Phẩm Trì
CHÁNH VĂN
Tỳ-kheo ni thọ ký, là ý nhiếp phục Long nữ thành Phật ở trước. Bởi súc
sanh cái ngộ tâm, còn có thể thành Phật thay, huống là người nữ hộ tâm mà
chẳng được đạo hay sao? Không vì hình tướng để chia nam nữ, một tâm thanh
tịnh xưa nay đồng.
Lại Bồ-tát trì kinh, nghĩa là người tu hành muốn hộ trì kinh này, thì chốn
chốn nơi nơi, phải mặc áo nhẫn nhục, giữ giáp tinh tấn, cầm kiếm trí tuệ,
vào rừng phiền não, dứt giống vô minh, khiến tâm được thường không tịch,
tri kiến rỗng suốt, không các chướng ngại. Dù hành đạo này, mà bị đánh
mắng cũng phải nhịn chịu. Tâm này chẳng tán động, cùng tột thuở vị lai,
trọn không mảy may thoái chuyển.
Như gió giữ thế giới, bền chắc chẳng động. Như đất chở chúng sanh không
chút nhàm mỏi. Đấy mới thật là Phật tử biết gìn giữ tâm, cũng chính là
người hoàn toàn không có ngã, thật sự là vị Bồ-tát hộ pháp vậy.
Kệ rằng:
Chớ đem năm chướng báng chư ni,
Thọ ký rành rành chẳng thiếu gì,
Di Mẫu ngộ tâm, thành Chánh giác,
Da Thâu kiến tánh, chứng Bồ-đề,
Đã hay thấy đạo, mới hành đạo,
Rõ suốt vô vi, nói hữu vi,
Bồ-tát trì kinh nào có tướng,
Pháp nhẫn vô sanh khéo siêng trì.
GIẢNG
Tỳ-kheo ni thọ ký, là ý nhiếp phục Long nữ thành Phật ở trước. Phẩm Tỳ-kheo ni, nói đến các vị Tỳ-kheo ni được Phật thọ ký. Sau khi các
vị đại thánh, các tôn giả đệ tử lớn được đức Phật thọ ký, trong hội chúng
Tỳ-kheo ni cũng đoái mong đức Thế Tôn thọ ký. Nên tới phẩm này Phật thọ ký
cho chúng Tỳ-kheo ni. Ở đây nhắc lại việc Long nữ chỉ tám tuổi, được đức
Văn Thù trợ hóa tu tâm và thành đạo.
Bởi súc sanh cái ngộ tâm, còn có thể thành Phật thay, huống là người nữ hộ
tâm mà chẳng được đạo hay sao? Không vì hình tướng để chia nam nữ, một tâm
thanh tịnh xưa nay đồng. Lời nói này đả thông tất cả những vướng mắc từ
xưa nay. Không vì hình tướng chia nam nữ, một tâm thanh tịnh xưa nay đồng. Câu nói này vượt ngoài tất cả hình thức, phạm vi đối đãi,
nói thẳng một tâm đồng. Một tâm đây tức là tánh giác, khả năng thành Phật.
Nói đến tánh giác thì không trái không phải, không nữ không nam, khả năng
thành Phật ai cũng có.
Lại Bồ-tát trì kinh, nghĩa là người tu hành muốn hộ trì kinh này, thì chốn
chốn nơi nơi, phải mặc áo nhẫn nhục, giữ giáp tinh tấn, cầm kiếm trí tuệ,
vào rừng phiền não, dứt giống vô minh, khiến tâm được thường không tịch,
tri kiến rỗng suốt, không các chướng ngại. Dù hành đạo này, mà bị đánh
mắng cũng phải nhịn chịu. Tâm này chẳng tán động, cùng tột thuở vị lai,
trọn không mảy may thoái chuyển.
Bồ-tát trì kinh này tức là gìn giữ tri kiến Phật của mình. Kinh chính là
tâm, tâm chính là tri kiến Phật. Muốn trì kinh phải có giáp nhẫn nhục để
bảo vệ. Giữ giáp tinh tấn, cầm kiếm trí tuệ vào rừng phiền não, dứt giống
vô minh, khiến tâm được thường tịch. Một loạt những việc làm thuộc về công
phu, chính chúng ta phải trải qua. Muốn thành tựu đến nơi đến chốn, hằng
sống được với tánh giác, không thể chỉ nói suông thôi. Tổ Vĩnh Gia nói từ
nhẫn lực, nhưng chúng ta chưa vận dụng tới độ đó, bởi vì mình sống quá
tiện nghi, còn gì nữa mà nhẫn! Chưa thực hành đến đức nhẫn cao độ, nghĩa
là chưa thành tựu được đức nhẫn sâu dày. Chúng ta chỉ nhẫn bình thường
thôi mà còn chưa nhẫn được, mong chi tu sáng đạo.
Đời
sống của một người tu hành nhất là của một thiền sinh, phải sống bằng trí
tuệ, bằng khả năng giác ngộ, không nên quan tâm đến việc ăn mặc thường
tình. Ở đây mặc áo nhẫn nhục, giữ giáp tinh tấn, nghĩa là chúng ta siêng
năng và chịu đựng. Người tu luôn cầm kiếm trí tuệ trên tay, song hành với
kiếm trí tuệ là cung thiền định. Trong công phu hằng ngày, nếu thiếu chịu
đựng thì sẽ đổ vỡ hết, không siêng năng cũng trở thành ma lười nhác, khiến
mọi người chán chê. Nếu chúng ta không có tỉnh lực thì nói gì đến định lực.
Không có định lực, làm sao phát huy trí tuệ được.
Trí
tuệ nói ở đây là trí tuệ Bát-nhã, xuyên thủng được tất cả những tham đắm,
chấp trước ngô ngã từ lâu nay, chứ không phải trí tuệ học ở cấp I, cấp II,
cấp III v.v... Tất cả những kiến thức đó đối với người hành đạo không quan
trọng. Bởi vì đôi khi những kiến thức ấy sẽ dẫn chúng ta càng đi càng xa
đạo. Do có kiến thức nên dễ vướng vào hý luận, chữ nghĩa, mà lý luận nhiều
là đi ngược lại với đạo lý, với sự tu hành chân chánh. Nhiều người rất có
trình độ, muốn xuất gia, sắp đặt đủ thứ chuyện nhưng tới chùa ở một tuần
lễ phiền não rồi cuốn gói đi. Vì họ chỉ hiểu chớ không hành được, nên chịu
không nổi nếp sống thiền môn.
Trí
tuệ Bát-nhã từ chỗ chuyên tâm, phản quan tự kỷ mà ra, chứ không phải lượm
lặt bên ngoài. Thiền sư Toàn Khoát nói đồ bên ngoài là đồ giả, không phải
của báu nhà mình. Người tu hành phải là một chiến tướng, có áo giáp tinh
tấn tức là siêng năng. Siêng năng liên tục chứ không phải siêng năng từng
đoạn từng phần. Chúng ta thường chỉ siêng năng một quãng nào thôi. Ví dụ
từ sáng tới chiều mình siêng năng làm việc, nhưng từ 6 giờ 30 chiều cho
tới 5 giờ sáng mình không siêng năng làm nữa, mà siêng năng ngủ. Ở đây nói
là siêng năng liên tục. Quí vị học kinh, luật, luận thật nhiều, mà không
siêng năng thì không đi tới đâu hết, giữa đường bỏ cuộc.
Người không chịu đựng được sẽ làm vỡ tất cả những công trình của mình.
Thiền định không có thì trí tuệ ở đâu ra, nếu có cũng chỉ là trí tuệ hiểu
biết chuyện bên ngoài. Anh em hơn huynh đệ một chút liền nghĩ mình có trí
tuệ, điều này không đúng đâu. Huynh đệ đi ăn về im lặng nghỉ ngơi, làm
việc xong cũng không nói gì, rảnh rang đọc sách là người có trí tuệ… Còn
kẻ cứ líu lo đủ thứ chuyện, lại cho mình hơn huynh đệ, thật ra là người
kém trí tuệ.
Dứt giống vô minh, khiến tâm được thường không tịch, tri kiến rỗng suốt
không các chướng ngại. Dù hành đạo này, mà bị đánh mắng cũng phải nhịn
chịu. Tâm này chẳng tán động, cùng tột thuở vị lai, trọn không mảy may
thối chuyển, từ đây mãi mãi cho đến khi nào thành Phật mới thôi. Bằng Phật mới vừa
lòng mình, không hề thối chuyển. Thiền sư Minh Chánh dạy dù bị đánh mắng
cũng phải nhịn chịu, không tán động từ đây cho đến cùng tột thuở vị lai.
Tức là cho đến ngày nào chúng ta thành Phật trọn không có mảy may thối
chuyển.
Như gió giữ thế giới bền chắc chẳng động, như đất chở chúng sanh không
chút nhàm mỏi. Đấy mới thật là Phật tử biết gìn giữ tâm, cũng chính là
người hoàn toàn không có ngã, thật sự là vị Bồ-tát hộ pháp vậy.
Thế giới quan của Phật giáo diễn tả những phương trời vô cùng vô tận. Ví
dụ nói thời kỳ suy hoại của kiếp giảm có bốn giai đoạn gồm Thành, Trụ,
Hoại, Không. Kiếp Hoại đã bắt đầu và thời của chúng ta là thời kỳ Hoại.
Các hiện tượng nước ngập, do tầng ozon bị thủng nên tia cực tím soi xuống
những vùng băng đã kết thành từng khối, làm băng này tan ra tạo thành
nguồn nước dội xuống gây ra lũ lụt. Trong kinh nói là nước ngập thấu lên
các tầng trời.
Qua
giai đoạn nước ngập rồi tới giai đoạn hết nước, trái đất sẽ khô cằn và lửa
bắt đầu cháy. Cháy cho tới tầng trời Tam Thiền, Tứ Thiền, nghĩa là cháy
hết mười tám tầng trời của cõi Sắc. Sau khi lửa cháy hết rồi sẽ có những
trận gió. Ở đây nói gió giữ gìn thế giới, có học mới biết câu này. Một
trận gió thổi qua, tất cả trở thành bình địa. Bởi vì vạn vật đã cháy tiêu
hết, chỉ còn tro bụi. Đây là thời hoại hết, tiếp đến sẽ chuyển sang kiếp
không.
Kiếp
Không dài vô số kể. Qua kiếp Không sẽ dựng lập trở lại kiếp Thành. Bắt đầu
cũng từ những trận gió. Khi gió thổi qua sự sống từ từ gầy dựng trở lại.
Lúc đó chúng sanh sống tuổi thọ vô lượng vô biên, phước báu đầy đủ. Dần
dần dân số đông đảo, họ bắt đầu tranh giành thức ăn và đất đai, ngô ngã bỉ
thử phát sinh, tuổi thọ lại giảm dần cho tới chúng sanh sống khoảng trên
hai ngàn tuổi thì đức Phật Di Lặc ra đời.
Chúng sanh có mặt ở đây đang sống trong kiếp Hoại nên tuổi thọ cứ giảm dần.
Cứ một trăm năm giảm một tuổi, chừng nào chúng sanh trên địa cầu này chỉ
sống tới mười tuổi là một đời người, xem như cùng cực của kiếp Hoại. Bấy
giờ xảy ra các tam tai như trên đã nói. Lúc đó con người ác vô kể, những
thức ăn và đồ vật đang dùng sẽ trở thành các công cụ giết người độc hại
ghê gớm.
Rõ
ràng chúng ta thấy đó, bây giờ thức ăn trở thành độc tố rất nhiều. Từ đâu
ra? Thức ăn bản chất không phải độc, nhưng do lòng tham của con người mà
thành độc. Ví dụ con người tham cấy lúa được nhiều vụ, muốn tăng năng suất
lên cao để thu tiền, nên tống độc tố vô trong lúa. Người dân tiêu thụ lãnh
đủ. Hoặc trồng nhãn, trồng điều, trồng khoai đều dùng các loại thuốc dinh
dưỡng, thuốc tăng trưởng cho nó mau lớn. Do vậy đã đưa chất độc làm ảnh
hưởng đến sức khỏe của con người, phát sinh các căn bệnh trầm trọng gây
nguy hiểm đến tính mạng của cộng đồng như ung thư…
Tất
cả những việc làm này không do ai chỉ bày cả, mà từ ác tâm của chúng sanh
ra. Bây giờ mình tham đắm, làm gì cũng muốn trăm năm ngàn năm. Thử tưởng
tượng khi tuổi thọ chỉ còn mười tuổi thì tham vọng, tâm ác độc của con
người sẽ ghê gớm tới đâu nữa. Tuy nhiên bấy giờ những người có chủng Phật
đặc biệt sẽ tựu thành. Nghĩa là trong số vô lượng chúng sanh chịu sự suy
thoái của thời kiếp, có những chúng sanh gầy dựng được chủng Phật. Họ nghe
hiểu và tu thập thiện, dù tu không hoàn chỉnh nhưng vẫn có chủng tốt. Kiếp
Hoại hết nhưng chủng thiện không hoại. Những chúng sanh nào biết phát huy
chủng thiện, sẽ hoán chuyển sang thế giới có nhiều phúc lạc. Do đó nếu
người tu hành chân chánh sẽ không sợ gì về chuyện kiếp Hoại, không sợ lửa
gió hay lũ lụt chi hết. Vì phước sẽ hoán chuyển họ đến nơi thuận lợi yên
ổn. Dù ở thế giới nào họ vẫn tu tập, vẫn sống hiền lành. Rõ ràng tạo nhân
lành thì hưởng quả lành.
Ngày
xưa Sơ tổ Trúc Lâm xuống núi, vào trong dân gian giảng dạy Thập thiện để
chuyển hóa nhân dân. Hòa Thượng Ân sư của chúng ta tuy dạy thiền nhưng
cũng tùy cơ duyên của chúng sanh, ngài dạy giáo lý thâm diệu, vừa thiền
vừa giáo chứ không nói thuần thiền. Bởi vì nói thuần thiền tuy hay song
những người căn cơ kém làm không được. Đó gọi là phương tiện thiện xảo của
các bậc thiện tri thức.
Tâm này chẳng tán động, cùng tột thuở vị lai trọn không mảy may thối
chuyển. Như gió giữ thế giới bền chắc chẳng động, như đất chở chúng sanh
không chút nhàm mỏi, đấy mới thật là Phật tử biết gìn giữ tâm, cũng chính
là người hoàn toàn không có ngã, thật sự là vị Bồ-tát hộ pháp vậy.
Tâm vững như gió giữ
thế giới không động, như đất chở chúng sanh không chút nhàm mỏi. Chúng ta
thấy đất có sức chịu đựng không gì bằng. Đào xới cũng được, thải đồ dơ lên
cũng được, đi bằng đôi chân cũng được, mà nện bằng các mũi nhọn cho lủng
cũng được. Không khi nào đất nói gì. Làm sao tâm nhẫn của chúng ta cũng
như vậy.
Chớ
đem năm chướng báng chư ni,
Thọ
ký rành rành chẳng thiếu gì,
Di
Mẫu ngộ tâm, thành chánh giác,
Da
Thâu kiến tánh, chứng Bồ-đề,
Đã
hay thấy đạo, mới hành đạo,
Rõ
suốt vô vi, nói hữu vi,
Bồ-tát trì kinh nào có tướng,
Pháp nhẫn vô sanh khéo siêng trì.
Chớ đem năm chướng báng chư ni
nghĩa là không nên y cứ trên hình tướng nam nữ mà phân biệt, cho rằng
người nữ nhiều chướng ngại, không thể làm được việc lớn. Như trong kinh
nói người nữ không được làm chuyển luân thánh vương, người nữ không được
làm Phật v.v… đó là những chướng ngại của họ. Thế gian thường có định kiến
cho rằng tâm người nam rộng lớn, tâm người nữ nhỏ hẹp. Ở đây nói đến tâm
thì không có tướng nam nữ cho nên khuyên nhắc chúng ta không căn cứ những
hình thức ấy mà chê bai nữ nhân.
Việc
thọ ký của đức Thế Tôn rành rành đó. Di mẫu ngộ tâm thành chánh giác.
Di mẫu là dì của Phật, tức bà Kiều Đàm Di, đứng đầu bên Ni giới. Da
thâu kiến tánh chứng Bồ-đề, tức bà Da Du Đà La kiến tánh và chứng
Bồ-đề. Thành ra thiền sư Minh Chánh nói về ngộ tâm, kiến tánh, thấy đạo,
rõ suốt v.v… chứ không nói người nữ, không nói nghiệp chướng, không nói
cao thấp chi hết.
Đã
hay thấy đạo mới hành đạo,
Rõ
phước vô vi nói hữu vi,
Bồ-tát trì kinh nào có tướng,
Pháp nhẫn vô sanh khéo kiên trì.
Chúng ta tu tâm, hành đạo từ tâm, mặc giáp nhẫn nhục, tinh tấn và chịu
đựng, đủ định lực để phát huy trí tuệ Bát-nhã. Việc lớn của người tu là
như thế. Người tu mà thiếu trí tuệ thì không thành tựu đúng như pháp được.
Lúc ở ngoài đời, chưa xuất gia quí vị sống và theo qui luật của thế gian.
Mọi người được sinh ra, được nuôi dưỡng lớn lên, được đi học và gầy dựng
cuộc đời, đó gọi là sự nghiệp thế gian. Tùy theo phước duyên mỗi người mà
họ thành công hay thất bại trên đường đời. Nhưng vào đạo thì không đặt sự
nghiệp trên các lãnh vực ấy mà đặt trí tuệ lên trên. Có trí tuệ thì sống
đúng, làm đúng với chánh pháp, không đọa lạc, không đau khổ. Không có trí
tuệ thì dù thành công kiểu nào cũng vẫn khổ như thường.
Theo
tinh thần Phật giáo đại thừa, không luận người xuất gia hay hàng cư sĩ tại
gia, những vị hộ giới hộ pháp, những vị Quốc Vương, những vị làm công tác
lãnh đạo Quốc gia… nếu được huấn luyện, được nuôi nấng trong niệm thiện,
phát huy theo hướng thiện thì các vị ấy sẽ làm rất nhiều việc lợi ích cho
chúng sanh. Đôi khi họ có điều kiện làm được nhiều việc hơn người xuất gia
nữa. Trái lại nếu không được nuôi dưỡng trong chánh pháp, để tâm tham sân
si chi phối, chẳng những họ không làm được điều gì lợi ích cho dân tộc, mà
còn gây tạo nhiều nghiệp nhân bất thiện, làm khổ mình khổ người. Điều này
thật nguy hiểm, rất đáng lo sợ. Tóm lại Bồ-tát vào đời với mọi hình thức,
không nhất thiết phải là người xuất gia, bởi vì hạnh nguyện của các ngài
được thể hiện theo nhiều cách, nhiều phương thức khác nhau.
Ở
đây chúng ta cố gắng tự kiểm và lấy những điểm này làm chuẩn mực quyết
định công phu của mình. Thứ nhất là siêng năng liên tục. Thứ hai là chịu
đựng bền bĩ. Thứ ba là tỉnh lực thường xuyên và mạnh mẽ. Những điều kiện
đó hoàn chỉnh rồi thì trí tuệ sẽ sáng tỏ viên mãn. Trí tuệ này không phải
do cầu nguyện, không do Phật ban cho, mà do công phu của ta phát sinh.
Quý
vị có đọc truyện Tây Du thì biết. Trong thời gian Tôn Hành Giả học đạo,
chỉ mỗi việc ông thầy kêu đổ cái ống nhổ ở chỗ không trời đất là đủ bí rồi.
Đâu có chỗ nào không phải trên trời dưới đất, chỉ còn cách nốc vô bụng là
yên thôi. Cho nên ông nốc quách cái ống nhổ vô bụng. Quý vị tưởng tượng
xem, đàm giải của mình nhổ ra còn không thể nuốt lại được, huống là của
người khác, vậy mà Tôn Hành Giả nuốt vô bụng một cách bình thường. Rõ ràng
phải là người nuôi chí lớn mới làm nổi chuyện ấy. Do đó ông theo học đạo
chẳng bao lâu, đã được những thần dụng biến hóa khôn lường.
Người nào đối với ngô ngã bỉ thử triệt hết đi thì mới phát huy đại sự được.
Ở đây nói nếu chúng ta cắt đứt các duyên chung quanh thì sẽ nhẹ nhàng, dù
không được Phật thọ ký cho thành Phật, nhất định cũng sẽ thành Phật thôi.
Vì vậy mong tất cả huynh đệ kiên trì nuôi lớn đức nhẫn bằng chính nguồn
trí tuệ nơi mỗi chúng ta.
CHÁNH VĂN
Bốn hạnh an lạc, là bảo người hộ trì tâm này, nếu ở trong Già-lam, hoặc
nơi chợ búa, phải khéo nương nơi bốn hạnh an lạc, đáo xứ tùy duyên mà
thuyết pháp giáo hóa.
GIẢNG
Phẩm
An Lạc Hạnh nói về hạnh an lạc của người tu, đặc biệt là người xuất gia.
Chúng ta sống như thế nào, tu tập như thế nào để những người chung quanh
tiếp cận với mình cũng được an lạc. Hạnh an lạc gồm có bốn:
1. Hành xứ:
Bồ-tát luôn nhẫn nhục, nhu hòa, không bị ngoại cảnh kéo lôi hay tác động.
2. Thân cận xứ:
Bồ-tát không gần gũi vua quan hay những người có quyền thế, người tu theo
ngoại đạo… Bồ-tát luôn thấy tánh Không của các pháp.
3. An lạc hạnh:
Sau khi Như Lai diệt độ, người nào muốn nói kinh Pháp Hoa phải trụ trong
an lạc hạnh. Nghĩa là không nói lỗi người, không kiêu mạn, không giải đãi,
không oán hận, không ganh tỵ. Phát khởi tâm đại bi với tất cả chúng sanh,
đối với Bồ-tát phải cung kính cúng dường như bậc Thầy.
4. Phát đại bi tâm:
Trong đời mạt pháp, ai muốn thọ trì kinh này phải sanh tâm đại bi với hàng
xuất gia cũng như tại gia. Đối với chúng sanh, phát nguyện khi ta thành
tựu chánh giác sẽ độ tận chúng hàm linh.
Làm
sao để bản thân mình được an lạc, an trú trong chánh pháp, làm lợi lạc cho
chúng sanh. Người xuất gia là người mang chí cả, mang tinh thần siêu việt
thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh.
Trong giai đoạn thượng cầu Phật đạo, chúng ta học tập và áp dụng lời Phật
dạy vào đời sống. Nghiên cứu tiếp thu những tinh ba Phật pháp, tôi luyện
và sống làm sao cho chân hạnh được hiện bày. Huynh đệ học Phật pháp không
phải để phô trương ra ngoài, biểu trưng cho mọi người thấy mình thông minh,
hiểu nhiều nhớ nhiều. Quan trọng nhất là áp dụng được Phật pháp vào đời
sống của mình, như thế mới có thể thực dụng được hạnh an lạc như ở đây nói.
Già-lam
là chùa, viện, nơi người tu hành an trú. Trong lúc hành đạo, chúng ta có
mặt ở đâu đều thể hiện tròn đầy hạnh an lạc. Trong chùa cũng vậy, ở am
thất cũng vậy, đi giáo hóa chúng sanh cũng vậy. Bây giờ đang sống trong
thiền viện là đại già-lam, trước nhất bản thân chúng ta phải thể hiện hạnh
an lạc. Đó là hạnh gì? Hạnh giữ giới, thiền định, tỉnh giác liên tục. Dù
chưa được hoàn toàn như thế, nhưng với tâm nguyện, sự kiên quyết, chúng ta
nỗ lực giữ gìn oai nghi tế hạnh, giữ gìn đạo đức, thể hiện tròn đầy hạnh
an lạc.
Trong luật kể lại câu chuyện thế này. Có một vị tăng lỡ đường giữa chốn
rừng núi. Nửa đêm, ngài tìm được một hang đá và định nghỉ lại đó. Người ta
cho hay nơi này có quỷ dữ, hầu hết những người tá túc qua đêm đều mất mạng,
họ khuyên ngài không nên nghỉ nơi đây. Nghe thế nhưng ngài vẫn bình thường.
Vào trong hang ngài dọn dẹp, lấy đại y treo chắn ngang phía trước làm cái
màn, lấy hạ y trải xuống làm ngọa cụ, lấy trung y đắp trên thân. Ngài tọa
thiền quá nửa đêm, hành đúng hạnh của người xuất gia. Sau đó ngài nghỉ đêm
trong tỉnh giác, không khởi niệm nào khác. Ngài an tường nghỉ ngơi tới
cuối đêm thì thức dậy tịnh tọa tiếp.
Qua
đêm ấy mọi người chung quanh đều sợ lắm, họ chuẩn bị đến xem sự cố thế nào.
Đến nơi, họ thấy cả một lối mòn đi xung quanh cái hang đó, chỗ gần đại y
dấu nước miếng của con quỷ chảy xuống vẫn còn. Nó nghe mùi thịt thèm lắm,
nhưng tiến vô không được vì có các vị thần hộ giáo, hộ giới, hộ pháp đã
vây quanh bảo vệ vị tăng. Đó là công đức của một bậc tu hành thanh tịnh,
giới luật trang nghiêm. Mọi người thấy vậy kính nể vô cùng. Nhìn vị tăng
bình thường, không biểu hiện thần lực gì cho thiên hạ khiếp sợ, mà bên
trong thể hiện tròn đầy cốt lõi của người đã an lạc.
Từ
đó chúng ta mới hiểu lời nói của Bồ-tát Sĩ Đạt Đa với bọn ma vương khi
ngài sắp thành đạo quả “ta có cung thiền định và kiếm trí tuệ, biết bọn
bây là không thật nên ta không sợ”. Vị tăng trong câu chuyện trên cũng
thể hiện cung thiền định và kiếm trí tuệ, thể hiện sự bình an kiên định
của một người tu hành. Chúng ta không hành đạo để được thần thông mà cốt ở
hạnh lực, sự nhẫn nhục và tỉnh giác. Chân thật thì bất hư, chánh đạo thì
không có gì hại được. Nếu tâm chúng ta vững thì cảnh duyên chung quanh
không làm gì được mình. Nhiều người đổ thừa tại thế này thế kia, nhưng
thực chất là tâm mình chưa yên, nên bị động bởi những thứ chung quanh, bị
các pháp lôi kéo. Từ đó mà mê mờ không tự chủ được, rồi lăng xăng tạo
nghiệp lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử.
Với
người hành đạo chân chính, mọi quyết định chủ yếu ở nơi mình. Các huynh đệ
nắm vững như thế thì sự hóa đạo rộng rãi và lợi lạc rất lớn. Bây giờ chúng
ta chưa sống được với tánh giác, phải làm sao? Cái khổ của người tu là khi
hiểu điều gì đó mà chưa làm được. Hiểu thì có hiểu, nói cho người ta nghe
được mà mình làm chưa được, nghĩ lại xấu hổ khổ tâm vô cùng. Khi thấy xấu
hổ khổ tâm thì phải phấn đấu, cố gắng làm cho được điều mình hiểu. Tổ Bồ
Đề Đạt Ma khi đến Trung Quốc, người ta hỏi “Thế nào là Tổ?”, ngài
đáp “Hạnh giải tương ưng”, tức hành động và sự hiểu biết đi đôi với
nhau. Hiểu và làm đúng tức là Tổ.
Chúng ta là thiền sinh phải phấn đấu tích cực, rèn luyện như thế nào để
làm được điều Tổ đã dạy. Chỉ hiểu và nói thôi, không làm được chúng ta cảm
thấy rất xấu hổ. Đó là vì ta yếu dở quá. Rõ ràng mọi thành tựu đều từ công
phu, sự phấn đấu và quyết tâm của chúng ta, không thể trông đợi ai khác.
Huynh đệ nắm vững như thế thì đường đi trước mắt mở rộng, chân trời ta đến
tự tại và thênh thang bởi không vướng mắc chi hết. Những vướng mắc trong
lòng được đả thông thì bên ngoài bình yên. Giả dụ như sau một thời gian
khoảng năm mười năm, hai mươi năm, các thiền sinh trở thành những thiền sư,
phải vào chỗ ồn náo giáo hóa, chúng ta cũng sống được an lạc. Làm lợi ích
cho chúng sanh, mà trong lòng nguyên vẹn nguồn an lạc, tinh thần vô ngã vị
tha được thể hiện tròn đầy trong từng cử chỉ oai nghi. Được vậy thì thật
là đáng kính trọng và tuyên dương.
Dù ở
chợ búa hay giữa chiến trận, nếu chúng ta hằng sống được với tánh giác
tròn đầy, mọi sự rối rắm chết chóc sẽ không dính dáng gì tới ta. Người
được như vậy đảm bảo đêm ba mươi, đối đầu với Diêm vương vững vàng tự tại.
Người ta hỏi thiền sư phút chót làm gì? Phút chót tự tại ra đi. Nơi nào
chúng sanh cần thì đến, chẳng ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc. Đó là lời
tuyên thệ của bậc đại trí tuệ, đại Bồ-tát. Bây giờ mình chưa tuyên thệ,
nhưng chắc chắn con đường ấy ta sẽ đi và sẽ tới. Nếu chúng ta không chuẩn
bị, tới lúc đó sẽ như con cua bị bỏ vô nồi nước sôi, Diêm Vương sẽ nuốt
chửng mình, khỏi cần phải hỏi cung.
Thiền tăng thì không thể quơ tay quơ chân như cua bị bỏ vô nồi nước sôi
được, cho nên bây giờ chúng ta phải chuẩn bị, thể hiện hạnh an lạc trong
công phu. Thiền tăng sống an vui, chết tự tại mới đúng tinh thần của nhà
thiền. Điều này không phải nói để chơi, nếu anh em chưa được như vậy thì
phải ráng cho được. Bởi vì dù muốn dù không, cũng sẽ đến lúc mình đối diện
với Diêm vương. Tùy huynh đệ thôi, ai muốn cho quỷ sứ nó cưa thì cứ lười
biếng không tu, muốn vô chảo dầu sôi thì cứ tham đắm si mê theo ngũ dục.
Nên nhớ nếu ta không tỉnh sáng, không có công đức tu hành, lỡ gây nghiệp
ác thì dù không muốn, quỷ sứ cũng lôi đầu mình xuống địa ngục.
Nghiệp từ những vọng đọng điên đảo của chúng ta mà ra, chứ không phải từ
đâu hết. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp điên đảo không làm chủ được,
nói năng và hành động sai quấy, từ đó hình thành nên một năng lực, năng
lực đó dẫn chúng ta đi. Nói dễ hiểu hơn năng lực là một thói quen. Thói
quen này được lặp đi lặp lại nhiều lần, nó tạo thành lực. Năng lực này từ
ba nghiệp mà thành. Khi nó đã thành rồi thì sẽ dẫn chúng ta đi vào con
đường tương ứng. Ví dụ vị đó không biết hút thuốc, nhưng bạn bè rủ hút
riết, họ tập hút. Lần đầu đưa thuốc vào miệng sặc và ho, nhưng lần thứ hai
bớt đi, lần thứ ba nghe dễ chịu một chút, lần thứ tư kê vô miệng ngậm tự
nhiên, không thấy sặc thấy ho gì cả, lại còn nghe ngon nữa. Cứ thế, một
ngày hút một điếu, rồi hai điếu, ba điếu cho đến một ngày hút cả bao. Đến
khi thói quen tạo thành năng lực, tức thành nghiệp rồi thì nó có sức mạnh
phi thường. Bấy giờ cơn ghiền nổi lên, nó bắt hút thì phải hút, không thể
cưỡng lại được. Cho nên người tu sợ nhất là nghiệp, bởi vì khi nó có năng
lực rồi thì ghê gớm lắm.
Hiện
tại chúng ta chưa cảm nhận được sự an lạc như thế nào, vì mình ít khi được
an lạc. Nhưng nếu chúng ta đã thâm nhập, đã thể nghiệm được rồi thì sẽ
thấy an lạc trị được phiền não, có thể giúp ta đương đầu với Diêm Vương
một cách tự tại. Người an lạc đi ngã nào cũng an lạc. Thiền tăng chúng ta
phải đầu tư vào năng lực của trí tuệ để chiến thắng được năng lực của
nghiệp. Như vậy mới đảm bảo đêm ba mươi, ta thoát khỏi quỷ dữ. Nhà thiền
hay nói về đêm ba mươi sau cùng. Vào đêm này, thiền viện hay tổ chức phổ
trà, các bậc tôn túc thường nhắc nhở sách tấn đại chúng nỗ lực công phu,
tăng trưởng đạo hạnh, ngõ hầu khi vô thường đến, chúng ta không rơi vào
các con đường tối tăm.
Người xưa bảo kẻ nào gây tạo nghiệp ác nhiều thì vừa thoát thân, thấy cảnh
giới chung quanh tăm tối, trên trời sấm sét, những tiếng tru tréo của các
loài thú dữ, cảnh tượng khiếp đảm đến mức không thở nổi. Họ bỏ chạy đến
chỗ nào thấy bụi lùm liền chui vô trốn. Vừa vô là thọ thân lông lá sừng
gạc. Đó là đường đi của những người mang ác nghiệp. Trái lại những người
có thiện nghiệp, tu hành có đạo hạnh, khi bỏ thân hiện hữu này tự nhiên
thấy bầu trời thênh thang, gió mát, trăng trong, ánh sáng rực rỡ họ liền
đến đó. Vào trong ấy rồi là đã thọ thai ở những cảnh giới an lạc.
Đêm
ba mươi của chúng ta như thế. Cho nên không phải đợi tới lúc đó mình mới
chuẩn bị, không phải đợi tới lúc khát cháy cổ mới đào giếng, sẽ không còn
kịp nữa. Phải chuẩn bị ngay bây giờ bằng sự nỗ lực tu tập từng giờ từng
khắc. Nếu có ai hỏi quý vị khi xả bỏ thân tứ đại này sẽ đi đâu? Quí vị có
thể nói “sẽ tự tại chọn đường mà đi”. Trả lời được như thế, đảm bảo
chuyến độc hành độc bộ của quí vị hết sức an lạc thênh thang. Không nên
tới lúc đó nhờ người ta hộ niệm, hay giống như con cua bị bỏ vô nồi nước
sôi.
CHÁNH VĂN
Hoặc nơi chợ búa, phải khéo nương nơi bốn hạnh an lạc, đáo xứ tùy duyên mà
thuyết pháp giáo hóa.
Hãy lấy giới luật làm trước để dẫn đường, dù cùng lẫn lộn với thế tục, hòa
quang mà vẫn tự tại, giữ tâm trong sạch như gìn tròng con mắt.
GIẢNG
Đáo
xứ tùy duyên là đến đâu cũng tùy duyên. Tùy duyên mà bất biến, tùy duyên
mà vẫn tự tại, chứ không phải tùy duyên mà bị động.
Đây
là những lời dạy chí thiết của Thiền sư Minh Chánh. Lấy giới luật làm
trước để dẫn đường nghĩa là đường đi của chúng ta có giới luật bảo vệ,
không sợ đi lạc, không sợ bị ngoại ma uy hiếp. Dù lẫn lộn trong thế tục
hòa quang nhưng mà vẫn tự tại. Hòa quang nhưng không mất mình. Chúng
ta cũng như mọi người nhưng đặc biệt mình không quên tánh giác. Ngài dặn
giữ tâm trong sạch như gìn tròng con mắt, câu nói này rất tột cùng.
Giữ cái tỉnh sáng, cái tâm thanh tịnh như giữ tròng con mắt, không để dính
bụi bặm bên ngoài. Dù loại bụi bặm nào, vàng ngọc mà đưa vô con mắt đều
thành bệnh. Phiền não vọng tưởng xả bỏ đã đành, mà Bồ-đề Niết-bàn cũng
phải viễn ly, vì tất cả đều là bụi. Nói trắng ra như vậy để chúng ta không
bị kẹt trên đường tu.
CHÁNH VĂN
Trong chứa chí đạo, ngoài chẳng khinh khi kẻ khác. Chí nguyện phải thân
được hạt châu trên búi tóc để đại phá bốn ma. Một mai thấy suốt tâm bản
lai ngộ nhập chân như tri kiến địa.
GIẢNG
Ngài
nói trong lòng chứa chí đạo, chí đạo nghĩa là gì? Như trong Tín Tâm Minh,
tổ Tăng Xán nói “Chí đạo vô nan, duy hiềm giảng trạch”. Chỗ tột đạo
không khó, chỉ ngại giảng trạch. Chỗ chí đạo giống như cái tâm của mình
rỗng rang sáng suốt. Nó hiện bày đây thôi nhưng muốn nhận, muốn sống được
với nó thì đừng ngược xuôi, đừng vướng mắc. Giảng trạch tức là tâm lăng
xăng điên đảo, nó hoạt động như con khỉ, nắm đông bắt tây, toan tính việc
nọ việc kia. Người tu thiền muốn được định mà giỏi toan tính quá thì khó
được định lắm. Cho nên ai so đo toan tính, bén nhạy đối với tất cả các
cảnh duyên, người đó khó được thiền định.
Người được thiền định là người thấu thoát, là người bất động đối với tất
cả các cảnh duyên, cho nên không toan tính gì hết. Các pháp vốn như thế.
Như nói cái đồng hồ đẹp, mình chỉ biết vậy thôi, chứ không tìm xem nó đẹp
thế nào, của ai. Đó là sống chỗ chí đạo. Tổ thứ ba Thiền tông Trung Quốc
là ngài Tăng Xán đã nói: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giảng trạch”,
nghĩa là chỗ tột của đạo không khó, chỉ sợ tâm lựa chọn phân biệt. Một câu
nói này, chúng ta áp dụng được có thể thành đạo. Lời này đâu có gì cao kỳ,
mà hết sức giản dị, nhưng nếu chúng ta khởi niệm lăng xăng mắc mứu thì khó.
Trong kinh Lăng Nghiêm nói theo niệm là bội giác hợp trần, không theo niệm
là bội trần hợp giác.
Một
niệm vừa khởi lên chúng ta bị nó dẫn tức là giảng trạch, khởi niệm tắng ái,
bị hấp lực của nó dẫn đi. Ngược lại chúng ta bình thản trước tất cả mọi
cảnh duyên và không theo tạp niệm loạn động thì không giảng trạch, từ đó
trí tuệ Bát-nhã hiện tiền. Điều này có khi ta nói được, truyền đạt được,
nhưng chưa làm được vì ta nuôi khỉ vượn nhiều quá, đầu óc toan tính lung
tung, tâm chưa định, niềm tin đối với chánh pháp chưa vững. Từ đó ta sống
theo vọng tưởng điên đảo, tạo nghiệp vô cùng để rồi chuốt quả khổ. Nhìn
lại mình thấy vô lý quá. Cho nên ở đây thượng nhân Minh Chánh dạy chúng ta
những lời rất cụ thể, nói trắng ra hết, không che dấu gì cả.
Người sống được với chí đạo, không bao giờ khinh khi kẻ khác, không thấy
mình được như vầy như kia. Chí nguyện phải thân được hạt châu trên búi
tóc để đại phá bốn ma, ý muốn nói chúng ta là một vị tráng sĩ xông pha
chiến trận, thì phải chiến thắng ma quân, đạt được hạt châu vô giá trong
búi tóc. Tức là nhận ra và hằng sống với tâm chân thật của mình. Một khi
được như thế thì việc tiếp cận đại phá ma quân không còn ngán, không còn
sợ nữa. Như Tướng quốc được vua ban thanh bảo kiếm, có thể dùng nó chém
tội gian thần trước và tâu vua sau. Người này được quyền như vậy. Người
được hạt châu cũng vậy, có một quyền năng lớn lao phi thường. Bao giờ
chúng ta là vị tráng sĩ nhận được hạt châu đó, chúng ta mới có thể đại phá
ma quân.
Một mai thấy suốt tâm bản lai ngộ nhập chân như tri kiến địa, thấy suốt tâm bản lai là ngộ nhập tri kiến Phật. Tâm bản lai cũng chính
là tri kiến Phật. Trong công phu hàng ngày, chúng ta tập trung để luôn
tỉnh và sống được với tánh giác. Như vậy lộ trình trở về quê hay thâm nhập
tri kiến Phật không có gì trở ngại nữa. Đó là phần lý giải mà ngài Minh
Chánh toát yếu lại lời dạy của đức Thế Tôn trong phẩm An Lạc Hạnh.
Có
bài kệ:
CHÁNH VĂN
Diệu Pháp Liên Hoa, đề mục trên,
Bản lai thanh tịnh, rộng trời thênh,
Tới lui hành xứ, mắt tâm sạch,
Qua lại thân gia, tránh tị hiềm,
Cũng chẳng khi người, mà tự đại,
Chỉ nên niệm Phật, một lòng bền,
Một mai đại phá ma quân trận,
Tự tín hoa sen, lúc mọc lên.
GIẢNG
Hai
câu đầu muốn nói Diệu Pháp Liên Hoa cũng chính là tâm, là tri kiến Phật,
là bản lai diện mục hay bản lai thanh tịnh của chúng ta.
Tới
lui hành xứ, mắt tâm sạch,
Qua
lại thân gia, tránh tị hiềm,
Hai
câu này răn dạy chúng ta trong mọi sinh hoạt, phải giữ tâm trong sạch, làm
sao thể hiện được bản lai thanh tịnh. Chỗ qua lại đó không có những tị
hiềm, không có giảng trạch. Đó là chỗ chí đạo. Chúng ta phải luôn tỉnh
giác không chạy theo những huyễn duyên, không bị các hiện tượng trần cảnh
kéo lôi, tức là người bội trần hợp giác, chứ không phải bội giác hợp trần.
Cũng chẳng khi người, mà tự đại,
Chỉ
nên niệm Phật, một lòng bền,
Ở
đây nói niệm Phật nghĩa là sống được với tâm mình. Phật chính là tâm, là
giác, chứ không phải niệm Phật là chỉ niệm danh hiệu. Niệm Phật là hằng
sống với tánh giác của mình.
Một
mai đại phá ma quân trận,
Tự
tín hoa sen, lúc mọc lên.
Được
như thế chúng ta là người chiến thắng ma quân. Vào đêm ba mươi sau cùng
của cuộc đời mình, chúng ta tự tại ra đi, không bị nghiệp dẫn, không hốt
hoảng với tất cả các hiện tượng xung quanh. Người tu thiền phải là người
làm chủ được, giải quyết việc sanh tử của mình, chứ không phải tới lúc bị
nghiệp dẫn lăng xăng sợ hãi. Muốn được như vậy, ngay bây giờ huynh đệ
không được chần chừ nữa, nỗ lực tinh tấn tu tập. Phấn chấn lên, chớ sanh
tâm lười mỏi.
Chúng ta chưa chiến thắng được nghiệp tập, bạn hữu ta chưa chiến thắng
được nghiệp tập, bây giờ mình hỗ trợ nhau để cùng chiến thắng nó. Do đó
không có vấn đề tị hiềm ở đây, mà chỉ có sự thông cảm thương mến và dìu
dẫn nhau đồng tu đồng tiến. Hòa thượng Tôn sư thường nhắc nhở phải sáng
được việc của mình. Một thiền sư Trung Hoa nói “Việc lớn chưa sáng như
đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”. Nếu như làm được việc này
thì không ngán mớ hồ sơ của Diêm vương. Nếu không chuẩn bị kịp tới lúc đó
chỉ còn biết méo miệng, đớ lưỡi, không nói gì được khi thấy gậy gộc, chảo
dầu sôi, cưa sắt, chỉa ba, gươm đao vây quanh khiếp đảm. Bấy giờ chỉ còn
có thụ hình mà thôi. Thảm thương thay!
Tóm
lại, phẩm An Lạc Hạnh được toát yếu trong bốn hạnh như trên đã trình bày.
Bốn hạnh này nếu chúng ta thực hiện được, đương nhiên trở thành người dũng
sĩ đầy đủ sức lực, nhận được hạt châu trên búi tóc, giải quyết xong vấn đề
sanh tử. Việc này mỗi người phải tự đương đầu, không ai có thể thay thế
cho ai được cả. Sư phụ của chúng ta cũng không thể làm thế cho chúng ta,
tất cả những vị thiện thần hộ giáo hộ giới cũng không thể thay thế chúng
ta. Mỗi chúng ta phải từng bước, từng phút giây, từng giai đoạn cố gắng
tôi tròn việc này.
|