ĐỨC DI-LẶC QUA HÌNH ẢNH VÀ Ý NGHĨA
NGÀY VÍA CỦA NGÀI
Trong chùa tất cả những hình thức thờ phụng cũng như mọi nghi lễ đều có ý
nghĩa rõ ràng, nhưng vì lâu rồi chúng ta nặng về phần tín ngưỡng, nên
không xét kỹ ý nghĩa. Vì vậy đi chùa rất lâu thờ Phật quá nhiều; mà tự
mình không biết ông Phật đó là thế nào? Tại sao ngày đó mình phải lễ Ngài?
Hôm nay nhân ngày đầu năm, đúng là ngày vía của đức Phật Di-lặc, và lúc
này chúng ta lễ Phật gọi là lễ vía đức Di-lặc. Chúng ta phải biết ý nghĩa
ngày vía của Ngài thì việc lễ của chúng ta mới có giá trị thật. Vì sợ quí
Phật tử không hiểu lẽ đó, cũng như chư tăng trong chùa, nhiều khi không có
thời giờ nghiên cứu rõ ràng, cho nên hôm nay sẵn đây tôi nói ý nghĩa về
đức Phật Di-lặc để quí vị tìm hiểu, coi như lời chúc Tết đầu năm của tôi.
Nói về đức Phật Di-lặc chắc rằng đại đa số quí vị đều nhớ đến hình tượng
của một ông Phật ngồi phạch ngực, mập, bụng to và miệng cười toe toét. Có
khi quí vị thấy bên cạnh Ngài có 6 đứa con nít, đứa thì móc lỗ tai, đứa
thì móc miệng, đứa thì thọc lét v.v... Những hình tượng đó như là một trò
đùa. Mình không biết tại sao lại có chuyện đùa ở trong chùa như vậy. Đó là
ý nghĩa chúng ta cần phải biết. Nói đến đức Di-lặc chúng tôi phải khảo
lịch sử từ Ấn Độ sang Trung Hoa để quí vị khỏi lầm lẫn. Nhiều tà thuyết
bây giờ dựng đức Phật Di-lặc làm chỗ tiêu chuẩn để họ lôi cuốn Phật tử.
Đức Phật Di-lặc là tên dịch của thuở xưa. Sau này có dịch ra nhiều tên
khác nhưng vì chúng ta đã quen kêu là đức Phật Di-lặc.
Chữ Di-lặc là phiên âm tiếng Phạn, Tàu dịch là Từ Thị (Thị là họ, Từ là từ
bi). Có thuyết nói rằng khi bà mẹ của Ngài mang thai Ngài, khởi lòng
thương không nỡ giết hại chúng sanh và không ăn thịt cá được cho nên nói
là “Từ”. Vì Ngài sanh nơi bà mẹ đó cho nên gọi là Từ Thị. Nhưng có thuyết
lại nói khác hơn. Vì thuở xưa Ngài tu về từ bi tam-muội cho nên sau này có
tên là Từ Thị. Nhưng tên Ngài là A-dật-đa cũng là tiếng Phạn dịch âm. Dịch
theo chữ Tàu là Vô Nan Thắng (Vô là không, Nan là khó) tức là không có thể
nào hơn được. Đối với Ngài về trí tuệ và hạnh tu ít người hơn được, nên có
tên Vô Nan Thắng. Đó là nói về đức Phật theo thói quen của chúng ta. Nếu
nói theo kinh thì gọi là Bồ-tát Di-lặc. Hồi đức Phật còn tại thế, Bồ-tát
Di-lặc là một người có lịch sử sanh ở miền Nam Thiên Trúc, ở trong dòng
Bà-la-môn. Sau gặp Phật, Ngài xuất gia, tu theo hạnh Bồ-tát. Đó là hình
ảnh thật có lịch sử rõ ràng ở Nam Thiên Trúc.
Khảo nhiều kinh, trước hết tôi dẫn kinh A-hàm. Trường A-hàm có nói thế
này: Đức Phật dạy rằng sau này ở cõi Ta-bà, tâm con người càng ngày càng
ác, mười nghiệp thiện họ bỏ qua mà luôn tạo nhiều nghiệp ác. Cho đến bao
giờ họ quí mười nghiệp ác cũng như thuở xưa quí trọng mười nghiệp thiện và
tuổi thọ chúng sanh giảm xuống đến cuối cùng còn mười tuổi thì đức Phật
Di-lặc ra đời. Khi nghiệp ác nhiều thì tuổi thọ theo đó mà giảm. Bao giờ
tuổi thọ con người chỉ còn mười tuổi, cũng như bây giờ tuổi thọ chúng ta
coi là một trăm tuổi vậy, thì lúc đó thế giới sẽ có những tai nạn đao
binh. Đao binh ở đây không phải là người ta giết chết nhau, mà chính những
lá cây cỏ cũng có thể biến thành gươm bén. Chúng ta bị chặt bị cắt mà
chết. Qua tai nạn đao binh đó tới tai nạn tật dịch tức là đau ốm bệnh
dịch. Vì vậy đại đa số dân chúng trên thế giới này chết mòn chỉ còn sót
lại một ít người tu hành ẩn trên núi trên non. Họ còn sống thừa lại. Khi
họ sống qua cái thời gian chết đó rồi, họ tìm thấy bà con dòng họ của họ
chết hết, chỉ còn sót lại lưa thưa vài người, lúc đó, họ mới biết rằng từ
hồi đó tới giờ dòng họ mình làm điều ác, bây giờ mới bị quả báo chết như
vậy. Cho nên họ nỗ lực tu mười điều thiện lại. Khi bắt đầu tu mười điều
lành thì tuổi thọ họ tăng, cứ một trăm năm thì tăng lên một tuổi. Đến bao
giờ tuổi thọ lên đến sáu mươi bốn ngàn tuổi, lúc đó dân chúng đông đảo
thuần hậu, làm lành thì Phật ra đời ở dưới cội cây Long Hoa gọi là hội
Long Hoa. Như vậy quí vị tưởng tượng bây giờ chúng ta đang ở cái mức tám
mươi tuổi thọ mà cứ một trăm năm giảm xuống một tuổi, giảm tới còn mười
tuổi, rồi tăng lên cho đến sáu mươi bốn ngàn tuổi, thì thời gian từ đây
cho tới đó còn bao xa? Theo sách Phật thì khi Phật Thích-ca nhập diệt thì
đức Di-lặc cũng nhập Niết-bàn. Ngài sanh lên cung trời Đâu-suất ở trong
nội điện sống bốn ngàn tuổi. Sau đó Ngài mới sanh trong thế giới Ta-bà,
thành đạo dưới cội cây Long Hoa giáo hóa chúng sanh kế tiếp đức Phật
Thích-ca. Vậy tưởng chừng bao lâu Phật Di-lặc ra đời? Vậy mà có một số
người nghe trong kinh nói đức Phật Di-lặc ra đời nghe nói hội Long Hoa,
rồi họ bịa ra ít bữa đức Phật Di-lặc ra đời, vài bữa hội Long Hoa đến
v.v... Đó là những tà thuyết để lừa bịp những Phật tử học mà không hiểu
Phật pháp, lại có người tự xưng là Phật Di-lặc hoặc tự cổ động rằng mình
sẽ chờ đón đức Phật Di-lặc. Quí vị xét, nếu chúng ta tin đức Phật Di-lặc
chỉ còn một phen bổ xứ lên cung trời Đâu-suất, sau này hạ sanh ở thế giới
Ta-bà thành Phật, nếu tin lời Phật Thích-ca nói trong kinh thì chúng ta
phải tin luôn thời gian đã định ngày Phật ra đời. Chúng ta tin đức Phật
Di-lặc, có hội Long Hoa mà quên thời gian đó. Rồi cứ hờ hững, cứ nghe ai
nói đức Phật Di-lặc ra đời thì vội vàng chạy tới đảnh lễ mong cầu v.v...
Đó là cái sai lầm quá lớn để những tà thuyết lợi dụng danh từ Phật giáo
tuyên truyền mê tín dị đoan. Người Phật tử chân chánh phải hiểu rõ điều
đó. Đó là tôi khảo về lịch sử từ những bộ kinh gọi là Di-lặc thượng sanh,
Di-lặc hạ sanh và Di-lặc bản nguyện. Những kinh đó đều do đức Phật
Thích-ca nói ra. Coi kỹ những bộ kinh đó rồi, chúng ta biết rõ lịch sử đức
Di-lặc, vậy đừng nghe lời của một số người bàn tán, dựng lên những điều
sai lầm. Đó là chúng tôi nói về đức Phật Di-lặc ở Ấn Độ.
Bây giờ nói tới đức Phật Di-lặc ở Trung Hoa. Đức Di-lặc sang Trung Hoa hồi
lúc nào? Thật ra nếu căn cứ theo hình tượng chúng ta thờ thì không có hình
tượng của đức Bồ-tát ở Ấn Độ, mà là hình tượng đức Di-lặc ở Trung Hoa. Đó
là một ông già bụng phệ lùn mập, như vậy là đức Di-lặc ở Trung Hoa chớ
không phải ở Ấn Độ. Di-lặc ở Trung Hoa ra đời lúc nào? Điều đó chúng ta
phải khảo lại. Có nhiều thuyết nói đức Di-lặc hiện giờ đang ở trên cung
trời Đâu-suất. Ngài chưa tới thời kỳ giáo hóa chúng sanh ở thế giới này.
Nhưng với tinh thần người hiểu Phật giáo Đại thừa thì Bồ-tát có báo thân,
ứng thân và nhất là hóa thân. Tùy căn cơ chúng sanh mà các ngài ứng hóa vô
lượng thân không thể lường được. Cho nên sử Trung Hoa có kể mà tôi nhớ đại
khái có hai hóa thân của Bồ-tát Di-lặc. Một hóa thân gọi là Ngài Tăng Can
ở gần chùa Quốc Thanh đời nhà Tùy, tức là ở khoảng thế kỷ thứ sáu. Nói
rằng Ngài có một cái am gần chùa Quốc Thanh và đi thuyết giáo nơi này nơi
nọ. Có lắm lúc Ngài cỡi cọp về, chúng trong chùa thấy hoảng kinh. Khi đến
khi đi không ai lường được. Có lần Ngài ôm về một đứa bé gởi trong chùa
đặt tên là Thập Đắc. Thỉnh thoảng có một ông ăn mặc rách rưới ở trong núi
lạnh đi ra, tuyết phủ đầy mình gọi là Hàn Sơn. Hàn Sơn và Thập Đắc được
coi như là hai người ăn mày trong chùa. Các ngài là hai vị hóa ra ăn mặc
rách rưới ngủ ngoài hành lang. Tới bữa ăn thì đợi chúng ăn xong hết, còn
những thừa cặn gì đó ngài trút lại dùng. Có khi các ngài còn lượm cơm dưới
sàn nước, rửa lại mà ăn. Chúng trong chùa coi các ngài như hai kẻ ăn mày
không kém, nhưng mà có cái lạ là nhiều khi hai ngài hứng làm thơ. Những
bài thơ của các ngài không ai hiểu gì hết. Một hôm bất chợt, sau một bữa
trưa chúng tăng nghỉ hết, hai ngài trèo lên cổ của ngài Văn-thù và ngài
Phổ Hiền ngồi. Một ông tăng ở dưới tăng xá thình lình đi lên, thấy như vậy
ngạc nhiên quá mới chạy đi báo cho ông trụ trì hay. Ông trụ trì lôi hai
ông xuống rầy quở đủ thứ hết. Hai vị đó là bạn thân của ngài Tăng Can.
Ngài Tăng Can tịch rồi. Một hôm ông chủ huyện có bệnh nan y, ông nằm chiêm
bao thấy ngài Tăng Can tự xưng là đức Di-Lặc bảo ông đến đảnh lễ Bồ-tát
Văn-thù, Phổ Hiền và chỉ cho ông một phương thuốc uống hết bệnh. Muốn đảnh
lễ hai vị đó thì vào chùa Quốc Thanh hỏi tên Hàn Sơn, Thập Đắc vì đó là
Bồ-tát Văn-thù và Phổ Hiền. Ông huyện đó theo lời chỉ tìm thuốc uống lành
bệnh, mới tìm đến chùa Quốc Thanh để gặp hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc. Khi đó
ông trụ trì thấy ông huyện tới hỏi hai chú ăn mày trong chùa thì ông ngại
quá không muốn kêu. Nhưng ông huyện cho biết ông mong mỏi gặp hai vị đó.
Buộc lòng ông trụ trì mời hai vị ra. Hai vị nắm tay đi ra. Vừa thấy hai vị
ông huyện quì mọp xuống lạy. Hai vị mới cười và nói: “Cái lão Tăng Can bày
đặt làm cho ta phải bại lộ rồi.” Hai Ngài, cõng nhau chạy tuốt vô rừng
mất. Do đó mới biết hai vị là hiện thân của Văn-thù, Phổ Hiền, còn ngài
Tăng Can là hiện thân của đức Di-lặc. Nhưng biết thì chuyện đã rồi, không
ai ngờ để đảnh lễ các ngài được hết.
Một vị khác vào thế kỷ thứ mười đời Ngũ đại ở Trung Hoa gọi là Bố Đại Hòa
thượng. Vị đó gần gũi chúng ta nhất, tức là ông già quảy cái đãy to tướng,
mặt tròn, miệng cười, bụng phệ, áo phạch ngực. Ngài Bố Đại Hòa thượng lúc
nào cũng quảy một túi lớn, đi trong nhân gian gặp chỗ nào có cái gì, Ngài
xin bỏ vô đãy. Đến chỗ có con nít đông, Ngài ngồi xuống phân chia cho
chúng nó, vui chơi với chúng nó. Cho nên người ta thấy miệng Ngài lúc nào
cũng cười vui vẻ thích thú. Đó là hình ảnh đức Di-lặc, một vị Hòa thượng
bụng lớn, mập, miệng cười toe toét.
Tại sao gọi ngài Bố Đại Hòa thượng là Di-lặc?
Nói rằng Ngài đi xin như vậy có nhiều chuyện xảy ra cho Ngài lạ lắm. Trong
sử có nói đủ, ở đây tôi chỉ lược vài điểm thiết yếu cho quí vị biết mà
thôi. Ngài đi xin và sống một thời gian như vậy ở tỉnh Minh Châu. Tại đó
Ngài lang thang nơi này nơi nọ. Thời đó là thời Thiền Tông còn thạnh hành
ở Trung Hoa. Một hôm Hòa thượng Thảo Đường gặp Ngài hỏi: “Đại ý Phật pháp
thế nào?” Đang quảy bị trên vai Ngài liền để xuống. Vị Hòa thượng hỏi
thêm: “Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên?” Ngài mang cái bị để lên
vai và đi. Đó là câu trả lời của Ngài.
Trong lịch sử Thiền tông, cũng câu hỏi đó, Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền đem ra
hỏi Tổ Hoàng Bá liền bị ăn gậy. Ở đây ngài Bố Đại Hòa thượng đối với câu
hỏi đó, Ngài chỉ buông cái bị xuống đất. Hỏi có con đường tiến lên nữa
không, Ngài mang bị lên vai đi tuốt. Những hình ảnh đó là thế nào? Như vậy
mà người ta vẫn chưa biết thế nào, tung tích ra sao? Nhưng một hôm Ngài
sắp thị tịch, mới trở về chùa. Ngồi bên bàn thạch Ngài làm một bài kệ rồi
tịch. Bài kệ đó như thế này:
Di-lặc chân Di-lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức
Ngài nói rằng: Di-lặc thật Di-lặc. Phân thân trong muôn ức. Thường thường
chỉ dạy người đời. Người đời tự không biết. Nhờ bài kệ đó mà người ta mới
biết Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của đức Di-lặc. Vì vậy muốn vẽ hình đức
Di-lặc người ta liền vẽ hình Bố Đại Hòa thượng. Đó là đức Di-lặc ở Trung
Hoa. Bây giờ chúng ta thờ phượng là thờ hình ảnh đức Phật đó. Chớ đức
Bồ-tát Di-lặc ở Ấn Độ thì mình không biết. Còn đức Di-lặc ở cung trời
Đâu-suất lại càng không biết hơn nữa. Chúng ta chỉ biết Di-lặc hóa thân ở
Trung Hoa với một hình tượng là Bố Đại Hòa thượng. Đó là phần khảo về lịch
sử.
Đây mới nói về ý nghĩa đức Phật Di-lặc, ngày vía mùng một Tết. Ngày vía
này là ngày vía gì của đức Di-lặc. Ở Ấn Độ thì không biết ngày nào, ở
Trung Hoa hóa thân hai, ba đời, cũng không biết ngày nào. Nói ở cung trời
Đâu-suất lại càng không biết hơn nữa.
Như vậy ngày vía này là ngày vía gì?
Chúng ta đừng nghĩ rằng phải đợi có ngày sanh ngày tịch mới gọi là ngày
vía. Đây là ý nghĩa thâm sâu trong nhà Thiền. Các Tổ đã khéo léo chọn ngày
mùng một Tết làm ngày vía đức Phật Di-lặc. Chúng ta lạy Ngài với câu: Long
Hoa Giáo Chủ đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật. Chư Tổ thấy thế gian xem
ngày mùng một Tết là ngày định đoạt của suốt một năm. Ngày này mọi người
dè dặt từng lời nói, dè dặt từng hành động, dè dặt từng tên người đến thăm
mình, dè dặt đủ thứ chuyện. Như vậy ngày mùng một Tết là ngày đầy đủ ý
nghĩa của tương lai mình. Trong nhà chùa ngày mùng một Tết có ý nghĩa gì?
Các Tổ lấy ngày mùng một Tết làm ngày vía đức Phật Di-lặc cũng là ngày
tương lai rực rỡ, ngày tương lai sẽ thành Phật. Sáng mồng một chúng ta lạy
Phật, lạy vía đức Di-lặc, là đặt hết cả niềm hy vọng vào tương lai, hy
vọng chúng ta sẽ thành Phật. Không hy vọng giàu có sang trọng gì mà chỉ hy
vọng sẽ thành Phật. Đó là ý nghĩa sâu đậm nhất của ngày mùng một Tết để
chúng ta lễ đức Phật Di-lặc.
Ý
nghĩa thứ hai là hình ảnh vui cười của đức Di-lặc. Đó là hình ảnh hạnh
phúc. Vì vậy có chỗ thay vì để danh từ Di-lặc lại để một con người hạnh
phúc.
Tại sao là con người hạnh phúc? Tới đây tôi bước sang giai đoạn sâu của
Thiền tông.
Hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp?
-
Ngài quăng cái bị xuống mà không trả lời gì hết.
Hỏi: Có con đường tiến lên không?
-
Ngài quảy bị lên vai mà đi.
Đại ý Phật pháp không có gì lạ. Nói thẳng e quí vị phiền, mà không nói e
cho rằng giấu giếm.
Đại ý Phật pháp chỉ có một chữ xả là được. Chấp tức là chấp mình chấp
người nhân, ngã, Phật pháp, quyền thế, danh vọng v.v... Như vậy cái mà
buông tất cả đó là đại ý Phật pháp. Nói như vậy đó e quí vị khó hiểu.
Tôi nói câu chuyện hơi bình dân một chút mà không kém quan trọng. Tổ Hoàng
Bá thấy Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền, một vị Thiền sư cao nhất trong nhà Thiền,
giữa quãng đời Đường. Ngài dạy rằng, chỉ cần có một hạnh bố thí là đầy đủ
tất cả. Bố thí là cho món này món kia, tức xả hay buông bỏ. Chỉ có một
hạnh xả là đầy đủ tất cả. Nói về hạnh tu Sư thúc, Sư bá mình, Ngài phê
bình rằng: Trong hàng đệ tử của Mã Tổ, trên tám mươi vị Thiện tri thức,
nhưng mà khi nói đến người tiêu chảy, hay nói quê mùa hơn một chút là nếu
nói đến con người ỉa chảy, thì chỉ có Hòa thượng Qui Tông là con người ỉa
chảy đầy đất. Nói đến ỉa chảy quí vị đừng nghĩ theo lối quê mùa của mình,
đó là xả tất cả. Chỉ có Hòa thượng Qui Tông là con người xả được tất cả.
Con người xả là con người đáng quí hơn hết.
Như vậy quí vị thấy rõ ràng xả là một pháp khiến cho người đạt đến viên
mãn trong đạo, nếu nói theo Thiền tông. Vì vậy sau khi Ngài buông cái túi
xuống rồi, hỏi còn có gì nữa không thì, Ngài quảy túi lên vai. Tới đó đừng
tưởng rằng hết rồi, mình tưởng không còn gì nữa. Chính buông hết rồi, mình
mới được một quảy lên vai tự tại. Cho nên nhà chùa có câu “Bỏ tất cả là
được tất cả”. Nhưng nói bỏ tất cả để được tất cả thì mình còn tham quá.
Bây giờ chỉ cần bỏ tất cả vậy là đủ rồi. Chính cái hạnh xả đó là chỗ rất
sâu và đưa chúng ta tới chỗ cao siêu của người giải thoát. Vì vậy trong
nhà Thiền tông nói ta không có một pháp dạy người mà chỉ tùy phương tiện
nhổ đinh tháo chốt thôi. Nhổ đinh tháo chốt là xả, là phá chấp. Xả được là
xong việc.
Đến đây tôi đi sang giáo lý để quí vị dễ thấy dễ tu hơn. Nói đến xả là nói
đến hạnh phúc cho nên quí vị nghe danh từ thường dùng nhất là Hỷ Xả. Hai
cái đó cái nào là nhân cái nào là quả. Có thể nói hỷ là nhân, xả là quả,
cũng có thể nói ngược lại xả là nhân hỷ là quả. Tại sao vậy? Như hằng ngày
có vị nào làm phật lòng mình một chút khiến mình bực bội. Khi bực bội thì
không vui. Giờ đây người đó xin lỗi mình, mình liền vui vẻ mới tha được.
Còn giận thì không tha được. Trường hợp hỷ là nhân, xả là quả. Vui vẻ mà
tha thứ cho họ, như vậy mới là ổn. Giận không thể tha thứ được. Trường hợp
đó hỷ là nhân. Bởi vì mình vui nên mình mới xả, mới được cái quả xả. Nhưng
ở đây nói con người hạnh phúc đó phần lớn xả là nhân hỷ là quả. Bởi vì
chúng ta có xả được chúng ta mới vui. Nếu chúng ta không xả được thì chúng
ta không bao giờ vui được. Tôi nói một việc hết sức là tầm thường, như
trong gia đình quí đạo hữu, người chồng làm phật ý người vợ, trong lúc
phật ý thấy nhau có vui không? Không nói chuyện nhau, không nhìn mặt nhau.
Bao giờ xả được thì lúc đó mới vui vẻ nói chuyện được. Như vậy trường hợp
đó do xả mà được vui. Nếu không xả thì không vui. Đó là thí dụ nhỏ, tôi
thí dụ rộng hơn. Trường hợp chúng ta đối với người ngoài đời hay bè bạn,
nếu họ có hành động hiếp mình hoặc có lời nói cao hơn mình. Lúc đó mình
làm sao? Mình về mình có an ổn được không? Không vui đó là tại sao? Tại
nhớ ông đó nói gác mình, hoặc ăn hiếp mình, ông ỷ mạnh hiếp yếu. Khi nghĩ
như vậy thì về nhà ngủ không được, lăn lộn hoài nằm không yên. Muốn được
ngủ yên phải làm sao? Nếu mình còn nghĩ rằng người ta ăn hiếp mình, người
ta gác mình. Lúc đó mình có cảm thấy vui vẻ hạnh phúc hay không? Chắc
không bao giờ có hạnh phúc được hết. Lúc đó mình sống ở trong phiền não ở
trong tam độc chứ không có hạnh phúc. Bây giờ người nào mà bỏ được cái đó
thật là hạnh phúc. Vì vậy hồi đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài đi khất
thực ở vùng Bà-la-môn, vị lãnh tụ Bà-la-môn nổi tức đi theo Ngài. Ngài đi
trước ông đi theo sau mắng. Ông mắng bao nhiêu mắng Ngài cứ chậm rãi đi.
Đi tới ngã tư đường Ngài trải tọa cụ ngồi. Ông chạy tới trước mặt hỏi:
“Ngài thua tôi chưa?” Ngài liền đáp bằng một bài kệ:
Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ không yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ
Hơn người thì người tức nên oán. Mà người ta oán mình có vui hay không?
Thua người về ngủ không được nằm lăn qua trở lại hoài. Như vậy cả hai đều
là cội gốc của đau khổ, của phiền não. Thành ra cái hơn cái thua hai cái
bỏ phăng đi thì người đó được an ổn ngủ. Tối đến thì nằm xuôi cẳng ngủ
khò, không lo không tính, không phiền muộn gì hết.
Đó
là người hạnh phúc. Hạnh phúc từ đâu mà có? Từ cái xả mà có, chứ chúng ta
cứ ôm ấp phiền não trong lòng hoài thì làm sao mà hạnh phúc được. Quí vị
nhớ, nếu trong gia đình chúng ta không xả được cứ giận vợ giận con hoài
thì cũng không vui. Ra ngoài xã hội cứ nhớ người này ăn hiếp mình, người
kia nói gác mình, người nọ khinh mình, gì gì đó, người ôm trong lòng cả
bụng như vậy thì người đó lúc nào cũng đau khổ, lúc nào cũng là phiền não
hết. Chỉ người nào nghĩ nói gác mình như gió thổi ngoài tai, rồi ngủ khò
không thèm nhớ, thì đó là hạnh phúc chớ gì. Người nào mà trong nhà cũng
như ở ngoài gặp cái gì phật ý, xem đó như là lỡ lầm của người không gì
quan trọng hết, không có gì phải phiền muộn, người được như vậy mới là con
người hạnh phúc.
Đầu năm, chúng ta quen chúc cho nhau, một năm đầy hạnh phúc. Chúc hạnh
phúc mà cứ phiền giận hoài thì làm sao mà hạnh phúc được. Như vậy chỉ là
một cái chúc suông.
Ở
đây tôi không chúc gì cho quí vị hết mà chỉ khuyên: “Năm nay tập tiêu chảy
kha khá một chút” chừng nào quí vị tiêu chảy được như ngài Qui Tông lúc đó
quí vị sẽ tràn trề hạnh phúc.
Đó
là tôi chỉ nói hạnh phúc nho nhỏ của thế gian. Còn nếu nói đến hạnh phúc
cao siêu hơn nữa, tức là đạt đến cứu kính giải thoát thì trong kinh cũng
dạy chúng ta đừng chấp cảnh, chấp người, đừng chấp tâm, đừng chấp pháp.
Nếu chúng ta buông hết những cái chấp đó thì Niết-bàn hiện tại, vĩnh viễn
hạnh phúc. Không chấp tức là xả. Xả được mới thật là vĩnh viễn hạnh phúc.
Vì vậy nói tới đức Di-lặc là nói tới hạnh hỷ xả nên người Trung Hoa tượng
trưng Ngài bằng hình ảnh ngài Bố Đại Hòa thượng, một hình ảnh vui vẻ tươi
cười lúc nào cũng sẵn sàng hỷ xả.
Vậy năm nay quí vị lễ đức Phật Di-lặc là nhớ đến hạnh hỷ xả của Ngài, nhớ
đến cái miệng vui cười hạnh phúc của Ngài. Nếu quí vị sống được cái hạnh
phúc đó thì quí vị chẳng những hạnh phúc ở hiện tại mà hạnh phúc vĩnh viễn
của người vào Niết-bàn.
Đó
là ý nghĩa đức Di-lặc mà hôm nay chúng tôi nói.
NAM-MÔ BỔN
SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
]
|