Phẩm Phân Biệt Công Đức, Tùy Hỷ Công Đức
Và Pháp Sư
Công Đức
CHÁNH VĂN
Phẩm Tùy Hỷ Công Đức.
Do kinh này, nguyên lai là mở bày thức tâm vọng tưởng của chúng sanh, chỉ
rõ tri kiến Nhất thừa Phật tuệ thanh tịnh. Nên vào đầu kinh Phật phóng
quang có hai ý:
1. Nhân ánh sáng mà được
thấy rõ.
2. Hiện cảnh mà dẫn khởi
thức tâm.
Khiến hạng người chấp thức sanh nghi, để rồi theo chỗ nghi ngờ của họ mà
chỉ bày. Di Lặc đương cơ khởi nghi, ấy vì Di Lặc từ xưa đến giờ dùng thức
mà tu. Nhưng thức thì nhiều lưu chuyển, niệm niệm sanh diệt. Trong đoạn
kinh trước nói: “lòng thường ôm giải đãi, say đắm nơi danh lợi không chán,
luôn dạo nhà giàu có”.
Đoạn kinh nói trên là chỉ cho thức tâm vậy. Lấy Di Lặc mà ví cho cả chúng
sanh, từ vô thủy đến giờ, chấp vọng thức này làm thể. Nay trên hội được
nghe kinh Pháp Hoa, khế hợp với bản tâm, chân như thanh tịnh, chẳng sanh
chẳng diệt. Mới hay tâm này, là nhân chánh thành Phật. Nương nơi đây tu
hành tiến vào, thì mỗi pháp mỗi pháp đều là công đức, thẳng đến thành Phật,
lại chẳng còn theo vọng thức lưu chuyển nữa. Đó cũng là tiêu biểu cho
nghĩa chuyển thức thành trí vậy.
Nên biết, nếu có người được nghe kinh này, quyết định tương lai thành Phật.
Thế nên đều phải tùy hỷ.
Nhưng tùy hỷ kinh này lần lượt đến người thứ năm mươi, công đức của người
này, chẳng thể đem những công đức khác, mà có thể so sánh bì kịp. Huống
nữa là pháp sư, siêng năng thọ trì đọc tụng kinh này, thì tự thấy thiên
chân chẳng động, sáu căn thanh tịnh bản nhiên. Đấy là công đức của pháp
thân, dù có tính đếm, thí dụ, cũng chẳng lường xiết.
GIẢNG
Vào
đầu kinh Pháp Hoa chúng ta thấy Phật hiện tướng phóng hào quang từ lông
trắng ở giữa chân mày. Hào quang đó soi khắp trên dưới mười phương cõi,
hiện rõ lục thú luân hồi. Nguyên lai để mở bày thức tâm vọng tưởng của
chúng sanh, chỉ rõ tri kiến nhất thừa Phật tuệ thanh tịnh. Chỉ ra đâu là
thật, đâu là không thật, cái nào là thức tâm vọng tưởng, cái nào là nhất
thừa Phật tuệ thanh tịnh.
Hòa
thượng Ân sư dạy vừa có một niệm dấy khởi, biết nó không thật, buông đi.
Nếu chúng ta thực hiện được như vậy thì không bị niệm kéo đi. Từ đó ta
vạch bày được Phật tuệ Nhất thừa tri kiến của mình. Những hình ảnh ta tiếp
xúc đều là thức tâm không thật. Người nào biết được như vậy là có trí dụng,
tri kiến Phật từ đó được hiện bày. Trái lại trong tiếp duyên xúc cảnh ta
không nhận được đâu là thật, đâu là giả, bị cảnh duyên kéo lôi, chạy theo
niệm lăng xăng, thì bị thức tình vọng tưởng nhận chìm. Người như vậy tri
kiến Phật tuệ không bao giờ mở cửa. Chỉ khi chúng ta làm chủ được, không
bị mắc mứu bởi các duyên, tri kiến Phật tuệ mới hiện bày. Tu tập cho đến
khi nào chúng ta tự tại, không còn bị vướng mắc, chao đảo bởi các hiện
tượng bên ngoài, lúc đó không nói thức tâm, cũng không nói tri kiến địa,
không nói Phật tuệ thanh tịnh… mà lúc đó là lúc như như, hằng sống được
với ông chủ.
Trước khi nói kinh, Phật phóng ánh sáng từ lông trắng giữa chân mày, ánh
sáng đó soi khắp mười phương cõi, cho chúng ta thấy tất cả cảnh giới, để
rồi theo chỗ nghi ngờ của chúng sanh mà chỉ bày. Ở đây đương cơ là Bồ-tát
Di Lặc, pháp tu của ngài dựa trên thức tâm.
Di Lặc đương cơ khởi nghi, ấy vì Di Lặc từ xưa đến giờ dùng thức mà tu.
Nhưng thức thì nhiều lưu chuyển, niệm niệm sanh diệt. Trong đoạn kinh
trước nói: “lòng thường ôm giải đãi, say đắm nơi danh lợi không chán, luôn
dạo nhà giàu có”. Những người lòng thường giải đãi, không vui, không
năng nổ, tuy cũng sợ khổ muốn tu, nhưng chưa dứt khoát. Nếu có duyên bên
ngoài rủ rê mạnh hơn, họ chạy theo liền. Huynh đệ nào lười nhác tu học,
lười nhác làm công việc trong chúng, đó là sống theo thức tình vọng tưởng,
chưa nhận và sống với tâm thể thanh tịnh của mình.
Người say đắm nơi danh văn lợi dưỡng sẽ bị thức tâm nhận chìm. Người không
siêng năng tu hành, cứ bỏ bê thời khoá, trong lòng nuôi dưỡng những danh
văn lợi dưỡng, liên hệ với những nhà quyền quý, cuối cùng sẽ bị những thứ
ấy câu thúc, không thể tu hành được. Cho nên vị nào từ thời mới tu hay
giao thiệp với quần chúng Phật tử để tư lợi về mình, trước nhất tự bản
thân họ đánh mất thì giờ tu tập, sau là không thể giữ được cương lĩnh tu
hành. Vì mục đích chánh yếu của đời tu đã bị xoay chuyển. Huynh đệ người
nào có tâm như thế, sớm muộn gì rồi cũng bỏ đạo. Bởi vì đạo lý không hấp
dẫn bằng danh văn lợi dưỡng. Ngược lại nếu sự giao thiệp đó có lợi cho tập
thể, bản thân họ không tham đắm danh văn lợi dưỡng thì người đó có phước.
Tuy nhiên không khéo họ cũng bị vướng mắc vào các việc phước thiện ấy. Vì
thế phải xác định lập trường của mình là khai mở tuệ giác, chấm dứt phiền
não khổ đau. Phước thiện chỉ có giá trị hữu hạn, không phải là mục đích
cứu cánh của người xuất gia cầu giải thoát.
Những thứ bên ngoài không thiết thực đến việc tu hành của chúng ta. Nó dễ
làm dấy khởi thức tình vọng tưởng. Một khi thức tình vọng tưởng hưng phấn
rồi thì tâm thể rỗng rang sáng suốt bị phủ che. Vì vậy chủ trương tu ở
thiền viện, Hòa thượng dạy tất cả thiền sinh phải đề cao tỉnh giác. Vì nếu
không tỉnh giác là mê. Mê là quên. Quên đi tánh giác bản hữu thanh tịnh
sẵn có của mình. Từ đó bị mắc mứu, chạy theo những vọng tưởng lăng xăng
điên đảo. Trong kinh Lăng Nghiêm gọi là chạy theo bóng dáng sáu trần.
Người sống được với tánh giác thì thức tình không làm gì được. Từ tỉnh
giác phát huy tâm thái sáng suốt, xóa tan mọi mê mờ si ám. Nếu mình cứ lờ
mờ, thức tình trổi lên, tánh sáng kia bị phủ che. Vì vậy Hòa thượng dạy
vừa có một niệm dấy khởi, chúng ta phải buông cho được những niệm đó. Tức
là không để thức tình vọng tưởng dấy lên, bộc phát và lôi kéo chúng ta đi
vào mê lộ.
Bồ-tát Di Lặc thị hiện gương hạnh tu hành trước, nếu việc nào không chính
đáng chúng ta phải tránh để không bị vướng vào đó, mất thì giờ. Đức Thích
Ca nói giữa Ngài và Bồ-tát Di Lặc cùng phát tâm xuất gia một lượt. Bồ-tát
Di Lặc thích giao thiệp với những nhà giàu có, lẩn quẩn theo việc danh lợi,
nên thành Phật sau đức Thích Ca. So sánh như thế để chúng ta khởi tâm
quyết liệt trong công phu tu tập.
Chúng ta xuất gia và thọ giới của Phật là có nhân duyên lớn, có công đức.
Ánh sáng ban đầu tuy nhỏ nhưng nó sẽ phát huy và được soi khắp. Một ông
hoàng con trong tương lai sẽ thành một ông vua lãnh đạo khắp thiên hạ.
Chúng ta chỉ là người mới phát tâm tu hành, nhưng nếu tu hành chân chánh
nhất định sẽ thành Phật, giáo hóa lợi ích vô lượng chúng sanh. Chúng ta đã
xuất gia và thọ giới của Phật, cố gắng nêu cao tánh giác, đừng để thức
tình có cơ hội dấy lên kéo lôi mình. Được vậy nhất định sự tu hành sẽ tăng
tiến.
Đoạn kinh nói trên là chỉ cho thức tâm vậy. Lấy Di Lặc mà ví cho cả chúng
sanh, từ vô thủy đến giờ, chấp vọng thức này làm thể. Nay trên hội được
nghe kinh Pháp Hoa, khế hợp với bản tâm chân như thanh tịnh, chẳng sanh
chẳng diệt. Mới hay tâm này, là nhân chánh thành Phật.
Ở đây nói Bồ-tát Di Lặc là một vị Bồ-tát thị hiện cầu danh, tu từ thức tâm
vọng tưởng, trải dài kiếp số mới thành tựu Bồ-đề. Chúng ta cũng như thế,
thường bị thức tình vọng tưởng kéo lôi, nên việc tu hành trì trệ. Chúng ta
thường quên lãng tánh giác nên bị vọng tưởng lăng xăng nhận chìm. Trong đó
có ngũ dục tài, sắc, danh, thực, thùy. Nếu không khéo mình sẽ bị cái dục
thứ năm là ham ngủ nhận chìm, không ngoi đầu lên nổi.
Tinh
thần tu hành miên mật, sẽ giúp hành giả vượt thắng mọi chướng ngại. Trong
mọi thời khóa tu hành lúc nào mình cũng giữ đều đặn, thầm bảo vệ sự tỉnh
giác thì tham, sân, si, vọng tưởng điên đảo… sẽ không làm gì được mình.
Đây là kinh nghiệm của những bậc đi trước và cũng là bài học thể nghiệm
của những vị hiện tại. Nếu không qua được cửa này đừng nói tới chuyện vào
thiền định. Muốn vào thiền định phải có sự miên mật trải dài mới được.
Chúng ta nghe nói sanh tử cũng ngán, thấy người khác chết cũng sợ, nhưng
vẫn còn dể duôi, chưa chuẩn bị gì cho bản thân. Ta cứ ham chơi, ham ăn,
ham lười biếng, cầu danh lợi… do đó chưa vào được chỗ miên mật. Nếu ngán
việc sanh tử, lúc nào cũng nỗ lực công phu, như vậy mới ra khỏi sanh tử
được chứ. Bây giờ ta thử công phu miên mật, xem có trị nổi bệnh dể duôi,
lười nhát, vọng tưởng lăng xăng không.
Thiền sinh trong hoàn cảnh hôm nay, một xã hội hiện đại, văn minh bắt buộc
càng phải vững chắc trong công phu thiền định. Có thiền định mới phát sinh
trí tuệ giáo hóa chúng sanh. Nếu chúng ta chưa thực hiện được những ý
nguyện trên thì im lặng. Im lặng không có nghĩa là đầu hàng mà để chuẩn bị
một tư thế mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn. Biết các pháp không thật, tại sao
mình phải đầu hàng? Bây giờ chúng ta chưa làm được, nhất định sau đó sẽ
làm được.
Thiền sư luôn luôn khắc phục, chứ không cầu xin. Khi cầu xin là mình chấp
nhận sự yếu đuối cả đời, không vươn lên được. Một nhà tu, tuy hiện nay còn
những niệm lăng xăng, nhưng sẽ phát huy trọn vẹn thành Phật và độ tất cả
chúng sanh. Chính những người tu hành mới dám phát nguyện vào địa ngục để
giáo hóa chúng sanh, giúp họ nhận ra tánh giác và hết khổ. Việc làm của
chúng ta to lớn như thế.
Nên biết, nếu có người được nghe kinh này, quyết định tương lai thành Phật.
Thế nên đều phải tùy hỷ.
Nghe được kinh này, tức là nghe được Phật tri kiến, nhận được Phật tri
kiến của chính mình. Nhận đây là nhận Phật nhân, Phật gốc. Nhận được mình
có gốc Phật mới phát tâm tu hành thành Phật. Trong kinh Pháp Hoa nói những
đồng tử giỡn chơi, chúng đùa cát thành tháp Phật, chúng niệm Phật, đều
được Phật huyền ký cho những đứa bé này tương lai sẽ thành Phật.
Nhưng tùy hỷ kinh này lần lượt đến người thứ năm mươi, công đức của người
này, chẳng thể đem những công đức khác, mà có thể so sánh bì kịp. Huống
nữa là pháp sư, siêng năng thọ trì đọc tụng kinh này, thì tự thấy thiên
chân chẳng động, sáu căn thanh tịnh bản nhiên. Đấy là công đức của pháp
thân, dù có tính đếm, thí dụ, cũng chẳng lường xiết.
Công đức của người hành trì kinh này rất rộng lớn, nhẫn đến người nơi một
niệm tùy hỷ với tri kiến Phật, nhất định cũng sẽ thành tựu Bồ-đề. Nếu hành
trì đúng sẽ thấy được chân tánh bất động và sáu căn thanh tịnh bản nhiên.
CHÁNH VĂN
Kệ rằng:
Dật-đa hội ngộ, chánh nhân đồng,
Xin hỏi Năng nhân, lường xét công,
Tùy hỷ vì người mà chỉ dạy,
Văn Tư Tu tự chứng viên dung,
Ví chăng thí chủ công tuy lớn,
Đâu sánh nghe kinh, đức chẳng cùng,
Huống nữa thọ trì siêng giảng thuyết,
Sáu căn thanh tịnh hiển thần thông.
GIẢNG
Đây
là phẩm nói về công đức của người nhận ra tánh giác, hằng sống với tánh
giác, người không bị thức tình vọng tưởng kéo lôi. Chúng sanh bị dòng đời
lôi cuốn nên quên tánh giác gọi là mê. Quay về được tâm thanh tịnh bản
nhiên, không bị vọng tưởng kéo lôi gọi là giác. Đó là điều mà thiền sinh
chúng ta phải nhớ. Mong tất cả chư huynh đệ cùng hạnh, cùng hướng, cùng
nguyện sẽ khắc phục những khiếm khuyết của mình, để chúng ta đồng bước vào
giai đoạn công phu miên mật tăng tiến. Nếu công phu miên mật tăng tiến rồi,
lúc ấy chúng ta hiện tiền, hiện bày rỗng rang sáng suốt. Vui thú biết là
bao!
|