XUÂN TRONG CỬA THIỀN

TẬP 1, 2, 3.

H.T THÍCH THANH TỪ

TÂM HẠNH NGƯỜI TU

TẤT NIÊN NĂM GIÁP TÝ 1985

            Hôm nay tôi nói chuyện với quí vị về đề tài “TÂM HẠNH NGƯỜI TU”: Đây là tôi muốn nhắm vào tăng ni: Tâm hạnh người tu là thế nào? Mục đích của chúng ta khi đi tu, cốt làm sao để lợi ích cho mình, cho người, chớ không ai nghĩ rằng mình đi tu để làm trò cười cho nhân thế. Thế nên muốn trở thành người tu đúng đắn lợi mình, lợi người, thì cần phải hiểu rõ tâm hạnh của mình như thế nào? Tâm là chỉ nội tâm, hạnh là chỉ hành động của thân; trong nội tâm và những hoạt động của bản thân mình làm sao cho xứng đáng tư cách một người tu, để không hổ thẹn là đệ tử Phật. Nói đến tâm hạnh người tu, tôi không có dạy gì riêng mà chỉ dẫn những việc làm và những lời dạy của chư Tổ, của các vị Thiền sư để quí vị nhớ ứng dụng.

            Đầu tiên là tôi kể lại câu chuyện của ngài Ca-diếp, tức là vị Tổ thứ nhất trong Thiền tông mà cũng là một vị đệ tử lớn của đức Phật. Trong Thiền tông thường hay kể rằng, ngài Ca-diếp được đức Phật truyền tâm ấn ba lần, nhưng chúng ta phần nhiều chỉ thấy có một lần và hình ảnh thường được nhắc đi nhắc lại là trong hội Linh Sơn, khi đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, ở dưới ngài Ca-diếp nhìn thấy mỉm cười, đức Phật mới truyền tâm ấn. Đó là điểm nổi bật, còn những hội khác thì chúng ta ít nhớ, ít biết.

            Nay tôi kể lại câu chuyện ngài Ca-diếp đến yết kiến Phật tại tháp Đa Hòa. Một hôm đức Phật đang thuyết pháp cho một số thầy Tỳ-kheo nghe tại tháp Đa Hòa, bỗng dưng có ngài Ca-diếp từ xa về yết kiến Phật. Ngài tu theo hạnh đầu-đà nên mặc y phấn tảo, tức là y do giẻ rách kết thành và râu tóc xồm xoàm, hình tướng vừa dơ vừa xấu xí, nên chư Tỳ-kheo có ý khinh bỉ ngài. Đức Phật biết được tâm niệm chúng Tỳ-kheo, nên gọi: “Này Ca-diếp! Đến đây, ta nhường cho ông nửa tòa ngồi.” Phật lại bảo tiếp: “Này chư Tỳ-kheo! Ta có tam minh lục thông, thì Ca-diếp cũng có như ta vậy...” Phật kể tất cả những pháp mà Phật có và Phật kết luận: “Ca-diếp cũng có như ta vậy, vì thế mà ta mời Ca-diếp đến đây nhường nửa tòa cho ngồi.” Khi ấy ngài Ca-diếp quì ở trước đức Phật, Ngài bạch: “Bạch đức Thế Tôn, con là đệ tử, Thế Tôn là thầy, con không dám đến, xin Thế Tôn cho con được phép ngồi đây.”

            Câu chuyện đức Phật mời Ca-diếp đến, Ngài chia cho nửa tòa ngồi trích từ kinh A-hàm, trong hội đó đức Phật nhắm phá tâm ngã mạn của chúng Tỳ-kheo xem thường ngài Ca-diếp; nhưng trong nhà Thiền thì thấy đức Phật đã ca tụng ngài Ca-diếp đầy đủ những pháp mà đức Phật có và xứng đáng được đức Phật nhường nửa tòa ngồi, như vậy không phải truyền tâm ấn là gì? Thế nên đó là lần truyền tâm ấn thứ hai.

            Đến lần thứ ba ở đâu? Quí vị nhớ không? Đó là khi đức Phật tịch, khi ấy ngài Ca-diếp từ xa hay tin mới tìm về, đến nơi thì đức Phật đã liệm vào kim quan rồi. Ngài Ca-diếp mới đến phía sau kim quan đảnh lễ, đức Phật duỗi chân ra, ngài Ca-diếp rờ chân Phật. Đó là lần truyền tâm ấn thứ ba.

            Nói đến đây hẳn quí vị nhớ một Thiền sư Trung Hoa là ngài Thanh Nguyên, Ngài sai đệ tử là Thạch Đầu Hy Thiên đem thơ cho ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng. Khi trở về ngài Thạch Đầu mới thưa: “Hòa thượng bảo con đem thơ xong, Hòa thượng sẽ cho con chiếc búa ở núi, xin Hòa thượng cho chiếc búa.” Ngài Thanh Nguyên duỗi một chân thẳng ra, ngài Thạch Đầu đảnh lễ, rồi về ở núi. Quí vị thấy việc đó theo sự tích nào? Đó là một thuật truyền tâm ấn phải không? Chính đức Phật, khi ngài Ca-diếp đến đảnh lễ, Ngài ở trong kim quan duỗi chân ra, ngài Ca-diếp rờ chân Ngài, đó là để nói chỗ thông cảm giữa thầy trò và sự thông cảm đó là truyền tâm ấn. Vì vậy nên các Thiền sư sau này theo cái thuật đó, cũng truyền như vậy; chúng ta không hiểu tại sao ở trên kia duỗi chân, ở dưới đảnh lễ rồi đi. Đó là điều tôi nói cho quí vị hiểu.

            Ở Việt Nam cũng một lần, ngài Pháp Loa, tức Tổ thứ hai trong Tam tổ Trúc Lâm, bệnh sắp tịch, ngài Huyền Quang đến hầu. Hai thầy trò vấn đáp xong, cuối cùng ngài Pháp Loa duỗi chân ra. Những người viết sử sau này không biết nói ngài Pháp Loa giận đá một cái, đó là điều lầm lẫn của những người không hiểu ý nghĩa nhà Thiền, Ngài duỗi chân ra là Ngài chấp nhận ngài Huyền Quang là người đã thông cảm với Ngài, đó là một hình thức truyền tâm ấn. Hiểu như vậy quí vị mới không lấy làm lạ. Một vị Tổ khi sắp tịch, giận đệ tử Ngài đá, thật hết sức vô lý. Hiểu chỗ này quí vị mới thông cảm được đường lối truyền của nhà Thiền.

            Còn câu chuyện ngài Ca-diếp mỉm cười khi đức Phật đưa cành hoa sen lên, đó là nhắm vào cái gì? Về điểm này, tôi nhắc lại một vị Thiền sư đời Tống, ngài Phong Huyệt, sau khi kiểm điểm trong chúng, thấy sự tu hành của chúng Ngài chưa được hài lòng Ngài khóc khi ấy ngài Niệm Pháp Hoa, tức Thiền sư Tỉnh Niệm (vì Ngài chuyên tụng Pháp Hoa nên gọi là Niệm Pháp Hoa) thấy Ngài khóc mới hỏi: “Tại sao Hòa thượng khóc?” Ngài Phong Huyệt nói rằng: “Tông Lâm Tế đến ta e phải chìm mất, trong chúng đây không có người nào kế thừa được ta, ta buồn khóc.” Ngài Tỉnh Niệm thưa: “Hòa thượng thấy con thế nào?” Ngài Phong Huyệt nói: “Ngươi thì được, nhưng ngươi còn mê tụng Pháp Hoa quá.” Ngài Tỉnh Niệm thưa: “Việc đó không khó, Hòa thượng chỉ cho con biết yếu chỉ thì con sẽ buông.” Ngài Phong Huyệt hứa: “Như vậy sáng mai khi lên tòa, ta sẽ chỉ cho ngươi.” Khi ngài Phong Huyệt lên tòa, Ngài thuật lại khi đức Thế Tôn ở trong hội Linh Sơn, cầm cành hoa đưa lên rồi lấy mắt trong như hoa sen nhìn chúng, ngài Ca-diếp nhìn thấy liền mỉm cười, khi đó ngài Tỉnh Niệm đứng dậy phủi áo đi, ngài Phong Huyệt cũng quăng gậy xuống tòa. Như vậy quí vị thấy chỗ truyền đó là truyền cái gì? Ngộ ở đâu?

            Đây, một Thiền sư Việt Nam đời Lê, tức là ngài Chân Nguyên đã làm mấy bài kệ nói về chỗ truyền đó. Ngài làm kệ bằng tiếng Việt rất dễ hiểu, tôi đọc cho quí vị nhớ. Bài thứ nhất là kệ “Giơ Cánh Hoa Lòng”, chữ lòng là dịch chữ Tâm.

                        Nhân duyên to lớn Phật ra đời,

                        Ca-diếp ấn truyền ngộ được thôi.

                        Cầm hoa cười mỉm còn nguyên đó.

                        Lá đẹp hương bay khắp đất trời.

            Qua bài kệ đó, quí vị thấy gì? Trong kinh Pháp Hoa nói đức Phật ra đời là vì một đại sự nhân duyên, đại sự nhân duyên đó để chỉ cho chúng sanh cái gì? Tức là chỉ Tri kiến Phật. Như vậy trong hội Linh Sơn chỉ ngài Ca-diếp là người được ấn truyền và được ngộ đạo ngay trong hội đó, mà ấn truyền bằng cái gì? “Cầm hoa cười mỉm còn nguyên đó.” Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, ngài Ca-diếp nhìn thấy chúm chím cười, là truyền ở chỗ đó, và từ đấy về sau thế nào? “Lá đẹp hương bay khắp đất trời.” Từ đấy về sau lá sen và hương sen bay khắp đất trời, từ Ấn Độ sang Trung Hoa, sang Nhật Bản, sang Việt Nam v.v...

            Đến bài kệ thứ hai là “Mật Trao Đèn Lòng” tức là thầm trao cây đèn tâm.

                        Một điểm đèn lòng mắt Phật sinh,

                        Tương truyền bốn mắt đối phân minh.

                        Nối hương tiếp lửa luôn luôn sáng,

                        Gieo khắp rừng thiền gởi hữu tình.

            Quí vị thấy bài kệ nói rằng: “một điểm đèn lòng mắt Phật sinh”, tức là ngọn đèn tâm sáng, mà trao được cái nhân đó là từ mắt Phật sanh ra, tức Phật đưa con mắt như hoa sen nhìn chúng, ở dưới ngài Ca-diếp nhìn lên, giữa Phật và Ngài cảm thông được nhau, nên Phật mới truyền tâm ấn, vì thế mới nói “tương truyền bốn mắt đối phân minh”. “Nối hương tiếp lửa luôn luôn sáng”, từ đấy về sau cứ nối tiếp ngọn đèn đó sáng mãi không cùng. “Gieo khắp rừng thiền gởi hữu tình” nghĩa là gieo khắp trong rừng thiền và gởi tất cả chúng hữu tình ngọn đèn từ mắt Phật sanh ra. Như vậy lối ngộ đạo của ngài Ca-diếp là ở chỗ nào? Mắt Phật nhìn xuống, ở dưới ngài Ca-diếp ngó lên, thầy trò thấy được nhau, hiểu được nhau nên gọi là truyền tâm ấn, vì vậy lối truyền này còn gọi là “Tứ mục tương cố”, nghĩa là bốn mắt nhìn nhau, chỗ đó là chỗ ngộ đạo tương truyền, chớ không phải là cái hoa sen. Khi đức Phật đưa hoa sen lên, ngài Ca-diếp nhìn thấy rồi đức Phật nhìn ngài Ca-diếp, ngài Ca-diếp cười, đó là chỗ thông cảm nhau từ mắt Phật và mắt ngài Ca-diếp. Thế nên trong nhà Thiền khi nói chuyện với nhau, các Thiền sư hay nhìn thẳng, thử xem người đệ tử thấu được điều mình muốn nói không?

            Quí vị nhớ lúc Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói chuyện với Tổ Huệ Khả, Tổ Huệ Khả thưa: “Xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.” Tổ Đạt-ma nhìn thẳng vào mặt Ngài bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Tổ Huệ Khả bối rối thưa: “con tìm  tâm không được” thì Tổ Đạt-ma nói: “Ta an tâm cho ngươi rồi!” Như vậy, chính cái nhìn là một điều quan trọng, hiểu như thế mới thấy lối truyền thiền từ đức Phật về sau phần nhiều hay dùng cái nhìn, cái thấy. Hiểu như thế, chúng ta mới biết sự liên hệ của đường lối Thiền Tông truyền từ trước đến nay.

            Trở lại câu chuyện của ngài Ca-diếp để phù hợp với đề mục tôi đã nêu về tâm hạnh người tu, quí vị thấy tâm và hạnh của ngài Ca-diếp như thế nào? Về hạnh thì Ngài tu hạnh đầu-đà. Hạnh đầu-đà tức là khổ hạnh, nhọc nhằn, thiếu thốn ... còn tâm Ngài thì sao? Phật có cái gì thì Ngài cũng có cái ấy, tức là tất cả những gì nơi Phật, Phật có truyền cho Ngài, Ngài đều thừa hưởng được hết, không thiếu sót, vì vậy mới gọi Ngài là vị Tổ thứ nhất kế thừa Phật. Như vậy đứng về mặt thân, chúng ta phải nghèo, phải thiếu, nhưng về mặt tâm, chúng ta phải sung túc hay nói cách khác, chúng ta phải giàu, phải có hòn ngọc quí; chớ không thể người tu mà thân thì sang trọng còn trong lòng thì rỗng tuếch, như vậy là không hợp với đạo lý, không xứng tư cách người tu. Đây là lời răn, lời nhắc và cũng là lời tự thuật của ngài Vĩnh Gia trong “Chứng Đạo Ca”. “Cùng Thích tử, khẩu xưng bần”, như vậy người Thích tử là kẻ nghèo, luôn luôn thấy mình nghèo, miệng tự xưng là nghèo, xưng bần đạo hay bần tăng, nhưng bần đó là bần cái gì? “Thật thị thân bần đạo bất bần”, về thân thì mặc áo vá, nhưng về đạo thì chẳng nghèo. Trong tâm chứa được hạt châu vô giá, nên nói rằng: “Bần tức thân thường phi lủ hạt, đạo tắc tâm tàng vô giá trân.” Như thế quí vị thấy rõ ngài chỉ cho chúng ta bổn phận của người tu. Đến đây tôi cũng nhắc lại: Chữ Tỳ-kheo dịch là gì? Có người dịch nghĩa chánh là khất sĩ,  khất là ăn mày, sĩ là kẻ, khất sĩ là kẻ ăn mày; kẻ ăn mày làm sao giàu được, nên mới nói “cùng Thích tử, khẩu xưng bần”. Như vậy đứng về thân, chúng ta phải nghèo, mặc áo vá, nhưng tâm chúng ta có hạt châu quí vô giá. Đây là một đoạn Ngài nói về bổn phận của chúng ta, nhưng Ngài còn dặn thêm: Đối với sự khen chê phỉ báng, lòng mình phải như thế nào? Tư cách người tu chúng ta phải làm sao? Ngài dạy:

                        “Tòng tha báng, nhậm tha phi

                        Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì,

                        Ngã văn kháp tợ ẩm cam lồ,

                        Tiêu dưng đốn nhập bất tư nghì.”

