XUÂN TRONG CỬA THIỀN

TẬP 1, 2, 3.

H.T THÍCH THANH TỪ

RA KHỎI HẦM LỬA

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI TĂNG NI

TẾT KỶ TỴ 1989

            Hôm nay Tăng Ni, Phật tử về đây để mừng năm mới và tha thiết chúc tụng chúng tôi. Thật ra chúng ta mừng thêm một tuổi hay là chúng ta buồn bớt đi một năm sống? Lần lượt hết năm này sang năm khác, cứ thế mà chúng ta trải qua mấy mươi năm từ thuở bé cho đến ngày nay. Riêng tôi thì tóc bạc da nhăn rồi, còn quí vị có người tóc đã bắt đầu bạc, cũng có người còn trẻ hơn. Như vậy chúng ta đi trên con đường sanh tử đã quá dài, có khi hơn nửa đường, có khi nửa đường, có khi mới được một phần ba, một phần tư đường. Nhưng dù sao chúng ta đã đi thì nhất định là phải đến, không ai không đến. Thế nên trong nhà Phật lẽ sanh tử là một việc lớn. Vì lý do sợ vô thường nửa chừng, qua được một năm là thấy mình sống thêm một tuổi, sang năm tới chưa biết có tròn được một năm không, nên năm mới mừng tuổi có nghĩa là mừng sống thêm một tuổi. Mừng thêm một tuổi là buồn bớt đi một năm sống, nhưng vì thêm một tuổi là qua được cái yểu và thêm cái thọ, nên tạm gọi đó là mừng.

            Nói theo thế tình, quí vị đến đây là mừng tuổi chúng tôi. Phần chúng tôi, thấy Tăng Ni là những người chúng tôi cưu mang từ bao năm nay, chúng tôi muốn những người đó mỗi ngày một hay, mỗi ngày một cao thượng, mỗi ngày thêm sáng suốt, giác ngộ và giải thoát. Thế mà nhiều khi, với con mắt bi quan, chúng tôi thấy có những người không tiến bao nhiêu, hy vọng được giải thoát nhưng lại trói buộc nhiều, muốn được giác ngộ nhưng ngọn đèn trí  tuệ lu từ từ, đó là những điều làm cho chúng tôi phải lo lắng. Thế nên mỗi đầu năm, chúng tôi đều nhắc nhở Tăng Ni nói riêng và Phật tử nói chung, phải có cái nhìn quán xuyến từ buổi ban sơ cho đến hiện nay, để thấy rõ nước  tiến của mình mỗi năm mỗi khác, chớ không nên dậm chân một chỗ hoặc thối lui, vì như thế là điều đáng buồn. Đề tài tôi nhắc nhở quí vị hôm nay là “Ra khỏi hầm lửa”.

            Tất cả người xuất gia, nếu không có chủng duyên lành từ nhiều đời trước, chắc khó có thể xuất gia, cạo tóc, ở chùa tu hạnh giải thoát. Từ khi lọt lòng mẹ, chúng ta đã có bổn phận đối với cha mẹ, quyến thuộc..., đến khi khôn lớn, chúng ta có trọng trách đối với gia đình, xã hội. Như vậy làm sao chúng ta dứt bỏ được tất cả để một mình thảnh thơi nơi đạo tràng tu hành thanh tịnh? Cắt đứt được những manh mối trói buộc, an ổn ở chùa tu hành học đạo, đó là do đầy đủ phúc duyên chớ không phải ai muốn cũng được. Đã có phúc duyên lớn như vậy, quí vị nghĩ sao? Không lẽ lại chần chờ, thờ ơ để cho duyên tốt đó bị mai một? Vì như thế là chúng ta đã hủy cái nhân đã gieo từ bao đời, đến nay mới được thành tựu. Quí vị là người từ trong trăm mối buộc ràng của gia đình, của xã hội mà cắt đứt tất cả, ở yên tu hành thì quí vị phải nhớ làm tròn bổn phận để khỏi hổ là mở việc này lại cột việc khác. Tránh sự bận rộn phiền toái của gia đình, vào chùa lại cũng phiền toái bận rộn, đó là điều sai lầm, không đúng tinh thần người học đạo. Thế nên tôi dẫn vài câu chuyện của những bậc đi trước để nhắc quí vị.

            Đây là một câu chuyện trong kinh Nguyên thủy thuộc hệ Pali. Một vị Sa-di tên là Sanu, đi tu từ thuở bé, cha mẹ gởi ông vào tịnh xá ở với chư Tăng lúc ông được năm, bảy tuổi. Một thời gian sau, ông học hành khá, thuyết pháp hay, nhưng không biết vì lý do gì ông thối Bồ-đề tâm, ông về xin mẹ hoàn tục. Mẹ ông là người tha thiết với đạo nên khi thấy ông về với thái độ chán nản việc tu hành, bà buồn khổ, bà khóc. Thấy mẹ khóc, ông lấy làm lạ mới hỏi:

                        Thưa mẹ người ta khóc,

                        Khóc vì người đã chết,

                        Hay có khóc người sống,

                        Khi sống không được thấy.

                        Thưa mẹ con đang sống,

                        Và mẹ đang thấy con,

                        Vậy vì sao thưa mẹ,

                        Mẹ lại khóc cho con?

            Quí vị thấy câu hỏi của ông: Ở thế gian người ta khóc vì đau khổ khi con chết, hoặc vì cảnh sanh ly, còn sống mà phải chia tay mỗi người một nơi. Phần ông, ông còn sống và còn về gặp mẹ, không phải là chia ly, vậy tại sao mẹ khóc? Bà mẹ đáp:

                        Người ta khóc cho con,

                        Là khóc khi con chết,

                        Hay khóc cho con sống,

                        Nhưng không được thấy mặt.

                        Ai đã bỏ dục vọng,

                        Lại trở lui đời này,

                        Này con người ta khóc,        

                        Là khóc cho người ấy,

                        Vì người ấy được xem,

                        Còn sống cũng như chết,

                        Này con, được kéo ra,

                        Khỏi than hầm lửa rực,

                        Con còn muốn rơi vào,

                        Đống than hồng ấy chăng?

            Quí vị thấy bà mẹ nói lý do quá rõ ràng: Không phải bà khóc vì con chết hay vì sống mà không thấy mặt nhau. Đây là bà khóc cho đứa con đã bỏ dục lạc thế gian, nay muốn trở lui lại, người đó giống như kẻ đang sống mà trở lại chết. Khóc cái chết là khóc cho người bỏ tâm hồn trong trắng, sáng suốt, trở lại thành con người tối tăm u mê, chính đó là niềm đau khổ của bà mẹ. Lý do thứ hai là bà thấy con mình được xuất gia, chẳng khác nào người được kéo ra khỏi hầm lửa. Đã ra khỏi hầm lửa, nay lại nài nỉ xin trở vào hầm lửa, thấy biết cái khổ đó, bà thương xót nên bà khóc. Như vậy hai lý do mà mẹ khóc con là: một, vì con không còn sống được với đạo mà trở lại trần tục, như từ cõi sống đi vào cõi chết, hai là vì thấy con đã ra khỏi hầm lửa khổ đau nay còn muốn trở lại để thiêu mình trong hầm lửa. Đó là niềm đau của bà nên bà khóc. Như thế quí vị thấy đối với người mẹ, người cha biết đạo lý, khi thấy con đi tu, đã thâm nhập đạo lý và sống được trong đạo một thời gian thì niềm vinh hạnh của cha mẹ không gì khác hơn là mừng con mình đã có được hạnh xuất trần thoát tục, mừng con được rảnh rang nhàn hạ trong đạo đức, rồi mai kia sẽ làm lợi ích cho mình và cho nhiều người. Khi một người con đã được cha mẹ đặt hy vọng, đặt niềm tin, nay trái lại, muốn bỏ đạo lý để trở thành người thế tục thì cha mẹ cũng đau khổ như là khi cho con đi tu vậy, có khi còn khổ hơn nữa. Một là thấy nhục nhã vì con mình đã không tròn được chí nguyện cao cả của nó, hai là thương con đã có chí giải thoát xuất trần, đã được thảnh thơi nhàn hạ, nhưng nay nó lại trở thành một con người tầm thường, lăn trong trần tục, bị muôn mối buộc ràng. Thế nên cha mẹ khổ đau vì con không tròn bản nguyện. Chúng ta đã biết được tâm niệm của cha mẹ chúng ta thì khi đi tu quí vị nghĩ chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta chần chờ để qua ngày tháng hay là chúng ta có niệm thối lui trở về tìm hưởng dục lạc? Hai quan niệm đó đều là tội lỗi, đều gây khổ đau cho cha mẹ chúng ta, nếu là người biết đạo. Đó là tôi dẫn câu chuyện của gia đình ông Sa-di Sanu.

            Đến câu chuyện của một Thiền sư mà chúng ta đã học, đó là Thiền sư Đạo Ưng, Ngài nói: “Các ông xuất gia như kẻ tội ra khỏi khám đường, nên ít muốn biết đủ, chớ tham danh lợi ở đời... được ở trong Phật pháp mười phần sống phải chết chín phần...” Ngài Đạo Ưng là một Thiền sư nên lời nói đơn giản, nhưng chúng ta cũng thấm biết bao! Chúng ta là người xuất gia không phải chỉ có nghĩa bỏ nhà cha mẹ vào trong chùa là đủ nghĩa xuất gia. Xuất gia có nghĩa là chúng ta vượt ra khỏi nhà thế tục, vượt ra khỏi nhà phiền não và vượt ra khỏi nhà luân hồi trong tam giới, như thế mới đầy đủ ý nghĩa xuất gia. Như vậy ngày chúng ta xuất gia là ngày chúng ta thệ nguyện sẽ ra khỏi nhà phiền não, nhà trầm luân trong tam giới, có khác nào chúng ta ra khỏi khám đường. Nếu chúng ta ra khỏi khám đường mà còn nài nỉ xin trở vào lại thì có hợp lý không? Dĩ nhiên là không. Thế nên đã xuất gia, chúng ta phải một lần ra khỏi là vĩnh viễn không trở lại, đó mới là người khôn ngoan sáng suốt. Nếu ra rồi còn muốn trở lại thì thật là rất dại khờ, làm cho những người chung quanh nhìn chúng ta với đôi mắt thương xót. Đã ra khỏi khám đường rồi chúng ta phải làm gì nữa? Ngài nhắc: Nên ít muốn biết đủ, tức là hết lòng tham lam, đừng có muốn nhiều, đừng có tạo nhiều, phải dừng tâm tham muốn lại, đừng có tạo nhiều, phải dừng tâm tham muốn lại để có thì giờ tu hành. Những gì có danh, có lợi, chúng ta đừng chạy theo nó vì nó là sợi dây, là miếng mồi nhử chúng ta, để dẫn chúng ta trở lại trong vòng đau khổ của khám đường. Muốn thực hiện được bản nguyện ra khỏi vòng trầm luân tam giới, Ngài dạy chúng ta: Được ở trong Phật pháp, mười phần sống phải chết hết chín phần. Nếu sống đủ mười phần, đó là người thế tục, ngày nay chúng ta phải chết chín phần đi, chết chín phần thế tục, chỉ còn một phần nhỏ nhỏ, còn phải ăn, còn phải mặc, còn phải tới lui, qua lại, nhưng cái còn đó rất đơn giản, rất ít oi, chớ đừng sống trọn vẹn như người thế tục. Như vậy chính sự tinh tấn tu hành là cái gốc để chúng ta thoát ly tam giới. Vả muốn được như thế chúng ta phải hạn chế những nhu cầu, những mong muốn mà người thế gian có quyền hưởng. Chúng ta phải bớt đi, càng bớt nhiều thì tinh tấn tu hành càng tăng trưởng. Trái lại nếu chúng ta cứ đòi hỏi, cứ chạy theo chúng thì tinh thần tu hành ngày càng giảm sút. Thế nên Ngài dạy: Mười phần sống phải chết chín phần. Đó là lời các vị tiền bối nhắc nhở trong lúc tu hành.

           Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật cũng đã từng dạy: “Người xuất gia ra khỏi dục lạc của thế gian, chẳng khác nào người khạc đàm dãi nhổ xuống đất.” Một khi chúng ta khạc đàm dãi nhổ xuống đất rồi, chúng ta lại có muốn ngó lại nó không? Chắc gớm lắm, không muốn ngó lại; ngó lại còn không muốn, huống nữa là lấy tay sờ, lấy lưỡi liếm, chúng ta có dám làm không? Chắc không bao giờ dám! Cũng thế, đã nguyện xuất gia rồi, chúng ta là người đã thấy rõ những cái dở, những cái xấu, những cái hại của thế gian thì chúng ta phải dứt khoát vượt ra khỏi trần lao để làm lợi ích cho mọi người, hay nói cách khác là để dìu dắt mọi người cùng ra khỏi trần lao. Thế nên chúng ta không thể xem thường, chúng ta phải thấy dục lạc thế gian là mối họa lớn cần phải tránh, cần phải không nhìn đến, thì chúng ta mới có thể vươn lên được. Nếu còn ưa thích, còn mơ ước nó, chúng ta sẽ chìm đắm, sẽ đau khổ.

            Tiếp đây là một vị sư Ni (truyện trích trong hệ Pali), bà Subha, nói lại việc tu hành của bà trong một bài kệ dài, tôi chỉ dẫn một đoạn:

                        Dục làm cho điên cuồng,

                        Loạn ngôn tâm thác loạn,

                        Làm uế nhiễm chúng sanh,

                        Sắp rơi bẫy ác ma.

                        Dục nguy hiểm không cùng,

                        Nhiều khổ, thuốc độc lớn,

                        Ngọt ít, tạo đấu tranh,

                        Héo tàn ngày tươi sáng.

                        Ta quyết định như vầy:

                        Không trở lui dục nhân,

                        Tách thành điều bất hạnh,

                        Luôn vui hưởng Niết-bàn...

            Qua các câu trên quí vị thấy ý chí của bà. Bà biết rõ là dục lạc làm cho chúng sanh điên cuồng, dục lạc tạo cho chúng sanh nói những lời không đúng lẽ thật, nên gọi là loạn ngôn. Tâm của chúng sanh vì nhiễm dục lạc nên điên đảo, giống như người thác loạn. Dục lạc làm cho tâm chúng sanh ô uế, nhiễm nhơ rồi dẫn dắt, lôi chúng sanh vào bẫy của ác ma, bị trói buộc trong vòng ma. Dục lạc nguy hiểm không thể nào kể hết, nó tạo nhiều khổ, nó là thuốc độc, nó không vui, nó là nhân của đấu tranh. Quí vị thấy chúng ta cãi nhau là vì cái gì? Chúng ta giành giật nhau là do đâu? Có phải vì dục lạc không? Chính vì tìm kiếm, theo đuổi dục lạc mà thân chúng ta phải héo tàn, những ngày sống của chúng ta trở thành khô khan, không còn tươi sáng nữa. Biết được như thế chúng ta phải làm sao? Chúng ta quyết định không trở lại với dục lạc, quyết định dứt hết các nhân của dục lạc vì đó là nhân tạo thành những điều bất hạnh, những điều đau khổ. Hơn nữa chúng ta luôn luôn phải vui hưởng cảnh thanh tịnh, an lạc Niết-bàn, đó là mục tiêu chánh yếu của tất cả chúng ta. Quí vị nghĩ chúng ta tu là cốt làm sao dứt hết các nhân khổ đau, tiến tới nhân an lạc và hưởng quả an lạc, tức là chúng ta muốn bỏ khổ được vui. Tuy nhiên không phải chỉ riêng bản thân chúng ta hết khổ, riêng bản thân chúng ta được vui; chúng ta sẽ chỉ cho bằng hữu, cho huynh đệ, cho mọi người chung quanh chúng ta cũng được hết khổ, cũng được an vui như chúng ta. Như thế mới gọi đạo Phật là đạo cứu khổ, đạo Phật là đạo ban vui. Nếu chúng ta tu mà càng tu càng phiền não, càng héo hắt khổ đau thì chừng nào chúng ta hết khổ? Nếu chúng ta không hết khổ, làm sao chúng ta có thể đưa mọi người đến chỗ an vui? Thế nên chủ yếu của đời tu chúng ta là phải làm sao chính tự mình cởi bỏ hết những mầm khổ đau để được an lạc tự tại trong đạo. Chính sự an lạc tự tại đó là mục đích để chúng ta hướng dẫn mọi người cùng được hưởng như thế chúng ta mới thật là người tu chân chánh, mới thật đạt được sở nguyện của người xuất gia.

            Tôi dẫn thêm lời của Sơ tổ Trúc Lâm, cũng thường gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, Ngài có làm bài phú “Cư Trần Lạc Đạo” bằng chữ nôm, tôi trích một đoạn trong hội thứ mười:

            “... Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.

            Chiều vắng am thanh, chính thật cảnh đạo nhân du hí.

            Ngựa cao tán cả, Diêm vương nào kể đứa nghênh ngang;

            Gác ngọc lầu vàng,     ngục tốt thiếu chi người yêu quí.

            Chuộng công danh, lòng nhân ngã, thật ấy phàm phu;

            Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.

            Mày ngang mũi dọc, tướng lạ xem ắt bẵng nhau;

            Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý...”

            Tôi trích đoạn này để quí vị thấy ý nghĩa. Ngài diễn tả người tu phải ở chỗ nào? “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.” Những kẻ ẩn sĩ lúc nào cũng thảnh thơi nơi núi hoang rừng rậm. Chiều vắng am thanh tức là chùa ở chỗ vắng vẻ, am ở chỗ yên tịnh, chính thật cảnh đạo nhân du hí; du hí là du hí tam-muội nghĩa là ở trong chánh định mà vui vẻ. “Ngựa cao tán cả, Diêm vương nào kể đứa nghêng ngang”, dầu cho có được ngồi ngựa cao, được che tán lớn việc đó trên thế gian thấy như nghênh ngang đắc thế lắm, nhưng vua Diêm Vương có sợ không? Tới ngày cũng lôi mình xuống dưới, chớ không ai tránh được. Còn “gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quí” nghĩa là sao? Người có gác ngọc, người được lầu vàng, những người đó là bạn yêu quí của ngục tốt, của ngưu đầu mã diện. Tại sao? Vì chính đó là gốc của ái nhiễm mà người ái nhiễm là bạn để cho ngục tốt hay ngưu đầu mã diện lôi xuống dưới chơi với nó. Như vậy hai trường hợp: trường hợp được ngựa cao tán cả cũng không thoát khỏi tay Diêm Vương, trường hợp được gác ngọc lầu vàng thì làm bạn với ngưu đầu mã diện. “Chuộng công danh, lòng nhân ngã, thật ấy phàm phu”, nếu chúng ta tu mà còn quí mến công danh, còn ưa thích nhân ngã, quả thật chúng ta là kẻ phàm phu. Trái lại “say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí”. Ở trong đạo, người nào tu hành một cách say mê thích thú, thân tâm luôn đổi thay, ngày xưa một trăm phần phiền não, tu một năm còn chín chục phần, tu hai năm còn tám chục phần, tu mười năm thì hoàn toàn trong sạch người đó mới thật là người tốt; và chính việc dời thân tâm là điều quyết định để trở nên con người thánh trí. Như vậy phàm phu là vì chuộng công danh, lòng nhân ngã, thánh trí là vì biết mến đạo đức, biết sửa đổi thân tâm. Chúng ta muốn làm phàm, hay muốn làm thánh đều tùy theo niệm, tùy theo tâm của chúng ta. Hai câu sau Ngài nói: “Mày ngang mũi dọc, tướng lạ xem ắt bẵng nhau.” Về phần mắt và mũi của chúng ta thì thế nào? Chân mày ngang, mũi dọc xuống. Bất cứ ai dầu đẹp, dầu xấu, dầu trắng, dầu đen... chân mày cũng ngang mũi cũng dọc xuống chớ không có khác gì nhau. Thấy dường như lạ nhưng đều bẵng nhau nghĩa là bằng nhau hết; không có khác, ai cũng mày ngang, ai cũng mũi dọc. Nhưng “mặt thánh lòng phàm thật cách nhẫn vàn vàn thiên lý”. Bài này dùng chữ mặt, có chỗ khác viết lòng phàm, lòng thánh. Tuy về thân, dáng vẻ đồng nhau nhưng về tâm, tâm phàm, tâm thánh cách nhau vàn vàn thiên lý tức là muôn trùng thiên lý. Câu nói gọn hơn là: “Như nhau dọc mũi ngang mày, lòng phàm lòng thánh cách nhau ngàn trùng.” Như vậy ai cũng mày ngang mũi dọc giống hệt nhau, nhưng tâm hồn của người nhiễm ô trần tục và tâm hồn của người được thanh thoát, tiêu dao trong cảnh thanh tịnh thì cách biệt nhau không biết là bao nhiêu. Trên hình thức, tất cả chúng ta đồng nhau, nhưng trên tâm niệm thì người biết tu và người không biết tu cách nhau muôn trùng. Vậy tất cả chúng ta, ai là người đã có chí tu hành, phải cố gắng đạt cho kỳ được sự cao cả, sự thanh thản đó, đừng để trở thành kẻ phàm phu tục tử đáng chê, đáng trách như buổi ban đầu.

            Để kết luận, tôi nhắc lại một lần nữa, tất cả chúng ta đã được phúc duyên lành nhiều đời nên ngày nay mới được vào đạo, được xuất gia, tu hạnh giải thoát. Đó là phúc đức lớn, vinh dự lớn của mình, quí vị đã được thì nên giữ và cố gắng làm tăng trưởng thêm. Có nhiều người cũng muốn được xuất gia, được thong thả tu hành như chúng ta, nhưng duyên của họ chưa đến. Vậy chúng ta được đầy đủ phúc, đầy đủ duyên, chúng ta phải cố gắng mỗi ngày mỗi tiến, đừng đứng nguyên một chỗ, cũng đừng lui sụt. Tôi trích thêm một bài kệ nữa của ngài Điều Ngự Giác Hoàng, bài “Sơn Phòng Mạn Hứng”, bài thứ hai. Quí vị nghe rồi ứng dụng đúng như tinh thần này:

                        Thị phi niệm trục tiêu hoa lạc,

                        Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

                        Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,

                        Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

            Dịch:

                        Phải trái rụng theo hoa buổi sớm.

                        Lợi danh lạnh với trận mưa đêm,

                        Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng,

                        Xuân cỗi còn dư một tiếng chim (Đỗ Văn Hỷ)

            Quí vị thấy chúng ta tu phải làm sao giống như bài kệ này. Việc phải trái tức là thị phi phải rụng theo hoa buổi sớm. Buổi sáng nhìn xuống gốc mai, chúng ta thấy mai rã cánh không biết là bao nhiêu phải không? Chúng ta tu thế nào mà bao nhiêu điều thị phi rụng như những cánh hoa lả tả rơi buổi sớm, chớ không dính chặt, dính cứng trong tâm mình. “Lợi danh lạnh với trận mưa đêm”: Đến mùa thu, có những trận mưa đêm tầm tã, gió lạnh, những tâm danh lợi của mình cũng lạnh như vậy, lạnh không còn một chút hơi ấm nào. Quí vị lạnh chưa? Hoa tàn, mưa tạnh thì còn cái gì? Còn một ngọn núi im lặng xanh rì phải không? Cũng như thế, tâm thị phi đã rụng hết, tâm danh lợi đã lạnh hết, lúc đó chúng ta sẽ còn một tâm thể thanh tịnh bất sanh bất diệt như một hòn núi xanh rì, vững vàng đứng giữa trời. Và còn điều gì nữa? “Xuân cỗi còn dư một tiếng chim”: Tuy mùa xuân tàn rồi mà còn một tiếng chim hót. Thật đẹp làm sao! Tu hành phải như vậy, phải làm sao mà thị phi rụng hết như hoa, danh lợi lạnh ngắt như mưa đêm. Được như vậy sớm muộn gì cũng được giải thoát, chỉ sẽ còn một hòn núi bất di bất dịch đứng giữa trời. Mong rằng tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử có được tâm niệm như ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã nhắc trong bài kệ “Sơn Phòng Mạn Hứng”.

            Hôm nay là ngày đầu năm Kỷ Tỵ, tôi có đôi lời nhắc nhở chung cho Tăng Ni và Phật tử cùng nghe. Mong rằng quí vị ghi nhớ ý của các Tổ, các bậc tu hành trước, lấy đó làm kinh nghiệm mà cố gắng học và làm theo gương người xưa, để xứng đáng là người xuất gia và làm tròn được sở nguyện của mình, hầu trên đền đáp bốn ân, dưới cứu giúp ba cõi. Đó cũng là sở nguyện của chúng tôi.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM