Phẩm Đà La Ni
CHÁNH VĂN
Phẩm Đà-la-ni, đây gọi là Tổng trì. Nghĩa là tổng nhiếp tất cả pháp và thọ
trì tất cả nghĩa.
Do vì người tu hành đã thấy được tâm thể xưa nay trong sạch của mình rồi.
Phải biết rằng, tâm này vốn đầy đủ hằng sa công đức, và vô lượng pháp môn
cũng đều nương nơi tâm này mà diễn xuất.
GIẢNG
Phẩm
Đà La Ni là phá hành ấm. Chữ “Tổng trì” tức nhiếp tất cả pháp và
gìn giữ tất cả pháp. Đến phẩm Đà La Ni là giai đoạn phá dẹp triệt để tất
cả những dấy niệm dính mắc, những cù cặn cố chấp đối với thân năm uẩn.
Hành
là những chuỗi vọng tưởng nối nhau bởi các niệm. Bây giờ mình điều trị,
phá dẹp triệt để, buông bỏ rốt ráo mọi niệm tưởng. Thân năm uẩn là phương
tiện để chúng ta tu hành, mà cũng là chướng ngại cho bước công phu của
mình. Người tu dùng thân năm uẩn như phương tiện, như thuyền bè để vượt
qua sông. Nghiệm kỹ, trong lòng chúng ta có những vấn đề không ra gì, rất
tầm thường, nhưng quả thực nó làm trở ngại công phu chẳng ít. Từ những trở
ngại đó biến thành hầm hố, cuối cùng chúng ta không vượt qua được.
Người con Phật nhìn từ nhân, từ sơ niệm ban đầu đã buông bỏ, không phải
đợi đến lúc thành sự mới phá dẹp. Có những cù cặn nhỏ xíu, chúng ta không
sáng suốt nhìn thấu, buông bỏ nó một cách dứt khoát, lâu ngày nó thành
khối thì bỏ rất vất vả. Cách tu của thiền sư là luôn nhìn lại mình. Phản
quan tự kỷ là soi lại nhìn mình, chứ không nhìn ai hết. Trong sinh hoạt
hằng ngày, các huynh đệ hãy chính chắn nhìn lại mình, có chút gì bất ổn về
thân về tâm, về sự tiếp cận tương giao, về ăn ngủ, danh vọng, tiền tài…
tất cả các thứ, tỉnh táo trị nó là tu.
Thiền là gì? Là buông, là không vướng mắc bởi bất cứ một trở ngại nào.
Thiền nói theo cách định nghĩa danh từ là thiền-na, trong đó gồm cả định
và tuệ, tức tu chỉ và tu quán. Chỉ là dừng. Dừng tất cả vọng tưởng. Quán
là chiếu soi. Chiếu soi lại chính mình. Chỉ quán hỗ trợ cho nhau để buông
bỏ cái giả, nhận ra cái thật. Đó chính là tu thiền.
Ở
đây nói gọn hơn, thiền là buông. Buông cái gì? Giận buông, ham ăn buông,
ham ngủ buông, ham danh buông, ham lợi buông… Từng phần từng đoạn như thế,
chúng ta tập làm chủ, không phải đặt vấn đề trên mây xanh. Ngay trong đời
thường, người tu thiền là người có đầy đủ định lực và tuệ lực. Định lực là
dừng được mọi vọng niệm lăng xăng điên đảo. Tuệ lực là mắt tuệ luôn sáng,
không có vấn đề nào không bị soi thủng.
Phẩm
Đà La Ni này triệt để tập trung sức mạnh phá hành ấm. Có thể hiểu hành là
những suy nghĩ, mình gẫm mình nghiệm mình xét về các sự kiện. Một khi tâm
chúng ta đã sáng suốt, tuệ giác đầy đủ thì không dung bất cứ một niệm nghĩ
suy nào. Đến giai đoạn này, công phu tiến triển như vậy. Muốn thế phải làm
sao, bắt đầu từ chỗ nào, lập cước ở đâu? Chỗ lập cước là chỉ lực và tuệ
lực. Nói thiền nói định, nói tâm nói tướng, nói nhân nói ngã gì, mà không
dừng được thì không có thiền định chi hết. Như xe chạy đến chỗ nguy hiểm
phải thắng lại, thắng không được thì chết, rõ ràng như vậy.
