YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
(tt)
X. NHỮNG BỆNH CỦA NGƯỜI
TU THIỀN.
Thiền tông là một lối tu nhẹ nhàng thanh
thoát, phóng khoáng, tế nhị, thâm trầm. Nếu người phát tâm kiên cố, trường
viễn tu hành, chắc chắn kết quả như nguyện. Ngược lại, nếu người phát tâm
yếu đuối, tu hành khi tiến khi lùi, hoặc khi phát hứng tu quên ăn bỏ ngủ,
khi khởi lười biếng cả tháng chẳng nhớ công phu. Những người như thế mà tu
thiền dễ phát sanh những bệnh dưới đây:
A. TỰ TÍN KHÔNG KHÉO THÀNH
TỰ TÔN
Thiền tông dạy "Tức tâm là Phật", những
người không khéo tu hành, nghĩ rằng tâm mình là Phật, cần gì lễ Phật sám
hối, đó chỉ thuộc hình thức bên ngoài, sống với tâm mình đủ rồi. Từ quan
niệm đó, họ xem thường những bậc thầy, những người tu trước có đức hạnh
hơn họ. Họ cứ nghĩ: "Tôi sống với tâm tôi, bất cần ai nói gì thì nói".
Nhưng thực tế, họ cũng chưa sống được với tâm họ, chỉ ôm lòng ngạo mạn tự
cao, không kính Phật, không quý những bậc tôn túc. Thế là thành bệnh "tự
tín không khéo thành tự tôn". Đã thành bệnh mà biết ăn năn hối cải, còn tu
tiến được, bằng không thì rất khó cứu.
Muốn trị bệnh này, người tu thiền vẫn
thường lễ Phật sám hối, vẫn quý kính những hàng tôn túc. Tự biết tâm ta là
Phật, song nếu không có Phật giác ngộ, chỉ dạy lại thì làm sao biết được.
Hòn ngọc quý của ta đã bỏ quên từ thuở nào, ngày nay được người chỉ cho,
tìm lại được nó, công ơn của người chỉ thật vô lượng. Đến chư Tổ và Thiện
tri thức hiện nay, cũng là người cứu chúng ta thoát khỏi mê lầm. Nếu không
có chư Tổ tiếp nối, Thiện tri thức ra đời, ngày nay làm sao chúng ta còn
đủ duyên biết đạo lý cao cả này. Vì thế các Ngài đều là người ân sâu dày
của chúng ta. Chúng ta luôn luôn hết lòng quý kính các Ngài. Thành tâm lễ
Phật sám hối, quý kính những bậc tôn túc là trị lành bệnh tự tôn.
B. PHÓNG KHOÁNG KHÔNG KHÉO
THÀNH PHÓNG TÚNG.
Bệnh này người tu thiền dễ mắc phải. Bởi
vì Thiền tông chú mục buông xả mọi vọng tưởng, cố chấp, khuôn mẫu, hình
thức, tập tục sai lầm, chính những thứ ấy đóng khung con người cứng đờ
không thoát nổi. Người tu thiền phải lột sạch mọi hình thức tập tục phi lý
ấy. Do đó tâm hồn phóng khoáng, không bị cuộc hạn trong một phạm trù nào.
Sống với tâm thể thênh thang không lệ thuộc, cũng không giới hạn. Còn bó
buộc trong một hình thức nào đều là thiếu hồn nhiên tự tại. Chính vì không
chấp vào hình thức, cho đến giới luật họ cũng xem thường; thế là họ trở
thành phóng túng bất chấp giới luật, bất cần dư luận, sống gàn gàn, dở dở,
không đếm xỉa đến ai. Khi đã thành bệnh rồi, thật chướng ngại lớn lao trên
đường tu.
Người này nếu ăn năn thức tỉnh, cần phải
phát lồ sám hối, cố gắng gìn giữ giới luật mà họ đã thọ. Chúng ta tu thiền
trong nhà Phật, cần phải có tự lợi lợi tha đầy đủ. Nếu không giữ giới
luật, tức là mất lòng tin của mọi người, mọi người đã không tin thì làm
sao giáo hóa để đầy đủ lợi tha. Hơn nữa, chúng ta tuy có phước duyên hiểu
đạo, song nghiệp chướng còn dày, phải tránh cảnh bớt duyên mới khả dĩ tiến
được, bằng xông pha bất chấp, e rồi sẽ sẩy chân không thể cứu được. Người
tu cần phải thận trọng, không nên xem thường.
C. NÓI VÀ LÀM KHÔNG KỊP
NHAU.
Thiền tông thật là siêu thoát, một khi
hiểu được, ai cũng thấy hứng thú vô cùng. Bởi hứng thú quá mức, khiến
người tu thích luận bàn, quên tu tập. Lý luận hay, được nhiều người nể
phục, cứ thế phát triển quên cả thực hành. Lâu thành thói quen, họ là kẻ
nói đạo chớ không hành đạo. Tệ hại hơn nữa, có một ít người trong tâm còn
nhiễm dục lạc, thân hành dục lạc, bị người khác phê bình chỉ trích, liền
dẫn lời Tổ để che đậy lỗi mình, quả là yêu quái khoác áo cà sa để bịp đời.
Người tu cần phải thật thà, cái dở của mình phải gan dạ nhận lỗi để sửa,
khả dĩ tiến được. Nếu là kẻ chỉ khéo lanh mồm lẻo mép che đậy lỗi mình,
bào chữa quấy mình, đó là nhân địa ngục không thể cứu. Nếu vì hứng thú
muốn nói lên những cái hay của mình thấy được, người chân tu cần phải hạn
chế bớt, có mười điều nên nói năm sáu điều thôi. Quả thật mắc bệnh hay
nói, hành giả cần học lời cổ đức dạy: "Phải để khóe miệng lên meo, như cây
quạt mùa đông". Được thế, bệnh hay nói từ từ suy giảm. Người tu cần phải
ngôn hạnh tương ưng, sẽ được lợi người lợi mình đầy đủ. Nếu chỉ có ngôn mà
không hạnh, là lời nói suông, nếu không bảo là nói dối. Bớt nói và ít nói
là phương tiện tối thiết để trị bệnh này.
D. BỎ THỜI KHÓA CÔNG PHU
TRỞ THÀNH LƯỜI BIẾNG.
Người tu theo Thiền tông giờ nào cũng là
giờ tu, hành động nào cũng là hành động tu, hằng chiếu soi tâm niệm mình
không chút sơ hở. Nếu được như thế, thời khóa công phu đặt với người này
trở thành vô nghĩa. Đợi đến thời khóa mới tu sao? Ngoài thời khóa ấy làm
gì? Quả thật chỗ thiết yếu là tu từng tâm niệm. Nhưng cũng có một số người
lười nhác, không thể hằng quán chiếu từng tâm niệm ở nội tâm, mà đặt thời
khóa tu hành họ lại chống đối. Họ bảo rằng người tu thiền giữ hình thức ấy
làm gì? Giờ nào không phải là giờ tu mà đặt thời khóa? Thế nhưng, không có
thời khóa, thì họ thả rong con khỉ ý thức chạy nhảy tứ tung, chẳng có phút
giây an tĩnh. Lợi dụng sự không nặng thời khóa của người chân tu, họ mặc
tình vui chơi lười biếng. Muốn trị bệnh này, người tu thiền cần phải khắc
kỷ, nỗ lực tiến tu, nếu thấy tâm mình lơi lỏng liền phải thu nhiếp, phát
thệ nguyện mạnh mẽ để sách tiến mình. Hằng phát nguyện tinh tấn là phương
thuốc trị lành bệnh này.
Tóm lại, người tu thiền mắc bệnh tự tôn
phải dùng lễ Phật sám hối để trị, người mắc bệnh phóng túng dùng giới luật
để trị, người mắc bệnh nói nhiều dùng ít nói im lặng để trị, người mắc
bệnh lười biếng dùng tinh tấn để trị. Người tu biết mình có bệnh, khéo
dùng thuốc điều trị thì bệnh được lành, trên đường tiến đạo sẽ không thối
chuyển. Ngược lại, có bệnh mà không biết, hoặc biết mà không chịu điều
trị, chắc chắn người ấy sẽ bỏ cuộc nửa đường, có khi phải sa đọa là khác.
* |