THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ 20

H.T THÍCH THANH TỪ

YẾU CHỈ THIỀN TÔNG (tt)

XI. KẾT LUẬN:

Yếu chỉ Thiền tông là kiến tánh khởi tu, ngay trong đời này hành giả giác ngộ bản tánh chân thật của mình, tất cả thứ giả dối sai lầm từ muôn đời mê chấp, buông xả hết để tâm thể thanh tịnh sáng suốt. Thiền tông khai thác cho chúng ta thấy một con người chân thật từ vạn kiếp của chúng ta. Đó là đưa giá trị con người đến tột đỉnh của nó. Hạnh phúc chân thật không thể có nơi con người giả dối này. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra "bản lai diện mục" của mình, hằng sống với nó mới là chân hạnh phúc. Bởi vì mọi cuộc luân hồi đau khổ ngang đây đã chấm dứt. Con người bao giờ cũng hướng về Vĩnh Cửu, song tự mình không biết Vĩnh Cửu ở đâu, người ta cứ ngỡ Vĩnh Cửu ở một phương trời xa lạ nào, không ngờ Vĩnh Cửu vẫn ở ngay trong cái thân vô thường giả dối này. Khác với các nhà tôn giáo xưa nay, tô điểm cái vĩnh cửu bằng một bộ mặt phấn son nồng nặc. Thiền tông vạch trần bộ mặt thật của Vĩnh Cửu hết sức bình dị đơn sơ. Chân lý bao giờ cũng giản dị, song vì sức tưởng tượng của con người biến chân lý trở thành cái huyền bí xa vời. Đạo, Chân tâm, Phật tánh, Pháp thân… chẳng phải gì xa lạ, chính là bộ mặt thật của con người chúng ta. Bộ mặt thật ấy bị phủ kín bởi những lớp bụi vọng tưởng điên đảo, chịu khó lau chùi sạch chúng thì bộ mặt thật xuất hiện đầy đủ. Đừng dại khờ chạy tìm nó trên những đỉnh núi cao chót vót, dưới những vực thẳm sâu hun hút, trong những rừng rậm mịt mù, từ những phương trời xa tít. Chúng ta hãy dừng lại nhìn thẳng dưới gót chân của mình, quả thật bộ mặt thật đã nằm sẵn ở đây. Người khéo biết sống trở lại mình thì chân lý gần gũi làm sao. Ai có thể ngờ rằng "Tâm bình thường là đạo"! Đây là tánh cách đơn giản bình dị của nhà thiền. Chỉ ngại người ta khinh thường bỏ qua hòn ngọc báu, Thiền sư phải dùng đến diệu thuật hét điếc tai, đánh tóe lửa, chung qui cũng chỉ vì chỉ thẳng cái "tâm bình thường" cho mọi người. Song bình thường là phi thường, bởi vì nghĩa bình thường của con người xưa nay là điên đảo, bỏ được cái điên đảo ấy mới gọi bình thường. Thế nên nhận ra được bản tâm bình thường của mình, cần phải phủi sạch những thứ điên đảo phi thường kia là chúng ta sống một cuộc sống thái bình, chấm dứt một cuộc đời lang thang ở tha phương viễn xứ, trở về cố hương an ổn muôn đời.

Để chấm dứt phần kết luận này chúng tôi mượn bài kệ của Thiền sư Huệ Sinh đời Lý ở Việt Nam thu gọn hơn:

            Pháp bản như vô pháp

            Phi hữu diệc phi vô

            Nhược nhân tri thử pháp

            Chúng sanh dữ Phật đồng.

            Tịch tịch Lăng-già nguyệt

            Không không độ hải chu

            Tri không, không giác hữu

            Tam-muội nhậm thông châu.

            Pháp gốc như không pháp

            Chẳng có cũng chẳng không

            Nếu người biết pháp ấy

            Chúng sanh cùng Phật đồng.

            Trăng Lăng-già vắng lặng

            Thuyền Bát-nhã rỗng không

            Biết không, không giác có

            Chánh định mặc thong dong.

]

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM