XUÂN TRONG CỬA THIỀN

TẬP 1, 2, 3.

H.T THÍCH THANH TỪ

CHÉN TRÀ KHAI MẠC

TẤT NIÊN BÍNH DẦN 1987

            Uống trà tất niên, theo thông lệ, chúng tôi kể một câu chuyện, quí vị hãy lắng nghe. Kể xong tôi hỏi, quí vị trả lời. Vị nào trả lời đúng, thì được vinh dự khai mạc buổi lễ tất niên.

            Câu chuyện bắt đầu:

            “Khi xưa có một vị Sư ni tên Lưu Thiết Ma, đệ tử ngài Qui Sơn. Thiền sư Tử Hồ, đệ tử ngài Nam Tuyền nghe danh Sư ni là người đối đáp lanh lẹ, nên đến cật vấn.

            Khi đến ngài Tử Hồ liền hỏi:

            - Bà có phải là Lưu Thiết Ma chăng?

            Bà đáp:

            - Chẳng dám.

            Ngài hỏi tiếp:

            - Mài bên phải hay mài bên trái?

            (Vì sao mà ngài Tử Hồ hỏi như vậy? Vì “Thiết” có nghĩa là sắt, “Ma” là mài. Tên Lưu Thiết Ma là Lưu Mài Sắt, nên Ngài hỏi: mài bên phải hay mài bên trái.)

            Bà trả lời:

            - Vì sao mà Hòa thượng điên đảo vậy?

            Ngài Tử Hồ liền lấy gậy đập bà một gậy.”

*

            Bây giờ tôi hỏi quí vị: Gậy đó là gậy thưởng hay gậy phạt?

            - Gậy thưởng. (một vị Tăng thưa)

            - Chưa có quyền khai mạc. Ai sáng suốt nói xem: Gậy đó là gậy thưởng hay phạt?

            - Đó là phần của các Ni, nhờ các Ni giải đáp. (thầy Tri sự Phước Tú nói)

            - Nếu nói thưởng không đúng thì nghĩ sao? Ai dám nói? Thưởng không có quyền khai mạc rồi, phải nói sao đây?

            - Thưa Thầy gậy phạt. (một cô Ni nói)

            - Phạt cũng không có quyền khai mạc nữa. Như vậy là sao? Nếu nói điên đảo là quấy nên phạt, nếu nói điên đảo là phải nên thưởng. Nhưng hai cái thưởng phạt đều sai hết, rồi phải nói sao? Vậy phần khai mạc về ai?

            - Thưa Thầy không thưởng không phạt. (một vị Tăng thưa)

            - Cũng trật luôn.

            - Thưa Thầy tại mở miệng nói nên bị đòn. (một cô Ni thưa)

            - Cũng không phải nữa.

            - Thôi để đỡ mất thời giờ, tôi đại diện quí vị trả lời. Tôi giải thích để quí vị thấy, Lưu Thiết Ma có nghĩa là Lưu Mài Sắt. Bởi mài sắt nên ngài Tử Hồ mới hỏi: Mài bên phải hay mài bên trái? Nếu là người dốt thì trả lời kẹt bẫy của Ngài. Bên phải bên trái là hai bên cũng đều trật hết. Bà Lưu Thiết Ma là người thấy xa biết rõ liền bẻ lại Hòa thượng: Vì sao Hòa thượng điên đảo vậy? Vì Ngài thấy có bên phải thấy có bên trái là Ngài có điên đảo rồi! Hòa thượng liền đánh, đánh đó là thưởng hay phạt? Ai đang có lỗi? Bà có lỗi hay Hòa thượng có lỗi? - Hòa thượng có lỗi. Nếu bà Lưu Thiết Ma nói “vì sao mà Hòa thượng điên đảo vậy” mà ngài Tử Hồ đi liền thì Ngài thua trận, nên Ngài liền ra oai đánh một cái thoát nạn, chớ không khen, không chê. Đó là cái đánh thoát nạn.

            Tôi trả lời rồi, mời Thầy trụ trì đại diện tôi khai mạc, và mời quí vị dùng bánh mứt, uống trà, rồi tôi sẽ nói chuyện sau.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM