NHỮNG NIỀM VUI CHÂN THẬT
BÀI NÓI CHUYỆN
VỚI PHẬT TỬ
XUÂN MẬU THÌN 1988
Nam-mô Bổn
Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Thưa tất cả quí Phật tử,
Mỗi năm đến ngày Tết Nguyên Đán, tất cả Phật tử gần xa đều tựu hội về đây
để trước là lễ Phật, nhân ngày vía đức Di-lặc, sau là để mừng tuổi chúc
thọ chư Tăng. Phần lễ Phật đã xong, đến phần chúc mừng năm mới.
Theo tinh thần đạo Phật, chúng ta tu không phải là mỗi năm khi Tết đến
chúc mừng nhau sống lâu trăm tuổi muôn tuổi. Chúc như vậy không có kết quả
gì, lời chúc đó chỉ rỗng suông thôi. Vì vậy thay vì chúc thọ suông chúng
tôi sẽ nói chuyện với quí Phật tử gọi là nhắc nhở đường lối tu hành trong
ngày đầu năm, đồng thời cũng là chúc mừng nhau trên đường tu mỗi ngày một
thăng tiến, chớ không để dừng lại một chỗ mãi mãi. Vì lẽ đó ngày hôm nay
thay vì chúc Tết thường, chúng tôi sẽ nói về cái vui của đời và cái vui
của đạo trong mùa xuân cho quí Phật tử nghe.
Tất cả Phật tử, sang đầu xuân ai ai cũng thấy đó là mùa vui tươi, mùa ấm
áp, mùa hy vọng, cho nên tất cả cùng chúc mừng, cùng vui vẻ với nhau. Vì
vậy chúc xuân hay là vui xuân đã có từ xưa đến giờ. Hôm nay chúng ta phải
tìm cho thấu đáo, cho tường tận thế nào là vui xuân, cái vui thật sự của
cuộc đời và cái vui thật sự trong đạo. Hai cái vui đó nó gần nhau hay
không? Nó có lợi ích thiết thực như thế nào? Đó là điều chúng tôi sẽ nói
chuyện với quí vị hôm nay:
Trước hết chúng tôi nói cái vui của đời.
Quí vị thường thấy ở ngoài đời những lúc nào chúng ta được vui mừng? Đó là
lúc chúng ta được một cái gì hơn thiên hạ, phải vậy không? Được cái gì
thắng hơn người, lúc đó chúng ta vui. Hơn người đó là cái vui của mình, có
phải vậy không? Thí dụ như quí vị đi vào các cuộc chơi như cuộc đá banh
hay cuộc đánh cờ v.v… Khi mình cười là lúc nào? Lúc thua hay là lúc thắng?
Lúc thắng thì vỗ tay hoan nghênh cùng vui, cùng cười. Nhưng khi chúng ta
thắng chúng ta cười, những người thua cuộc ra sao? Tự nhiên họ phải buồn
khổ! Như vậy cái vui của cuộc đời là vui khi mình thắng, mà người thua
phải buồn. Thế thì cái vui của chúng ta là cái vui trọn vẹn của người
trong cuộc, hay là chỉ có một người vui rồi một người buồn, hay là một
nhóm vui rồi một nhóm buồn? Như vậy cái vui của đời là vui trong thắng
cuộc, mà mình thắng thì người khác phải thua, kẻ thắng thì vui, người thua
phải khổ, phải vậy không? Rõ ràng chúng ta vui trong cái đau khổ của người
khác, chớ không phải là cái vui trọn vẹn, lẽ thật là như vậy. Người thế
gian nghĩ rằng làm sao cho mình được vui, nghĩa là mình chơi thế nào cũng
phải hơn người, thế là mình được vui. Nếu một lần thua là một lần buồn.
Những người khác họ đến với chúng ta, họ chơi với chúng ta, họ cũng muốn
hơn để họ được vui. Như vậy vui đó là vui trong giành giựt hơn thua, ai
được hơn thì vui, ai bị thua thì khổ. Như vậy mới thấy rõ cái vui của thế
tục là cái vui trong đau khổ.
Ngược lại, cái vui của người tu khác hơn cái vui của người thế tục. Người
thế tục vui khi thắng được người, người tu vui khi thắng được mình. Thí dụ
người Phật tử khi bị ai nói những lời kích bác làm cho tự ái mình nổi lên,
vừa khi cơn sân bừng bừng nổi dậy, lúc đó mình liền tỉnh biết cái sân này
là xấu, là không xứng đáng với người Phật tử, vừa biết như vậy mình liền
ném nó xuống hay bỏ nó đi. Do mình buông bỏ, qua được cơn nóng giận, mình
cảm thấy bình tĩnh trở lại, lúc đó mình có vui không? Mình vui vì mình đã
thắng được mình, mình đã chiến thắng chớ không phải đầu hàng. Như vậy một
lần thắng được mình là một lần vui. Cái vui đó có làm ai khổ hay không? Rõ
ràng mình vui mà người kích bác mình họ thấy mình không trả lời, không
phản đối, họ cũng không có buồn phải vậy không? Như vậy cái vui đó mới là
cái vui trọn vẹn, vui thắng mình mới là cái vui trọn vẹn. Cái vui thắng
người là cái vui của đau khổ, chớ không phải cái vui thật, mà người đời cứ
đuổi theo cái vui đó để người khác phải khổ. Người biết tu chỉ vui trong
cái thắng mình: một lòng tham dấy lên mình thắng được nó là mình vui, một
cơn giận nổi lên mình thắng được nó là mình vui, những cái cám dỗ mà mình
thắng được nó là mình vui. Những cái vui đó chỉ có lợi cho nội tâm mình mà
không có hại cho ai. Như vậy cái vui của đạo mới là cái vui thật sự, vui
mà không có khổ cho ai. Đó là bước thứ nhất.
Đến bước thứ hai, người đời vui khi nào họ được. Thí dụ như họ đi đường
thấy ai làm rớt một món đồ quí giá, họ lượm được, lúc đó vui hay buồn? Dĩ
nhiên lúc đó rất là vui. Mình được may mắn mình vui, nhưng người mất vật
quí có vui không? Cái được mà mình vui đó đổi lại bao nhiêu nước mắt của
kẻ bị mất. Hơn nữa, như trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta làm cái gì gặp
thời gặp thế, mua đâu được đó, bán đâu đắt đó, cái gì cũng hơn người, cái
gì cũng được, khi đó mình vui quá, nhưng người khác thì sao? Thí dụ như
ngày hôm qua mình mua món đồ giá một ngàn đồng, hôm nay bỗng dưng lên giá
một ngàn rưỡi đồng, mình vui quá vì mình được lời nhiều, nhưng người bán
cho mình hôm qua, người đó có buồn không? Tất nhiên là buồn, vì họ lỗ, họ
thiệt thòi mà mình được vui. Như vậy cái được của mình là vui, mà cái vui
của mình là cái buồn của kẻ khác.
Người Phật tử chúng ta nếu biết vui thì phải vui làm sao? Không phải vui
trong cái được, mà vui trong cái lìa. Nghe nói thì quí vị buồn quá, lìa mà
vui cái gì? Nhưng không ngờ lìa mới là vui. Người đời được là vui, trái
lại người tu lìa mới là vui. Tại sao lìa là vui? Thí dụ như mình khi trước
bị bệnh ghiền thuốc nó hành mình cay đắng, tốn tiền tốn bạc. Bây giờ mình
bỏ được bệnh ghiền thuốc, có vui không? Lìa được bệnh ghiền đó là vui, mà
vui đó có ai khổ không? Niềm vui đó làm cả nhà vui lây, phải không? Như
vậy đó mới là cái vui thật. Hồi xưa mình say rượu mê man, nay quán này mai
quán nọ, bao nhiêu tiền cũng không đủ. Bây giờ mình bỏ rượu tức lìa được
rượu, gia đình mình vui không? Mình thắng được rượu, mình lìa được ghiền
rượu, bản thân mình vui mà gia đình cũng vui. Như vậy do lìa mà vui đó là
người tu, do được mà vui đó là người đời. Khi mình biết tu, lìa những bệnh
ghiền rượu, ghiền thuốc, ghiền á phiện, tất cả những bệnh ghiền mình bỏ
được, đó là vui.
Xa
hơn nữa, lìa được ngũ dục ở thế gian đó là nguồn vui chân chánh của người
học đạo. Người tu thiền khi được định Sơ thiền gọi là ly sanh hỉ lạc. Ly
tức là lìa, lìa cái gì? Lìa cái mê đắm ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị,
xúc. Năm điều này mà mình lìa được không dính không nhiễm nữa gọi đó là
ly. Lìa được ngũ dục rồi thì lòng mình khoan khoái nhẹ nhàng gọi là được
định Sơ thiền: ly sanh hỉ lạc. Thí dụ khi trước mình có tật thích đi xem
hát, có gánh hát nào lại gióng trống đi ra là mình nôn nao phải đi xem hát
cho kỳ được. Bây giờ biết tu, khi nghe gánh hát gióng trống, mình nhất
định thôi bỏ không đi xem hát. Cho đến khi gánh hát dọn đi mà mình cũng
không bén mảng tới rạp hát. Đó là mình thắng hay mình thua? Mình lìa được
cái mê xem hát, đó là mình thắng, mình cảm thấy vui. Cái vui đó có tốn hao
xu cắc nào đâu, không tốn tiền, không tốn bạc mà mình được sự an ổn. Cái
vui đó do lìa mà được. Do xa lìa ngũ dục, không bị nhiễm trước, chúng ta
được vui, gọi đó là ly sanh hỉ lạc được định Sơ thiền.
Kế
nữa người đời thích vui, vui trong cảnh nhộn nhịp, vui nơi chỗ đông đảo ồn
ào. Thí dụ như chỗ nào là chỗ vui của người đời? Rạp hát, sân đá bóng,
phòng trà v.v… Những chỗ đó có chỗ nào là yên tĩnh đâu, toàn là chỗ nhộn,
chỗ ồn. Nhưng đó là nơi họ vui nên họ tìm tới. Nhưng cái vui ồn náo nhộn
nhịp đó có lâu bền hay không? Thí dụ như nơi rạp hát, khi người hề họ khéo
giễu làm cho mình cười, cười ồ lên, mình cười đến nôn ruột đi nữa, nhưng
một lát khi ra về, rồi cũng hết cười. Mình chỉ cười được khi trước mắt
mình thấy, lỗ tai mình nghe những chuyện họ khéo gợi, lúc đó mình vui. Ra
khỏi nơi đó rồi, không được vui nữa, nhất là đi xem hát tới mười một giờ
mười hai giờ đêm mới về, vừa đi dọc đường vừa buồn ngủ, lúc đó có vui
không? Hết vui rồi. Hơn nữa nếu tiền bạc mình eo hẹp, khi xem hát ra về,
túi tiền mình sao nó trống rỗng! Nhớ lại ngày mai không đủ tiền mua gạo,
lúc đó có còn vui không? Cho nên cái vui mình muốn thấy, muốn được ở chỗ
ồn náo, cái vui đó chỉ là vui nhất thời, tạm bợ, không có lâu bền.
Ngược lại, người học đạo, người biết tu không thích cái vui ồn ào mà lại
thích vui trong yên lặng, ngồi những nơi yên tĩnh, một mình nhìn trời,
nhìn mây, ngắm hoa ngắm kiểng, lòng mình phơi phới nhẹ nhàng. Cái vui đó
là vui của người trong đạo. Vì vậy người biết tu thiền lấy vui thiền định
làm niềm vui của mình, cho nên gọi Nhị thiền là định sanh hỉ lạc. Do tâm
được yên định sanh ra vui mừng, cái vui mừng đó có tốn hao gì không? Do
tâm định, vui mừng phát ra, không có tốn hao gì cả. Vui trong yên định là
cái vui sáng suốt, tỉnh táo, khỏe khoắn, an nhàn, không phải cái vui ồn
ào, nhọc nhằn mỏi mệt. Vui ở chỗ nhộn nhịp làm cho mình mất sức khỏe, tiêu
hao nghị lực, vừa tốn của vừa tốn công, vừa làm cho mình phải suy mòn sức
lực. Vui của người tu, nơi yên lặng, trong lúc thiền định, cái vui đó nhẹ
nhàng thanh thoát, tâm hồn sáng tỉnh đó mới là cái vui chân thật.
Kế
nữa, người đời vui trong mê lầm, không phải vui trong tỉnh giác. Mê lầm là
sao? Thí dụ đánh bạc họ cho đó là vui. Cái vui đó có phải là vui thật
không. Khi đánh mà ăn thì vui, nếu thua thì khổ. Mà đánh bạc trăm lần đều
ăn hết hay sao? Như vậy cờ bạc là khổ mà người ta tưởng là vui, rồi phải
tốn tiền khổ sở. Đến sòng bạc mà họ nói là đi mua vui, cái vui đó là vui
trong mê lầm. Rồi đến uống rượu họ cho là vui. Thí dụ năm bảy người rủ
nhau tới quán rượu, chén thù chén tạc, người nào người nấy say lúy túy,
cái đó vui không? Người đời cho ăn nhậu là vui, nhưng khi say lúy túy rồi
nôn mửa, có vui không? Ngồi quán uống rượu họ cho đó là vui nhưng sự thật
là rượu làm cho sức khỏe tiêu mòn, tiền bạc tốn hao, tăng trưởng si mê.
Như vậy có phải là vui trong mê lầm hay không?
Đối với người học đạo, người Phật tử, vui của mình là vui giác ngộ. Thí dụ
đang ngồi thiền có vấn đề khi trước mình không hiểu, nay bỗng dưng mình
hiểu, hiểu đó thật là vui, có khi vui quá mình cười to lên… Đó là do giác
ngộ mà vui. Hoặc khi mình đang đi, một vấn đề khi trước mình chưa thông,
bỗng dưng tâm mình sáng ra mình hiểu được, lúc ấy vui không? – Rất là vui
do giác ngộ mà vui. Cái vui đó có nhọc nhằn tốn hao gì đâu. Càng vui thì
trí tuệ càng sáng phải không? Cái vui đó đưa chúng ta đến chỗ an lạc hoàn
toàn vì đó là cái vui của giác ngộ giải thoát. Ngày xưa các vị Thiền sư
ngồi tu, đến khi các ngài bừng ngộ, các ngài rất là hoan hỉ. Do giác ngộ
mà các ngài hoan hỉ. Như vậy cái vui của người tu khác với cái vui của
người đời. Người đời lấy mê lầm cho là vui, người tu do giác ngộ mà vui.
Thêm nữa, người đời vui trong ràng buộc. Ràng buộc là sao? Là thương yêu,
quyến luyến. Thí dụ như bà nội có được một đứa cháu nội, nó chạy theo nắm
tay bà nũng nịu, bà nội vui không? Hoặc đứa cháu ngoại nó chạy theo nói
ríu rít đủ điều, bà ngoại thương không? Càng vui, càng thương, càng phải
lo nhiều. Vì thương cháu quá, cho nên rồi lo cho nó ăn ngon, lo cho nó mặc
đẹp… Lo hết con tới cháu, lo hoài đến ngày nhắm mắt cũng chưa xong. Vui
như vậy là vui trong ràng buộc.
Hơn nữa, người nào được nhiều người thương, người đó vui không? Thấy mình
được thiên hạ quí trọng, kính nể, lúc đó là vui. Nhưng một người thương
mình là một sợi dây trói buộc, hai người thương, là hai sợi dây, mười
người thương là mười sợi dây… Thương nhiều thì gỡ khó. Vậy mà người ta vui
được thiên hạ thương, được thiên hạ chú ý, quí mình như ngọc như ngà v.v…
Do đó, người đời càng vui, thì càng đắm mình trong sự trói buộc, trói buộc
trong tình thương gia đình, tình thương con cháu tình thương những người
chung quanh v.v… càng thương nhiều thì càng bị buộc nhiều!
Ngược lại người tu, nhất là người tu Phật, vui là khi giải thoát. Những gì
ràng buộc, làm cho mình bị rối rắm, phải cắt bỏ nó đi. Cắt bỏ được một mối
là vui mừng một mối. Cắt bỏ đây không có nghĩa là bỏ chồng bỏ con… mà cắt
bỏ là bỏ những tình thương không lợi ích mà còn gây thêm tai hại cho mình.
Thí dụ như người đó với mình không phải là thân thuộc mà họ nói những lời
ngọt ngào, những lời thương yêu rồi mình tưởng họ thương thật, tự nhiên
mình tự trói mình rồi mình khổ. Ở thế gian có những lời nói không đúng với
tâm niệm, họ nghĩ một đàng mà nói một nẻo để cầu lợi, để nắm giữ những gì
họ thích. Mình phải biết rõ những lời nói đó không phải thật, đừng để bị
cột trói. Tình thương chân thật nhất là tình thương cha mẹ với con cái, mà
có khi còn phai nhạt, có khi còn gặp những đứa con bất hiếu thay! Huống
nữa là những người ngoài chắc gì họ thương mình thật, mà nghe nói họ
thương, mình vui mừng thích thú, e rằng có ngày sẽ phải khổ. Vì vậy những
tình cảm thương yêu quyến luyến vô tình trói cột làm cho mình phải khổ!
Người tu lấy sự giải thoát làm vui, không thể bị trói buộc bởi những tình
cảm riêng tư và những ngũ dục bên ngoài.
Người đời nghĩ rằng cuộc đời mình phải được an vui hạnh phúc, nhưng từ
thuở nhỏ cho đến hiện nay năm mươi, bảy mươi tuổi, quí vị thấy đời mình
vui nhiều hay khổ nhiều? – Khổ nhiều! Vì sao mình muốn vui mà lại khổ? –
Vì mình muốn vui mà vui trên cái khổ của người khác, cho nên người khác
cũng muốn vui mà vui trên cái khổ của chính mình. Vì sát phạt lẫn nhau để
được vui, nên cái vui đó khó mà được vẹn toàn. Những người từ sòng bạc đi
ra đâu phải ai ai cũng đều hớn hở. Trong mười người, độ hai người vui
mừng, còn tám người thì âu sầu đau khổ. Như vậy tại sao người ta cứ đến
sòng bạc mãi? Tám lần khổ chỉ có hai lần vui. Có khi đủ cả mười lần khổ là
khác!
Ở
đời nếu chúng ta tìm vui trong sự thắng người, trong cảnh nhộn nhịp v.v…
thì cái vui đó chỉ là tạm bợ mong manh, không lâu bền được. Chúng ta phải
tìm những niềm vui chân thật ở đạo: vui khi thắng mình, lìa được những tật
xấu; vui khi được ở chỗ yên tịnh, tâm hồn được an ổn; vui khi được tỉnh
giác, thoát ly được những buộc ràng. Nếu sáng suốt chúng ta tìm cái vui
chân thật, thì cái vui sẽ lâu dài bền bỉ, còn mê lầm chúng ta sẽ đuổi theo
những cái vui giả dối thì vui ít mà khổ nhiều. Mong rằng quí vị luôn luôn
sáng suốt để được an vui hạnh phúc mãi mãi.
Để
kết thúc buổi nói chuyện hôm nay chúng tôi đọc bốn câu kệ sau đây để quí
vị dùng làm kim chỉ nam trong năm mới:
Nguồn vui mãi vô tận,
Khi nhìn ánh nguyệt chân.
Nơi nơi đều cực lạc,
Phút phút hiện chân thân.
Nguồn vui mãi vô tận, là nguồn vui nào?
Khi nhìn ánh nguyệt chân: Khi nhìn thấy mặt trăng thật, là mặt trăng nào?
Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói mặt trăng thật và mặt trăng thứ hai,
chúng tôi nói thêm nữa là bóng mặt trăng. Mặt trăng chân thật chỉ tâm thể
bất sanh bất diệt của mình, mặt trăng thứ hai chỉ cái chân thể đó hiện nơi
sáu căn, còn bóng mặt trăng là chỉ ý thức duyên với pháp trần. Muốn được
nguồn vui vô tận là khi nào mình thấy được mặt trăng chân thật. Khi ấy thì
thế nào?
Nơi nơi đều cực lạc: Nơi nào cũng cực lạc, không phải chỉ riêng cõi Tây
phương.
Phút phút hiện chân thân: Phút nào cũng hiện cái thân chân thật.
Chúng tôi xin chúc tất cả quí Phật tử sang năm Mậu Thìn này được một nguồn
vui vô tận khi nhìn thấy mặt trăng thật, rồi nơi nào cũng là cực lạc, giờ
nào cũng là Niết-bàn. Đó là lời chúc lành của chúng tôi gởi đến quí vị.
NAM-MÔ
BỔN-SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.
] |