ĐỀ CƯƠNG KINH PHÁP HOA

T.T THÍCH NHẬT QUANG

Phẩm Đề-Bà-Đạt-Đa

CHÁNH VĂN

Phẩm Đề-bà-đạt-đa, là chỉ cho người tu hành đã ngộ tâm Diệu liên hoa. Lúc muốn tu tiến phải như đức Thế Tôn, trong tâm chỉ còn Diệu pháp, cởi bỏ mọi yêu thích, quên mất nỗi nhọc nhằn, sấn tới trong gian lao, và nhẫn nhục phát tinh tấn lớn, mong mỏi đến thành Phật mới thôi. Người xưa nói: “Thấy người hiền, nghĩ rằng ta sẽ được như họ, thấy kẻ ác, trong tâm hãy tự tỉnh lấy!”

Nhưng trong tiết này, là biểu trưng lìa tướng ngã, xả sân hận, kiêu mạn, giải đãi… Chính cái tâm hay xả ấy, bèn thành hạt giống trí tuệ, nên rồi Đề-bà cũng sẽ làm Phật. Đến như việc Long nữ thành Phật, lý ấy cũng rất u huyền.

Xét ra, vì nhiều tham dục, nên phải đọa vào loài súc sanh, mà rồng là loài có ưu thắng hơn các loài khác. Hơn thế nữa, đã thọ thân cái trong loài rồng, thì tâm ngu si, tham dục kia, hẳn lớn không gì hơn. Thế mà đức Văn Thù giáo hóa cũng có thể làm Phật. Bởi Văn Thù là tượng trưng cho hạt giống trí tuệ. Bảo rằng, kia tuy thọ thân rồng cái, mà cũng hàm chứa hạt giống trí tuệ. Kia, sau khi cởi viên bảo châu dâng lên đức Phật, là biểu trưng đã xa lìa tâm tham dục, gìn giữ tâm trí tuệ. Liền chuyển nữ thân thành tướng nam tử, đó là biểu trưng cho tâm bỏ tham dục, liền thành giống trí Bồ-đề. Qua phương nam, nơi cõi Vô Cấu liền thành Chánh giác. Phương nam tức tâm địa rỗng sáng. Vô Cấu tức trong sạch. Liền thành Chánh giác tức chỉ cho đã ngộ đạt tâm châu, xưa nay rỗng rang sáng suốt, trong sạch, bèn chóng vượt hành tướng của ba thừa bốn quả, tiến thẳng vào chân tế, thì làm sao nghiệp báo của sáu đường mà có thể trói buộc được ư? Tổ sư Vĩnh Gia nói:

Chứng thật tướng, không nhân pháp,

Sát-na diệt hết nghiệp A-tỳ.

Bởi văn tiết của kinh này, nhằm bày tỏ tất cả chúng sanh trong ba cõi, bốn loài, sáu ngả, đều có Phật tánh. Chỉ vì theo nghiệp thức mà bị trôi lăn trong sáu ngả. Nếu gặp duyên phát giác, được nghe kinh điển Pháp Hoa, thấy được tâm xưa nay trong sạch, liền khi ấy chuyển tham sân si thành Giới Định Tuệ. Thế nào mà chẳng có thể chóng làm Phật?

Kệ rằng:

Thế Tôn đã từng làm quốc vương,

Vì đạo quên thân chẳng thể lường,

Hái trái cúng dường gìn Diệu pháp,

Lượm cây nấu nướng hiến tiên nhân,

Đành rành nhẫn nhục thành vô thượng,

Đề-bà, thầy ta việc phi thường,

Long nữ cởi châu dâng đức Phật,

Ý lìa tham ái lộ châu vương.

GIẢNG

Phẩm Đề-bà-đạt-đa, là chỉ cho người tu hành đã ngộ tâm Diệu liên hoa. Lúc muốn tu tiến phải như đức Thế Tôn, trong tâm chỉ còn Diệu pháp, cởi bỏ mọi yêu thích, quên mất nỗi nhọc nhằn, sấn tới trong gian lao, và nhẫn nhục phát tinh tấn lớn, mong mỏi đến thành Phật mới thôi. Người tu nhận được tâm rồi chưa đủ. Trong kinh A Hàm, có một bài kinh nêu lên sự kiện này. Ngoại đạo đến hỏi Phật, tất cả môn đệ được Ngài chỉ giáo, nhận được tâm thể rồi, họ đều được Niết-bàn chăng? Đức Phật trả lời: “Có người nhận được tâm rồi tu tiến đến Niết-bàn, có người nhận được tâm mà cứ lăng xăng bên ngoài thì không vào được Niết-bàn”.

Ở đây cũng vậy. Người tu hành ngộ được tâm Diệu liên hoa nhưng muốn nhập tri kiến Phật phải quên mất nỗi nhọc nhằn, sấn tới trong gian lao và nhẫn nhục phát tinh tấn lớn. Phát nguyện tu hành cho tới chừng nào thành Phật mới thôi. Đã nhận ra tâm thật rồi mà không chịu hành trì, giữa đường bỏ cuộc, hoặc nghe nói hiểu gật đầu, cười mĩm rồi thôi. Những người như thế đừng nói kiếp nào, đến đức Phật Di Lặc ra đời cũng không xong việc. Bởi vì họ chỉ nhận, chỉ nghe, chỉ hiểu bên ngoài mà không hành trì, không chịu tu, không có công phu, làm sao thành tựu giác ngộ được.

Nghe nói ngã mạn liền hiểu ngã mạn, nhận được ngã mạn là bệnh đáng bỏ, nhưng bản thân mình không bỏ ngã mạn, thì làm sao hết ngã mạn. Không hết ngã mạn mà muốn thành Phật, điều đó không bao giờ có. Người tu như người đào giếng trên cao nguyên, đào đến đất ướt là một tin vui, đảm bảo nếu đào tiếp sẽ đến nước. Điều đó có thể tin chắc như vậy. Trái lại, cũng đào giếng nhưng lúc đào lúc không, đào đến đất ướt rồi bỏ cuộc hoặc không tin việc đào giếng này, mà muốn có nước uống thì không bao giờ có.

Nêu lên sự kiện đó để làm gì? Để hiểu rằng nếu chúng ta không chịu tu, không chịu buông bỏ những thói hư tật xấu của mình mà muốn thành Phật, chuyện ấy nghe mà chơi. Hoặc mình thấy người này xấu, người kia dở, mà những thói hư tật xấu của mình không lôi ra, không bỏ nó, thì chỉ nói được việc của người khác, càng tạo thêm nghiệp xấu cho mình mà thôi. Cho nên người tu, một khi có duyên nhận được những yếu chỉ qua lời dạy của các bậc tôn túc, chúng ta cố gắng phấn đấu tu tiến như đức Thế Tôn đã dạy.

Thượng nhân Minh Chánh nhắc Lúc muốn tu tiến phải như đức Thế Tôn, trong tâm chỉ còn Diệu pháp, cởi bỏ mọi yêu thích, quên mất nỗi nhọc nhằn, sấn tới trong gian lao, và nhẫn nhục phát tinh tấn lớn, mong mỏi đến thành Phật mới thôi. Chính trong kinh này, ở phần đầu đức Thế Tôn cũng đã kể lại sự duyên giữa Ngài và Bồ-tát Di Lặc. Trong thời xa xưa, Ngài cùng Bồ-tát Di Lặc đồng thời phát tâm tu hành, nhưng Bồ-tát Di Lặc thông thạo giỏi dắn những việc bên ngoài, quên mất việc chính của mình, nên thành Phật sau đức Thế Tôn.

Chúng ta cũng vậy. Nghe nói tâm, nói tánh, nói Phật, nói đạo v.v… hiểu hết, nhưng mắc lăng xăng ngoài phố chợ, nên việc gắng gổ loại bỏ thói hư tật xấu để được rỗng rang sáng suốt thành Phật thì không làm. Chuyên làm việc bên ngoài mà biểu sạch bên trong, điều đó không thể có. Nếu chúng ta chỉ nói kiến tánh, nói thành Phật… mà mù mịt lội trong sình lầy, quờ quạng trong đêm đen, dù cho chúng ta có nói hay cũng chẳng dính dáng gì đến việc hết nghiệp. Loại người như thế Phật tổ nói đêm ba mươi đến, các ông không có gì chóng đỡ. Đêm ấy Diêm Vương gõ đầu chúng ta, quỷ sứ xách cổ chúng ta, nếu chúng ta không thể đối đáp được.

Đề-bà-đạt-đa theo sử học không phải ai xa lạ, ngài là vị đệ tử của đức Thế Tôn, mà cũng là người anh em trong dòng họ hoàng tộc Thích Ca. Lần về thăm Ca-tỳ-la-vệ, đức Thế Tôn độ được hoàng tộc, tông thân của mình xuất gia rất nhiều. Trong đó có các vị như Nan Đà, La Hầu La, Đề-bà-đạt-đa… Sau khi xuất gia rồi Đề-bà-đạt-đa tu chứng tứ thiền, có thần thông, nhưng tâm tham vọng chưa sạch. Ngài nghĩ đức Thế Tôn đã lớn tuổi, ngài là người có khả năng thay thế thống lĩnh tăng đoàn. Vì ôm cái mộng ấy nên ngài gây tội ác, cuối cùng đoạ địa ngục. Nhưng đức Phật đã từng nói: “Sở dĩ ta thành Phật mau là nhờ nghịch hạnh thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa”. Cho nên Đề-bà-đạt-đa là một vị thiện tri thức nghịch hạnh của Như Lai. Khi ở địa ngục, A Nan đến thăm, ngài nói ở trong địa ngục giống như ở trong tứ thiền, nghĩa là an vui chứ không đau khổ gì cả.

Phẩm Đề-bà-đạt-đa nêu lên yếu chỉ để chúng ta thể nghiệm đời tu của mình. Yếu chỉ đó là gì? Thứ nhất, Đề-bà-đạt-đa sau khi đủ duyên xuất gia làm tăng, ngài tu chứng các quả vị trong đạo và có thần thông. Nhưng những thứ lăng xăng chưa hết, nên nó có cơ hội bộc phát mà không hay, cuối cùng những tác động này làm hỏng việc lớn của ngài. Đây là một kinh nghiệm, là một bài học cho chúng ta. Vì vậy tổ Minh Chánh dạy sau khi nhận được Diệu liên hoa tâm rồi, phải phát chí dũng mãnh, siêng năng tinh tấn nhẫn chịu tất cả khó khăn, tiến tới, cho tới chừng nào tu hành thành Phật mới thôi.

Học qua đoạn này chúng ta nhận được yếu chỉ vô cùng to lớn của người xưa. Nếu không có lời dạy, không có những ý chỉ để chúng ta nhận được chỗ thâm sâu trong công phu tu hành, đôi khi chúng ta lầm tưởng lậu hoặc đã sạch hết, từ đó mà hỏng đi một đời. Đỉnh cao nhất là sấn tới tu hành cho đến lúc nào thành Phật mới thôi. Bây giờ chúng ta chưa thành Phật, ngang đây muốn nhàn, muốn bỏ thời khóa, không chịu theo nề nếp để tu tiến, đó là sai lầm. Những sai lầm này sẽ đưa chúng ta đi xuống dần như Đề-bà-đạt-đa phải vào địa ngục. Do tham vọng không điều phục được, gây rối trong tăng đoàn, tổ chức xúi vua A-xà-thế giết cha, bản thân ngài hại đức Phật để lên lãnh đạo giáo đoàn v.v… Kết quả không lên được mà lại rớt xuống địa ngục. Việc này cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm.

Cởi bỏ mọi yêu thích, quên mất nỗi nhọc nhằn, sấn tới trong gian lao, và nhẫn nhục phát tinh tấn lớn, mong mỏi đến thành Phật mới thôi. Nếu chúng ta quyết một đường thẳng tiến, chắc rằng sẽ thành công. Người xưa nói: “Thấy người hiền, nghĩ rằng ta sẽ được như họ, thấy kẻ ác, trong tâm hãy tự tỉnh lấy!”. Đây cũng là một bài học nữa. Hiện thời trong giảng đường này có trên hằng trăm khuôn mặt, không khuôn mặt nào giống khuôn mặt nào. Từ dáng đi, giọng nói, ánh mắt, cái mũi, cái miệng, cái tai v.v... không ai giống ai. Sở dĩ khác vậy là do nghiệp riêng của từng người, cho nên nhà Phật dạy phải sợ nhân quả. Mình thấy rõ nhân duyên và biết sợ nhân quả.

Sợ nhân quả là sao? Hễ gây nhân bất hảo thì sẽ đưa đến quả xấu. Cho nên chúng ta nhắc nhở, cảnh tỉnh nhau đừng làm việc xấu. Ở đây dạy: “Thấy người hiền thì nghĩ rằng ta sẽ như họ”. Muốn được như họ thì ta phải cố gắng tu nhân hiền. Mình tìm hiểu người kia thành tựu pháp nào, họ sống ra sao v.v… Nếu chưa đủ những điều kiện đó mình cố gắng học, cố gắng sửa. Đó là chuyện bình thường, cái gì người ta làm được mình làm được. Người trước tu hành thành Phật, chúng ta tu hành cũng thành Phật, chớ không lẽ người trước tu được mà chúng ta tu không được. Chúng ta không nên nuôi mặc cảm yếu đuối, tự ti. Lúc nào cũng tự gắng tự khắc, tự nhận mình có khả năng thành Phật và mọi người cũng đều có như nhau. Chỉ là khéo nhận khéo dùng khéo tu khéo sống thì sẽ được thành Phật sớm. Thành ra thấy người hiền thì nghĩ rằng ta sẽ được như họ.

Thấy kẻ ác thì trong tâm hãy tự tỉnh lấy. Ví dụ đi một đoàn người bảy tám vị, người đi trước té ngã, mình đi đằng sau phải tránh chỗ trơn trợt hay hầm hố ở trước. Chẳng lẽ ta để cho mình té ngã như người trước? Cho nên phải tỉnh, phải dè dặt, phải coi dưới chân là đất cứng hay hầm hố gay góc. Biết đó là bẫy, là trơn trợt mà bước lên để té thì quá si mê. Biết nguy cơ như thế mình phải tỉnh. Ví dụ chúng ta biết thân này hư giả, cảnh duyên không thật, mạng sống ngắn ngủi, mà cứ ngồi đó chờ chết, như vậy đâu phải là người sáng. Bậc đại trượng phu không như thế, nhìn ngó, suy xét trong từng bước đi đều có sự tỉnh sáng.

Nhưng trong tiết này, là biểu trưng lìa tướng ngã, xả sân hận, kiêu mạn, giải đãi… Chính cái tâm hay xả ấy, bèn thành hạt giống trí tuệ, nên rồi Đề-bà cũng sẽ làm Phật. Đến như việc Long nữ thành Phật, lý ấy cũng rất u huyền. Người tu khi biết mình còn cái gì dở thì phải bỏ. Những biểu tướng nóng giận v.v… hiện ra ngoài, còn tham lam kiêu mạn ẩn kín thầm lặng bên trong. Hai nghiệp này nương nhau, đủ điều kiện nó bung ra, gây thành tội nghiệp lớn. Thường những người nóng nảy hay bị đổ vỡ, khó thành công trong sự nghiệp. Bởi vì có khi gầy dựng cả năm trời, nóng giận một chút đá đổ hết. Nhà Phật nói một đóm lửa sân đốt tan cả rừng công đức. Như có vị xuất gia tu hành cả năm bảy năm, nhưng một lúc nóng nảy không dằn được, làm tiêu tan hết công đức mình đã tu tập trong thời gian qua. “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, một niệm tâm sân nổi lên, trăm ngàn cửa chướng ngại mở ra là vậy.

Xả sân hận rồi còn phải xả giải đãi. Giải đãi là lười biếng. Đây cũng là một trạng thái của tâm. Sự việc đó người ta làm một ngày, mình không ưa nên kéo dài hai ba ngày hoặc bỏ cuộc. Người ta tập ngồi thiền trong vòng một tháng, có thể ngồi một tiếng. Mình giải đãi nên một tháng mà chưa ngồi được 15 phút. Nếu không ai nhắc nhở, hai ba tháng vẫn chưa ngồi được 15 phút. Lần lần xem thường mọi sự nhắc nhở, do đó ở chùa ba bốn năm vẫn không ngồi thiền được 15 phút. Có hạng người như thế, nhưng ai động tới thì không chịu. Họ nói người này người kia thế này thế khác nhưng bản thân lại nuôi dưỡng nhiều thói hư tật xấu. Do đó tu hoài mà không thành Phật.

Giải đãi là một tâm bệnh rất êm dịu. Mình đang nằm nghe nó lâng lâng, dù cho giờ đó là giờ ngồi thiền, giờ tụng kinh hay giờ đi học. Nếu không ai nói gì hết, mình nằm đong đưa một hồi, nhắm mắt lại và thiếp đi, nghe nó khỏe, nó êm biết chừng nào. Chính vì quá êm dịu nên ta không bao giờ muốn loại trừ nó, khó phát hiện nó là kẻ dẫn ta đi vào mê lộ. Có khi chúng ta nghĩ rằng tu thành Phật là làm những chuyện lớn lao lắm, đặc biệt lắm. Không phải thế. Chỉ cần chúng ta hành trì đúng và đều thời khóa tu tập mỗi ngày của thiền viện là tốt rồi.

Ví dụ 6 giờ 30 có thời sám hối, huynh đệ đều hoan hỷ sấn bước lên đường tu tập, riêng ta thấy trong lòng ương ương, mệt không phải mệt, buồn ngủ không phải buồn ngủ, lười biếng không phải lười biếng, nhưng thấy hơi có cái gì đó. Cái gì đó mà không kịp thời chấn chỉnh để nó lan ra, lớn ra, đến lúc không thể sửa được nữa, đành phải xách gói về nhà thôi. Trong khi mọi người nghiêm túc áp dụng đúng thời khóa, riêng mình lẩn thẩn đi tới đi lui, chả làm nên việc gì, lại còn bày ra chuyện tác hại cho bản thân và huynh đệ, thì thật là tệ hại. Phật dạy phải sấn tới, cố gắng phấn đấu, vượt qua những nghiệp tập xấu. Rõ ràng như vậy.

Kế nữa là kiêu mạn. “Kiêu” là những kiêu khí bên ngoài, chữ này có bộ “mã” bên cạnh, tức kiêu khí như con ngựa, nhảy dựng lên. “Mạn” là thấy mình hơn kẻ khác. Kiêu mạn là thấy mình ngon hơn người ta, nhưng không biết mình có ngon thiệt không. Ngon hơn là hiền hơn, tỉnh táo hơn, nhẫn nhục hơn, xả bỏ hơn, sáng suốt hơn, an lạc hơn, giải thoát hơn… Nhưng để cho kiêu khí về những cái ngon ấy hiện ra thì không được, nó là một loại bệnh. Bệnh cố chấp, mê lầm về chính mình, lúc nào cũng cho ta là đúng, là hơn hết. Người không giải trừ những cố chấp ấy, dù có gặp vô lượng đức Phật ra đời cũng không lợi ích gì. Nuôi dưỡng những tật đó sẽ là dây mơ rễ má, dẫn dắt họ đi trong vòng luân hồi sanh tử tăm tối.

Người nào sở trường cái gì thì kiêu mạn về cái đó. Ai giỏi văn sẽ có kiêu khí về văn, giỏi toán kiêu khí về toán, giỏi kinh tế xã hội kiêu khí về kinh tế xã hội. Hễ có chữ giỏi hơn, siêu vượt hơn thì có kiêu khí đi song song theo. Như người giỏi ngồi thiền, có thể ngồi suốt hai tiếng đồng hồ, nghe ai ngồi chỉ 5 phút 10 phút, liền xem thường. Những thứ ấy tế nhị, thầm kín, nhỏ nhen mà len lỏi trong lòng mình. Nếu chúng ta chưa buông bỏ, chưa làm chủ được thì nó là nguyên nhân làm chướng đạo rất lớn.

Cho nên không cần phải nói nhiều, nội ba thứ sân giận, giải đãi, kiêu mạn, chúng ta trị nó, buông bỏ được nó cũng đảm bảo nhận ra tánh giác của mình. Nó có tác dụng lớn như vậy.

Chính cái tâm hay xả ấy, bèn thành hạt giống trí tuệ, nên rồi Đề-bà cũng sẽ làm Phật. Đến như việc Long nữ thành Phật, lý ấy cũng rất u huyền. Ở đây nói nếu chúng ta xả được, làm chủ được những tật bệnh thì chủng Bồ-đề, chủng giác ngộ giải thoát nó sẽ hiện thành. Cho nên nói một cách rốt ráo, ai cũng có thể thành Phật, ai cũng có thể phát huy được chủng tánh Phật của mình. Vì vậy Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều là Phật sẽ thành.

Xét ra, vì nhiều tham dục, nên phải đọa vào loài súc sanh, mà rồng là loài có ưu thắng hơn các loài khác. Rồng là một trong tứ linh: long, lân, qui, phụng. Chỉ có qui là chúng ta được thấy, còn các loài lân, phụng, long chúng ta chỉ thấy hình, chứ không biết nó ra sao, chưa ai thấy rồng thiệt. Nói về súc sanh thì rồng là loại súc sanh ưu việt, nhưng hình tướng thật ra sao, không ai biết.

Trong kinh nói Long nữ là con của Long vương dưới Long cung, là rồng cái mới tám tuổi thôi, được đức Văn Thù chỉ giáo, nhận ra tâm thể. Trong hội Pháp Hoa, Long nữ biểu trưng nhận được tâm và thành Phật trước các vị đại thánh đệ tử của đức Thế Tôn trong chớp mắt. Long nữ nói với ngài Xá Lợi Phất “các vị xem đây, việc tôi thành Phật nhanh không thể tưởng tượng”. Bấy giờ Long nữ cởi hạt châu tên búi tóc của mình dâng lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhận hạt châu, liền đó Long nữ bay qua phương nam, ở nước Vô Cấu chuyển nữ thành nam thành Phật tức thì, trước mắt các vị thánh chúng.

Chúng ta lưu ý chi tiết chuyển thân nữ thành nam, chớ không mang nguyên lớp rồng cái. Chuyển là gì? Là xả bỏ vậy. Chuyển là chuyển đổi, chuyển từ cái này sang cái khác. Như chúng ta là nam tướng, nếu thành Phật cũng chuyển chứ không mang tướng này. Vì mang tướng này mà lỡ mình thấp quá thành ra ông Phật lùn, khó coi. Phật thì phải trang nghiêm tốt đẹp. Cho nên tâm thanh tịnh thì chuyển tất cả các tướng tốt đẹp theo. Bây giờ tu tạo nhân tức là chuyển, chuyển từ nhân tố.

Dù hiện nay chúng ta đang bị những nghiệp tập trầm kha, nhưng nếu chịu chuyển cũng sẽ chuyển được, bỏ được những nghiệp tập đó. Bỏ hết nghiệp tập mới thành tựu tuệ mạng, giác ngộ giải thoát. Đó là điều trong giáo lý đức Phật nói và chúng ta thể nghiệm được qua đời sống tu hành. Chúng ta tu là đang làm cuộc chuyển hóa lớn, từ thân đến tâm. Ai không chuyển hóa thì trong vài hôm thôi, có thể từ hình thức này đổi sang hình thức khác. Ví dụ mình không chịu cạo tóc nữa, để cho tóc ra dài rồi cắt tém chẳng hạn, chẳng bao lâu sau mình đi đâu có cả một đoàn thê thằng tử phược đi theo. Ngược lại, người chịu chuyển thì khác. Đầu tiên là chuyển cái đầu tóc đẹp thành cái đầu trọc, chuyển tất cả y phục quý báu của thế gian thành áo giải thoát, tức áo vải của nhà tu. Chuyển những kiêu khí của người có quyền tước, danh vọng thành kẻ khất sĩ ôm bình bát đi xin ăn từng nhà. Nhưng nếu đang trong cuộc chuyển đó mà chúng ta dừng lại, thoái lui để cho lớp bụi bên ngoài phủ lên thì nó sẽ là nhân tố gây trở ngại quá trình chuyển đổi từ cái xấu thành cái tốt, từ triền phược thành giác ngộ giải thoát.

Xét ra, vì nhiều tham dục nên phải đọa vào loài súc sanh, mà rồng là loài có ưu thắng hơn các loài khác. Hơn thế nữa, đã thọ thân cái trong loài rồng, thì tâm ngu si, tham dục kia hẳn lớn không gì hơn. Thế mà đức Văn Thù giáo hóa cũng có thể làm Phật. Hiện tại chúng ta thuộc hạng nào, si mê điên đảo cỡ nào, nhưng nếu đủ duyên được hướng dẫn, phát huy trí tuệ thì có thể lột bỏ, xa lìa tất cả ngu si tăm tối, quay về với chủng Phật của mình. Ở đây nói chuyện Long nữ là loài rồng cái tuổi nhỏ, ái nghiệp sâu dày mà được Bồ-tát Văn Thù giáo hóa thành Phật.

Chứng thật tướng, không nhân pháp,

Sát-na diệt hết nghiệp A-tỳ.

Đây là câu trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác. Chứng được thực tướng thì không còn nhân không còn pháp nữa. Được như thế trong tíc tắc thôi có thể diệt hết tất cả nghiệp chướng sâu nặng nhất.

Bởi văn tiết của kinh này, nhằm bày tỏ tất cả chúng sanh trong ba cõi, bốn loài, sáu ngả, đều có Phật tánh. Ba cõi là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Bốn loài là noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh. Chúng ta nằm trong loài thai sanh. Sáu ngã là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thiên, nhân, a-tu-la. Tất cả đều có Phật tánh hết.

Chỉ vì theo nghiệp thức mà bị trôi lăn trong sáu ngả. Nếu gặp duyên phát giác, được nghe kinh điển Pháp Hoa, thấy được tâm xưa nay trong sạch, liền khi ấy chuyển tham sân si thành Giới Định Tuệ. Thế nào mà chẳng có thể chóng làm Phật? Chẳng những chúng ta mà tất cả chúng sanh trong sáu đạo luân hồi, vì còn sanh tử nên còn luân hồi, chớ chúng sanh nào cũng có Phật tánh. Nếu đủ duyên chuyển được nghiệp thức thì thành Phật tức thì, chưa đủ duyên chưa chuyển được nghiệp thức thì mải miết trôi lăn trong sáu ngả. Nếu luận về kiếp số của luân hồi sanh tử thì không biết ngõ nào mà nói, không có con số nào có thể tính nổi. Sự trôi giạt từ kiếp này sang kiếp khác, dài lâu vô kể.

Đức Phật nói tuổi của chúng ta bằng tuổi của Phật, mà Phật trong kiếp xa xưa nào đó tầm đạo tu nhân, cho đến sau cùng thị hiện ở Ấn Độ vượt thành đi tu, bao nhiêu năm khổ hạnh, thiền định dưới cội Bồ-đề chiến thắng ma quân thành Phật, trên bốn mươi năm thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, cuối cùng nhập Niết-bàn ở Song Lâm. Trong thời kỳ này chúng ta ở đâu? Loay hoay lẩn quẩn trong sáu nẻo luân hồi. Cho tới bây giờ ngài đã xong việc, đã làm những Phật sự như thế, với thời gian trên hai ngàn năm trăm năm, chúng ta vẫn cứ trôi lăn. Không biết thời gian sau nữa, đức Phật Di Lặc ra đời thuyết pháp dưới cội Long Hoa, giáo hóa chúng sanh, mình ở đâu nữa. Nếu bây giờ chúng ta không chịu chuyển, chưa chịu sống lại với tâm Diệu liên hoa của mình thì lúc đó ở đâu. Bởi vậy tổ Qui Sơn nói đường trước mờ mờ chưa biết về đâu.

Nói đến công phu tu hành, không phải chuyện đơn giản, không làm bằng tâm hời hợt được, cũng không phải chuyện cơm ăn áo mặc tầm thường. Nếu tâm sân hận chưa chịu bỏ, bệnh giải đãi chưa trừ, cái kiêu khí chứng tỏ ta thế này, thế nọ chưa dẹp thì con đường Phật đạo còn xa vời lắm. Sự hành trì chưa đúng mà muốn thành Phật là điều không bao giờ có. Chuyện tu hành khó thì khó vô vàn, nhưng làm được sẽ thấy không khó. Người xưa thành tựu chúng ta cũng có thể thành tựu nếu chịu khó.

Kệ rằng:

Thế Tôn đã từng làm quốc vương,

Vì đạo quên thân chẳng thể lường,

Hái trái cúng dường gìn Diệu pháp,

Lượm cây nấu nướng hiến tiên nhân,

Đành rành nhẫn nhục thành vô thượng,

Đề-bà, thầy ta việc phi thường,

Long nữ cởi châu dâng đức Phật,

Ý lìa tham ái lộ châu vương.

A-tư là một vị tiên trưởng tên Vô Tỷ, tiền thân của Đề-bà-đạt-đa.

Trong phẩm này cốt lỏi là làm sao trị được những tật hư dở của chúng ta. Từ giải đãi xem thường tất cả những quy chế của thiền môn, ta không sáng suốt, không bình tĩnh, do đó nên không nhẫn chịu được những hoàn cảnh khó khăn. Ta bộp chộp nóng nảy, nuôi dưỡng tâm sân hận ngày càng lớn. Hoặc được chút chút gì đó ta tự cậy tài, kiêu khí bày ra. Đây là những gai góc, những cồn đảo tù hãm tánh giác của mình. Nếu nuôi dưỡng, chưa chịu xả những tật xấu này thì con đường tu hành trở về tánh giác còn xa dịu vợi.

Học lại lời kinh của Phật Tổ dạy, để huynh đệ chúng ta lấy đó làm chuẩn thằng, mỗi ngày mỗi tu tiến. Khắc phục được những cái dở, chúng ta từ từ trưởng thành, trầm tĩnh sáng suốt, có đầy đủ ý chí, tư cách thể hiện tròn đầy con người chân thật. Càng tu phải càng biểu trưng hình ảnh của một chân tăng có công phu, chuyển đổi được những nghiệp tập của mình. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử của đấng giác ngộ giải thoát.

 

?

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM