XUÂN TRONG CỬA THIỀN

TẬP 1, 2, 3.

H.T THÍCH THANH TỪ

CON NGƯỜI HẠNH PHÚC, ĐỨC HỶ XẢ

XUÂN MẬU NGỌ 1978

            Con người hạnh phúc, có thân khỏe tâm an. Muốn được thân tâm đều khỏe thì chúng ta phải làm sao?

            Sở dĩ chúng ta hay áo não sầu bi là tại cái gì? Tại trong lòng chúng ta có những điều không vui, bất như ý. Phải vậy không? Có điều không vui, bất như ý cho nên mặt mày chúng ta sầu thảm. Nếu có gặp ai muốn cười chơi để tỏ xã giao một chút thì cười ra sao? - Nửa cười nửa mếu. Cái cười đó chưa phải là thật cười. Đức Phật Di-lặc cười một cách hỉ hả không có cái gì gượng gạo hết. Còn chúng ta xã giao nhiều khi cười gượng gạo. Cái cười đó không phải là thật vui vẻ trong lòng. Vì vậy chúng ta phải làm sao trong lòng thật vui vẻ, gặp ai mình cũng cười, lúc nào mình cũng cười. Thấy trời mây đất nước mình cũng cười được. Thấy tất cả cảnh, cảnh nào cũng vui tươi. Không có gì bận tâm rối loạn trong lòng hết. Được như vậy chúng ta mới là hạnh phúc, dù buổi sáng chúng ta có vài củ khoai. Tâm hồn an vui, dù ở cảnh nào cũng an vui. Nếu tâm hồn chúng ta bực bội rối loạn, ray rứt, thì ở cảnh nào chúng ta cũng sầu bi hết. Vì vậy nên mỗi năm, ngày đầu Xuân, chúng ta cần đến lễ đức Di-lặc. Lễ đức Di-lặc không phải là lễ suông để Ngài ban phước cho mình, nhưng lạy Ngài với cả tâm hồn hướng về Ngài và học theo cái hạnh của Ngài. Làm sao chúng ta, mỗi năm và cả đời sống vui tươi và hạnh phúc như Ngài vậy. Chúng ta đừng để sống trong sầu não bi thảm như vậy hoài. Chúng ta phải vui tươi, mà muốn vui tươi  thì điều kiện thiết yếu là phải thế nào? Tôi nhắc lại phải làm sao để tâm hồn chúng ta được vui tươi. Sở dĩ đức Di-lặc vui tươi vì Ngài tu hạnh Hỷ Xả.

            Hỷ là vui. Xả là buông hết. Cái gì, ai động đến Ngài, Ngài cũng buông hết. Ngài cười chớ không giận. Còn mình? Ai nói với mình một câu gì trái lỗ tai, thấy mặt người đó mình có vui được không? Nếu có vui là vui gượng không thật vui. Do đó muốn vui trọn vẹn, đầy đủ thì chúng ta phải buông hết trong lòng. Lúc nào chúng ta cũng sống dường như ngây thơ, như đứa bé vậy. Đừng sống với nhiều nếp nhăn, mặt ủ rũ, mắt chớp lia lịa, không tỉnh táo sáng suốt. Cái sống đó không vui. Trong cuộc sống như vậy, chúng ta sẽ chết lần chết mòn do lửa phiền não thiêu đốt. Cho nên con người quí ở cuộc sống hạnh phúc. Muốn sống hạnh phúc phải có thân khỏe tâm an. Tâm an thân khỏe là điều thiết yếu. Muốn như vậy là phải tu theo hạnh hỷ xả của đức Di-lặc.

            Như vậy quí vị thấy, khi Ngài thị hiện ở Trung Quốc, chỉ làm thân ông Hòa thượng mập mang cái đãy to, cho nên được gọi là Bố đại Hòa thượng (Bố là vải, đại là cái đãy, tức là cái túi vải to). Ngài không có của tiền gì hết. Ngài đi ra chợ, ai cho gì đều bỏ vô túi, rồi lại xóm con nít móc túi ra có gì chia cho chúng nó ăn. Thầy trò ăn chơi, vui vẻ với nhau như vậy thôi. Hạnh Ngài là gặp ai Ngài cũng vui vẻ chớ không có niệm bi thảm như kẻ khác. Khi Ngài sắp tịch Ngài để lại một bài kệ. Nhờ vậy sau này mới biết là đức Di-lặc hóa sanh chớ không phải người thường. Cho nên trong chùa hay thờ Ngài bằng tượng một ông Hòa thượng mập mạp mang cái túi to.

            Nói đến đức hỷ xả thì quí vị nên nhớ thật kỹ. Tôi lập lại ý nghĩa hỷ xả một chút.

            Hỷ là vui, xả là buông. Buông mà vui chớ không phải buông mà bị bắt buộc.

            Thí dụ mình không ưa, ghét người nào đó. Nhưng vì một người thân mình thương họ, bảo ráng vui với họ. Nên vì tình người này mà mình vui với người kia. Cái vui đó là cái vui gượng gạo, chớ không phải thật sự là vui. Bây giờ trong lòng phải không có cái buồn phiền, tức tối bực bội gì hết, chỉ một niềm vui an ổn, gặp ai mình cũng vui. Đó mới thật là vui. Muốn được vậy, chúng ta phải hỷ để mà xả, tức là vui để mà buông.

            Ở đời, chúng ta sống trên thế gian này, cũng như đám trẻ con đông năm, bảy chục đứa chạy loạn. Chạy một hồi, thế nào cũng va đầu, chạm trán với nhau. Đứa thì u đầu, đứa thì chảy máu, trặc chân, nhưng rồi thôi, bỏ qua vui vẻ với nhau. Nếu cố chấp, khi đụng mình, mình giận cả năm, cả đời, như vậy không bao giờ vui được. Một người đụng mình giận, ôm ấp mối giận đó, hai người đụng mình rồi tới trăm người, ngàn người đụng mình, thì cái giận chừng bao nhiêu? Cái khối giận chừng bao to? Quí vị tưởng tượng bằng cái chùa này chưa? Như vậy, nếu chúng ta cứ cố chấp cái hờn, những cái buồn do người khác gây cho chúng ta, mà thế gian này chúng ta sống với mấy chục triệu người, chớ đâu phải với một người, thì khối buồn phiền đó biết bao to? Trong mấy chục triệu người, chắc gì được một triệu người thương mình. Trong đó cao lắm là vài trăm người thương mình thôi, còn bao nhiêu người kia thì xa lạ. Nếu những người xa lạ đó, họ có ở không phải đối với mình một vài điều gì đó, rồi mình cứ ôm ấp thì chắc rằng mình không bao giờ vui được. Cả một đời từ thuở bé cho tới già năm, sáu mươi tuổi, mỗi năm ít nhất cũng đụng nhau vài chục lần. Con số đó cộng lại tới già thì chừng bao nhiêu? Bao nhiêu lần giận hờn, mỗi lần giận hờn đều giữ, như vậy theo danh từ chuyên môn, trong A-lại-da thức hay Tàng thức của mình chứa toàn là giận. Trong kho chứa toàn là giận và thù, thì chừng nhắm mắt sẽ ra sao? Tức là thù giận nó dẫn mình đi. Trở lại gặp thù giận nữa. Đời này hận thù, đời sau hận thù, thù hận tiếp nối, thì cuộc đời toàn là khổ đau với khổ đau thôi. Cho nên muốn được an vui thì phải tập hỷ xả. Cái gì qua rồi tha thứ cho nhau, sống vui vẻ. Bảo tha thứ thì dễ quá, nhưng làm sao tha thứ đây? Cứ nghĩ người đó hơn mình người đó ăn hiếp mình khinh mình v.v... thì không thể nào tha thứ được.

            Bây giờ, muốn biết vì lý do gì chúng ta hỷ xả cho nhau được, đó là điều cần yếu nhất. Muốn tha thứ được, phải có phương pháp, có đường lối, chớ không phải nói suông được.

            Trong nhà Phật dạy rằng, muốn được hỷ xả chúng ta phải có từ bi. Có thương thì mới có tha thứ. Người đó làm tức mình, khổ mình mà mình không giận họ tại vì mình thương họ. Khi mình thương, chuyện lớn cũng biến thành nhỏ. Khi mình ghét, chuyện nhỏ cũng biến thành lớn. Do đó muốn xả phải biết thương người. Biết thương họ thì mới tha thứ họ được. Nếu không biết thương thì không bao giờ tha thứ. Có từ bi thì có hỷ xả, có lòng thương thì mới có tha thứ được. Khi chúng ta không có lòng thương mà nói tha thứ thì không có tha thứ chân thật.

            Hiện giờ làm sao có lòng thương? Nói lòng thương suông không vậy được không? Thường nói tôi thương tất cả, khi tất cả người đó không chửi tôi, chớ họ chửi tôi là tôi hết thương họ. Phải vậy không? Làm sao khi họ chửi mình mà mình vẫn thương họ được, cái đó mới là khó. Nghĩ rằng tôi thương tất cả, khi gặp tôi, tất cả vui vẻ giúp đỡ thì tôi thương họ. Còn nếu họ gặp tôi, họ làm khó làm dễ, gặp tôi họ kiếm chuyện này chuyện kia, họ chửi bới họ nhục mạ làm sao tôi thương họ được. Muốn thương được thì phải có phương pháp nữa. Như vậy muốn hỷ xả thì phải có tình thương. Bảo hỷ xả suông thì không bao giờ hỷ xả được, phải có lòng thương mới hỷ xả được. Quí vị thấy rõ như ban ngày rồi. Giờ đây muốn có lòng thương, làm sao mới có chứ? Không thể nói tôi thương hết là thương được. Vì vậy muốn có lòng thương tất cả, tức là từ bi thì phải có trí tuệ. Đó là đầu mối. Muốn có từ bi thì phải có trí tuệ. Nhờ có trí tuệ rồi mới có lòng thương rộng rãi, tức là từ bi mới hỷ xả cho nhau được. Tóm lại cái manh mối ban đầu là trí tuệ, kế đó là từ bi, sau cùng là hỷ xả. Hỷ xả là kết quả của trí tuệ và từ bi. Nó không phải là cái có sẵn tự nó. Nó có từ bi, soi sáng nhờ trí tuệ. Như quí vị thấy rõ người dưng kẻ lạ làm khổ mình một chút, mình giận cả đời, còn con ruột mình làm khổ mình, mình giận chừng bao lâu? Giận một lát thôi, phải vậy không? Rõ ràng mình tha thứ cho nó vì mình thương nó. Nếu không thương thì không bao giờ tha thứ cho nó được. Vì vậy cho nên từ bi là thực tế đi với hỷ xả. Vậy muốn có từ bi thì chúng ta phải tập có trí tuệ mới có từ bi được. Có trí tuệ rồi phải làm thế nào để có từ bi?

            Trước hết tôi đề ra cái đầu tiên của trí tuệ là chúng ta phải quán xét cuộc đời là vô thường để chúng ta có lòng thương nhau. Nhưng quán xét vô thường là quán cái nào? Quán sự nghiệp, quán của cải, quán cây cối, quán đất nước là vô thường rồi mình có lòng từ bi hay là quán cái gì? Ở đây muốn có từ bi chúng ta tập quán bằng cách này: Quán thẳng vào con người. Bởi vì đức Phật ngày xưa, Ngài thấy rõ con người ai sanh ra đây rồi cũng đi đến già đến bệnh rồi chết. Bây giờ chúng ta cũng quán về cái lẽ đó, nhưng quán khác hơn. Chúng ta quán ai sanh ra đây đều là người bị kêu án tử hình hết. Quán mạnh như vậy đó. Tôi và quí vị đều có án tử hình hết, phải vậy không? Mà bản án đó không định ngày xử. Có thể lát nữa đây, hoặc mai, hoặc hai, ba mươi năm nữa xử cũng được, hoặc lâu hơn nữa bốn năm mươi năm. Bản án đó không định ngày xử. Quí vị thử tưởng tượng nếu có một người nào hoặc hai, ba người bị kêu án tử hình thì ngày họ còn sống đó, họ có giành giựt, có tranh nhau hơn thua từ lời nói hay không? Hay là chỉ một bề nghĩ ngày mai ngày mốt gì đó mình bị tử hình bằng súng bằng gươm. Cứ nhớ bao nhiêu đó thôi, nhớ cái án tử hình thì có thể tha thứ cho nhau những cái nho nhỏ được hết.

            Như vậy chúng ta muốn thương nhau chúng ta nên nhớ rằng: Chúng ta sanh ra, ai nấy đều mang cái án tử hình rồi. Nói ra quí vị hơi sợ, chớ thật tình nếu không có án tử hình thì làm sao có ngày chết. Nếu có sanh thì phải có tử, nếu có tử thì bản án sẵn rồi. Biết mình sanh ra là phải có tử. Chẳng phải mình mang bản án tử hình hay sao? Nhưng cái tử ấy hoặc gần hoặc xa, nghĩa là dài năm, sáu mươi năm, ba, bốn mươi năm ngắn nữa hai, ba mươi năm, ngắn nữa thì mười mấy năm. Có sanh tự nhiên phải có tử. Chắc chắn như vậy. Chúng ta hằng nhớ rằng, mọi người ai ai cũng mang sẵn bản án tử hình, ngày xử không nhất định, mà không nhất định lại càng sợ hơn nữa. Phải vậy không?

            Nếu biết mười năm, hai mươi năm xử thì khả dĩ còn lo giành giựt để dành được mười năm, hai mươi năm. Biết đâu mình đang thở đang sống đây, lát nữa ngã ra chết. Như vậy án tử hình đó xử không có ngày nhất định. Mà không có ngày nhất định thì lúc nào cũng hồi hộp như anh đao phủ lúc nào cũng ở bên cạnh. Nhớ hình ảnh đó, ai có chửi thì chửi, mai mốt chết rồi thì còn đâu hơn thua. Cái chết đang kề cận, hơn thua làm gì. Cái đáng lo nhất là làm sao cho khỏi chết. Giả sử có người cãi lanh nói giỏi hơn thiên hạ, nhưng người đó cãi để khỏi chết được không? Họ cũng không khỏi vậy. Hơn thua rồi cũng phải chết, hơn thua làm gì? Chi bằng chúng ta tha thứ nhau. Ai cũng đang ở cảnh khổ đang mang bản án tử hình, nên thương nhau, đùm bọc nhau, sống vui với nhau, làm khổ nhau chi nữa. Phải vậy không? Mình là người sắp chết đây làm khổ nhau làm gì? Chúng ta vì nghĩ đến cảnh khổ mà thương yêu đùm bọc nhau, nhờ nhớ tới cái khổ mà khởi lòng thương xót. Vì cái án tử hình đó không kể người giàu kẻ nghèo, người có quyền thế, kẻ không quyền thế. Có người nào đáng giận đâu, dù có ai hơn mình bao nhiêu đi nữa, ngày mai rồi cũng bị bản án tử hình, không thể nào thoát khỏi, vì án tử hình đó bình đẳng cho tất cả mọi người.

            Nghĩ tới tất cả chúng ta đều sẽ chết, không ai thoát được, vậy ngày nào chúng ta còn sống nên đùm bọc nhau, thương yêu nhau để cùng hòa vui mà sống. Còn hay hơn nữa là vui hòa cùng tiến tu để phá cái bản án đó. Như vậy chúng ta biết mọi người ai cũng có bản án tử hình. Nhưng người biết đạo lý thì còn có cái cửa để xin xỏ thoát khỏi tử hình. Nghĩ đến cửa đó, chắc rằng năm nào tháng nào ngày nào chúng ta cũng chỉ lo làm sao giải quyết được bản án tử hình hơn là chuyện chửi bới hơn thua. Phải vậy không? Giả sử có ai chửi bới hơn thua với mình, mình nghĩ rằng mai mốt họ cũng chết, có gì mà hơn thua. Cái bận tâm nhất của chúng ta là bản án tử hình. Bản án chưa giải quyết có bị chửi chúng ta cũng làm thinh, chuyện kia mới là chuyện lớn.

            Quí vị nghĩ chúng ta đã bị án tử hình mà có người dạy chúng ta một lối để khiếu nại, hoặc là cách thoát khỏi bản án tử hình đó, chỉ phương pháp rành rẽ thì chúng ta phải làm gì? Có phải ngồi đó giành từng miếng ăn ở trong khám, hay là tranh nhau từng lời nói trong khi huynh đệ đụng chạm nhau. Hay là tâm tâm niệm niệm lúc nào cũng tìm cách phá cái án tử hình. Người bị án tử hình mà được người chỉ dạy để được thoát khỏi án đó lại không chịu làm, cứ lo hơn thua phải quấy với nhau, quí vị nghĩ người đó là sao? Kẻ khờ khạo hay người khôn ngoan. Nếu nói theo thế gian thì người đó là người ngu. Cái quan trọng thiết yếu mà mình ngó lơ, còn cái tầm thường mà mình cố chấp, không phải ngu là gì?

            Biết rằng mình có phương pháp thoát khỏi bản án tử hình, tức nhiên chúng ta phải cố gắng làm sao đem hết khả năng của mình lo giải quyết bản án. Đó là điều trên hết. Cho nên cái tu để thoát khỏi sanh tử là điều hết sức cần đối với người biết đạo. Nếu chưa khỏi sanh tử thì ít ra chúng ta cũng tha thứ cho nhau, vì tất cả chúng ta đều đau khổ như nhau, đều là người mang án tử hình hết. Đã bình đẳng mang án tử hình thì nên thương yêu nhau giúp đỡ nhau. Ngày nào còn sống trên thế gian này là ngày an ổn, đừng làm khổ cho nhau thêm nữa. Như vậy mới là người có lòng từ bi. Từ bi có là do chúng ta biết chúng ta cùng đau khổ như nhau. Do nghĩ đến cái đau khổ chung, mới thương xót nhau. Đó là điểm thứ nhất.

            Điểm thứ hai là chúng ta phải dùng trí tuệ xét cho thật cẩn thận về con người. Tôi thí dụ cho quí vị thấy, có người nào đó cuồng loạn lên, những cái gì của nhà người ta, đồ đạc của người, mới vô mượn mang ra tới sân là nói cái này của tôi. Mượn người ta thấy rõ ràng mà cái gì cũng nói của tôi hết, thì lúc đó quí vị kết luận người đó là người khôn hay người khờ. Chắc ai cũng nói đó là chú cuồng si. Chú điên cuồng nên đồ của người ta mà nói là đồ của mình, nói lộn lạo không đúng sự thật. Hiện nay quí vị có thấy mình là kẻ cuồng si hay không? Tôi hỏi kỹ lại tất cả quí vị: Thân quí vị đây là thật hay là giả? Mình như vầy mà nói giả thì không ai bằng lòng hết, phải vậy không? Thân này nói giả thì trăm người như một không thể chấp nhận được. Như vậy mà trong kinh Phật nói thân này là giả. Quí vị thấy đức Phật nói thiếu sự thật phải vậy không? Tôi hỏi tất cả quí vị: Chúng ta đang thật sống đây, chúng ta đang sống hay đang vay mượn. Nếu thật tình mình sống, thì cái gì cũng của mình hết, cần gì phải vay mượn bên ngoài. Nếu có vay mượn bên ngoài thì không phải thật mình đang sống, mà mình đang mượn: mượn cái ở ngoài để sống. Trong nhà Phật nói thân này là do gốc tứ đại: đất, nước, gió, lửa kết hợp mà thành. Tứ lúc ra khỏi bào thai mẹ rồi thì có một cuộc sống. Mà cuộc sống đó là cuộc sống vay mượn chớ không phải thật là mình. Tại sao vậy?

            Như quí vị thấy từ đứa bé cho đến người lớn, ai cũng như ai, cái lỗ mũi có lúc nào nghỉ không? Vậy cái lỗ mũi đang làm gì đây? Có nhiều người nghĩ mình đang sống trong cái này cái kia mà quên mình đang mượn hơi ở ngoài, đem vô rồi trả nó ra. Tự mình không có hơi, mượn ở ngoài hít vô rồi trả ra, trả ra rồi hít vô. Làm cả ngày như vậy. Cái hít vô thở ra đó là sự sống chớ gì? Mà sự sống đó do vay mượn mà có. Khi hơi ở ngoài chúng gọi là không khí của trời đất, hít vô lỗ mũi rồi, liền nói là hơi của tôi. Như vậy rõ ràng chúng ta là kẻ cuồng si, vì ở ngoài cho là của trời đất, mà vừa vô mũi là nói của tôi. Khi thở khí trả ra cũng nói là của tôi nữa. Ra tới ngoài rồi thành của ai? Là của đất trời. Vậy cái gì là của mình?

            Quí vị thấy trăm người như trăm người đều nói mình đang sống, nhưng không ngờ mình đang vay mượn. Cứ mượn trả mượn trả. Có giờ phút nào không vay mượn đâu. Đó là nói lỗ mũi mượn không khí, mượn gió. Đến cái miệng mượn cái gì? Như từ sáng tới giờ hơi khô cổ thì làm sao? Xin một tách nước. Khi còn ở ngoài nói là nước trà hoặc nước lạnh, hay nước gì đó. Khi vô khỏi cổ rồi nói của ai. Ắt nói của tôi. Như vậy, ở ngoài là nói của trời đất, của cái này của cái nọ. Vừa vô khỏi cổ thì nói của tôi. Tối chiều cho nó ra, thành của ai? Mượn vô ở miệng, xuống thân trả ra, chỉ đi có một đường quanh, như vậy mà cũng nói là của tôi. Cái gì đem vô là của tôi. Mượn hơi gió, mượn nước, rồi tới mượn đất, lửa nữa. Tức là ăn uống cái có chất bột để nuôi dưỡng phần thân, cái có chất nóng nuôi dưỡng phần lửa. Mình mượn tất cả những cái đó, mượn rồi trả, mượn rồi trả. Nếu một phút giây nào không mượn thì phút giây đó còn sống hay không? Nếu thật là mình thì cần gì phải mượn. Thật là tôi rồi cần gì mượn bên ngoài. Nếu mượn bên ngoài thì không phải là tôi rồi.

            Như quí vị thấy, mình thật hay giả? Nói giả thì ngán quá không dám nói. Nhưng chân lý nó là như vậy. Không lúc nào mình chịu nói mình giả. Quí vị thấy con người có những cái chấp lạ, cái chấp si mê. Mình không bao giờ chịu thấy lẽ thật. Một cái thật một trăm phần trăm, mà nghe qua mình sẽ nổi giận liền. Thí dụ: Như sáng dậy mắc chuyện này chuyện nọ, lại có khách, chưa kịp súc miệng rửa mặt gì hết. Khách tới buộc lòng nói chuyện với người. Khi đó vô tình hơi bay vô lỗ mũi người khách. Nếu người đó thật thà ngay thẳng họ sẽ nói: Chà chị nói sao hơi hôi quá. Nghe nói như vậy là mình giận liền. Quí vị nghĩ xem cái đó là cái gì? Tại sao sự thật một trăm phần trăm, mình cũng biết nó mà người ta nói hôi mình lại giận người ta là sao? Như vậy có phải là kẻ luôn luôn chạy trốn sự thật. Phải vậy không? Không dám thấy sự thật, không dám nghe sự thật. Người không dám nghe sự thật thì người đó là người gì? Phải chăng là kẻ cuồng si. Lúc nào cũng nói tôi tìm chân lý, tôi tìm sự thật mà sự thật tới thì chạy trốn nó. Cái thật hiện tiền mà lúc nào chúng ta cũng trốn chạy nó. Ngay thân này quí vị thấy rõ là thân vay mượn. Chính nó vay mượn mà lúc nào chúng ta cũng nói là thân thật. Bởi nói của mình thân mình thật cho nên mình quan trọng nó. Bởi quan trọng nó, nên cái gì để nuôi dưỡng nó, cái gì khen ngợi nó mình đều quan trọng theo. Bởi mình quan trọng thân này là thật, lỡ ai nói động nó một chút là mình giận lên. Thân tôi là trọng, món đồ tôi dùng là quí, cho nên ai đụng chạm đến nó, chê nó làm nó hư thì tôi nổi tức lên. Sở dĩ chúng ta buồn thương giận ghét đủ thứ hết, là tại ta thấy thân thật, nên thấy cái khen cái chê cũng thật luôn. Phải vậy không? Nếu ta thấy thân này là giả, tạm bợ, thì cái khen chê đối với thân này quan trọng không? Nếu biết nó giả, có khen chê cũng bằng thừa, mà có chê nó cũng không đáng kể.

            Như vậy chúng ta thấy, nếu dùng trí tuệ thấy thân này rõ ràng là vay mượn, giả dối thì chúng ta không còn quan trọng khen chê đối với thân này nữa. Khi sự khen chê không còn quan trọng nữa, chúng ta sẽ tha thứ những gì đụng chạm đến chúng ta dễ ợt. Hỷ xả không còn khó khăn nữa. Giờ đây chúng ta biết thân này là giả cho nên sự khen chê thân này chúng ta coi nó là như thường. Nếu ai chấp thân này là thật, ta thấy người đó rất đáng thương. Mình tỉnh mà thấy người mê thì mình phải thương. Cũng như mình tỉnh, thấy người điên thì thương vì họ không biết lẽ thật như mình. Vì vậy nên tha thứ những cái lầm của họ sai lầm sái quấy. Giả sử có người điên họ chửi mình, mình có giận họ không? Có ôm lòng giận năm, bảy năm không? Có bị họ đánh hai, ba bạt tai, mình chạy không giận họ. Vì sao chúng ta không giận? Vì chúng ta nghĩ họ là kẻ điên. Họ đã điên thì mình phải thương họ, đâu nỡ giận họ. Mình biết thân là giả, họ chấp thân là thật, nếu họ lỡ xúc phạm đến chúng ta, chúng ta sẵn sàng tha thứ. Vì sao? Vì ta biết họ si mê. Người si mê là người đáng thương không đáng giận. Nghĩ như vậy chúng ta thương được tất cả. Bị ai đụng chạm, chúng ta chỉ thương mà không giận. Đó là cái thứ hai.

            Quí vị thấy hai điểm then chốt để chúng ta có lòng từ bi là do trí tuệ quán chiếu tất cả là vô thường. Chúng ta là những người mang án tử hình sớm muộn gì rồi ai cũng chết. Nghĩ đến cái chết thì chúng ta không nỡ làm khổ thêm cho nhau, mà lúc nào cũng đùm bọc nhau, thương yêu giúp đỡ nhau cho bớt khổ. Đó là điểm thứ nhất do lòng từ bi mà ra. Điểm thứ hai nghĩ thân này là giả tạm. Đã là giả tạm, vay mượn, thì đối với cái thân giả tạm đó có hơn có thua, có khen, có chê chỉ là chuyện thường. Không có gì phải buồn phải giận, chúng ta có thể tha thứ, có thể hỷ xả hết, không có gì quan trọng nữa. Muốn có lòng từ bi, chúng ta phải có trí tuệ là vậy. Tôi dẫn trong kinh A-hàm để quí vị nhận rõ hơn.

            Ngày xưa, khi đức Phật Thích-ca đắc đạo rồi, một hôm Ngài đi hoằng hóa chỗ ngoại đạo. Khi  Ngài đi khất thực, có một người Bà-la-môn ghét Ngài, tới trước mặt Ngài phỉ báng mạ nhục nói nhiều lời nặng nề. Đức Phật vẫn tỉnh bơ không chối cãi. Nói một hồi người Bà-la-môn hỏi: “Cù-đàm có nghe không?”

            Phật nói: Ta nghe.

            Hỏi: Tôi nói như vậy sao ông không trả lời?

            Đức Phật nói: Giả sử ở nhà ngươi có một buổi lễ mời bà con thân quyến tới. Sau khi dự lễ xong họ ra về, ngươi đem quà bánh tặng cho họ. Khi tặng những người đó không nhận thì quà bánh về ai?

            Người đó nói: Về tôi.

            Phật nói: Cũng vậy, ngươi mắng chửi ta mà ta không nhận, có dính dáng gì đến ta đâu?

            Như vậy tại sao? –Vì Ngài biết thân này là giả, ngôn ngữ khen chê có gì quan trọng đâu mà hơn thua.

            Một lần nữa đức Phật đi khất thực ở một vùng khác. Có một ông Bà-la-môn còn quá hơn ông trên. Đức Phật đi trước, ông đi theo sau chửi hoài. Phật cũng từ từ đi. Đến lúc tới ngã ba đường, Phật trải tọa cụ ngồi đàng hoàng, ông chạy lại trước mặt hỏi: “Cù-đàm thua tôi chưa?”

            Đức Phật thong thả đáp bằng bốn câu kệ:

                        Kẻ hơn thì thêm oán

                        Người thua ngủ chẳng yên

                        Hơn thua hai đều xả

                        Ấy được an ổn ngủ

            Quí vị hơn người ta thì người ta oán mình, còn nghĩ mình thua thì trằn trọc ngủ không yên. Một bên thêm oán, một bên ngủ không yên. Chỉ có một cái, hơn thua hai bên đều bỏ hết, thì người đó ngủ khò không gì bận tâm hết. Như vậy hơn thua cả hai đều xả thì người đó an ổn nhất trên trần gian. Đó là người hạnh phúc. Người cần ăn thì ăn cần ngủ thì ngủ, không có bận bịu ưu tư gì hết. Người đó mới an ổn. Quí vị thấy đức Phật đối với cảnh người ta khinh bỉ hạ nhục mà Ngài vẫn tự tại không rối rắm không bực bội. Tại sao? Tại Ngài đã giác ngộ rồi. Vì Ngài rủ lòng thương mà hỷ xả, đầy đủ lòng từ bi nên Ngài hỷ xả không khó khăn gì hết. Chúng ta thấy rõ thực hiện được cái hạnh hỷ xả cho tới cùng tột là do trước có trí tuệ, kế đó có lòng từ bi, rồi sau đạt được hỷ xả cùng tột. Nếu mình không có trí tuệ, thiếu từ bi thì hỷ xả không bao giờ có. Nghe là chấp liền. Quí vị thấy ở thế gian này người ta sống hăng say là do sự hơn thua. Người ngồi trong sòng bạc ngồi hoài không biết mỏi lưng là sao? Tại nghĩ hơn thua. Vì nghĩ ăn thua đó mà ngồi ngoài không biết mỏi. Chúng ta đi xem đá bóng. Hai bên đá nhau mình xem mỏi mắt không biết chán cũng tại nghĩ ăn thua, muốn biết kết quả ăn thua. Vì chờ xem ăn thua đó mà người ta say mê trong cuộc sống. Càng say thì càng giành giựt để được ăn thua. Còn người nào biết ăn thua không có gì quan trọng, thì người đó không có bận bịu giành giựt gì hết. Người đó vẫn bình tĩnh điềm đạm trước mọi cảnh không có gì nóng bỏng lo sợ. Vì nghĩ được mất hơn thua mà lòng chúng ta lúc nào cũng hồi hộp lo âu. Nếu hơn thua không còn thì mọi vấn đề không còn quan trọng nữa, lo âu hồi hộp hết liền. Như vậy cuộc khổ của tất cả chúng sanh gốc từ tranh hơn tranh thua. Chính vì tranh hơn tranh thua chúng ta mới cố chấp để rồi hại nhau thù địch v.v... Nếu chúng ta coi thường cái hơn thua thì chúng ta là người an ổn nhất và chúng ta hỷ xả hết. Đối với người khác không có buồn không có giận, không có oán gì, đó là cái gốc tự biết mình không phải là thật. Biết mình cùng mọi người ở trong cảnh khổ, cho nên chúng ta thương nhau và tha thứ cho nhau. Thương nhau tha thứ cho nhau gốc từ trí. Biết mình đồng khổ, biết mình không thật cho nên chúng ta mới làm được điều đó.

            Như vậy phải thấy rõ rằng trí tuệ đi đâu, thì có từ bi theo đó. Có từ bi mới hỷ xả được. Sở dĩ đức Di-lặc, Ngài hạnh phúc vui cười hoài là vì Ngài có trí tuệ, đầy đủ từ bi, hỷ xả nên mới vui vẻ như vậy. Ngày nay là ngày đầu năm, tôi nhắc lại cho quí vị nhớ. Một năm hạnh phúc của chúng ta là sao? Là phải có trí tuệ, thấy được lẽ thật để thương yêu nhau và đùm bọc nhau. Tóm lại, muốn đầy đủ hạnh phúc, chúng ta phải thương yêu nhau. Muốn thương yêu nhau chúng ta phải sáng suốt, có trí tuệ. Như vậy khả dĩ chúng ta sẽ hưởng đầy đủ một năm hạnh phúc. Còn chúng ta câu mâu hơn thiệt, thì trong năm này chúng ta chưa chắc có bao nhiêu lần vui mà có thể buồn nhiều, vì thế gian lúc nào cũng là lúc đụng chạm. Kẻ chạm ít người chạm nhiều. Có đụng chạm thì phải có đau có rát. Cho nên chúng ta phải biết rõ làm sao trong cuộc đời chúng ta lúc nào cũng được an ổn vui tươi. Đó là khôn ngoan của mình. Chính cái an ổn vui tươi đó là tự mình cứu mình hết khổ mà cũng là làm cho những người xung quanh hết khổ nữa. Nếu ở trong gia đình mà quí vị vui vẻ, an ổn thì những người xung quanh cũng vui theo. Còn nếu quí vị bực la hoài thì những người xung quanh cũng rối đầu luôn. Như vậy chính mình đã khổ rồi làm khổ lây cho những người chung quanh mình nữa. Người tu theo đạo Phật là tự lợi, lợi tha là tự cứu và cứu người. Vậy chúng ta phải nỗ lực làm sao một năm cho mình được vui tươi hạnh phúc, để rồi cái vui tươi đó lan đến người thân và những người chung quanh chúng ta. Đó là điều lợi mình lợi người.

            Vậy tôi mong rằng năm mới cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho quí vị một năm đầy đủ hạnh phúc như tôi nói nãy giờ. Đó là lời cầu chúc của chúng tôi. Quí vị cố gắng thực hiện cho được cái đó là quí vị đã tu theo Phật.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM