TÓM KẾT
Bây giờ tóm
kết lại cho thấy ý chánh của quyển này. Như vậy là tới đây xong sáu cửa.
Chúng ta có bước chân vô cửa được chưa? Đó là mở cả sáu cửa, đây là sáu
cửa vào “Động Thiếu Thất”. Như vậy từ cửa thứ nhất cho đến cửa thứ sáu đã
mở thì chúng ta mỗi người bước vô. Ai bước vô rồi thì được an ổn. Ai chưa
bước vô thì người đó chưa có thấy Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Nếu chưa vô đó là chưa
thấy Tổ. Bây giờ sáu cửa, ở đây là không phải bắt học thuộc lòng danh số,
nhưng mà để nhắc sơ lại để tự biết đường hướng của Tổ dạy. Tuy Tổ là “trực
chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” chớ Ngài không có đi thứ tự. Nhưng vì
trong phương tiện đối với người tu, thành ra Ngài kết hợp sáu cửa thành
một quyển sách để chúng ta bước cửa này qua cửa nọ vào tận nhà của Tổ.
CỬA THỨ NHẤT
Cửa thứ nhất
là “cửa Bát-nhã”.
Cửa thứ nhất
là chỉ cho chúng ta nhận rằng: có cái tâm ấy nó gồm hết tất cả pháp thế
gian và xuất thế gian. Chư Bồ-tát, chư Phật đều nương nơi tâm ấy là thành
Bồ-đề, và cái tâm ấy đầy đủ diệu dụng cũng như muôn ngàn thần chú ở Ấn Độ.
Đó là toát yếu được bài “Tâm kinh” ngay trong đó.
Như vậy cửa
thứ nhất là cửa giới thiệu thôi chớ chưa có đặt vấn đề để mình tu.
CỬA THỨ HAI
Cửa thứ hai
tức là “Phá tướng luận”.
Tới đây mới
ruồng rẫy. Hồi nãy chỉ “cái này là cái mấy ông có nè”, bây giờ muốn được
cái này phải sao? Phải phá cái “vỏ chấp” chung quanh đó, tức là “phá
tướng”. Những tướng nào? Thường thường chúng ta tu mà chấp tướng không
phải là cái tướng đẹp, tướng xấu bên ngoài mà chấp tướng gì? - Tướng tu
hành, - Tướng tụng kinh niệm Phật, -Tướng cúng Phật, - Tướng hình thức
trong chùa. Bao nhiêu hình tướng đó chúng ta chấp nó là thật, rồi đem hết
tâm qui ngưỡng vào hình thức đó, cho đó là cứu kính của đời tu. Nếu tu như
vậy thì làm sao thành Phật? Cho nên Ngài phá rạp hết. Bao nhiêu tướng tu
hành về hình thức, Ngài dẹp hết để cho chúng ta chỉ thấy một lối duy nhất
là trở về tâm. Nếu mà không dẹp hết tướng thì làm sao mà thấy tâm? Như vậy
tới lớp thứ hai là lớp “Phá tướng”.
Tôi nói thật
ra đường lối của Tổ giống hệt những nhà cách mạng. Trước tuyên dương chủ
đích của mình nhắm, đó là Bát-nhã Tâm Kinh. Kế đó thì cho dấy lên đập phá
những gì cổ hủ.
CỬA THỨ BA
Cửa thứ ba là
“Nhị chủng nhập” (hai thứ vào).
Tới cửa thứ
ba, cửa đó mới bắt đầu bước vào. Vào từ hình thức sự mới đi tới lý. Sự lý
là hai phần phải vào. Như vậy trước là “lý nhập” rồi sau là “sự nhập”.
Lý nhập: Tức
là mình phải nhận ra lý pháp đó. Cái lý pháp đó là tâm. Nhận ra được cái
lý đó tức là giới thiệu hồi nãy, bây giờ chỉ thẳng cho mình nhập vô đó là
lý nhập.
Muốn tiến được
thì phải nương nơi sự chớ còn lý không thì làm sao tiến được. Vì vậy cho
nên sự thì trước phải trừ chướng, mà chướng của sự là gì? Chướng của sự là
khổ và vui phải không? Chướng của sự là khổ với vui. Nếu khổ mình không
màng, vui mình không mừng thì còn gì chướng nữa? Vì vậy cho nên Ngài dùng
cái Báo oán hạnh và Tùy duyên hạnh, hai cái đó để dẹp khổ vui.
Rồi bước vào
nữa, kế hạnh thứ ba là Vô sở cầu hạnh tức là dứt tâm mong mỏi. Hạnh thứ tư
là Xứng với tự tánh. Mình dứt tâm vọng cầu và sống phù hợp với tự tánh.
Như vậy là mới
bước vào ngưỡng cửa ngoài thôi, chớ chưa có đi vô trong được.
CỬA THỨ TƯ
Cửa thứ tư là
“Pháp môn an tâm”.
Tới An tâm đó
mới là bắt đầu chỉ thẳng cho mình là đừng có bị kẹt nữa. Mà muốn an tâm
phải làm sao? Tức là đừng mắc kẹt đối đãi. Còn mắc kẹt vào pháp đối đãi là
còn ở trong sanh diệt, mà còn trong sanh diệt tức là còn vọng tưởng. Vì
vậy cho nên muốn an tâm là dứt cái đối đãi, vượt qua cái đối đãi thì đó là
“an tâm”.
Như vậy tức là
cho mình an trụ rồi, thấy không? Tới cửa thứ ba là mới xây dựng sơ sơ, đến
cửa thứ tư bắt đầu kiến thiết rồi để mình an trụ lại.
CỬA THỨ NĂM
Cửa thứ năm là
“Ngộ tánh luận”.
Tức là chỉ cho
mình thấy thẳng cái bản tánh như vậy đó. An ở đâu? An nơi bản tánh của
mình. An tâm tức là an trụ cái bản tánh của mình. Nhận ra bản tánh đó là
an tâm. Như vậy đó là kiến thiết.
CỬA THỨ SÁU
Cửa thứ sáu là
“Huyết mạch luận”.
Tức là luận thẳng về cái mạch máu của
người tu. Cái mạch máu của người tu là cái gì? Tức là phải làm sao sống
được với bản tánh đó. Mà sống được với bản tánh đó khởi dụng công tu hành
thì không có lệch, không có sai. Không vào được bản tánh đó, không nhận
được bản tánh đó, tất cả cái tu khác đều là trật. Như vậy tức là giản
trạch tà, chánh.
Tà, chánh đó
là cái “huyết mạch” để mình khỏi bị rơi vào đường tà.
Như vậy tức là
vào nhà là từ An tâm. Rồi Ngộ tánh
là kiến thiết xong, rồi bây giờ giữ ăn cướp, đừng cho nó theo phá tức là
kiên cố lại đừng cho ngoại xâm lăng, cho nên mới tới cái sau Huyết mạch là
giản trạch tà, chánh không bị lầm.
Như vậy kiến
thiết ngôi nhà của Tổ Bồ-đề - đạt-ma là vậy. Cho nên mình thấy được, học
được cái đó rồi thì cứ như vậy mà bước thẳng vô, chớ đừng có nghi ngờ. Vừa
có nghi ngờ là bị chướng ngại rồi.
Như vậy thì
tin chắc để bước vô chưa? Ráng tin để bước vô.
] |