Việc
tu hành của chúng ta cũng vậy. Đối với tất cả pháp trần, ta sử dụng nó chớ
đừng để nó sai sử mình. Không có cái chuông tự nhiên kêu, mình sử dụng nó
mới kêu. Như vậy chúng ta là chủ nhân ông rồi. Nhận được chỗ này là công
phu có tiến triển. Ở phần phá tưởng ấm, nói chúng ta là chủ nhân ông, là
người không bị động bởi bất cứ những thứ chung quanh, đã sống được với tâm
thể thanh tịnh. Chỗ này nói chỉ lực và tuệ lực phát huy rực rỡ. Tất cả
những công phu tựu trung từ chúng ta thôi. Ngày hôm nay mình nhận ra và
bắt đầu gầy dựng lại chỉ lực của mình. Chỉ lực mạnh rồi, tới chỗ thắng là
thắng, tới chỗ dừng là dừng, tới chỗ đi là đi, tới chỗ nói là nói, hoàn
toàn làm chủ.
Chúng ta là người xuất gia mà không có tỉnh lực, không khẳng định mình
chuyển hoán được mình thì tu vô ích, ngàn đời chúng sanh vẫn là chúng sanh,
mê muội vẫn là mê muội. Như các anh em lúc mới tới đây tóc tai chải tém,
quần áo bảnh bao. Vô thiền viện một thời gian bị tương chao, rau muống
luộc, củ cải trắng nó hành, hôm nào đánh trọc cái đầu, rồi mặc áo nhuộm
sống với đại chúng. Về hình thức đã chuyển rõ ràng, tâm niệm cũng theo đó
mà chuyển. Hành trình này giống như những toa xe lửa nối nhau. Nếu đầu máy
bị sự cố không chịu hoạt động thì những toa sau ngừng hết.
Vì
vậy một khi đã chuyển rồi, anh em cứ việc đốt. Đốt bằng ngọn lửa trí tuệ
cho đầu tàu hoạt động, lôi con tàu này về tới bến đổ của nó. Nếu chúng ta
ngưng nửa chừng thì chẳng những đầu tàu mà cả con tàu không chạy được. Cho
nên tu hành cần chuyển hoán liên tục, không được ngưng nửa chừng. Tới lúc
gây gổ, mình nói để tôi đọc bài trị bệnh gây gổ thì chậm quá. Phải thuộc
trước, luôn luôn chủ động mới đưa được con tàu đi đúng theo sự sắp đặt của
mình. Nếu không chúng ta dễ bỏ cuộc lắm. Như ngồi trên bàn ăn sáng vui vẻ,
vừa bước ra có ai nói câu gì khiến mình buồn lòng. Buồn lòng mà không nói
ra được nên nản, không sinh hoạt nhịp nhàng theo thời khóa của thiền viện,
muốn ra cổng đón xe về quê. Đó là vì không chịu đốt lên ngọn lửa trí tuệ,
khiến cho con tàu ngừng chạy.
Thành ra những ý niệm âm thầm bên trong làm trở ngại việc tu hành. Nếu
chúng ta không đả thông được thì xảy ra sự cố. Những việc bình thường đôi
khi lại rất khó giữ. Cho nên tới giờ ăn còn suy nghĩ, tới giờ tụng kinh
còn suy nghĩ, tới giờ làm việc còn suy nghĩ, tới giờ ngủ còn suy nghĩ v.v...
Hành uẩn luôn sẵn sàng tấn công mình, vì sự thắp sáng bên trong không đầy
đủ. Vì thế giữ gìn sinh hoạt điều hòa tốt đẹp, là điều phục được tâm một
cách miên mật, chớ không phải thường đâu. Như con tàu kéo hết tất cả toa
về tới nơi tới chốn. Việc làm của chúng ta hằng ngày thể hiện sức mạnh nội
tâm, chớ không ở đâu khác.
Trong sinh hoạt chúng ta không chạy theo, không bị động bởi ngoại cảnh bên
ngoài, bình thường an nhiên, tiêu sái hài hòa. Đẹp làm sao! Một thiền tăng
đi trong thanh thản, trầm tỉnh, trang nghiêm rất dễ chiêu cảm đến người
khác. Ngược lại, vị nào vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung, sẽ hiện tướng bất
an, dao động. Đó là vì bị hành ấm chuyển hoặc tưởng ấm quậy. Người tu
thiền không nên như vậy. Phải ngay trong sự sống mà chuyển hóa. Bình an
hay không, đến nơi hay không là từ tâm thể của mình, chứ không ai khác.
Người đã nhận và sống được với tri kiến Phật, tất cả các pháp đều được
tổng trì trong tánh giác ấy.
CHÁNH VĂN
Người nhận đây tu hành thì sáu độ muôn hạnh thảy đều tròn đủ. Lại, thọ trì
mật ngữ, thần lực thầm giúp, có thể mau chứng quả Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác. Nhưng, thọ trì đà-la-ni, là biểu lộ tâm này vốn không phân
biệt, chẳng thể suy lường, không cho nghĩ nghị, cho đến lìa tất cả tướng
ngôn ngữ, văn tự, nghĩa lý… Kinh Kim Cương nói: “Phàm những gì có tướng
đều là hư vọng” chỉ linh linh, lặng lặng, sừng sững chẳng đổi. Thế nên
ý nghĩa trong thần chú, không thể diễn giải, chỉ tin nhận và thọ trì, thần
công chẳng thể trắc nghiệm nổi. Và đây cũng nhằm đả phá lớp vọng tưởng u
ẩn của hành ấm thứ tư vậy.
GIẢNG
Ở
đây nói thọ trì mà không thọ trì gì hết, bởi vì tâm thể linh tri an nhiên
như vậy. Người nhận và sống được tâm thể này là giác ngộ giải thoát. Nói
tổng trì cũng được, nói chân như cũng được, nói Niết-bàn cũng được, nói gì
cũng được, cái chính là phải hằng sống với tánh giác. Ngài Minh Chánh dẫn
kinh Kim Cương nói tất cả những gì có tướng đều không thật, chúng ta không
lầm không theo, chỉ an trụ nơi tánh linh tri thường tại thì dứt sạch điên
đảo vọng tưởng. Phẩm này phá lớp mê lầm thứ tư là hành ấm. Nó chính là
những lớp vọng tưởng, chứ không có gì lạ. Tu đến đây là gần hoàn chỉnh rồi.
CHÁNH VĂN
Nên biết, tiết này cùng với kinh Lăng Nghiêm, đoạn nói về ba cõi, bảy thú,
mười hai loài sanh, tất cả cõi nước hữu vi gồm về trong một tâm này mà
sanh. Nếu khi đắc ngộ, thì ba cõi, bảy thú v.v… đều là mộng huyễn, đều do
vọng tưởng khởi lên, vốn chẳng có thật.
GIẢNG
Khi
chúng ta sống được với tâm chân thật thì những hiện tượng chung quanh chỉ
là vọng tưởng. Chư huynh đệ tu tập như thế nào, mà đối với tất cả cảnh
duyên không động, chắc chắn không bị rơi vào ba cõi sáu đường, mười hai
loài sanh, tất cả cõi nước hữu vi. Bấy giờ thấy chúng đều huyễn mộng,
không có sức lôi kéo chúng ta nữa. Như ngày xưa mình mê non bộ, đến khi
nhận ra non bộ chỉ là những khối đá lỏm ngỏm, do mấy tay nghệ nhân tạo
hình tạo dáng thế này thế kia vậy thôi. Thành ra non bộ mà không non bộ gì
hết, bởi nếu thảy ra từng cục đá thì chúng chẳng có ý nghĩa chi. Do vậy
không có gì để mình mê cả. Đó là giác ngộ. Rất giản dị.
Phật
nói các pháp từ duyên sinh huyễn hóa, hợp thể đó là giả tạm, không thật.
Chúng ta nhận được như vậy thì các pháp không đủ sức làm lầm và kéo lôi
mình. Người có trí lực thấy rõ từng bộ phận duyên sinh, nên không chạy
theo nó nữa. Nhìn các pháp hiện tiền, tánh linh tri của chúng ta hiện bày
rõ ràng. Ngồi cũng thế nằm cũng thế, ban ngày thấy như vậy, ban đêm cũng
thấy như vậy. Huynh đệ tu hành phải nỗ lực đi đến chỗ này, chứ lâu lâu nhớ
nhà, thấy gì cũng ham cũng thích thì đâu còn là người tu nữa.
Dùng
trí tuệ tấn công vô minh thì không có hệ thống phòng thủ nào không bị phá
vỡ triệt để. Người đã có năng lực, công phu thấy các pháp bình thản, không
khởi niệm tham đắm. Chẳng những các pháp bên ngoài mà ngay thân mình cũng
vậy. Nếu chúng ta không soi lại, không thấy tới nơi tới chốn, mình sẽ lầm
thân tâm mộng huyễn là thật có. Từ đó chấp giữ, tạo nghiệp là chiêu cảm
quả khổ. Bây giờ huynh đệ nhìn lại xem, chỉ cần mình nhịn đói vài hôm, mất
ngủ vài hôm, hoặc không tắm rửa vài hôm sẽ thấy thân thay đổi, xuống dốc
liền. Không đánh răng một bữa thôi đã nghe mùi hôi xông ra từ miệng. Cho
nên đức Phật nói thân này là nhà xí sinh hoa, là cái bô vẽ khéo, nhơ nhớp
vô cùng. Không cần phải quán chiếu gì hết, chúng ta thấy rõ ràng ngay
chính bản thân này rồi.
Huynh đệ nhớ trong công phu đừng để cảnh duyên bên ngoài kéo lôi, nghĩa là
chúng ta phải đầy đủ chủ lực. Nói thì dễ nhưng vào công phu rất khó. Cho
nên đòi hỏi chúng ta quyết tâm, lập nguyện vững chắc, nuôi lớn ý chí mới
có thể sống chết với bản nguyện tu hành cầu thoát ly sanh tử. Nói thế để
anh em tập trung vào việc thực hành. Bởi vì có thầy học nhiều quá, rồi đem
ra nói, bàn luận về hành trạng của các tổ xem như rất lão thông, nhưng
thực chất bản thân với không tới, thành ra hụt hẩng. Từ hụt hẩng đi đến
bất đắc chí. Quí vị mang cái bệnh ấy mà không dám nói ra, sợ huynh đệ cười.
Do đó việc tu hành chẳng đi tới đâu.
Hòa
thượng Ân sư dạy tu là phải ra tu, không lờ mờ, không ai bắt buộc. Mọi
sinh hoạt, từng bước từng niệm, chúng ta tạo ra một sức sống lạc quan,
tỉnh giác, đó là thiền. Trí tuệ Bát-nhã lúc nào cũng dàn trải trùm khắp,
đó là biết ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống tu hành. Quí vị đừng bao
giờ để mình trở thành người thượng bất chí, hạ bất đáo, đừng bao giờ để
mình hụt hẩng. Quí vị phải thuộc lòng hành khúc “dù gian khó ta hằng
sống trong hòa khí, trong an lành. Dù vui sướng ta thường nhắc mau dừng
bước lang thang này...” Trong anh em có những vị bất đắc chí, không
dám nói ra. Tôi đề nghị chúng ta cắt đứt tình trạng đó ngay. Huynh đệ phải
thẳng thắng trừng trị tập nghiệp yếu đuối của mình. Không thì những ung
nhọt ấy sẽ loang lở, làm hỏng đi lý tưởng, bản hoài cao quý nhất của chúng
ta.
Sự
tu hành của chúng ta hôm nay rõ ràng như thế. Từng bước trở về nhà, bước
đúng và bước nhanh. Đó là bước nhảy vượt, không nên chần chờ, nấn ná. Ai
quyết tâm trở về nhà, nhất định sẽ tới nhà. Bước nhanh thì tới nhanh, bước
chậm thì tới chậm, nhảy vượt càng nhanh hơn. Rõ ràng như thế. Như từ thiền
viện muốn đi thành phố, quí vị đứng bên đây đường đón xe Vũng Tàu về, đi
như vậy sẽ tới nơi. Nếu quí vị bước qua bên kia đường đón nhằm xe đi Vũng
Tàu, dù có cầu nguyện bao nhiêu, xe đó cũng đưa quí vị đến Vũng Tàu. Tất
cả đều do chúng ta thôi.
Các
thầy lớn tuổi hiểu rõ việc này nên mỗi sáng chỉ thích quét lá, trang đá mi
vậy mà vui. Thầy làm cỏ, quét dọn lau chùi chung quanh chùa cũng vui. Thầy
lượm lá giữ nhà tròn cũng vui… Rõ ràng bước chậm bước nhanh, bước ngắn
bước dài gì, mà từng bước về đúng hướng thì nhất định đến nhà an vui.
Ngược lại bước sai thì bước chậm sai chậm, bước nhanh sai nhanh, nhảy vọt
càng té đau. Tu trong công việc, chánh tâm nhiếp ý, không vọng tưởng lung
tung tức là phá hành ấm vậy.
CHÁNH VĂN
Giờ đây, thọ trì đà-la-ni, lòng không phân biệt, chẳng khởi vọng tưởng.
Thế thì, hội vọng qui chân, chân vốn lặng sáng. Khi đó chẳng còn thấy có
tướng ba cõi, bảy thú, cùng tất cả tướng hữu vi nữa. Vì thế chư Phật và
Bồ-tát cùng chư thiên, quỉ thần, đồng thanh nói đà-la-ni, cũng là để chứng
tỏ tổng qui ở một tâm này thôi.
Tổ sư Vĩnh Gia nói:
Chóng rõ biết, thiền Như Lai,
Sáu độ, muôn hạnh thể tròn bày,
Trong mộng, rõ ràng có sáu thú,
Thức rồi, không không, chẳng đại thiên.
Nói trong mộng, tức chỉ cho trong vô minh vọng tưởng thấy có các cảnh giới
vậy.
Kệ rằng:
Tiếng Phạn tên gọi đà-la-ni,
Phương này dịch lại ấy tổng trì,
Đọc tụng cần rành viên đốn chỉ,
Thọ trì nên rõ tín diệu tri,
Thần thông tợ biển văn linh tỏ,
Trí tuệ dường non mật ngữ ghi,
Trong tánh tịch diệt không một vật,
Xưa nay một vật tột thi vi.
GIẢNG
Có
tu tập chúng ta mới nhận định chính chắn. Phần tu tập giống như phần thể
nghiệm bên khoa học. Kinh văn hướng dẫn chỉ là công thức, bản đồ, mỗi
chúng ta phải thể nghiệm mới đến được chỗ cứu cánh chân thật.
Chúng ta thể nghiệm rồi tự sống, tự phát huy công phu. Mạng sống có bao
lâu, thân này không bảo đảm nay còn mai mất. Thân mình to lớn như thế mà
một mũi kim nhỏ đâm vô chịu không nổi, hà huống những ung nhọt khác. Người
không sáng cứ cố chấp, dù Phật hiện ra cũng không cứu được. Chỉ có mình tự
cứu mình thôi. Những gì ta thấy chưa hoàn chỉnh cố gắng tu sửa cho hoàn
chỉnh. Việc này không đợi ai nhắc nhở. Chúng ta tu cho mình, chớ chẳng tu
cho ai, sao phải đợi nhắc?
Tới
phẩm này là phá hành ấm. Giai đoạn công phu đã vững, sắp tròn đủ, nên rất
sáng suốt. Vì vậy hành giả chỉ khéo bảo nhậm giữ gìn. Nên nhớ tánh giác
không một vật, xưa nay thường vắng lặng, không dung một niệm nào. Ứng dụng
như vậy là phá hành ấm một cách triệt để.
|