ĐỀ CƯƠNG KINH PHÁP HOA

T.T THÍCH NHẬT QUANG

Tựa Tông Chỉ Đề Cương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Ở trên là Lời dẫn tựa, đến đây là Tựa. Sách chữ Hán hồi xưa nhiều lời như thế.

CHÁNH VĂN

Một lúc nọ, nhân khi du hóa đặt bước đến Liêm Khê, mừng rỡ gặp được thiền sư Thanh Đàm, cùng nhau luận bàn vui vẻ. Thiền sư bảo: “Vừa mới biên tập đề cương kinh Diệu Pháp chưa được phân nửa. Hồi hôm nằm mộng thấy đức Bổn Sư dường như về ấn thọ cho, lại thấy rõ trên nửa tòa có đức Đa Bảo. Nay tôn giả vừa đến đây, là ý Phật khiến cho Ngài đến chứng minh đó vậy”.

Lúc đó, Thanh Nguyên tôi nửa mừng nửa sợ cầm bản thảo nhuận sắc vừa biên xong, mới rõ tạng tánh, hồ tâm Như Lai chói suốt. Tôi xin thành thật viết bài tựa này để chứng minh.

Kệ rằng:

Đề cương kinh báu Diệu Liên Hoa,

Chỉ bảo cho ta ngọc Biện Hòa,

Hai mươi tám phẩm từ biển giác,

Đại thiên sa giới hội tâm cơ.

Hòa thượng Năng Nhân thầm thọ ký,

Như Lai Đa Bảo kín hộ gia,

Khiến rõ tâm ta đâu tá sứ,

Ngợi khen Diệu Pháp lẫn Liên Hoa.

GIẢNG

Lời tựa này do ngài Thanh Nguyên hiệu Minh Nam, là huynh đệ của thiền sư Minh Chánh viết. Ngài Thanh Nguyên nói, trên đường du hóa ghé đến Liêm Khê tức Bích Động, chỗ ngài Minh Chánh trụ trì. Ngài Minh Chánh mới đem đề cương kinh Pháp Hoa này ra giới thiệu và cho biết vừa rồi có điềm mộng báo trước. Hôm nay ngài Minh Nam đến, thật là duyên đặc biệt nên thỉnh ngài Minh Nam chứng minh.

Ngài Minh Nam rất vui mừng cũng rất e dè, khi cầm bản thảo nhuận sắc vừa biên xong. Ngài xem qua, càng tỏ rõ tạng tánh tâm thể của mình cùng với tâm thể chư Phật, chư Bồ-tát trong mười phương đều chói suốt lẫn nhau. Ngài nói bài kệ:

Đề cương kinh báu Diệu Liên Hoa,

Chỉ bảo cho ta ngọc Biện Hòa,

Hai mươi tám phẩm từ biển giác,

Đại thiên sa giới hội tâm cơ.

Hòa thượng Năng Nhân thầm thọ ký,

Như Lai Đa Bảo kín hộ gia,

Khiến rõ tâm ta đâu tá sứ,

Ngợi khen Diệu Pháp lẫn Liên Hoa.

Ngài tán dương kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà cũng tán dương người đã nhận ra tâm thể của mình. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chỉ cho tâm thể đó. Người nhận và hằng sống được với tâm thể đó thường ở trong trí tuệ rỗng rang sáng suốt.

CHÁNH VĂN

Trộm nghe: kinh Pháp Hoa là một đại sự của chư Phật, là yếu môn của Bồ-tát, là chân như bình đẳng của Như Lai, vì thương chúng sanh mà khai thị ngộ nhập. Thường khi chư Phật diễn nói chẳng cần truyền trước. Hằng ngày chúng sanh tu trì sẽ được thọ ký quả đương lai.

Diệu Pháp là huyền vi khó vạch bày mà lại cao lớn vòi vọi. Liên Hoa là bông sen chẳng nhiễm bùn nhơ mà hương thơm ngào ngạt. Rộng lớn bao trùm pháp giới, cõi nước của đức Như Lai nhiều như số bụi nhỏ cũng không bỏ sót, tròn sáng soi khắp hằng sa, Bát-nhã, Bồ-đề thảy đều đầy đủ. Chư Tổ tha thiết nghĩ đến chúng sanh, mới dùng văn cú, ngữ ngôn để mở bày, chẳng khác nào mò châu đáy biển, tìm ngọc non cao.

Đến như ngài sa-môn Thanh Đàm có duyên tam học từ đời trước, ngày nay may mắn gặp được chánh tông. Ngài noi theo phong cách tuyệt vời của cửa động đỉnh giác, nếm pháp vị sâu mầu của Tổ Đạo Nguyên. Vào năm Đinh Mão, Ngài theo Tổ sư ở Nguyệt Quang thiền tự, trong lòng mừng vui cung kính tưởng như khó gặp mà gặp được một vị Phật sống như thế, thật là cởi mở tấc lòng. Giữa một buổi trưa mặt nhật rỡ ràng, Ngài bèn sửa sang y phục, hình sắc nghiêm trang, trải tọa cụ trước Tổ, quỳ gối chắp tay bạch cùng Tổ sư Đạo Nguyên rằng:

-    Tâm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa. Vậy rốt ráo tâm ở chỗ nào?

Tổ sư mỉm cười xoa đầu Ngài, liền chỉ bày tâm ấn và nói kệ rằng:

隨 時 應 用,

遇 物 見 機,

性 本 如 如

何 關 內 外。

Âm:

Tùy thời ứng dụng,

Ngộ vật kiến cơ,

Tánh bổn như như,

Hà quan nội ngoại.

Dịch:

Theo thời ứng dụng,

Gặp vật thấy cơ,

Tánh vốn như như,

Trong ngoài nào mắc?

GIẢNG

Ngài Minh Nam kể sơ lược quá trình học đạo của ngài Minh Chánh. Có duyên tam học từ nhiều đời trước, gặp được chánh tông. Nhờ vậy ngài Minh Chánh phát huy được những điểm đặc biệt riêng. Sau ngài theo tổ Đạo Nguyên ở Nguyệt Quang thiền tự thuộc vùng Hải Phòng. Trong lòng mừng vui kính tưởng, cho đến một hôm đắp y nghiêm chỉnh đảnh lễ Tổ, thưa hỏi:

- Tâm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặïng giữa. Thì rốt ráo tâm ở chỗ nào?

Tổ sư mỉm cười xoa đầu ngài, chỉ tâm ấn bài kệ đại ý nói: Tâm tùy thời ứng dụng, không có chỗ nơi. Từ dụng bên ngoài ta nhận được tâm. Tánh thì như như, không pháp trần nào có thể làm gì nó. Nghĩa là nó không vướng mắc bởi bất cứ pháp trần nào. Ai nhận được và sống được với tâm mình thì tùy thời tùy cảnh ứng dụng tự tại, không bị vướng mắc bởi bất cứ hiện tượng nào bên ngoài. Đoạn ấn chứng này nói tâm thể luôn ứng vật tùy cơ, nếu thật sự ta nhận và sống được với nó. Tóm lại, người nhận được Phật tri kiến của mình thì đối duyên xúc cảnh tự tại giải thoát, đối duyên xúc cảnh như như bất động. Sau khi được Tổ chỉ như thế, ngài nắm được chìa khóa rồi nên rất vui mừng.

CHÁNH VĂN

Lúc ấy, ngài Thanh Đàm vui mừng lễ bái đảnh thọ ân cần, hoát nhiên nắm được chìa khoá chẳng còn ngại cửa đóng. Từ đó Ngài chuyên tinh nghiên cứu tam tạng, tỏ thấu nhất thừa. Phàm các kinh Diệu Pháp, Lăng Nghiêm nếu có chỗ nào nghi ngờ liền đem thưa hỏi. Đến năm Canh Ngọ, Ngài đăng đàn thọ giới Cụ Túc, từng gõ cửa Tổ sư để được kiến tánh. Tổ sư lại có mật ấn nói bài kệ:

光 放 眉 間 無 道佛,

雲 生 足 下 未 言僊,

饒 君 保 養 牛 肥壯,

朝 夕 熟 耕 彼 寸田 。

Âm:

Quang phóng mi gian vô đạo Phật,

Vân sinh túc hạ vị ngôn Tiên,

Nhiêu quân bảo dưỡng ngưu phì tráng,

Triêu tịch thục canh bỉ thốn điền.

Dịch:

Chặng mày phóng quang đừng nói Phật,

Gót chân mây phủ chớ bảo Tiên,

Ngươi nên nuôi dưỡng trâu cường tráng.

Hôm sớm quen cày tấc ruộng kia.

Ngài Thanh Đàm từ đó càng thêm tinh tấn, tay không rời quyển kinh. Trải qua từ năm Đinh Tỵ đến Đinh Mão, Ngài chống tích đến Liêm Khê tư duy bí tạng của Cổ Phật, không tiếc rẻ với chúng sanh mà muốn cho tất cả đồng được vào tri kiến, nên nói: “Tôi dù được chút ít đâu nên sẻn tiếc ư?”

Đề Cương kinh Diệu Pháp này nếu có chút công đức lành nào, chẳng dám dành riêng phần mình mà muốn cho Liên Hoa đồng mọc ở đầm trong, chẳng tìm cầu bên ngoài mà khiến Diệu Pháp sẵn chứa nơi tấc đất. Trông mong hàng thanh chúng đầy đủ mắt chân chánh. Như trong đây lý sự đi đôi thì xin tất cả được Như Lai thọ ký.

Đốt hương kính cẩn viết lời tựa này.

Kệ rằng:

Bích Động Thanh Đàm sen ngát hương,

Diệu Hoa trỏ thẳng pháp đề cương,

Nhất thừa Minh Chánh liền khai thị,

Tam yếu đạo trung rộng xiển dương,

Muôn phương tỏ ngộ tâm viên tịnh,

Tất cả vào sâu lý viễn trường,

Thanh tịnh liên hoa ngời pháp giới,

Tỳ-lô tạng hải diễn chân thường.

Hoàng triều Gia Long, ngày lành tháng 8, năm thứ 18 (1820)

Sa-Môn Thanh Nguyên,

Thiền sư Viên Giác Bổn

Minh Nam soạn

GIẢNG

Lời này của ngài Viên Giác Bổn, là sư huynh ngài Minh Chánh Thanh Đàm. Khi ngài đến chỗ ngài Minh Chánh ở Liêm Khê, ngài Minh Chánh đưa đề cương mới vừa làm xong và kể những thuỵ ứng cho ngài nghe, rồi thỉnh ngài Minh Nam chứng minh. Do đó mới có lời tựa này.

Từ khi được sự ấn thọ của Tổ sư ở chùa Nguyệt Quang, ngài càng thêm tinh tấn. Đối với kinh Pháp Hoa để tâm nghiên tầm đặc biệt hơn nữa. Trải qua bốn mươi tám năm, ngài luôn quan tâm trì niệm kinh Pháp Hoa, mới làm nên bản đề cương này.

Chúng ta thấy, so với những bản sớ giải của chư vị tổ ở Trung Hoa thì bản đề cương này chẳng có bao nhiêu. Nhưng chỗ độc đáo, xuất sắc của bản đề cương này là nói lên được tinh tủy của bản kinh Pháp Hoa qua kinh nghiệm nghiên tầm và tu trì của một thiền sư Việt Nam, rất đáng cho chúng ta tự hào. Người ta cứ nghĩ chỉ có người sinh ra ở những nước lớn như Trung Quốc mới có thể sớ giải các bản kinh lớn như vầy, còn chúng ta sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, ở một đất nước nhược tiểu không thể làm được. Điều này không đúng. Đây là điểm tôi nhận được và rất tự tin về khả năng tu tập của tất cả mọi chúng sanh, trong đó có chúng ta.

Hòa thượng Ân sư cũng chỉ bày chỗ này, mà từ lâu nay người Việt Nam ta có mặc cảm tự ty rằng mình không làm nổi những việc như thế. Khi đọc quyển đề cương này, chúng ta thấy rõ ràng người Việt Nam, so với dân tộc Trung Hoa mình ở vùng biên thùy, nhưng đã có một trình độ thâm hiểu và ứng dụng Phật pháp thật siêu xuất, không kém bất cứ ai. Người Trung Hoa xem bốn vùng xung quanh xứ sở họ là những loại man di mọi rợ, nên đã gán những cái tên như Đông di (東夷), Tây khương (西羌), Nam man (南蠻), Bắc địch (北狄). Chỉ có Trung Quốc là văn minh, văn hóa - Trung Nguyên Hoa Hạ (中原華夏) tức là vùng trung tâm của văn minh nhân loại, là tinh hoa ở giữa, ngoài ra là mán mọi. Nhưng rõ ràng sự xuất hiện những tác phẩm của chư thiền sư Việt Nam đã nói lên quan điểm ấy của người Trung Hoa còn rất hạn chế. Thực tế không phải như họ nghĩ.

Thiền sư Minh Chánh đã bỏ ra gần hết cuộc đời mình để nghiên tầm và viết nên bản Đề Cương này, bây giờ chúng ta học và muốn nhận hiểu được tới nơi bản ý của kinh phải mất thời gian bao lâu? Không thể mười lăm hai chục phút, phải không? Học để ngộ nhập Phật tri kiến, để nhận được yếu chỉ kinh Pháp Hoa, thì chắc rằng không thể với thời gian ít ỏi của những buổi chiều tại Pháp đường như vầy. Chúng ta phải dùng tất cả thời gian của cuộc đời mình để học tập, chiêm nghiệm và hành trì như chư Tổ, mai ra mới có chút tương ưng vậy.

Kinh Pháp Hoa dẫn đầu là lời của Phật nói, sở dĩ đức Phật ra đời vì muốn chỉ bày cho chúng sanh biết mỗi người đều có tri kiến Phật. Thượng nhân Minh Chánh để tâm đến kinh Pháp Hoa, làm đề cương này cũng nhằm thu gọn cái mênh mông kia về một cốt lõi, tựu trung muốn giúp cho người học Phật đời sau nhận ra yếu chỉ. Từ đề cương này biết được việc chính của mình, hằng sống với diệu lý kinh Pháp Hoa.

Chúng ta tuy biết mỗi người đều có sẵn tri kiến Phật, nhưng muốn nhận được, sống được với nó phải làm sao? Đó là một vấn đề. Có nhiều cách để nhận và sống với tánh giác của mình, tùy căn cơ nghiệp tập từng người. Phần lý giải chúng ta đả thông được, nhưng phần công phu mỗi người phải tự nỗ lực theo cơ duyên của mình. Nếu không nhận ra, không sống được với tánh giác là chúng ta bị kinh Pháp Hoa chuyển, không chuyển được kinh Pháp Hoa. Tọa thiền lắng sạch mọi vọng tưởng, tâm được định, từ đó phát sanh trí tuệ, nhận ra tri kiến Phật. Cho nên tu thiền là một trong những phương pháp ưu việt để đi đến giác ngộ giải thoát, mãi mãi an vui, sống với ông Phật sẵn nơi mình.

Chúng ta học thuộc bao nhiêu kinh điển mà chưa có công phu, chưa sống được với tri kiến Phật, thì cũng chỉ là ngôn cú bên ngoài, không dính dáng gì đến việc của mình. Thế nên các thiền sư nói: Mặc ông! Ông nói đến trời mưa hoa, đá gật đầu, ta cũng cứ nói rằng không dính dáng. Dù ông nói tới trời mưa hoa, đá gật đầu, ta cũng bảo điều ấy chưa dính dáng. Khi nhận và sống được với tánh giác thì những thứ bên ngoài đều không còn giá trị gì nữa. Giống như người vào thiền, tỉnh táo sáng suốt rồi thì vọng tưởng không kéo lôi được người đó. Đây là chỗ công phu của chúng ta. Ngược lại nếu không tỉnh táo để vọng tưởng kéo lôi thì xem như thất bại, nó xỏ mũi lôi chúng ta đi tuốt, không biết đường về.

Hồi trước có một anh chàng thanh niên tuấn tú, sau khi đỗ tú tài, anh tiếp tục học về ngành bưu điện. Sau đó ra trường đi làm và có một cô bạn gái. Gia đình anh đi tu hết, nên người thanh niên ấy cũng muốn đi tu nhưng anh vẫn còn dằn co với tình cảm của mình. Một hôm anh chàng lên núi, nghĩ rằng gần gũi cha mẹ, anh chị là người tu, chắc sẽ dễ dàng xuất gia. Việc mặc áo nhuộm, ăn chay và làm công quả nhọc nhằn trên núi với anh không thành vấn đề. Cho nên anh cảm thấy mình tu quá dễ, mọi thứ dưới trần gian ném quách hết. Sự bình ổn ấy kéo dài khoảng hơn tuần lễ.

Một hôm trở trời, anh thấy người hơi nhọc nhằn, không vui, không khoẻ nên anh không đi làm công tác. Đùng một cái người thương dưới phố lại lên. Bao nhiêu những dặn dò, nhắc nhở, kinh sách anh đọc lâu nay dồn đống lại, không dùng được thứ nào hết. Cô ấy lên chỉ có mấy tiếng đồng hồ mà lôi anh chạy xuống núi tuốt. Xuống núi rồi đi một lèo luôn. Họ thành thân, sống với nhau có được một đứa con. Không hiểu sao bỗng nhiên anh tự đăng ký đi bộ đội, mặc dù không có lệnh gọi, vì anh là cán bộ hạng A mà. Anh đi tuốt lên vùng Sao-mác, Cà-chuông Cà-chóc, Bù Đăng Bù Đốp gì đó. Sau vài lần bà mẹ lên thăm còn gặp gỡ. Đến lần đó thì đồng đội chỉ cho mẹ anh… một tấm bia nhỏ khắc tên con trai bà. Tại vì anh bị trúng pháo, thân thể tan nát hết.

Tôi kể câu chuyện này để huynh đệ thấy vọng tưởng có sức mạnh ghê gớm lắm. Các thiền tăng phải có kinh nghiệm. Những vọng tưởng loay hoay ở Long Thành, Phước Thái đây thì không kéo quí vị đi đâu, nhưng những vọng tưởng ở Thành phố Hồ Chí Minh nó kéo quí vị chạy xa lắm đó. Cho nên phải dè dặt. Đối với vọng tưởng phải dè dặt, phải biết nó là vọng thì mới yên thân. Hy vọng các thiền tăng của chúng ta không bị vọng tưởng lôi kéo. Dù vọng tưởng thuộc loại hình nào cũng không làm gì được mình, ta mới là người chiến thắng, mới nhận được tri kiến Phật.

Học đề cương kinh Pháp Hoa, chúng ta phải nhận cho được điều này.

 

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM