TINH THẦN GIẢI THOÁT TRONG GIÁO LÝ PHẬT-ĐÀ
BÀI NÓI CHUYỆN VỚI TĂNG NI
XUÂN MẬU THÌN 1998
Nam-mô Bổn
sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán năm Mậu Thìn, tất cả Tăng Ni và Phật tử về
đây, gọi theo thế tục là mừng tuổi, chúc mừng năm mới chúng tôi. Để có thì
giờ nhắc nhở kỹ, quí vị lễ Phật rồi ngồi xuống, chúng tôi sẽ nói chuyện từ
từ với quí vị nhiều hơn.
Ngày mùng một Tết năm nay, chúng tôi nghĩ không gì hơn là nhắc lại mục
đích tối thượng của người tu Phật, “Ôn cố tri tân” là nhắc lại việc cũ để
quí vị cùng nhớ, biết những điều mới để chúng ta thực hiện cho kỳ được. Vì
vậy đề tài chúng tôi nói hôm nay là “Giải Thoát”.
Trong kinh đức Phật đã dạy: “Tất cả nước biển chỉ có một vị là vị mặn, tất
cả giáo pháp của ta chỉ có một vị là vị giải thoát.” Như vậy mục tiêu tối
thượng của người tu Phật là lấy sự giải thoát làm cứu kính. Nếu không nắm
vững được ý nghĩa giải thoát thì trên đường tu chúng ta khó đạt được mục
đích của mình. Như vậy giải thoát là giải thoát những gì? Đây là điều
chúng tôi đem ra giãi bày cho tất cả quí vị thấy thật rõ.
Nói đến giải thoát, chúng ta phải thấy nghĩa ngược của nó hay nghĩa trái
của nó. Trái với giải thoát là gì? Là triền phược theo danh từ Hán, hay
trói buộc theo danh từ Việt. Vì thấy mình bị triền phược hay là bị trói
buộc nên chúng ta nói cầu giải thoát. Do ở trong vòng bao vây của các
phiền não, không làm sao tự thoát ra được nên chúng ta phải nương giáo
pháp đức Thế Tôn chỉ dạy để thoát khỏi trần lao phiền não. Như vậy giải
thoát có nghĩa là cởi mở, là mở trói, là được tự do. Tất cả chúng ta khi ở
trong một hoàn cảnh bị trói buộc, chúng ta khao khát được cởi mở, khi ở
trong hoàn cảnh bị gò bó trong một khuôn khổ hết sức chật hẹp chúng ta
muốn được tự do muốn được thoát ra ngoài. Vì vậy nói đến giải thoát là khi
đang bị bủa vây ép ngặt chớ không phải trong hoàn cảnh tự do tự tại. Bủa
vây ép ngặt tức nhiên là khổ đau. Nói rõ hơn ý nghĩa giải thoát là giải
thoát nỗi khổ đau của kiếp người.
Đi
sâu vào vấn đề giải thoát, tại sao chúng ta cầu giải thoát? Và giải thoát
như thế nào? Chúng ta phải nhìn thật kỹ, thấy thật rõ những điều đang trói
buộc, đang làm mình đau khổ và chúng ta tu để cầu giải thoát những điều
đó. Vấn đề giải thoát là một sự thật, không có ngờ vực. Có lắm người hoặc
Tăng Ni, hoặc Phật tử, mỗi khi lễ Phật nguyện hương đều nguyện đức Thế Tôn
gia bị cho chúng con giải thoát hết khổ đau, dẹp sạch hết phiền não. Như
vậy dẹp phiền não, dứt khổ đau là nhờ sự gia bị của đức Phật. Nhưng sự
thật đức Phật có làm cho chúng ta giải thoát được không? Đó là một vấn đề.
Hơn nữa có nhiều người nghĩ rằng nói tới giải thoát là nói một việc gì xa
xôi cao cả lắm, coi như mình không bao giờ với tới được. Nói tới giải
thoát là nói chuyện của những bực thánh chớ không phải là của kẻ phàm. Cho
nên khi nói tu với mục đích giải thoát, chúng ta coi như là chuyện không
bao giờ có, hay là không bao giờ đến được, rồi tự khi mình và lui sụt, đó
cũng là bệnh. Vì vậy chúng ta phải thật sự nhìn thẳng ý nghĩa giải thoát.
Nói đến giải thoát khỏi các sự ép ngặt bủa vây, chúng tôi thuật lại câu
chuyện sau: “Thuở xưa ở Trung Hoa có hai vị Thượng tọa, Thượng tọa Minh và
Thượng tọa Thâm, cùng có duyên sự phải đi qua sông Hoài. Khi ngồi đò sang
sông, hai vị thấy nhiều người đánh cá đang kéo lưới. Khi lưới kéo gần đến
bờ, có một con cá từ trong lưới nhảy vọt ra ngoài. Thượng tọa Minh vỗ tay
khen: ‘Hay thay! Giống như người xuất gia.’ Thượng tọa Thâm bèn nói: ‘Đâu
có hay gì, phải ở ngoài lưới mới hay chứ.’ Thượng tọa Minh bảo: ‘Thế là
huynh Thâm chưa hiểu.’ Đi được một đoạn đường xa, Thượng tọa Thâm mới bừng
hiểu lý mình đã sai.”
Qua câu chuyện trên, hai vị Thượng tọa đúng ở chỗ nào? Thượng tọa Thâm nói
cũng có lý: Đợi ở trong lưới mới nhảy ra, chi bằng ở ngoài lưới chẳng
thích hơn sao? Nhưng tại sao Thượng tọa Minh lại nói: huynh Thâm chưa
hiểu. Như chúng tôi đã định nghĩa giải thoát, giải thoát là gì? Là chúng
ta đang bị trói buộc, đang bị ép ngặt, thoát được sự trói buộc, thoát được
sự ép ngặt gọi đó là giải thoát. Nếu không bị trói buộc, không bị ép ngặt
còn nói giải thoát làm gì? Như con cá đang bị lưới bủa vây, không có lối
thoát nó mới nhảy vọt lên để ra khỏi vòng lưới, đó là nó giải thoát được
mành lưới. Nếu nó ở ngoài lưới rồi, nó đâu cần nhảy chi nữa. Cũng như vậy,
nếu chúng ta là thánh rồi, chúng ta không có phiền não, không có khổ đau,
chúng ta nói tu để giải thoát còn có nghĩa là giải thoát nữa hay không?
Hẳn là không vậy. Sở dĩ chúng ta nói tu, nói cầu giải thoát là vì chúng ta
bị phiền não nhiều, bị trói buộc nhiều bởi những tâm niệm xấu xa đen tối
của mình mà chính mình chưa chinh phục được. Vì thế chúng ta phải cố gắng
nỗ lực bứt cho đứt hết mọi sợi dây phiền não để nhảy tung ra một chân trời
mới không còn bị phiền não trói buộc nữa, đó gọi là giải thoát. Nói tóm
lại, đang bị bao vây, đang bị đau khổ, chúng ta mới nói đến giải thoát, đó
là ý nghĩa câu chuyện của hai vị Thượng tọa khi xưa.
Sau này, Thiền sư Khuê ở Cổ Sơn, Ngài có bình câu chuyện đó bằng bốn câu
tụng:
Võng trung đào xuất tiện nghi đằng,
Hà cá thiên nhiên tuấn nạp tăng.
Hà tợ đương sơ vị nhập võng
Ngộ lai phương thủy thị tri âm.
Tạm dịch:
Nhảy ra khỏi lưới lại bay xa,
Nào phải thiên nhiên bậc tác gia.
Đâu giống buổi đầu chẳng vào lưới,
Tỉnh ra mới biết thật người nhà.
Nhảy ra khỏi lưới lại bay xa: Đây diễn tả hình ảnh con cá khi vượt ra khỏi
lưới, nó bơi lội tung tăng, không còn dám lẩn quẩn ở đó nữa.
Nào phải thiên nhiên bậc tác gia: Bậc tác gia là người tu đạt đạo. Người
tu đạt đạo là tự sẵn có, hay đạt đạo là do công phu huân tu, công phu khó
nhọc để chinh phục nội tâm của mình? Có vị Phật nào bỗng dưng thành Phật
chăng? Có vị Bồ-tát nào bỗng dưng thành Bồ-tát chăng? Có vị A-la-hán nào
bỗng dưng thành A-la-hán chăng? Chắc hẳn là không! Vì thế thành A-la-hán,
thành Bồ-tát hay thành Phật gốc từ công phu tu hành, vượt khỏi phiền não,
chinh phục được nội tâm của mình. Rồi sau đó mới gọi là bậc tác gia, mới
thành A-la-hán, mới chứng được quả Bồ-đề, chớ không phải bỗng dưng mà
được. Nếu chúng ta quan niệm không cần phải tu, để tự nhiên được kết quả,
điều đó không bao giờ có.
Ý
của Thượng tọa Thâm nói rằng phải ở ngoài lưới, không đợi vô lưới mới nhảy
ra cho phí công, cho nên câu sau nói:
Đâu giống buổi đầu chẳng vào lưới: Buổi đầu không vào lưới mới là sung
sướng, mới là an ổn. Quan niệm như vậy là không đúng.
Tỉnh ra mới biết thật người nhà: Khi thức tỉnh rồi mới biết người sư huynh
của mình (Thượng tọa Minh) nói là hợp lý. Sự giải thoát của người tu là vì
chúng ta đang ở trong vòng bao vây của phiền não, của các cám dỗ của sáu
trần, khi chúng ta thoát ra, đó gọi là giải thoát, đó chính là sức mạnh
của người tu. Nếu không có những điều đó thì không nên nói xuất gia làm
gì.
Trong việc giải thoát có những trình tự cao thấp khác nhau, chớ không phải
giải thoát thuần y như nhau. Sau đây chúng tôi dẫn cách giải thoát trong
những bộ kinh theo tinh thần Nguyên thủy và các giải thoát trong những bộ
kinh theo tinh thần Phát triển.
Nói về việc giải thoát theo tinh thần Nguyên thủy, trong kinh A-hàm, có
câu chuyện ngài Phú-lâu-na đến hỏi Phật. Ngài Phú-lâu-na thưa: “Bạch Thế
Tôn, xin Thế Tôn dạy cho pháp yếu để con đến chỗ vắng vẻ tu hành.” Đức
Phật liền dạy: “Nếu mắt thấy sắc không đuổi theo, không chấp chặt, đó là
gần với Niết-bàn. Ngược lại nếu mắt thấy sắc mà đuổi theo mà chấp chặt đó
là xa với Niết-bàn. Lỗ tai nghe tiếng, lỗ mũi ngửi mùi, thân xúc chạm, ý
duyên với pháp trần nếu không đuổi theo, không chấp chặt là gần với
Niết-bàn, còn đuổi theo, chấp chặt đó là xa với Niết-bàn.” Khi nhận được
pháp yếu rồi, ngài Phú-lâu-na ra đi đến chỗ vắng vẻ tu hành, chỉ trong
vòng ba tháng, Ngài đắc quả A-la-hán. Như vậy pháp yếu đức Phật dạy tu để
giải thoát đâu có khác với chúng ta, sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà
không đuổi theo, không dính mắc hay chấp chặt đó là giải thoát; nếu đuổi
theo, nếu chấp chặt đó là trầm luân. Trầm luân hay giải thoát rất là đơn
giản, không đợi tới kiếp nào khác, mà ngay nơi hiện tại: mắt thấy sắc, tai
nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý duyên với pháp
trần, chúng ta không đuổi theo, không dính mắc, ngay nơi đó chúng ta đã
giải thoát rồi. Giải thoát không phải là chuyện xa vời, không phải là việc
không với tới được, mà chính là thật tế, là cụ thể. Ngay nơi chúng ta ai
cũng có khả năng giải thoát chính mình. Có người nào nghĩ rằng việc đó
mình không thể làm nổi không? Ai cũng có thể làm được. Vì vậy nói đến tu
giải thoát mới nghe tưởng như là xa vời, cao siêu tuyệt đỉnh, nhưng sự
thật hết sức là gần gũi, hết sức là thật tế đối với chúng ta. Ngược lại sự
trầm luân cũng không xa lạ. Nếu chúng ta mắt đuổi theo sắc rồi bám chặt
vào sắc, tai đuổi theo tiếng rồi bám chặt vào tiếng v.v… đó là chúng ta
trầm luân.
Trong kinh A-hàm, đức Phật kể một câu chuyện cho chư Tỳ-kheo nghe: Có một
bầy khỉ, con khỉ chúa lãnh đạo dạy những con khỉ nhỏ: Các người đi ăn phải
theo lệnh của ta hướng dẫn chỉ dạy, đừng có tẻ đoàn đi lang thang sẽ bị
nguy hiểm. Khỉ chúa khôn ngoan biết chỗ nào có bẫy, có rập, chỗ nào có thợ
săn, nên nó tránh né không cho đoàn khỉ tới những chỗ ấy. Nhưng trong đoàn
có một con khỉ hơi ngạo mạn lại tham ăn, nó nghĩ nếu đi theo đoàn mình ăn
uống không được đầy đủ, chi bằng đi riêng rồi kiếm thức ăn một mình, tha
hồ ăn uống no nê rồi trở về đoàn. Nó tách đoàn ra đi đến một chỗ kia,
chẳng may gặp người thợ săn dùng cây nhựa để bẫy khỉ. Cây nhựa rất dẻo và
chắc, bên cạnh cây nhựa có để miếng mồi nhử khỉ. Khỉ con dại khờ thấy mồi
mừng quá, nhảy tới chụp mồi. Vừa đưa tay mặt chụp mồi bị nhựa dính tay,
tay trái liền chụp vào để gỡ liền bị dính luôn. Thế là hai tay bị dính
nhựa. Đến chân mặt đưa vô để quào bị dính luôn, chân trái liền đưa tới để
quào dính luôn chân trái. Như vậy là hai tay hai chân đều bị dính. Cái đầu
liền cúi xuống cạp gỡ cũng bị dính luôn. Chỉ còn cái đuôi ngoắc ngoắc cố
gắng vùng vẫy để quật cái bẫy ra bị dính luôn. Như vậy sáu cái: hai tay,
hai chân, đầu và đuôi đều bị dính nhựa không thoát thân được. Lúc ấy người
thợ săn đến lượm khỉ bỏ vô giỏ đem về.
Qua câu chuyện trên đức Phật muốn dạy chúng ta điều gì? Nếu vì quyền lợi
vì thích thụ hưởng, con khỉ tách đoàn ra đi, rồi bị thợ săn đánh bẫy. Khi
sáu căn nó (tức sáu bộ phận) bị dính bẫy rồi, người ta bắt đem về dễ dàng
không còn ai cứu được. Cũng như vậy, người tu xuất gia ở trong đoàn Tăng
hay Ni có vị thầy chỉ dạy hướng dẫn, nhưng họ thích thụ hưởng riêng, thích
làm theo ý mình, dù thiếu kinh nghiệm mà vẫn đi ra ngoài. Khi ra ngoài,
mắt thấy sắc liền nhiễm sắc, tai nghe tiếng liền nhiễm tiếng, cho đến sáu
căn bị cột dính với sáu trần. Lúc đó ma vương dẫn đi một cách dễ dàng, như
chú thợ săn lượm con khỉ bỏ vào giỏ một cách dễ dàng, không khó khăn chút
nào.
Khi sáu căn dính với sáu trần, chúng ta lọt vào bàn tay của ai? Của ma
vương phải không? Lọt vào bàn tay của ma vương rồi, chúng ta khó hy vọng
được giải thoát. Vì vậy người tu muốn được giải thoát phải gan dạ như lời
đức Phật dạy: Sáu căn tiếp xúc với sáu trần đừng đuổi theo, đuổi theo là
tham cầu, đừng dính mắc, dính mắc là nhiễm trước. Không tham cầu, không
nhiễm trước, tức nhiên chúng ta được giải thoát, sự giải thoát đến với
chúng ta hết sức là dễ dàng. Nếu chúng ta đuổi theo sáu trần là tham cầu,
dính mắc nó là nhiễm trước, khi ấy có vùng vẫy mấy cũng khó thoát khỏi bàn
tay của ma vương.
Người tu chúng ta trên cõi đời này muốn được giải thoát không phải là
chuyện mơ màng xa xôi, mà chính là chuyện thật tế trong cuộc sống hằng
ngày của chúng ta. Nếu một người sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không
dính không mắc, không đuổi theo, người ấy có hào quang chưa? – Đâu có, chỉ
là không dính mắc sáu trần thôi, chớ đâu có hào quang. Người ấy có biết
chuyện quá khứ, vị lai chưa? – Đâu có biết quá khứ, vị lai gì. Nhưng người
ấy có giải thoát thật chưa? – Có. Như vậy không phải có hào quang mới là
giải thoát, không phải biết quá khứ vị lai mới là giải thoát, mà chính sáu
căn không bị sáu trần lôi cuốn, cột trói, đó là giải thoát. Nhưng sáu trần
có dây cột trói mình hay không? Hay là mình cột vào nó? Sự thật là mình
cột vào sáu trần, nghĩa là thấy nó là mình đuổi theo rồi bám chặt vào nó,
đó là mình dính mắc vào sáu trần rồi mình than van cầu xin Phật Trời cứu
giúp con. Ai trói buộc mình mà mình kêu cứu, mình thắp hương cầu giải
thoát? Phật bảo chúng ta buông, mà chúng ta nắm chặt quá, kẹt tay mình
trong đó, rồi than Phật Trời không cứu con! Muốn cúu chúng ta, đức Phật
dạy: “Ngươi chịu khó buông đi.”
Chúng ta thật giống như đứa bé thò tay vào hũ kẹo. Khi tay
không nó thò vào hũ được, nhưng vì thích kẹo quá nên nắm đầy cứng, rút tay
ra không được, rồi kêu khóc. Mẹ thương con, bảo nó: “Con buông đi, tay
không rút ra dễ dàng, chớ có khó gì.” Như vậy thuật giải thoát là gì? Chỉ
là một cái buông, nếu còn nắm đầy một tay kẹo, làm sao mẹ cứu con được!
Đức Phật cũng bảo chúng ta đừng dính với sáu trần, các Thiền sư cũng dạy
chúng ta buông đi, hiện nay chúng tôi cũng nhắc quí vị đừng chạy theo sáu
trần. Câu nói hết sức là đơn giản mà tràn đầy tinh thần giải thoát. Nếu
khéo một chút, gan dạ một chút, đừng tiếc, như đứa bé không tiếc kẹo, thì
lấy tay ra dễ dàng không phải than khóc.
Trên đường tu, chính vì cầu giải thoát, chúng ta đừng tham luyến, đừng đắm
trước sáu trần. Không tham luyến, không đắm trước sáu trần là nhân của
giải thoát, chớ không tìm điều gì khác lạ. Không phải có thần thông, không
phải biết quá khứ vị lai, không phải có hào quang sáng chói, mà giải thoát
được. Các quỉ thần cũng có hào quang, cũng biết quá khứ vị lai, mà vẫn
không được giải thoát. Lý giải thoát của đạo Phật vừa cụ thể vừa thật tế
mà cũng rất dễ dàng phải không? Dễ hay khó? Chỉ cần đừng làm đứa bé tham
kẹo thôi, nếu tham kẹo thì khó, nếu không tham kẹo thì dễ chớ có khó gì
đâu. Buông hết thì lấy tay ra dễ dàng, không có gì trở ngại, nếu nắm cứng
mà muốn rút tay ra, thật là khó trăm bề. Tất cả quí vị xuất gia và tại gia
có ai nghĩ mình ngu khờ như đứa bé ham kẹo đó không? Tất nhiên không có ai
ngu khờ như vậy, chỉ cần buông thì lấy tay ra dễ dàng. Đức Phật đã dạy:
“Các ngươi buông đi, đừng có dính với sáu trần, đó là giải thoát.” Nếu
chúng ta không chịu buông, mà cầu xin Phật giúp cho con được giải thoát,
thì giống như đứa bé tham ăn kẹo vậy. Buông đi thì hết đau khổ, đây là
giải thoát theo tinh thần Nguyên thủy.
Chúng tôi nói đến sự giải thoát trong nhà thiền. Ngày xưa, có một thiền
khách đến hỏi thiền sư Huệ Hải: “Thế nào là giải thoát.” Ngài Huệ Hải trả
lời: “Căn trần không dính nhau là giải thoát.” Câu trả lời hết sức là đơn
giản! Sáu căn không dính mắc sáu trần, đó là giải thoát. Câu trả lời vừa
đơn giản vừa thật tế, nhưng mới nghe qua chúng ta thấy khó hiểu quá. Vì
sao khó hiểu? Vì chúng ta tưởng tượng sự giải thoát rất là xa vời, phải có
thần thông biến hóa, đi đến các cõi trời v.v…, không ngờ sáu căn không
dính với sáu trần là giải thoát. Sự thật quá đơn giản này làm người đọc
sách thiền cho là khó hiểu.
Câu chuyện thứ hai trong nhà thiền là: Tổ Đạo Tín khi còn là Sa-di đến hỏi
đạo với Tổ Tăng Xán: “Bạch Hòa thượng, làm sao được giải thoát?” Tổ Tăng
Xán liền hỏi: “Ai trói buộc ngươi?” Ngài Đạo Tín đáp: “Không ai trói buộc
cả.” Tổ Tăng Xán bảo: “Cầu giải thoát làm gì?” Ngài Đạo Tín liền nhận được
lý giải thoát. Ngài quan niệm như chúng ta hiện giờ, Ngài nghĩ mình đang
bị trói buộc, đang bị bủa vây rất là khổ sở, nên mới cầu giải thoát. Nhưng
chúng ta phải nhìn thẳng xem cái gì trói buộc, cái gì bủa vây chúng ta?
Nếu nhìn thẳng không thấy cái gì trói buộc, cái gì bủa vây cả, ngay đó
chúng ta được giải thoát rồi. Câu chuyện đối đáp giữa Tổ Tăng Xán và Tổ
Đạo Tín nói lên ý nghĩa đó: “Không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm
gì?” Chúng ta nghĩ rằng những phiền não, những tâm niệm đen tối xấu xa
đang trói buộc chúng ta, cho nên chúng ta cầu giải thoát. Nhưng Tổ liền
bảo chúng ta nhìn thẳng xem những phiền não, những tâm niệm ấy có thật sự
trói buộc chúng ta hay không? Khi nhìn thẳng lại chúng nó liền biến mất.
Chúng biến mất không còn nữa thì còn gì mà cầu giải thoát! Cũng chính với
tinh thần này Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã dạy Tổ Huệ Khả. Tổ Huệ Khả than: “Tâm con
bất an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.” Tổ Bồ-đề-đạt-ma bảo: “Đem tâm
ra ta an cho.” Tâm bất an của Tổ Huệ Khả là tâm gì? Tổ thấy đó là tâm
phiền não, tâm trói buộc, tâm xấu xa. Các tâm đó đang làm cho mình bất an,
nên Ngài cầu được an tâm, cũng như Tổ Đạo Tín cầu được giải thoát. Khi ấy
Tổ Bồ-đề-đạt-ma chỉ cần bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Ngài Huệ Khả nhìn
sững lại xem tâm ra làm sao mà đem. Nhìn sững lại thì nó mất tiêu, nó tan
hoang không còn, Ngài liền trả lời: “Con tìm tâm không được.” Tổ
Bồ-đề-đạt-ma bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Như vậy pháp an tâm của Tổ
Đạt-ma và “cầu giải thoát làm gì” của Tổ Tăng Xán có khác nhau không? Thật
là không hai, hình thức có khác, nhưng tinh thần không khác. Tổ Tăng Xán
chỉ cho Tổ Đạo Tín con đường giải thoát bằng cách nhìn lại xem cái gì trói
buộc mình. Nhìn lại không thấy có gì trói buộc, ngay đó đã giải thoát rồi.
Chúng tôi hiện nay sống cách xa Tổ hơn ngàn năm, chúng tôi dạy
quí vị tu phải làm gì? Quí vị nghĩ rằng các phiền não làm cho mình khổ
đau, buồn phiền, bực bội. Chúng tôi bảo quí vị các thứ phiền não ấy, quí
vị hãy buông đi. Nhìn lại chúng nó, thấy biết mặt thật của chúng nó rồi,
buông đi đừng theo chúng thì hết phiền não, hết khổ đau, đó tức là tu vậy.
Việc này đâu có khác với lời dạy người xưa bao nhiêu. Tinh thần giải thoát
nằm ngay chỗ nhìn thẳng, thấy mặt thật của những phiền não. Thấy được mặt
thật của chúng rồi, thì tự chúng nó tan hoang. Nói biết vọng, nói buông đi
là một lối nói thôi. Sự thật nhìn lại thấy nó, thì nó đã mất hết rồi, còn
gì nữa mà phải biết, còn gì nữa mà phải buông. Đây là trọng tâm trong
Thiền tông mà chúng tôi đã chỉ dạy quí vị. Trọng tâm đó, chính Tổ
Bồ-đề-đạt-ma đã dạy Tổ Huệ Khả, chính Tổ Tăng Xán đã dạy Tổ Đạo Tín. Đó là
chủ đích chúng tôi muốn chỉ cho quí vị.
Các Tổ dạy chúng ta tu giải thoát đúng với tinh thần đức Phật đã nói: “Tất
cả nước biển chỉ có một vị, vị mặn; tất cả giáo pháp của ta chỉ có một vị,
vị giải thoát.” Như đoạn đã nói: Sáu căn tiếp xúc với sáu trần, không dính
không mắc, là giải thoát. Đoạn này Tổ dạy: Nhìn các tâm niệm đang chạy
theo sáu trần, biết chúng không thật, đó là giải thoát. Đoạn trước nói về
các căn bên ngoài không cho dính với trần cảnh, đoạn này nói về các tâm
niệm bên trong, ngay từ cội gốc, các tâm niệm vừa dấy khởi chạy theo cảnh,
chúng ta biết sự thật về chúng nó thì chúng nó tan hoang ngay từ trứng
nước. Chúng ta dẹp các tâm niệm ngay lúc còn trong bào thai, không đợi
chúng nó dính với cảnh mới tháo gỡ. Như vậy sự giải thoát này là ngay bên
trong, sâu hơn và tế nhị hơn. Giải thoát nói ở đoạn trên là sáu căn không
dính mắc với sáu trần là giải thoát theo tinh thần nguyên thủy, giải thoát
ở đây là dẹp các tâm niệm ngay khi còn là trứng nước, là giải thoát theo
tinh thần nhà thiền. Các niệm vừa dấy khởi đã bị tiêu diệt ngay, không có
niệm đuổi theo trần cảnh: Mắt thấy sắc không dính với sắc, tai nghe tiếng
không dính với tiếng, mũi ngửi mùi không dính với mùi… Các niệm đã diệt
rồi, lo gì chúng ra nơi mắt, nơi tai, nơi mũi mà dính với sáu trần được.
Đó là chủ yếu của sự tu thiền mà chúng tôi thường gọi là Tổ sư Thiền.
Để
hiểu rõ hơn tinh thần giải thoát trong nhà thiền chúng tôi xin dẫn bài kệ
của một Thiền sư đời Trần ở Việt Nam, ngài Điều Ngự Giác Hoàng, tức là vua
Trần Nhân Tông. Bài kệ “Sơn Phòng Mạn Hứng” như sau:
Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn, mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.
Tạm dịch:
Ai trói lại mong cầu giải thoát,
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa nhọc, người cũng lão,
Như cũ am mây một giường thiền.
Ngài Trần Nhân Tông nói rất rõ: “Chúng ta cầu giải thoát vì
chúng ta thấy bị trói buộc, nhưng ai trói buộc chúng ta? Chẳng qua là
những tâm niệm tham mê đắm trước trói buộc chúng ta. Những tâm niệm ấy vừa
dấy lên, chúng ta đã thấy nó rồi, thấy nó tức thì nó tan hoang, như vậy
còn ai trói buộc mình mà cầu giải thoát? Biết các tâm niệm là tạm bợ, là
hư dối, chúng ta không chạy theo nó, đó là giải thoát. Còn thêm một ý
nghĩa nữa: Nói trói buộc là trói buộc thân năm uẩn này, còn một cái không
bao giờ bị trói buộc, đó là cái gì? Đó là cái không tên, phải không? Cái
đó không phải phàm, không phải thánh. Không phải phàm, cầu thành tiên làm
gì? Không phải phàm, cần cầu thánh hay không? Sở dĩ chúng ta muốn được
thành thánh là vì chúng ta thấy mình là phàm phải không? Cái đó không phải
phàm, tức nhiên không cầu thành thánh, cũng không cầu thành thần tiên chi
nữa.
Vượn nhàn, ngựa nhọc, người cũng lão
Vượn chỉ cho các niệm dấy khởi của chúng ta lăng xăng như khỉ
vượn. Ngựa chỉ cho ý dong ruổi bên ngoài. Tâm viên ý mã khi đã yên rồi,
không còn lăng xăng nữa, khi ấy chúng ta cũng đã già rồi không còn ham
muốn không còn đuổi theo cái gì nữa. Khi con người không còn ham muốn, tâm
viên ý mã không còn lăng xăng, lúc ấy ra làm sao?
Như cũ am mây một giường thiền.
Lúc ấy chỉ còn một giường thiền ở trong am mây mà thôi. Giường
thiền đó giống như giường của ai, quí vị có biết không? Giường thiền này
là giường ông Duy-ma-cật nằm bệnh.
Trên đường tu lúc nào tâm viên ý mã chịu dừng chịu lặng, lúc đó chúng ta
sẽ đầy đủ cảnh viên mãn của con người giải thoát hiện tiền. Sự giải thoát
viên mãn đó được tượng trưng bằng một chiếc giường thiền, giường của ông
Duy-ma-cật nằm bệnh v.v… Đối với sự tu hành, cốt làm sao tâm viên ý mã mỏi
mệt, nằm yên ngủ, lúc đó cái chân thật hiện nguyên hình, không phải tìm
kiếm ở đâu xa xôi.
Chúng tôi dẫn tiếp theo đây câu chuyện của Lục Tổ nhân nghe một câu trong
kinh Kim Cang mà ngộ đạo. Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến đoạn ngài
Tu-bồ-đề hỏi Phật: “làm sao để trụ tâm” tức là: người cầu Vô thượng Bồ-đề
làm sao an trụ được tâm của mình (tức là cái tâm Vô thượng Bồ- đề), Phật
trả lời: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc,
pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghĩa là người phát tâm Vô
thượng Bồ-đề không nên trụ nơi sắc, nơi thanh, nơi hương, nơi vị, nơi xúc,
nơi pháp. Không nên có chỗ trụ đó là trụ. Cho nên ưng vô sở trụ nhi sanh
kỳ tâm, tức là không nên có chỗ trụ mà sanh tâm Vô thượng Bồ-đề. Khi nghe
tới câu đó, Lục Tổ liền thốt lên rằng:
“Đâu ngờ tánh mình xưa nay vốn thanh tịnh,
Đâu ngờ tánh mình xưa nay vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn vật v.v…”
Các chữ đâu ngờ, nói lên chỗ ngộ của Lục Tổ, Ngài ngộ cái gì?
Ngài ngộ sáu căn không dính với sáu trần, đó là giải thoát, phải không? –
Chưa phải. Nếu Ngài ngộ sáu căn không dính với sáu trần, Ngài là Nhị thừa
rồi, chớ không phải là một vị tổ trong Thiền tông. Câu hỏi là: “Người phát
tâm Vô thượng Bồ-đề, muốn an trụ tâm ấy, phải làm sao?” Đáp: Không dính
với sáu trần, là an trụ tâm Vô thượng Bồ-đề. Ngay nơi câu đáp này Lục Tổ
thấy rõ rằng: Tâm không chạy theo sáu trần là cái Vô thượng Bồ-đề hiện
tiền. Cái Vô thượng Bồ-đề đó đã sẵn thanh tịnh, đã sẵn đầy đủ mà nó dấy
niệm cho nên hay sanh muôn pháp, mới đuổi theo muôn pháp. Ở đoạn trên nói
sáu căn không dính với sáu trần đó là giải thoát, mà chúng ta không biết
cái gì giải thoát, không có một cái chủ đề của sự giải thoát. Nhưng ở đây,
khi nghe câu đáp, Lục Tổ thấy được mặt thật của sự giải thoát rồi. Vì thấy
được mặt thật đó, nên Ngài mới thốt lên những câu đâu ngờ, đâu ngờ mình
như vậy, đâu ngờ nó sẵn như vậy v.v… Khi nghe thốt lên những câu đó, Ngũ
Tổ biết đệ tử đã ngộ, cho nên ngang đó mới truyền y bát cho.
Chúng ta thấy rằng, đối với Thiền tông không phải chỉ gỡ hết những dính
mắc bên ngoài, gọi là giải thoát, giải thoát bằng một danh từ rỗng, mà
phải thấy được mặt thật của sự giải thoát, mà các bộ kinh Nhị thừa chưa đề
cập tới. Giải thoát là cởi mở, cởi mở là động từ chớ không phải là chủ từ.
Như vậy cởi mở cái gì? Ở đoạn trước, theo tinh thần Nguyên thủy, chúng ta
nghĩ rằng được giải thoát mà không biết cái gì được giải thoát. Nhưng tới
đây, với tinh thần nhà Thiền, Lục Tổ không thấy như vậy. Ngài thấy rằng
cái giải thoát đó là tánh Bồ-đề sẵn có của chính chúng ta. Tánh Bồ-đề đó
thanh tịnh từ thuở nào, tánh Bồ-đề đó đầy đủ muôn pháp, tánh Bồ-đề đó đầy
đủ diệu dụng. Sống được với tánh Bồ-đề đó gọi là giải thoát. Giải thoát là
tánh Bồ-đề không bị nhiễm với sáu trần, nó là cái chủ thật của mình. Vì
vậy trong nhà thiền gọi nó là Bản lai diện mục, là Chủ nhân ông v.v… Hiểu
như quí vị mới thấy cái trình tự tu tiến của người tu, nếu không chúng ta
có thể hiểu lầm. Lục Tổ ngộ được lý giải thoát, không phải chỉ là động từ
giải thoát mà Ngài thấy được ông chủ là người không bị trói buộc, ông chủ
mới là chủ từ. Ông chủ đó mới thật là mình, sống được với ông chủ đó mới
thật là viên mãn giải thoát.
Sau đây chúng tôi dẫn thêm câu chuyện con khỉ: Ngài Ngưỡng Sơn đến hỏi đạo
với ngài Trung Ấp: “Bạch Hòa thượng, thế nào là nghĩa Phật tánh?” Ngài
Trung Ấp đáp: “Ta nói thí dụ thì ông hiểu. Như có con khỉ ở trong cái nhà
sáu cửa. Bên ngoài có một con khỉ đến mỗi cửa kêu chéo chéo, con khỉ bên
trong cũng đáp lại chéo chéo. Đến mỗi cửa nó mỗi kêu, bên trong đều đáp
ứng lại…” Nghe tới đó ngài Ngưỡng Sơn mới hỏi: “Bạch Hòa thượng, nếu con
khỉ trong nhà nó ngủ thì sao?” Hòa thượng Trung Ấp liền từ giường thiền
bước xuống, chạy lại nắm tay ngài Ngưỡng Sơn nói: “Chéo chéo ta và ông đã
thấy nhau rồi.”
Qua câu chuyện trên, quí vị hiểu thế nào?
Cái nhà sáu cửa là thí dụ cho sáu căn của chúng ta, con khỉ ở ngoài chéo
chéo là thí dụ cho sáu trần. Bởi sáu căn duyên với sáu trần, con khỉ ở
trong nó ứng lên để đối đáp, nên gọi là dính mắc. Nếu con khỉ ở trong nó
ngủ, con khỉ ở ngoài kêu chéo chéo cách mấy, nó cũng không ứng đáp, phải
vậy không? Tuy mỗi cửa đều có kêu, có động, mà vì nó ngủ nên nó không đáp
lại, nhưng nó vẫn có mặt trong nhà. Hình ảnh con khỉ ngủ trong nhà giống
như chỗ Lục Tổ thấy, Ngài thấy rằng cái đó nó sẵn có, nó thanh tịnh từ
thuở nào.
Tinh thần Thiền tông chỉ cho chúng ta thấy cái không dính với sáu trần gọi
là giải thoát, không phải động từ giải thoát suông, mà có ông chủ nằm yên
không chạy ra. Sống được với ông chủ đó mới là thật sự giải thoát, giải
thoát là ông chủ đó, chớ không phải giải thoát bằng một tên suông.
Chúng ta tu thiền cốt làm sao sống được với ông chủ, ông chủ đó là ai?
Chúng tôi có phê bình câu chuyện của một Phật tử nói rằng nước biển nổi
sóng ầm ầm mà nó không biết có chứa muối bên trong. Đến khi nước tràn vào
bờ, bị ngăn chận lại, rồi khô đi, bấy giờ chất muối mới hiện ra. Như vậy
muối khi ở biển hòa tan với nước, nó đã có sẵn trong nước. Khi nước bốc
hơi muối cô đọng lại. Như vậy nước và muối là hai, cho nên tôi chấm câu
chuyện đó dưới điểm trung bình.
Còn ở đây Lục Tổ nói: “không phải hai”, chính ông chủ đó, đâu ai khác hơn
là mình. Nhưng vì mê mình sống với cái điên đảo vọng tưởng, rồi bị nó dẫn
chạy, gọi đó là luân hồi, là trói buộc. Nếu tỉnh mình không chạy theo cái
điên đảo vọng tưởng, mình sống thật với ông chủ, thì ông chủ đó lúc nào
mà chẳng hiện tiền. Bên ngoài có kêu gọi, dù không đáp lại, ông vẫn mở
mắt nhìn mà không dính mắc. Trường hợp con khỉ trong nhà cũng vậy, đừng
tưởng đợi nói đối đáp, nó mới có mặt. Chính khi không đối đáp, nó cũng vẫn
hiện hữu.
Chúng ta giải thoát bằng cách là phải sống thật với ông chủ của mình, hay
là với bản lai diện mục của chính mình, cái đó đã có sẵn trong chúng ta
muôn đời mà chúng ta quên đi, chúng ta không biết. Ngày nay được Phật Tổ
nhắc chỉ, chúng ta phải ráng nỗ lực để sống trở lại. Quên ông chủ, gọi đó
là mê, sống trở về với ông chủ gọi đó là tỉnh là giác. Thành kẻ mê làm
chúng sanh trầm luân trong sáu đường, đó là kẻ đau khổ, gọi là bị phiền
trược. Nếu tỉnh, trở về với ông chủ, không còn bị sáu trần lôi kéo nữa,
chỉ một ông chủ hoàn toàn thanh tịnh, khi đó chúng ta hoàn toàn giải
thoát. Giải thoát đó không có nghĩa là chúng ta phải nhờ ai phụ giúp, mà
chính là chúng ta tự biết tỉnh giác, biết trở về với chính mình. Sự giải
thoát là bổn phận của chúng ta phải trở về, chớ không ai làm thế, cũng
không ai bắt buộc. Rất đáng thương cho chúng sanh tự có của báu mà không
biết, rồi phải thở than, đau khổ muôn đời. Chúng ta được vinh hạnh, được
phúc đức nhờ Phật Tổ chỉ, chúng ta tuy chưa thấy tạng mặt tạng mày, nhưng
cũng mang máng biết, mang máng tin, đó cũng là phúc đức lớn, đó là hồng ân
sâu rộng Phật Tổ đã ban bố cho chúng ta.
Mỗi một năm mới là một lần đưa chúng ta đến gần chỗ chết, chúng ta có
duyên phúc lớn, được phước lành nhiều, mong rằng tất cả ráng làm bổn phận
của mình để khỏi uổng một đời làm người mà không được tỉnh giác. Và cũng
tự mình không để mình bị gạt, tức là chạy theo cái giả dối, điên cuồng mà
quên mất cái chân thật của chính mình. Được như vậy mới xứng đáng, là con
dòng họ Thích, mới xứng đáng là kẻ quyết chí đi theo con đường Phật Tổ đã
đi.
Hôm nay là ngày đầu năm, chúng tôi mong rằng sang năm mới này, tất cả quí
vị có được sức tỉnh giác mạnh hơn, và chính quí vị càng ngày càng nhận
thấy tường tận cái chân thật của chính mình rồi sống trở về, đừng bị ngoại
cảnh lôi cuốn, mà phải phiêu bạt, trầm luân đau khổ.
NAM-MÔ BỔN
SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.
] |