ĐÊM TRỪ TỊCH
NĂM GIÁP DẦN 1974
Tổng kết lại, chúng ta sống ở thời chiến tranh, mà hôm nay đến ngày Tất
niên lại được sum họp ngồi tại Thiền đường ấm cúng này, nói chuyện đạo.
Thật là hi hữu.
Có
lẽ đây cũng là một sự gia hộ của Tam Bảo, khiến chúng ta được sống trong
cảnh an lành không lo sợ. Hoàn cảnh xã hội không làm chúng ta phải buồn
rầu đau khổ. Nhất là Tăng Ni đã có thiện duyên chung ở tại Thiền viện để
tu học thì thực là quí báu. Còn quí Phật tử nam nữ cũng vậy, tôi thấy rằng
lý đáng ngày ba mươi quí vị phải ở tại nhà để rước ông bà, đoàn tụ với gia
đình. Quí vị mến đạo cho đến nỗi phải hy sinh cái vui riêng của gia đình
mà đến đoàn tụ ở trong đại gia đình Phật pháp như thế này, thật là hi hữu.
Tinh thần đó càng đáng được khích lệ. Cho nên chúng tôi thấy rằng con
đường hướng dẫn chỉ dạy đó là do Tam Bảo gia hộ khiến cho Phật pháp được
miên viễn. Nếu chúng tôi làm được việc gì gọi là hợp thời và giúp cho quí
vị đường lối tu hành thì những cái đó đều là sự gia hộ của Tam Bảo hết.
Tôi thường nói với Tăng Ni câu này: Chúng ta chỉ không lo cố gắng, chớ
chúng ta thật tình cố gắng tu hành, nhất là đem hết tâm tư phục vụ Phật
pháp thì Tam Bảo không bao giờ bỏ quên chúng ta. Điều đó tôi tin tưởng và
quả quyết như vậy. Mà chính vì điều đó nên tôi nói rằng, hiện giờ chúng ta
đang ngồi nói chuyện đây Tam Bảo cũng có mặt với chúng ta, Long thiên hộ
pháp không bao giờ bỏ chúng ta. Điều đó có lẽ quí vị cũng phải tin phần
nào qua kinh nghiệm của tôi. Trong Thanh qui chúng tôi có để câu: “Tăng Ni
trong Thiền viện nếu hết gạo thì phải thay phiên nhau xuống núi để xin về,
đi trong vòng ba ngày, nếu hết nữa thì đến người khác.” Vì sao tôi để câu
đó? - Vì tôi chủ trương rằng từ ngày tôi lập Thiền viện là tôi dứt khoát
không cho Tăng Ni đi đưa đám ma và không đi dự những buổi cúng kính của
Phật tử tổ chức ở nhà.
Có
một số Tăng Ni nói với chúng tôi rằng: “Trong thời này mà không đi cúng
thì Tăng Ni sẽ nhịn đói.” Đã nghe nói như vậy mà tôi thì quả quyết sẽ cách
mạng điều đó. Vì đã giải quyết như vậy, cho nên tôi mới ghi câu đó trong
Thanh qui Thiền viện. Không cho đi cúng lẽ dĩ nhiên thì người ta không
cúng, nguời ta không cúng thì nhịn đói chớ gì? Nếu đến giờ phút chót mà
hết gạo thì phải thay phiên nhau đi xin. Nhưng suốt thời gian qua, chúng
tôi chưa thấy lúc nào ở trong kho hết gạo. Nếu không phải Tam Bảo gia hộ
thì làm sao được như vậy. Chẳng phải do Tam Bảo gia hộ, do nhiệt tình của
Phật tử thì làm sao mà có.
Vì
lẽ đó, tôi tin rằng sức gia hộ của Tam Bảo rất mạnh, và lòng thành tín của
Phật tử rất tốt. Cho nên chỉ lo cho Tăng Ni chúng ta thiếu đức, thiếu hạnh
không cố gắng tu hành chớ đừng lo Phật tử bỏ sót chúng ta. Đó là điều tôi
thường nói, thường nhắc trong giới Tăng Ni.
Bây giờ để thấy rõ rằng hôm nay là ngày cuối năm, chúng ta ai nấy nên
trình bày điều thấy được, những biến động tâm tư của chính mình. Những
biến động đó so lại thời quá khứ thì có thể có tiến triển, nhưng đem bì
với các bậc thiện trí thức của quá khứ, thí dụ như Sư tổ hay các vị Thiền
sư thuở trước thì mình vẫn phải hổ thẹn vì mình chưa được bao nhiêu.
Căn cứ trên thời gian chúng ta phân biệt mùa Đông, mùa Xuân, nên bây giờ
chúng ta mới có lễ Tất niên, uống trà trừ tịch. Theo thời gian phân định
là thế tục đế, chớ không phải là chân đế. Hôm nay tôi đem việc thế tục đế
để nói thế tục đế, nhưng cũng là đạo lý để rồi cùng khuyên nhắc cho tất cả
quí vị thấy được ý nghĩa ngày cuối năm của chúng ta nó quan trọng như thế
nào. Tôi xin nhắc lại câu chuyện hôm rồi tôi có thuật lại ở Linh Quang cho
quí vị nghe. Một buổi sáng sau giờ ngồi thiền, tôi xả thiền xoa bóp xong,
ngồi lại một tí cho thật hết hơi nóng. Khi ấy chú thị giả lên dọn dẹp, tôi
vén mùng ra hỏi chú:
-
Ngày hôm qua đâu rồi?
Chú nhìn tôi không trả lời. Tôi nói tiếp:
-
Tôi không muốn sống ngày nay, tôi muốn sống trở lại ngày hôm qua. Chú đem
ngày hôm qua cho tôi.
Chú thị giả cũng làm thinh không trả lời được câu hỏi đó.
Một lát sau, tôi muốn dễ dàng cho chú một chút, tôi nói rằng:
-
Hôm nay chú dọn chén này đũa này, coi như chú dọn chén mới đũa mới. Nếu
bây giờ tôi đòi chú đưa chén đũa cũ ngày hôm qua, thì chú phải làm sao?
Chú nói:
-
Thì con sẽ đi đổi lại cái ngày hôm qua cho Thầy.
Tôi nói tiếp:
-
Như vậy tại sao tôi không muốn sống ngày nay, tôi đòi ngày hôm qua mà chú
không đổi lại cho tôi?
Chú thị giả nói:
-
Ngày hôm qua là giả là mộng không thật.
Tôi tiếp: Nếu ngày hôm qua là mộng, ngày nay tôi bắt đầu sống đây, đây
cũng là mộng nữa hay sao? Ngày hôm qua là mộng, ngày nay là mộng, ngày mai
cũng là mộng nữa sao? Như vậy suốt đời chỉ là mộng phải vậy không?
Chúng ta cứ lần bằng xâu chuỗi mộng. Một ngày qua kẽ tay rồi mất, một ngày
khác qua rồi mất, mất, mất... cho tới cùng hết một xâu chuỗi. Như vậy cả
cuộc đời của con người toàn là xâu chuỗi mộng không có gì khác hơn.
Hôm nay là ngày cuối năm, ngày mai là ngày đầu năm mới. Nếu chúng ta cứ
cho là ngày đầu năm đó sẽ diễn tả bằng một năm mà chúng ta không bằng
lòng, không vui, không ưng sống với năm đó, sống trở lùi với năm cũ thì có
được không?
Chắc rằng không ai trở lùi lại được. Cái quá khứ đã qua, qua mất rồi, thì
cái hiện tại sắp đến đây, đến rồi cũng mất. Như vậy ba thời đều mất. Đã
mất thì nó không thật. Nếu ta kiểm điểm lại kỹ từ thủy chí chung, thì đó
là một dòng thời gian hư ảo không thật. Bởi không thật nên chúng ta thấy
nó là mộng huyễn, qua rồi không tìm lại được. Thế mà chúng ta cứ lăn xả
người vào cái hư giả đó tưởng nó là thật. Cả một cuộc đời tạo cái này cái
kia không dừng. Rồi tới phút chót, ngày mà hơi thở dứt đi chúng ta sẽ ra
sao? Kiểm điểm lại mình, nhớ cuộc đời năm mươi tuổi, sáu mươi tuổi, bảy
mươi tuổi đã qua. Đó là cái gì? Thực là một chuỗi mộng. Thực vậy, dòng
thời gian là một xâu chuỗi mộng, không có cái gì hết. Mà kiếp sống chúng
ta lại là một kiếp sống qui định bởi thời gian theo số năm sáu mươi, bảy
mươi v.v... Như vậy rõ ràng thời gian không thật, nó là hư giả. Thời gian
không thật thì con người chúng ta có thật hay không? Cũng không thật luôn.
Nhớ năm ngoái tóc tôi bạc ít, năm nay tóc tôi đã bạc nhiều, răng tôi năm
ngoái lung lay ít, năm nay lung lay thêm. Cứ như vậy, khi thời gian trôi
thì bản thân chúng ta cũng bị tiêu mòn theo đó. Nếu căn cứ vào hiện tại,
từ con người cho đến sự vật chung quanh mình đều theo dòng thời gian mà
biến đổi, sanh diệt từ phút, từ giây, từ sát-na, không dừng lại ở đâu hết.
Chúng ta thấy rõ ràng là dòng thời gian hư ảo. Nó đã chi phối hết cả cuộc
sống hiện tại của chúng ta, từ thân mình cho đến ngoại cảnh. Không có cái
gì không bị chi phối. Khi dòng thời gian đã hư ảo thì kiếp sống của con
người cũng hư ảo, sự vật chung quanh cũng là hư ảo. Như vậy có thể kết
thúc là: Chúng ta lần bằng những xâu chuỗi mộng, những hạt chuỗi mộng.
Từng tháng từng năm, chúng ta mặc chiếc áo mộng đan dệt bằng những sợi tơ
mộng. Chung quanh chúng ta toàn là mộng, mà không hay. Chúng ta lỡ sống
như vậy rồi mà lại đua nhau giành giật danh lợi tài sắc. Rồi trong cái
mộng đó, tạo không biết bao nhiêu đau khổ huyết lệ của chúng sanh. Đó là
vì chúng ta không biết cuộc đời là ảo mộng. Nếu hôm nay chúng ta thấy rằng
chúng ta sống trong một chuỗi mộng, mặc với những chiếc áo mộng thì còn gì
mà đắm mê tham luyến cảnh mộng ấy nữa. Thân mình và ngoại cảnh là không
gian, ba thời quá khứ hiện tại vị lai là thời gian. Tất cả là một dòng
mộng có gì đâu thật là mình. Lâu rồi chúng ta cứ mê lầm tưởng là thật, rồi
tính thời gian để định số tuổi, hãnh diện sống dài ngắn v.v... Lượm lặt
những sự vật vô thường ở chung quanh, cho đó là sự việc của mình. Kiểm
điểm lại chỉ là lần chuỗi mộng mặc áo mộng mà thôi. Đó là chỗ thấy của
chúng tôi.
Nhưng mà nếu tất cả thời gian là mộng, không gian là mộng, thì rồi chúng
ta chìm luôn trong mộng đó hay sao? Hay còn một cái gì nữa? Nếu chúng ta
cứ thấy thời gian trôi qua là mộng, cuộc sống mình sự vật chung quanh mình
cũng là mộng, thì lúc đó chúng ta sẽ đi mãi trong cái sanh diệt hư ảo mộng
huyễn rồi tuyệt vọng sao? Nhưng nhờ phúc duyên lành, chúng ta được đức
Phật chỉ cho trong cái mộng ấy có cái không phải là mộng. Mà cái đó là cái
hiện giờ chúng ta đang trở về đang theo dõi nó và tìm thấy nó, để sống với
nó. Như vậy trong cái mộng chúng ta còn thấy cái không phải mộng. Thời
gian không gian đều là mộng. Cái không phải là mộng đó đối với toàn thể
mộng này nó có giá trị biết là bao! Vì vậy khi chúng ta thấy đang bị cái
hư ảo huyễn mộng chi phối thì đồng thời cũng nhận thấy chúng ta còn có cái
không phải hư ảo, không phải huyễn mộng luôn có mặt với chúng ta. Điều đó
rất đáng mừng! Mừng cho mình, nhưng khi mừng cho mình chừng nào lại thương
cho những người đang lao mình trong mộng ấy rồi tạo nghiệp ác, gây khổ
đau. Thật đó là những người đáng cho chúng ta thương xót.
Vì
vậy cho nên khi chúng ta nhớ đến mình biết kiếp người là ảo mộng, tìm thấy
một cái gì nó thoát ra ngoài vòng ảo mộng đó, chúng ta nương tựa nó, trở
về nó để được an lành. Chúng ta càng thương xót thấm thía đối với những
người đang lao mình trong mộng mà tự họ không thức tỉnh. Chính cái nhìn đó
mà một Thiền sư Việt Nam đã diễn đạt tâm tư bằng những câu thơ, để cho bao
nhiêu nhà văn nhà thơ Việt Nam nhắc lại mãi không quên. Thiền sư Mãn Giác
đã nói:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mặt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai
Hai câu đầu thạât tình diễn tả Xuân đến Xuân đi, là dòng thời gian. Hai
câu kế nói bách hoa lạc, bách hoa khai là những sự vật hiện có trong không
gian này. Như vậy thời gian và không gian là một dòng sinh diệt ảo mộng.
Khi thời gian không gian trôi theo dòng ảo mộng đó thì con người mình như
thế nào? Tức là liền thấy chính mình nhìn thời gian trôi và tưởng như mình
không mắc kẹt ở trong ấy. Đâu ngờ ngó lên đầu mái tóc đã bạc phơ. Như vậy
thời gian trôi đi, không gian biến đổi thì, chính mình theo đó mà đổi thật
là bi đát, nếu cuộc đời chỉ có ngang chừng ấy thôi. Nhưng mà không bi đát
lắm với đôi mắt của Thiền sư vì “Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền
tạc dạ nhất chi mai.” Đừng bảo rằng mùa Xuân hết thì hoa rụng hết. Đêm qua
là đêm mùa Đông vẫn còn có một cành mai nở trắng ở trước sân chùa mình. Rõ
ràng trong cái tàn hoại ảo mộng còn có một cái gì thầm kín đẹp đẽ trường
tồn mãi. Đó là một cành mai. Một cành mai của Thiền sư Mãn Giác tức là cái
gì Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm, đó là “Chân Tâm” hay là Như Lai
Tạng tánh của chúng ta. Hoặc ở chỗ khác trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dụ
là “Hòn ngọc quí” đang buộc trong chéo áo.
Như vậy đối với người tu, nhất là khi chúng ta hiểu được chút ít về Thiền.
Nếu chúng ta sống với tâm niệm Thiền thì mới thấy rằng trong cái sanh diệt
ảo mộng, còn có cái không sanh diệt lẫn trong ấy. Thế nên lòng mình được
an ổn, tự tại và vui vẻ. Chỉ thấy được một tí, một khía cạnh nhỏ xíu nào
của cái đó, chúng ta cũng cảm thấy có hứng khởi, một niềm vui vẻ để xóa
được nỗi đau buồn, những cái tối tăm thời quá khứ. Thấy được một tí thôi
mà chúng ta cũng có một niềm an lạc rồi, huống nữa là toàn thể bản tâm ấy.
Nếu chúng ta thực hiện nó toàn vẹn thì đẹp biết chừng nào. Vì vậy chúng
tôi tin rằng với sự cố gắng mãnh liệt của tất cả chúng ta ai nấy rồi đều
có một ngày sẽ vỗ tay cười, cười quên thôi như Hòa thượng Thủy Lạo. Sau
khi bị một đạp của Mã Tổ vào hông, Ngài cười cho đến mãn đời không thôi.
Do đó cái vui trong đạo, trong cuộc đời đen tối ảo mộng đó mà mình tìm
được cái gì nó thoát ra ngoài, chẳng khác nào ở trong đêm tối mà mình thấy
hay nắm một ngọn đèn sáng, thật còn gì vui sướng cho bằng. Cho nên đó là
nguồn vui vô tận đối với người hiểu đạo, học đạo. Cái vui đó không phải để
rồi hưởng riêng mà phải ban rải cho mọi người cùng vui với chúng ta. Đó là
tâm niệm triền miên của người tu hành. Nhưng muốn hưởng được mùi thơm hoa
mai, cành mai của ngài Mãn Giác nói, có dễ dàng cho chúng ta hay không,
hay phải chịu cay đắng nhọc nhằn lắm mới hưởng được. Tôi xin nhắc lại bài
kệ của Tổ Hoàng Bá, Ngài đã bảo: Chúng ta muốn ngửi mùi hoa mai đó phải
làm sao? Ngài nói:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bả thằng đầu tổ nhất trường
Nhược bất nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương
Dịch:
Thoát trần việc ấy rất phi thường
Nắm chặt đầu dây giữ lập trường
Nếu chẳng một phen xương thấm lạnh
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương
Thật tình, khi chúng ta muốn ra khỏi vòng ảo mộng ấy, dĩ nhiên chúng ta là
kẻ phi thường. Tại sao? Vì mọi người đang lao mình trong mộng mà không
biết là mộng, rồi chìm đắm, rồi say sưa, rồi tạo nghiệp khổ cho nhau. Đó
là người sống trong vô minh trong mờ tối. Bây giờ chúng ta đã thấy được đó
là vòng vô minh, đen tối muốn thoát ra khỏi nó, thì đối với những người
kia chúng ta chẳng “phi thường” là gì? Bởi muốn làm kẻ phi thường, chúng
ta phải làm sao? Phải nắm vững đầu mối dây, đừng bao giờ cho nó lay chuyển
lập trường của mình từ thủy chí chung. Nói từ thủy chí chung thì xa quá,
tôi muốn nói lập trường của Tăng Ni hay Phật tử, kể từ khi chúng ta có
được cái duyên biết đạo vị của Phật, kể từ đó cho đến bao giờ chúng ta đạt
đạo mới thôi. Lập trường đó không bao giờ lay, nghĩa là nắm vững. Tôi tin
rằng với lập trường đó ai nấy cũng đều ngửi được mùi thơm của hoa mai. Thế
nên Ngài nói nắm vững lập trường để sau này dù gặp những cái khó khăn, khổ
não, nhọc nhằn những chướng gì chúng ta cũng đều qua hết. Có qua như vậy
ta mới đi đến chỗ đẹp đẽ an lành đúng theo sở nguyện. Tức là ngửi được mùi
thơm của hoa mai. Để diễn tả cái đen tối, cái khổ đau, cái chịu đựng cay
đắng đó, Ngài mới nói rằng: Nếu không phải bị sương tuyết lạnh thấu xương
thì làm sao có ngày ngửi được mùi thơm của hoa mai. Hình ảnh hoa mai và
tuyết sương mượn ở bên ngoài, nói lên sự cay đắng khó khăn của người tu.
Do sự cay đắng khó khăn đó mà chúng ta đi đến chỗ tột cùng, nếu giữ lập
trường không lay chuyển. Sau khi qua cái cay đắng tột cùng rồi, chúng ta
sẽ được cái an lành vô thượng, đó là ngửi mùi thơm của hoa mai. Thành ra
hoa mai của Tổ Hoàng Bá nói cũng là hoa mai của Thiền sư Mãn Giác. Hai vị
đó đều mượn hình ảnh mùa đông đen tối để chỉ cho chúng ta rằng còn có một
cành hoa mai thơm ngát mũi cuối mùa Đông. Với một cố gắng phi thường thì
chắc chắn rồi ai cũng hưởng được hương vị nó. Phải gan dạ chịu qua một mùa
Đông lạnh buốt mới có thể ngửi được mùi thơm của hoa mai. Vì vậy tôi có
thể kết thúc câu chuyện rằng, nếu tất cả mọi người chúng ta ai nấy đều có
thiện chí quyết tiến lên không mắc kẹt trong cuộc đời ảo mộng nữa, thì
chúng ta phải gan dạ chịu đựng, bởi vì chúng ta đi ngược dòng sanh tử.
Dòng sanh tử giống như một dòng nước lũ quá mạnh. Người nào không gan dạ
không vững bền thì sẽ bị nó cuốn phăng đi. Vì vậy mỗi người phải gan dạ,
vững vàng để vượt lên, đừng để cuốn đi. Như thế chúng ta mới có thể ra
khỏi dòng nước lũ đó. Đó là chỗ thiết yếu mà mọi người chúng ta, xuất gia
cũng như tại gia, muốn đi ngược dòng đời ảo mộng của thời gian, không gian
đều phải cố gắng.
Tóm lại, tôi đã kết thúc bằng một đáp số rõ ràng cho quí vị thấy cuộc đời
tu hành của chúng ta là phải như vậy.
]
|