THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ 20

H.T THÍCH THANH TỪ

YẾU CHỈ THIỀN TÔNG (tt)

VII. THIỀN TÔNG KHÔNG NẶNG HÌNH THỨC TÔN GIÁO.

A. NẾU LÀ TÔN GIÁO.

Thiền tông quả thật là một lối tu trở về bản tâm của mỗi người. Bản tâm là thể hằng giác linh tri bất sanh bất diệt, chính là chỗ cứu kính tối thượng của người tu Thiền đạt đến. Song muốn đạt đến bản tâm mọi người cần phải dẹp những kiến chấp sai lầm về tâm, thân và cảnh. Bởi chúng sanh muôn đời lầm lẫn chấp vọng tưởng làm tâm, chấp thân tạm bợ làm thân thật, chấp ngoại cảnh giả dối làm cảnh thật, nên mất bản tâm. Người tu Thiền cần trở về bản tâm, trước phải phá những cái chấp sai lầm ấy, nhiên hậu mới thấy được bản tâm. Phá chấp sai lầm do công dụng của trí Bát-nhã, nó là đội binh tiên phong công phá thành trì vô minh. Sau khi phá được cửa cổng vô minh, tiến vào trong sẽ thấy ông chủ nhân đang ngự trên ngôi đền năm uẩn. Thế nên, nếu là tôn giáo, Thiền tông lấy tâm làm tôn, lấy trí tuệ làm giáo. Bởi tâm là đấng tối thượng của thiền, trí tuệ là cửa giáo hóa chúng sanh.

Một tôn giáo mà không phải tôn giáo. Theo nghĩa thông thường của tôn giáo, tức có một đấng tối thượng để cho người tôn sùng là tôn, tuân theo lời chỉ dạy của đấng ấy hay vị đại diện cho đấng ấy gọi là giáo. Thiền tông không phải thế, chính đức Phật Thích-ca, người tu Thiền vẫn xem là bậc thầy dẫn đường, là người giác ngộ trước chúng ta. Chúng ta không biết đường nên quí kính người dẫn đường, biết ân người dẫn đường. Chúng ta chưa giác ngộ nên quí kính người đã giác ngộ, học đòi theo để được giác ngộ. Giác ngộ là phá được vô minh, thấy được bản tâm của chính mình mới là điều tối thượng. Điều đó đức Phật có công chỉ dạy, đạt được hay không do công phu của mỗi người. Nếu người tu một bề trông mong đức Phật cứu độ cho mình được thế này, thế nọ, đã sai lầm. Vì thế Tổ Lâm Tế nói: "Các ông nếu hay bặt được tâm luôn luôn chạy tìm, liền cùng Phật, Tổ chẳng khác. Các ông muốn được biết Phật, Tổ chăng? Chính trước mặt các ông hiện nghe pháp ấy vậy. Học nhân tin chẳng đến, liền chạy tìm ra ngoài. Dù có tìm được cũng chỉ là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng được ý Phật, Tổ sống. Chớ lầm!". Quả là Phật, Tổ không cứu được mình, chính mình tự cứu. Chẳng những thế, Thiền sư cũng không muốn linh thiêng, thần thánh hóa đức Phật, cần thấy đức Phật vẫn là một con người, thân của Ngài rồi cũng hoại diệt, chính tánh giác mới là tối thượng. Thiền sư Đức Sơn đã bộc lộ ý này. Sư nói: "Nhân giả! Nói tu hành như thế, các ông đâu chẳng nghe lão Hồ (ông già Ấn Độ, chỉ Phật) trải ba vô số kiếp tu hành mà nay còn đâu? Sau tám mươi năm chết mất, cùng các ông có khác gì?". Qua những câu nói trên chúng ta thấy rõ Thiền sư không đặt đức Phật là bậc tôn sùng tối thượng, chính tánh giác (bản tâm) của mỗi người mới đáng sùng thượng hơn hết.

Do những nhận thức trên, Thiền tông đối với hình thức tôn giáo thật là giản đơn bình dị, không rườm rà phức tạp như các tông phái khác. Bản tâm và trí tuệ không phải do tín ngưỡng mà được, phải quán chiếu tỉnh giác mới phát sanh. Càng nặng về hình thức nghi lễ càng dễ mất mình, càng xa với tánh giác. Yên lặng tỉnh táo, phản chiếu lại mình là yếu tố quan thiết của người tu thiền.

B. THIỀN TÔNG BAO DUNG CÁC TÔN GIÁO.

Ngay bản chất đạo Phật, Thiền tông cũng bao dung được các tông phái khác mà các tông phái khác khó bao dung Thiền tông. Tại sao? Bởi vì Thiền tông thấy rõ chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ, muốn giác ngộ trước phải dừng vọng tưởng. Thế thì người niệm Phật để dừng vọng tưởng, người trì chú cũng để dừng vọng tưởng, tụng kinh, quán tưởng… đều cùng về một mục đích ấy. Đã cùng về một mục đích, còn gì phải chống trái nhau. Chẳng qua trên phương tiện có khác, cứu kính Phật dạy không hai. Bản chất Thiền tông không nặng hình tướng, hình tướng nào cũng không ngại Thiền tông. Các tông phái khác chẳng thế, bởi có hình tướng và quan trọng hình tướng nên thấy ai làm khác mình thì không chịu. Vì thế phái này không thể dung hội phái kia.

Đến các tôn giáo bạn, Thiền tông cũng không thấy có trở ngại. Lối tu trở về tâm tánh mở mang trí tuệ, cứ trông về mình, ít ngó ra ngoài, không so sánh đối đãi, còn gì thấy có chướng ngại nhau. Hơn nữa tâm tánh trí tuệ là cái sẵn có nơi mọi người, dù người theo tôn giáo nào, hai điều ấy vẫn không thiếu, đã có như nhau thì ai khác hơn ai mà đố kỵ. Người này niệm Phật, người kia niệm Chúa, chúng ta đều thấy là phương tiện của họ dừng vọng tâm. Một khi vọng tưởng dừng lại, hoặc thấy Phật, hoặc thấy Chúa, đều từ bản tâm hiện ra, nên nói: "Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ". Có quan niệm cởi mở như thế, làm gì thấy trở ngại giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Vì thế, đời Tống ở Trung Quốc dùng Thiền tông dung hội cả Lão và Nho, gọi là tam giáo đồng nguyên. Đời Trần ở Việt Nam cũng thế, hòa hợp Phật, Lão, Khổng thành một nhà. Bởi vì, trên chỗ tột đỉnh các lối đi đều gặp nhau. Song phải là người đến đỉnh rồi, mới nhận ra điều ấy.

C. NẾU LÀ KHOA HỌC.

Thiền tông tu bằng cách khai thác tâm linh, tìm ra chân lý hiện thực của con người. Con người là đối tượng duy nhất của Thiền tông nói riêng, của đạo Phật nói chung. Vạch trần sự thật nơi con người, khai thác cái u ẩn thâm sâu nhất của con người, đem lại hạnh phúc an lạc vĩnh cửu cho con người, thử hỏi còn khoa học nào vượt hơn thế nữa? Đối tượng của khoa học hiện nay là vũ trụ, là vật chất, cốt chinh phục thiên nhiên để cung phụng cho con người. Song vũ trụ là cái phụ, con người mới chính yếu, tìm tột cùng cái phụ cũng chưa mang lại hạnh phúc chân thật cho con người. Vì lẽ nguyên lý của vũ trụ là tương đối, trong ấy luôn luôn đối đãi nhau, làm gì đạt được cái chân thật cứu kính miên viễn. Với tinh thần tìm chân lý, đem lại hạnh phúc chân thật cho con người, Thiền tông là một khoa học. Cho nên Thiền sư khi tu phải trải qua đôi ba phen giác ngộ, khác nào những nhà khoa học phải có những lần phát minh. Song tâm linh không hình tướng, vượt quá tầm khảo sát của khoa học. Thế nên có thể nói Thiền là một môn "Khoa học tâm linh", khoa học mà siêu khoa học.

*

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM