YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
(tt)
III. YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
HAY CỐT TỦY KINH ĐIỂN. (tt)
B. KHỞI TU
1. ĐỐN NGỘ TIỆM TU:
Sau khi "kiến tánh" cần phải "khởi tu" mới đạt chứng ngộ, giải thoát sanh
tử, đắc thành Phật quả. Cho nên khi xưa chư Thiền sư được giải ngộ rồi,
các Ngài vào núi ở một mình đôi ba mươi năm, sau đó mới ra giáo hóa. Nếu
không ở núi một mình, các Ngài ở tùng lâm theo chúng tu hành. Như Quốc sư
Huệ Trung ở núi Bạch Nhai bốn mươi hai năm, sau đó mới ra làm Quốc sư.
Thiền sư Tùng Thẩm hiệu Triệu Châu ở trong tùng lâm ba mươi năm, tâm mới
thành một khối. Kiến tánh khởi tu cũng gọi là đốn ngộ tiệm tu. Lối tu này
có hai:
a. Ứng dụng giác ngộ vô niệm để tu:
Thấy rõ niệm khởi là hư vọng, là vô minh, cần phải buông xả không theo.
Niệm dấy lên là phá giới, là tội lỗi, luôn luôn tỉnh giác không để nó dẫn.
Cho nên nói: "Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm". Niệm khởi liền giác,
giác tức niệm diệt. Thiền sư cả ngày trong bốn oai nghi đều sống giác
niệm, không để thưa hở. Bởi vì từ ngàn đời chúng ta đã chấp nhận niệm là
tâm mình, hiện nay biết nó hư giả, nó là tướng vô minh, song nó đã thành
thói quen, thành tập quán, không thể tỉnh giác một sớm một chiều mà hết
được. Trái lại, phải bền bỉ, lâu dài, kiên trì, tỉnh giác, chúng mới thưa
dần và từ từ im bặt. Nếu không phải là người kiên trì, tỉnh giác, bền bỉ,
lâu dài, dù có giải ngộ cũng không giải thoát sanh tử. Thế nên người xưa
nói "Người tu thiền phải đầy đủ hai tâm kiên cố và trường viễn". Kiên trì
tỉnh giác là tâm kiên cố, bền bỉ lâu dài là tâm trường viễn. Có kiên trì
tỉnh giác mới khỏi bị niệm dẫn, có bền bỉ lâu dài mới chinh phục được
chúng. Thiền sư là một chiến sĩ thường cầm kiếm trí tuệ tiêu diệt bọn ma
vô minh vọng niệm. Tay không rời kiếm, mắt chẳng ngó lơ, mới là chiến sĩ
dũng mãnh. Đến khi nào bọn ma vô minh vọng niệm diệt sạch, người chiến sĩ
mới ca khúc khải hoàn và sống mãi trong thanh bình an lạc. Sự tu hành của
Thiền sư không hạn cuộc trong thời khóa nghi lễ, mà lấy sự tỉnh giác làm
chủ yếu. Vì thế, có khi cả ngày không thấy ngồi thiền hay tụng kinh, mà sự
tu hành của Thiền sư rất cẩn mật. Thấy từng tâm niệm của chính mình suốt
mười hai giờ, làm sao bảo lơi lỏng được. Chỗ này chỉ người trong cảnh biết
được thôi.
b. Ứng dụng giác ngộ tri hữu để tu:
Tri hữu là biết mình có tánh giác. Tánh giác tức là ông chủ thật của mình.
Quên tánh giác là đã mất ông chủ, chính là mất mình. Sống mà mất mình hay
không biết mình sống, không phải vô minh là gì? Đối trị cái vô minh (mê)
này, Thiền sư hằng nhớ ông chủ của mình. Lối nhớ ông chủ bằng cách sáu căn
tiếp xúc với sáu trần mà không chạy theo sáu trần, hằng sống với sáu đường
hào quang sẵn có của mình. Cho nên nói: "Thấy sắc không dính sắc, nghe
tiếng không kẹt tiếng". Bởi thường sống với ông chủ của mình, nên ngoài
không bị năm trần quyến rũ, trong không bị pháp trần cuốn lôi. Đó là chỗ
"Tâm như nên cảnh như". Chính chỗ này ông Bàng Long Uẩn có kệ:
Đản tự vô tâm ư vạn vật
Hà phòng vạn vật thường vi nhiễu
Thiết ngưu bất phạ sư tử hống
Kháp tợ mộc nhân khán họa điểu
Mộc nhân bản thể tự vô tình
Họa điểu phùng nhân diệc bất kinh
Tâm cảnh như như chỉ giá thị
Hà lự bồ-đề đạo bất thành.
Chỉ tự vô tâm cùng vạn vật
Ngại gì vạn vật thường vi nhiễu
Trâu sắt chẳng sợ sư tử rống
Giống như người gỗ xem chim vẽ
Người gỗ bản thể tự vô tình
Chim vẽ gặp người cũng chẳng kinh
Tâm cảnh như như chỉ thế ấy
Nào sợ bồ-đề đạo chẳng thành.
Ông chủ là mình, làm sao mình nhớ? Nghĩa là chúng ta mắt thấy sắc biết
mình có tánh thấy, tai nghe tiếng biết mình có tánh nghe, mũi ngửi mùi
biết mình có tánh ngửi., cái gì chạm đến đều biết có mình, ông chủ đang
tiếp xúc với sáu trần ấy. Hằng nhớ ông chủ như vậy thì đâu có chạy theo
sáu trần. Ông chủ khi tiếp xúc với sáu trần tuy thường biết mà không có
vọng phân biệt. Thường biết rõ ràng mà lặng lẽ nên gọi là Như. Thường nhớ
ông chủ gọi là "Niệm chân như", hoặc nói "Nhất niệm vạn niên", hoặc nói
"Bất ly đương niệm". Chỉ một niệm hiện tiền mà không rơi vào phân biệt.
Song chúng ta dễ lầm chữ NIỆM. Ở trên nói niệm khởi hay vọng niệm, chữ
niệm này là tâm vọng động vừa dấy lên. Ở đây nói niệm chân như, chữ niệm
này là nhớ, hằng nhớ sống với tâm chân như, gọi là niệm chân như hay nhớ
ông chủ. Cũng đồng một chữ niệm mà nghĩa dùng khác nhau. Một hình ảnh linh
động nhất về lối tu này, như : Thiền sư Sư Nhan mỗi ngày thường ngồi trên
tảng đá, lâu lâu tự gọi: "Ông chủ", tự đáp: "Dạ", tự nhắc: "Tỉnh, tỉnh,
chớ để người lừa".
Vừa quên ông chủ là bị trần cảnh bên ngoài và pháp trần bên trong lôi đi,
tức bị người lừa. Phải hằng tỉnh, hằng giác mới khỏi bị người lừa. Hằng
sống với ông chủ đến khi thuần thục rồi, đạo bồ-đề hiện tiền còn gì lo
ngại.
Lại nữa, đối cảnh tâm không chạy theo cảnh, niệm dấy lên không theo niệm,
hằng liễu tri mà lặng lẽ là sống với ông chủ. Ông chủ là cái hằng liễu tri
nơi toàn thân, không bị cảnh dẫn thì ông chủ ngồi sờ sờ trong nhà, khỏi
cần kiếm tìm, tưởng nhớ chi cả. Sống được như vậy, thì đi đứng nằm ngồi gì
cũng thiền, nên nói: "Hái củi, lặt rau, thổi cơm, gánh nước đều là thiền".
Tóm lại, hai phần "đốn ngộ tiệm tu" trên, tuy nói tu mà không có tu. Vì lẽ
tu là sửa sang bồi bổ, tánh giác không tướng mạo làm sao sửa sang? Hơn nữa
tánh giác chẳng sanh chẳng diệt, nếu còn có tu là còn tạo tác, tức là còn
sanh diệt. Đã không tu thì làm gì có chứng. Khi người tu hoàn toàn sống
được với tâm thể như như, gọi là chứng đạo hay thành đạo. Song sự thật có
chứng cái gì, có thành cái gì? Chẳng qua sống viên mãn với tâm thể của
mình thôi. Tuy nhiên như thế, nói không tu mà tu. Vì khéo biết buông xả
vọng niệm, hằng giác tỉnh luôn nên gọi là tu. Hoặc thường nhớ ông chủ của
mình, không giây phút nào để vọng tâm ngoại cảnh lừa gạt lôi đi gọi là tu.
Nói không chứng mà chứng. Vì tánh giác đã sẵn có nơi chúng ta, mà cả muôn
đời bỏ quên mất, nay nhận ra và sống toàn vẹn với nó gọi là chứng. Ví như
chúng ta có hòn ngọc quí, chôn cất nơi nào quên mất, bỗng có người chỉ,
sực nhớ lại, đào xới lên, lấy được hòn ngọc cầm trong tay, gọi là được.
Đấy sự tu chứng của tinh thần Thiền tông là như thế. Nói có tu cũng được,
nói không tu cũng được, nói có chứng không chứng cũng phải. Bởi nó chỉ là
phương tiện tạm thời, không có thật pháp để tu để chứng. Ví như các pháp
môn khác, như Tịnh độ thì dùng câu niệm Phật làm pháp tu, Mật tông thì
dùng câu thần chú làm pháp tu, thiền Tiểu thừa thì dùng đề mục làm pháp
tu. Chỉ riêng Thiền tông không mượn một pháp nào cả, khéo biết buông xả
vọng niệm, hằng tỉnh giác không quên là đủ. Đây là đi đường chim (điểu
đạo), thẳng tắt không nương phương tiện, nên nói "Chỉ thẳng tâm người,
thấy tánh thành Phật".
2. TIỆM TU ĐỐN NGỘ:
Đúng tinh thần Thiền tông, phải trước kiến tánh sau mới khởi tu, song với
người tha thiết tu hành mà chưa kiến tánh thì sao? Chư Tổ sau này vì
thương người có chí tu mà chưa kiến tánh, nên lập ra những phương tiện
sau:
a. Tọa thiền khán công án hay thoại đầu:
Đây là lối tu do các Thiền sư dòng Lâm Tế đời Tống lập ra. Khán công án
hay khán thoại đầu, lối dụng công cũng như nhau, chỉ khác ở điểm công án
là một câu của người xưa để lại, thoại đầu tùy thời biến chế. Phương pháp
tu này gọi là "lấy độc trừ độc". Vì có một nghi vấn đặt trong đầu thì mọi
vọng tưởng đều lặng mất. Cho nên người khán công án hay thoại đầu phải tin
tưởng tuyệt đối vị thầy mình đến thọ giáo. Ông dạy một câu như : "Trước
khi cha mẹ chưa sanh, mình là gì?" v.v. liền phải sống chết với câu ấy,
cho đến ngày ngộ đạo mới thôi. Khi khán thoại đầu, nên đề khởi câu thoại
đầu lên, sau chữ "gì?" có một sức mạnh nghi kéo dài im lặng, khi sức nghi
yếu dần, liền đề khởi nữa, cứ thế mãi. Câu nói đặt thành nghi vấn là
thoại, cái nghi kéo dài im lặng là đầu. Hay nói khác hơn, trước khi chưa
đặt nghi vấn là đầu, nghi vấn dấy lên là thoại. Chủ yếu dùng cái nghi đập
chết mọi vọng tưởng. Khi cái nghi đã thành khối, khỏi cần đề khởi mà lúc
nào cũng nghi, gọi là "nghi tình". Một khi cái nghi tan vỡ ra là ngộ đạo.
Thế nên nói "đa nghi đa ngộ". Song tu khán thoại đầu phải gan dạ, chết
sống với câu mình nhận nơi Thầy, cho đến ngộ đạo, không được học kinh sách
hay lý luận gì cả. Tu khán thoại đầu, khi tọa thiền khán thoại đầu, lúc ra
ngoài hoặc làm công tác cũng vẫn khán thoại đầu, không đổi thay pháp nào
khác.
b. Tọa thiền biết vọng:
Thiền giả nên ứng dụng phần giác ngộ hạ ở trên để tu. Khi tọa thiền đúng
pháp rồi, thiền giả để tâm vắng lặng, vừa có vọng tưởng dấy lên liền "biết
vọng không theo". Nếu vọng tưởng quá mạnh, biết vọng mà vẫn còn lôi đi,
thiền giả nên thấy vọng ấy vốn không, nói quả quyết rằng: "Mày là không".
Nếu dùng chữ không mà trị chưa nổi, thiền giả phải quở mắng nó, bảo: "Vì
mày nên nhiều đời phải chịu luân hồi, giờ đây mày muốn xuống địa ngục hay
sao?" Đó là lối mục đồng dùng roi để trị con trâu ngỗ nghịch. Hoặc hành
giả phản quán lại xem cái vọng này từ đâu mà khởi. Phăng tìm nguồn gốc đến
chỗ tột cùng, chúng liền mất tăm dạng, thế là an tâm.
Biết vọng không theo là lối tu nhẹ nhàng thanh thản, song phải có chí lắm
mới khỏi chán. Bởi vì vọng tưởng quá nhiều, không theo cái này, cái khác
lại nổi lên, cứ thế mãi khó tìm được phút giây yên tĩnh. Phải bền chí,
đừng nản, biết vọng mãi rồi vọng sẽ thưa dần. Không theo vọng tưởng là
chúng ta phá cái chấp ngã về tâm, đến khi vọng tưởng yếu thế sẽ có cơ kiến
tánh giải ngộ. Ngoài giờ tọa thiền ra, thiền giả thường quán chiếu thân tứ
đại này do duyên hợp hư giả, không thật, bất cứ đòi hỏi, cố chấp gì về
thân đều quở trách: "Thân đã giả, còn muốn cái gì? Cầu cái gì?" Những suy
tư nghĩ tưởng dấy lên cũng biết giả không theo. Nếu có làm việc thì chỉ
biết việc ấy, không cho vọng tưởng dẫn đi nơi khác. Lặng lẽ chăm chỉ trong
việc làm, không để chú vọng bén mảng đến trong đầu. Cứ thế hằng tu trong
việc làm, hằng tu lúc rảnh rỗi, hằng tu khi tọa thiền. Không theo vọng
tưởng là phá ngã chấp về tâm, biết thân duyên hợp hư giả là phá ngã chấp
về thân. Đây là bước giác ngộ vô ngã của người tu Phật theo tinh thần
Bát-nhã. Lối tu thiền này càng xem kinh học đạo là càng sáng thêm, chớ
không trở ngại. Nhờ kinh làm sáng cho thiền, do thiền làm tỏ rạng được
kinh.
c. Đối chiếu hai pháp tu:
Hai pháp tu "biết vọng" và "khán thoại đầu" đều gọi là "tiệm tu đốn ngộ".
Dùng cái biết vọng hay câu thoại đầu để đập chết con khỉ ý thức. Khi con
khỉ ý thức thật chết, liền ngộ đạo, nên nói "Sau khi chết liền tỉnh"
(tuyệt hậu tái tô). Người tu đừng sợ hay quên và khờ dại, vì cố bỏ cố quên
mà không quên không dại sao được? Tu thoại đầu có sức mạnh, song phải
buông hết mọi học tập, mọi suy luận. Tu biết vọng thì nhẹ nhàng lại phù
hợp với kinh điển, càng nghe kinh càng tin thêm pháp tu. Tu thoại đầu phải
ngộ đạo mới sáng, ở giữa chừng coi như chết nơi khờ dại. Tu biết vọng thì
tu một giờ sáng một giờ, càng tu thì trí tuệ càng tăng, cho đến khi phá
tan cái chấp ngã. Tu thoại đầu phải có bậc thầy đạt đạo trong pháp tu này
dẫn dắt, mới đến nơi đến chốn. Tu biết vọng nương nơi kinh, chúng ta thấy
rõ đường lối tu, có khi nhân nghe kinh liền được kiến tánh. Bởi những lý
do trên, chủ trương chúng tôi dạy Tăng Ni và Phật tử sơ cơ tu thiền bằng
lối "biết vọng", đồng thời giảng Kinh, Luận cho họ nghe, mong họ nhận ra
bản tánh, để tiến lên "kiến tánh khởi tu" ở trên. Giả sử thiền giả chưa
được kiến tánh, cứ như thế mà tu vẫn dũa mòn ngã chấp, trí tuệ Bát-nhã từ
từ phát hiện.
3. PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN:
Cả bốn lối tu trên đều cần tọa thiền, đành rằng hằng tu trong bốn oai nghi
(đi đứng nằm ngồi) song tọa thiền là phương tiện thù thắng hơn cả. Chính
đức Thích-ca Mâu-ni sau khi thành đạo Ngài vẫn tọa thiền. Có vị tăng hỏi:
"Phật thành đạo rồi, ngồi thiền chi nữa?" Phật bảo: "Ta ngồi thiền để điều
hòa thân thể và răn nhắc đệ tử sau này không lười trễ tọa thiền." Vì thế
chúng ta phải cố gắng tập tọa thiền. Tọa thiền có chia mấy phần dưới đây:
a. Trước khi tọa thiền:
Hành giả khéo tập đi đứng nằm ngồi đều nhẹ nhàng thư thả, buông xả không
để tâm bực tức buồn rầu. Muốn tọa thiền phải sắm phương tiện ngồi, một cái
"bồ đoàn" đặt trên một tấm nệm mỏng sáu tấc vuông. Nếu không có tấm nệm,
trải mền hai ba lớp cũng được. Bồ đoàn may bằng vải, trong dồn gòn đừng
cứng lắm, bề cao một tấc, bề kính hai tấc tây, hình tròn. Nếu không có bồ
đoàn nên lấy mền xếp làm tư, khi ngồi chỉ để phân nửa bàn tọa lên mền cho
có thế ngả về trước một chút, xương sống dễ thẳng. Ngồi phải lựa chỗ ít
gió mà không nực lắm. Nếu ban đêm ngồi trong mùng chớ để đèn sáng lắm,
cũng đừng tối mò, sáng vừa vừa là tốt.
b. Trong khi tọa thiền:
Đến giờ tọa thiền, trải nệm lót bồ đoàn xong, ngồi lên bồ đoàn, xương cùng
đúng giữa bồ đoàn, nghiêng qua nghiêng lại cho an ổn mới kéo chân ngồi.
Nếu ngồi bán già, kéo chân trái để lên đùi mặt, hoặc chân mặt để lên đùi
trái cũng được, tùy sự thuận tiện của hành giả. Hai thế ngồi ấy, một là
kiết tường hai là hàng ma. Nếu ngồi kiết già, chân trái kéo để lên đùi
mặt, chân mặt kéo để lên đùi trái, kéo sát vào thân. Kế nới rộng dây lưng,
cổ áo, sửa thân ngay thẳng. Lấy bàn tay trái để lên bàn tay mặt, hoặc
ngược lại cũng được. Hai bàn tay để trên hai lòng bàn chân, những ngón tay
chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái vừa đụng nhau, nằm ngay chiều cái
rún. Nếu lòng bàn chân bên nào trũng quá, nên lấy khăn xếp lại chêm cho
hai tay ngang bằng nhau. Chuyển động thân ba lần, ban đầu rất mạnh, sau
yếu dần. Ngồi lưng thẳng vừa phải, đừng cố gắng, đầu hơi cúi, chiều chót
mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tai ngang bả vai, mắt mở một phần ba,
gương mặt bình thản, ngồi yên. Dùng miệng thở hơi ô trược ra, khi thở há
miệng cho hơi ra, đừng mạnh cũng đừng gấp, thở thật dài và sạch, hơi ra
tưởng như tất cả phiền não bệnh hoạn theo hơi thở ra ngoài hết. Ngậm miệng
lại dùng mũi hít hơi vào, dài nhẹ và thật đầy, hơi vô tưởng không khí
trong sạch vào khắp châu thân. Như thế ba lần. Thở xong, ngậm miệng lại,
môi và răng vừa kề nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng
mũi đều đều nhẹ nhẹ mà dài. Thân ngồi ngay thẳng như cột trụ, dù có ngứa
ngáy cũng không cựa động, nhức mỏi cũng gan dạ chịu đựng đúng giờ mới xả.
Vọng tưởng dừng là định, đừng đòi hỏi cái định nào khác. Ứng dụng đúng câu
Thiền sư Huyền Giác nói: "Tỉnh tỉnh lặng lặng là phải, tỉnh tỉnh vọng
tưởng là sai; lặng lặng tỉnh tỉnh là phải, lặng lặng hôn trầm là sai". Đây
là phương pháp nhập thiền.
Đến trụ thiền, tùy trình độ ứng dụng một trong bốn pháp trên để trị tâm.
Nếu người sơ cơ nên dùng lối biết vọng để tu. Khi ấy, thở ra vào an ổn đôi
ba phút, buông hơi thở để tâm an tịnh, vừa có vọng khởi liền biết vọng
không theo, vọng lặng thì tâm lặng, vọng dấy liền biết vọng. Cứ thế mãi
cho đến vọng thưa dần và im bặt. Nếu mơ màng ngủ gục, cần mở mắt sáng ra,
chấn chỉnh thân nghiêm trang lại, ma ngủ vẫn hoành hành nên trụ tâm tại mé
tóc nhọn trên trán, ma ngủ vẫn trầm trọng, nên xả thiền đi kinh hành. Nếu
vọng tưởng quá mạnh, nên trụ tâm tại chót mũi hay giữa rún. Song chỉ tạm
thời cho qua cơn mãnh liệt của chúng thôi. Vọng tưởng bình thường nên giữ
biết vọng không theo, chẳng cần làm gì khác. Như thế ngồi được bao lâu tùy
sức tu tập của hành giả. Trong lúc ngồi nghe ngực nặng, tim hơi nhói là
ngồi thẳng quá, phải rùn xuống một chút, nghe nhức xương sống gần lưng
quần, biết ngồi cong rồi, phải thẳng lên. Khéo léo đừng để thành bệnh.
Khi xuất thiền, trước đọc bài nguyện hồi hướng, kế dùng miệng thở ra, mũi
hít vào ba lần như khi mới vào, động hai bả vai lên xuống năm lần, động
cái đầu cúi ngước năm lần, và nghiêng sang phải sang trái năm lần. Động
hai bàn tay nắm lại duỗi ra năm lần, dời hai bàn tay ra đầu gối, chuyển
động toàn thân ba lần, từ nhẹ ra mạnh. Xoa bóp toàn thân từ đầu đến chân,
chỗ nào bất an càng bóp nhiều, xoa hai tay ấm áp vào mắt ba lần. Cần nhớ
mỗi mỗi hành động đều nhẹ nhàng êm ái, đừng thô ồn. Dời thân khỏi bồ đoàn,
ngồi thường yên tịnh khoảng năm phút, sẽ đứng dậy đi.
c. Sau khi tọa thiền:
Nếu hoàn cảnh thuận tiện, hành giả sau khi xả thiền, ra sân hoặc hành lang
nhà đi kinh hành thẳng chân độ muời phút. Bước thẳng chân mà chẳng động,
tâm vẫn biết vọng không theo. Bắt tay vào việc làm nào đều chỉ biết trong
việc làm ấy, có vọng tưởng kéo đi, buông chúng không theo. Đó là biết tu
sau khi xả thiền.
d. Trong khi tọa thiền thấy cảnh lạ:
Hành giả trong khi tọa thiền thường có tướng lạ phát hiện, nghe thân nặng
nề như có vật gì đè lên, thân nhẹ nhàng muốn bay bổng, có những con li ti
bò ngứa trên mặt, luồng điện từ xương sống chạy lên, có vật gì xúc chạm
rợn người, thân muốn lay động, đầu lắc lơ, thấy phía trước có ánh sáng,
nghe như có người nói bên lỗ tai., tất cả những tướng ấy đều không nên
chấp nhận hay sợ hãi. Phải quán nó là hư giả, vẫn giữ thân làm chủ không
cho nó xâm phạm. Cho đến dù thấy ma hay thấy Phật cũng không mừng không
sợ, vì biết đều là tướng hư giả nên không chấp nhận. Nhà thiền nói "gặp ma
giết ma, gặp Phật giết Phật" là thế. Vui mừng và sợ hãi là nhân của điên
cuồng. Kinh Lăng Nghiêm nói về ngũ ấm ma, mỗi đoạn kết thúc Phật dạy: "Nếu
cho mình chứng thánh tức rơi vào bọn tà, không nghĩ chứng thánh là cảnh
giới tốt" (Nhược tác thánh giải tức thọ quần tà, bất khởi thánh tâm tức
thiện cảnh giới). Cảnh tà hay tốt đều tại tâm mình chấp mà ra. Đừng quan
tâm đến ngoại cảnh, chủ yếu an tâm là đúng. Dù có cảnh dữ hiện ra vẫn là
tướng biến hóa không thật, cái không thật làm gì hại được mình mà sợ.
Trong khi ngồi thiền thấy cảnh lạ, phần lớn là mơ, cần phải mở mắt tỉnh
táo nhìn chúng, nếu nhìn mà chúng không mất thì nhắm mắt lại tưởng năm uẩn
này là không, tướng kia cũng không thì khỏi sợ sệt.
e. Lợi ích tọa thiền:
Tọa thiền là một lối tu căn bản của đạo giác ngộ, đức Thích-ca ngày xưa
cũng do tọa thiền được ngộ đạo, Giới Định Tuệ là ba cửa giải thoát của đạo
Phật. Tọa thiền đúng pháp sẽ đem lại cho thân chúng ta sự điều hòa khỏe
mạnh, da dẻ tươi tốt, ít sanh bệnh hoạn. Khi nghe uể oải trong người sắp
bị cảm, chúng ta ngồi thiền độ một tiếng đồng hồ là tan ngay. Nếu cảm gió
hơi nặng, cần ngồi đôi ba lần mới hết. Vì ngồi thiền hơi nóng xông ra, mọi
thứ khí lạnh đều bị tan nên hết cảm. Về phần tâm tán loạn, tọa thiền đuổi
chúng nhanh hơn bình thường. Song có nhiều vị thấy lúc ngồi thiền loạn
nhiều hơn ở ngoài, chẳng qua lúc ở ngoài cảnh động nên ít thấy tâm mình
động, khi tọa thiền cảnh đã vắng nên dễ thấy tâm động. Tâm động mà xả hết
không theo, dần dần tịnh lại, đây là hiệu quả của tọa thiền. Bởi tọa thiền
thiết yếu nên tăng sĩ ít ai không tập tọa thiền. Chúng ta nghe Thiền sư
Thiện Chiêu ở Phần Dương nói kệ:
Bế hộ sơ dung tẩu
Vi tăng nhạo tọa thiền
Nhất tâm vô tạp niệm
Vạn hạnh tự thông huyền
Nguyệt ấn thu giang tĩnh
Đăng minh thảo xá tiên
Kỷ nhân năng đáo thử
Đáo thử kỷ năng chân.
Đóng cửa dáng gầy nhác
Làm tăng thích tọa thiền
Nhất tâm không niệm tạp
Muôn hạnh tự thông huyền
Trăng in dòng thu lặng
Đèn sáng nhà cỏ tươi
Mấy người hay đến đó
Đến đó mấy kẻ chân.
Tóm lại, phương pháp tọa thiền tuy đã chỉ qua mấy trang giấy này, song quí
nhất là hành giả trực tiếp với những vị có thật tu thiền để được chỉ rõ
cách tọa thiền và sửa cho những chỗ sai, kết quả sẽ tốt hơn.
C. HIỆU DỤNG
Ứng dụng lối tu thiền của Thiền tông một cách đúng đắn, đạt hiệu quả không
thể kể hết. Vì đây là lối tu siêu thoát tộ? đỉnh, thẳng tắt vô cùng. Nếu
ứng dụng được viên mãn thì một đời giải thoát sanh tử, từ phàm phu tiến
thẳng lên Phật quả, như nói: "Mê là chúng sanh, ngộ là Phật". Bằng ứng
dụng được phần nào thì đã vào hàng Bồ-tát, tuy chưa thoát khỏi sanh tử,
song đi trong sanh tử coi như dạo hoa viên. Thiền sư Từ Minh nói: "Sanh
như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ". Dưới con mắt các Thiền sư, thật cuộc
đời là mộng huyễn không hoa, không có gì là chướng ngại. Công dụng hữu
hiệu tạm chia làm hai phần:
1. Tánh giác là hòn ngọc như ý:
Tất cả nhân loại không quí gì bằng sanh mạng, sanh mạng được coi trọng
nhất trên nhân gian này. Bởi vì tất cả của cải sự nghiệp, danh vọng tài
sắc. đều để tô điểm cho sanh mạng. Mất sanh mạng tất cả cái ấy trở thành
vô nghĩa. Song sanh mạng con người thời nay, nếu kéo dài lắm chỉ trong
vòng bảy tám mươi năm. Cái đau khổ nhất của con người là khi nghe mình sắp
mất sanh mạng. Vì thế bất cứ sự cầu khẩn, van xin, quỵ lụy, lạy lục nào
miễn là được kéo dài thêm sanh mạng thì họ sẵn sàng làm. Nhưng cuối cùng
con người đành phải trói tay cúi đầu dưới nhát kiếm của con quỷ vô thường.
Thật là mối đau khổ truyền kiếp không ai thoát được. Nếu có một phương
pháp nào khiến con người thoát được cái chết thì trên nhân gian này còn gì
quí bằng! Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu quí vị phương thuốc hy hữu duy
nhất trên đời, nếu quí vị uống nó vào thì "bất tử", chính là tánh giác của
quí vị đấy. Người giác ngộ tánh giác là nhận ra được cái "bất tử". Vì thế
tánh giác này được Phật dụ là hòn ngọc như ý. Được hòn ngọc này rồi, con
người dứt sạch mọi đau khổ, mọi mong cầu đều toại nguyện. Nhưng rất tiếc,
hòn ngọc quí để bên gói bánh kẹo, với đứa bé lên năm bao giờ cũng quí gói
bánh kẹo, xem thường hòn ngọc. Cũng thế, tánh giác thường hằng, đơn giản,
hiện hữu nơi chúng ta, mà bị chúng ta lãng quên. Chúng ta cứ say mê theo
cái tưởng tượng, cái nhớ nhung, cái suy tư, cái tính toán, cái so sánh.
quên bẵng tánh giác. Nếu có người chỉ thẳng tánh giác ấy cho thấy, cũng
vẫn xem thường. Vì thương đứa bé, muốn nó nhận hòn ngọc để sau này no ấm
đời đời, người trí phải nói với nó: "Hòn ngọc này sẽ làm ra nhiều bánh
kẹo, có nó thì muốn bánh kẹo lúc nào cũng có, chẳng những bánh kẹo mà mọi
đồ chơi cũng đầy đủ nữa". Do thích bánh kẹo, ham đồ chơi, đứa bé nhận hòn
ngọc. Cũng vậy, đức Phật diễn tả trong kinh nào là tam thân, tứ trí, ngũ
nhãn, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng v.v. và v.v., đều đầy đủ
nếu người nào ngộ được tánh giác. Vì thích thần thông tự tại biến hóa vô
cùng, chúng ta phát tâm bồ-đề hướng về tánh giác. Hoặc vì tánh hiếu kỳ, ưa
tưởng tượng quái dị, những người này không thích cái gì đơn giản bình dị,
muốn chỉ tánh giác thực hữu mà giản đơn cho họ, không sao tránh khỏi họ sẽ
xem thường. Buộc lòng đức Phật phải nói một cách khó khăn, quá sức tưởng
tượng của họ, có thế họ mới quí trọng kính nể và tìm tòi tu tập.
Thật sự tánh giác lồng sẵn nơi con người xác thịt của chúng ta, nó hiển
bày từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta, song nó không phải mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Vì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là phần vật chất do
tứ đại hòa hợp mà thành; tứ đại thể nó vô tri nên không phải tánh giác. Y
Ù là cái tâm vọng tưởng quấy động bám vào bóng dáng của trần cảnh, biến
động sanh diệt, chợt có chợt không, chẳng phải tánh giác. Bởi vì tánh giác
là liễu tri thường hằng, không tướng mạo, không sanh diệt. Cho nên năm căn
tiếp xúc với năm trần, liễu tri mà không so sánh phân biệt, đó là hiện
tướng của tánh giác. Nhẫn đến khi không có năm trần, tánh giác cũng hằng
hiển bày như vậy. Bên trong ý thức dấy động hay dừng nghỉ, biết rõ mọi
động tác của ý là tánh giác. Nếu không tánh giác, cái gì biết ý thức có
động hay không động? Vì tánh giác không động, không tướng mạo nên không
sanh diệt. Sống được với tánh giác là đi vào bất tử (vô sanh), sống với
vọng tưởng là đi vào sanh tử. Bất tử là Niết-bàn giải thoát, sanh tử là
luân hồi đau khổ. Vọng tưởng là cái động của tánh giác, vọng tưởng lặng
xuống là tánh giác tròn đầy. Chúng tôi mượn bài kệ của Thiền sư Thanh Hồng
để kết thúc đoạn này:
Chân không trạm tịch duy thường tại
Bất giác lương điền vọng sở mông
Chân tánh hà tằng ly vọng hữu
Hoa khai hoa lạc tự xuân phong.
Chân không lặng lẽ thường còn mãi
Chẳng biết lương điền vọng che lồng
Chân tánh đâu từng lìa vọng có
Hoa khai hoa rụng tự gió xuân.
2. Tự tại khi chết:
Người tu thiền cốt yếu được sanh tử tự tại, khi sống cũng như khi chết
mình hoàn toàn làm chủ. Muốn làm chủ khi chết, chính lúc còn sống này mình
phải làm chủ cả thể xác lẫn tâm hồn. Như Thiền sư Đạo Giai nói: "Muốn biết
khi chết được tự tại (hay) không tự tại, chỉ xem hiện tiền tự do (hay)
chẳng tự do". Tự do đây có nghĩa là mình làm chủ mình hoàn toàn, không
phải tự do đối với xã hội. Đối với danh vọng tài sắc. không quấy nhiễu
được ta, đối với khổ vui sống chết. không phiền lụy đến ta, ta sống trong
cuộc đời phồn tạp mà vẫn không vướng bận, như cây bá hiên ngang đứng sừng
sững giữa trời. Trong khi sống tự tại như vậy, đến lúc chết làm gì chẳng
tự do. Tại sao được như vậy? Bởi vì chúng ta đã thấy rõ cái không sanh tử
ở trong cái sanh tử, có cái chân thật nằm trong cái giả dối. Các Thiền sư
vì sống với cái chân thật nên không màng đến cái giả dối, sống với cái
không sanh tử nên làm chủ được cái sanh tử. Chúng ta hãy xem cái chết của
Thiền sư:
Trước khi sắp tịch, Thiền sư Đặng Ẩn Phong hỏi chúng: "Tôi thường thấy các
vị tiền bối khi tịch hoặc ngồi, hoặc nằm, có vị nào đứng tịch chăng?"
Chúng thưa: "Có." Sư hỏi: "Có vị nào lộn ngược tịch chăng?" Chúng thưa:
"Chưa từng thấy." Sư bèn lộn ngược mà tịch, nhưng y phục vẫn nguyên vẹn
như đứng. (Đặng Ẩn Phong là đệ tử Mã Tổ).
Vua Đường Mục Tông sai Lưỡng Nhai Tăng Lục là Linh Phụ đến thỉnh Thiền sư
Vô Nghiệp về triều. Linh Phụ đến làm lễ thưa: "Hoàng Thượng ân chỉ phen
này chẳng giống lúc thường, xin Hòa thượng hãy thuận thiên tâm, không nên
nói bệnh." Sư cười chúm chím nói: "Bần đạo có đức gì làm phiền thế chủ.
Mời các Ngài đi trước, tôi sẽ đi đường riêng." Sư bèn tắm gội, đến giữa
đêm bảo đệ tử Huệ Âm v.v. : "Các ngươi! Tánh thấy nghe hiểu biết cùng hư
không đồng tuổi, chẳng sanh, chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không
lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi
lăn không cùng." Nói xong Sư ngồi yên thị tịch. (Cũng là đệ tử Mã Tổ).
Ông Bàng Long Uẩn sắp tịch, bảo con gái là Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng
ngọ vô cho ông hay. Linh Chiếu ra xem, vào thưa: "Mặt trời đã đúng ngọ mà
có nguyệt thực." Ông ra cửa xem. Linh chiếu lên tòa của ông, ngồi kiết già
chấp tay thị tịch. Ông vào xem thấy cười, nói: "Con gái ta lanh lợi quá!"
Ông bèn chậm lại bảy ngày sau. Đến ngày thứ bảy Châu Mục Vu Công đến thăm,
ông bảo: "Chỉ mong các cái có đều không, dè dặt các cái không đều thật,
khéo ở thế gian đều như bóng vang." Nói xong ông nằm gác đầu trên đầu gối
Vu Công mà tịch.
Thiền sư Lương Giới Động Sơn cạo tóc tắm gội xong, đắp y bảo chúng đánh
chuông, giã từ chúng ngồi yên mà tịch. Đại chúng khóc lóc mãi không dứt.
Sư mở mắt bảo: "Người xuất gia tâm chẳng dính mắc nơi vật là tu hành chân
chánh. Sống nhọc thích chết, thương xót có lợi ích gì?" Sư bảo chủ sự sắm
trai ngu si để cúng dường. Chúng vẫn quyến luyến quá, kéo dài đến ngày thứ
bảy. Khi thọ trai Sư cũng theo chúng thọ. Thọ trai xong, Sư bảo chúng:
"Tăng già vô sự, sắp đến giờ ta ra đi, chớ làm ồn náo". Sư vào trượng thất
ngồi yên mà tịch. (Sư là đệ tử Vân Nham).
Chỉ Y Đạo Giả đến tham vấn Tào Sơn Bổn Tịch. Tào Sơn hỏi: "Đâu chẳng phải
Chỉ Y Đạo Giả ư?" Đạo Giả thưa: "Chả dám." Tào Sơn hỏi: "Thế nào là việc
của Chỉ Y?" Đạo Giả thưa: "Chiếc áo cừu vừa khoác ngoài thân, muôn pháp
thảy đều như." Tào Sơn hỏi: "Thế nào là dụng của Chỉ Y?" Đạo Giả lại gần:
"Dạ!" Liền đứng tịch. Tào Sơn bảo: "Ngươi chỉ giỏi đi thế ấy, sao chẳng
giỏi đến thế ấy?" Đạo Giả mở mắt hỏi: "Một chân tánh linh khi chẳng nương
bào thai thì thế nào?" Tào Sơn bảo: "Chưa phải diệu." Đạo Giả hỏi: "Thế
nào là diệu?" Tào Sơn bảo: "Chẳng mượn! Mượn!" Đạo Giả trân trọng liền
tịch. (Đệ tử Động Sơn).
Một hôm Phổ
Hóa ở trong chợ đến mọi người xin chiếc áo dài, mọi người đều cho, Phổ Hóa
đều chẳng nhận. Lâm Tế dạy Viện Chủ mua chiếc quan tài, Phổ Hóa về đến,
Lâm Tế bảo: "Tôi đã vì ông sắm chiếc áo dài rồi!" Phổ Hóa liền tự vác đi.
