rắn,
hoặc là beo, hoặc là người... Những cái khủng khiếp hoặc là những cái yêu
thích hiện ra đều gọi là cảnh giới khác. Thiết yếu lúc đó thì mình đừng
bao giờ chấp nhận, đừng bao giờ chấp nhận cũng chớ kinh sợ, đừng có sanh
tâm kinh sợ. Không chấp nhận mà cũng không kinh sợ, cũng đừng có nghi ngờ,
cứ sống lặng lẽ với cái tâm của mình thì thôi, như vậy đó mới là cái quan
trọng.
Tâm ta xưa nay
nó thanh tịnh, chỗ nào mà có những tướng mạo như thế?
Bị vì mình
thấy rõ tâm mình là thanh tịnh,
những tướng mạo hiện ra ngoài đó đều là giả dối. Tâm mình đâu có những cái
đó, mà tướng đó hiện ra tức là tướng giả, mình không nên chấp nhận.
Cho đến hiện
nào thiên long, dạ-xoa, quỉ thần, Đế Thích, Phạm vương... gặp những tướng
ấy thì cũng không nên có dụng tâm sanh kính trọng, cũng chớ sợ hãi. Tâm ta
xưa nay là rỗng rang lặng lẽ. Tất cả tướng mạo đều là cái tướng vọng, chỉ
chớ chấp cái tướng.
Nếu khởi thấy
Phật, thấy pháp và thấy tướng Phật, Bồ-tát... mà sanh kính trọng là tự đọa
ở trong cái ngôi vị chúng sanh vậy.
Tức là tự rơi
trong cái ngôi vị chúng sanh vậy. Nếu thấy những cảnh đó mà mình khởi cái
niệm quí trọng thì tức là mình đã nằm trong cái lãnh vực chúng sanh rồi,
chớ không có tiến lên được Thánh Hiền.
Nếu muốn trực
hội (tức là thẳng đó mà lãnh hội) chỉ chớ chấp nhận tất cả tướng liền được
(nếu người nào thẳng đó mà lãnh hội được đừng có mắc kẹt tất cả tướng, vừa
mắc kẹt tướng là không được rồi). Lại không có lời nói nào khác, trọn
không có quyết định là thật. Huyễn không có cái tướng nhất định, ấy là
pháp vô thường. Chỉ không có chấp tướng tức là hiệp thánh ý kia vậy (nếu
không chấp tướng đó là hiệp với thánh ý). Cho nên kinh nói: Lìa tất cả
tướng tức gọi là chư Phật.
Như vậy ở đây
xác định cho chúng ta thấy rằng: lúc nào mà chúng ta còn chấp tướng thì
chúng ta không lãnh hội được. Mà muốn lãnh hội được thì đừng có chấp
tướng. Bao nhiêu cái tướng hiện ra đó đều là cái huyễn chấp chớ không
thật. Mà huyễn chấp không thật thì làm sao mà lại đeo theo; đeo theo cái
không thật tức là kẹt. Vì vậy cho nên không chấp nhận các tướng đó là hợp
ý với Phật. Vì vậy mới dẫn trong kinh Kim Cang nói: “Lìa tất cả tướng tức
gọi là chư Phật.”
Hỏi: Tại sao
không được lễ Phật và Bồ-tát...?
Đáp: Thiên
ma-ba-tuần, a-tu-la... thị hiện thần thông đều làm ra cái tướng mạo Bồ-tát
được, các thứ biến hóa đều là ngoại đạo, thảy đều không phải Phật.
Phật là tự
tâm, chớ có lầm lễ bái.
Phật là lời
nói của Ấn Độ, ở Trung Hoa gọi là giác tánh. Giác là cái linh giác: ứng
cơ, tiếp vật, nhướng mày, chớp mắt, vận tay, khoa chân đều là tánh linh
giác của chính mình. Tánh tức là tâm. Tâm tức là Phật. Phật tức là đạo.
Đạo tức là thiền. Một chữ Thiền chẳng phải phàm, Thánh có thể lường được.
Thẳng nơi bản tánh thấy gọi đó là Thiền.
Thiền là gì?
Là chỉ thẳng bản tánh. Thấy được bản tánh gọi là thiền. Cho nên chữ thiền
này không phải cắt nghĩa như các lối khác. Nói thiền là nói tới bản tánh,
thấy được bản tánh là thiền. Thấy được bản tánh thì đi, đứng, nằm, ngồi gì
cũng thiền hết. Còn cả ngày mà không thấy bản tánh cũng chưa gọi là tu
thiền. Thành ra cái thiền này là cái thiền đặc biệt. Như vậy ở đây mới đáp
qua câu hỏi: Tại sao không cho chúng ta lễ Phật, lễ Bồ-tát? Bởi vì
ma-ba-tuần hoặc các vị a-tu-la cũng hiện thần thông làm Phật, Bồ-tát được.
Như vậy nếu mình lễ, mình lạy các vị mà hiện thân của ma, của a-tu-la,
mình lễ lạy tức nhiên bị họ nhiếp phục mình, mà nhiếp phục mình tức là
mình lạc về đường ma rồi. Vì vậy cho nên sống với tâm thanh tịnh của mình
là sống với Phật. Biết Phật là tâm thanh tịnh của mình thì hướng ra ngoài
để lễ lạy làm gì? Cho nên mình phải sống trở lại tâm thanh tịnh mình. Đó
là sống với Phật. Còn chạy theo tướng mạo bên ngoài, đó là mình đã mất
Phật. Vì vậy cho nên ở đây Ngài xác nhận lại một lần nữa. Phật là gì? Phật
là tánh giác. Tánh giác là tánh linh giác ứng cơ, tiếp vật hằng ngày của
chúng ta sẵn có. Cái tánh đó tức là tâm mình. Tâm mình tức là Phật. Mà tâm
mình cũng tức là đạo, mà đạo đó tức là thiền. Như vậy: Tâm đó tức là Phật,
tâm đó tức là đạo mà tâm đó cũng là thiền. Như vậy nhận được tâm đó tức là
thấy được Phật, nhận được tâm đó là thấy được đạo. Nhận được tâm đó tức là
biết tu Thiền. Cho nên bao nhiêu danh từ đều dồn chỉ cho cái đó hết.
Nếu chẳng thấy
bản tánh tức là chẳng phải thiền vậy. Giả sử nói được ngàn kinh muôn luận,
nếu chẳng thấy bản tánh thì chỉ là kẻ phàm phu, không phải Phật pháp. Chí
đạo rất là u thâm không thể nào mà nói, do nói mà hội được. Kinh điển giáo
lý bằng cứ vào đâu mà có thể đến. Chỉ thấy được bản tánh, một chữ chẳng
biết cũng được.
Người mà thấy
được bản tánh, không biết một chữ cũng được nữa, dốt nát không biết chữ
nào thấy bản tánh cũng được. Như Tổ Huệ Năng không cần biết chữ nào hết,
thấy bản tánh là xong; thấy bản tánh rồi thì nói gì ra cũng đạo hết rồi
mình ghi lại thành kinh. Còn mình không thấy bản tánh, nói kinh một hồi
không phải kinh chút nào hết. Vì vậy cho nên chính chỗ đó, khi mở lớp tu
học ở đây tôi cứ do dự hoài. Học ở đây là tôi dạy những kinh cao, mà đúng
thì phải lựa những người học ít nhất cũng là phải có trung học Phật giáo
rồi mới học vừa. Nhưng mà ở đây thì học tu thiền, mà tu thiền không biết
một chữ cũng được nữa. Cốt nhận được bản tánh. Bây giờ lựa trình độ học là
trái với tu thiền rồi. Vì vậy mà tôi cứ phân vân hoài không biết phải làm
sao cho đúng? Nếu người thấp quá sợ e họ nghe không hiểu, mà lựa, thi cử
để cho vừa trình độ thì lại trật, không phải là tu thiền. Vì vậy cho nên
nếu mình (ở đây là Thiền viện) mà bắt có một trình độ nào mới vô, thì
người ta liền hỏi hồi xưa Thiền viện ở chỗ Ngũ Tổ có lựa trình độ hay
không? Nếu trình độ chữ nghĩa thì tức nhiên ngài Thần Tú đã đậu rồi, mà
tại sao Tổ Huệ Năng không biết một chữ mà lại được truyền y? Thì mình mới
ăn sao, nói sao đây? Vì vậy cho nên tôi chịu, kệ ai biết chữ cũng được,
không biết chữ cũng được, có thiện chí tu là có học được. Kết luận là vậy.
Biết có thiện chí tu thì người đó có thể học được. Rồi nghe hiểu, rồi chịu
tu, biết chữ cũng tốt, không biết chữ cũng tốt, miễn nhận ra được cái đó
tu thì xong. Vì vậy kết luận là tôi nói: ai muốn nghe thì nghe, hiểu tu
được thì tốt, chớ còn không nói trình độ nào hết. Đó là chỗ dễ mà khó.Vì
tất cả kinh điển không thể nói tới cái đó. Nếu kinh điển có nói là nói
ngoài da chớ không có nói tới cái đó, mà cái đó là tự mỗi người nhận ra,
chớ còn học hết bao nhiêu kinh điển mà nói: tôi học quá nhiều kinh, tôi
được cái đó rồi thì điều đó không có. Học bao nhiêu kinh thì học mà cái đó
không thấy cũng như thường. Còn người ta thấy được thì giả sử người ta học
sơ sơ, hoặc nghe một câu nói mà người ta nhận ra, người ta thấy được.
Thành đó là cái khó. Vì vậy nên nói rằng không biết một chữ cũng được.
Thấy tánh tức
là Phật. Thánh thể xưa nay là thanh tịnh. Có những ngôn thuyết đều là
Thánh nhân từ nơi tâm khởi dụng. Dụng thể xưa nay là cái danh rỗng. Nói
còn không đến thì mười hai bộ kinh bằng cứ vào đâu mà đến được?
Nói về cái thánh thể xưa nay nó vẫn thanh
tịnh, nó không có tạp uế thì không có lời nói nào mà nói được hết, nhưng
sở dĩ Phật nói ra đó là tại sao? Là từ tâm Ngài khởi dụng. Cái nói ra là
cái dụng chớ không phải cái thể. Dụng thể xưa nay cái tên nó là rỗng. Nói
còn không đến thì làm sao mười hai bộ kinh mà đến được? Như vậy kinh nói
ra là cái dụng từ thánh thể phát ra. Dụng và thể khi đã thành danh rồi,
cái danh đó là cái danh rỗng, không phải thật. Như vậy những ngôn ngữ từ
cái dụng mà phát ra làm sao mà đến được cái thánh thể đó. Cho nên nói rằng
mười hai bộ kinh nương vào đâu mà đến được?
Đạo vốn viên
thành, không dụng tu chứng.
Đạo đó là chỉ
cho cái gì? Ờ tức là chỉ cho thánh thể đó chớ gì.
Đạo không phải là thanh sắc, nó vi diệu
khó thấy, như người uống nước lạnh, nóng tự biết thôi.
Nói tóm lại
rồi cũng như người uống nước lạnh, nóng tự biết, không có ai biết thế cho
mình.
Không thể
hướng về người nào khác mà nói được. Chỉ có Như Lai mới hay biết, ngoài ra
người, trời... các loại trọn không thể giác biết. Cái trí phàm phu không
đến, sở dĩ có chấp tướng là vì không rõ được tự tâm xưa nay là không tịch.
Vọng chấp
tướng và tất cả pháp tức là đọa trong ngoại đạo. Nếu biết các pháp từ tâm
mà sanh thì không nên có chấp. Chấp tức là không biết.
Biết các pháp
từ tâm mà sanh thì không nên chấp các pháp, mà nếu còn chấp các pháp là
không biết các pháp từ tâm mà sanh.
Nếu thấy bản tánh thì mười hai bộ kinh
thảy đều là cái văn tự nhàn.
Cái văn tự
nhàn rỗi của người ta rảnh mà nói chơi vậy thôi, chớ không có gì quan
trọng hết.
Ngàn muôn kinh
luận chỉ là làm sáng cái tâm. Vì các lời nói mà khế hội thì giáo sẽ đem
dùng vào chỗ nào?
Ngay lời nói
đó mà mình nhận được thì hỏi kinh dùng vào chỗ nào?
Cho nên cái chí lý là tuyệt ngôn thuyết.
Giáo là ngôn từ, thật không phải là đạo. Đạo vốn là vô ngôn. Ngôn thuyết
là vọng.
Đây là đoạn mà
ông Trúc Thiên lược qua một đoạn quá dài. Đây đoạn này quí vị nghe cho kỹ,
những đoạn mà nói về triệu chứng trong lúc tu thì ông Trúc Thiên đều lược
hết.
Cái đoạn mà
khuyết lược của ổng đây thì tôi giảng kỹ cho quí vị nghe để nhớ. Đoạn này
là đoạn nói những triệu chứng trong khi mình tu. Mình tu có những cái điềm
nó hiện hoặc là trong mộng, hoặc tướng ở chỗ tối... nó hiện ra thế nào
mình biết để mình đừng lầm.
Nếu ban đêm
trong mộng mà thấy lầu các, cung điện, voi ngựa, cây cối, đình ao... tức
là thân tướng. Những tướng như thế không được khởi niệm ưa thích trọn là
cái chỗ phát tâm, cần phải ở tại nơi ý thì khi lâm chung không được chấp
tướng, tức trừ được chướng. Như tâm vừa dấy khởi tức là bị ma nhiếp.
Ngài nói rằng: khi mình tu lúc mình ngủ
mộng, mình thấy nào lầu các, cung điện nguy nga, voi ngựa... thấy rừng
cây, ao hồ, thấy sanh tướng... Những tướng đó thì mình đừng có khởi niệm,
khởi tâm yêu thích. Tại sao? Vì đó là cái tướng để thác sanh, tướng để đầu
thai, yêu thích những cái đó thì sau này chừng nhắm mắt, những cái đó hiện
ra, nhào vô đó là đi đầu thai đó. Nhớ như vậy đó. Đây Ngài dặn, Ngài răn
mình trước. Sở dĩ người ta đi đầu thai là những cái đó. Tỷ dụ như mình
thấy như đương nóng nảy quá thấy cái hồ mát ùm xuống tắm. Nhảy ùm xuống đó
là đi vô bụng mẹ đó. Hoặc là đương đi ngoài thấy cái lầu đẹp quá chun vô
đó. Chun vô đó là cái tướng đi đầu thai. Cho nên những tướng đó là những
tướng thác sanh, đừng thấy vậy mà mừng. Vì vậy cho nên bảo thấy những cái
đó đừng có sanh yêu thích. Nếu yêu thích thì khi lâm chung bị hữu tướng.
Hữu tướng thì cái đó dấy niệm lên tức là bị ma nó nhiếp, nó dẫn vô đó. Đó
là những cái mình phải dè dặt chớ có xem thường.
Pháp thân xưa
nay thanh tịnh không có thọ nhận, chỉ vì duyên mới mê bất giác bất tri,
nhân đây cho nên vọng có thọ báo. Sở dĩ có cái yêu thích mới không được tự
tại.
Vừa có yêu
thích là mất tự tại. Cho nên thấy cung điện, hồ ao, thấy rừng cây, thấy
cái gì mà mình thích đó là gốc mất tự tại.
Chỉ hiện thấy
nếu ngộ được cái thân tâm xưa nay tức là chẳng có cái nhiễm tập. Nếu từ
nơi Thánh mà vào phàm thị hiện các thứ tạp loại… đều tự vì chúng sanh cho
nên Thánh nhân nghịch thuận đều được tự tại. Tất cả nghiệp câu thúc các
ngài không được, cho nên thành Thánh đã lâu vậy.
Các bậc Thánh nhân các ngài không còn cái
nhiễm tập nữa, nhưng mà sở dĩ các ngài có thể thị hiện trong các chủng
loại, đó là vì lợi ích cho chúng sanh. Tuy ở trong cảnh nghịch cảnh thuận
gì, các ngài cũng vẫn tự tại, nghiệp không có câu thúc các ngài được vì
các ngài là Thánh đã lâu rồi.
Những vị có
oai đức lớn trong tất cả cái nghiệp phẩm loại bị Thánh nhân ấy chuyển đi.
Những vị có
oai đức lớn là chỉ cho Bồ-tát, thì dầu cho các ngài hiện thân trong những
loại nghiệp nào, tôi thí dụ như Phật Thích-ca hiện thân trong cung vua,
thì ai tưởng một vị Thái tử mà đi tu được? Nhưng mà do cái sức tự tại của
Ngài thì bứt cái một đi tu liền.
Như vậy đó là
tự tại nghiệp, không có bị câu thúc. Còn mình thì chỉ có cái gia đình
xoàng xoàng mà đi tu còn khó khăn. Mà có phước là nhờ gặp những trắc trở
mà dễ đi tu, chớ nếu mà gặp toàn chuyện thuận không thì chắc đi tu không
được. Giả sử lâu lâu thi rớt thì muốn đi tu. Lâu lâu gặp chuyện gì buồn
thì muốn đi tu. Chớ nếu mà gặp toàn chuyện vui không, thì chắc đi tu không
được. Làm cái gì được cái nấy, muốn cái gì được cái nấy, chắc là chúng ta
trăm người chưa đi tu được hai người nữa, thấy không? Nhờ những cái thất
bại cho nên chúng ta dễ đi tu. Vì vậy cho nên chúng ta chưa phải là những
bậc oai đức. Cho nên cái nghiệp của chúng ta chưa tự tại, nhờ cái duyên
tốt cho nên rồi chúng ta biết nó được, bỏ nó được mà đi. Vì lẽ đó nên biết
cho rõ thì mình không có lầm.
* |