            Người ta chê, hay người ta phỉ báng, chúng ta cứ xem họ như họ cầm lửa đốt trời, hay nói cách khác là cầm lửa đốt hư không. Cầm lửa đốt hư không thì chừng nào cháy hư không? Chúng ta chỉ thấy họ cầm lửa đốt hư không một lúc rồi họ tự thấy nhọc và có thể cháy tới tay của họ nữa. Như vậy để nói lên điều gì! Chúng ta là người tu, dầu cho bị người ta chê bai, bị người ta phỉ báng, tâm mình không dính không mắc, nó rỗng rang tự tại thì chẳng khác nào người đó cầm lửa đốt hư không vậy. Trái lại, nếu tâm mình có dính mắc tức là có bổi phải không? Có bổi thì lửa dễ cháy, phải không? Họ mắng mình, lúc đó trong lòng họ có ấm ấm chưa? Tức là có nổi lửa rồi; mình nổi sân lại, họ vừa có lửa nhúm lên, gặp bổi của mình, hai cái phát cháy phải không? Còn nếu họ nhen lửa đưa vào hư không thì sao? Bao giờ hư không cháy? Thế nên nếu thật tâm người tu chúng ta rỗng rang tự tại thì mặc tình họ khen chê, mặc tình họ phỉ báng chúng ta vẫn rỗng rang tự tại, người chê bai phỉ báng đó chẳng khác nào kẻ cầm lửa đốt hư không và tự họ khổ. Ngài còn nói thêm: “ngã văn kháp tự ẩm cam lộ”, ta nghe giống như là uống nước cam lộ vậy. Quí vị có người nào được như thế chưa? “Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì”: nó đều tiêu dung vào chỗ không thể nghĩ bàn. Quí vị thấy nếu chúng ta tu được như vậy thì thật là đẹp biết mấy, phải không? Bổn phận người tu là khi bị chê, bị khinh miệt, tâm vẫn rỗng rang tự tại, nghe những lời chê bai đó giống như uống nước cam lồ, mát rượi ngọt ngào; tất cả lời chê bai khinh bỉ đó đều tiêu dung vào chỗ không thể nghĩ bàn, như vậy mới đúng là người tu chân chánh. Trong đoạn trên Ngài dạy chúng ta thân phải nghèo, tâm thì giàu vì có hạt châu vô giá, đoạn này Ngài dạy chúng ta nghe lời chê bai phỉ báng cũng như uống nước cam lồ, tiêu dung vào chỗ bất tư nghì, đó mới đúng là tư cách của người tu, phải không? Nếu người tu nghe người ta chê mà nổi giận đỏ mặt, rồi la lối thì đúng là người tu chưa? Như vậy quí vị tự kiểm lại xem mình xứng đáng là người tu hay chưa: Nếu chưa thì ráng nỗ lực. Ngài còn nói thêm:

                        “Quán ác ngôn thị công đức,

                        Thử tắc thành ngô thiện tri thức,

                        Bất nhân san báng khởi oán thân,

                        Hà biểu vô sanh từ nhẫn lực?”

            Ngài bảo mình phải quán xét lời nói ác, nói dữ của họ là công đức. Tại sao vậy? Nếu chúng ta thấy những lời nói dữ của họ là công đức thì họ trở thành thiện tri thức của ta. Vì sao? Vì người mắng chửi mình, nhưng tâm mình vẫn an nhiên tự tại, thì lời mắng chửi đó là một thử thách để lường xem đạo lực mình đến đâu. Nếu đạo lực mình đã vượt qua được điều đó, mình mới thấy mình đã thắng được cái sân, mà đã thắng được cái sân là mình đã thành công trên đường đạo. Như vậy chính lời mắng chửi đó là bằng chứng để nghiệm xem đạo đức của mình; và nếu đó là sự thử thách đạo lực của mình thì người mắng đó đâu không phải là thiện tri thức của mình? Vì vậy nên chính lời ác đó là công đức và người mắng mình là thiện tri thức của mình. Nếu không nhân lời chê bai mắng nhiếc mình khởi lên oán hay thân thì đâu có đủ tiêu biểu cho sức vô sanh từ nhẫn, vì chúng ta là người tu thì lúc nào cũng phải có lòng từ bi và đức nhẫn nhục. Lòng từ bi, đức nhẫn nhục tiêu biểu cho đạo lực, cho sức tu hành của mình. Nếu trước mọi cảnh trái nghịch mà tâm không dấy khởi đó gọi là vô sanh từ nhẫn lực, vô sanh là không dấy khởi; thế nên nói đến người tu là nói đến người chiến thắng lòng mình, chớ không phải chiến thắng kẻ bên ngoài. Nếu trước những khó khăn, những nhục nhã mình chống đối lại cái đối tượng bên ngoài thì đó chưa phải là tư cách của người tu; trái lại những đối tượng xấu đến với mình, nhưng mình thắng được lòng mình, tâm vẫn an nhiên tự tại thì đó là tiêu biểu cho sức từ nhẫn vô sanh của chính mình, như vậy mới xứng đáng là người tu. Quí vị thấy tư cách người tu là phải như thế. Trái lại nếu chúng ta nói rằng mình tu được nhiều thời khóa, nhưng gặp cảnh thì vẫn sân si, thì thời khóa có trở thành vô nghĩa. Thế nên chúng ta phải tu thế nào mà trước những cảnh khó khăn, những điều trái tai gai mắt, chúng ta vẫn an nhiên tự tại. Đó mới thật là người tu chân chánh.

            Lại một Thiền sư Việt Nam vào đời Lê cũng nhắc nhở chúng ta tương tự như thế. Tôi trích một đoạn trong bài “Thiền Tịch Phú” hay nói một cách khác bài phú về Thiền tịch cho quí vị nghe.

                        “Sãi chưng nay một đạo tu hành, xả đường kinh lịch.

                        Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng,

                        Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch;

                        Đêm đông trường khi mật niệm,

                        Gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh,

                        Ngày hạ tiết lúc tụng kinh,

                        Nện dùi mõ khoan mau lịch kịch;

                        Chỉn chuộng một bề đạo đức,

                        Miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay

                        Vốn yêu hai chữ từ bi,

                        Thân nào quản mặc áo lành áo rách ...

            Bài còn dài nữa tôi không dẫn hết. Trong bài phú Ngài tự xưng là Sãi. “Sãi chưng nay mộ đạo tu hành”: hôm nay sãi này vì lòng mộ đạo tu hành. “Xả đường kinh lịch” tức là xả bỏ hết những việc trải qua trước kia. “Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng”: cái lập chí của Ngài là dốc làm Phật làm Tổ để siêu thăng giải thoát, đó là đứng về thượng cầu. Còn về hạ hóa thì thế nào? “Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch”: lòng mình nguyện độ những chúng sanh đang chìm đắm trong sông mê bể khổ. Như vậy hai câu trên nói lên ý chí và lòng từ bi của người xuất gia, ý chí thì quyết định tu để thành Phật, thành Tổ, còn lòng từ bi thì tu để cứu độ chúng sanh đang còn chìm trong sông mê bể khổ. Đã có chí nguyện và lòng từ như vậy thì hằng ngày làm việc gì? “Đêm đông trường khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh”, nghĩa là đêm đông khuya lạnh thức dậy vừa mật niệm vừa đánh chuông. “Ngày hạ tiết lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch”, nghĩa là trong lúc tụng kinh đánh mõ cộp cộp, đó là diễn tả bổn phận của người tu. Ngài lại giải thích tại vì sao mình phải chịu ăn chay ăn lạt, kham khổ như vậy. “Chỉn chuộng một bề đạo đức, miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay”: vì chuộng quí đạo đức nên chẳng hiềm ăn món đắng, món cay, không chuộng thức ngon, không đòi thức quí. “Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách”: bởi mình yêu hai chữ từ bi nên mặc lành rách đều được, không vì lý do mặc rách mà buồn tủi. Quí vị thấy người xưa luôn luôn nhắc nhở chúng ta: Đã đi tu thì quyết làm Phật làm Tổ, chớ không phải đi tu để rồi hết ngày hết tháng, hết cả cuộc đời! Trên thì mình quyết định tiến đến thành Phật, thành Tổ, nhưng thành Phật, thành Tổ để làm gì? Để cứu độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Đã có tinh thần đó thì tất cả những chuyện ăn mặc phải đơn sơ đạm bạc, như vậy mới hợp đạo đức, mới hợp với tinh thần giải thoát cao cả của chúng ta.

            Tôi nhắc đến một vị Thiền sư khác, ngài Tuyết Đậu Trùng Hiển ở Trung Hoa, Ngài nhắc chúng ta cái quí của mình. Trên đường tu, có nhiều người khi tu thì quyết chí, nhưng đạo lý không thâm nhập được, nên tuy nói tu mà chỉ chạy tìm cầu bên ngoài, quên cái chân thật bên trong của mình. Tôi trích một đoạn trong bài “Thể Châu Ca” của Ngài:

                        “Bần tử y trung châu,

                        Bản tự viên minh hảo,

                        Bất hội tự tầm cầu,

                        Khước sổ tha trân bảo,

                        Sổ tha bảo, chung vô ích,

                        Chỉ thị giáo quân (vô) phí lực,

                        Tranh như nhận thủ tự gia trân,

                        Giá trị huỳnh kim thiên vạn ức…”

            Dịch:

                        Kẻ nghèo áo có châu,

                        Vốn tự tròn sáng đẹp,

                        Chẳng biết tự tìm cầu,

                        Bèn vì người đếm báu,

                        Đếm báu người trọn vô ích,

                        Chỉ là dạy anh không nhọc sức,

                        Đâu bằng nhận lấy của báu nhà,

                        Giá trị vàng ròng ngàn muôn ức...

            Đây là một đoạn thôi. Tôi giải thích: “Bần tử y trung châu” là kẻ nghèo nhưng trong áo có hạt châu. Đó là cái ý “Hệ Châu” trong kinh Pháp Hoa. “Bổn tự viên minh hảo”: hạt châu đó vốn tròn sáng đẹp; sẵn có hạt châu trong chéo áo và hạt châu đó vốn tròn sáng đẹp. “Bất hội tự tầm cầu, khước sổ tha trân bảo”: chẳng biết tự tìm cầu, trở lại đi đếm báu cho người, nghĩa là mình có hạt châu quí trong áo mà không chịu tìm, lấy ra xài, trái lại đi đếm của báu cho người khác, đó là điều lầm lẫn. Nói đếm của báu cho người khác là gì? Tức là khi chúng ta tu mà không nhận rõ ra bản thân của mình, cứ nghĩ đến chuyện cầu Phật ở bên ngoài hay là tụng kinh cho có phước nhiều v.v... đó chẳng khác nào đếm của báu cho người. Kinh Phật chủ yếu dạy chúng ta thấy rõ được cái chân thật nơi mình, như trong kinh thường dụ: kinh là ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng chúng ta lại không chịu thấy của báu, không tìm lại của báu của mình, cứ cho kinh là cứu kính (cho ngón tay là mặt trăng), như vậy chẳng khác nào người đếm của báu cho kẻ khác. “Sổ tha bảo, chung vô ích” tức là nếu mình cứ đếm của báu cho người thì trọn không có ích gì! “Chỉ thị giáo quân không phí lực”: chỉ là dạy anh không có tốn sức. “Tranh như nhận thủ tự gia trân”: đâu bằng mình nhận lấy hạt châu quí của chính nhà mình. “Giá trị huỳnh kim thiên vạn ức”: hạt châu quí đó có giá trị như ngàn vạn ức lượng vàng ròng. Như vậy ý Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng, người tu là cốt làm sao nhận nơi mình có hạt châu quí, rồi hướng về đó tìm cho được, đó mới là cái giá trị trên tất cả, nếu chúng ta quên nó để đi tìm cái gì khác, thì thật là uổng cho một đời tu. Tuy nhiên, quí vị thấy Ngài chỉ chúng ta hạt châu quí, nhưng hạt châu đó còn nằm trong áo, chớ chưa phải là chúng ta nắm được trong tay. Đã là nằm trong áo, nếu chịu khó vạch, chịu khó mở thì sẽ được. Vì vậy, tôi nhắc rằng Ngài chỉ cho chúng ta biết chúng ta là kẻ nghèo, tuy thân nghèo nhưng trong có hạt châu quí chớ không phải kẻ nghèo hoàn toàn không có gì. Như vậy tất cả Thiền sư nhìn chúng ta đều thấy giống nhau, tức là tuy nghèo mà ai cũng có hạt châu quí, chớ không phải nghèo một cách tuyệt đối không có gì cả.

            Đến một vị Thiền sư đời Thanh, Thiền sư Sở Thạch, Ngài cũng nhắc chúng ta tương tự, nhưng có những điểm hơi khác hơn là vì đa sự nên luôn luôn lầm lẫn không thấy được của báu chính mình. Nguyên văn chữ Hán:

                                    Thị chư Thiền nhân

                        Đô duyên ngụy khước tự gia tâm,

                        Chỉ quản mang mang hướng ngoại tầm

                        Bất thức thể kê hô tác phượng,

                        Hoàn tương huỳnh diệp nhận vi câm.

                        Cầu sư bạt thiệp sơn xuyên viễn,

                        Trục cảnh nhân tuần tuế nguyệt thâm.

                        Hữu vấn khước tu hướng y đạo:

                        Thùy gia thất lý một Quan Âm?

            Dịch:

                                    Chỉ các Thiền nhân

                        Nhiều duyên quên mất tâm nhà mình,

                        Chỉ nhắm xa xôi bên ngoại tìm,

                        Chẳng biết gà đều kêu là phụng,

                        Lại đem lá đỏ nhận vàng ròng,

                        Cầu thầy vượt núi trèo non khắp,

                        Theo cảnh trôi qua tháng năm dài,

                        Có hỏi cần nên đến y đáp:

                        Nhà ai trong ấy chẳng Quan Âm?

            Ngài nói rằng: “Đô duyên ngụy khước tự gia tâm”, đô duyên là nhiều duyên (đô là gồm hết) nhiều duyên quá thì sao? Ngụy là quên, “ngụy khước tự gia tâm” là quên mất cái tâm của nhà mình. Bởi vì mình nhiều duyên bên ngoài quá nên quên mất cái tâm của chính nhà mình. Trong quí vị ai có bệnh đó thì nhớ nghe! “Chỉ quản mang mang hướng ngoại tầm”: chỉ một bề mờ mờ chạy ra ngoài tìm kiếm; nay nghe nói Phật ở chỗ kia linh liền tới lễ bái, mai nghe nói vị sư ở nơi khác có cái gì lạ, lại chạy tới tìm cầu, chớ không biết hướng về tâm mình để tìm, để nhận. “Bất thức thể kê hô tác phượng”: không biết những con gà bông, những con gà đốm mà gọi là chim phượng, thấy những con gà trống có đốm trên mình, vì dốt tưởng là chim phượng. Đó là vì học đạo mà không biết được gốc nguồn, chỉ chạy ra ngoài tìm kiếm, nên chẳng khác người thấy con gà trống đẹp tưởng lầm là chim phượng. “Hoàn tương huỳnh diệp nhận vi câm”: lại đem lá vàng nhận cho là vàng; đây là trích dẫn trong kinh, Phật bảo: “tất cả những gì Phật dạy cho chúng, như là nắm lá vàng để dỗ con nít khóc”; ý nói rằng bà mẹ đi chợ, đứa con khóc đòi theo, bà mẹ không cho nó đi nhưng muốn dỗ nó nín, mới cầm một lá vàng trong tay nói: “đây mẹ cho con vàng, con đừng khóc nữa”; đứa nhỏ thấy tưởng là vàng thật nên nín khóc, nhưng giở tay ra thì chỉ là cái lá thôi. Tất cả những gì Phật dạy là những phương tiện để chỉ cái chân thật cho chúng ta, nhưng những phương tiện đó chúng ta lại tưởng là thật thì chẳng khác nào thấy lá vàng mà tưởng là vàng. Đó là điều lầm lẫn nên nói: Lại giống như lá vàng mà nhận là vàng thật. “Cầu sư bạt thiệp sơn xuyên viễn” nghĩa là chúng ta hướng ra ngoài nên nay chạy xứ này cầu thầy, mai chạy xứ kia tìm thầy, đi qua sông qua núi xa xôi, rốt cuộc rồi không đến đâu. “Trục cảnh nhân tuần tuế nguyệt thâm” là chạy theo cảnh theo người mà mất hết thời gian. “Hữu vấn khước tu hướng y đạo”: nếu người đó có hỏi thì lại nên nói với y rằng: “Thùy gia thất lý một Quan Âm”: nhà ai  trong ấy chẳng Quan Âm? Trong nhà nào cũng có thờ đức Quan Âm phải không? Nhà đó là nhà nào? Nhà tứ đại phải không? Nhà tứ đại ngũ uẩn nào cũng có thờ đức Quan Âm cả.

            Qua bài này, Ngài chủ ý dạy chúng ta muốn tu, đầu tiên phải bớt duyên, bớt duyên mới có thể nhận ra bản tâm của mình; trái lại nếu nhiều duyên quá thì thế nào cũng quên bản tâm. Quên bản tâm thì học đạo, cầu đạo chỉ một bề hướng ra ngoài tìm kiếm, như thế là lầm lẫn chẳng khác nào cho gà trống là chim phượng hay lá vàng là vàng thật vậy. Đã hướng ra ngoài tìm thì nghe đây nghe kia chạy tìm thầy, tìm người, rốt cuộc hết ngày, hết tháng, vẫn không thấy được cái chân thật. Thế nên với người đó phải nhắc họ rằng: Nhà ai trong ấy chẳng Quan Âm? Trong nhà nào cũng có Phật, đừng đi tìm ở đâu xa, đừng lang thang núi này núi nọ để tìm cầu, ngay trong nhà mình đã có đức Quan Âm rồi. Như vậy người học đạo chúng ta phải biết đạo không phải là cái gì ở bên ngoài mà chính là cái sẵn có nơi chúng ta, chúng ta phải thức tỉnh, cần phải xoay trở lại chớ không phải rong ruổi tìm cầu bên ngoài mà được. Đó là chỗ thiết yếu; nếu chúng ta cứ một bề rong ruổi theo bên ngoài, dù cho hết một đời cũng không bao giờ thấy đạo.

            Bài này tôi tạm dịch:

                        Duyên nhiều quên hết tự gia tâm,

                        Chỉ nhắm xa xôi bên ngoại tầm

                        Chẳng biết gà bông mà gọi phụng,

                        Lại đem lá đỏ nhận vàng ròng,

                        Cầu thầy vượt núi trèo non khắp,

                        Theo cảnh trôi qua năm tháng thâm

                        Có hỏi cần nên đến y đáp:

                        Nhà ai trong ấy chẳng Quan Âm?

            Quí vị thấy câu cuối cùng là một câu chí lý, nhà ai trong ấy chẳng Quan Âm? Như vậy chỉ cần tìm đức Quan Âm ngay trong nhà mình phải không? Đừng quên Quan Âm trong nhà mình, nếu cứ tìm Quan Âm ở Phổ Đà Sơn hay ở núi nào khác thì quá xa phải không? Đó là những lời của người xưa nhắc nhở cho chúng ta thức tỉnh, biết rằng tu là phải nhận chân nơi mình, chớ đừng quên mình mà đi cầu bên ngoài.

            Sau cùng là một bài kệ, tôi trích trong bài “Cư Trần Lạc Đạo” của Sơ tổ Trúc Lâm, ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Bài phú dài lắm, cuối bài phú Ngài có viết bốn câu kệ bằng chữ Hán, tôi đọc và dịch cho quí vị nghe:

                        “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

                        Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

                        Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,

                        Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

            “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”, cư là ở, trần là bụi bặm, lạc đạo là vui với đạo; ở trong cảnh bụi bặm mà vui với đạo thì phải thế nào? Hãy tùy duyên. Tùy duyên bằng cách nào? “Cơ tắc xan hề khốn tắc miên” là đói thì ăn, mệt thì ngủ. Tùy duyên là tùy như thế; đói thì ăn, mệt thì ngủ. Tại sao Ngài dạy tùy duyên bằng cách đó? Bởi vì nếu chúng ta biết đạo thì đạo không phải là những gì xa xôi kỳ lạ, mà chính là cái chân thật sẵn có nơi mình, như chúng ta thấy qua lời truyền tâm của Phật cho Tổ Ca-diếp thì ngay trong cái thấy, cái nghe đã có đạo rồi. Như vậy nếu chúng ta nhận được đạo ngay đó thì tùy duyên đói thì ăn, mệt thì ngủ, chớ không thêm sự suy tính nghĩ lo gì nữa, thế là biết tùy duyên. “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích”, là ngay trong nhà mình có hòn ngọc báu, đừng tìm kiếm bên ngoài nữa. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, câu cuối là câu tôi thích nhất. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” là mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng nhưng tâm mình không dính mắc vào cảnh, vào tiếng thì khi ấy đừng hỏi thiền làm gì? Tại sao? Vì đó là thiền rồi, phải không? Thiền là như thế, chớ đừng nghĩ rằng thiền là cái gì xa xôi kỳ lạ, nghĩa là mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng mà không dính không mắc thì đó là người tu Thiền. Nhưng chúng ta từ trước đến nay cứ nghĩ thiền là phải làm sao ngồi cho tỏa hào quang ra, đó mới là thiền, chớ không ngờ ngay nơi cảnh mà không dính, không mắc đó là thiền rồi. Như thế quí vị thấy đối với cảnh, tâm chúng ta không dính không mắc, đó là tu thiền và cũng chính khi ấy hạt châu biểu lộ. Thế nên tu không phải là những dụng công nhọc nhằn, những cố gắng khổ sở, mà chính là cái khéo léo làm sao ở trong cõi đời điên đảo, tâm mình vẫn an lạc. Nếu tâm chúng ta an lạc được thì cảnh nào đến, chúng ta tùy đó ứng dụng chớ không đòi hỏi, không tìm kiếm.

            Tóm lại, khi chúng ta đối cảnh, tâm không dính không mắc đó là chúng ta đã tu thiền và cũng chính đó là hạt châu nơi tâm mình hiện bày. Như vậy là hiểu đạo, là học đạo chớ đừng nghĩ rằng học đạo phải tìm cái gì xa xôi, đạo là cái gì ở trên trời hay ngoài biển. Đạo chính là cái sẵn có nơi mình. Bài này ông Hoàng Xuân Hãn dịch:

                        Ở đời vui đạo mặc tùy duyên,

                        Hễ đói thì ăn, khó ngủ liền.

                        Báu sẵn trong mình thôi chạy kiếm,

                        Lặng lòng đối cảnh, chẳng tham thiền.       

            Quí vị chỉ cần lặng lòng đối cảnh thì không phải tham thiền chi nữa; trái lại nếu ngồi thiền mãi mà gặp cái gì dính cái ấy thì ngồi thiền có công nhưng kết quả chưa có. Thế nên chúng ta biết tu, phải khéo ứng dụng cho đúng.

            Trên đây tôi dẫn các vị Thiền sư từ Trung Hoa đến Việt Nam để nhắc nhở quí vị nhớ ứng dụng, nhưng câu chuyện mà tôi hằng nhớ, hằng nhắc nhiều nhất là chuyện ngài Phù Dung. Ngài Phù Dung là ai? Tức là Thiền sư Đạo Giai. Ngài tu hành đức hạnh cao nên được quan địa phương tâu về triều đình. Triều đình nhà Tống quí các vị đạo đức, nên nhà vua mới phong tước hiệu và ban tử y cho Ngài. Khi viên quan địa phương đem sắc lịnh phong tước hiệu và ban tử y đến, Ngài từ chối không nhận. Việc Ngài không nhận được tâu lên triều đình, nhà vua ra lệnh bắt điều tra và đánh. Quan địa phương thấy một người tu đức hạnh mà bị đánh đập thì không nỡ, nhưng lịnh trên không dám trái, nên mời Ngài đến. Khi Ngài đến, viên quan nói: “Theo luật, người bệnh thì không bị điều tra, nay thấy Hòa thượng thân thể gầy ốm, có lẽ Hòa thượng bệnh chăng?” Nếu chúng ta, khi ấy nói thế nào? - “Chúng tôi bệnh vô kể v.v...” Tư cách của chúng ta hiện nay chắc là như vậy, nhưng ngài Đạo Giai thì không phải như vậy Ngài nói: “Bần đạo thân tuy ốm, nhưng không có bệnh.” Không có bệnh thì phải bị đánh, bị điều tra. Quí vị thấy người xưa thà chịu bị đánh, nhưng không nói dối, còn chúng ta hiện nay thì sao? Nhiều chuyện chưa quan trọng gì cả, đã nói dối trước rồi, phải không? Nghĩa là khi hỏi đến điều gì hơi mất giá trị mình, liền tráo trở để cho giá trị mình được tăng, chớ không cho giảm. Như vậy để thấy tâm niệm tu hành của chúng ta còn non yếu, không cứng cỏi như người xưa. Đạo là cái chỗ chân thật, như trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói “trực tâm thị đạo tràng”, nghĩa là tâm ngay thẳng đó là đạo tràng. Tâm chúng ta hiện nay quanh co, làm sao lập đạo tràng được? Vì thế người tu chúng ta phải gan, phải dám nói những lời chân thật, dù có những điều khổ đến với mình, mình cũng không sợ, huống nữa là những lời thật chỉ có mất giá trị một ít thì sợ làm gì phải không? Như vậy để giữ cho giá trị đạo đức không mất, không tiêu hao. Nói như vậy để cho quí vị thấy rằng trên đường tu, chúng ta phải gìn thân, gìn khẩu cho xứng đáng là người tu, thân thì phải nghèo, ăn đạm bạc, mặc rách rưới, ngôn ngữ phải thật thà, như vậy mới hợp với người tu. Nếu tu mà xảo quá cũng không được, sang quá cũng không được, ăn ngon quá cũng không được, phải không? Đó là những điều chúng ta phải nhớ.

            Ngài Phù Dung nói một câu mà sau này thường dẫn là: “Ngộ thanh, ngộ sắc như thạch thượng tài hoa; kiến lợi, kiến danh như nhãn trung trước tiết.” Ngài nói rằng: “Gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá; thấy lợi, thấy danh cũng như bụi rơi trong con mắt.” Chúng ta được như thế chưa? Ngài nói để nhắc chúng ta thấy sắc đẹp, nghe âm thanh hay mà vẫn như hoa trồng trên đá. Hoa trồng trên đá có ra rễ nổi không? Nghĩa là không dính dáng gì tới mình hết. Còn thấy lợi thấy danh cũng như bụi rớt trong con mắt, xốn lắm! Chúng ta hiện nay con mắt mờ mờ, thấy lợi thấy danh thì sáng lên phải không? Nó sáng lên chớ không phải như bụi rớt. Đó là tôi nhắc để tất cả quí vị thấy rõ trên đường tu, chúng ta phải đủ những tư cách như vậy.

            - Một là phải biết rằng chúng ta là kẻ bần tăng, là người nghèo, chớ không phải người giàu; đã là người nghèo thì phải xử sự đúng tinh thần của người nghèo.

            - Hai là chúng ta phải chấp nhận mọi sự khen chê, chúng ta đều thấy như uống nước cam lồ, chớ không phải thấy là cái khó, cái khổ.

            - Ba là sự sống của chúng ta rất đạm bạc, ăn uống đơn sơ, mặc cũng đơn sơ.

            - Bốn là dù gặp những trường hợp làm cho chúng ta bị mất chút ít uy tín, nhưng cần nói thẳng, nói thật, thì chúng ta cũng chấp nhận, chớ đừng dối trá làm mất tâm đạo đức của mình.

            - Năm là ngay nơi chúng ta đã có hòn ngọc quí không phải tìm cầu ở đâu nữa. Chỉ cần khéo nhận ra để sử dụng.

            - Sáu là Thiền không phải là cái gì khác lạ mà chính là chỗ đối cảnh vô tâm. “Đối cảnh vô tâm” tức là Thiền chớ không phải cầu kiếm cái gì lạ nữa hết. Đó là chủ yếu tôi muốn nhắc quí vị hôm nay.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM