MÙA XUÂN DI-LẶC
XUÂN BÍNH THÌN 1976
Năm nay chúng ta tìm hiểu ý nghĩa mùa Xuân Di-lặc để quí vị biết tại sao
ngày mùng một Tết là ngày vía đức Di-lặc. Khi lạy Ngài chúng ta đã xướng
lên câu: “Nam-mô Long Hoa giáo chủ đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật” tức
là Bồ-tát Di-lặc sẽ thành Phật ở trong hội Long Hoa. Ngài là bậc giáo chủ
ở hội đó và sau này mới thành Phật chớ không phải thành Phật ngay bây giờ.
Đó là ý nghĩa thâm trầm nhất trong nhà đạo. Chúng ta ai ai cũng xem ngày
mùng một Tết là ngày mở màn năm mới. Bao nhiêu chuyện vui buồn của năm tới
gần như là nẩy mầm từ trong ngày mùng một Tết. Cho nên ai nấy đều rất dè
dặt, rất kính cẩn trong ngày mùng một này. Mỗi hành động, mỗi ngôn ngữ,
chúng ta đều e dè vì sợ hành động hôm nay ảnh hưởng đến sự vui buồn của
năm tới. Đó là quan niệm của nhân gian.
Trong nhà đạo ngày mùng một Tết nói theo thời gian cũng là ngày mở màn cho
năm tới. Năm tới đầy hứa hẹn với chúng ta là một năm giác ngộ. Vì vậy đức
Phật Di-lặc là một vị Phật được hứa hẹn thành Phật ở mai sau. Ngài thành
Phật đó là Ngài hoàn toàn giác ngộ. Hôm nay đầu năm lễ Ngài để chúng ta
nhớ rằng năm nay là một năm hứa hẹn chúng ta sẽ được giác ngộ. Nếu chưa
được thì năm tới sẽ được chớù không thể nào tu suông được. Vì vậy ngày
mùng một Tết đối với nhân gian là ngày Tết Nguyên Đán, đối với nhà đạo là
ngày vía đức Bồ-tát Di-lặc, một vị Phật sẽ thành mai sau. Như vậy mỗi khi
nhớ đến Phật sẽ thành, nhớ ngày mùng một Tết, chúng ta nghĩ cũng sẽ giác
ngộ, chớ không thể lôi thôi được. Nhưng mà cái giác ngộ tôi nói đây không
phải giác ngộ hoàn toàn như bậc Chánh đẳng chánh giác là Phật, mà là một
thứ giác ngộ từng phút từng giây của chúng ta. Như vậy cũng không hổ thẹn
gì đối với ngày vía này. Đó là tôi nói sơ thâm ý của ngày vía đức Phật
Di-lặc.
Bây giờ đi thẳng vào mùa Xuân Di-lặc, nói đến mùa Xuân Di-lặc; nói đến mùa
Xuân thì quí vị đều biết. Chúng ta chịu lạnh ở mùa Đông quá nhiều, đó cũng
là lời nói vay mượn theo nước Trung Hoa v.v... Chúng ta chịu ảnh hưởng
Trung Hoa ngoại quốc nhiều, cho nên ai cũng tưởng mùa Đông cây cối trơ
trọi, sương tuyết đầy đường, lạnh buốt không chịu nổi. Nhưng thật sự ở
miền Nam chưa có. Chúng ta hiểu theo những nước Trung Hoa, Nhật Bản, những
nước Âu Châu tức cho mùa đông là một mùa lạnh lẽo, cây cối đều rụng lá trơ
cành, không có cái gì sanh trưởng được. Nơi người thì do sức lạnh phải teo
da xám thịt. Cái lạnh làm người ta không còn sức sanh trưởng nẩy nở, phải
chờ đến mùa Xuân cây cối mới đâm chồi nở hoa kết quả. Mùa Xuân tới thì cơ
thể con người, lòng người mới được ấm áp vui sướng. Cho nên mùa Xuân là
mùa ta hằng mơ ước. Mùa Xuân có cái gì hòa ấm tươi vui khiến cho mọi người
hăng hái trong cuộc sống, vạn vật đâm chồi nẩy lộc xanh tươi trong những
ngày đó. Vì vậy, khi nói tới mùa Xuân là nói cả một cái gì đầm ấm trong
con người.
Hiện nay mùa Xuân Di-lặc là mùa Xuân gì? Và chúng ta cùng chúc nhau những
gì? Ở trên cuộc đời này có bao nhiêu người cứ theo cái mê lầm ảo tưởng của
mình, chạy theo ngoại cảnh, bám vào ngoại cảnh cho là mình. Cho nên phải
khổ đau theo dòng sanh diệt của ngoại cảnh. Như bao nhiêu người thấy cái
gì cũng nói cái đó là của mình, lệ thuộc mình từ cái bản thân cho đến cái
sự vật bên ngoài. Không có cái nào là không bám chặt vào mình. Bởi cái
chấp ngã nặng nề đó cho nên con người phải khổ đau, khổ đau dài dặc từ
kiếp này đến kiếp khác. Đó là cái chấp ngã sở, tức là vật sở hữu của mình.
Tôi thấy cái hoa này là cái hoa của tôi. Nó tươi tôi vui, nó héo tôi buồn.
Nếu cái này là hoa của thiên nhiên nó tươi nó héo là nó tươi nó héo không
dính dáng gì đến tôi. Tại sao vậy? - Bởi vì mình đặt chủ quan mình vào sự
vật, bắt sự vật lệ thuộc vào mình. Mình muốn lòng người đối với mình và sự
vật thuộc về mình trường tồn vĩnh cửu. Cho nên khi có trạng thái biến đổi,
xê dịch thì mình cảm thấy bất an, không vui rồi. Do đây mà người ta đau
khổ vì bắt sự vật lệ thuộc vào mình. Khi nào chúng ta biết bản tánh sự vật
là như vậy không đổi thay, không lệ thuộc vào ai cả, thì lúc đó chúng ta
mới nhìn sự vật với tính cách khách quan. Như thế chúng ta mới an vui tự
tại. Cho nên cùng một cảnh ngộ, cùng một sự việc trên cõi đời này, có
người thì cả ngày buồn lo rầu rĩ, sợ sệt, còn có người thì an ổn vui tươi.
Đó là tại sao? - Chẳng qua đó là người biết sống, người không biết sống.
Có người họ giành giựt nhau từng miếng ăn để sống. Như vậy họ có biết sống
không? Họ ham sống lắm. Nhưng sự thật họ sống trong cái chết, tức là họ vì
miếng ăn, vì tất cả những cái không đáng giá gì mà họ lại đua nhau giành
giựt để rồi chết vì miếng ăn. Còn chúng ta nếu thức tỉnh được thì khác hơn
họ nhiều. Do đó mà quí vị thấy, nhìn lên hình tượng đức Di-lặc trong các
chùa xưa thờ, có đức Di-lặc nào buồn hay không? Chúng ta thấy đức Bồ-tát
Di-lặc nào cũng nở nụ cười. Không bao giờ thấy đức Di-lặc nào buồn hết.
Nói đến đức Bồ-tát Di-lặc là nói đến vui tươi. Tại sao Ngài cười hoài,
Ngài giàu chăng? Ngài không giàu, Ngài có giàu gì đâu? Ngài có ưu điểm gì
mà Ngài vui tươi mãi? Đó là cái điểm mà chúng ta phải chú ý.
Như khi nãy tôi nói, bắt ngoại cảnh lệ thuộc mình thì tự nhiên mình là
người đau khổ. Mà quí vị có bắt ngoại cảnh lệ thuộc mình hay không? Tỷ dụ
bây giờ đứng trước một trăm người, quí vị có muốn một trăm người đó đừng
để ý gì đến quí vị hay không? Hay là muốn ai cũng chú tâm vào mình, nhìn
vào mình để rồi khen mình, để rồi mến mình v.v... Nghĩa là muốn mọi người
chú tâm vào mình, muốn tất cả sự vật đều thuộc về mình. Quí vị thấy cái
hoa đẹp quí vị có muốn nắm cái hoa ấy trong tay hay không? Hay là thấy cái
hoa đẹp nên để nó nằm yên trên cành trong rừng để nó giữ trọn vẹn hương
sắc của nó. Cái gì chúng ta cho là đẹp ở bên ngoài đó, vừa trông thấy nó
đẹp là bắt nó lệ thuộc vào mình. Cho nên nói theo Tổ Bồ-đề-đạt-ma, chúng
ta cắt hoa chưng như vầy cũng có tội. Bởi vì sao? Vì chúng ta ăn cắp sanh
mạng của nó làm đẹp cho chúng ta. Đó là lối nhìn đáo để của những vị tu
hành, biết rõ ràng sự vật một cách khách quan. Ngược lại chúng ta thấy cái
gì đẹp là muốn đem về phòng chưng hoặc để đâu đó, nghĩa là phải lệ thuộc
về mình. Còn cái đẹp bên ngoài thì chúng ta không muốn. Đó là cái bệnh mà
tất cả chúng sanh hiện giờ đang mắc phải. Nói cái bệnh đó tôi chưa cần
phải giải thích mà xin dẫn lời một Thiền sư Trung Hoa. Thiền sư Bổn Tịnh
đã nói lên cho chúng ta thấy bệnh đó qua bốn câu kệ:
Nhất niên Xuân tận nhất niên Xuân
Dã thảo sơn hoa kỷ độ tân
Thiên hiểu bất nhân chung cổ động
Nguyệt minh phi vị dạ hành nhân
Tạm dịch:
Một năm Xuân trọn một năm Xuân
Cỏ dại non hoa mấy độ tươi
Trời sáng chẳng do chuông trống động
Trăng trong đâu bởi khách đi đêm
Như vậy nghĩa là sao? Bởi vì quí vị nhớ ở chùa xưa lâu nay tới bốn năm giờ
thức dậy công phu đánh chuông đánh trống. Những nhà hàng xóm những đứa bé
trong làng bị ba má nó kêu dậy. Thí dụ như: Ở chùa công phu đánh chuông
trống, trời sáng rồi, a! Dậy đi thả bò ăn. Thế nên nó quen có quan niệm là
chùa đánh trống là trời sáng. Nhưng nhân chùa đánh trống mà trời sáng, hay
là chùa đánh trống là chùa đánh trống, còn trời sáng là trời sáng? Không
phải chùa đánh trống mà trời sáng, nhưng người ta quen khi nghe chùa đánh
trống dộng chuông công phu là nói trời sáng. Như vậy tại sao có thói quen
đó? Bởi vì mình cứ tưởng tượng có cái gì thúc giục, duyên mới xuất hiện,
thành ra trời sáng thuộc về đánh trống đánh chuông của nhà chùa. Rồi trăng
sáng có những người khách đi ban đêm, nhân có trăng sáng người mới đi chơi
đêm. Như vậy trăng sáng cho họ đi chơi đêm hay là khách đi chơi đêm vì
trăng sáng? Đó là chỗ mà chúng ta phải thấy rõ. Người đi đêm thì họ tự đi,
trăng sáng là trăng tự lên mà sáng không phải vì khách đi đêm mà trăng
sáng. Nhưng trăng sáng người khách mới lợi dụng trăng sáng mà đi chơi đêm.
Như vậy rõ ràng là chúng ta nhìn sự vật bằng con mắt chủ quan cho tất cả
đều vì mình. Thí dụ như quí vị thấy ở sông có cá ngoài biển có tôm, quí vị
sẽ nói sao khi con cái hỏi: Vì sao có cá có tôm? Là cha mẹ quí vị cắt
nghĩa với con ra làm sao? - Trời sanh ra để mình ăn đó. Rồi thấy ngoài
đồng, tại sao có lúa có đậu có bắp? Cũng bảo trời sanh để mình ăn. Tất cả
cái gì cũng để cho mình hết. Rồi hỏi tại sao có mưa? - Có mưa để mình làm
ruộng. Tại sao có nắng? - Có nắng để mình phơi lúa. Tất cả cái gì cũng để
cho mình. Vì vậy mà trong vũ trụ này mình là trung tâm. Bởi vì mình là
trung tâm vũ trụ cho nên ai không làm theo ý mình thì mình nổi tức lên. Tỷ
dụ như mình phơi lúa mà mưa xuống thì có nổi giận hay không? - Tại sao
người ta đang phơi lúa mà trời lại mưa? Như vậy mình bắt thiên nhiên lệ
thuộc về mình, mà lệ thuộc bằng cách ngu tối mê mờ của mình, chớ không
phải lệ thuộc bằng cách không ngoan. Bởi bắt lệ thuộc về mình nên mới khổ
đau vì không được như ý.
Quí vị thấy tất cả chung quanh chúng ta từ con người đến muôn vật, có cái
nào chiều theo ý chúng ta hay không? Mà giả sử có ông Trời, ông cũng không
chiều nổi nữa. Muốn cái này đòi cái kia, được cái kia đòi cái khác. Nếu
muốn một người được thỏa mãn hoàn toàn thì cả vũ trụ nhân loại này đều
phải là nô lệ cho người đó hết. Do đó con người lúc nào cũng đau khổ vì
thấy ngoại cảnh bất như ý. Tại sao bất như ý? Vì mình bắt ngoại cảnh lệ
thuộc về mình. Nếu mình có cái nhìn khách quan, thì sẽ thấy ngoại cảnh là
ngoại cảnh, không cái gì thuộc về mình hết, không cái gì vì mình hết.
Trăng trong là trăng trong, không phải vì mình đi đêm mà trăng trong. Trời
sáng là trời sáng chớ không phải vì chùa đánh chuông đánh trống là trời
sáng. Như hoa cỏ nó tươi nó nở là tới thời tiết nó tươi nó nở, chớ không
phải vì cái gì mà nó tươi nó nở.
Nói tóm lại qua bốn câu thơ đó, Thiền sư Bổn Tịnh đã cho ta thấy rằng
chúng ta bệnh chủ quan quá nặng nên bắt ngoại cảnh lệ thuộc vào chúng ta.
Nhưng ngoại cảnh có chịu lệ thuộc vào chúng ta hay không? Hẳn là không?
Khi thời tiết nhân duyên tới thì hoa trổ bông kết trái chớ không phải mình
muốn là được. Nhiều người không biết như vậy, trồng cây mới đặt xuống năm
bảy hôm là muốn cho nó lớn mau, rồi muốn nó có bông có trái liền. Năm bảy
ngày không thấy nó lớn, lại muốn nhong nhóng lên cho nó mau lớn. Đó là cái
bệnh tham lam của con người. Bởi cái gốc tham lam mê muội đó mà người ta
mãi mãi đau khổ. Ở đây Thiền sư muốn cho ta hết đau khổ, Ngài chỉ cho
chúng ta thấy phải dứt đi hết bệnh tham lam. Mà bệnh tham lam là bệnh chấp
ngã sở, tức bắt ngoại cảnh lệ thuộc vào mình. Quí vị nghĩ con cá con tôm
phải sanh ra cho chúng ta ăn hay không? Nó là nó, sự sanh sản của nó là
nó, chớ không phải vì chúng ta mà nó sanh. Tất cả cái khác cũng như vậy.
Như vậy sự vật ở cõi đời này, không có cái gì vì chúng ta hết, nhưng chúng
ta tạo phương tiện tìm kiếm tàn sát để nuôi dưỡng chúng ta. Đó là sự lợi
dụng của chúng ta, chớ không phải nó sanh ra để cho chúng ta ăn. Ngoài tôm
cá tất cả cái khác cũng vậy. Cho nên trong nhà Phật dùng danh từ rất
chuyên môn gọi là “Pháp nhỉ như thị” tức là các pháp nó như vậy. Các pháp
không thuộc vào ai hết, nó không bị cái gì chi phối, không lệ thuộc vào
cái gì, nó là nó, nếu bắt nó lệ thuộc là mình ngu si. Tại sao vậy? Chúng
ta cứ suy gẫm lần lần như tôi nói nãy giờ. Chúng ta biết một năm có bốn
mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, hoặc ấm áp hay lạnh lẽo, hoặc gió mưa hay khô
cạn. Bốn mùa đó không phải vì chúng ta mà có, nhưng do sự xoay vần của
trái đất. Nhân biết có bốn mùa rồi chúng ta mới lợi dụng. Mùa mưa thì
chúng ta ven bờ làm ruộng, mùa nắng hạn thì chúng ta phơi lúa, làm những
việc khô khan. Mùa lạnh thì chúng ta sắm những cái mền, những cái áo ngủ
ấm để mà che lạnh. Mùa nào chúng ta làm hợp theo mùa nấy. Nói tóm lại
chúng ta biết có bốn mùa, đó là thiên nhiên sẵn như vậy, chớ không phải vì
chúng ta. Nhân chúng ta biết đó mà lợi dụng làm việc sao cho phù hợp với
bốn mùa. Đó là chúng ta khôn ngoan muốn sống. Nếu không chúng ta cứ bắt nó
lệ thuộc vào chúng ta; vả như đang mùa nắng mà chúng ta muốn mưa thì sao?
Có mưa được không? Muốn mưa mà không mưa ngồi đó mà trách trời trách đất:
Hôm nay tôi cần mưa mà không mưa cho tôi. Đó là cái đau khổ do si mê của
mình.
Ngoài ra tất cả cái khác cũng vậy. Tỷ dụ như thế gian, người nuôi con chó
thì nghĩ rằng, nuôi nó để giữ nhà cho mình. Khi nào có ăn trộm, nó ngủ
quên nó không sủa thì đánh đập nó. Nhưng nó có hứa nó giữ nhà cho mình
đâu, mà thói quen của nó thấy người lạ là sủa. Nó sủa vậy thôi chớ nó
không nghĩ sủa như vậy là giữ nhà, giữ ăn trộm cho người chủ. Thế mà có ăn
trộm nó ngủ quên sủa thì mình đập nó. Khi nuôi gà, người ta có ý nghĩa để
nó gáy cho mình thức đúng giờ, hoặc để mình ăn thịt. Tại mình quan niệm
như vậy chớ nó đâu có nghĩ là tôi gáy cho ông bà nấu cơm đúng giờ đâu.
Ngứa cổ nó cứ gáy vậy thôi. Bữa nào nó quên mình bực bội trách tại sao
không gáy làm cho người ta ngủ quên. Như vậy mình có phải bắt buộc nó làm
theo ý mình không? Đó là tánh cách ngu si chủ quan. Mình muốn bắt tất cả
cái gì cũng làm lợi cho mình hết. Sự vật bên ngoài nó có nghĩ làm lợi cho
ai đâu. Nó là nó. Có cơ duyên gì đó mới làm như vậy chớ không phải nó làm
cho mình. Nó đâu có nghĩ nó làm cho mình rồi khi thiếu sót một chút không
làm đúng như các trường hợp cũ, thì mình tức giận lên và mình có thể làm
hại nó nữa.
Như vậy chúng ta thấy tất cả sự vật nó là nó, nó không phải lệ thuộc vào
chúng ta. Chúng ta vì tham lam bắt nó lệ thuộc vào chúng ta, cho nên nếu
có một cái không lệ thuộc về chúng ta là chúng ta đâm ra tức giận. Tỷ dụ
đi vào vườn hoa của người, khi thấy một hoa đẹp muốn thuộc về mình. Nếu
xin mà ông chủ không cho liền nổi giận. Vì thấy nó đẹp, muốn nó về mình,
không được như ý là tức giận lên. Rồi tất cả cái khác đều cũng như vậy.
Nếu thấy hoa đẹp để ngắm thì có tức giận đâu. Thấy cái gì cũng muốn thuộc
về mình, khi có một cái không lệ thuộc về mình mới đâm ra buồn khổ. Cái
khổ đó từ đâu đem đến cho mình? Quả tang là chúng ta tham lam bắt sự vật
thuộc về mình, nên chúng ta đau khổ. Nếu bây giờ chúng ta biết sự vật là
sự vật không thuộc về ai hết, ta nhìn nó với tánh cách khách quan thì có
lúc nào buồn đâu. Thấy người ta có cái nhà tốt thì vui được thấy cái nhà
tốt, đừng muốn cái nhà tốt thành của mình, tự nhiên mình vui rồi. Sở dĩ
mình thấy người ta có nhà tốt mà mình có nhà xấu mình buồn, vì mình muốn
được cái nhà tốt như người, nên mới có niềm bất an trong lòng. Chớ mình
thấy người ta có cái nhà tốt, mình mừng được thấy cái nhà đẹp quá. Thấy
người có cái áo tốt, mình mừng được thấy cái áo đẹp. Được như vậy cả ngày
mình vui hoài. Người có cái này đẹp, người có cái kia, rồi ngoài vũ trụ có
bao nhiêu cái đẹp. Thấy được cái đẹp thì vui, chớ mình không bắt cái gì về
mình hết. Nếu mình muốn cái gì tốt đẹp, muốn về mình thì cả ngày mình cứ
buồn hoài. Đi ra thấy người ta có chiếc xe hơi đẹp, thấy mình không có
mình buồn. Thấy người ta có cái nhà đẹp mình không có mình cũng buồn. Như
vậy buồn cả ngày. Đó là tự mình vì mình muốn cái gì đẹp về mình, cho nên
càng muốn là càng khổ.
Nếu chúng ta biết tất cả cái đẹp không lệ thuộc về chúng ta thì chúng ta
hết khổ. Hết khổ một cách an nhàn tự tại. Chúng ta cũng không đố kỵ, không
ghét không khó khăn với ai hết. Ai có gì đẹp thì mình tán thán tùy hỉ
liền. Khi thấy cái đẹp mình có ý nghĩ: À ông ấy có cái đẹp thích quá, mà
mình không xin, không muốn lệ thuộc về mình thì tức nhiên mình có đố kỵ
với người đó đâu. Ở thế gian, quí vị thấy một người anh ruột mà giàu,
người em nghèo thì người em có thương người anh ruột hay không? - Cũng có
hơi đố kỵ rồi. Người khác cũng vậy, tại vì muốn tất cả gồm về mình. Lúc
nào họ cũng thấy mình là trung tâm vũ trụ, bắt buộc tất cả phải về mình
hết. Ra ngoài đường người ta không nhìn mình, mình cũng hơi giận rồi. Cái
gì cũng phải chú vào mình hết. Người ta ít chú ý về mình thì mình không
bằng lòng. Đó là quan niệm chủ quan quá đáng. Chủ quan đó gọi là chấp ngã
nặng, bắt ngoại cảnh phải lệ thuộc về mình, gọi là chấp ngã sở. Vì vậy
chúng ta phải biết rõ ràng tất cả pháp ở giữa đời này, không có cái gì
thuộc về cái gì hết. Nó là nó, nó không thuộc về mình. Sở dĩ mình khôn
khéo mình lợi dụng nó để ứng dụng, để chu cấp cho cuộc sống của mình, chớ
nó không lệ thuộc về mình. Nó rõ ràng như vậy đó.
Nếu biết tất cả pháp không lệ thuộc về mình thì pháp nào ở bản vị pháp
nấy. Cái hoa này nó ở bản vị của nó, tất cả cái khác nó ở bản vị của nó,
không lệ thuộc cái nào hết, nó là nó. Tuy nhiên nó sanh nó diệt. Nó sanh
nó diệt theo thời tiết nhân duyên của nó chớ không lệ thuộc vào cái nào.
Nhưng mà chúng ta có bằng lòng với sự vật bên ngoài - nó là nó - không lệ
thuộc về mình hay không? - Không ai bằng lòng hết. Chính cái đó là cái đau
khổ, muôn ngàn đời đau khổ cũng vì cái đó. Cho nên nói hoa nở cả vườn mà
chỉ có vườn của ta thì hoa không nở. Bởi vì của ta nên nó héo hoài. Còn
nếu không thấy còn của ta thì nó nở đầy vườn. Bây giờ quí vị đi ra ngoài
thấy cái đẹp nào đều không bắt về mình thì thấy cả thế gian đều là đẹp.
Còn nếu bắt nó về mình thì cả thế gian đều là xấu hết. Mình thấy người ta
có cái nhà đẹp mà không thuộc về mình, mình không bằng lòng, cho nên tìm
cách này cách kia phê bình cho nó xấu bớt đi. Đó là cái bệnh của chúng
sanh như vậy.
Giờ đây chúng ta khách quan nhìn tất cả sự vật, các pháp thế gian này nó
không thuộc về ai hết, nó là nó. Không phải vì có ta mà nó thuộc về ta.
Hiểu được như vậy, thấy được như vậy là tự chúng ta hết khổ rồi. Chúng ta
sẽ cười hoài như ngài Di-lặc. Đi thấy ai cũng có cái hay cái đẹp, cười
hoài không có buồn. Còn nếu bắt nó thuộc về mình thì buồn hoài cả ngày,
không bao giờ mình vui được, đó là cái thuật sống. Sống an lành hạnh phúc
như ngài Di-lặc. Vì vậy mà trong kinh Pháp Hoa có câu:
Thị pháp trụ pháp dị
Thế gian tướng thường trụ
Tức là các pháp ấy nó ở bản vị của nó, như vậy là tướng thế gian thường
còn mãi mãi. Còn bắt nó lệ thuộc thì nó sẽ tiêu tan. Tỷ dụ thân chúng ta
bây giờ có thật là của chúng ta hay chưa? Bởi thấy của chúng ta nên khổ vì
nó.
Nãy giờ nói là tôi nói sự vật bên ngoài. Bây giờ nói thẳng cái tứ đại nặng
ba mươi bốn mươi năm mươi ký hoặc sáu mươi ký đó là của chúng ta hay
không? Thật tình là ai cũng nói của mình hết. Quí vị nghĩ cho thật kỹ mà
coi. Khi chúng ta có một ly nước, lúc còn ở ngoài này là nước của ai? Nước
là nước không của ai hết. Nhưng khi vô khỏi cổ rồi thì nói của mình. Tới
chừng hai ba tiếng đồng hồ sau, nó ra rồi thì là nước của ai? Như vậy cái
gì là cái của mình. Như hơi thở, khi không khí ở ngoài này là không khí,
hít vô lỗ mũi là hơi thở của mình. Lát nữa thở ra rồi nó đi đâu? Là của
ai? Như vậy cái “của” này chỉ là cái tạm. Như cái nhà người này vô người
kia ra. Người bước vô nhà người đó có thuộc cái nhà này không? Tại sao
chúng ta chấp tứ đại là nhà của mình? Bây giờ, quí vị thấy tứ đại hằng
ngày: thở là không khí, chất lỏng là nước, chất cứng là đất, thân có hơi
ấm là lửa. Như vậy đất nước gió lửa hòa hợp lại làm thân tứ đại này. Nếu
tứ đại ở ngoài không phải là của mình, vậy tứ đại ở trong này là của mình
hay sao? Biết tứ đại ở ngoài không phải là của mình, thì ở trong đây đâu
phải là của mình. Nếu thật là của mình thì, mình hoàn toàn làm chủ. Mình
muốn nó còn là nó còn, muốn bỏ nó là nó mất. Nhưng có người muốn giữ nó mà
giữ không được thì sao? Như vậy để chứng tỏ rằng nó không thuộc của mình.
Cho nên đủ duyên thì nó còn, duyên thiếu thì nó rã. Mà khi nó rã nó có
thật mất hay không?
Chúng ta mượn không khí làm hơi thở chúng ta. Đến khi hết duyên, chúng ta
thở ra thì nó thành không khí lại. Nó trở lại bản vị không khí của nó.
Nước chúng ta còn dùng nó, đến khi hết dùng trả ra lại trở thành nước. Cái
thân đất này tới chừng trả ra nó trở thành đất lại. Đâu trả về bản vị nấy
không mất tí nào. Nhưng mà duyên hợp thì đổi hình đổi tướng vậy thôi.
Duyên hết rồi thì đâu trả về đó, không có cái gì gọi là mất. Cho nên nói
“Tướng thế gian thường trụ”. Trong khi hợp đó chúng ta lầm mê bám vào cái
đó nói là của mình. Tứ đại này cũng cho là mình. Cho nên cả cuộc đời chúng
ta đau khổ. Quí vị nghĩ có lúc nào chúng ta vui được không? Bởi vì nhớ tới
thân này, ai mà không bệnh, không tê thấp thì đau gan, không đau gan thì
đau bao tử, hoặc phổi tim v.v... có đủ thứ đau nên sợ thân hoại. Vì nghĩ
nó là mình, nên lo sợ nó rã nó mất. Đối với thân thì lo sợ, đối với ngoại
cảnh thì bắt nó thuộc về mình, cho nên không được như ý.
Người nào cho tứ đại là mình, đó là người đau khổ suốt kiếp. Không có ngày
nào an lành hết, vì ngay trong tứ đại chúng ta thấy, nó không thuộc về ai
hết. Tứ đại là tứ đại - giả hợp chúng ta mượn nó làm bè qua sông. Nó còn
ngày nào thì chúng ta đeo nó, nó rã thì thôi. Như vậy đối với thân thì
không sợ còn mất, đối với cảnh không còn tham lam bắt nó về mình. Người
sống như vậy có an vui hay không? Như vậy không cười còn đợi cái gì? Không
lo sợ gì hết. Không lo sợ cái này cái kia, mình không lo sợ thân này bệnh
hoạn hoại đi là mình thấy an lành tự tại suốt ngày. Được như vậy là ta
hưởng mùa Xuân Di-lặc sơ sơ rồi. Năm nào, ngày nào, tháng nào, chúng ta
cũng thấy là ngày Xuân hết. Ngày nào cũng là ngày an lành đẹp đẽ. Nếu
không như vậy thì chúng ta sẽ đau khổ dài dài. Ngày nào cũng đen tối. Cái
này bất như ý, cái kia bất như ý. Nhớ đến thân là thân nhiều bệnh. Nhớ đến
cảnh là cảnh của người. Cho nên rồi đau khổ, đau khổ hoài không hết. Đó là
tôi chỉ cho quí vị thấy chúng ta muốn hưởng mùa Xuân Di-lặc là phải hưởng
như thế đó. Đó là Xuân Di-lặc về hình thức.
Còn Xuân tâm niệm? Làm sao tâm niệm chúng ta an lành suốt cả năm suốt cả
tháng. Đó mới là cái Xuân cao quí nhất. Một Thiền sư Trung Hoa có làm bốn
câu kệ nói lên mùa Xuân:
Lưu thủy hạ sơn phi lưu ý
Phiên vân qui động bản vô tâm
Nhân sanh nhược đắc như vân thủy
Thiết thọ khai hoa biến giới xuân
Tạm dịch:
Nước tuôn xuống núi nào có ý
Mây bay về động vốn không tâm
Người đời nếu được như mây nước
Cây sắt trổ hoa khắp chốn xuân
Sở
dĩ chúng ta không được mùa xuân vĩnh cửu là vì chúng ta chỉ thấy Xuân qua
tâm niệm sanh diệt. Thấy cây cỏ tươi tốt trổ hoa đâm chồi, chúng ta vui
mừng cho đó là Xuân. Như vậy chúng ta vui mừng theo cảnh theo thời gian.
Cái mừng đó là cái vui của tâm sanh diệt. Mà đã vui mừng chạy theo cảnh,
theo thời gian, nếu cảnh tàn, thời gian qua thì cái vui còn hay hết? Cái
xuân như thế là cái xuân hữu hạn. Cái Xuân của thời gian thì biến đổi, cái
Xuân của ngoại cảnh thì suy vi. Bây giờ nếu chúng ta hoạt động như bao
nhiêu người, nhưng hoạt động như mây bay như nước chảy. Trong khi hoạt
động đó ta không bị vọng tưởng làm chủ mà hằng sống với tâm thanh tịnh của
chúng ta. Tâm thanh tịnh đó nó lặng lẽ trong trẻo chẳng khác nào như cây
sắt. Nhưng trong cái lặng lẽ trong trẻo đó không phải nó không có gì.
Chính trong cái lặng lẽ, trong trẻo đó nó phát ra trí tuệ sáng suốt. Đây
dụ như cây sắt trổ bông. Trong cái lặng lẽ trong trẻo đó chúng ta tưởng
chừng như không có cái gì hết, nhưng không ngờ ngay trong đó lại phát ra
cái trí tuệ diệu dụng bất tư nghì. Cho nên đây ví dụ cho cây sắt trổ bông.
Người ta tưởng không bao giờ cây sắt trổ bông, nhưng khi cây sắt trổ bông
rồi sẽ thấy khắp bầu trời đều là Xuân không cùng tận.
Bây giờ quí vị nhớ lại khi tâm không dấy niệm, lúc đó quí vị thấy có mình
hay không? Tất cả người thế gian ai cũng vậy, có nghĩ thì nói tôi nghĩ thế
này tôi nghĩ thế kia, không nghĩ thì lúc đó làm sao? Không biết gì hết. Họ
tưởng chừng như mất họ rồi không còn gì hết. Nhưng mà không ngờ sau khi
dừng lại hết những cái nghĩ đó, chừng đó nó mới sáng, tức là mới phát cái
trí tuệ sáng suốt; trong kinh Bát-nhã gọi là “Thanh Tịnh Trí”. Trí tuệ
sáng suốt đó nhìn sự vật, nhìn vũ trụ bằng tâm thanh tịnh, nên vũ trụ theo
đó mà thanh tịnh. Chừng đó khắp cả bầu trời đều là Xuân. Bởi vì nó không
còn cái tâm sanh diệt nữa. Tất cả đều là an lành đều là vĩnh cửu. Lúc đó
mới gọi là “biến giới Xuân”. Xuân khắp bầu trời ở đâu cũng là Xuân hết.
Như vậy trong muôn người muôn cảnh, chúng ta thấy đều là Xuân. Thời gian
nào chúng ta cũng thấy đều là Xuân. Mà cái Xuân được chăng là sau khi tâm
chúng ta giống như mây bay giống như nước chảy. Mây bay nước chảy mà không
có tâm, thì chúng ta hoạt động tất cả mà không có vọng tưởng. Lúc đó chúng
ta thấy khắp bầu trời là một mùa Xuân. Nếu chúng ta mang vọng tưởng là
Xuân có hạn có chừng. Như vậy chúng ta ai muốn hưởng mùa Xuân Di-lặc, mùa
Xuân đó phải như vậy. Một mùa Xuân không còn lệ thuộc vọng tưởng sanh diệt
thì đó mới là mùa Xuân chân thật. Tôi đã đứng hai mặt để diễn đạt mùa Xuân
Di-lặc:
1-
Dứt mê lầm chấp ngã bắt ngoại cảnh và tứ đại này lệ thuộc vào mình. Lúc đó
chúng ta hưởng được mùa Xuân an lành tự tại.
2-
Chúng ta bặt hết vọng tưởng điên cuồng, với tâm thanh tịnh sáng suốt nhìn
bầu trời sáng suốt để hưởng mùa Xuân vĩnh cửu bất sanh bất diệt.
Một Thiền sư Việt Nam đã nói đến mùa Xuân đó dù không đề cập đến chữ Xuân.
Khi vua Nhân Tông hỏi Ngài ở núi làm gì, ở được bao lâu? Thiền sư Thiền
Lão trả lời:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu
Tạm dịch:
Chỉ biết ngày tháng này
Ai rành xuân năm trước
Hỏi hằng ngày
Hòa thượng làm gì? Ngài nói:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân
Tạm dịch:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân
Như vậy ngày nào chỗ nào chẳng phải là Xuân? Nếu tâm chúng ta không còn lệ
thuộc vào thời gian quá khứ hiện tại vị lai, lúc đó chúng ta an nhiên tự
tại thanh tịnh. Đó là cái tâm bất sanh bất diệt của chúng ta. Mà sống với
cái tâm bất sanh bất diệt đó để nhìn sự vật, cái nào chẳng đẹp, cái nào
chẳng thanh tịnh, vì đâu cũng là chân tâm biến hiện, đâu đâu cũng là cảnh
đẹp của mùa xuân, không riêng nơi nào lúc nào. Như vậy quí vị thấy rõ cuộc
sống của chúng ta muốn được an lành đời đời kiếp kiếp, an vui tự tại hưởng
một mùa Xuân Di-lặc thì không gì hơn:
1-
Trước hết chúng ta phá cái chấp u mê bản ngã, bắt ngoại cảnh phải lệ thuộc
về mình.
2-
Kế đó chúng ta phải lặng hết vọng tưởng.
Như vậy chúng ta thấy trên cõi đời này đều là một cõi đời an lành tự tại.
Ngay trong thế gian này là một thế giới của chư Phật chớ không phải của
phàm phu nữa. Đó là cái XUÂN DI-LẶC vĩnh cửu trường tồn nơi chúng ta.
]
|