NỘI
DUNG THANH QUI PHẦN II |
|||
|
|||
|
|||
1- LỄ PHẬT Đại từ, đại bi, thương chúng sanh, Đại hỷ, đại xả, cứu hàm thức, Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm, Chúng con chí tâm thành đảnh lễ. Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy) Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chánh pháp ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy) Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy) 2-HÔ THIỀN Đầu hôm: Canh một nghiêm trang ngồi tịnh tu, Tinh thần tịch chiếu đồng thái hư, Muôn kiếp đến nay chẳng sanh diệt, Đâu cần sanh diệt diệt gì ư ? Gẫm xem các pháp đều như huyễn, Bổn tánh tự không đâu dụng trừ, Nếu biết tâm tánh không tướng mạo, Lặng yên chẳng động tự như như. Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni. (3 lần, mỗi lần đánh một tiếng chuông, Đại chúng niệm theo) Buổi khuya: Canh năm Bát-nhã chiếu vô biên, Chẳng khởi một niệm khắp tam thiên, Muốn thấy chân như tánh bình đẳng, Dè dặt sanh tâm, trước mắt liền. Lý diệu ảo huyền khôn lường được, Dụng công đuổi bắt càng nhọc mình, Nếu không một niệm mới thật tìm, Còn có tâm tìm toàn chẳng biết. Nam mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni. (3 lần, mỗi lần đánh một tiếng chuông, Đại chúng niệm theo) 3- TỌA THIỀN Có ba giai đoạn: Nhập, Trụ, Xuất. a- Nhập: (Bồ đoàn linh động)Đến giờ tọa thiền, trải tọa cụ ra, đặt bồ đoàn lên trên tọa cụ. Ngồi lên bồ đoàn, xương cùng đúng giữa bồ đoàn, nghiêng qua nghiêng lại cho an ổn, mới kéo chân ngồi. Nới rộng dây lưng, cổ áo, sửa thân ngay thẳng. Kiết già: Chân trái gác lên đùi phải, chân phải gác lên đùi trái, tay phải để lên tay trái, hai ngón cái chạm nhau. Mắt nhắm hay mở tùy theo người tỉnh hay thường buồn ngủ, tầm nhìn vừa phải tùy người cao thấp, nhưng thường là mở 1/3, tầm nhìn không quá sáu tấc từ giao điểm giữa hai chân. Hai trái tai đối xứng với hai bả vai. Chót mũi hướng ngay giữa rún và đầu hai ngón tay cái. Ngồi không quá thẳng cũng không quá dùn (lưng cong và đầu cúi dễ sanh hôn trầm). Chuyển thân ba lần từ mạnh đến nhẹ. Điều hơi thở, hít vô bằng mũi thở ra bằng miệng. Hít vô tưởng không khí trong sạch vào khắp châu thân, thở ra tưởng phiền não bệnh tật đều được tiêu trừ. Thở từ mạnh dần đến nhẹ, như vậy ba lần. Rồi thở lại bình thường bằng mũi nhè nhẹ, đều đều. Mặt tươi, bình thản, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để phía trên mà không cong. Bán già: Cách thức cũng như ngồi kiết già, có điều chỉ gác một chân lên trên, tùy theo chiều thuận riêng của mỗi người, gác chân phải hay trái lên trên cũng được, không bắt buộc. b. Trụ: Có ba phương pháp dành cho người sơ cơ: 1. SỔ TỨC QUÁN :Sổ là đếm, tức là hơi thở. Sổ tức quán là quan sát hơi thở ra vô, đếm từ một đến mười. Có hai cách sổ tức: nhặt và khoan. · Nhặt: Hít vô cùng đếm một, thở ra sạch đếm hai… lần lượt đến mười, rồi trở lại bắt đầu từ một. · Khoan: Hít vô cùng thở ra sạch đếm một, hít vô cùng thở ra sạch đếm hai, lần lượt đến mười, rồi bắt đầu trở lại từ một. Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền. Nếu trong lúc đếm từ một đến mười, nửa chừng quên hoặc nghi lộn số, thì bắt đầu trở lại từ một… Sau một thời gian tu tập, hành giả đếm thuần thục không còn lộn số nữa thì bước qua giai đoạn Tùy tức. 2. TÙY TỨC :Tùy là theo, tức là hơi thở. Tùy tức là theo dõi hơi thở. Hít hơi vô tới đâu là biết tới đó. Hơi thở ra đến đâu, ta cũng đều theo dõi và biết rõ. Trong khi theo dõi hơi thở, ta cũng biết mạng sống trong hơi thở. Thở ra mà không hít vào là mạng sống không còn tồn tại. Hơi thở đã vô thường thì mạng sống của ta cũng mong manh giả tạm. Khi theo hơi thở thuần thục rồi, hành giả bước sang giai đoạn Tri vọng. 3. BIẾT CÓ CHÂN TÂM :Đây là phần
trọng yếu của pháp tu ở các Thiền viện. Từ công phu theo dõi hơi thở, hành
giả tiến lên buông hơi thở, tâm an định. Bấy giờ hành giả luôn tự nhắc Ý biết
pháp trần là chân tâm. Nhắc như vậy đến khi nào nhận ra chân tâm, thì chỉ cần
nhớ chân tâm hiện tiền. Lưu ý công phu ở giai đoạn này không nên quá căng thẳng,
phải khéo tỉnh sáng, nhẹ nhàng bảo nhậm công phu. Khi đã thuần thục với cái biết
chân tâm hiện tiền thì chuyển qua giai đoạn thể nhập chân tâm. Nếu mơ màng ngủ gục thì mở mắt sáng ra, chấn chỉnh công phu. c. Xuất: Thầm tưởng bài Hồi Hướng. Nguyện đem công đức này Hướng về khắp tất cả Đệ tử và chúng sanh Đều trọn thành Phật đạo. Thở ba lần từ nhẹ đến mạnh, cũng hít vô bằng mũi, thở ra bằng miệng. Hít vô tưởng máu huyết lưu thông khắp châu thân, thở ra tưởng phiền não bệnh tật đều được tiêu trừ. Kế chuyển động hai bả vai, mỗi bên 5 lần. Cúi ngước đầu lên xuống 5 lần. Xoay đầu qua phải trái 5 lần, rồi cúi ngước trở lại một lần nữa cho quân bình. Kế co duỗi hai bàn tay. Xong, chuyển thân từ nhẹ đến mạnh 7 lần. Lần thứ 7 dơ hai tay ra đầu gối ấn xuống. Kế xoa mặt 20 lần, xoa hai lỗ tai, xoa đầu, xoa gáy, xoa cổ trước; mỗi thứ 20 lần. Kế xoa vai, tay dài xuống hông, mỗi bên 5 lần. Xoa lưng, ngực, bụng từ trên xuống, mỗi bên 5 lần. Xoa hai bên mông đùi, chà dài xuống dọc hai bên đầu gối (trị thần kinh tọa). Chà xát hai ngón tay giữa cho nóng rồi xoa vào mắt, đẩy chà từ ngoài vô trong hoặc từ trong ra ngoài tùy mỗi người, mỗi bên 5 lần. Kế, tay nắm đầu ngón chân cái kéo xả chân ra. Xoa xuống xoa lên hai chân cho máu huyết lưu thông, rồi xoa lòng hai bàn chân. Sau cùng duỗi thẳng hai chân, đưa hai tay từ bắp chân thẳng xuống đầu hai bàn chân ba lần (vẫn ngồi trên bồ đoàn). Xong, bỏ bồ đoàn ra và xoa bóp thêm cho thật kỹ. Thời gian xả thiền từ 10 đến 15 phút. Xong rồi đứng lên tụng Bát-nhã. Hồi hướng: “Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”. Lạy Ba Tự Qui Y. 4. CÁC TRIỆU CHỨNG 1- Trong khi ngồi nếu thấy chảy nước miếng là hoãn (lơ là) nên chấn chỉnh lại. 2- Nếu thấy căng đầu là cấp (gấp) nên thư giãn nhẹ nhàng lại. 3- Đau lưng: Do cong quá nên phải thẳng lên. 4- Tức ngực: Do thẳng quá nên phải rùn xuống. Hơi thở không thông, nên thở dài và nhẹ. 5- Đau vai: Nếu nhức một bên vai, coi chừng hai vai không ngang nhau, một bên bị lệch xuống. Nếu nhức cả hai vai là do gồng hai tay, phải nới lỏng ra, toàn thân ở trong tư thế thư giản. 6- Đau hông: Do ngồi nghiêng nên phải chấn chỉnh lại.
|
|||
|