XUÂN TRONG CỬA THIỀN

TẬP 1, 2, 3.

H.T THÍCH THANH TỪ

BÀI KINH BÁT-NHÃ

TẤT NIÊN ĐINH MÃO 1988

            Đây là một cái tách, những chữ đen trong cái tách này là bài kinh Bát-nhã, tác phẩm này được làm bên Nhật Bản. Nếu ban ngày quí vị đọc đủ chữ, tròn một bài kinh Bát-nhã. Sau khi đổ nước nóng vào những chữ đen liền ẩn, rồi từ từ hiện ra hình đức Phật. Quí vị ngắm cho kỹ cái tách, tôi sẽ giải thích cái lý thú của nó.

            Khi chưa có nước nóng, cái tách chỉ là bài kinh Bát-nhã bằng chữ đen. Khi nước nóng đổ vào, thấm rồi, bài kinh Bát-nhã mờ đi thì ông Phật hiện ra. Như vậy có ý nghĩa gì đối với người tu chúng ta?

            Nếu chúng ta là người học đạo mà chưa thông được lý và chưa thực hành đến cứu kính, thì chúng ta chỉ thấy Phật pháp qua những ngôn ngữ văn tự, chớ chưa thấy Phật thật. Từ các nghĩa văn tự, chúng ta nỗ lực tu. Do lòng tinh tấn mãnh liệt mỗi ngày một tăng tiến, cũng như sức nóng mỗi ngày mỗi phát ra, lần lần các hình thức văn tự chữ nghĩa mờ đi, ông Phật thật của chúng ta lúc đó hiện ra.

            Như trong kinh thường nói, nếu người kéo cây lấy lửa, muốn lấy được lửa, khi kéo cây ấm rồi nếu dừng lại thì nó nguội dần không bao giờ có lửa. Khi ấm rồi phải kéo mãi càng nóng càng tốt, cho đến lúc phát lửa mới thôi. Phát lửa là ví dụ thấy được Phật, kéo cây là ví dụ cho sự tinh tấn, nếu kéo nửa chừng là chỉ cho sự nửa chừng mà ngừng là chỉ cho sự tinh tấn một lúc rồi thối Bồ-đề tâm, rồi chểnh mảng. Nếu thối Bồ-đề tâm và chểnh mảng chắc là ông Phật sẽ không hiện ra. Cũng như trong cái tách này, nếu đổ nước nóng vào để một lúc nó ấm đều thì ông Phật hiện, nhưng nếu đổ nước vào, vừa hơi ấm, lại đem nước lạnh đổ vào thì ông Phật không hiện, mà chữ đen hiệân ra.

            Chúng ta thấy rõ ràng sự tu hành của chúng ta đi đến cứu kính hay không là do sức tinh tấn của chúng ta có bền vững, lâu dài mãi mãi hay không. Đừng nghĩ rằng chúng ta vào đạo rồi tháng nào năm nào đó chúng ta tu cho đến quên ăn quên ngủ, nhưng tu một lúc thấy công phu nhiều rồi thôi, thả trôi, chậm chạp, chần chờ rồi lùi. Như vậy tuy thấy có hăng hái, có tiến bộ, nhưng sự hăng hái và tiến bộ đó chỉ có một giai đoạn, nên kết quả không bao giờ viên mãn.

            Chúng tôi mong rằng quí vị ý thức được việc tu của mình như trường hợp cái tách ở đây vậy, nghĩa là chúng ta nương văn tự chữ nghĩa để hiểu đạo, nhưng văn tự chữ nghĩa chưa phải là Phật. Nhờ văn tự chữ nghĩa đó, chúng ta hiểu đạo rồi nỗ lực tiến tu. Do sự nỗ lực tiến tu bền bỉ lâu dài thấm cả toàn thân chúng ta rồi, chừng đó ông Phật của chúng ta hiện ra, cũng như nước làm nóng toàn bộ cái tách rồi, lúc đó chữ nghĩa mờ đi, ông Phật liền hiện rõ. Chính ý nghĩa cái tách này là một khích lệ cho chúng ta trên đường tu học.

            Ngoài cái tách ra, chúng tôi được tặng thêm một cái mền cũng có bài kinh Bát-nhã, và ngay cây quạt cầm tay cũng có bài kinh Bát-nhã. Trong cây quạt, trong cái tách và trong cái mền đều có bài kinh Bát-nhã. Như vậy chúng ta mới thấy rằng Phật giáo Nhật Bản quí trọng kinh Bát-nhã đến ngần nào.

            Ngược lại ở Việt Nam, chúng ta lại sợ tụng kinh Bát-nhã, rồi chấp không, nên nói tớùi Bát-nhã là sợ. Vì sao? Vì sự thông hiểu đạo lý của chúng ta quá nông cạn và yếu ớt. Còn người Nhật Bản thấy rõ được Bát-nhã là hệ trọng, cho nên ở lãnh vực nào người ta cũng thể hiện bài kinh Bát-nhã.

            Tinh thần hiểu đạo của người Nhật khác hơn chúng ta nhiều. Có sự khác biệt đó là vì chúng ta hiểu đạo qua hình thức, qua sự chấp nê, chớ không phải hiểu đúng tinh thần Bát-nhã, vì vậy mà chúng ta không quí trọng Bát-nhã. Mà Bát-nhã là gì? Là trí tuệ. Mà không trí tuệ thì chừng nào giác ngộ? Đó là một khuyết điểm lớn của Phật giáo Việt Nam. Mong rằng mai kia chúng ta sẽ bớt những khuyết điểm ấy.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM