Phẩm Như Lai Thọ Lượng
CHÁNH VĂN
Phẩm Thọ Lượng là tiêu biểu cho pháp thân chân thể, xưa nay trong sạch,
chẳng sanh chẳng diệt, sống lâu chẳng thể nghĩ bàn. Người tu hành, nên
thích thú tinh thần này, đồng thời phát tâm Bồ-đề, mong cầu được chứng.
Nếu người chỉ được nghe Phật sống lâu chẳng thể nghĩ bàn, một lòng tin
nhận, thì người ấy được trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn, đời tương lai ắt chứng
được “sống lâu chẳng thể nghĩ bàn” như thế. Bởi hiển bày thức tâm
sanh diệt đã diệt, thì chân tâm tịch diệt chẳng sanh chẳng diệt hiện tiền.
Kinh nói: “Này thiện nam tử, các ông nên tin hiểu lời nói chắc thật của
Như Lai”. Phật bảo ba lần như thế.
Khi đó, trong chúng đại Bồ-tát, ngài Di Lặc làm thượng thủ, đồng chấp tay
bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, cúi xin ngài nói, bọn chúng con sẽ tin lời
của ngài”. Bạch rõ ba lần như vậy.
Nay kẻ tối hạ bần tiện Giác Đạo Tuân này, xin cuối đầu qui mạng lễ.
GIẢNG
Phẩm
Thọ Lượng là nói về tuổi thọ của Pháp thân Phật. Phẩm Thọ Lượng tiêu
biểu cho pháp thân chân thể, xưa nay trong sạch, chẳng sanh chẳng diệt
sống lâu chẳng thể nghĩ bàn. Thể tánh trùm khắp, tuổi thọ vô cùng.
Chúng ta không thể dùng con số hay ví dụ để tính tuổi thọ của pháp thân.
Vì nó vượt ngoài không gian, thời gian, vượt ngoài mọi hạn lượng.
Người tu hành, nên thích thú tinh thần này, đồng thời phát tâm Bồ-đề, mong
cầu được chứng.
Người tu hành nếu chỉ sống trên hiện tượng giới hạn thì sẽ không phát huy
được chỗ chân thật không hình tướng, không sanh diệt. Tâm thể vô hạn, các
hiện tướng hiện cảnh hữu hạn. Vì vô hạn nên không có gì trói buộc, còn cái
hữu hạn dễ vướng mắc, ràng buộc, nhưng lại luôn biến đổi, có đó rồi không
đó. Tạo ra khó khổ mà cũng không bảo quản được mãi mãi. Ví dụ như thân
chúng ta, từ ngày sinh ra cho tới già chết, muốn bảo trì viên mãn trọn vẹn,
không phải là điều dễ dàng.
Cho
nên nhìn vào cuộc đời, không có gì bền vững. Kẻ giàu, người nghèo, tất cả
đều vô thường. Mạng căn và phước duyên mỗi người khác nhau, song tất cả
đều nằm trong điều kiện giới hạn, rất khó gìn giữ. Vậy nên cần cầu thoát
ly, bỏ thân huyễn giả để trở về sống với thân chân thật. Điều này đòi hỏi
chúng ta phải dứt khoát, mới có thể khắc phục được tập nghiệp của mình,
dần dần ra khỏi trần lao sanh tử. Ví dụ khuya hôm nay, đại chúng đều tinh
tấn lên Thiền đường ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh tọa thiền. Riêng mình lại
gật gù rồi bỏ cuộc, đi làm việc khác. Đây chính là hiện tượng không cố
gắng, không làm chủ được, để nghiệp lực đẩy mình đi xa. Ở trong tập thể mà
không dính dáng gì với tập thể. Từ một giờ một ngày, rồi nhiều giờ nhiều
ngày như thế, thân xác mình sống ở đây nhưng tinh thần ở chỗ khác. Đó là
hiện tượng của sự thoái hóa, cần phải chỉnh đốn ngay lập tức. Nếu không
chúng ta sẽ khó giữ được tâm Bồ-đề.
Thân
chúng ta trải qua từng chặng. Hai mươi đến ba mươi tuổi, ba mươi đến bốn
mươi tuổi, bốn mươi đến năm mươi tuổi, năm mươi đến sáu mươi tuổi. Nếu ở
thập kỷ hai mươi ba mươi tuổi, mình không tập làm chủ thì đừng nói tới
thập kỷ năm mươi sáu mươi. Vì đến thập kỷ sáu mươi, chúng ta chỉ tạm dùng
thân này với hình thức bên ngoài, chớ tinh thần đã suy yếu, không còn mẫn
tiệp hay mạnh mẽ như lúc trẻ nữa. Đến giai đoạn này muốn hạ thủ công phu
cũng không hạ thủ nổi. Do đó làm sao anh em phải vào nề nếp, nhất là hoàn
chỉnh công phu trước thập kỷ ba mươi bốn mươi. Tiền nợ cơm áo không phải
là chuyện đơn giản. Cho nên chúng ta phải cố gắng tỉnh sáng trước khi đối
đầu với Diêm vương.
Chúng ta phải biết thương mình. Biết thương mình thì đừng để nợ nần vây
bủa. Cho nên ngay bây giờ phải thực tâm nghĩ đến việc chính của mình. Nói
đến tuổi thọ của Phật là nói đến tâm thể của chúng ta. Việc tu tập hay làm
các thiện sự chỉ là phát huy hình thức bên ngoài, đó chỉ là những phúc vụn,
những cái tầm thường thôi. So với công phu của đức Phật trong khoảng chưa
thành chánh giác, chúng ta không được tí xíu nào cả. Từ khi ngài đổi chiếc
y với người thợ săn, lang thang trong rừng khổ hạnh, học pháp và chứng các
tầng thiền định. Thân thể suy cùng đến tột độ… Chúng ta chưa có gì để bì
được, sáng tới bữa ăn, trưa lại một bữa ăn nữa, ăn trưa chưa vơi thì lại
tới bữa ăn chiều. Tối đến ngủ gà ngủ gật, sáng ra lại dể duôi, chưa dứt
khoát việc tu hành. Thử hỏi bao giờ thành Phật đây?
Học
thì chúng ta cũng học, hiểu cũng có hiểu, nhưng phần áp dụng còn lơi lỏng.
Bởi lơi lỏng nên cuộc sống hằng ngày bị bức xúc, tinh thần không an ổn,
việc tu không tiến. Người xưa khi xét thấy công phu chưa tiến là trầm
thống vô cùng. Còn chúng ta bây giờ thấy bình thường thôi, không cảm nhận
đau xót trong lòng chút nào cả. Do đó mình tu không tới đâu hết. Các vị
ngày xưa nói do công phu không miên mật nên mới ngủ gục. Nếu chúng ta có
bệnh này phải khắc trị ngay, không để như vậy đến hết cuộc đời mình. Đừng
bao giờ mê muội như thế. Thời gian thuận lợi chỉ đến với chúng ta trong
một giai đoạn nào thôi, rất giới hạn. Vì vậy chúng ta tranh thủ giải quyết
cho xong việc của mình, không thể xem thường.
Ngài
Từ Minh ở chỗ thiền sư Thiện Chiêu, những phút giây tâm miên mật không
liên tục, ngài dùng dùi nhọn để trong lửa đỏ và đâm vào bắp đùi mình.
Người xưa tự kỷ luật nghiêm khắc như vậy. Những tấm gương này nếu chúng ta
không được học, không noi theo thì không thể tu tiến. Cho nên các huynh đệ
ý thức đến yếu tố miên mật trong công phu. Miên mật có nghĩa là liên tục.
Tổ sư đã từng nói, nếu tâm ban đầu giữ được liên tục lâu dài thì việc tu
thành Phật là chắc chắn thôi. Mỗi huynh đệ phải tự kiện toàn lấy mình.
Kiện toàn giới đức, kiện toàn định lực, kiện toàn trí tuệ. Chúng ta phải
tự ý thức mình là người tu, không thể chứa chất ma mị trong tâm. Khi bản
thân mỗi cá nhân tốt thì tập thể cũng sẽ tốt, toàn đạo tràng tốt theo.
Tuổi
thọ của Như Lai là vô lượng vô biên, không gì có thể tính kể. Cho nên tất
cả thế gian này tập trung trí lực như ngài Xá Lợi Phất lại cũng không thể
nghĩ bàn chỗ đó. Đó cũng chính là tâm thể của chúng ta, tuổi thọ của chúng
ta. Còn tuổi thọ vài ba chục năm của thân cha mẹ sanh đây không có gì đáng
nói cả. Vì vậy cho nên các Thiền sư nói khi bỏ thân này như cởi được chiếc
áo mùa hạ, như đắp chiếc chăn mùa đông, rất là nhẹ nhàng, không có gì đáng
sợ hãi cả.
Khi đó, trong chúng đại Bồ-tát, ngài Di Lặc làm thượng thủ, đồng chấp tay
bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, cúi xin ngài nói, bọn chúng con sẽ tin lời
của ngài”. Bạch rõ ba lần như vậy. Các vị Bồ-tát vô lượng vô biên từ
dưới đất vọt lên mà Phật nói là con của Phật. Các vị này đã tu vô lượng vô
biên kiếp. Chuyện này các đại Bồ-tát thượng thủ không hiểu nổi. Do đó Phật
liền nói tuổi thọ của ta vô lượng vô biên, nên mới độ vô lượng vô biên các
vị Bồ-tát. Phẩm này nói đến pháp thể và lực dụng của Như Lai. Công đức của
pháp thể là như thế. Vinh dự lớn lao nhất là tất cả chúng ta đều đầy đủ
pháp thể. Bây giờ muốn nó hiện tiền thì đừng để vọng tưởng kéo lôi.
Nói
trở lại pháp tu của chúng ta, với các dấy niệm mình không dể duôi, không
bị dẫn bởi cảnh, bởi tâm vọng tưởng. Sống tỉnh sáng, làm chủ được tất cả
cảnh duyên, dần dần pháp thể sẽ hiện tiền.
CHÁNH VĂN
Kệ rằng:
Nghe rồi xoay thấy chủ nhân ông,
Mới rõ tu chân chẳng dụng công,
Hay chuyển pháp luân, trần số chúng,
Quay về giác đạo, tịnh tâm đồng,
Được nghe Phật thọ lâu xa tít,
Phước lớn nhân duyên bằng thái không,
Tạo tác cúng dường, công hữu lậu,
Suy lường thọ mạng, đức vô song.
GIẢNG
Bài
kệ này diễn tả pháp thân vô cùng vô tận. Chúng ta nhận được chủ nhân ông
là do chỗ chân dụng công. Phần tự lợi lợi tha đầy đủ, độ tận chúng sanh,
công đức không thể nghĩ lường. Đem hư không thênh thang rộng lớn không bờ
mé ví với cái đó cũng không bì được. Cho nên lấy công đức hữu lậu suy
lường với thọ mạng vô lượng của Như Lai, trọn không chút dính dáng. Hữu
lậu thì hữu cùng, hữu sinh thì hữu diệt. Chân tánh pháp thân vô cùng vô
tận, không sanh không diệt. Tánh giác là gì và làm sao sống được với tánh
giác là phần của mỗi chúng ta.
Con
đường thẳng tắt đến với tánh giác vẫn là không theo dấy niệm vọng tưởng.
Ngay đây đã có định tuệ. Pháp tu như vậy, chúng ta phải nắm vững và thực
hành cho đến nơi đến chốn. Khi mình đã tin nhận, đã có công phu thì dù vật
đổi sao dời mình cũng bình an, hằng sống như thế. Thế nên tôi mong mỏi chư
huynh đệ kịp nhận ra việc chính của mình, tha thiết thương mình. Nên nhớ
chỉ có mình giải quyết cho mình, không ai thay thế được. Mỗi chúng ta tự
vươn lên, tự gầy dựng cho mình sự nghiệp giác ngộ giải thoát.
|