YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
(tt)
IX. NHỮNG
NGHI VẤN VỀ THIỀN TÔNG.
A. CHƯ TỔ THIỀN TÔNG KHÔNG
ĐỦ CHỨNG CỨ?
Câu hỏi này gồm hai nghi vấn: Phật truyền
tâm ấn cho Tổ Ca-diếp không thấy ghi chép ở kinh nào, chư Tổ kế thừa ở Ấn
Độ cũng không thấy ghi chép trong các sử sách.
Về nghi vấn trên, chúng ta kinh nghiệm
hiện tại có thể hiểu quá khứ. Có lắm vị thầy trong các ngành nghề, tôn
giáo, đảng phái, bao giờ cũng có một vài đệ tử được bí truyền, còn đa số
chỉ dạy thông thường thôi. Bởi vì người cảm thông được mình mới nói hết
những bí ẩn trong lòng mình cho họ. Những điều ấy không thể nói giữa quần
chúng, mà chỉ nói riêng tư. Kinh chép lại, chỉ ghi những thời thuyết pháp
cho đông người, hoặc có tính cách phổ thông, những điều bí truyền làm sao
chép được. Hơn nữa, với Tổ Ca-diếp đã có mấy lần ở giữa chúng, đức Phật
mời Ngài lên ngồi chung tòa và cũng từng tán thán: "Những gì ta biết,
Ca-diếp cũng biết v.v…", trong các kinh A-hàm còn rõ ràng. Thế thì, "biệt
truyền tâm ấn" cho Tổ Ca-diếp đâu còn lạ gì.
Nghi vấn thứ hai, có tính cách học giả.
Trong Thiền tông thầy trò truyền nhau không khoa trương, mà thầm lặng. Chỉ
cần để y bát làm tin, không thiết tuyên bố cho quần chúng biết. Có khi ở
trong rừng, trong núi, một thầy một trò truyền nhau, làm sao có ghi sử
sách? Cho nên trong nhà Thiền lấy y bát làm "biểu tín", tâm ấn làm "mật
tín". Người được thầy trao y bát, đại chúng đều biết đã được truyền tâm
ấn. Căn cứ vào tâm ấn, nếu không có người trước truyền cho người sau, làm
gì người sau nhận được pháp này. Ví như một gia tộc có hòn ngọc quí, từ
ông cha truyền đến con cháu, đến đời cháu thứ sáu mươi nhận được hòn ngọc
do người cha thứ năm mươi chín trao cho. Người cha kể lịch sử truyền trao
trong gia tộc cho nó nghe, nó nhận được hòn ngọc thật, trong hòn ngọc có
khắc niên hiệu của thời ông bà xa xưa của nó, thử hỏi nó có tin lời kể lại
của cha nó là thật chăng? Trừ ra những người không biết hòn ngọc thì khó
tin chuyện ấy. Cũng thế, pháp "trực chỉ nhân tâm" của nhà thiền không phải
là chuyện ngẫu nhiên được, cần có Thiện tri thức chỉ dạy mới nhận ra.
Người nhận ra pháp này tự nhiên không còn nghi ngờ sự truyền thừa của chư
Tổ. Nếu nói cần phải có sự chứng minh của lịch sử thì việc trong rừng
trong núi của cá nhân làm gì có lịch sử?
B. AI TRUYỀN TÂM ẤN CHO
CHÚNG TÔI?
Nghi vấn này rất hữu lý, người biết chút
ít về thiền không ai chẳng đặt nghi vấn này. Từ Lục Tổ về trước, Tổ Tổ
truyền nhau, trong thì ấn tâm, ngoài truyền y bát làm "biểu tín". Lục Tổ
về sau không còn truyền y bát nữa, vì nhiều người hiểu thiền, nghe một câu
nói, thấy một hành động là biết người ấy thế nào rồi. Hơn nữa một vị Thiện
tri thức nổi tiếng được chúng theo tham vấn có cả năm bảy trăm một ngàn,
nếu có một người được vị Thiện tri thức ấn chứng tức thiên hạ đều biết,
cần gì phải có y bát. Song một vị ra làm Thiện tri thức, hướng dẫn người
tu học đều phải được thầy ấn chứng, có hệ phái rõ ràng. Đến thời chúng ta
hiện nay, Thiền tông đã mất dạng cả một trăm năm, còn ai là Thiện tri thức
chỉ dạy cho chúng tôi, mà chúng tôi đề xướng khôi phục Thiền tông? Quả là
một điều đáng nghi.
Thật lòng, trước kia chúng tôi không có mơ
mộng tu thiền, huống nữa khôi phục Thiền tông. Song chúng tôi hâm mộ tu
thiền và cố gắng tu thiền, theo lối thiền phổ thông. Thời gian nhập thất
hạ thủ công phu tu tập, một hôm bất thần chúng tôi phát minh được lý Thiền
tông. Sau đó chúng tôi đọc qua kinh sử Thiền tông, càng làm sáng tỏ chỗ
chúng tôi nhận được. Từ đó, chúng tôi khảo cứu sách sử thiền, những bộ này
ngày xưa đối với chúng tôi không thể nào hiểu nổi, nhưng hiện nay không
còn khó khăn nữa, càng đọc càng hứng thú. Đồng thời, những chỗ khó trong
các kinh điển Đại thừa, lúc trước đã học qua mà chưa hiểu, chúng tôi nhớ
lại và hiểu một cách dễ dàng. Vì thế, ngày xưa chúng tôi đã từng nói giữa
học chúng: "Kinh điển Đại thừa chỉ để trên gác thờ", ngày nay chúng tôi
thấy: "Kinh điển Đại thừa là một kho châu báu".
Bởi thấy Thiền tông đơn giản thực tế, siêu
thoát, ứng dụng tu hành lợi ích ngay trong hiện tại, chúng tôi không nỡ tự
tu tự hưởng một mình. Do đó, chúng tôi mở thiền viện dạy tu thiền. Chúng
tôi không được Thiện tri thức trực tiếp ấn chứng, nên chúng tôi dùng kinh
sử để giảng thiền. Bởi không được trực tiếp ấn chứng nên chúng tôi không
thể dựng Phật tử, gọi dạ như thầy trò Tổ Qui Sơn, Ngưỡng Sơn; đánh hét như
thầy trò Tổ Hoàng Bá, Lâm Tế. Chúng tôi chỉ giảng dạy kinh, luận, sử cho
người nghe nhận hiểu để ứng dụng tu. Chúng tôi lấy kinh ấn chứng cho
Thiền, tu Thiền để sáng tỏ thêm kinh. Sự hỗ tương giữa kinh và thiền đối
với chúng tôi thật quá thiết yếu.
Chính Tổ Bồ-đề-đạt-ma đâu không nói: "Cõi
này có bốn quyển kinh Lăng-già khả dĩ dùng ấn tâm". Lục Tổ Huệ Năng ngộ
đạo do nghe giảng kinh Kim Cang. Đối với chúng tôi hiện nay cũng thế, dùng
kinh để ấn tâm, giảng kinh để ngộ đạo. Có người nghi rằng ngày xưa Thiền
sư Huyền Giác nhân đọc kinh Duy Ma Cật nhận ra lý Thiền, vẫn được Thiền sư
Huyền Sách khuyến khích đến Lục Tổ ấn chứng, nếu không sẽ thành ngoại đạo
thiên nhiên. Chúng tôi hiện nay không có người ấn chứng, lại thành ngoại
đạo hay không? Thưa rằng, ngày xưa có Tổ ra đời không đến ấn chứng là
người đứng ngoài lề Thiền tông, ngày nay không có Tổ, cũng không có Thiền
sư kế thừa, chúng tôi phải nhờ ai ấn chứng? Thế thì kinh, luận, sử, ngữ
lục của chư Tổ không đủ ấn chứng cho chúng tôi sao? Người học đạo cần phải
dùng trí phán xét đường lối tu hành, đúng Phật, Tổ dạy hay sai Phật, Tổ
dạy, đừng đòi hỏi một việc mà không bao giờ làm được.
C. TU THIỀN CÓ PHẢI RƠI
VÀO KHÔNG CHĂNG?
Thiền tông chủ trương không kẹt hai bên,
còn thấy có, thấy không đều là kẹt. Đã kẹt tức là bệnh không thể giải
thoát được. Như vậy hỏi tu thiền rơi vào có, rơi vào không đều không hiểu
thiền. Bởi vì tâm thể không tướng mạo, nên nói không tướng, tuy không
tướng mà hằng giác. Không tướng là không phải có, hằng giác là không phải
không. Thế thì nói có nói không đối với thiền đều là phiếm diện, không
phải toàn thể. Chúng ta nghe câu chuyện đối đáp của Thiền sư Huệ Hải với
Luật sư Pháp Minh để thấy rõ ý nghĩa này:
Luật sư Pháp Minh hỏi: "Các Thiền sư phần
nhiều rơi vào không?" Thiền sư Huệ Hải bảo: "Trái lại, các Tọa chủ phần
nhiều rơi vào không." Pháp Minh hỏi: "Tại sao rơi vào không?" Huệ Hải đáp:
"Kinh, luận là giấy mực văn tự, giấy mực văn tự đều là không, dù trên
tiếng dựng lập danh, cú, văn, thân đâu chẳng phải là không. Tọa chủ bám
chặt vào giáo thể đâu chẳng rơi vào không?" Pháp Minh hỏi: "Thiền sư có
rơi vào không chăng?" Huệ Hải đáp: "Văn tự… đều từ trí tuệ mà sanh, đại
dụng hiện tiền đâu thể rơi vào không."
Qua câu chuyện trên liền thấy được ai chấp
không. Bởi cửa thiền là cửa Không, nên người ta cứ cho thiền là rơi vào
không. Họ không biết rằng đây là bước đầu phá chấp ngã sai lầm cho thật
có, khi chấp ngã tan biến rồi liền thấy tâm thể nào phải là không. Cho tu
thiền rơi vào không là cái thấy biết nông nổi cạn cợt ở ngoài, chưa hiểu
gì về thiền. Người hiểu thiền chân chánh còn không thấy có, huống nữa là
không.
D. TU THIỀN CHẾT SANH VỀ
ĐÂU?
Người học Phật mà đặt câu hỏi này thật quá
thiển cận. Chủ yếu của Phật giáo, người tu đạt được Niết-bàn là cứu kính.
Nghĩa chánh của Niết-bàn là vô sanh. Mục đích người tu nhắm thẳng đến chỗ
vô sanh, mà hỏi sanh về đâu, trái hẳn với mục đích của mình rồi. Nếu còn
sanh tức chưa viên mãn công phu, công phu chưa viên mãn thì tùy phước
nghiệp cao thấp, dày mỏng, đến cảnh tương ưng thọ sanh. Nếu công phu đã
viên mãn, mà hỏi sanh về đâu, như các vị A-la-hán tịch, chư Tỳ-kheo hỏi
Phật: "Vị ấy sanh về đâu?" thì Phật trả lời: "Như củi hết lửa tắt". Đống
lửa cháy sắp tàn do không thêm củi, khi củi hoàn toàn hết thì lửa tắt.
Không thể hỏi lửa đi về đâu, vì hiện tượng mất trở lại bản thể. Bản thể
của lửa không tướng mạo, làm sao chỉ chỗ nơi cho người thấy biết được. Củi
ví dụ cho nghiệp, còn nghiệp thì còn sanh, hết nghiệp hỏi sanh ở đâu?
Riêng về người tu thiền, khi công phu viên
mãn đạt được vô sanh tự tại giải thoát, tùy duyên ứng hóa, không thể hỏi
đi đâu hay về đâu? Nếu công phu chưa viên mãn, khi sắp tịch cần làm chủ
được mình, chỉ nhớ sống với tâm thể thanh tịnh, không bị vọng tưởng chi
phối, lúc ra khỏi thân tùy chọn lựa nơi nào đủ duyên thì đến, không cố
định ở đâu. Lại nữa nếu người tu công phu còn tầm thường, chỉ cần gan dạ
khi đau liền nhìn thẳng cái đau nó đang hoành hành thế nào, thấy được cái
đau hoành hành thì mình không đau. Khi sắp chết cần nhìn thẳng xem cái
chết đang tiến hành ra sao, thấy cái chết đang tiến hành thì mình không
chết. Bởi vì chúng ta cứ đồng hóa cái thân hoại diệt với tâm bất hoại diệt
làm một, nên bị nó chi phối. Giờ đây chúng ta thấy rõ sự hoại diệt của nó,
tức nó không chi phối được mình. Chúng ta nghe lời đối đáp của Thiền sư
Lương Giới, Tổ tông Tào Động về việc này:
Thiền sư Lương Giới sắp tịch, có vị tăng
hỏi: "Hòa thượng bệnh lại có cái chẳng bệnh chăng?" Sư đáp: "Có." Tăng
hỏi: "Cái chẳng bệnh lại thấy Hòa thượng chăng?" Sư đáp: "Lão tăng xem y
có phần." Tăng hỏi: "Chưa biết Hòa thượng làm sao xem y?" Sư đáp: "Khi lão
tăng xem, chẳng thấy có bệnh."
Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy rõ, biết được
cái bệnh cái chết là chúng ta khỏi bệnh khỏi chết. Hỏi chết sanh về đâu là
hỏi theo nghiệp, theo nguyện. Người tu thiền nỗ lực buông xả động cơ tạo
nghiệp là vọng tưởng, mong mỏi một nơi nào đó cũng là vọng tưởng. Người tu
thiền là dứt sự mong cầu, hỏi sanh về đâu thật là ngớ ngẩn vô cùng.
E. TU THIỀN BAO LÂU ĐƯỢC
THẦN THÔNG?
Đây là một vấn đề lầm lẫn của đa số người
hâm mộ tu thiền. Họ bị những môn thiền tà, ngoại nói về sự linh thiêng mầu
nhiệm, khiến họ ước mơ thần thông. Với tinh thần Thiền tông, thần thông
diệu dụng chỉ là vấn đề phụ thuộc không đáng kể. Đạt được tánh giác, sống
với tâm thể mới là điều thiết yếu, như nói "Minh tâm kiến tánh" hay nói
"Thức tâm đạt bản nguyên danh vi sa môn". Vì thế mục tiêu chánh yếu của
hành giả tu theo Thiền tông là làm sao kiến tánh để khởi tu. Sau khi kiến
tánh phải buông xả vọng tưởng để hằng sống với chân tánh. Ngoài hai điều
chánh yếu này không còn gì đáng kể. Thế nên chư Thiền sư chưa kiến tánh
phải đi hành khước hai ba mươi năm tìm khắp các Thiện tri thức để được
kiến tánh. Sau khi kiến tánh các Ngài vào núi ở mấy mươi năm để buông xả
vọng tưởng. Xong việc các Ngài mới ra làm lợi ích cho người sau. Mọi sự
mầu nhiệm đối với Thiền sư xem như một bệnh hoạn đáng trách.
Thiền sư Nam Tuyền đi thăm trang sở ở dưới
núi, đến nơi thấy trang chủ sắp đặt lễ nghi trịnh trọng chực đón. Nam
Tuyền hỏi: "Ta đi đâu không báo cho ai biết trước, tại sao trang chủ bày
biện thế này?" Trang chủ thưa: "Khi hôm có thổ địa mách, hôm nay Hòa
thượng đến." Nam Tuyền nói: "Thầy già họ Vương này tu hành vô lực bị quỷ
thần thấy tâm."
Được quỷ thần báo trước việc đến của mình,
theo thế thường là quá vinh dự, nhưng Thiền sư xem đó là sự dấy tâm động
niệm của mình bị quỷ thần xem thấy. Đến như được sự cúng dường vẫn là bệnh
hoạn.
Thiền sư Đạo Ưng cất thảo am ở Tam Phong,
suốt tuần nhật không đến trai đường thọ trai. Động Sơn thấy lạ đến hỏi:
"Mấy ngày nay sao ngươi không đến thọ trai?" Sư thưa: "Mỗi ngày có thiên
thần cúng dường." Động Sơn bảo: "Ta bảo ngươi là kẻ vẫn còn kiến giải.
Ngươi rảnh chiều lại." Chiều sư đến, Động Sơn gọi: "Ưng am chủ!" Sư ứng
thinh: "Dạ." Động Sơn bảo: "Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là gì?" Sư trở
về am ngồi yên lặng lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như
thế mới thôi cúng dường.
Người tu được thiên thần cúng dường mỗi
ngày là điều ít có. Tại sao không khen, lại bị chê "còn kiến giải"? Còn
khởi niệm lành thì quỷ thần hay chúng sanh khác còn thấy, chỉ khi mọi niệm
lành dữ đều bặt thì không còn ai thấy tâm mình. Đó mới là chỗ cứu kính của
người tu thiền. Cho nên chủ trương của Thiền tông, khi nào trước tám gió
-lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc - thổi, tâm hành giả không động là
thành công. Thần thông diệu dụng mà một gió đã động thì đó là dã hồ tinh
mị. Người có thiện chí tu hành khéo dè dặt đừng lầm lẫn chỗ này.
G. TU THIỀN CÓ ĐIÊN CHĂNG?
Khi dạy thiền chúng tôi thường nói: "Không
biết tu thiền điên, biết tu thiền không điên". Tại sao? Bởi vì những người
không biết mà tập tu thiền sai lạc nên phát điên, người biết tu thiền đúng
đắn làm sao điên được. Nếu tu thiền điên thì đức Phật, chư Tổ đã điên hết
rồi sao? Phật, Tổ do tu thiền đạt đạo, chúng ta ngày nay tu thiền điên là
tại sao? Đâu không phải tại không biết tu lầm lẫn nên điên. Thế thì tu mà
điên là tại không biết tu, chớ không phải tại tu thiền. Hơn nữa người tu
thiền cấm kỵ nhất là "mừng" và "sợ". Hiện nay một số hành giả tu thiền,
khởi tâm vọng cầu tướng lạ, khi tướng lạ hiện đúng sở cầu, liền khởi
"mừng" không thể kềm chế được, phát điên. Hoặc khi tướng lạ hiện khác sở
cầu, sanh "sợ" hoảng lên phát điên. Đó là tại mong thấy tướng lạ, như mong
thấy Phật hiện, mong thấy hoa sen… Hoặc người tu mong được thần thông, khi
ấy quỷ thần thấy tâm mong cầu của mình, nó đến theo sở thích của hành giả,
hiện mọi thứ thần thông, hành giả liền bị nó mê hoặc. Sau đó, hành giả trở
thành điên cuồng khờ khạo. Còn lắm chuyện khiến hành giả phát điên, song
đều do nguyên nhân vọng cầu mà ra. Người tu thiền chân chánh theo Thiền
tông thì "gặp ma giết ma, gặp Phật giết Phật". Câu này có hai ý nghĩa.
Nghĩa thứ nhất, khi tu Thiền hành giả chẳng những buông xả tâm xấu ác mà
tâm hiền thiện cũng xả bỏ luôn. Còn một niệm dù là niệm lành cũng là bệnh,
như nói: "Mạt vàng tuy quý, rơi vào con mắt cũng khó chịu". Bỏ niệm xấu ác
là giết ma, bỏ niệm lành là giết Phật. Nghĩa thứ hai, hành giả trong lúc
tu thiền dù thấy Phật hiện hay ma hiện đều không chấp nhận. Bởi vì tất cả
tướng bên ngoài đều không thật, đều hư giả, không chấp nhận thì tâm mừng,
sợ đều không, sự tu hành mới an định. Chúng ta nghe câu chuyện này:
Thiền sư Văn Hỷ (Giải Thoát) đi hành hương
Ngũ Đài Sơn, đến hang Kim Cang lễ bái Bồ-tát Văn Thù, gặp Văn Thù mà Sư
không biết. Sau này, Sư ngộ đạo ở Ngưỡng Sơn. Một hôm, Sư nấu cháo, thấy
Văn Thù hiện trên nồi cháo, Sư lấy cây dầm quậy cháo đập, nói: "Văn Thù tự
Văn Thù, Văn Hỷ tự Văn Hỷ". Văn Thù nói kệ:
Khổ qua liên căn khổ
Điềm qua triệt đới điềm
Tu hành tam đại kiếp
Khước bị lão tăng hiềm.
Dưa đắng gốc vẫn đắng
Dưa ngọt rễ cũng ngon
Tu hành ba đại kiếp
Lại bị lão tăng đòn.
Qua hình ảnh trên thấy rõ ý nghĩa "Gặp
Phật giết Phật gặp ma giết ma" của Thiền sư vậy. Nếu hành giả tu thiền gặp
tất cả ngoại cảnh đều không chấp, chỉ sống một tâm thanh tịnh, còn có lý
do gì khiến phải điên.
Tuy nhiên gặp ma hiện không chấp nhận là
dễ, thấy Phật, Bồ-tát hiện không chấp nhận phải gan dạ lắm mới làm được.
Người tu ít lầm ma, trái lại thường lầm Phật. Do đó ma lợi dụng lòng quý
kính Phật của hành giả, nó hiện thân Phật, hiện nói pháp… hành giả dễ bị
nó dẫn đi. Bởi chúng ta chưa có thiên nhãn, làm sao phân biệt ma, Phật để
khỏi lầm. Chính ngày xưa Tổ Ưu-ba-cúc-đa vẫn còn lầm:
Một hôm ma Ba Tuần đến quấy nhiễu Tổ
Ưu-ba-cúc-đa, Tổ dùng đạo lực trị chúng. Cuối cùng ma Ba Tuần xin qui y
với Tổ. Tổ qui y cho ma Ba Tuần xong, bảo nó: "Khi xưa đức Thế Tôn tại
thế, ngươi thường trông thấy, nay ngươi hiện thân Phật và một ngàn hai
trăm năm mươi vị Tỳ-kheo cho ta xem". Ma Ba Tuần hứa nhận, ma thưa: "Khi
con hiện thân Phật, xin Hòa thượng đừng lễ bái, con Tổn phước". Tổ nhận
lời, ma biến mất. Giây lát thấy từ mé rừng đức Phật đi trước ôm bình bát
hào quang sáng rỡ, theo sau một ngàn hai trăm năm mươi chúng Tỳ-kheo oai
nghi trang nghiêm đi đến trước mặt Tổ. Bất giác Tổ cúi mình đảnh lễ, Ma
liền biến mất.
Ngài là một vị Tổ thứ tư ở Ấn Độ, trong
khi ma hiện hình Phật, trước đã giao hẹn với Ngài, Ngài vẫn đảnh lễ. Huống
nữa bọn phàm phu chúng ta gặp những cảnh trạng như vậy, làm sao khỏi hết
lòng quy ngưỡng. Ma hiện mà chúng ta quy ngưỡng thì nhất định phải rơi vào
đường ma. Chỉ một điều duy nhất là chúng ta không chấp nhận mọi cảnh bên
ngoài, một bề buông xả vọng tưởng là trên hết.
* |