NĂM KỶ TỴ NÓI CHUYỆN RẮN
BÀI NÓI CHUYỆN VỚI PHẬT TỬ
TẾT KỶ TỴ 1989
Hôm nay, sáng ngày Tết Nguyên Đán năm Kỷ Tỵ, tất cả quí Phật
tử gần xa đều về chùa lễ Phật và chúc mừng năm mới. Thể theo phong tục thế
gian, chúng tôi cũng nhân đây nói chuyện và chúc Tết quí vị luôn. Thế gian
nói năm nay là năm Tỵ tức là năm con rắn, tôi cũng tùy tục mà nói chuyện
đạo lý về con rắn với quí vị.
Vấn đề con rắn trong nhà Phật đã có đề cập tới. Như trong kinh
Niết-bàn đức Phật có nói rằng: Có một người nuôi bốn con rắn trong một cái
hũ, bốn con rắn này luôn luôn thù địch nhau, cắn xé lẫn nhau. Người chủ
nuôi bốn con rắn này có bổn phận phải điều hòa, phải ngăn không cho chúng
cắn nhau. Nếu con mạnh hiếp con yếu thì người chủ phải can thiệp làm sao
cho chúng hòa với nhau. Khổ thay bốn con rắn không bao giờ hòa với nhau,
con này chực hại con kia, con kia chực hại con khác. Vì thế người chủ lúc
nào cũng phải đem hết tâm lực trông chừng chúng từng phút từng giây. Nhưng
dầu cho người chủ có thật giỏi, thật thông minh, đến một lúc nào đó, chúng
cắn nhau kịch liệt rồi mỗi con chạy một nơi... đến đó người chủ hết bổn
phận. Quí vị biết câu chuyện này phải không? Bốn con rắn đức Phật dụ cho
bốn thứ: đất, nước, gió, lửa. Rắn hổ lửa không ưa rắn nước. Rắn hổ đất
không ưa rắn gió, tức thế gian gọi là rắn hổ mây, nó chạy ngược trên đầu
cây. Bốn con rắn là rắn độc, chúng không ưa nhau lại bắt chúng ở chung một
chỗ nên lúc nào chúng cũng chực cắn nhau. Việc người chủ điều hòa cho bốn
con rắn nằm yên trong hũ, quí vị thấy dễ hay khó? Thật là cay đắng trăm
phần! Cũng như thế, đức Phật chia thân của chúng ta ra làm bốn đại: chất
cứng trong người là đất, chất ướt trong người là nước, động trong người là
gió, ấm trong người là lửa. Bốn chất đó lúc nào cũng chực hại nhau, nước
kỵ với lửa, gió kỵ với đất. Khi nào nước thắng lửa, quí vị thấy trong
người thế nào? Nghe người lạnh phát run. Còn khi nào lửa thắng nước, quí
vị thấy trong người ra sao? Nó nóng, nó nhức đầu, khó chịu. Như vậy khi
nóng phải làm sao để điều hòa? Tìm thứ gì mát uống cho giảm nhiệt độ, hạ
lửa xuống cho quân bình với nước. Khi nước nhiều, lửa thiếu lại phải tìm
thứ gì nóng uống vào để nâng lửa lên, hạ nước xuống cho quân bình. Khi gió
mạnh quá, đất chịu không nổi, vì gió thổi đất rung rinh nên ê mình, lúc đó
phải làm sao? Quí vị làm thường lắm! Bắt cạo gió phải không? Cạo gió một
lát mình bầm hết, gió bớt, đất quân bình trở lại nên hết đau. Bốn chất
đất, nước, gió, lửa cứ công kích nhau luôn, chúng ta lại là người chủ điều
hòa chúng thì quí vị thấy có nhọc không? Quí vị thấy cả ngày chúng ta làm
việc này, việc kia... nhưng đều chú ý đến bốn đại, xem hôm nay mình lạnh
hay nóng, hôm nay mình có bị gió hay không có gió... nghĩa là vừa thấy
trong người có gì lạ là chuẩn bị mời thầy thuốc hoặc gọi người này, người
kia đánh gió liền. Như vậy từ khi bắt đầu hiểu biết cho đến ngày chết,
việc làm của chúng ta chỉ là điều hòa bốn đại thôi!
Ông chủ điều hòa bốn con rắn kia nhọc nhằn từ ngày này qua
tháng nọ để điều hòa chúng, nhưng rốt cuộc ông chủ có điều nổi không? Vì
chúng thù nhau nên đến một lúc nào, điều hòa không nổi, chúng cắn nhau
kịch liệt rồi chạy tứ tán, và khi đó ông chủ hết việc. Cũng thế, đất,
nước, gió, lửa công kích nhau đến một hôm nào đó, một thứ mạnh quá, chúng
ta điều không nổi thì lúc đó chúng ta rã ra, mỗi thứ một nơi. Khi ấy chúng
ta ra sao? - Chúng ta chết! Như vậy xét thật kỹ cuộc sống của chúng ta từ
khi chúng ta bắt đầu khôn ngoan một chút cho đến lúc già, suốt quảng đời
đó, kiểm điểm lại chúng ta thấy là một điều đáng buồn phải không? Nghĩa là
suốt đời chúng ta cố gắng lo cho có thứ này, thứ kia, chúng ta làm việc
này việc khác... cũng đều nhằm bồi dưỡng cho tứ đại. Thở là bồi dưỡng cho
gió, uống là bồi dưỡng cho nước, ăn là bồi dưỡng cho nước, ăn là bồi dưỡng
cho đất. Khi uống lựa chất nóng uống vào là bồi dưỡng cho lửa, khi ăn lựa
những chất ấm ăn vào cũng là bồi dưỡng cho lửa. Thế thì cả ngày chúng ta
làm gì? Thở, ăn, uống, cả ngày làm bao nhiêu việc đó. Nếu khi nào cổ như
có gì ngăn, hơi thở không thông thì phải kiếm thầy làm cho nó thông; nếu
khi nào ăn uống thiếu chất nóng thì sanh ra bệnh lạnh, nếu thiếu chất mát
thì sanh ra bệnh nóng, cứ phải lo bồi dưỡng cho đất nước gió lửa quân
bình. Kiểm điểm lại hằng ngày chúng ta sống để làm gì? Để bồi dưỡng cho tứ
đại, nhưng bồi dưỡng có xong không? Quí vị thử trả lời xem. Bồi dưỡng đến
một thời gian nào đó chúng cũng phải rã, cũng phải tan nát. Chúng ta làm
việc này giống như người điều hòa bốn con rắn vậy. Thế nên ngày xưa, một
Thiền sư Việt Nam, Thiền sư Đại Xả có làm bài kệ về bốn con rắn như thế
này:
Tứ xà đồng khiếp bản lai không,
Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông,
Chân tánh linh minh vô quái ngại,
Niết-bàn, sanh tử nhậm già lung.
Dịch:
Bốn rắn chung rương trước giờ không,
Núi cao năm uẩn đâu chủ ông?
Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,
Niết-bàn sanh tử mặc che lồng.
Qua bài kệ này chúng ta thấy ngài Đại Xả căn cứ trong kinh
Niết-bàn nói về bốn con rắn. Bốn con rắn đó ở chung trong một cái rương
hay là một cái chậu. Bốn con rắn, trước khi bỏ vào chậu, chúng có ở tại
chậu chưa? - Chưa, vì mới đem bỏ vào; nhưng khi ở trong chậu rồi chúng nó
lại công kích, phá phách lẫn nhau. Đây là nói khi tứ đại chung họp, chung
họp trong sự chống nghịch nhau. Đến câu thứ hai Ngài nói: “Núi cao năm uẩn
đâu chủ ông?” Thân năm uẩn là cộng cả sắc và thọ, tưởng, hành, thức, tức
là vật chất và tinh thần. Khó có ai biết trong năm uẩn cái gì là ông chủ,
nhưng thật ra trong năm uẩn này vẫn có ông chủ. Ông chủ đó là gì? “Chân
tánh sáng ngời không chướng ngại”, nghĩa là ngay nơi mỗi người chúng ta
đều có cái chân tánh, chân tánh đó gọi là ông chủ, chân tánh đó lúc nào
cũng trong, cũng sáng, không có gì chướng ngại nó. “Niết-bàn sanh tử mặc
che lồng”, dù cho có Niết-bàn dù cho có sanh tử, nhưng đối với chân tánh
đó không có dính dáng, không có trở ngại gì cả. Như vậy qua bài kệ này,
chúng ta thấy rõ ngài Đại Xả nêu lên hai việc: thứ nhất là nói bốn con rắn
ở chung, thứ hai là nói thân năm uẩn vô chủ. Tuy nhiên trong cái vô chủ
đó, nếu chúng ta sáng suốt, chúng ta sẽ tìm ra được cái chân thật, cái
chân thật đó là chân tánh, cái chân thật đó không bị trở ngại, đối với
sanh tử và Niết-bàn. Như vậy từ chỗ vô nghĩa, nếu khéo, chúng ta biến nó
thành hết sức có nghĩa. Như tôi vừa nói chúng ta cả đời lo bồi dưỡng bốn
con rắn, điều hòa bốn con rắn, nhưng cuối cùng rồi chúng cũng không thể ở
chung được, và khi chúng tách nhau ra, chúng ta thấy công mình lo lắng từ
đầu đến cuối chỉ là công dã tràng. Quí vị thấy trên nhân gian này, giỏi
như các thầy thuốc, họ biết được những gì thay đổi trong người họ nên họ
gìn giữ, họ bồi dưỡng cho thân họ không bệnh hoạn, nhưng rốt cuộc các ông
thầy thuốc cũng chết. Cả các thầy thuốc cũng phải chết thì người nào giữ
được không chết? Nếu cả đời chỉ lo cho thân tứ đại, săn sóc nó nhưng cuối
cùng không giữ được nó thì mới thấy công của mình thật là công dã tràng.
Thế nên người thông minh sáng suốt phải thấy được điều đó, khi mình lo cho
thân này, mình vẫn tìm được cái gì chân thật hơn, cao siêu hơn, như vậy
mới khỏi luống uổng công mình. Đấy là chúng tôi nói cho quí vị thấy điều
chủ yếu trong cuộc sống. Vì thế vua Trần Thái Tông có làm bài kệ “Tứ Sơn
Khả Hại”:
Tứ sơn thiên bích vạn thanh tùng,
Liễu đắc đô lô nhất thiết không,
Hỉ đắc lư nhi tam cước tại
Mạch kỵ đã sấn thượng cao phong.
Dịch:
Bốn núi ngàn tường muôn bụi rậm,
Tỉnh ra mới biết thảy đều không
Mừng nay có được lừa ba cẳng,
Sấn ngược đường lên đỉnh tuyệt cùng.
Bốn núi là chỉ cho tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Khi chúng tụ
hội rồi thì mịt mù giống như là rừng rậm kín mít như là tường vách vậy.
Nhưng “Tỉnh ra mới biết thảy đều không”, khi tỉnh rồi mới thấy tứ đại
không thật. Khi biết tứ đại không thật rồi mình mới được điều đặc biệt. Ở
đây Ngài diễn tả: “Mừng nay có được lừa ba cẳng”, con lừa có mấy chân? Lừa
bốn chân, nhưng Ngài được con lừa ba cẳng. Con lừa ba cẳng đó “Sấn ngược
đường lên đỉnh tuyệt cùng” tức là Ngài cỡi nó chạy tuốt lên trên đỉnh tột
cùng của ngọn núi. Đây là lối nói bóng gió của nhà Thiền. Thân tứ đại này
do bốn thứ hòa hợp, khi tứ đại hòa hợp, vì thấy nó rõ ràng cụ thể, sờ mó
được nên chúng ta tưởng nó là thật giống như là tường vách, là bụi rậm.
Nhưng khi dùng trí tuệ quán xét đến cùng thì thấy nó là không thật, chỉ
là giả tướng duyên hợp thôi. Tuy nhiên chính trong cái giả tướng đó, trong
cái không thật đó lại còn có cái chân thật ngoài cái bình thường. Bình
thường người ta nói lừa bốn chân, nhưng đây Ngài nói lừa ba cẳng nghĩa là
cái phi thường ở sẵn trong cái tầm thường. Và chính cái phi thường đó, khi
chúng ta nắm được rồi, chúng ta mới vượt lên, mới thoát khỏi cái khổ của
tứ đại, mới vượt khỏi sự tiêu mòn biến hoại của tứ đại, vì thế Ngài nói là
lên được đỉnh tuyệt cùng.
Tóm lại trên đường tu, nếu chúng ta biết rõ thân tứ đại không
thật, chúng ta mới có thể vượt lên, mới có thể thoát khỏi nó. Trái lại,
nếu nghĩ tứ đại là thật, cả ngày cặm cụi lo bồi dưỡng cho nó được đầy đủ,
rốt cuộc công lo lắng của mình chỉ là công dã tràng. Đây là điều mà trong
đạo luôn luôn nhắc nhở để chúng ta tránh những việc làm tốn công vô ích,
không đem lại kết quả. Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ nó hay là hủy
hoại nó, chúng ta phải nuôi nó trong lẽ bình thường, đừng quá trọng cũng
đừng quá khinh, để chúng ta mượn nó mà tìm ra cái chân thật ngay trong nó.
Thế nên ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ có nói bài “Đốn Tỉnh”.
Đoạn tri không hữu bất tương soa,
Sanh tử nguyên tùng nhất phái ba.
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cố niên hoa,
Tam sanh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghị ma,
Hoặc vấn như hà vi cứu kính,
Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha.
Dịch:
Chợt Tỉnh
Chớ rằng không có khác nhau xa,
Sống chết cùng chung mạch nước mà.
Năm cũ hoa cười, hoa năm mới,
Đêm này nguyệt sáng, nguyệt đêm qua.
Ba sanh chớp nhoáng lằn phong chúc,
Chín cõi xoay vần bóng nghị
ma.
Ví hỏi rằng sao là cứu cánh,
Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha.
(Trúc Thiên)
Bài kệ Đốn Tỉnh này nói về điều gì? Ngài muốn chỉ: đừng nghĩ
rằng “sanh tử” cũng như “có không” khác nhau. Chính “sanh tử”, “có không”
cùng chung một loại, cũng như là cùng chung một mạch nước. Tại sao? Nếu
hiểu được lý luân hồi quí vị sẽ thấy. Khi chúng ta tử đó là nhân của sanh.
Khi chúng ta sanh đó là nhân của tử, do có sanh nên phải có tử, do có tử
nên phải có sanh. Sanh và tử thấy như là hai việc khác nhau nhưng cả hai
cùng là một mạch, cái này làm nhân cho cái kia, vậy thì hai cái không khác
mà là cùng nguồn. Đây hình ảnh Ngài dụ rất đẹp: “Năm cũ hoa cười, hoa năm
mới, Đêm này nguyệt sáng nguyệt đêm qua.”
Nghĩa là hoa cười hay hoa nở của năm ngoái tức là của ngày hôm
qua, là đóa hoa nở của ngày hôm qua. Sáng hôm qua chúng ta thấy những nụ
mai chớm nở, sáng ngày nay là năm khác thì chúng ta thấy các nụ hoa nở
tròn, như vậy đóa hoa nở tròn hôm nay là từ nụ hoa chớm nở của hôm qua.
Hôm qua và ngày nay tuy nói năm cũ và năm mới nhưng hôm nay đâu có rời hôm
qua. Cũng như thế, đêm rằm trăng sáng, đến đêm mười sáu trăng cũng sáng.
