Phẩm Diệu
Trang Nghiêm Vương Bản Sự
CHÁNH VĂN
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương. Đây là dặn phải khéo hộ trì tâm ấy, biện
rành tà chánh. Chớ cho được như thế là tự đủ, rồi sanh lười nhác. Hoặc bị
ấm ma hoặc loạn, hoặc bị thiên ma nhiễu hại, hoặc lại giữa đường thành
cuồng, hoặc lạc nơi đường tà, hoặc do đắm yêu chỗ tập từ trước ôm giữ
trong lòng, mà sanh tăng thượng mạn, hoặc là chìm không, hoặc lại trệ tịch,
dừng nghỉ ở Hóa thành, chẳng có thể lại tiến lên. Do các duyên này v.v...
nên chẳng có thể tiến đến Bảo sở.
Xét thấy vua Diệu Trang Nghiêm là tượng trưng cho người tu hành, là tâm
vương của chính mình. Phu nhân Tịnh Đức là tượng trưng cho chánh trí tuệ.
Tịnh Tạng là tượng trưng cho chánh tri. Tịnh Nhãn là tượng trưng cho chánh
kiến. Nghĩa là người tu hành hay nương nơi chánh trí tuệ, chánh tri, chánh
kiến, lấy đó làm thiện tri thức căn bản. Do thiện tri thức căn bản này,
khéo gìn giữ lòng mình. Trong khi thiền định, phàm có thấy nghe hiểu biết,
tất cả hiện tượng, cảnh giới lành dữ, lòng chớ tham trước, chớ khởi thánh
giải, cho đến cũng chớ sanh lo mừng cùng các tâm như đã nói trên. Chỉ dùng
trí tuệ quán sát nơi không tịch, thì tất cả cảnh giới hiện ra đó, liền khi
ấy tự nhiên tiêu diệt. Khiến cho hành giả chẳng thoái chuyển nơi đạo vô
thượng chánh chân. Đây nhằm phá lớp vọng tưởng võng tượng hư vô điên đảo
của thức ấm thứ năm vậy.
Nên biết văn trong tiết này, đồng với kinh Lăng Nghiêm phần nói về năm ấm,
năm vọng tưởng, xuất hiện năm mươi lớp cảnh giới ma. Muốn biết việc ma thế
nào, xin đọc kinh Lăng Nghiêm quyển 9, quyển 10 thì rõ, đây chẳng thuật
hết.
Kệ rằng:
Vô thủy luân hồi, ái là căn,
Đuổi theo tà ác, thọ sanh thân,
Xoay về tịnh tạng gieo lời thỉnh,
Khéo độ trang nghiêm tin chánh nhân,
Chẳng lại tự theo tâm hạnh ác,
Từ nay nguyện thích Phật năng nhân,
Đấy nêu gặp được chân tri thức,
Hay chuyển Bồ-đề bất thoái luân.
GIẢNG
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương. Đây là dặn phải khéo hộ trì tâm ấy, biện
rành tà chánh. Chớ cho được như thế là tự đủ, rồi sanh lười nhác. Hoặc bị
ấm ma hoặc loạn, hoặc bị thiên ma nhiễu hại, hoặc lại giữa đường thành
cuồng, hoặc lạc nơi đường tà, hoặc do đắm yêu chỗ tập từ trước ôm giữ
trong lòng, mà sanh tăng thượng mạn, hoặc là chìm không, hoặc lại trệ tịch,
dừng nghỉ ở Hóa thành, chẳng có thể lại tiến lên. Do các duyên này v.v…
nên chẳng có thể tiến đến Bảo sở.
Phẩm
này phá thức ấm. Tu đến đây là giai đoạn gần viên mãn. Diệu Trang Nghiêm
Vương là tên một vị vua, tượng trưng cho tri kiến Phật. Thiền sư Minh
Chánh dặn chúng ta phải khéo hộ trì tâm chân thật của mình. Từ đầu kinh
Pháp Hoa đã nói chư Phật ra đời vì mục đích chỉ tâm chân thật cho tất cả
chúng sanh. Những phẩm trước nói đến giai đoạn nhận ra tâm, tới đây là
giai đoạn bảo trì, hằng sống với tâm đó. Muốn hằng sống với tâm chân thật
thì phải có đầy đủ trí tuệ. Ở đây nói phải biện rành tà chánh, chớ cho
được như thế là đủ. Người tự mãn, công phu đến giai đoạn gần xong liền tự
cho là đủ nên sinh lười nhác, không tiến lên nữa. Đó là tai hại cần phải
tránh.
Việc
học Phật pháp cũng vậy. Có khi chúng ta học được đôi ba điều, biết chút ít
liền thấy như vậy đủ tu rồi, không thèm học nữa. Như trong kinh tạng có
hàng trăm bộ, mình chỉ học đôi ba bộ, tự thấy thông bác, luận nào cũng
hiểu, kinh nào cũng nắm. Bởi thế không tiến tới giai đoạn quảng bác đa văn.
Nhiều huynh đệ bị chướng khi nghe nói tu thiền không cần học nhiều, học
nhiều tu không được, vì đó là đàm giãi của cổ nhân. Câu này chỉ khi nào đã
xong việc hãy nói. Còn ngược xuôi trong luân hồi sanh tử mà nói như thế
thì nguy. Cho nên thiền sư Minh Chánh bảo cần phải biện biệt tà chánh.
Kinh
luật dạy chúng ta tu, chứ không kinh luật nào làm trở ngại việc tu của
mình cả. Chúng ta học mà tự mãn, cố chấp, cho như thế là đủ, thấy đã thể
nhập siêu lý, thì kinh luật trở thành chướng, thành bệnh đối với mình. Vì
càng học càng nhớ thì càng trở ngại cho việc tu. Trái lại, người biết áp
dụng lời Phật dạy lo tu hành, không kẹt câu chấp chữ thì kinh luận là
thước đo pháp hạnh của chúng ta. Chúng ta học kinh luận để biết tu, đồng
thời đối chiếu với kinh Phật dạy xem mình tu đúng hay không. Đó là điều
không thể thiếu của người tu hành. Tu mà không học là tu mù. Học hiểu mà
không tu là cố chấp, ngã mạn.
Vậy
đối với người tu, sau khi đã biết thế nào là vọng tưởng lăng xăng, không
cần chạy theo vướng mắc, để bị nó kéo dẫn tạo nghiệp trong luân hồi sanh
tử. Như thế sẽ được yên định. Do yên định trí tuệ Bát-nhã hiện bày. Trí
tuệ Bát-nhã hiện bày thì thấy các pháp rõ ràng là huyễn hóa không thật,
đối duyên tiếp cảnh không bị động, đây gọi là định tuệ hiện tiền. Phương
pháp này chúng ta phải nắm vững để hành trì mỗi ngày. Siêng năng xét lại
xem mình hết vọng tưởng chưa, làm chủ được chưa, hay vẫn còn bán tín bán
nghi, lúc mê lúc tỉnh. Như thế thì kinh luật luận vẫn là thước đo, là
khuôn vàng thước ngọc giúp mình chỉnh đốn công phu hằng ngày.
Hòa
thượng Viện trưởng dạy dùng trí dụng của mình để xử lý tất cả những dấy
niệm. Bao giờ chúng không dấy khởi lung tung nữa, lúc đó định tuệ hiện
tiền, vọng tưởng phát sinh ở đâu? Còn bây giờ vọng tưởng nhiều lắm, vui,
buồn, hờn, giận, lo, tức… đủ thứ hết. Những tâm điên đảo lăng xăng, những
vướng mắc, chúng ta chưa buông được nên phải dùng đến phương tiện của Phật
tổ để điều trị tâm bệnh của mình. Đó là chỗ người tu hành phải quan tâm.
Trong hội của Lục Tổ có một vị tên Pháp Đạt, đến lễ tổ cầu pháp mà đầu
không chấm đất. Tổ hỏi ông có sở học gì? Thưa con tụng được cả ngàn bộ
kinh Pháp Hoa. Tụng cả ngàn bộ kinh Pháp Hoa nên trong đầu có khối u, lạy
xuống không tới đất. Bởi vì Pháp Đạt tụng kinh mà chấp vào kinh nên thành
bệnh, do đó Tổ bảo bị Pháp Hoa chuyển. Chúng ta cũng vậy. Như có người
trước khi đến thiền viện là một võ sư đệ tam đẳng huyền đai chẳng hạn.
Nhân vật đến thiền viện trong cái bằng cấp võ thuật ấy, nên từ nhà khách
vô nhà bếp cũng có cái đệ tam đẳng huyền đai, từ nhà bếp lên chánh điện
cũng kè theo cái đệ tam đẳng huyền đai, giờ ăn giấc ngủ… lúc nào đệ tam
đẳng huyền đai cũng nằm trong tay nãi. Nó nung nấu thành khối u cứng trong
tâm, nên ăn cơm không biết mình ăn gì, lên tụng kinh không biết mình tụng
gì… Như thế là bị võ thuật chuyển.
Có
thầy ở thiền viện mười mấy hai mươi năm, rất tự hào về thời gian thâm niên
ấy. Nhưng khổ nỗi các thầy áp dụng công phu chưa đúng mức. Ai nói nặng một
câu thì mặt mày đổi sắc, không một chút xíu tự chủ. Thế nhưng gặp Phật tử
lại khoe tôi ở thiền viện từ hồi Hòa thượng mới khai khẩn vùng đất này.
Thiên hạ nghe cũng nể lắm, nhưng thật ra chỉ là mấy mươi năm rỗng, không
có công phu gì cả, thật đáng xấu hổ, không thể tự hào được. Tu như vậy là
bị thời gian chuyển, cảnh chuyển, tâm tham sân phiền não chuyển, chớ mình
chẳng chuyển được gì cả. Gốc dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử không
chặt đứt, không phá vỡ tí nào cả, tu như thế dù trải qua trăm ngàn năm
cũng không dính dáng.
Cốt
lõi của sự tu là nhận ra tâm và phải bảo vệ được nó. Người bảo vệ được tâm
thì trí dụng hiện tiền, định tỉnh sáng suốt, không bị cảnh duyên kéo lôi.
Người đó là người tự tại, như thế mới tiến đến Bảo sở, không đi ngã tẻ,
không lạc đường tà, không cống cao ngã mạn.
Xét thấy vua Diệu Trang Nghiêm là tượng trưng cho người tu hành, là tâm
vương của chính mình. Phu nhân Tịnh Đức là tượng trưng cho chánh trí tuệ.
Tịnh Tạng là tượng trưng cho chánh tri. Tịnh Nhãn là tượng trưng cho chánh
kiến. Nghĩa là người tu hành hay nương nơi chánh trí tuệ, chánh tri, chánh
kiến, lấy đó làm thiện tri thức căn bản. Do thiện tri thức căn bản này,
khéo gìn giữ lòng mình. Trong khi thiền định, phàm có thấy nghe hiểu biết,
tất cả hiện tượng, cảnh giới lành dữ, lòng chớ tham trước, chớ khởi thánh
giải, cho đến cũng chớ sanh lo mừng cùng các tâm như đã nói trên. Chỉ dùng
trí tuệ quán sát nơi không tịch, thì tất cả cảnh giới hiện ra đó, liền khi
ấy tự nhiên tiêu diệt. Khiến cho hành giả chẳng thoái chuyển nơi đạo vô
thượng chánh chân. Đây nhằm phá lớp vọng tưởng võng tượng hư vô điên đảo
của thức ấm thứ năm vậy.
Vua
Diệu Trang Nghiêm tượng trưng cho tâm mà theo như Duy Thức gọi là “Tâm
vương”, tức tâm chủ của mình. Phu nhân Tịnh Đức là tượng trưng cho
chánh trí tuệ. Hai vị hoàng tử, một Tịnh Tạng là tượng trưng cho chánh
tri, hai Tịnh Nhãn là tượng trưng cho chánh kiến. Đây là hai vị thiện hữu
tri thức cùng với hoàng hậu, cả ba đều là thiện hữu tri thức giúp vua Diệu
Trang Nghiêm thành tựu giác ngộ viên mãn trên đường tu hành. Cuối cùng cả
gia đình đều được thành tựu tốt đẹp. Cho nên thiện hữu tri thức đối với
chúng ta rất cần thiết.
Vua
Diệu Trang Nghiêm nếu không có phu nhân và hai người con thì không có cơ
duyên đến với đạo. Cũng vậy, chúng ta phát tâm tu mà thiếu thiện hữu tri
thức, thiếu những người đồng chí đồng hạnh luôn ở bên cạnh động viên nhắc
nhở chúng ta thì pháp hạnh của mình khó thành tựu. Cho nên dân quê Việt
Nam có câu “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Một câu nói bình
thường nhưng ý nghĩa rất thâm thiết. Chẳng những tu mà làm bất cứ việc gì
cũng thế, thiếu bạn bè, thiếu phương tiện hỗ trợ, chúng ta khó thành công.
Tuy
nhiên chúng ta phải là người dũng mãnh, can đảm quyết liệt, không ỷ lại.
Nói không ỷ lại chứ không nói chẳng nhờ duyên. Như không có cha mẹ, làm
sao chúng ta có thân này, không thân này lấy gì mà tu. Không có Phật pháp,
thầy tổ làm sao chúng ta khai mở tuệ mạng. Tuy có nhờ các duyên nhưng mình
không ỷ lại hay trông chờ hoàn toàn vào các duyên, mà phải dũng mãnh cương
quyết, nỗ lực vươn lên. Tu để sáng tâm, để thành tựu đạo nghiệp. Nếu mình
tu thành rồi mà bạn của mình chưa thành thì hỗ trợ cho bạn tu hành thành
tựu. Xem kinh A Hàm, chúng ta thấy các vị đệ tử của đức Phật rất thánh
thiện, giàu trí tuệ và tình thương.
Như
hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, trước khi gặp Phật hai ngài theo
đạo Bà La Môn. Cả hai đều thiết tha tu hành, nên hứa với nhau, ai gặp thầy
sáng tỏ ngộ chân lý trước thì báo cho người kia hay liền. Bởi vậy khi ngài
Xá Lợi Phật gặp đệ tử của đức Phật, chỉ cho chánh pháp và giới thiệu đến
Thế Tôn, ngài liền báo cho Tôn giả Mục Kiền Liên biết, rồi cả hai vị dẫn
200 người đệ tử của mình đến đảnh lễ Phật Thích Ca. Hai ngài nghe pháp
được đắc đạo, tất cả đệ tử đều hướng về đức Phật qui y Tam bảo.
Huynh đệ chúng ta cũng vậy. Người nam kẻ bắc, mỗi người một nghiệp một
duyên, không cùng cha mẹ, tuổi tác, nghề nghiệp mà đồng tựu trung về thiền
viện, phát tâm tu một pháp, học một thầy, sống chung một đạo tràng, rõ
ràng chúng ta có duyên với nhau. Bây giờ chỉ còn thương mến, giúp đỡ nhau
cùng phát huy trí tuệ của mỗi người. Chúng ta không phải sợ sệt, lo lắng,
vướng mắc cái gì nữa. Bởi vì trên có Phật tổ phò trì, kế có thầy bạn chỉ
dạy, đầy đủ tất cả phương tiện, chỉ cần mỗi vị phát tâm dũng mãnh và chân
chính. Tâm chân chính là tâm không tà vạy, tâm hướng đến đạo giác ngộ giải
thoát, và giúp cho mọi người đều được giác ngộ giải thoát như mình.
Đức
Phật sau khi giác ngộ hoàn toàn dưới cội Bồ-đề rồi, ngài nói “Lạ thay!
Chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để bị trầm
luân sanh tử?” Đáng lẽ giác ngộ xong, đức Phật thích thú nghỉ ngơi,
khỏi phải làm gì nữa. Nhưng ngài thấy chúng sanh còn bị ràng buộc tăm tối
nhiều quá, mình nỡ nào nghỉ cho nên Như Lai bắt đầu chuyển pháp luân.
Chúng ta cũng vậy. Chuyển pháp luân của anh em trong một thiền viện là gì?
Sáng mai anh kéo xe, anh nấu cơm, anh quét sân, anh cuốc đất, anh hốt rác
v.v... tất cả những việc làm ấy đều là chuyển pháp luân. Anh nào chưa chịu
chuyển pháp luân, quý thầy sẽ tập cho mấy anh chuyển pháp luân. Tất cả mọi
sinh hoạt đều là pháp hạnh, pháp tu của các thiền sinh. Đồng hạnh mà,
chúng ta cùng học một thầy, cùng tu một pháp môn, làm sao hỗ tương nhau để
cùng tiến trong công phu tu tập. Được như thế chư huynh đệ là những vị
Phật, những vị Bồ-tát đem ánh sáng trí tuệ và từ bi, phá dẹp những tăm tối
giữa cuộc đời này. Nhiệm vụ của người xuất gia là như thế.
Anh
em nên nhớ mọi thời khóa và công việc của chúng ta đều tựu trung phá ngã,
dẹp sạch tham sân phiền não, để đời sống nội tâm chúng ta an vui, tỉnh táo.
Đang an nhàn mà thấy người huynh đệ kéo xe nặng quá, mình ngồi trên Thanh
Viên Đình nhâm nhi nước trà, không thèm xuống phụ thì không có đạo lý chút
nào. Cái vui thích của chúng ta là sao? Anh kéo xe không nổi, để tôi phụ
anh, như thế mới gọi là vui thích có đạo lý. Thầy làm việc mệt quá, đứng
không lên nổi, mình đỡ thầy lên, xoa bóp, kiếm nước cho thầy uống hay công
việc thầy nhiều quá mình phụ, xem như việc của mình. Như thế hay biết bao
nhiêu! Giữa mình với thầy không có ngăn cách, giới hạn, sự phân biệt nào.
Đây là đạo tình của những con người đang hướng lên con đường giải thoát.
Hòa
thượng Ân sư dạy chúng ta sống với tánh giác, ở đây dạy là bảo vệ tâm của
mình. Một khi chúng ta phát tâm dũng mãnh rồi, không ai có thể cản được.
Dù đời này họ có cản, đời khác họ cũng phải phục tùng và sẽ ủng hộ cho
mình. Bởi vì người đã quyết tâm dũng mãnh sẽ không bị chướng ngại nào ngăn
cản nổi. Tâm đã rỗng rang sáng suốt thì mọi thứ theo đó an bày sáng suốt.
Cho nên quan trọng ở tâm của chúng ta. Trong hành xử hằng ngày cũng vậy,
tâm còn nhác nhúa chưa quyết thì đừng nói đến chuyện tu.
Lục
Tổ dạy định tuệ đẳng trì chúng ta mới có thể giữ được tâm mình. Nếu người
lăng xăng ngược xuôi, tăm tối, không sớm thì muộn, không sáng thì chiều,
không vương cái này cũng vướng cái nọ. Cho nên cái nhìn của thiền là cái
nhìn của tâm, không lựa chọn cao thấp mà do mình có áp dụng được định tuệ
đẳng trì hay chưa. Gặp nhau huynh đệ dè dặt những lời nói rỗng, mà phải
khiêm hạ, tâm niệm vững vàng mới tu tập đến nơi đến chốn. Tâm của các vị
như thế thì khỏi sợ bị vướng mắc, bị luân hồi sanh tử. Nhân học về bản sự
của Diệu Trang Nghiêm Vương, mỗi người chúng ta nhớ lại bản sự của mình.
Đó là dẹp sạch thức tình phân biệt, sống trở lại với chân tâm thường sáng
của mình.
Phẩm
này là phẩm phá lớp vọng tưởng võng tượng hư vô điên đảo của thức ấm. Nói
gọn hơn là phá thức ấm. Lớp vọng tưởng võng tượng, tức là những hình tượng
như mạng lưới, rất vi tế, rất khó phá trừ. Từ phẩm phá sắc ấm, phá thọ ấm,
phá hành ấm, tới phẩm vua Diệu Trang Nghiêm Bản Sự này là phá thức ấm, tức
phá lớp vọng tưởng võng tượng điên đảo sau cùng, chắc cứng trong chúng ta.
Phá được thức ấm này rồi thì thành Phật.
Nên biết văn trong tiết này, đồng với kinh Lăng Nghiêm phần nói về năm ấm,
năm vọng tưởng, xuất hiện năm mươi lớp cảnh giới ma. Muốn biết việc ma thế
nào, xin đọc kinh Lăng Nghiêm quyển 9, quyển 10 thì rõ, đây chẳng thuật
hết. Phá được lớp thức ấm tức phá sạch cái cốt lõi vô minh bên
trong. Chư huynh đệ tự xoay lại, mạnh mẽ vươn lên sẽ thành tựu bản nguyện
tu hành của mình. Dù bao nhiêu lớp ma, chúng ta cũng không sợ.
Người tu không đặt nặng đời sống vật chất, không quan trọng ăn ngon ngủ kỹ.
Dĩ nhiên mỗi sáng mỗi trưa chúng ta có dùng cơm, buổi chiều ăn nhẹ mới đủ
sức khỏe để tu. Nhưng mình không đặt nặng việc ấy. Không phải ăn cho ngon,
ăn những trân tu mỹ vị, mà ăn để sống tu. Quan trọng là công phu hành
thiền cho tốt, học tập giáo điển cho thông suốt quán triệt. Huynh đệ chúng
ta cùng sống cùng làm, cùng tu cùng học, cùng sinh hoạt trong sự tu tỉnh.
Nếp sinh hoạt thiền môn như vậy.
Kệ
rằng:
Vô
thủy luân hồi, ái là căn,
Đuổi theo tà ác, thọ sanh thân,
Xoay về tịnh tạng gieo lời thỉnh,
Khéo độ trang nghiêm tin chánh nhân,
Chẳng lại tự theo tâm hạnh ác,
Từ
nay nguyện thích Phật năng nhân,
Đấy
nêu gặp được chân tri thức,
Hay
chuyển Bồ-đề bất thoái luân.
Vô thủy luân hồi, ái là căn.
Từ vô thủy, gốc của luân hồi là ái. Ái là sợi dây ràng buộc, cũng gọi là
nước ái, ái niệm v.v... Có khi chúng ta nghe nói gốc của luân hồi sanh tử
là vô minh. Vì vậy tu là phá vô minh để phát huy trí tuệ. Ở đây nói gốc
của luân hồi sanh tử là ái niệm. Hòa thượng Ân sư dạy phải làm chủ, đừng
chạy theo những dấy niệm thương ghét. Mình đang yên ổn mà có những dấy
niệm yêu thích liền lao theo, tức gốc ái niệm bật dậy, từ đó nó dẫn mình
tạo nghiệp. Đã lao theo thì không phát huy được trí tuệ. Định tuệ không có
thì luân hồi sanh tử không chạy đàng nào khỏi.
Đuổi
theo tà ác, thọ sanh thân. Từ ái niệm đó, chúng ta lao theo gây nghiệp
nhân nên thọ thân này.
Xoay về tịnh tạng gieo lời thỉnh, khéo độ trang nghiêm tin chánh nhân. Tả lại tình huống gia đình vua Diệu Trang Nghiêm, trong đó
bà vợ là Tịnh Đức và hai con là Tịnh Nhãn, Tịnh Tạng hướng dẫn vua trở lại
con đường chân chánh.
Chẳng lại tự theo tâm hạnh ác, từ nay nguyện thích Phật năng nhân. Sau khi được vợ và hai con hướng dẫn vào con đường chân
chánh rồi, vua phát tâm Bồ-đề.
Đấy nêu gặp được chân tri thức, hay chuyển Bồ-đề bất thoái luân. Nhờ có thiện tri thức hướng dẫn con đường chân chánh, chúng
ta không bị mất thời gian, không bị trở ngại ngã tẻ đường tà, do đó phát
huy được trọn vẹn chánh nhân là Bồ-đề giải thoát.
Chúng ta cùng sinh hoạt chung với nhau trong sự tỉnh táo sáng suốt, để
trang nghiêm đạo tràng. Như vậy chúng ta là những thiện hữu tri thức của
nhau. Nếu tập hợp nhau một số đông mà sống không ra gì, anh em không tin
tưởng nhau, thầy trò không thật lòng với nhau. Đó là điều bất hạnh, là gốc
của bất an bất ổn, của tai họa. Chúng ta ý thức rõ ràng nguy cơ đó, nên
quyết tâm tu, học pháp trong sự chân thành nhất. Mỗi người đều tự phản
quan, tự điều phục những thói hư tật xấu, làm trở ngại sinh hoạt của tập
thể. Điều này rất quan trọng.
Giả
dụ huynh đệ chúng ta thiếu cơm ăn, áo mặc, nhưng mình sống với nhau như
ruột thịt, không có một gốc cạnh gì hết. Những khuyết điểm của anh tôi
thấy như khuyết điểm của tôi. Tại sao như thế? Bởi vì tôi có khuyết điểm
ấy, tôi mới biết khuyết điểm của anh. Như nhìn thấy mặt anh đang giận tôi
biết ngay, vì tôi đã từng giận. Nếu tôi không giận, làm sao tôi biết anh
giận. Rõ ràng như vậy. Vậy nên chúng ta thông cảm và cùng nhau xây dựng,
hoán chuyển tập khí xấu của mình cũng như của các huynh đệ trong một đạo
tình chân thật. Bấy giờ ta không cần nói thành Phật thành tổ, không đợi ai
ấn ký cho mình, nhất định chúng ta sẽ được an vui trong một bản tâm thanh
tịnh như nhau.
Chư
huynh đệ cần tạo một đạo tình, cho nếp thiền trong cuộc sống của mình. Ở
đây không có tham, sân, si gì hết thì thành Phật tổ rồi, cần cầu cái gì
nữa. Mỗi khi thấy huynh đệ có gì khác lạ, tôi tự tỉnh thức mình trước, sau
đó mới uốn nắn huynh đệ. Gầy dựng như vậy không phải là chuyện dễ nhưng
chúng ta có thể làm được, với điều kiện anh em phải có quyết tâm, chân
thật. Ở đây không đặt nặng bằng cấp, không đặt nặng người giàu nghèo, có
kiến thức hay không kiến thức mà phải là người có tâm thật thà chất phác,
từ đó uốn nắn mới làm nên đại sự.
Nếp
sống thiền môn là như vậy. Anh em chúng ta chưa thành tựu Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác, chưa triệt hoàn toàn cái ngã chấp điên đảo hay thức ấm
võng tượng điên đảo cuối cùng, khó mà gầy dựng được sự nghiệp giác ngộ
giải thoát. Cho nên điều quan trọng nhất của thiền tăng là phải phá cho
sạch vọng tưởng vô minh, thức tình phân biệt. Có thế mới hy vọng bước lên
bờ giải thoát an vui.
|