YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
I. MỞ ĐỀ:
Thiền tông có
một lối chỉ dạy quá độc đáo, khiến độc giả đọc sách thiền phải ngơ ngác,
không tìm ra manh mối nghĩ suy, như người vớ tay vào tấm vách sắt không có
chỗ để bám. Thật tình chủ yếu Thiền tông không muốn người học mắc kẹt vào
ngôn ngữ bên ngoài, cũng không rơi vào tâm suy lự bên trong. Thiền sư chỉ
thẳng, người học phải trực giác trực nhận, vừa mắc kẹt ngôn ngữ đã cách xa
ngàn dặm, rơi vào suy tư đã cách xa bằng mấy năm ánh sáng. Phút giây tham
vấn giữa Thiền khách với Thiền sư là phút xổ cờ khai trận. Sự đối đáp phải
nhanh như điện chớp lửa nháng, vừa trầm ngâm suy tư là ăn đòn đuổi ra. Cho
nên trong khi đối đáp như thế, nhận được liền nhận, không nhận được thì về
không, chớ không có thái độ lưng chừng, nửa hiểu nửa không. Mọi hành động,
ngôn ngữ của Thiền sư chỉ dạy đều nhằm chỉ thẳng bản tâm của chúng ta.
Không quay về mình tự nhận, chạy theo ngôn ngữ các Ngài là bị các Ngài
lừa. Bản tâm là cái sẵn có nơi chúng ta, bởi do vọng chấp nên quên mất nó.
Hiệu dụng của Thiền sư là phá chấp, cốt khiến chúng ta nhận ra bản tâm của
chính mình. Vì thế, Thiền sư thường nói "Ta không có một pháp cho người,
chỉ tháo chốt nhổ đinh cho họ thôi". Chúng ta mang quan niệm cầu pháp học
đạo đến với các Ngài, rốt cuộc ôm lấy một mối thất vọng lớn lao. Chúng ta
cần phải có quan niệm chính xác hơn, "Học thiền là học tâm", ngoài tâm
không có thiền nào để học. Thế mới khỏi kinh ngạc khi nghe lời tuyên bố
dưới đây của Tổ Bồ-đề-đạt-ma.
* |