Trăng đêm rằm và trăng đêm mười sáu như là hai trăng nhưng phải hai không?
Như vậy trên ngôn ngữ chúng ta thấy như hai cái khác biệt nhưng trên thật
tế hai cái liên hệ nhau, chớ không tách rời nhau.
“Ba sanh chớp nhoáng lằn phong chúc.” Chữ phong chúc có hơi
khó hiểu. Phong là gió, chúc là cây đuốc thường chúng ta hay nói đèn treo
trước gió, hay là cây đèn cầy cầm ra ngoài gió. Đèn trước gió thì thế nào?
Dễ tắt lắm! Ba sanh là chỉ cho kiếp sống của con người, nó nhanh như là
cây đèn cầy để trước gió, làn gió thổi mạnh qua nó tắt liền, không ai giữ
được. Trong khi đang sống, cuộc sống của chúng ta tưởng như là vững lắm,
thật lắm, nhưng một cái sơ sảy, một luồng gió độc có thể làm hoại nó ngay,
không ai lường trước được, nên Ngài diễn tả nó giống như là ngọn đèn treo
trước gió hay là cây đèn cầy ở trước làn gió mạnh, không có gì bảo đảm.
“Chín cõi xoay vần bóng nghị ma”, nghị là con kiến. Thường
thường quí vị thấy con kiến bò trên miệng chén, nếu nó cứ bò vòng theo
chiều đó thì chừng nào ra khỏi? Cứ bò vòng vòng, rốt cuộc rồi cũng trở lại
điểm đầu. Nếu nó muốn ra khỏi thì phải bò xuống chớ nếu cứ bò theo chiều
vòng đó mãi thì dù cho bò một ngày, hai ngày cũng chỉ chừng ấy thôi, cứ
loanh quanh trên miệng chén. Cũng thế nếu chúng ta cứ mê chấp thân này là
thật, cảnh này thật, chúng ta phải bị xoay vần trong lục đạo luân hồi, hay
là trong cửu đạo luân hồi giống như con kiến bò trên miệng chén, cứ đảo
qua đảo lại không biết ngày nào ra khỏi. Nay muốn thoát ra phải làm sao?
“Ví hỏi rằng sao là cứu cánh”: làm sao được chỗ cứu kính thoát ra khỏi
vòng lẩn quẩn đó? Ngài nói “Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha”, nghĩa là phải trở về
cái trí tuệ lớn lao chưa bao giờ bị kẹt trong vòng phân biệt sanh diệt.
Ma-ha là lớn, Bát-nhã là trí tuệ, tát-bà-ha là chỉ cho tiếng trùng lại
ma-ha-tát-đỏa tức là chỉ cho trí tuệ của Bồ-tát. Trí tuệ rộng lớn của
Bồ-tát là trí tuệ đưa chúng ta đến chỗ cứu kính, thoát ra khỏi vòng lẩn
quẩn trong chín cõi, nó bền bỉ, không dễ bị thổi tắt như ngọn đèn trước
gió.
Tóm lại qua bài kệ này, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ muốn nhắc nhở
chúng ta rằng: Ở thế gian, người ta mừng khi sống và sợ khi chết, ngày
sanh thì ăn mừng, ngày chết là ngày giỗ, đó là ngày buồn, ngày húy kỵ vì
nói tới đó thì buồn và kiêng lắm. Nhưng thật ra, nếu còn trong vòng luân
hồi thì sống chết, chỉ là nhân và quả, cả hai hỗ tương nhau, không tách
rời được, không riêng có sống mà không chết, không riêng có chết mà không
sống, cả hai cùng chung một mạch. Lại nữa thân này quá tầm thường, tạm bợ,
ngắn ngủi nên chúng ta đừng nghĩ rằng mình sẽ sống lâu, chúng ta phải nhớ
rằng thân này mỏng manh lắm, ngày nào chúng ta còn sống, chúng ta phải làm
những gì hay, tốt để lợi cho mình, lợi người, chớ đừng quá nuông chiều giữ
gìn nó, rốt cuộc không giữ được thì thật là uổng công. Nếu không khéo tu
chúng ta phải bị luân hồi trong chín cõi như con kiến bò trên miệng chén,
bò mãi mà không ra khỏi, thật là một vòng tròn nhọc nhằn vô ích! Thế nên
mỗi người phải sớm thức tỉnh, làm sao mở mang được trí tuệ cao cả của
Phật, Bồ-tát, để thoát khỏi vòng lẩn quẩn trong chín cõi.
Thật thế nếu trọn cuộc đời chúng ta chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp,
sống vui, cuối cùng rồi chết thì có gì cao thượng đâu? Trái lại nếu chúng
ta tìm được, thấy được cái gì cao cả hơn ngay trong tứ đại chống đối thù
nghịch này, khi ấy chúng ta mới có một hướng vươn lên, như tôi vừa nói:
Được con lừa ba cẳng mới vươn lên được tận trên đỉnh núi tuyệt cùng. Vì lẽ
đó, tất cả mọi người, nhất là Phật tử chúng ta, là những người quyết chí
tiến lên, không để dục lạc thế gian lôi cuốn, nhận chìm trong dòng sanh
tử, trong cuộc sống điều hòa tứ đại này, chúng ta phải khéo tìm ra cái gì
cao thượng hơn, cái gì siêu thoát hơn để không phải khổ đau khi mất thân
này. Chiếc thân tạm bợ mong manh như đèn trước gió, dù cố gắng gìn giữ
cũng chỉ là công dã tràng! Đó là điều chúng tôi muốn nhắc tất cả quí Phật
tử trong năm mới này. Nay quí Phật tử là những người đã biết tu tỉnh, biết
kính trọng Tam Bảo, biết hướng về con đường giác ngộ giải thoát thì phải
ngay nơi bốn con rắn của mình, tìm thấy được cái chân thật vì đó là cửa để
chúng ta tiến đến giác ngộ giải thoát. Đã xưng là Phật tử chúng ta không
thể suốt đời chỉ lo nuôi nấng gìn giữ, điều hòa bốn con rắn cho đến ngày
cuối cùng mạnh con nào con nấy chạy, đó là việc phí công vô ích.
Để kết luận lại, hôm nay là ngày đầu năm Kỷ Tỵ, tất cả quí
Phật tử đã có tâm mến đạo, nhân ngày Tết Nguyên Đán, đến chùa lễ Phật,
thăm quí thầy, đó là điều rất tốt. Nhưng quí Phật tử chỉ lễ Phật, thăm quí
thầy là chưa đủ, quí Phật tử còn phải thức tỉnh. Quí thầy không thể cứu
được Phật tử nếu quí Phật tử vẫn còn mê, chỉ biết có thân tứ đại. Quí Phật
tử phải ráng thức tỉnh, biết ngay trong thân tứ đại còn có cái bất sanh
bất diệt. Nếu tỉnh, nếu nhận ra được cái đó thì sự có mặt của chúng ta ở
thế gian này mới không phí, mới không uổng. Trái lại, nếu chúng ta không
thấy được cái đó thì thật là uổng đi một kiếp vì không tìm được cái gì
siêu thoát. Nhân đây tôi chúc Tết cho tất cả quí Phật tử có mặt và vắng
mặt: Mong rằng trong năm mới này, Tam Bảo sẽ gia hộ cho tất cả quí Phật
tử, bản thân quí Phật tử được nhiều điều an vui, gia đình được hòa thuận,
tin yêu, đối với xã hội, mọi việc đều vẹn đủ, và đối với việc tu hành thì
năm nay quí Phật tử sẽ tinh tấn nhiều hơn năm trước. Đó là lời chúc lành
và niềm mong mỏi của chúng tôi.
NAM-MÔ BỔN
SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.
] |