TÌM LẠI MÌNH, BIẾT ĐƯỢC MÌNH LÀ TRÊN HẾT
TẤT NIÊN MẬU THÌN 1989
Đề
tài chúng tôi nói chuyện hôm nay là: “Tìm lại mình, biết được mình là trên
hết.” Đề tài này, mới nghe qua quí vị thấy quá đơn giản, nhưng thật là
thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta ai ai cũng có thói quen chạy ra bên ngoài, tìm kiếm bên ngoài. Vì
thế chúng ta hiểu biết rất nhiều việc bên ngoài , nhưng khi trở lại tìm
hiểu bản thân mình, con người mình thì rất là thiếu sót. Nói như vậy không
có nghĩa là chúng tôi phủ nhận ngành y khoa nghiên cứu về con người. Ở đây
tôi muốn nói con người chúng ta còn có một giá trị khác hơn nữa. Ngoài cái
thân hiện đang đi đứng nằm ngồi này, còn một cái gì nơi chúng ta mà chúng
ta cần tìm hiểu. Vì thế xoay lại mình tìm cho ra cái chân thật của chính
mình là điều tối quan trọng. Nếu không, thì đời sống chúng ta trở thành
lạt lẽo vô vị. Chẳng lẽ chúng ta sống chỉ để ăn mặc ngủ nghỉ... rồi chờ
đến ngày chết sao? Chúng ta cần phải biết: Sống còn có cái gì cao siêu hơn
ở bên trong. Vì chúng ta cứ phóng ra bên ngoài nên mất mình mà không biết.
Vì vậy chúng tôi mới nhắc quí vị phải: Tìm lại mình, biết được mình là
trên hết.
Lâu nay người ta hiểu lầm cho rằng đạo Phật là huyền bí, cao siêu, nhưng
thật ra đạo Phật rất là thật tế, vì luôn luôn chủ trương xoay lại tìm con
người chân thật của chính mình. Biết được mình chẳng phải là điều rất thật
tế hay sao? Các cơ quan của chúng ta như mắt, tai, mũi, lưỡi... quen phóng
ra bên ngoài để tìm hiểu, phân tích, mà quên nhìn lại nơi mình. Vì lẽ đó
trong nhà thiền có dạy: phản quan tự kỷ bổn phận sự, nghĩa là xoay lại
chính mình mới là bổn phận chánh. Nếu chúng ta biết được tất cả bên ngoài,
mà không biết tí gì về chúng ta, đó là một thiệt thòi lớn lao. Người thế
gian khi làm điều gì đều muốn được thành công, nhưng sự thành công đó kéo
dài lắm cũng chỉ năm ba mươi năm rồi cũng phải buông, không giữ được mãi
mãi. Chỉ có cái chân thật của chính mình mới lâu dài vĩnh cửu. Nghĩ mới
hôm nào chúng ta đôi ba mươi tuổi mà ngày nay đã già rồi, đời sống con
người ngắn ngủi làm sao! Chẳng bao lâu rồi đến giờ phút cuối cùng! Vì vậy
tất cả của cải thế gian nếu chúng ta nghĩ là nguồn hạnh phúc, nguồn an vui
tuyệt đối, thì điều này không hợp với lẽ thật. Chỉ có biết rõ được mình
mới là điều quan trọng và thật tế. Lấy ví dụ cho dễ hiểu: Như người ở thế
gian họ rành rẽ việc của làng xóm, của đất nước, của thế giới, nhưng việc
trong nhà họ không biết tí nào, thì người đó có thiếu thật tế hay không?
Việc trong nhà là nơi gốc họ sống mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mà họ
không biết, chỉ biết chuyện bên ngoài, quả là thiếu thật tế lắm vậy. Nếu
chúng ta biết tất cả, cho đến những vì sao xa xôi trên bầu trời, đó cũng
chỉ là biết bên ngoài. Nếu chúng ta quay lại biết được chính mình, đó mới
là điều cần thiết.
Hiện giờ có nhiều người thường nói cái gì cũng mình, cũng tôi, cũng ta.
Nhưng thử hỏi, cái gì là mình, là ta, thì khó trả lời cho thông được. Nếu
nói thân này là mình, khi chưa có thân là chưa có mình sao? Nếu có thân
rồi mai kia thân hoại thì mình ở đâu? Nếu nói thân này là mình, thân này
do đất nước gió lửa họp thành, đúng ra là vô tri, chẳng lẽ mình lại vô tri
hay sao? Nếu nói thân này có cả phần tinh thần lẫn vật chất, thì phần nào
là mình? Tinh thần hay vật chất? Những điều đó rất là thiết yếu mà ít
người quan tâm đến! Chúng ta cứ mải lo tìm sanh kế, sống ngày này qua ngày
khác, cuối cùng từ giã cuộc đời. Rồi ngang đó chúng ta không biết ra sao
nữa, đó là điều thật đáng buồn. Vì vậy người tu là biết quay lại tìm cho
ra: Mình là cái gì? Là thân tứ đại này chăng? Là những tình cảm vui buồn
thương ghét chăng? Hay là cái gì cao siêu hơn nữa? Chúng ta tu cốt phải
làm sao thấy được con người mình, con người chân thật.
Chúng tôi xin dẫn bài kệ của một Thiền sư cư sĩ, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ,
đời Trần. Ngài làm bài kệ soi lại mình, nhan đề là “Chiếu Thân”.
Tiêu đầu lan ngạch bị kim bào,
Ngũ thất niên gian thị xưởng tào.
Túng giả siêu quần kiêm bạt tụy,
Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.
Bài dịch:
Soi Thân
Sém đầu dập trán bởi đua chen,
Năm bảy mươi năm kiếp ngựa hèn.
Ví thực bạt siêu ngoài thói tục,
Một lần buông xuống một lần lên.
Trúc Thiên
Sém đầu dập trán bởi đua chen: Trải qua bao nhiêu thời gian chạy theo thế
tục làm cho đầu phải sém, trán phải dập, cũng bởi đua chen với đời, rốt
cuộc rồi không tới đâu, vất vả nhiều mà kết quả không bao nhiêu, cho nên
nói:
Năm bảy mươi năm kiếp ngựa hèn: Như con ngựa yếu, chúng ta trải qua năm
bảy mươi năm mệt mỏi cũng không được gì!
Ví
thực bạt siêu ngoài thói tục: Nếu thật vượt ra được ngoài thói tục, tức là
thói đua chen giành giựt, thì sẽ ra sao?
Một lần buông xuống một lần lên: Vì sao buông xuống lại được lên? Vì buông
đi một gánh nặng là chúng ta nhẹ bớt một phần. Nếu buông nhiều chừng nào
chúng ta càng nhẹ chừng nấy, cho nên càng buông thì càng lên. Nếu chúng ta
giành giựt tranh đua nhau mãi, chỉ là làm khổ cho nhau, chớ có lợi ích gì!
Biết nhường nhịn nhau, biết trở lại tìm mình, và vượt ra ngoài thói tục,
chúng ta sẽ buông xả những tranh đua giành giựt. Lúc ấy chúng ta sẽ cảm
thấy nhẹ nhàng siêu thoát. Là người biết tu, biết học đạo, chúng ta phải
trở lại mình, thấy rõ mình, đó là điều hết sức thiết yếu.
Biết được mình có giá trị gì?
Thí dụ: Có người muốn bất cứ điều gì trong cuộc đời như tiền tài danh
vọng, họ đều được toại nguyện, người đó được hạnh phúc chưa? Mới nhìn qua
tưởng chừng như họ được đại hạnh phúc vậy. Nhưng đến khi cái chết gần kề,
họ muốn sống cũng không được, thì lúc đó đau khổ ngần nào! Họ được tất cả
sự vật bên ngoài, mà ngay bản thân họ, họ không tự cứu được, cũng không ai
cứu họ được. Như vậy tất cả sự vật bên ngoài đối với họ, còn có giá trị
hay không? Còn có người tuy tiền của không bao nhiêu, đời sống rất đạm bạc
nhưng họ đã thấy rõ được họ, biết cái gì là thật, cái gì là hư. Đời của họ
có một chỗ tựa, có một chỗ đứng vững vàng không còn hồi hộp, lo sợ gì nữa.
Họ sống an nhàn tự tại, không còn sợ ngày mai khi chết rồi sẽ ra sao? Họ
tự thấy mình một cách rõ ràng tỉnh táo, biết mình sẽ không còn phải đau
khổ nữa, không còn phải sa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh.
Chính mình biết được mình, đó mới là cái giá trị cao nhất của cuộc đời.
Trong kinh Pháp Hoa có nói thí dụ: Có một ông vua sai binh tướng đi đánh
giặc. Khi binh tướng thắng trận trở về, nhà vua thưởng cho vị tướng tài
giỏi nhất một hòn ngọc Ngài cất trong búi tóc. Còn những tướng thường chỉ
được tặng những vật phẩm thường thôi! Trong câu chuyện này nhà vua dụ cho
đức Phật, vị tướng tài giỏi nhất dụ cho những Bồ-tát đã ngộ được Tri kiến
Phật trong hội Pháp Hoa, nên được tặng cho hạt minh châu. Ngộ được Tri
kiến Phật tức là thấy được chính mình, đó là điều quan trọng nhất. Biết
được mình mới là giá trị cao nhất trong cuộc đời. Nhưng con người mà mình
tìm được, mình biết được là con người nào? Chúng tôi gọi đó là con người
chân thật. Còn con người nặng bốn mươi năm mươi ký là con người tạm bợ,
chỉ sống mấy mươi năm rồi tan rã. Chỉ có con người chân thật mới không bị
hủy hoại, không bị tiêu mất.
Con người chân thật đã từng được nói đến trong kinh Phật, từ những kinh
Nguyên thủy cho đến kinh Đại thừa và Thiền tông (thật ra kinh Nguyên thủy
không xác định rõ về con người chân thật. Chúng tôi sẽ giải thích tại sao
trong phần sau).
Trước hết chúng tôi dẫn những kinh Nguyên thủy. Trong kinh A-hàm hay các
bộ Nykàya, đức Phật thường dạy: Nếu diệt hết tham sân si, dẹp hết các
phiền não thì mầm sanh tử dứt, gọi là được giải thoát hay là nhập
Niết-bàn. Trong kinh Phật chủ trương vô thường, khổ, không, vô ngã. Nếu vô
ngã, khi nói giải thoát, nếu nhập Niết-bàn thì cái gì giải thoát, cái gì
nhập Niết-bàn? Đó là một vấn đề mà đa số người học Phật đều thắc mắc. Thật
ra thời đức Phật, đức Phật phải đương đầu với giáo lý Bà-la-môn. Giáo lý
này chủ trương có thần ngã, người tu chín chắn sau khi chết, thần ngã sẽ
nhập vào Đại ngã hay còn gọi là trời Đại Tự Tại hay là Phạm Thiên. Thần
ngã trong đạo Bà-la-môn là cái hiểu biết, cái suy tính của con người cũng
giống như linh hồn mà dân chúng bình dân thường tin tưởng. Để phá chấp về
thần ngã hay linh hồn, đức Phật thuyết lý vô ngã. Nói vô ngã là để phá
chấp hữu ngã của Bà-la-môn, vì chấp như thế không thể đến được cái chân
thật. Những suy nghĩ, phân biệt, hiểu biết là hiện tượng của thần ngã, tức
là tướng sanh diệt, mà cho rằng nó không sanh có diệt, đó là điều sai lầm.
Vì vậy Phật nói cái đó không phải là ngã. Nếu nói giải thoát, nói nhập
Niết-bàn là cái ngã giải thoát, cái ngã nhập Niết-bàn, thì người ta sẽ
hiểu lầm đó là cái ngã của Bà-la-môn. Vì vậy đức Phật chỉ nói giải thoát,
chỉ nói nhập Niết-bàn, mà không nói chủ từ: Cái gì giải thoát cái gì nhập
Niết-bàn. Đức Phật dạy chúng ta đừng chấp, để chúng ta tu hành giải thoát,
đến đó rồi sẽ biết.
Chúng ta không khỏi thắc mắc: Nói giải thoát, nói nhập Niết-bàn, là phải
có chủ từ, có cái gì giải thoát, có cái gì nhập Niết-bàn. Thí dụ như nói
được mở trói, được mời vào nhà sang trọng, thì phải có ai được mở trói, ai
được mời vào nhà sang trọng. Chẳng lẽ chỉ có động từ mà không có chủ từ?
Sở dĩ đức Phật không nêu lên con người chân thật - nghĩa là do đạt được
con người chân thật mà chúng ta giải thoát, do đạt được con người chân
thật mà chúng ta nhập Niết-bàn - là để tránh cái lỗi chấp là thần ngã như
bên Bà-la-môn. Nếu lầm chấp cái được giải thoát, được Niết-bàn là thần ngã
thì không giải thoát. Vì vậy các kinh Nguyên thủy không nói ai được giải
thoát, ai được Niết-bàn.
Tuy nhiên, đức Phật không phải không nói về vấn đề ấy, chúng tôi xin dẫn
một đoạn trong kinh Nguyên thủy: Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có sự không
sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỳ-kheo, nếu
không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời
ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.
Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm,
không hữu vi nên có sự trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm,
hữu vi.” Đoạn này được trích trong kinh Phật Sở Thuyết, trang 382 của Tiểu
Bộ Kinh, Pali, do Hòa thượng Minh Châu dịch. Trong đoạn kinh này đức Phật
xác nhận có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Vì
có cái đó cho nên mới có xuất ly, tức là có giải thoát. Đức Phật xác nhận
rõ ràng có cái không nói tên, nhưng chúng ta ngầm hiểu đó là con người
chân thật của chúng ta.
Qua đến kinh điển Đại thừa, con người chân thật được nêu lên rất rõ ràng.
Trong kinh Kim Cang, Phật có nói bài kệ:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
Dịch:
Nếu do sắc thấy ta
Do âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai
Chữ “Ta” trong bài kệ chỉ cái gì? Nếu “ta” chỉ hình tướng đức Phật khi còn
tại thế ở Ấn Độ, thì hình tướng đó ngày nay không còn nữa. Nếu “ta” chỉ
cái khi đức Phật nhập Niết-bàn thì cũng không hợp lý. Chữ “Ta” (ngã) trong
bài kệ chỉ cái ta mà mọi người sẵn có, cái ta đó còn gọi là pháp thân hay
Phật tánh. Kinh điển Đại thừa nói cái thân hiện có của chúng ta là cái
thân tạm bợ giả dối. Ngay trong cái thân tạm bợ giả dối này có cái chân
thật bất sanh bất diệt, gọi là pháp thân hay Phật tánh. Chữ “ngã” là chỉ
cho pháp thân. Pháp thân không phải là sắc tướng; cho nên không do sắc mà
thấy. Pháp thân không phải là âm thanh, cho nên không do âm thanh mà cầu.
Sắc tướng âm thanh là tướng sanh diệt tạm bợ, nếu dùng sắc tướng âm thanh
mà cầu gọi là hành đạo tà, không thể thấy được pháp thân, cho nên nói:
Không thể thấy Như Lai, Như Lai là chỉ cho pháp thân. Kinh điển Đại thừa
nêu lên cho chúng ta thấy mỗi người đều sẵn có pháp thân.
Ngày xưa khi còn ở Phật học đường, chúng tôi thắc mắc không hiểu vì sao
các nhà tạc tượng ở Việt Nam, khi tạc hình đức Phật lại giống người Việt
Nam. Chẳng lẽ các vị ấy không biết đức Phật là người Ấn Độ hay sao? Ở
Trung Hoa cũng vậy, hình đức Phật giống người Trung Hoa, ở Nhật Bản hình
đức Phật giống người Nhật Bản... vì sao các nhà điêu khắc lại tạc tượng
như vậy? Đó là điều thắc mắc của chúng tôi. Ngày nay khi học kỹ kinh điển
Đại thừa rồi, chúng tôi mới biết tinh thần Đại thừa không thừa nhận đức
Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như ở Ấn Độ, mà luôn luôn
đề cao Phật pháp thân. Phật pháp thân là tánh giác mỗi người sẵn có. Con
người dù ở Trung Hoa, ở Nhật Bản hay ở Việt Nam, ai cũng có tánh giác như
đức Phật ở Ấn Độ. Nếu chúng ta khéo tu, khéo chuyển thì mai kia chúng ta
cũng giác ngộ thành Phật như Ngài. Các nhà điêu khắc, hiểu được lý này,
nên tạc hình đức Phật giống như người của nước mình. Đó là để nói lên tinh
thần Đại thừa, chỉ thấy Phật là Phật pháp thân. Phật pháp thân thì ở nơi
nào cũng có, chớ không riêng ở quốc độ nào. Chỉ có người nhận được cái
chân thật nơi mình, ngoài âm thanh, ngoài sắc tướng, mới có thể thấy Như
Lai, tức là Phật pháp thân.
Trong nhà thiền, con người chân thật còn được gọi là Bản lai diện mục hay
là ông chủ. Trường hợp Lục tổ Huệ Năng khi nhận được y bát của Ngũ Tổ rồi,
Ngài rời Huỳnh Mai ra đi. Có một đoàn người dẫn đầu là Thượng tọa Huệ Minh
đuổi theo để đoạt lại y bát... Nhưng khi Thượng tọa Minh gặp Lục Tổ rồi,
thưa rằng: “tôi đến đây vì cầu pháp, chớ không phải giành lại y bát”, Lục
Tổ bảo: “Nếu muốn cầu pháp, ông hãy bình tĩnh lắng tâm nghe tôi hỏi.”
Thượng tọa Minh yên lặng giây lâu, Lục Tổ mới hỏi: “Không nghĩ thiện,
không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay đó
ngài Huệ Minh ngộ, Ngài ngộ cái gì? Ngài ngộ cái bản lai diện mục. Bản lai
là xưa nay, diện mục là mặt mắt, tức là bộ mặt sẵn có của mình từ xưa đến
giờ. Cái đó chúng tôi còn gọi là con người chân thật.
Trong sử các Thiền sư Trung Hoa, có Thiền sư Sư Nhan, Ngài thường ngồi tu
trên tảng đá, ngồi một lát, Ngài thấy có hơi lơ là, bèn tự gọi: “Ông chủ!”
Rồi ứng thanh: “Dạ!” Bèn bảo tiếp: “Tỉnh tỉnh, đừng bị người lừa nghe!”
Lâu lâu Ngài tự gọi rồi tự đáp. Tu như vậy, về sau Ngài trở nên một Thiền
sư nổi danh thời bấy giờ.
Danh từ ông chủ, hay danh từ Bản lai diện mục, trong nhà Thiền thường hay
nhắc đến, là để chỉ cái chân thật sẵn có nơi mọi người chúng ta. Rất tiếc
vì chúng ta không nhận thấy, hay vì chúng ta quên nên không sống được với
cái chân thật đó. Vì vậy đức Phật bảo chúng ta mê, mê là quên mình có con
người chân thật, rồi đuổi theo, lo lắng cho con người tạm bợ giả dối, đến
khi con người tạm bợ sắp tan rã lại hoảng sợ cuống cuồng lên, không biết
rồi mình sẽ ra sao? Ngộ là thấy được con người chân thật của mình, và hằng
sống với cái chân thật ấy, đó là nguồn hạnh phúc vô cùng, cho nên gọi đó
là Niết-bàn, là an lạc, là giải thoát.
Muốn biết được ông chủ của mình hay là con người chân thật của mình, việc
đó dễ hay khó? Thật là thiên nan vạn nan. Chúng tôi dẫn bài kệ của một
Thiền sư Việt Nam đời Lý, ngài Ngộ Ấn. Khi sắp thị tịch, Ngài có làm bài
kệ:
Diệu tánh hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.
Dịch:
Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
Trong lò lửa cháy hực, một hoa đang nở tươi thắm, điều đó có tin được hay
không? Thật là khó tin. Tuy khó tin mà có thật, mới là lạ chứ! Thân chúng
ta từ hình thức vật chất đến phần tinh thần nghĩ suy tính toán, đều luôn
luôn sanh diệt đổi thay. Nhưng trong cái sanh diệt đổi thay đó, có cái
chưa bao giờ sanh diệt đổi thay. Chính cái đổi thay, cũng còn gọi là vô
thường, đức Phật ví như là lửa, vì lửa đốt cháy làm sự vật phải tiêu mòn.
Vì vô thường nên con người chúng ta luôn luôn thay đổi, từ trẻ đến già, từ
già đến chết, thay đổi không bao giờ dừng. Thân, tâm chúng ta đều vô
thường. Trong cái vô thường đó, muốn tìm cái không vô thường, rất khó mà
tìm được, chẳng khác nào trong lò lửa mà có một đóa hoa sen đang nở tươi
thắm, không bao giờ bị khô héo. Điều này tuy khó tin mà có thật. Thấy được
điều này thật là hãn hữu. Thấy được rồi, chúng ta hết còn lo sợ cho cuộc
sống của mình vì chúng ta còn có chỗ tựa, còn có cái miên viễn không bao
giờ mất. Thân này, cảnh này dù có mất đi, nhưng cái chân thật nơi chúng ta
luôn luôn hiện hữu, có mất bao giờ! Vì thế đối với sanh tử, các vị đạt đạo
thấy như trò chơi, còn chúng ta chưa thấy đạo nên khi thân này tan hoại,
chúng ta lo sợ kinh hoàng. Nếu còn sống thêm năm mười năm nữa, chúng ta
vui mừng vô hạn. Còn trong cái vô thường, mất trong cái vô thường mà mừng
sợ làm gì? Có cái chưa bao giờ bị vô thường, chưa bao giờ bị mất, chúng ta
lại không thấy. Vì thế cái không vô thường, không tan hoại được ví như hòn
ngọc quí trên ngọn núi đang cháy, lửa cháy hừng hực mà hòn ngọc vẫn tươi
nhuần, cũng như hoa sen trong lò lửa hực mà vẫn tươi thắm. Hình ảnh trái
ngược này, người thế gian không bao giờ tưởng tượng được nhưng người tu
Phật lại thấy được điều đó. Vì thế người tu còn gọi là người xuất thế
gian, tức là người vượt qua sự tưởng tượng, sự nghĩ bàn của thế gian. Thật
vậy người tu Phật khi công phu được viên mãn rồi, thì thấy rõ điều đó
không nghi ngờ.
Trong hai câu đầu của bài kệ, ngài Ngộ Ấn dạy chúng ta:
Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.
Tánh nhiệm mầu rỗng không, không có thể vin theo, hay nắm bắt được. Muốn
ngộ được diệu tánh ấy, tâm mình phải rỗng rang, không còn những ý niệm
lăng xăng dao động. Nhưng hiện nay tâm mình lúc nào cũng đầy chặt cho đến
tràn trề. Muốn tâm được rỗng rang, chúng ta phải buông hết đi, ném sạch
hết đi, thì mới thấy cái chân thật rỗng rang đó.
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
Khi tâm mình được rỗng rang thanh tịnh rồi, chúng ta mới thấy ngay nơi
thân vô thường này có cái chân thật không vô thường, giống như trong ngọn
núi đang cháy có hòn ngọc tươi nhuần, trong lò lửa hừng hực có một đóa hoa
sen xinh tươi đang nở. Điều này rất khó tin, nhưng có thật, nếu chúng ta
khéo tu, khéo ứng dụng thì sẽ thấy được, chắc chắn không nghi ngờ.
Chính đức Phật Ngài đã sống được với cái diệu tánh chân thật ấy nên Ngài
ung dung tự tại trước mọi hoàn cảnh. Chư Tổ khi xưa, các Ngài cũng thấy
được và sống được với cái chân thật đó, cho nên việc sanh tử đối với các
ngài như một trò chơi, không có nghĩa lý gì!
Ở
Trung Hoa, Thiền sư Tỉnh Niệm, còn gọi là Thủ Sơn Niệm hay là Niệm Pháp
Hoa, khi sắp tịch Ngài có nói bài kệ bốn câu như sau:
Bạch ngân thế giới kim sắc thân,
Tình dữ phi tình cộng nhất chân.
Minh ám tận thời câu bất chiếu,
Nhật luân ngọ hậu kiến toàn thân.
Dịch:
Thế giới bạch ngân thân sắc vàng,
Tình với phi tình một tánh chân.
Tối sáng hết rồi đều chẳng chiếu,
Vầng ô vừa xế thấy toàn thân.
Khi Ngài thấy được con người chân thật của mình rồi thì cái thân vô thường
bại hoại này có mất đi, chẳng qua như bọt nước dưới biển tan ra rồi trở về
biển chớ có mất mát gì đâu. Cho nên nói trời xế là khi Ngài tịch, Ngài sẽ
thấy được toàn thân của Ngài chớ không có mất.
Ở
Việt Nam, Thiền sư Liễu Quán (?-1743) có nói bài kệ:
Thất thập dư niên thế giới trung,
Không không sắc sắc diệc dung thông.
Kim triêu nguyệt mãn hoàn gia lý,
Hà tất bôn man vấn tổ tông.
Dịch:
Hơn bảy mươi năm ở cõi trần,
Không không sắc sắc thảy dung thông.
Hôm nay nguyện mãn về quê cũ,
Nào phải bôn ba hỏi tổ tông.
Đối với Ngài khi thân này tan hoại, đó là lúc trở về quê cũ, không có gì
mất mát, không có gì phải âu lo buồn khổ. Thấy đạo tức là thấy mình có con
người chân thật rồi thì sự sống chết đối với Ngài là một trò chơi không
còn quan trọng nữa, vì thế Ngài ra đi thảnh thơi tự tại, không có sợ sệt
gì cả. Còn chúng ta vì chưa thấy đạo, chưa thấy cái chân thật nơi mình,
nên khi mất cái thân giả tạm này, chúng ta phải hoảng sợ, lo âu không biết
rồi thân phận mình sẽ ra sao? Và chúng ta buồn khổ tiếc nuối cái thân
này...
Trở lại chuyện thật tế hơn, chuyện của phàm phu: Như tôi là một phàm tăng,
sanh trong thời mạt pháp, lại thêm phước mỏng nghiệp dầy, nhưng trên đường
tu với tâm cố gắng mãnh liệt, tôi vẫn tin được mình có con người chân
thật, lòng tin của tôi kiên cố không có chút nghi ngờ. Chúng tôi không nói
vấn đề tu chứng chi cả, chỉ nói lòng tin vững chắc: Nơi tôi có con người
chân thật.
Ngày trước tôi có mặc cảm là tôi không có được phước duyên như quí Hòa
thượng đi tu từ thuở nhỏ, năm bảy tuổi, hay mười một mười hai tuổi. Đến
năm ngoài hai mươi tuổi tôi mới xuất gia, kể ra là quá muộn rồi, thật là
phước mỏng nghiệp dầy! Khi vào chùa tôi được biết là mình tu nhằm thời mạt
pháp, chắc không sao tiến nổi. Tu là để gieo duyên lành cho đời sau tiếp
tục, chớ không có chút hy vọng gì tìm ra đạo lý cao siêu! Các Thầy Tổ của
chúng tôi thường nhắc: “Mình sanh thời mạt pháp, thôi thì dùng Lục tự
Di-đà, niệm Phật rồi sau Phật rước về nước của Ngài. Qua được bên ấy, dù
là hàng hạ sanh, hạ phẩm cũng còn vui hơn ở cõi ta- bà đau khổ này.” Yên
lòng như vậy, tôi không nghĩ gì hơn là cố gắng gieo chút duyên lành với
Phật pháp.
Tuy nhiên tôi có thói quen là làm việc gì cũng không dám tự mãn. Dù Thầy
Tổ có dạy như vậy, nhưng khi học kinh điển, tôi thấy đức Phật do ngồi
thiền mà thành đạo. Tôi không chấp nhận niệm Phật để được về nước Phật làm
con dân của Ngài, như vậy chắc là buồn lắm. Vì thế tôi mò mẫm cố làm sao
thấy được điều mà Phật đã dạy. Chúng tôi thấy rõ ràng là đức Phật do ngồi
thiền dưới cội bồ-đề mà được giác ngộ, chớ không phải niệm Phật mà được
giác ngộ. Vì vậy noi gương Ngài, tôi tập ngồi thiền. Nhưng khổ nỗi, ai dạy
mình ngồi, đọc sách nào đây? Tôi mới lục trong Tạng Kinh, đọc thêm các
sách Thiền tông. Sao mà khó hiểu quá! Tôi rất bi quan, đúng là mình sanh
thời mạt pháp, không có phương cách nào tiến tu nổi! Nhưng tôi có niềm tin
vững chắc là mình phải tu thiền mới mong đạt đạo, vì đó là con đường của
Phật và chư Tổ đã đi. Thế nên tôi quyết chí tu thiền, mặc sự việc sẽ ra
sao. Tôi lấy bản thân mình làm thí nghiệm, sống được cũng tốt, mà chết đi
cũng tốt. Chớ vô lý làm sao, đức Phật tu một đàng, mình lại tu một nẻo. Và
sau đó khi bắt đầu thật hành, chúng tôi phải dọ dẫm lần hồi vì không có
thầy, không có bạn hướng dẫn đàng hoàng. Nhờ hồng ân của Phật Tổ chúng tôi
thấy được một chút đạo lý để giữ vững niềm tin mình có một con người chân
thật. Và chúng tôi khẳng định điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Giả sử
bây giờ có bao nhiêu lý luận nào hay thế mấy mà nói rằng không có con
người chân thật, tôi vẫn lắc đầu không bao giờ chấp nhận. Tôi vẫn tự ví
mình như ngài Đại Mai Pháp Thường.
Ngài Pháp Thường sau khi tham vấn Mã Tổ rồi, Ngài về núi Đại Mai cất am ở
ẩn. Mã Tổ nghe tin Ngài ở núi mà không biết Ngài ngộ cái gì, cho nên sai
một vị Tăng đến thăm dò. Vị Tăng đến hỏi:
-
Ngài gặp Mã Tổ đã được cái gì mà về ở núi này?
Ngài đáp:
-
Tôi chỉ nghe Mã Tổ nói “tức tâm tức Phật”, tôi nhận được lý đó nên về ở
núi này.
Vị
Tăng nói:
-
Gần đây Mã Tổ lại nói: “phi tâm phi Phật”.
Ngài nói:
-
Ông già mê hoặc người, mặc ông nói: “phi tâm phi Phật” tôi chỉ biết “tức
tâm tức Phật” thôi. Nghe nói câu đó, vị Tăng trở về bạch lại với Mã Tổ.
Mã
Tổ nói với đại chúng:
-
Trái Mai đã chín.
Như vậy “chín” là sao? Tức là được lòng tin không thối chuyển. Chính Mã Tổ
là thầy của Ngài, đã nói “tức tâm tức Phật” mà bây giờ Mã Tổ đổi lại “phi
tâm phi Phật”. Mặc ông già mê hoặc người, Ngài chỉ biết “tức tâm tức
Phật”. Chính lòng tin đó khiến Ngài tu hành không thối chuyển.
Tuy chúng tôi tu không bằng ngài Đại Mai, nhưng chúng tôi cũng tin chắc
rằng nơi mình có cái không sanh không diệt. Dù có ai nói gì đi nữa tôi vẫn
khẳng định rằng nơi mình có con người chân thật bất sanh bất diệt. Vì có
con người chân thật đó chúng ta mới giải thoát, chúng ta mới nhập
Niết-bàn. Nếu không thì ai giải thoát? ai nhập Niết-bàn? Cái chân thật nơi
mình không phải là điều xa xôi huyền bí mà rất là thật tế. Nếu chúng ta
chịu khó dụng tâm nghiền ngẫm thì sẽ thấy được điều đó không nghi ngờ. Khi
thấy được cái chân thật rồi, dù chúng ta chưa làm chủ thân này, dù chúng
ta chưa được tự tại trong sanh tử, song chúng ta không phải khổ đau khi
mất nó. Riêng tôi, tuy chưa làm chủ được thân, nhưng tôi tin chắc rằng mất
thân này tôi không lo sợ. Và những ai có chí tu hành cũng đừng mặc cảm như
tôi ngày trước, cho rằng mình sanh thời mạt pháp, phước mỏng nghiệp dầy...
mà phải thấy rằng chúng ta còn có duyên với đạo, cho nên ngày nay chúng ta
mới phát tâm tu hành, chúng ta mới được sự nhắc nhở của thầy của bạn và
đọc được bao nhiêu kinh sách của Phật, chưa phải chúng ta vô phần.
Ngày trước chúng tôi rất bi quan khi nghĩ rằng thời mạt pháp người tu
không bao giờ có chứng có đắc, còn thời chánh pháp tu hành mới mong đắc
quả. Nhưng sau này khi học sử Phật giáo rồi, chúng tôi mới thấy không hẳn
luôn luôn như vậy. Thời chánh pháp, khi đức Phật còn tại thế, vẫn có nhiều
Tỳ-kheo thối Bồ-đề tâm vì không quyết chí tu hành. Còn tuy là thời mạt
pháp mà nếu chúng ta quyết tử trên đường tu, thì cũng có thể tiến được. Vì
thế chánh pháp hay mạt pháp là cốt ở tâm mình, nếu mình quyết chí tu hành
thì thời mạt pháp coi như là thời chánh pháp, còn nếu mình không quyết chí
tu hành thì ngay trong thời chánh pháp coi như là mạt pháp. Vì vậy chúng
ta không nên có mặc cảm là mình đang sanh thời mạt pháp rồi thả trôi cuộc
đời tu hành, mỗi ngày hai thời khóa tụng gọi là gieo chút duyên lành với
đạo! Chúng ta không nên bi quan như vậy mà phải nỗ lực tiến tu để có thể
chuyển mạt pháp thành chánh pháp. Tinh thần của người tu là, dù sống trong
thời buổi nào, chúng ta cũng phải cố gắng vươn lên, tu hành tinh tấn cho
đến ngày công hạnh viên mãn.
Như vậy, chúng tôi đã dẫn từ các kinh điển Nguyên thủy cho đến Đại thừa và
Thiền tông, để quí vị thấy nơi mỗi người chúng ta đều có sẵn con người
chân thật. Nếu chúng ta quyết chí tu hành thì sẽ thấy được điều đó không
nghi ngờ.
Để
kết thúc bài giảng hôm nay chúng tôi dẫn bài kệ “Khuyến Thế Tiến Đạo” của
ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, để nhắc nhở tất cả quí vị, từ xuất gia cho đến
tại gia, nghe mà thức tỉnh và cố gắng lên. Bài kệ như sau:
Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu,
Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu,
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.
Khổ thú luân hồi như chuyển cốc,
Ái hà xuất một đẳng phù âu.
Phùng trường diệc bất mô lai tỷ,
Vô hạn lương duyên chỉ mạ hưu
Dịch:
Khuyên đời vào đạo
Thời tiết xoay vần xuân đến thu,
Cái già sồng sộc đã lên đầu,
Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,
Năm tháng mang theo chất hộc sầu.
Nẻo khổ, vành xe lăn lóc khắp,
Sông yêu, bọt nước mất còn đâu.
Trường đời nếu chẳng rờ lên mũi,
Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu
Trúc Thiên
Chúng tôi giảng bản chữ Việt cho quí vị dễ nhớ:
Thời tiết xoay vần xuân đến thu,
Cái già sồng sộc đã lên đầu.
Hết xuân, hạ đến thu, đông, rồi lại sang xuân... thời tiết cứ như thế mà
tiếp tục, tiếp tục mãi. Khi thời gian xoay vần biến chuyển thì cái già đã
đáp lên đầu chúng ta rồi. Thời gian biến chuyển, bản thân chúng ta cũng
biến đổi theo. Mỗi một ngày qua là chúng ta già thêm một chút, sức sống
chúng ta giảm đi một phần. Rồi một tháng qua, một năm qua chúng ta lại
càng già hơn, mạng sống chúng ta lại càng mong manh hơn! Nếu chúng ta mong
cho mau hết ngày, hết tháng, hết năm, tức là mong cho mau già, mau chết
chớ gì? Như vậy nếu cái già cái chết đến, lẽ ra chúng ta phải vui mừng, mà
tại sao khi ấy chúng ta lại lo sợ hoảng hốt? Thật là mâu thuẫn. Vì sống
mâu thuẫn, không thấy được lẽ thật, cho nên chúng ta đau khổ. Ngày nay
không ra gì, chúng ta mong cái gì mới lạ ở ngày mai, không ngờ cái lạ chắc
chắn là mái tóc mình sẽ bạc: Trẻ rồi già, già rồi chết. Đó là cái lạ mà
chúng ta không chịu chấp nhận. Thời gian và bản thân mình nhịp nhàng theo
nhau, nếu không mong cái chết đến với chúng ta, thì thôi đừng mong thời
gian qua mau làm gì!
Đến hai câu kế:
Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,
Năm tháng mang theo chất hộc sầu.
Hai câu này mới thấm thía làm sao! Tất cả sự giàu sang phú quí trên đời
này, khi sắp tắt thở nằm liệt trên giường, nhớ lại giống như giấc mộng
thôi. Cái gì đã qua rồi, không tìm lại được. Như khi hôm mình ngủ nằm mộng
thấy được giàu sang tột đỉnh, nhưng sáng ra tỉnh dậy mới biết chỉ là giấc
mộng thôi. Cảnh trong mộng làm sao tìm ra được. Thế nên trong cuộc sống dù
cho giàu sang sung sướng bao nhiêu đi nữa, nhưng khi tuổi già đến rồi, nhớ
lại quãng đời khi trước chẳng khác nào giấc mộng, đâu có gì tồn tại lâu
bền! Đã là mộng vì sao lại khổ đau? Mỗi một ngày qua, có khi nào chúng ta
thản nhiên vô sự đâu, hết buồn giận người này đến phiền trách người kia,
rồi chứa chất trong lòng không biết bao nhiêu là sầu khổ! Như vậy suốt
cuộc đời, từ khi trẻ đến lúc già, những khổ đau chất chứa chắc đầy cả
không gian. Thân thì tiêu mòn mà buồn phiền đau khổ tăng lên gấp bội, đó
là cái mâu thuẫn đáng thương của chúng ta. Đến khi thân này tan hoại, thì
những khổ đau đầy ắp đó sẽ dẫn mình đến chỗ nào đây?
Nẻo khổ, vành xe lăn lóc khắp,
Sông yêu, bọt nước mất còn đâu.
Những phiền não khổ đau chất chứa quá nhiều sẽ lôi chúng ta đi vào những
con đường đau khổ xấu xa, chẳng khác nào như vành xe lăn hết nơi này đến
chốn kia, mà toàn là đến chỗ khổ đau, bởi vì khổ đau chỉ đưa đến khổ đau
mà thôi. Nếu trong lòng đang ngập tràn phiền não, giả sử có người dẫn
chúng ta đến cảnh đẹp để ngắm nhìn cho vui, thử hỏi làm sao vui được! Thế
nên nếu đang đau khổ, khi mất thân này, chắc chắn chúng ta sẽ bị đưa đến
những chỗ khổ đau. Muốn ngày mai được an vui, thì ngang đây chúng ta phải
buông đi tất cả phiền não trong lòng.
Sông yêu, chữ yêu đây tức là ái, nếu còn tâm ái trước thân này và trìu mến
cảnh vật chung quanh thì khi mất thân này chúng ta lại tạo thân khác, sanh
tử nối tiếp không dừng, giống như bọt nước ngoài biển, cơn sóng đùa qua
bọt nước nổi lên rồi bể nát, nổi lên rồi bể nát không biết bao nhiêu lần.
Nếu trong lòng chứa nhóm thù hận chúng ta sẽ đi vào con đường đau khổ, nếu
còn chứa nhóm lòng yêu mến thân và cảnh, chúng ta sẽ bị dẫn đi trong sanh
tử liên tục không dừng.
Trường đời nếu chẳng rờ lên mũi,
Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu.
Nếu
gặp cơ hội mà chúng ta không rờ lên mũi thì duyên lành muôn thuở đó cũng
chỉ là chuyện bóng màu, phớt qua rồi mất, uổng đi một đời.
Rờ
lên mũi là ý nghĩa gì? Trong nhà thiền, khi nói tới lỗ mũi là để chỉ cái
sẵn có ở trước mặt mình mà mình không thấy. Lỗ mũi lại là nơi thở ra hít
vào tức là nguồn sống của chúng ta. Như vậy lỗ mũi là để dụ cho con người
chân thật hiện hữu nơi chúng ta, mà chúng ta lại không thấy. Rờ lên mũi
nghĩa là nhận được con người chân thật nơi mình. Nếu nhận được con người
chân thật thì cuộc đời chúng ta mới có giá trị. Bằng không thì duyên lành
muôn thuở của chúng ta chẳng qua là ảo ảnh mà thôi.
Trong hai câu kết ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nhắc chúng ta: Nếu không
khéo tìm thấy con người chân thật của chính mình thì uổng phí một cuộc
đời. Nhất là người đã thế phát xuất gia, có duyên lành với Phật pháp mà
không nhận được con người chân thật nơi mình, thì uổng phí cả một đời tu.
Thế nên chúng ta phải nỗ lực cố gắng làm sao để duyên tốt đó được hữu ích
và thật tế hơn.
Hôm nay là ngày cuối năm, trong nhà Phật thường gọi là đêm ba mươi tháng
chạp, tức là đêm chuyển mình từ năm cũ sang năm mới, cũng giống như là
phút giây sắp tắt thở của chúng ta, chuyển mình từ thân cũ sang thân mới,
hay từ thân tiền ấm chuyển sang thân hậu ấm. Từ cũ chuyển sang mới thì cái
mới phải tốt đẹp hơn. Nhưng đó là còn trong vòng sanh tử. Nếu thân cũ này
bại hoại đi, chúng ta được thảnh thơi giải thoát, đó mới đúng là người
chân thật xuất gia, đúng là người cầu đạo giải thoát.
Mong rằng tất cả Tăng Ni và Phật tử được phước duyên lành sống trong nhà
đạo, chúng ta phải nhớ đừng hủy hoại duyên lành của mình mà phải luôn luôn
cố gắng từ năm cũ tiến sang năm mới. Trong năm cũ nếu chúng ta tạo được
những gì hay đẹp thì hãy lấy đó làm nền tảng để sang năm mới càng hay đẹp
hơn. Nếu trong năm cũ chúng ta đã lỡ gây ra những gì hư dở, thì sang năm
mới chúng ta dứt khoát không tiếp tục làm những điều ấy nữa, mà phải
chuyển sang làm những việc hay đẹp để năm mới được rạng rỡ hơn. Nhân ngày
cuối năm cũng là lúc chuẩn bị đón giao thừa, chúng ta nhắc nhở nhau tiến
trên con đường đạo, gọi là tùy theo thế tục để trở về chân. Chúng tôi mong
rằng tất cả quí Tăng Ni và Phật tử, có mặt nơi đây và ở những nơi khác,
đều cố gắng chuyển mình từ năm cũ sang năm mới với gương mặt rạng rỡ hân
hoan, không có ủ dột âu sầu như năm cũ. Nếu năm rồi chúng ta đã rạng rỡ
thì năm tới càng rạng rỡ hơn để giữ vững những gì cao quí và hay đẹp của
con người chúng ta.
NAM-MÔ BỔN
SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
] |