Phẩm Quan Thế Âm Bồ-Tát Phổ Môn
CHÁNH VĂN
Phẩm Phổ Môn là tánh quán tự tại, ứng khắp quần cơ. Đây chính nói rõ
phương pháp chóng ngộ của thiền-na, để tự thấy tâm thể xưa nay trong sạch
của chính mình. Bởi nhiếp trong phẩm Diệu Âm trước, dù đã cùng lìa động
tịnh các thinh trần bị nghe, song vẫn còn chấp có tánh nghe hay nghe, chưa
đạt được bản tâm, thể tịch diệt xưa nay là chân như. Đến đây, mới vừa tạn
mặt, mới biết tâm thể vốn hư linh. Ứng hiện phổ môn, tùy thời phó cảm, cứu
khổ độ sanh, ứng vật hiện hình, như trăng đáy nước, chẳng cuộc nhĩ môn,
nên nói là Phổ Môn. Đây cũng nhằm bày tỏ đã nhận được Phật tuệ chân không,
ứng hiện tự tại là khi chóng rõ không không vậy.
Lại phẩm Diệu Âm ở trước, cũng có ba mươi hai ứng, đồng như phẩm Phổ Môn
này, mà chẳng nói tự tại, là cớ sao?
Đây là chỗ cơ yếu trong cửa huyền, rất khó xét lường. Bởi nhân tiếng mà
thành nghe, nhân nghe mà thành tiếng. Song tiếng, nghe cùng quán sát thì
một lúc đồng hiện, cho nên ứng dụng cũng đồng dấu vết kia. Nhưng, trong
kinh Diệu Âm có đến đi, còn Quán Âm là nói nghiệp tự tại, vì Diệu Âm là
tánh hay nghe. Do lúc có âm thinh, thì tánh hay nghe mới bày ra, lúc không
âm thinh thì tánh hay nghe tự lặng lẽ. Đó là chỗ mà Diệu Âm có dấu vết đến
đi, tiêu biểu cho tánh hay nghe theo cái có không, sanh diệt của tướng âm
thinh. Khác nào những hình bóng không thật trong gương kia. Lại, như hành
khách tạm dừng rồi đi nên chẳng tự tại. Nói Quán Âm là nghiệp tự tại.
Nghiệp chính là bản tâm, là chủ nhân ông. Tự tại tức là bản tâm linh tri,
cũng là chủ nhân ông. Bởi nghe có nghe không, tự là thinh trần hoặc có
hoặc không, mà linh tri biết có biết không đó, chân quán thường tự tại.
Thế thì, không tiếng đã không diệt, có tiếng cũng chẳng sanh, tức chẳng
sanh chẳng diệt, không đến không đi, và chẳng phải có chẳng phải không,
chẳng phải động chẳng phải tịnh, tất cả đều chẳng phải, đó là chân quán tự
tại. Lại, tức sanh tức diệt, tức đến tức đi… tất cả đều tức, đó là đại
Bồ-tát. Trong kinh có đoạn:
Quán chân, quán thanh tịnh,
Quán trí tuệ rộng lớn,
Quán bi và quán từ,
Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng,
Sáng trong sạch không nhơ,
Trời tuệ phá các tối,
Hay dẹp vạ gió lửa,
Sáng soi khắp thế gian.
Tiết văn này, chính là nêu rõ trí đại viên cảnh, Phật tuệ chân không, cảm
ứng của Quán Tự Tại, cũng đả phá lớp vọng tưởng dung thông của tưởng ấm
thứ ba vậy.
Nên biết rằng phẩm Phổ Môn này, cùng với kinh Lăng Nghiêm chỗ đức Quán Thế
Âm nói về nhĩ căn viên thông, từ Văn Tư Tu vào Tam-ma-địa là đồng một ý,
chỉ khác nhau ở chỗ kín và bày đó thôi.
Kệ rằng:
Quan san trải khắp thẳng về nhà,
Chẳng biết đường xưa mấy dặm xa,
Gót dẫm Phổ Môn riêng tiến bước,
Quán chân tự tại, tát-bà-ha,
Tùy cơ ứng hiện tìm tiếng cảm,
Chẳng bỏ từ bi độ khổ hà,
Thanh tịnh quán soi, đây tuệ nhật,
Sáng trùm vạn tượng khắp sum la.
GIẢNG
Phẩm
này phá về tưởng ấm. Tới đây là giai đoạn dùng trí tuệ chân thật để triệt
tiêu mọi tưởng tượng. Phá tưởng ấm cần phải có năng lực sắc bén nhất, trí
tuệ mạnh mẽ nhất. Người tu thiếu định tỉnh, sẽ bị ma tưởng tượng dẫn đi,
nếu không điều phục nổi, đôi khi dẫn đến tình trạng mất bình thường. Cho
nên người tu thiền không vui quá, không buồn quá, không để quá đà. Từ định
tỉnh, trí tuệ hiện bày tròn đủ, khi đó sẽ thấy rõ thật chất mọi vấn đề.
Người tu dùng trí tuệ chặt đứt tất cả niệm tưởng để sống bình thường. Cho
nên con người bình thường là con người đáng quí nhất.
Vô
thường chẳng hẹn nên chúng ta không có thì giờ toan tính việc tạp, phải
tập trung thời gian cần thiết để thấy rõ những nghiệp tập cù cặn, tiêu
dung hóa giải, diệt trừ nó. Người biết soi rọi lại thân tâm mình là người
biết sống nhất. Tập trung nhìn vào, nhận lại ánh sáng bên trong là quay về
trí thể. Từ sáu căn chúng ta nhận ra mình có cái biết. Sở dĩ có cái biết
đó là vì ta có trí thể bên trong. Bên trong nếu không có chủ, làm gì thể
hiện được cái biết ra ngoài. Trí tuệ bên trong đang hoạt động, đang sáng
suốt nên phát ra các căn.
Tu
là từ đó nhận lại tánh giác chân thật. Từ lỗ tai nhận lại, từ tất cả giác
quan quay về nhận lại, đó gọi là Phật tánh sáng suốt trùm khắp. Cái đó
không bao giờ mất, nó hằng dụng, thường liễu tri trong mỗi chúng ta. Chỉ
vì mình cứ chạy ra ngoài nên bỏ quên nó. Bây giờ trong mọi sinh hoạt, làm
sao chúng ta đừng bị cảnh duyên bên ngoài kéo lôi, quay về nhận lại gốc,
được thế là bình ổn nhất. Các huynh đệ có cơ hội sống với nhau như thế này,
đầy đủ thuận duyên để phát huy công phu, không nên để mất thời gian. Mỗi
vị tranh thủ tu hành, chuyển đổi tập nghiệp bằng trí tuệ của chính mình.
Chúng sanh có các thứ bệnh nên Phật chế các thứ thuốc để trị tâm bệnh cho
chúng sanh. Chúng ta muốn hết bệnh mà không chịu uống thuốc thì làm sao
hết được. Mỗi vị nghiệm lại xem mình trẻ thơ lắm. Ông cha để thuốc đầy
trong tủ, các đứa con khóc lóc than đau mà không chịu lấy thuốc uống, nên
cứ bệnh hoài. Chúng ta có những thứ bệnh như ham ngủ, ham ăn, ham danh,
ham tài, ham sắc, tự ái, tự kiêu… đủ kiểu. Làm sao trị được những bệnh này
mới an ổn. Người uống thuốc Phật rồi không buồn ai, không ghét ai, thân
thể đau nhức cở nào cũng chịu được. Phật đã để sẵn thuốc mà chúng sanh
không chịu uống nên Ngài đành lánh mặt. Để cho nó đau thấu xương thấu tủy,
đau tới bờ tới bến đi, bắt buộc nó phải tìm thuốc uống. Bấy giờ uống vô là
mạnh liền.
Phẩm Phổ Môn là tánh quán tự tại, ứng khắp quần cơ. Quần cơ là khắp hết.
Đây chính nói rõ phương pháp chóng ngộ của thiền-na, để tự thấy tâm thể
xưa nay trong sạch của chính mình.
Phẩm Phổ Môn là pháp trùm
khắp. Pháp mà không pháp, phát huy định tuệ sẵn có nơi mình, không tìm cầu
ở đâu hết.
Bởi nhiếp trong phẩm Diệu Âm trước, dù đã cùng lìa động tịnh các thinh
trần bị nghe, song vẫn còn chấp có tánh nghe hay nghe, chưa đạt được bản
tâm, thể tịch diệt xưa nay là chân như. Đến đây, mới vừa tạn mặt, mới biết
tâm thể vốn hư linh. Ứng hiện phổ môn, tùy thời phó cảm, cứu khổ độ sanh,
ứng vật hiện hình, như trăng đáy nước, chẳng cuộc nhĩ môn, nên nói là Phổ
Môn. Đây cũng nhằm bày tỏ đã nhận được Phật tuệ chân không, ứng hiện tự
tại là khi chóng rõ không không vậy.
Người đã vào được công phu, đã uống thuốc Phật, là người tự tại trong tất
cả cảnh duyên. Mắt thấy sắc không bị sắc dẫn, tai nghe tiếng không bị
tiếng kéo, mũi ngửi mùi không bị mùi nhận chìm, lưỡi nếm vị không bị vị
làm rối loạn, thân xúc chạm tự tại bình yên. Không cuộc trong căn nào hết.
Nói tóm lại, mọi tiếp cận đều làm chủ được. Phổ Môn là trùm khắp như thế.
Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp duyên xúc cảnh, vừa khởi niệm gì đằng
sau đó là cắt. Công phu này từ kinh nghiệm của các bậc cổ đức, ứng dụng
các giác quan trong lúc tiếp cận với trần cảnh. Người nào bình thản được
với tất cả cảnh duyên, đó là người giác ngộ. Không làm chủ được các giác
quan thì đi trong luân hồi sanh tử. Giản dị như thế. Với người có trí tuệ,
thấy tất cả những hình sắc trước mắt, biết nó không thật, không chạy theo,
không mắc mứu. Người này có một cái thắng bảo đảm an toàn, dù họ đang đi
trên dốc ngược, nhưng cái thắng kê ngang là không nhúc nhích cục kịt gì cả.
Trí tuệ sáng suốt là chúa tể, không gì có thể hơn nó. Sống với trí tuệ là
sống với ông chủ của mình.
Mấy
năm trước đây có một Phật tử là giáo sư Triết học. Anh có những kinh
nghiệm về cuộc đời rất sâu sắc. Trao đổi, nói chuyện với anh tôi thấy
thích thú. Anh dạy người ta những phương pháp sống vững vàng, không bị
chao đảo bởi ngoại duyên, nhưng bản thân anh lại mê uống rượu. Bạn nhậu
của anh cũng là giáo sư bác sĩ. Nhậu riết vợ buồn con khổ, sau cơn say
tỉnh lại, anh thấy cũng xót xa cho mình cho gia đình. Vì vậy anh vào thiền
viện xin công quả tập tu. Công quả chừng mười ngày là bắt đầu buồn buồn
rồi. Hồi đó con đường trước chùa gập ghềnh lắm. Buổi trưa rảnh, anh dẫn xe
cúc kít với cái cuốc ra san lấp mặt đường. Đang làm có ông bạn ngoài Vũng
Tàu chạy ngang hỏi:
- Mày làm gì đó?
- Tao ở đây tu.
- Trời đất ơi! Thôi dẹp đi, lên xe tao chở đi một vòng.
Thế
là quăng cuốc quăng xe cúc kít vô chùa, chưa kịp nói với ai là ông bạn chở
đi tuốt. Chở về nhà ông bạn nhậu năm bảy ngày. Ở nhà nghĩ anh ở chùa, ở
chùa nghĩ anh về nhà. Té ra anh tu với mấy ông bạn nhậu. Cả tuần lễ, tỉnh
lại ông bạn đưa về sám hối mấy thầy. Hổm rày con mê khổ quá thầy ơi, con
ra làm ngoài cổng gặp bạn nó dẫn đi tuốt. Thầy nói ai biểu ra ngoài làm
chi, yếu đuối thì ở trong này có hàng rào bảo vệ, ra ngoài trước sau gì
cũng bị lôi đi thôi.
Cho
nên chúng ta phải kịp phát giác chính mình. Yếu điểm nào thì chấn chỉnh
điểm ấy, đừng để bị nghiệp lôi đi. Mỗi tối quí vị tụng kinh Bát-nhã để
buông bỏ hết tật bệnh, phải biết uống thuốc của ông già để lại, luôn cảnh
giác và làm chủ. Trong nhà thiền dùng từ chiếu soi, nghĩa là rọi lại mình.
Để làm gì? Một là thấy mình có tánh giác sáng suốt trùm khắp, hai là thấy
tất cả cảnh duyên không thật. Cái không thật thì không ôm giữ, không chạy
theo. Cái chân thật cần phải sống, phải phát huy tròn đầy, phục hồi nguyên
vị của chính mình. Phục hồi được cái đó thì mọi thứ bên ngoài không làm gì
được chúng ta.
Tất
cả các pháp, nếu ta tỉnh thì nó là nhân duyên giúp ta tu thành Phật. Nếu
ta không tỉnh thì nó là chất đam mê nhận chìm chúng ta. Cơm ăn áo mặc đối
với thân này cũng thế. Người biết tu thì thân này là phương tiện, là cái
phao cuối cùng để đưa họ lên bờ giác. Người không biết tu thì thân này là
nguyên nhân dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Chúng ta không thể đổ thừa tại
cái gì hết, rõ ràng là tại mình.
Nếu
áp dụng thân để tu, đừng cho nó sai sử mình thì quí biết bao nhiêu. Bởi
không có thân này, lấy gì chúng ta làm những việc công đức, lấy gì ngồi
thiền tụng kinh. Thời gian trôi qua rất nhanh, chúng ta không lợi dụng
thân này tu hành, đến lúc già yếu hối hận không kịp. Năm năm mười năm
thoáng chồng chất, nhanh ơi là nhanh. Mới ngày nào tôi từ trên núi đội nón,
quảy thiền trượng, vác bồ đoàn xuống vùng đất khô cằn này khai khẩn đồng
hoang thành ruộng lúa nương khoai. Vèo một cái, đầu đã bạc chân đã mỏi,
tay không còn cầm nổi cây cuốc nữa. Huynh đệ chúng ta không ai chạy khỏi
sự biến dịch của vô thường cả. Hòa thượng nói bản án đã tuyên rồi, không
ai thoát được. Nếu chúng ta chưa chịu nhận, chưa chịu lo cho mình, chưa
chịu uống thuốc để trị bệnh trầm kha thì đâu phải là người sáng.
Phật
là giác, cho nên đệ tử Phật cũng phải giác. Không giác thì không phải đệ
tử Phật. Giác ít là con Phật, giác như Phật thì thành Phật. Chúng ta không
còn thời gian để làm việc khác. Anh em ai nấy đều tâm tâm niệm niệm một
việc duy nhất là làm sao trị bệnh của mình, làm sao uống được thuốc Phật,
tiêu dung hết những cù cặn trong lòng, để sống an nhiên tự tại với tánh
giác tròn sáng của mình. Đó là hạnh Phổ Môn trùm khắp mà chúng ta có duyên
áp dụng hằng ngày. Mình có nguồn trí tuệ sáng suốt tỉnh táo, quyết định
tất cả, không để sự sai trái có cơ hội sống dậy, len lỏi làm lầm mình. Tu
là như thế.
Mỗi
chiều lên điện Phật đọc lại từng lời kinh tiếng kệ để tâm rỗng rang sáng
suốt, chớ không phải nguyện đức Phật ban cho con quả vị Phật. Cha ông của
con là những bậc đã giác ngộ, con cũng sẽ tu tập để được giác ngộ như các
ngài. Con xin gầy dựng lại sức mạnh của chính con, gầy dựng lại niềm tin
và sự tỉnh giác nơi chính mình. Phật đã nói con có sẵn tánh Phật, con
nghiệm thấy quả đúng như vậy. Bây giờ trong từng phút giây, từng bước đi,
từng hơi thở, con nguyện phát huy trọn vẹn tánh Phật ấy, không mong mỏi
điều gì khác hơn.
Đây là chỗ cơ yếu trong cửa huyền, rất khó xét lường. Bởi nhân tiếng mà
thành nghe, nhân nghe mà thành tiếng. Song tiếng, nghe cùng quán sát thì
một lúc đồng hiện, cho nên ứng dụng cũng đồng dấu vết kia.
Đoạn này so sánh giữa Bồ-tát Diệu Âm và Bồ-tát Quán Thế Âm.
Nhưng, trong kinh Diệu Âm có đến đi, còn Quán Âm là nói nghiệp tự tại, vì
Diệu Âm là tánh hay nghe. Do lúc có âm thinh, thì tánh hay nghe mới bày ra,
lúc không âm thinh thì tánh hay nghe tự lặng lẽ. Đó là chỗ mà Diệu Âm có
dấu vết đến đi, tiêu biểu cho tánh hay nghe theo cái có không, sanh diệt
của tướng âm thinh. Khác nào những hình bóng không thật trong gương kia.
Ở
đây so sánh năng lực, pháp tu giữa Bồ-tát Diệu Âm và Bồ-tát Quán Thế Âm.
Bồ-tát sử dụng nghiệp tức chỉ cho thể nhập tâm. Người thể nhập được tâm
rồi là người đủ năng lực điều trị các thứ tưởng tượng. Với công dụng này,
với pháp tu này đủ năng lực để trị bệnh loạn tưởng của chúng sanh. Những
thứ cảm thọ, tưởng tượng, phân biệt, suy nghĩ... thuộc về tinh thần, nhà
Phật nói thuộc về vọng tâm. Nó vô thường, không thật nên vừa có một niệm
tưởng khởi lên chúng ta buông đi. Niệm tưởng nào cũng buông, dù là niệm
Phật niệm Pháp, niệm Tăng, đó mới là người nhập Phổ Môn, người tự tại.
Có
những người điên mà không biết mình điên. Vì ham tu quá, họ mong được sự
hỗ trợ của các thế lực huyền bí. Vì vậy hay nghe bên tai lời Bồ-tát dạy tu
thế này thế kia. Lúc đầu dạy đúng, họ làm theo và thấy có kết quả lợi lạc.
Từ đó tin tưởng tuyệt đối, Bồ-tát biểu làm gì cũng làm. Đang ăn Bồ-tát
biểu đi phải đi, đang nói Bồ-tát biểu cười phải cười. Bồ-tát biểu đâu dám
cãi, vì đã quen nghe rồi. Như thế riết rồi khùng, thân thể tiều tụy, nói
xàm nói nhảm luôn. Khi lâm vào tình huống này thì thật là khổ. Nguyên nhân
ban đầu là chạy theo những tưởng tượng của mình. Chạy theo quá, không chịu
dừng lại thì dẫn đến tình trạng như thế. Cho nên pháp tu thiền biết vọng
tưởng không thật không theo, trị bệnh này hay vô cùng. Ai nói tu thiền
điên là người đó không biết tu thiền. Thật ra tu thiền trị bệnh điên có
hiệu quả nhất.
Nếu
chúng ta cứ chạy theo các giác quan, chấp nhận hiện cảnh bên ngoài thì
ngược xuôi dong ruổi tạo nghiệp, trả vay không biết đến bao giờ mới xong.
Bây giờ từ các căn soi lại, thấu tỏ tánh giác thì bình yên. Nghe cũng thế,
ngửi cũng thế, các căn đều như thế. Quay về tập trung vào chỗ gốc, không
chạy ra ngoài nhất định sẽ bình yên. Nhà thiền có câu chuyện: Như con khỉ
ở trong nhà, nghe con khỉ bên ngoài kêu chóe chóe, nó đáp lại choé choé.
Hai con ứng đối nhau mãi thì một lát cả hai đều mệt, đều điên đảo. Nếu con
khỉ trong nhà ngủ, con khỉ bên ngoài không nghe đáp lại, nó sẽ bỏ đi thì
yên. Cả hai đều khỏe.
Trở
lại tu các giác quan, chúng ta có tánh sáng suốt bên trong. Tánh sáng suốt
này không có tâm phóng ra ngoài, cảnh bên ngoài cũng không có ý tác động
đến mình. Giống như con khỉ bên trong ngủ, con khỉ bên ngoài cũng im luôn.
Như vậy không có vấn đề gì xảy ra cả. Các giác quan sáng suốt, không lầm
chạy theo cảnh thì chúng ta bình yên. Giản dị như vậy. Đó là phương pháp
phổ khắp, phương pháp tu của Bồ-tát Quan Thế Âm.
Phẩm
Phổ Môn cũng nói đến sự liên hệ với phẩm Bồ-tát Diệu Âm:
Lại, như hành khách tạm dừng rồi đi nên chẳng tự tại. Nói Quán Âm là
nghiệp tự tại. Nghiệp chính là bản tâm, là chủ nhân ông. Tự tại tức là bản
tâm linh tri, cũng là chủ nhân ông. Bởi nghe có nghe không, tự là thinh
trần hoặc có hoặc không, mà linh tri biết có biết không đó, chân quán
thường tự tại. Thế thì, không tiếng đã không diệt, có tiếng cũng chẳng
sanh, tức chẳng sanh chẳng diệt, không đến không đi và chẳng phải có chẳng
phải không, chẳng phải động chẳng phải tịnh, tất cả đều chẳng phải, đó là
chân quán tự tại. Lại, tức sanh tức diệt, tức đến tức đi… tất cả đều tức,
đó là đại Bồ-tát. Trong kinh có đoạn:
Quán chân(1), quán thanh tịnh(2),
Quán trí tuệ rộng lớn(3),
Quán bi(4) và quán từ (5),
Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng,
Sáng trong sạch không nhơ,
Trời tuệ phá các tối,
Hay
dẹp vạ gió lửa,
Sáng soi khắp thế gian.
(1) Quán chân: Dùng chân trí soi tỏ
chân lý.
(2) Quán thanh tịnh: Rõ thấu pháp tánh
thanh tịnh.
(3) Quán trí tuệ rộng lớn: Trí tuệ rộng
lớn thấu suốt tất cả pháp.
(4) Quán bi: Khởi tâm đại bi vô biên,
luôn xét nỗi khổ của mọi loài để cứu vớt chúng.
(5) Quán từ: Vận tâm đại từ vô lượng,
thường xem mọi loài ưa thích những gì để ban bố niềm vui cho chúng.
Ở
đây nói như hành khách tạm dừng rồi đi nên chẳng tự tại. Thinh trần
là khách trần, nó như người khách khi có khi không. Lữ khách là người
phiêu bạt giang hồ, không thường trụ ở đâu cả. Hình ảnh này dụ cho trần
cảnh bên ngoài, cụ thể trong phẩm này là thinh trần. Thinh trần chỉ là cái
tạm bợ, lúc có lúc không, giống như người lữ khách tạm nghỉ bên quán trọ
ven đường. Đã là lữ khách tạm nghỉ nơi quán trọ thì chỉ nghỉ một đêm hoặc
giây lát rồi lại tiếp tục lên đường, không dừng trụ vĩnh viễn. Các trần
bên ngoài luôn luôn biến đổi như thế. Bên trong chỉ cho nghiệp tự tại, tức
là chủ nhân ông, là bản tâm của chúng ta. Đó cũng là cái chân quán thường
thanh tịnh, tức là trí tuệ trùm khắp nơi mỗi người. Cái này không phải lữ
khách, không có chuyện tạm dừng rồi đi. Nó thường còn nên ở đây nói nghiệp
tự tại.
Nói
rõ hơn, nghiệp tự tại của chúng ta là gì? Là tánh nghe hay tánh thấy. Các
vật tượng trước mắt hoặc có hoặc không, cái thấy của chúng ta lúc nào cũng
thấy. Cái thấy thường hằng liên tục, cho nên vật có vật không chúng ta đều
biết. Ở đây chân quán cũng vậy. Ngài Minh Chánh gọi là nghiệp tự tại,
nghĩa là nó không mất. Trần cảnh bên ngoài khi có khi không, tánh nghe vẫn
thường hằng. Có thì nghe có, không thì nghe không, tánh nghe lúc nào cũng
thế. Tánh nghe, tánh thấy… nói chung là tánh giác không bị trần cảnh bên
ngoài làm động. Nó luôn tự tại, là chủ nhân ông của chúng ta. Ai cũng có,
nếu nhận ra và sống được với nó thì mình bình yên.
Sở
dĩ chúng ta khổ là vì cứ lầm lủi chạy theo trần cảnh rồi mắc mứu, lầm nhận
cảnh duyên bên ngoài là thật, muốn nó còn mãi mà nó không còn. Chỉ khi nào
ta khéo nhận lại tánh giác bất sanh bất diệt, thì dừng được tất cả lăng
xăng, ngược xuôi, mắc mứu. Bấy giờ mình sẽ bình an. Huynh đệ tập trung
sống cho với tánh giác của mình, gìn giữ nó. Được như thế là người giới
luật tinh nghiêm, tu hành thanh tịnh, là người tự tại, không còn rày đây
mai đó, phiêu bạt giang hồ. Bấy giờ là chủ nhân ông, nghiệp tự tại, là
chân quán thường thanh tịnh, là bản tâm của chúng ta.
Chủ
đích chư Phật ra đời là nhằm chỉ cho chúng ta tri kiến Phật nơi mỗi người.
Chúng ta nhận và sống với tri kiến Phật của mình. Chỉ vậy thôi, chứ không
có việc khác. Nếu chúng ta chịu nhận tri kiến Phật và hằng sống với nó thì
đại nguyện đại thệ ra đời độ sinh của chư Phật trong mười phương thế giới
được viên mãn. Các ngài thực hiện trọn vẹn bản thệ của mình là thị hiện ra
đời để chỉ chúng sanh cái sẵn có mà họ bỏ đi. Bây giờ chỉ cần nhận lại,
đừng chạy ra ngoài ngược xuôi nữa là xong.
Toàn
bộ kinh Pháp Hoa với những hình ảnh ví dụ đều muốn nói lên một việc này
thôi. Như ngôi nhà hư nát sắp sụp đổ, trong đó lửa dữ cháy đỏ, những đứa
trẻ ham chơi không chịu chạy ra. Bấy giờ người cha của chúng muốn con ra
khỏi nhà lửa, nên dùng phương tiện dụ các con mau ra, cha sẽ cho các thứ
xe như xe dê, xe nai, xe hươu v.v... Bọn chúng nghe thế đua nhau chạy ra,
cuối cùng người cha chỉ cho một loại xe duy nhất, đó là xe trâu trắng lớn
rất xinh đẹp. Bản hoài của đức Phật ra đời để chỉ tri kiến Phật cho chúng
sanh. Vì căn cơ chúng sanh không đồng, Phật dùng phương tiện nói ba thừa,
cuối cùng Như Lai chỉ một Phật thừa duy nhất, thù thắng vi diệu, không có
gì khác. Nhất Phật thừa là tri kiến Phật vậy.
Như
người qua sông cần có thuyền bè. Đã đến bờ rồi, thuyền bè không còn cần
nữa thì bỏ đi. Chúng ta cũng vậy, một khi đã nhận sống với tri kiến Phật
thì tự tại, không phải tu trì chi nữa, không còn chỗ nào để bám, để soi
rọi nữa. Thiền sư Huệ Nam nói người đã qua cửa là người tự tại, phất tay
áo mà đi. Người qua cửa mà còn hỏi kẻ khác mình qua cửa chưa, nên biết
người ấy chưa qua cửa. Chúng ta nói tu hành, giữ giới, tụng kinh, ngồi
thiền, làm tất cả việc công đức đều nhằm làm sao nhận được sống được với
tánh Phật. Từ chỗ quí vị nhận ra yếu chỉ thẳng tắt của các thiền sư, các
ngài muốn chúng ta đi thẳng, đến thẳng, không cho bám víu bất cứ một thứ
gì. Vì vậy ngài Lâm Tế hỏi đại ý Phật pháp bị ăn đòn. Người xưa tâm từ bi
đến độ không để cho học trò có một tí xíu bám víu nghĩ ngợi nào. Vừa mở
miệng liền “bốp”, rất nhiều vị thiền sư như vậy.
Chúng ta ngược lại cứ vận dụng đến mớ tư tưởng, cho đó là thật rồi soi cái
này, đục cái kia, bám cái nọ, cả đời kiếp vẫn là kẻ lữ khách ngược xuôi.
Chúng sanh có mặt ở các cõi là do nghiệp dẫn, đây chính là cái lầm to nhất.
Lầm sinh ra đời, lầm nhận thân này thật, lầm nhận tất cả hiện tượng chung
quanh là thật, lầm nhận tâm vọng tưởng là thật. Tóm lại, tất cả đều lầm,
không có cái nào tỉnh. Chúng ta học đạo giác ngộ mà không có giác ngộ. Bởi
vì cái gì cũng lầm cũng chấp. Những thứ hư giả mà cho là mình nên không
thể nhận ra cái chân thật. Như nhà củi của thiền viện, huynh đệ chất củi
đầy ắp trong đó, không thể đem cái gì khác vô được.
Ngay
từ gốc đã lầm đã sai, từ đó phăng ra, lầm mê này chồng chất đến lầm mê
khác. Do đó chúng ta học đạo cả đời cũng không sáng đạo. Thiền là pháp môn
thẳng tắt, một phương pháp mà không có phương pháp gì hết. Hòa thượng Thủy
Lạo bạch với Mã Tổ “Thế nào là đại ý Phật pháp”, Tổ đạp cho một đạp
té ngửa, ngài ngóc đầu dậy cười hả hả, ngộ đạo. Phương pháp gì? Đâu có
tụng kinh chi, Bát-nhã tâm kinh, Kim Cương, Pháp Hoa, Niết-bàn… không có
kinh toát ra được cái đó. Con người như vậy, căn cơ như vậy, khéo nhận như
vậy thì giác ngộ. Từ đó về sau cách cư xử của ngài đều biểu hiện hoạt dụng
của một con người trí tuệ.
Ở
đây tôi muốn nói đến chữ khéo. Cơ hội để chúng ta ngộ đạo đầy dẫy trước
mắt. Những pháp môn, những thủ thuật người xưa đã mở bày trắng ra, không
giấu diếm gì cả. Mình chỉ khéo. Người u mê thì thôi đành, chứ những ai
khéo léo một chút, dũng cảm một chút nhận ra tức thì. Thời của chúng ta
không phải thời trước mình không có Phật, đây là thời đằng trước trùng
điệp chư Phật tổ đã đi qua, để lại vô số gương hạnh dấu vết cho kẻ sau.
Bây giờ chỉ dám buông bỏ các thứ tạp nham, nhìn và nhận lại cái thật của
mình, dễ hơn người xưa rất nhiều.
Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đưa tay lên hỏi A Nan thấy không? Đáp
thấy. Đức Phật hạ tay xuống, hỏi thấy không? Đáp không thấy. Phật quở
“nếu ông không thấy, vì sao biết không có nấm tay ta đưa lên?” Chỗ này
người khéo sẽ nhận ra tức thì. Rõ ràng cái thấy không mất. Cái nghe cũng
vậy. Như tôi nói thì quí vị nghe có âm thanh, tôi im lặng quí vị nghe
không có âm thanh. Nếu không nghe vì sao quí vị biết tôi im lặng. Bây giờ
chúng ta nhớ làm người khéo, là con cháu của tráng sĩ chặt tay trên Tung
Sơn thuở nào, gan dạ nhận lại cái chúng ta có. Nếu người không gan, dù ở
đạo tràng này một trăm năm cũng chỉ là kẻ quét sân, cuốc đất, không thêm
không bớt. Người học thiền phải biết khám phá chính mình, phải gan dạ như
vậy mới được.
Chư
huynh đệ đã được học Phật pháp của đức Phật, thiền sử của các thiền sư từ
Ấn Độ, Trung Hoa sang Việt Nam đầy đủ, không thiếu chi cả. Kiến giải như
vậy rất là nhiều, nếu không tu e rằng chúng ta sẽ bị sình bụng, bể bụng mà
chết. Sình bụng vì không ứng dụng Phật pháp được, gặp ai cũng nói xàm, do
dồn vô nhiều quá mà không tiêu hóa nổi nên phải nói ra cho hả hơi. Giống
như người bị thương thực, buổi chiều ăn nhiều, tối bụng sình lên không chở
đi nhà thương kịp, có thể nguy hiểm đến tánh mạng.
Trong nhà thiền có câu “Kích thạch hỏa” tức là lấy hai viên đá gõ
vào nhau cho nó nháng lửa lên. Tụng kinh ngồi thiền, tất cả phương tiện
khác đối với hành giả tu thiền là kích thạch hỏa. Ai muốn có lửa muốn sáng
thì kích hoài. Người nào cất kỹ trong tủ, lâu lâu kích chơi một cái thì
chịu thua. Các anh em nào thích tu thiền Hòa thượng nhận hết, không bỏ một
ai dù hoàn cảnh vị ấy ra sao. Ngài thương người tu. Nhưng kể từ khi có
trường Phật học ra đời, nhiều vị đang tu trong thiền viện muốn đi học, Hòa
thượng biết ngay vị ấy không có công phu hành thiền. Ở đây nuốt không trôi
mà muốn học thêm nữa, khác nào kẻ thương thực lại bị thương thực tiếp. Cái
bụng đã sình lên, bây giờ dồn thêm nữa thì nó bể thôi, không có gì lạ.
Tuy
huynh đệ tu học trong thiền viện nhưng không bị dốt. Anh em chịu khó coi
lại bài vỡ đã được học, những điều Hòa thượng Ân sư vất vả nghiên tầm, đúc
kết để hướng dẫn chúng ta tu hành, không thiếu chi cả. Có điều người nào
dồn nhiều quá, giống như cái bị của ông ba bị, ai cho gì cũng thảy vô hết,
bây giờ không biết lấy cái nào ra xài. Bản thân quí vị muốn dùng pháp
nhưng không biết lấy ở đâu nữa. Tại vì nó không trật tự, không chân quán.
Huynh đệ để mất thì giờ khá nhiều, bây giờ cố gắng đừng để mất thì giờ nữa.
Mình chỉ làm một việc duy nhất là nhận cho được tánh giác qua sáu căn. Căn
nào cũng được, tùy mỗi vị thích hợp.
Nghiệm lại trong đời sống, chúng ta còn lầm nhiều thứ lắm. Do lầm nên tự
ngã thể hiện nguyên vẹn trong lối ứng xử, lối giao tiếp hằng ngày. Cống
cao, sân giận, tật đố… là những biểu hiện của một bản ngã còn chìm trong
si mê, lầm lạc. Người tu phải thấy rõ điều này. Chúng ta kiểm tra từng hơi
thở, từng bước đi của mình, sửa ngay khi chúng nhú mầm mới được. Người
nhìn ra thấy như vầy như kia là không biết mình lầm, cứ nói tôi thấy đúng,
cho nên thường xảy ra vấn đề. Vấn đề nổi cộm nhất là phiền não. Tu riết
mặt mày méo xẹo, hai mắt trỏm sâu thành ra bệnh. Bệnh tu. Hành giả nào bị
thiền bệnh phải sớm xả bỏ các kiến chấp.
Những gì chúng ta không giải tỏa, không tiêu dung được trong sinh hoạt của
mình là phiền não. “Phiền” là những bức xúc, bực bội bất ổn, nó làm
mình căng đầu giống như bị lửa đốt. “Não” là tâm bị chèn ép, đè nén,
bất an bất ổn. Cho nên lửa phiền não hừng hực trong chúng ta thì mình
không yên. Người bị phiền não ăn không ngon ngủ không yên, thất chí nản
lòng, rồi trở thành người tiêu cực. Nếu cố gắng đè nén càng đưa đến tình
trạng bất đắc chí. Làm việc gì chỉ làm lấy lệ thôi, không hết lòng nên
chẳng có kết quả gì. Bởi vậy nên các thế lực của ma xen vô. Tu hành mà bị
như thế, nếu không phải hạng “bán đồ nhi phế”, thì cũng là hạng
muôn đời “bất đắc chí” mà thôi. Nam nhân chi chí mà trở thành một
người bất đắc chí thì uổng biết bao nhiêu.
Cho
nên hễ tu phải ra tu, tu tới nơi tới chốn, khẳng định như vậy. Một đường
thẳng tiến, không có cái khác. Bao giờ chúng ta sáng được việc của mình
mới yên lòng. Người sáng được việc rồi, sống với tánh giác, thấy mọi thứ
chung quanh không có gì đáng kể, ai nói gì cũng chỉ “thế à!”. Thiền
sư Bạch Ẩn đang là một bậc thầy sáng chói, người đời xem ngài như Phật
sống. Có cô gái dẫn cha tới nói ngài là tác giả cái thai hoang trong bụng
cô. Ông già làm dữ, ngài chỉ nói “thế à!”. Sau một thời gian cô
sanh con, đem tới cho ngài nuôi, Ngài cũng bảo “thế à!”. Thật bình
thản. Bấy giờ tất cả những gì ngài đang có đều vuột mất. Tiếng tăm, đệ tử,
chùa chiền, bổn đạo… đồng một lúc tan hoang. Ngài nhận đứa bé nuôi, mỗi
ngày đi xin sữa cho nó uống, người ta chửi bới, nguyền rủa đủ thứ. Ngài
vẫn “thế à”, không nói thêm lời gì. Cho tới một hôm, mẹ đứa bé chịu
hết nổi, thấy mình làm cho vị Phật sống phải chịu như vậy, cô khai thật
với cha “ba ơi, hồi đó con sợ ba đánh nên con nói đại ngài Bạch Ẩn là
cha đứa bé, nhưng sự thật không phải. Cha nó là một kẻ nô lệ trong nhà”
Ông già hoảng lên, mau mau chạy tới dập đầu sám hối ngài Bạch Ẩn. Thiền sư
cũng chỉ “thế à”, rồi vui vẻ giao đứa bé cho cha con cô gái mang về.
Người sáng được việc của mình, không có tâm khác, tự do tự tại như thế.
Thật là một sức mạnh phi thường không ai địch nổi.
Chúng ta cũng có nghiệp báo riêng, không ai giống ai. Ngoài cộng nghiệp
còn có biệt nghiệp, biệt nghiệp này mới đáng sợ. Nó xuất hiện như những
bản án. Nếu chưa sáng được việc lớn, biệt nghiệp này quậy chúng ta rất
đáng lo ngại. Đôi khi chúng ta thua nghiệp, phải cuốn gói theo nó, hỏng cả
một đời tu. Cho nên anh em thận trọng, giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh, ở yên
trong đại chúng. Bởi chỉ có sự bảo hộ của đại chúng mới giúp chúng ta giữ
gìn giới thân huệ mạng của mình một cách an toàn nhất. Chỉ những vị sáng
được việc lớn mới kham nhận, trả nghiệp một cách bình thường, còn thì
không nên khinh xuất mà tan thân mất mạng. Đây là điều hết sức quan trọng
đối với người tu.
Cho
nên muốn chắc ăn phải sáng được việc của mình, không thì cứ vay thêm, mắc
mứu thêm hoài. Phẩm Phổ Môn, Bồ-tát Quan Thế Âm dạy chúng ta từ căn tai
xoay trở lại với tánh nghe của mình, đừng chạy theo thinh trần. Thực hành
như vậy bền lâu, chúng ta sẽ sáng được việc lớn. Chỉ như thế mới ra khỏi
trầm luân sanh tử, vĩnh viễn không còn bị nghiệp tập vây bủa kéo lôi vào
các đường, chịu khổ triền miên.
|