Phổ Hóa đi quanh phố chợ rao: "Lâm Tế cho tôi chiếc áo dài rồi, tôi sang
cửa Đông tịch." Người trong chợ đua nhau đến xem. Phổ Hóa bảo: "Tôi ngày
nay chưa tịch, ngày mai sang cửa Nam mới tịch." Như thế đến ba ngày, mọi
người đều chẳng tin. Đến ngày thứ tư không ai theo xem, một mình Phổ Hóa
tự chun vào quan tài, nhờ người đi đường đậy nắp lại. Tin truyền đi, mọi
người trong chợ đua nhau đến giở quan tài xem, không thấy thi hài Phổ Hóa
đâu, chỉ nghe trong hư không tiếng mõ xa dần, xa dần rồi mất. (Đệ tử Bàn
Sơn)
* Thiền sư Thiện Chiêu bị Y Lý Hầu ba phen thỉnh trụ trì chùa Thừa Thiên
mà Sư không đi. Sứ giả bị phạt. Y Lý Hầu lại sai sứ đi phen nữa. Sứ giả
đến thưa: "Quyết thỉnh thầy đồng đi, nếu thầy không đi tôi liều chết mà
thôi." Sư cười bảo: "Bởi nghiệp già bệnh không thể xuống núi, giả sử đi có
trước có sau, tại sao quyết đồng?" Sứ giả thưa: "Thầy chịu đi thì trước
sau tùy lựa chọn." Bảo chúng sửa soạn hành lý xong, Sư gọi chúng lại nói:
"Lão tăng đi, có người nào theo được?" Có vị Tăng ra thưa: "Con theo
được." Sư hỏi: "Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?" Tăng thưa: "Năm
mươi dặm." Sư bảo: "Ngươi theo ta chẳng được." Lại có vị Tăng ra thưa:
"Con theo được." Sư hỏi: "Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?" Tăng
thưa: "Bảy mươi dặm." Sư bảo: "Ngươi theo ta cũng chẳng được." Thị giả ra
thưa: "Con theo được, Hòa thượng đến đâu thì con đến đó." Sư bảo: "Ngươi
theo lão tăng được." Nói xong, Sư bảo thị giả: "Ta đi trước nghe!" Sư dừng
lại rồi tịch. Thị giả đứng khoanh tay tịch theo. (Sư là đệ tử Thiền sư
Tỉnh Niệm dòng Lâm Tế).
Tạm dẫn bấy nhiêu cũng khá rườm lắm rồi, chúng tôi làm sao kể hết sự ra đi
tự tại của các Ngài. Tuy nhiên đối với các Thiền sư có những cái kỳ đặc,
song đấy chẳng phải quan trọng, vì đều là diệu dụng. Cái quan trọng nhất
trong nhà Thiền là sống được tánh giác của mình, nó mới là bản thể. Bản
thể là cái gốc, diệu dụng là cái ngọn. Chỉ lo không bám được gốc, đừng sợ
mất ngọn. Khi sống được với thể giác rồi thì mỗi hành động nào cũng là
thần thông diệu dụng cả. Ông Bàng Long Uẩn nói kệ:
Nhật dụng vô biệt sự
Duy ngô tự ngẫu hài
Đầu đầu phi thủ xả
Xứ xứ vật trương quai
Châu tử thùy vi hiệu
Khưu sơn tuyệt điểm ai
Thần thông tịnh diệu dụng
Vận thủy cập ban sài.
Hằng ngày không việc khác
Chỉ tôi tự biết hay
Vật vật chẳng lấy bỏ
Chỗ chỗ nào trái bày
Đỏ tía gì làm hiệu
Núi gò bặt trần ai
Thần thông cùng diệu dụng
Gánh nước bửa củi tài.
Thần thông ở đây là gánh nước bửa củi, vì mọi hành động ấy đều từ thể giác
phát xuất. Chúng ta lại nghe một bà già trình thần thông:
Thiền sư Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc đi hành cước đến một cái quán của bà
lão. Quí vị kêu bà đem trà, bà bảo: "Quí thầy trình thần thông rồi sẽ uống
trà." Quí vị đưa mắt nhìn nhau. Bà bảo: "Quí thầy xem già này trình thần
thông đây." Bà liền tay cầm bình trà, tay bưng chung trà, nghiêng rót vào
chung để xuống.
Quả là thần thông trong hành động, đừng nghĩ thăng thiên độn thổ mới là
thần thông. Bởi bất cứ một tác động nào lưu xuất từ bản thể đều là diệu
dụng. Khổ nỗi, người tu hiện giờ chỉ trọng thần thông diệu dụng mà quên
bản thể. Vì thế nên dễ lạc vào đường tà, chính quỷ thần vẫn được ngũ
thông, làm sao giản trạch được đâu tà đâu chánh. Chỉ một bề trở về tánh
giác là muôn đời không lầm.
Tóm lại, hiệu dụng của người tu Thiền tông là nhận ra tánh giác của chính
mình, tánh giác này không sanh diệt, không tướng mạo mà hằng giác. Bởi
hằng giác nên chẳng phải không, không tướng mạo nên chẳng phải có. Sống
được với tánh giác là thoát ly sanh tử, tuổi thọ của tánh giác đồng với hư
không. Cho nên trong kinh nói tuổi thọ của Phật không biết bao nhiêu tính
kể. Đạt được tuổi thọ vô lượng vô biên ấy, còn gì hạnh phúc bằng, còn gì
quí báu bằng. Sống với cái vĩnh cửu chẳng sanh chẳng diệt này mới thật là
đến chỗ chân thật tuyệt đối. Còn cái gì ở thế gian có thể so sánh với tánh
giác. Tánh giác này mới thật là ta (chân ngã), tánh giác không bao giờ mất
(chân thường), tánh giác là chân thật hạnh phúc (chân lạc), tánh giác
không có gì nhiễm ô được (chân tịnh). Sống đến chỗ chân ngã, chân thường,
chân lạc, chân tịnh này mới là điểm cứu kính Thiền tông.
Trong khi trở về cái chân thật thì mọi cái giả dối giảm thiểu khả năng lôi
cuốn chúng ta. Từ từ ta làm chủ lại chúng, ta điều khiển chúng theo chỗ
muốn của chúng ta. Mọi khổ đau buồn thảm tự suy thối, không còn là điều
quan trọng đối với chúng ta nữa. Với cái thân giả tạm, cái vọng tưởng hư
ảo, sắc trần không hoa này, còn sức mạnh gì trói buộc chúng ta được. Bởi
thấy được ông chủ thật của mình, mọi khách trần đều là trò đùa nên Thiền
sư tự tại khi ra đi.
* |