ĐỀ CƯƠNG KINH PHÁP HOA

T.T THÍCH NHẬT QUANG

Phẩm Thường Bất Khinh Bồ-Tát

CHÁNH VĂN

Phẩm Bản sự của Bồ-tát Bất Khinh. Đây nói việc trước đã từng làm, là nhiếp ý sáu căn thanh tịnh ở trước. Nghĩa là Phật xưa lúc thực hành đạo Bồ-tát, tâm hành bình đẳng. Biết rõ tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, sáu căn thanh tịnh bản nhiên. Mỗi mỗi đều sẽ làm Phật, nên thường thực hành hạnh phổ kính, lòng không chút ngã mạn.

Chẳng nghĩ mình trì giới mà khinh khi kẻ hủy phạm. Chẳng cậy có trí tuệ mà cho kia ngu si. Cũng chẳng khoe mình cao quí mà xem thường người hạ tiện… Cho đến thấy các loài bò bay máy cựa, côn trùng nhỏ nhít cũng chẳng bỏ lòng thương xót, mà thảy đều mến yêu và càng bảo bọc chúng hơn. Chính đấy là lòng từ bi bình đẳng, là nghĩa bất khinh vậy. Người tu hành phải nên học như thế!

Lại Bất Khinh còn ám chỉ người tu hành, chẳng nên tự khinh mà thoái khuất.

Nên biết sáu căn trong sạch, tâm thể xưa nay của mình cùng chư Phật không khác. Các ngài đã được làm Phật, tại sao ta lại cố thủ ngu si để làm gì? Cổ đức có câu: “Kia đã trượng phu, ta cũng vậy”.

Đến chỗ này, các học nhân cần phải nhận rõ. Lại kinh Kim Cương cũng có dạy: “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp”.

GIẢNG

Đây là phẩm bản sự của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Thường Bất Khinh có nghĩa là luôn luôn không dám khinh bất kỳ ai. Bởi vì tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Đây là điều đức Thế Tôn đã khẳng định ngay khi ngài thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật nhưng vì ngu mê nên bị chìm đắm và khổ đau trong luân hồi sanh tử. Chúng sanh chịu luân hồi sanh tử là do không tin vào nhân quả.

Theo luật nhân quả, đã gây tạo nhân gì thì sẽ gặt hái quả ấy. Nhưng chúng sanh thường không sợ nhân, cứ gây tạo một cách bừa bãi, gây tạo bằng tâm điên đảo vọng tưởng. Gây những nhân như thế thì quả của nó không phải quả thường, mà là quả mang lông đội sừng, trầm luân khổ ải. Trong kinh Địa Tạng đức Phật có nói giả như cha với con, nhưng nghiệp của con con chịu, của cha cha gánh, không ai thế ai được. Như huynh đệ chúng ta cùng tu một pháp môn, ở chung một thiền viện, nhưng mỗi người có căn nghiệp, có tập nhân riêng, không ai giống ai.

Hiểu rõ như thế, chúng ta đừng gây tạo những nghiệp nhân bất thiện. Nếu có gây tạo thì nên gầy dựng lại khả năng thành Phật của mình, không gây tạo gì khác. Chúng ta khi nghe nói tri kiến Phật đều biết mình có phần. Đó chính là niềm vui vô cùng to lớn. Cho nên việc duy nhất của mình là tác Phật. Để thực hiện sứ mệnh của một vị Bồ-tát gieo rắc niềm tin cho chúng sanh về khả năng thành Phật của họ, Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp bất cứ ai cũng đều bái và nói “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài là Phật sẽ thành”. Dù bị đánh bị đuổi, ngài cũng chỉ nói câu đó, giữ một tâm nguyện, một việc làm duy nhất. Đó là tấm gương cho chúng ta học và hành về niềm tin tuyệt đối về tri kiến Phật sẵn có nơi mình. Đồng thời Bồ-tát Thường Bất Khinh cũng dạy cho chúng ta đốn tận gốc cây cờ ngã mạn, qua hình ảnh gặp ai ngài cũng bái. Bởi vì ngã mạn rất chướng ngại trên bước đường tu tập để đi tới giác ngộ giải thoát.

Đoạn đường từ đây cho đến ngày thành Phật, nếu chúng ta không quyết định thì sẽ trải dài thân xác sanh đây, chết kia… không biết đến đời kiếp nào mới kết thúc. Một khi chúng ta khẳng định rõ ràng đường đi nước bước, chúng ta có thể đoán được tương lai và thành quả của mình. Đỉnh cao của sự tu hành là tác Phật chứ không có việc khác. Các thiền sư tuy dùng phương tiện tùy theo đối tượng hướng dẫn, nhưng cũng quy về việc tác Phật, tác tổ thôi. Hạnh Thường Bất Khinh phải được chúng ta thực hành, chớ không phải hiểu biết suông.

Đây nói việc trước đã từng làm, là nhiếp ý sáu căn thanh tịnh ở trước. Nghĩa là Phật xưa lúc thực hành đạo Bồ-tát, tâm hành bình đẳng. Biết rõ tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, sáu căn thanh tịnh bản nhiên. Mỗi mỗi đều sẽ làm Phật, nên thường thực hành hạnh phổ kính, lòng không chút ngã mạn. Phật lúc xưa hành đạo Bồ-tát, tâm hành bình đẳng. Bồ-tát Thường Bất Khinh cũng là vị Bồ-tát biểu trưng cho quá trình tu nhân của đức Thế Tôn và của chính chúng ta nữa.

Tâm hành bình đẳng, nghĩa là tâm và hạnh bình đẳng. Biết rõ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, là biết rõ tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật. Sáu căn thanh tịnh bản nhiên, là đối duyên xúc cảnh không chạy ra ngoài, không vướng mắc, không lăng xăng, lúc nào sáu căn cũng thanh tịnh rỗng rang sáng suốt. Ở đây dùng chữ bản nhiên, nghĩa là gốc của nó sáng suốt như thế. Mỗi mỗi đều sẽ làm Phật, nên thường thực hành hạnh phổ kính. Chúng ta đều có sẵn tánh Phật, bình đẳng như nhau nên mình phải cung kính, không có niệm khác. Luôn nhắc nhở, khuyến tiến, động viên nhau nhằm thực hiện cho được công phu tu tập đến viên mãn. Lòng không có chút ngã mạn, là không còn một chút cù cặn trong lòng, không thấy cái ta hiện hữu trên đời là quan trọng số một. Do đó có thể thực hành phổ kính, cúi đầu trước tất cả mọi chúng hữu tình.

Huynh đệ biết rằng tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật, do vậy mình không dám khinh ai hết. Khinh sao được? Tất cả đều là Phật sẽ thành, ai dám khinh Phật. Giả như bây giờ ông cụ đó bệnh hoạn ho hen, hoặc người có thân phận thấp thỏi, nhưng tương lai tất cả đều là Phật. Do đó ta không được xem thường các vị ấy. Trong cư xử, chúng ta tâm niệm sống với nhau như vậy thì tốt đẹp biết bao nhiêu. Đó là đời sống của một tăng sĩ, là gương hạnh của tăng già, một sự thể hiện vừa trí tuệ vừa đạo đức của một người tu hành. Nếu chúng ta đi con đường Phật, làm việc Phật, nhất định ta sẽ là Phật, chứ không là gì khác.

Chẳng nghĩ mình trì giới mà khinh khi kẻ hủy phạm. Trong tinh thần phổ kính, chúng ta biết tất cả đều là Phật sẽ thành thì không có những so sánh khinh khi hay tôn trọng riêng biệt. Không nghĩ mình là người trì giới, mà xem thường người phá giới.

Chẳng cậy có trí tuệ mà cho kia ngu si. Mình không ỷ, không tự thị ta là người khôn ngoan sáng suốt mà cho người kém cỏi.

Cũng chẳng khoe mình cao quí mà xem thường người hạ tiện… Đạo Phật chủ trương xóa bỏ giai cấp với câu nói nổi tiếng “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Thế nên không có hơn thua cao thấp trong đời sống của tăng già, của các thiền sinh. Lòng rỗng rang, tâm niệm sáng suốt, việc làm duy nhất của chúng ta là tác Phật, không có cái khác.

Cho đến thấy các loài bò bay máy cựa, côn trùng nhỏ nhít cũng chẳng bỏ lòng thương xót, mà thảy đều mến yêu và càng bảo bọc chúng hơn. Tức là thể hiện lòng từ bi thương xót, hiếu thuận phổ kính đối với tất cả chúng sanh. Cho dù loài hơn mình hay kém mình đều bình đẳng, không sai khác. Điều này nhất thời chúng ta chưa làm được, nhưng nên nuôi dưỡng tâm niệm phải làm cho được. Kinh đã kể nhẫn đến các đồng tử chơi giỡn vùa cát đắp mô, xưng niệm danh hiệu Phật, đều được Như Lai thọ ký sẽ thành Phật. Để thấy rằng dù hạng nào, nếu được vun quén, hướng dẫn, phát triển hoàn chỉnh thì sẽ thành tựu được quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Huynh đệ ý thức như vậy để tăng trưởng lòng tin nhiều hơn. Khả năng thành Phật không biên cương, không có giới hạn, bao giờ thành tựu việc ấy chúng ta mới yên lòng. Cho nên kinh Pháp Hoa mở ra một chân trời thênh thanh vô hạn, chân trời tịnh thanh, tất cả đều là Phật. Hoặc Phật đã thành, hoặc Phật sẽ thành, hoặc Phật đang thành v.v... nên chúng ta đều phải cúi đầu cung kính.

Lại bất khinh còn ám chỉ người tu hành, chẳng nên tự khinh mà thoái khuất. Chúng ta đừng ám thị rằng việc thành Phật lớn lao, mình không có phần, không thể làm được mà sanh lui sụt. Bằng tâm nguyện, bằng ý chí, mỗi chúng ta quyết tâm sẽ làm được. Nếu không biết nuôi dưỡng gốc Phật, tự khi mình thì sẽ sanh lui sụt, không thể thành tựu được chủng Phật sẵn có của mình. Phật nói những kẻ như thế thật đáng thương xót vậy.

Như sống trong thiền viện, trước khi làm thiền tăng, quí vị là cư sĩ Phật tử ở những phương trời nào. Kẻ miền đông, người miền tây, miền bắc v.v… không phải bà con ruột thịt, cũng chưa hề quen biết nhau, nhưng do nhân duyên với Phật pháp, quí vị tựu về đây xin tu thiền. Trước khi các vị được làm thiền sinh, có một thời gian để tập sự. Tùy mỗi vị mà thời gian có khi 3 tháng, 4 tháng, 1 năm, 2 năm v.v... mới được xuất gia. Thời gian tập sự là một sự thay đổi lớn. Có những vị ôm chí cả, bước tới cửa thiền hiên ngang đòi làm Phật, không sợ muỗi mồng, xem cuốc đất trồng khoai là việc nhỏ. Nhưng khoảng ba tháng ý chí bắt đầu mòn mỏi, cuốc đất trồng khoai, thức khuya dậy sớm, ngồi thiền tụng kinh hết nổi. Thế là buổi sáng nào đó lên chào thầy đi, hoặc có vị thấy xe chạy ngang nhảy lên luôn, khỏi phải chào hỏi cho tiện. Nội khoảng đó quí vị chưa khắc phục được thì nói gì đến chuyện thành Phật.

Cho nên khoảng thời gian đầu hăng hái chưa thể tin đâu, phải trải qua thời gian dài lâu mà vẫn giữ vững tâm nguyện, thể hiện ý chí cứng cỏi mới có thể vào cửa thiền viện. Các vị cư sĩ tập tu nên hiểu sự thử thách ấy không phải là điều khó khăn, mà là chất liệu để nuôi dưỡng tâm Bồ-đề quí vị ngày một lớn mạnh. Tại mình không chịu bước tới chứ không phải tại Hòa thượng khó. Chính những khuôn phép ấy chuẩn bị cho quí vị những bước đi vững chắc trên lộ trình làm Phật. Muốn bước đi vững, đôi chân phải vững, đầu gối phải chắc cho nên phải có sự huấn tập như thế.

Ngày xưa có những pháp hội cả ngàn người, như pháp hội tổ Quy Sơn, pháp hội tổ Vĩnh Minh… Trong mấy ngàn người đó, ai có khả năng lọc lừa hết? Không vị Hòa thượng đường đầu nào đủ sức khỏe để nghe mấy thầy thưa hết mọi chuyện. Chuyện ông này phiền ông kia, ông kia thoi ông nọ, Hòa thượng Đường đầu không bao giờ xử những chuyện đó. Chỉ có, một là ông vô cửa được, Hòa thượng đường đầu chấp nhận ông, dần dần đủ đạo lực sẽ truyền tâm ấn. Hai là, ông vào cửa không được, Hòa thượng phất tay một cái cho ông bay ra ngoài luôn, chứ không có chuyện ương ương dở dở, sinh sự trong đạo tràng.

Hồi xưa tổ chức của chư tổ rất hay. Chúng ta không nghe các vị chức sự hoạnh họe gì nhau. Tới giờ đại tham hoặc tiểu tham, Hòa thượng Đường đầu thăng tòa, trong chúng ra thưa hỏi, ngài ban một vài câu pháp ngữ rồi xuống. Mỗi vị ôm lấy câu nói đó sống chết với nó, nếu có chỗ đắc dụng mới dám ló đầu ra, bằng không thì trốn biệt luôn, không có chuyện lải nhải nhiều cho ăn gậy đâu. Đời sống hồi xưa với bây giờ tuy không giống nhau, nhưng nếu chúng ta thực hiện bằng tấm lòng chân thành, từ sự nhiệt tâm tu học thì không có sự cách biệt nào trong tiến trình giác ngộ cả. Ngược lại trong lòng chúng ta còn phiền não, còn nhiều vấn đề thì khó có thể sánh kịp với công phu tu tập của cổ nhân.

Huynh đệ nhận ra được tinh thần tu học chuyên nhất sẽ thấy phấn chấn, thích thú. Một ngày qua là một ngày thích thú. Những đêm trăng sáng, mình đi lại trong yên vắng. Hoặc nằm nghỉ, lòng không vướng mắc, nhẹ nhàng thảnh thơi. Mọi động dụng đều được ánh sáng trí tuệ chiếu soi, hoàn toàn tỏ rõ, không gây một sự xáo trộn nào hết. Làm được như vậy, tại sao không thể tin nơi khả năng thành Phật của mình, mà lại tự khi cho lui sụt.

Nên biết sáu căn trong sạch, tâm thể xưa nay của mình cùng chư Phật không khác. Tu pháp nào của Phật cũng tốt, miễn sáu căn thanh tịnh là đúng. Tu thiền thì không cho các căn dính mắc bên ngoài để tâm được định. Từ định phát sinh trí tuệ. Định tuệ hiện tiền thì Phật tại thế, khỏi tìm kiếm đâu xa.

Chư Phật chư Tổ có tánh giác và đã thành tựu tánh giác, tại sao chúng ta cũng có tánh giác mà lại cố thủ ngu si? Có gì sung sướng đâu mà vẫn cứ ngu si. Nhận ra được tánh Phật thì ở đâu cũng sung sướng. Sáu căn thanh tịnh, lòng rỗng rang sáng suốt thì Phật hiện tiền. Ở Tây phương hay thế giới nào cũng thế. Sở dĩ các vị đại Bồ-tát dám nguyện vào địa ngục cứu vớt chúng sanh, vì lòng các ngài rỗng rang, sáu căn các ngài thanh tịnh, không vướng mắc gì hết nên các ngài dám vô đó. Còn chúng ta tăm tối, nghiệp tập đen thui đen thủi, vô đó bị hành hình, ai không sợ. Vào đó làm chủ, có quyền quyết định, ban sự an vui cho chúng sanh nên các Đại Bồ-tát vui vẻ vào đó, còn mình bị kêu tên tra khảo, nên khiếp sợ địa ngục là phải.

Sở dĩ chúng ta chưa tự tại là vì sáu căn chạy theo sáu trần. Lỗi ở tâm đắm trước, chứ trần cảnh như thế, nó vô tri nên đâu có tác ý hay không tác ý lôi kéo mình. Các pháp trụ ở vị trí của nó, không mời mọc, không xua đuổi, không có vấn đề gì với chúng ta, tại mình thôi. Người tham thiền đừng để vướng mắc các cảnh duyên. Tinh thần phẩm Thường Bất Khinh là tinh thần tối thượng để thực hiện tánh giác của mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta đều có tánh giác, đều có tri kiến Phật, cố gắng phát huy và sống cho được với tánh giác thì an vui tự tại.

Chúng ta đừng bao giờ xem thường khả năng thành Phật của mình, cũng không dám xem thường khả năng thành Phật của tất cả chúng sanh. Thường hành hạnh phổ kính, thực hiện tâm từ bi đối với tất cả. Đối với các thiền sinh, niềm vui lớn nhất là nhận ra tánh giác. Chúng ta nhớ tâm tâm niệm niệm, tu tập làm sao để nhận ra và hằng sống với tánh giác. Đó là mục đích duy nhất của những người tu Phật.

Gương hạnh Bồ tát Thường Bất Khinh rất kỳ đặc. Ngài thị hiện rất bình thường, bình thường đến mức người ta thấy ngài không bình thường. Từ ăn mặc nói năng cho tới tất cả gương hạnh đều bình thường, không thể hiện ta là một bậc thầy có công đức, có trí tuệ sáng suốt… Ngài như tất cả các vị tăng, chỉ đặc biệt ở chỗ gặp ai cũng đảnh lễ nói “tôi không dám khinh các ngài, các ngài là Phật sẽ thành”. Dù người kia không chấp nhận, có thái độ chống báng ngài cũng hoan hỷ. Một gương hạnh duy nhất, một việc làm duy nhất, mà trở thành một bài pháp duy nhất. Từ khi ngài có mặt, tu tập và giáo hóa chúng sanh cho tới nhập Niết-bàn cũng chỉ có thế. Nó giản dị quá, mà sao huynh đệ chúng ta làm chưa được.

Bởi vậy mới thấy việc tu khó hơn việc nói và hiểu rất nhiều. Tuy nhiên huynh đệ có tu là có tiến. Cổ đức nói: “Kia đã trượng phu, ta cũng vậy”. Chỗ này ngài Minh Chánh nói các học nhân cần phải nhận rõ, người ta có khả năng làm Phật, mình cũng có khả năng làm Phật. Người ta làm Phật xong thì mình cũng phải làm Phật xong, không được sai lệch hoặc tự khinh mà lui sụt.

CHÁNH VĂN

Kệ rằng:

Đọc kinh tìm lý chớ lôi đồng,

Xét kỹ mới hay hợp chánh tông,

Tin chắc chúng sanh có Phật tánh,

Chớ khi tự thoái, giữ ngu mông,

Bồ-tát Bất Khinh cơ dụng lớn,

Tỷ-khưu thượng mạn mịt mờ đồng,

Người trí biết rành sẽ làm Phật,

Không như nhóm ấy lạc ngoan không.

GIẢNG

Phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh cho chúng ta một bài học lớn về hạnh cung kính của Bồ-tát đối với tất cả chúng sanh. Qua hình ảnh đảnh lễ của ngài với mọi người, tự chúng ta kiểm điểm lại mình xem đã hạ được cây cờ ngã mạn tới đâu. Trên con đường tu đạo, nếu không triệt sạch kiêu mạn thì không thể học đạo và hành đạo được. Chúng ta gặp khó khăn gian khổ là thối lui, không dám sấn tới. Chính vì thế mà đạo nghiệp khó thành tựu. Ở đây Bồ-tát dạy cho chúng ta về gương hạnh bất khinh và bất thoái chuyển ấy.

Một điểm quan trọng nữa chính là Bồ-tát đã gieo vào tâm chúng sanh rằng họ có chủng tánh Phật. Hãy quay về nhận lại và sống với tánh giác bất sanh bất diệt ấy, để chấm dứt con đương sanh tử, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ trầm luân. Đó cũng chính là mục đích ra đời của chư Phật.

 

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM