XUÂN TRONG CỬA THIỀN

TẬP 1, 2, 3.

H.T THÍCH THANH TỪ

BÌNH THƯỜNG TÂM THỊ ĐẠO

XUÂN ẤT SỬU 1985

            Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

            Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán năm Ất Sửu, là năm 1985 D.L., tất cả quí Tăng Ni và Phật tử tới chúc mừng năm mới đáp lại lòng tốt của quí vị, tôi xin nói chuyện nhiều, trước nhất là để nhắc cho quí vị nhận ra cái chân thật nơi mình để ứng dụng tu hành, thứ nữa để quí vị cùng tôi, chúng ta sống được cái chân thật này tròn một năm hay là từ đây về sau hằng được chân thật. Hôm nay tôi không tiếc những sợi lông mày, vì quí vị mà nói trắng ra những điều gì cần nói, đó là chủ yếu buổi nói chuyện hôm nay với đề tài là: “BÌNH THƯỜNG TÂM THỊ ĐẠO”. Đề tài này quí vị chắc cũng thường nghe, chúng tôi không nói những chuyện gì mới lạ ở đâu xa, chỉ dẫn những chuyện cũ mà quí vị từng nghe chúng tôi giảng những năm về trước, nhưng ở đây chúng tôi nói lại có khác hơn thuở xưa; bởi vì ngày trước chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi chỉ nói tổng quát hay là gần một chút để cho quí vị thầm nhận, nếu ai không nhận được thì qua những buổi khác hoặc qua thời gian tu rồi cũng có thể nhận, chớ chúng tôi không nói trắng, không nói thẳng. Nhưng hôm nay chúng tôi sẽ nói thẳng ra cho quí vị thấy, nếu quí vị thấy rồi ứng dụng được thì đó là một điều rất quí mà chúng tôi mong mỏi.

            Trước tiên tôi dẫn câu chuyện ngài Triệu Châu đến hỏi đạo ngài Nam Tuyền. Ngài Triệu Châu hỏi ngài Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?” Ngài Nam Tuyền đáp “Tâm bình thường là đạo”, nói theo chữ Hán là “bình thường tâm thị đạo”. Ngài Triệu Châu hỏi: “Lại có thể nhằm tiến đến chăng?” Nếu nói tâm bình thường là đạo như vậy mình có thể nhằm tiến tới để được tâm đó hay không? Ngài Nam Tuyền trả lời: “Nghĩ nhằm tiến đến là trái.” Vừa nghĩ tiến đến để đạt đạo là trái với đạo rồi. Ngài Triệu Châu hỏi thêm: “Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?” Theo quan niệm của ngài Triệu Châu là muốn biết đạo phải do nghĩ mà biết, nay không do nghĩ tiến đến thì làm sao biết đạo? Ngài Nam Tuyền đáp: “Đạo chẳng thuộc biết, chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký, nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không thênh thang rỗng rang, đâu thể dối nói phải quấy.” Ngay đó Sư ngộ, như vậy ngang đó ngài Triệu Châu liền ngộ, còn quí vị ngộ chưa?

            Bởi chưa ngộ, nên nay tôi mới giải thích trắng ra cho quí vị  thấy. Tất cả chúng ta, người học đạo hay người tầm đạo, ai cũng nghĩ rằng trên đường tu mình phải tìm cho được đạo hay là thấy cho được đạo; nhưng muốn tìm được đạo, thấy được đạo phải làm sao? Chúng ta cứ nghĩ rằng đạo là cái gì quí giá cao cả ở ngoài mình, chớ không phải ở nơi mình, thế nên mình cứ nghĩ tìm đạo; ngài Triệu Châu cũng có tâm niệm tương tự chúng ta, Ngài đến hỏi ngài Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?” Ngài Nam Tuyền chỉ thẳng: “Tâm bình thường là đạo.” Quí vị nghĩ “tâm bình thường” là tâm như thế nào? Ngồi đâu cũng nghĩ chuyện năm trên năm dưới, đó là tâm bình thường phải không? Vừa có dấy niệm lên là động, mà động là bất bình thường. Thế nên cái tâm bình thường là cái tâm phẳng lặng không động, tâm đó là đạo, chớ chẳng đâu xa, cũng như nói mặt nước phẳng là khi nào không dậy sóng, phải không? Nếu dậy sóng thì mặt nước không còn phẳng nữa, phẳng tức là lặng lẽ, là bình thường, vừa dấy sóng lên là động, là bất bình thường. Như vậy ngài Nam Tuyền không ngại chỉ thẳng cho chúng ta thấy rằng “Tâm bình thường là đạo” chớ không phải cái gì xa xôi. Đạo là cái tâm bình thường đó. Qua câu nói đó ngài Triệu Châu chưa hài lòng, Ngài nói: “Lại có thể nhằm tiến đến chăng?” Nếu tâm bình thường như vậy thì tôi có thể tiến đến để đạt đạo được chăng? Quí vị thấy Ngài nói tiến đến để đạt đạo, thì cái nghĩ tiến đến là bình thường hay bất bình thường? Vừa nghĩ tiến đến là đã bất bình thường, mà bất bình thường là mất đạo; vì vậy ngài Nam Tuyền trả lời: “Nghĩ nhằm tiến đến là trái.” Trái với cái gì? Trái với đạo! Bởi vì vừa nghĩ tiến đến đã là động, mà động tức là bất bình thường, cho nên trái với đạo. Cũng như mặt nước phẳng nếu dấy sóng lên là trái với mặt nước phẳng, phải không? Vì vậy nên nói nghĩ nhằm tiến đến là trái. Nhưng ngài Triệu Châu cũng chưa hài lòng, Ngài nghĩ đạo là cái gì phải do suy nghĩ mà biết mới gọi là đạo, chẳng lẽ tâm bình thường lặng xuống là đạo hay sao? Vì vậy Ngài mới hỏi thêm: “Khi chẳng nghĩ làm sao biết đạo?” Nếu không suy nghĩ gì cả làm sao biết đó là đạo, phải không? Nghĩa là đạo là cái mình hay suy nghĩ mà biết, nhận ra, nay không cho suy nghĩ, không cho biết thì làm sao biết đó là đạo? Ngài Nam Tuyền mới bảo “Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký”, nghĩa là tâm lặng lẽ đó là đạo, vừa dấy biết thì đó là vọng giác, còn không biết gì cả đó là vô ký, cả hai đều sai. Nếu thật đạt đạo, tức là thật nhận ra cái đó thì sao? Thì không còn nghi ngờ gì nữa cả, chỗ đó nó thênh thang như hư không rỗng rang, không có thể nói là phải hay là quấy, nghĩa là vừa nói quấy là hai bên, mà hai bên là trái với đạo. Ngay đó ngài Triệu Châu ngộ, như vậy thì ngài Triệu Châu ngộ được tâm bình thường là đạo. Quí vị thấy chỗ đó chưa? Đây là tôi nói trắng quá rồi chắc không còn ai nghi ngờ gì nữa.

            Để tôi dẫn thêm một Thiền sư khác, đó là Thiền sư Đạo Ngộ. Ngài Sùng Tín là một ông thợ làm bánh bao ở trước cổng chùa, như vậy chúng ta biết trình độ văn hóa của ông đến đâu rồi, phải không? Là một người làm nghề bánh bao, nhưng được cái tốt là biết phát tâm cúng dường, nên hôm nào cũng đem vài cái bánh bao đến cúng thầy (tức Thiền sư Đạo Ngộ). Cứ như thế trong một thời gian, ngài Đạo Ngộ nghĩ thương tình người có đạo tâm, nên một hôm khi Sùng Tín đem bánh bao cúng cho Ngài, Ngài chỉ nhận phân nửa, còn phân nửa Ngài trả lại và nói: “Ta cho lại ngươi để về nuôi dưỡng con cháu”, Sùng Tín ngạc nhiên quá, thưa rằng: “Con cúng cho Thầy mà Thầy cho lại con để làm gì?” Đạo Ngộ nói: “Ngươi cúng cho ta, ta cho lại ngươi thì có lỗi gì?”. Câu chuyện đối đáp đó làm ông băn khoăn: Tại sao mình cúng cho thầy mà thầy cho lại mình? Suy nghĩ một lúc không biết ông hiểu làm sao rồi phát tâm đi tu. Khi ông xin xuất gia, Đạo Ngộ nói: “Được, ta cho ngươi xuất gia.” Sau khi Ngài xuất gia, ngài Đạo Ngộ bảo: “Nay ông làm thị giả cho ta, ta sẽ chỉ tâm yếu cho ông.” Từ đó Sư bắt đầu làm thị giả, mãi đến hai ba năm không thấy Đạo Ngộ chỉ dạy tâm yếu gì cả. Cho đến một hôm thắc mắc quá, Sư ẩn nhẫn không nổi mới ra hỏi thầy: “Từ ngày con vào đây đến nay chưa được Thầy chỉ tâm yếu.” Đạo Ngộ bảo: “Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.” Nghĩa là Sùng Tín thấy từ ngày thầy bảo làm thị giả hứa dạy tâm yếu, mà cả mấy năm chưa dạy câu nào nên Sư phải hỏi. Khi Sư hỏi thì Đạo Ngộ nói rằng: “ Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.” Quí vị thấy có nghi không? Thế nên Sư nghi, hỏi thêm: “Thầy chỉ dạy ở chỗ nào?” Đạo Ngộ bảo: “Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?” Như vậy chỉ dạy tâm yếu không có lời phải không? Nghĩa là dâng trà thì vì đưa tay mà tiếp, nếu dọn cơm xong mời thì bắt đầu đến ngồi cầm đũa, phải không? Cho tới xá lui ra thì gật đầu, chỗ nào mà không chỉ dạy tâm yếu. Sùng Tín cúi đầu im lặng suy nghĩ, nghĩ tại sao việc đó là tâm yếu? Sư vừa suy nghĩ, Đạo Ngộ liền bảo: “Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.” Qua câu nói đó, Sư ngộ, liền hỏi thêm “làm sao giữ gìn”? Đạo Ngộ bảo: “Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm chẳng có thánh giải khác.” Đó là điểm đặc biệt, tôi giải thích thêm cho quí vị thấy cái chủ yếu.

            Khi người thị giả dâng chung trà, mình đưa tay nhận chung trà, lúc đó có suy nghĩ gì không? Mà có biết không? Đó nhận chung trà mà không có một niệm suy nghĩ gì cả. Khi người thị giả dọn cơm sẵn, xá mời thì mình bước tới ngồi và cầm đũa, lúc đó thế nào? Ngồi cầm đũa đâu có gì phải suy nghĩ? Khi người thị giả xá chào lui thì mình gật đầu, trong giai đoạn gật đầu đâu có suy nghĩ gì phải không? Như vậy trong những động tác hằng ngày của chúng ta mà không có một niệm nghĩ suy, đó là tâm yếu rồi, phải không? Tâm yếu hiện rõ ràng trong mọi hành động, nếu thấy được chỗ đó thì chỗ nào mà không chỉ tâm yếu? Không dạy tâm yếu? Như vậy quí vị thấy tâm yếu này có giống tâm bình thường ở trên không? Đâu có hai phải không? Nhưng ở đây đặc biệt là khi Sùng Tín cúi đầu suy nghĩ: Việc đó sao gọi là tâm yếu? Vừa suy nghĩ thì Đạo Ngộ nói thẳng một câu: “Thấy thì thẳng đó liền thấy.” Trong những hành động, ngay đó mà thấy, vừa suy nghĩ liền sai; chúng ta thấy rõ tâm yếu là gì rồi phải không? Nên ngay câu đó Sư mới ngộ, chớ khi kể những hành động trên Sư chưa ngộ được. Đến khi Sư suy nghĩ, Đạo Ngộ nói: “thấy thì thẳng đó liền thấy suy nghĩ liền sai”, ngay đó Sư ngộ. Nhưng khi ngộ rồi, làm sao gìn giữ để đừng mất tâm yếu đó? Đấy là vấn đề then chốt. Khi hỏi “làm sao gìn giữ” thì Đạo Ngộ trả lời: “Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm chẳng có thánh giải khác.” Rất nhiều người hiểu lầm các câu này: “Mặc tánh tiêu dao” nghĩa là thế nào? Nghĩa là chúng ta thổi sáo, đi dọc đường dọc sá như là người điên phải không? Thong thả rong chơi xứ này xứ nọ, thổi sáo thổi kèn hoặc là đàn địch v.v... Như vậy có phải là “nhậm tánh tiêu dao” không? Quí vị thấy phải không? “Nhậm tánh tiêu dao” hay mặc tánh tiêu dao là thế nào? Quí vị nhớ tánh tiêu dao chớ không phải thân tiêu dao, phải rõ chỗ đó. Tánh của mình thế nào mà gọi là mặc tánh tiêu dao? Tánh thấy, tánh nghe có động không? Có giới hạn không? Bởi nó không động, không giới hạn cho nên nó thênh thang; trong cái thênh thang không động đó, cứ mặc nó đừng kiềm đừng giữ thì đó là mặc tánh tiêu dao; chớ không phải nói mặc tánh tiêu dao rồi cầm ống sáo đi nơi này, nơi kia thổi, rồi nói tôi mặc tánh tiêu dao. Đó là cuồng Tăng chớ không phải tiêu dao, nhớ như vậy; đa số người hiểu lầm điểm đó. Tánh của mình là thênh thang, là lặng lẽ, không bận không phiền, mình đừng thêm một cái gì cho nó nữa, đừng kềm đừng giữ thì đó gọi là tánh tiêu dao. Còn chúng ta lâu nay tu là kềm là giữ, bởi kềm giữ nên nó trái với tự tánh. Quí vị phải hiểu cho thật rõ chỗ đó. Lại có một số người hiểu lầm chữ tùy duyên phóng khoáng. Tùy duyên là duyên đến thì mình theo đó; phóng là buông, khoáng là rộng rãi; tùy duyên là buông hết, không vướng, không bận, không bị điều gì làm phiền nhiễu, đó gọi là tùy duyên phóng khoáng. Chúng ta đâu không nghe bài kệ của ngài Sơ tổ Trúc Lâm: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”, nghĩa là ở trong chỗ bụi bặm mà vui với đạo,tức là vui với tâm bình thường đó, rồi hãy  tùy duyên. Tùy duyên như thế nào? “Cơ tắc xan hề khốn tắc miên”: đói thì ăn, mệt thì ngủ đó gọi là tùy duyên. Đói ăn mệt ngủ là tùy duyên là phóng khoáng.

            Còn gặp quán rượu thì bước vào hay thấy rạp hát thì lao tới, phải đó là tùy duyên phóng khoáng không? Quí vị thấy phải không? Tùy duyên phóng khoáng là đến ăn thì ăn, đến mặc thì mặc, đến nghỉ thì nghỉ, không để một niệm nào làm rối, làm bận lòng mình. Buông hết những tâm niệm, lòng mình thênh thang rộng rãi đó gọi là tùy duyên phóng khoáng. Thí dụ chúng ta cầm chổi quét chùa hay đi nhổ cỏ mà tâm vẫn thênh thang rộng rãi, đó là tùy duyên phóng khoáng, chớ không phải nói tùy duyên phóng khoáng rồi đến tiệm, ngồi quán hoặc gặp cái gì làm cái ấy bất kể tốt xấu. Tùy duyên phóng khoáng là trong cuộc sống bình thường: ăn, mặc hay làm công tác trong phạm vi nhà chùa, trong phạm vi đạo đức mà không bận lòng, không có vọng tưởng, tâm vẫn an nhiên tự tại, đó mới gọi là tùy duyên phóng khoáng. Đừng như một số cuồng Tăng hiện nay, nói phóng khoáng rồi bày ra những chuyện tầm phào, gặp nữ sắc cũng không kỵ, gặp rượu chè cũng không tránh, ai mời vào tiệc rượu cũng ngồi, rồi nói tôi tùy duyên phóng khoáng. Trong nhà thiền gọi đó là cuồng thiền, chớ không phải tùy duyên phóng khoáng. Chính những trọng điểm này tôi muốn nhắc thật kỹ đó quí vị hiểu mà tu, chớ để nhiều khi hiểu lầm một chữ mà có thể là họa trên đường tu của mình. Tôi nhắc lại: Tánh của chúng ta lặng lẽ thênh thang, chúng ta không phải kềm, không phải giữ, đó là mặc tánh tiêu dao; còn gặp công tác nào làm công tác ấy, gặp ăn thì ăn, gặp nghỉ thì nghỉ, mà tâm chúng ta vẫn lặng lẽ thênh thang đó là tùy duyên phóng khoáng. Ăn, nghỉ, mặc, trong nề nếp đạo đức, chớ không phải ăn, mặc, nghỉ theo cách của nhiều người nói “đói thì ăn”, rồi khi xuống chợ, đói liền vào quán ngồi ăn, hay khi đi đường mệt thì nằm ì ngoài đường ngủ rồi nói “mệt thì ngủ”.  Đó gọi là cuồng thiền, thiền hiểu một cách loạn không đúng lẽ thật, làm trái với tư cách người tu, làm trò cười cho thiên hạ, đó là những kẻ hiểu lầm. “Tùy duyên phóng khoáng” là tùy theo hoàn cảnh, đến ăn thì ăn, đến mặc thì mặc, như trong những câu chuyện vừa kể trên: dâng trà thì tiếp trà, dâng cơm thì nhận cơm, xá chào thì cúi đầu. Tùy duyên phóng khoáng là như thế! “Chỉ hết tâm phàm chẳng có thánh giải khác”, chủ yếu là hết tâm phàm. Tâm phàm là tâm nào? Là tâm vọng tưởng điên đảo. Buông xả hết những tâm vọng tưởng điên đảo là đủ, đó là đạo, chớ đừng mong thấy gì đặc biệt hay tuyệt vời. Thường người tu hay mong thấy những gì kỳ đặc, mong có những tiếng lạ, mong có những điều huyền diệu; thế nên khi lặng hết vọng tưởng, chúng ta chưa hài lòng, chúng ta muốn thấy hào quang, muốn biết bay v.v... Đó là muốn có cái gì của thánh đem vào mình, đó là cái bệnh của đa số người tu; vì vậy nên Ngài dạy: “chỉ hết tâm phàm”, tức là những vọng tưởng điên đảo của chúng ta sạch hết thì đó là thánh rồi, chớ đừng đòi cái thánh nào thêm nữa. Thế nên, “chỉ hết tâm phàm, chẳng có thánh giải khác”, không có thánh giải nào ở ngoài đến, ngừng ngay phàm tình tức là vọng tưởng, nó là chủ của nghiệp, là nhân của luân hồi sanh tử, hết nhân đó là giải thoát sanh tử phải không? Chỗ không sanh, không diệt nhưng hằng tri hằng giác là cái bất sanh, bất tử, như vậy bất sanh bất tử không phải thánh là gì? Thế mà chúng ta đòi thêm Thánh nữa, có phải là đầu lại thêm đầu hay không? Thế nên ở đây Ngài chỉ thẳng cho chúng ta biết “chỉ hết tâm phàm”, tức là chỉ cần hết vọng tưởng thôi, đừng đòi thêm điều gì khác nữa. Có nhiều người thường hỏi tôi, sau khi vọng tưởng lặng hết thì còn cái gì, tức là muốn làm sao? Muốn thêm Thánh giải nữa phải không? Tôi chỉ trả lời: Ráng hết vọng tưởng giùm tôi đã, rồi việc kia sau, đừng có đòi. Nhưng người tu ai cũng mong hết được cái này phải có cái gì khác, chớ không ngờ hết cái này thì là Thánh mất rồi! Như vậy quí vị mới hiểu chủ yếu của người tu là dứt mầm sanh tử luân hồi, khi nhân sanh tử luân hồi hết, đó là giải thoát, chớ không còn cái giải thoát nào khác nữa. Vì vậy nên hết tâm phàm là hết luân hồi, hết luân hồi là giải thoát, đừng đòi thêm Thánh giải nào khác nữa. Hết tâm phàm thì ngay nơi đó là đạo, phải không? Như vậy quí vị mới thấy chỗ thiết yếu của ngài Đạo Ngộ dạy. Sau khi chúng ta nhận được hay tâm yếu trong mọi hành động của mình, muốn  gìn giữ nó thì phải mặc tánh tiêu dao tức là đừng kềm đừng giữ.  Có nhiều người nói “giữ tâm thanh tịnh” thì tôi hay nhắc giữ là sai, giữ là trái với mặc tánh tiêu dao. Vì cái thanh tịnh đó là tự tánh của mình mà giữ nó tức nhiên là bị kềm, hết tiêu dao, phải không? Còn tùy duyên phóng khoáng là theo duyên gặp hành động nào thì thực thi hành động đó, gặp ăn thì ăn, mặc thì mặc, nghỉ thì nghỉ, nhưng tâm thênh thang rộng rãi, chớ không phải nói tùy duyên phóng khoáng rồi làm những điều trái đạo đức. Lâu ngày tâm phàm tự hết, khi ấy không cần thánh giải nào khác, vì tự nó là Thánh. Đó là chỗ chỉ dạy đầy đủ của ngài Đạo Ngộ.

            Tôi dẫn thêm một câu chuyện nữa, như trong đoạn đầu chúng ta thấy ngài Triệu Châu ngộ đạo nơi ngài Nam Tuyền, ngộ ngay chỗ “bình thường tâm là đạo” nên sau này Ngài dạy lại đồ đệ, đây tôi dẫn câu chuyện: Một hôm có vị Tăng mới vào chùa, đến thưa với Ngài rằng: “Con mới vào tùng lâm, xin Thầy chỉ dạy.” Ngài Triệu Châu hỏi: “Ăn cháo xong chưa?” Tăng thưa: “Ăn xong.” Ngài bảo: “Rửa bát đi.” Dạy cái gì lạ vậy? Người ta nói giải thoát nói giác ngộ v.v... phải không? Đây chỉ hỏi “ăn cháo xong chưa”, khi ông Tăng trả lời “ăn xong”, Ngài bảo “rửa bát đi”, ngay đó ông Tăng ngộ. Như vậy ông Tăng ngộ cái gì? Cái ngộ này có khác với cái ngộ của ngài Sùng Tín hay không?

            Dâng trà thì tiếp, dâng cơm thì nhận, xá lui ra thì cúi đầu. Ở đây ăn cháo xong thì rửa bát, có phải là “Bình thường tâm” hay không? Như thế quí vị mới thấy rõ các ngài chỉ dạy lại nhau cái đó, chớ chẳng cái gì khác hơn, chính cái mình đã nhận được nơi thầy thì đem truyền lại cho đệ tử, nhưng truyền lại một cách rất lạ lùng phải không? Không ai có thể hiểu nổi! Tại sao bảo ăn cháo, bảo rửa bát mà lại ngộ đạo, đạo ở chỗ nào? Vì vậy nên sau này Thiền sư Hoằng Trí có làm một bài tụng để ca ngợi chỗ đó. Ngài nói:

                        “Chúc bãi linh giao tẩy bát bồn,

                        Hoát nhiên tâm địa tự tương phù.

                        Như kim tham bảo tùng lâm khách,

                        Thả đạo kỳ gian hữu ngộ vô?”

            Tôi tạm dịch:

                        “Cháo xong liền dạy rửa chén tô,

                        Bỗng dưng tâm địa tự tương phù

                        Hiện nay là khách tùng lâm cũ,

                        Hãy nói khoảng này có ngộ không?”

            Chúng ta ở trong tùng lâm mười năm, mười lăm năm có bằng vị Tăng bảo ăn cháo, bảo rửa chén đó không? Thật là đơn giản, mới vào mà bảo “ăn cháo đi”, thưa “ăn cháo xong”; bảo “rửa bát đi” liền ngộ đạo. Quí vị thấy người xưa dạy: Đạo là chỗ bình thường đó. Ăn cháo rửa bát có phải là mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng hay không? Hiểu được đoạn trên thì đến chỗ này chúng ta không thấy lạ.

            Đến câu chuyện thứ tư: Ngài Động Sơn Thủ Sơ, khi còn là một Thiền khách, Ngài đến hỏi đạo nơi ngài Vân Môn, ngài Vân Môn hỏi: “Ông vừa rời chỗ nào?” Ngài thưa: “rời Tra Độ”, tức là từ Tra Độ đến. Ngài Vân Môn hỏi: “Mùa hạ ở đâu?” Thủ Sơ đáp: “Ở chùa Báo Ân tại Hồ Nam.” Vân Môn hỏi: “Rời chỗ kia lúc nào?” Thủ Sơ đáp: “Ngày 25 tháng 8.” Vân Môn bảo: “Tha ông ba gậy! Đến nhà tham thiền đi.” Quí vị có thấy thắc mắc không? Có lỗi gì mà bảo “tha ông ba gậy, xuống nhà tham thiền đi”. Thủ Sơ làm lỗi gì? Nếu không có lỗi tại sao tha ba gậy? Đó là cái kỳ đặc của ngài Vân Môn. Đọc sách thiền, đến đoạn này, ai cũng bóp trán, phải không? Hỏi đâu nói đó một cách thật thà không một chút điêu ngoa, tại sao lại tha ba gậy, rồi bảo xuống nhà tham thiền. Đó là một thắc mắc, mà chính sư Thủ Sơ cũng thắc mắc; có lẽ trưa đó Sư ngủ không được, cho nên đến chiều Sư đi thẳng vào thất của ngài Vân Môn hỏi: “Bạch Hòa thượng khi sáng con có lỗi gì?” Nếu ở trường hợp Sư, chúng ta cũng thắc mắc như vậy. Ngài Vân Môn nói: “Cái túi cơm, Giang Tây, Hồ Nam là thế ấy!” Quí vị thấy Ngài nói làm sao? Ngài quở “cái túi cơm! Giang Tây, Hồ Nam là thế ấy”, Giang Tây tức là chỗ của Mã Tổ, Hồ Nam là chỗ của ngài Thạch Đầu. Đó là hai vị Thiền sư nổi tiếng đời Đường. “Là thế ấy” nghĩa là sao?

            Quí vị thấy hỏi “ở đâu” - thưa “ở Tra Độ” - hỏi “mùa hạ ở đâu” - thưa “ở chùa Báo Ân tại Hồ Nam” - hỏi “rời chỗ kia lúc nào” - thưa “ngày 25 tháng 8”; đó có phải là chuyện bình thường hay không? Trả lời như vậy có cần phải suy nghĩ gì không? Hỏi đâu đáp đó rõ ràng bình dị, không phải suy nghĩ gì cả. Trong khi hỏi đáp bình thường không bận suy nghĩ đó có phải là tâm bình thường hay không? Chính chỗ đó. Nhưng Ngài muốn làm cho nổi sóng, nổi gió nên Ngài nói “tha ông ba gậy”, đó là nổi sóng đó. Chúng ta không hiểu lỗi tại chỗ nào, đó là cái kỳ đặc của ngài Vân Môn, ta phục Ngài là phục ở điểm đó. Câu “tha ba gậy” làm cho mình thắc mắc băn khoăn không biết tại sao câu trả lời rất bình dị mà Ngài cho là có lỗi. Thế nên sư Thủ Sơ đợi đến chiều lên hỏi lại, khi hỏi lại thì ngài Vân Môn quở: “cái túi cơm”, nghĩa là ông không có thông minh chút nào hết, như là cái túi cơm vậy thôi! Ở “Giang Tây, Hồ Nam là thế ấy”: chỗ Mã Tổ, chỗ ngài Thạch Đầu chỉ dạy cái đó thôi, cái chỗ bình thường đó! Ngay đó Thủ Sơ ngộ. Sư ngộ đạo là nhờ cái kỳ đặc hay cái khéo tay của ngài Vân Môn. Đọc qua câu chuyện ai cũng phải ngạc nhiên, ngạc nhiên ở điểm nào? Chỗ “tha ông ba gậy” đó. Trong nhà thiền gọi đó là cái thuật làm sóng gió, chính nhờ cái thuật đó mà sư Thủ Sơ mới nhận ra một cách dễ dàng. Như vậy quí vị thấy các Thiền sư ngày xưa có dạy điều gì khác đâu phải không? Các ngài chỉ muốn chỉ cái chân thật cho chúng ta, mà cái chân thật đó là ngay chỗ bình thường. Trong mọi hành động, mọi ngôn ngữ, nếu không thêm dấy niệm suy nghĩ thì ngay trong đó là đạo. Như vậy ở đây có người nào không có cái đó? Tất cả chúng ta ai thiếu cái đó? Thế mà có ai dám nhận không?

            Đến đây tôi dẫn câu chuyện có mà không chịu nhận: chuyện ông Sa-di Cao. Khi ngài Dược Sơn và ông Sa-di Cao nói chuyện, qua câu trả lời của Sa-di Cao, ngài Dược Sơn biết đó là người đã thấy, nên mới khoe với các đồ đệ lớn như Vân Nham, Đạo Ngô, nhưng hai vị này chưa tin. Vì vậy ngài Dược Sơn muốn hỏi lại một lần nữa, để xác định lối trả lời của Sa-di Cao đúng lẽ thật cho hai vị kia tin. Ngài mới hỏi ông Sa-di Cao: “Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?” Sa-di Cao trả lời: “Nước con an ổn.” Ngài hỏi thêm:  “Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?” Ông Sa-di Cao đáp: “Chẳng do xem kinh được cũng chẳng do thưa hỏi được.” Ngài Dược Sơn hỏi: “Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi sao chẳng được?” Ông Sa-di Cao đáp: “Chẳng nói họ không được, chỉ vì họ không chịu thừa nhận.” Câu chuyện ngừng ngang đây.

            Tôi nói ra ngoài một chút, tôi hỏi quí vị: “Vào mười hai giờ đêm giao thừa này, ở dưới phố đốt pháo ồn lắm, quí vị có nghe chăng?” Quí vị thử trả lời tôi xem. Sao không trả lời giống ông Sa-di Cao? Sao không trả lời rằng: “Chùa con yên tịnh.” Quí vị trả lời theo câu hỏi của tôi mà không trả lời theo ông Sa-di Cao. Dưới chợ thì pháo nổ ồn, nhưng ở chùa mình thì yên tịnh. Tôi nói như vậy, quí vị thấy sao? Có thấy gì ở chỗ đó chưa? Nếu quí vị trả lời như tôi trả lời là hợp với ông Sa-di Cao, còn nếu nói “nghe pháo nổ ở dưới phố” thì chưa hợp.

            Tôi nhắc lại cho quí vị thấy, ngài Dược Sơn nói: “Ta nghe ở Trường An (Trường An là thủ đô của nhà Đường) rất náo loạn (tức là ồn náo) ngươi có biết chăng?” Nếu trả lời như quí vị thì nói “dạ biết” phải không? Cũng như tôi hỏi: “Ở dưới chợ, khi hôm pháo nổ ồn, quí vị có nghe chăng?” Quí vị nói: “Dạ nghe.” Như vậy câu trả lời đó không hợp với ý Sa-di Cao. Sa-di Cao liền thưa: “Nước con an ổn.” Ông ở trong nước Tàu, Trường An là thủ đô nước Tàu, tại sao ông nói “nước con an ổn”? Câu trả lời của tôi “chùa con yên tịnh” hợp với ý ông Sa-di Cao. Tại sao vậy? Trả lời  như vậy có cái kỳ đặc gì trong đó? Quí vị thấy chưa? Động là ồn, người qua lại xôn xao là náo, ồn náo là tiếng động và người xôn xao. Thấy kẻ qua người lại xôn xao là thấy, tiếng động là ồn là nghe. Khi hỏi ồn náo là muốn hỏi ông có  thấy có nghe sự ồn náo ngoài kia chăng? Sa-di Cao trả lời: “nước con an ổn”, hay là nước con yên tịnh. Người đi là xôn xao mà cái thấy có xôn xao hay không? Như vậy động là tiếng, xôn xao là người, còn cái thấy, cái nghe có động, có xôn xao bao giờ? Thế nên nói “nước con an ổn” hay “chùa con yên tịnh” là để chứng minh người đó đang nhớ cái của mình không động. Động là cái bên ngoài! Trái lại, khi hỏi “nghe không”, chúng ta đáp “dạ nghe”, là chúng ta đã lệ thuộc vào bên ngoài mất rồi! Như vậy để thấy người xưa muốn thí nghiệm người được luôn luôn nhớ mình, nhớ không quên; đó mới là người thường sống với cái thật. Thế nên qua câu trả lời thì ngài Dược Sơn chấp nhận ngay, cả hai huynh đệ là ngài Vân Nham và ngài Đạo Ngô đều gật đầu. Nhưng muốn thí nghiệm thêm nữa, ngài Dược Sơn mới hỏi: “Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?” Cái không động đó là do ngươi xem kinh được hay thưa hỏi thiện tri thức mà được? Nếu là chúng ta thì trả lời như thế nào? “Dạ do thưa hỏi được!” Ông trả lời rằng: “Chẳng do xem kinh được cũng chẳng do thưa hỏi được.” Cái nghe, cái thấy đâu phải do kinh mà được, đâu phải do thầy dạy mà được, phải không? Cái đó đã sẵn nơi mình từ khi cha mẹ sanh đến giờ. Nó đã sẵn rồi đâu đợi xem kinh hay thưa hỏi. Thế nên ông trả lời: “chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được”; đó là chỉ thẳng cái của mình có sẵn từ xưa; mới nghe như có vẻ phủ nhận công ơn Thầy Tổ phải không? Nhưng sự thật là như vậy, Thầy Tổ chỉ là người chỉ bóng thôi, còn cái thật là cái sẵn nơi mình. Ngài Dược Sơn mới hỏi thêm câu nữa: “Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, sao chẳng được?” Ý Ngài nói chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi mà được thì có nhiều người họ không xem kinh, không thưa hỏi sao chẳng được? Đây là gạn lại lần chót, Sa-di Cao trả lời: “Chẳng nói họ không được, chỉ vì không chịu thừa nhận thôi!” Có sẵn đó mà không nhận nên coi như không được, chớ có người nào không được. Câu nói chí lý vô cùng! Quí vị được hay không được? Chỉ cần biết thừa nhận hay không, phải vậy không? Nếu không biết thừa nhận, thì mình là kẻ lang  thang, hạt châu trong chéo áo mà vẫn là kẻ cùng tử, quí vị phải nhớ rõ.

            Để kết thúc tôi dẫn một câu chuyện lý thú nữa là chuyện ngài Tử Hồ bắt ăn trộm. Câu chuyện này tôi thích nhất và hay kể nhiều nhất, tôi biết quí vị thuộc, nhưng mỗi lần kể là một lần mới. Nhớ như vậy! Ngài Tử Hồ là một vị Hòa thượng Thiền sư, chúng của Ngài được trên năm trăm người. Một hôm giữa đêm, bỗng Ngài la to: “Ăn trộm! Ăn trộm!” Chúng hốt hoảng chạy đến, người đầu tiên chạy đến bị Ngài chụp ôm nói: “Bắt được rồi! Bắt được rồi!” Người bị bắt hoảng hốt thưa: “Dạ con! Không phải, không phải!” Ngài nói: “Phải! Phải! Chỉ tại ông không dám nhận  thôi!” Quí vị thấy câu chuyện nói điều gì? Cả năm trăm người, ai cũng có cái đó mà không dám nhận, buộc lòng Ngài phải dùng phương tiện kỳ đặc: Ôm một ông thầy nói ăn trộm, tự nhiên ông phải bào chữa: dạ con! không phải ăn trộm. Thế nên ông nói: “con! không phải! không phải!” thì Ngài nói: “phải, phải! chỉ tại ông không dám nhận thôi”. Thành ra hai chữ “phải” và “không phải” nhắm vào việc gì? Ông Tăng nói “không phải” là không phải ăn trộm, nhưng Ngài nói “phải” là phải cái gì? Thành ra chữ thì như đối đáp nhau, mà ý thì thật là khác muôn dặm! Chữ “phải, phải” của Ngài là chỉ cho chúng ta ai cũng sẵn có mà không chịu nhận. Như vậy hình ảnh Ngài chụp một người la ăn trộm, người đó nói con không phải ăn trộm thì Ngài nói “phải, phải, tại ngươi không dám nhận”, câu chuyện đó chừng nào chúng ta mới quên được?           

            Người xưa muốn cho chúng ta thừa nhận cái thật của mình mà lâu nay đã bỏ quên, nên các ngài dùng đủ phương tiện để nhắc chúng ta nhớ. Riêng tôi không có phương tiện khéo như vậy, nên tôi mới dẫn chuyện của người xưa để nhắc cho quí vị nhớ. Qua những câu chuyện tôi kể và giải thích ở đây, nếu quí vị nhận được, biết quí nó như hòn ngọc vô giá hay một hạt minh châu thì lời giải thích của tôi hôm nay là hữu ích, tức tôi là kẻ có công. Nếu quí vị nhận được nó mà xem thường, nghĩ rằng cái đó ai mà không có, một thằng bé con cũng có, ông già cũng có, có gì quan trọng; nếu quí vị xem thường như vậy thì tôi là kẻ có tội. Vì muốn cho quí vị tiến tu không còn ngờ vực nữa, nên tôi không ngại rụng hết lông mày vì quí vị mà chỉ thẳng, nếu quí vị biết ngay nơi đó quí trọng gìn giữ như hòn ngọc báu thì quí vị sẽ là người hữu dụng trong nhà đạo, và tôi cũng là người giúp quí vị đủ lòng tin để tiến tu. Bằng không, nếu quí vị xem thường điều đó, thì đó là lỗi lớn của chúng tôi.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM