ĐỀ CƯƠNG KINH PHÁP HOA

T.T THÍCH NHẬT QUANG

Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát

CHÁNH VĂN

Phổ Hiền là tâm nghe thấu suốt khắp mười phương, không chỗ nào mà chẳng đến. Đây là nhiếp phẩm Diệu Trang Nghiêm ở trước. Khi được vị thiện tri thức căn bản nắm tay dắt đi, khiến chẳng lạc vào các nẻo tà hiểm mà được thấy Phật. Bởi Phổ Hiền dùng tâm nghe mà được chứng, tức biểu trưng cho kinh lúc đầu lấy nhãn căn thấy tánh để khai thị, khiến ngộ nhập bản tâm. Kế lại, từ tánh nghe của nhĩ căn mà tu. Đến đây đã vào trong tánh nghe, công năng rất là cùng cực, tự thấy tâm thể trong sạch xưa nay của mình. Mới biết chính thật là tâm nghe, chẳng phải tai nghe vậy.

GIẢNG

Thượng nhân Minh Chánh nêu lên tinh ba của phẩm này. Phổ Hiền là tâm nghe thấu suốt khắp mười phương, không chỗ nào chẳng đến. Vì nghe bằng tâm, tức không chấp nhận cái lăng xăng của pháp trần, không chạy theo những hình ảnh bên ngoài, thấu thật bằng tâm của mình. Vừa nghe âm thanh là xoay lại tánh nghe, biết mình có tánh nghe hằng hữu. Khác với người thường, vừa nghe âm thanh liền chạy theo âm thanh rồi kết luận hay dở. Đó là chạy theo thinh trần, bị nó lôi cuốn rồi loay hoay tạo nghiệp trong vòng luân hồi sanh tử. Trái lại người biết nghe, vừa nghe âm thanh liền biết mình có tánh nghe. Có âm thanh nghe có âm thanh, không âm thanh nghe không âm thanh. Tánh nghe lúc nào cũng sẵn vậy, chưa từng vắng thiếu.

Trong kinh ban đầu lấy nhãn căn thấy tánh để khai thị khiến ngộ nhập bản tâm. Mắt vừa thấy sắc, không chạy theo sắc, mà tự biết mình có tánh thấy. Có sắc thấy có sắc, không sắc thấy không sắc, tánh thấy lúc nào cũng hằng hữu hiện tiền. Xoay cái thấy về tâm gọi là phổ khắp, ngược lại chạy theo sắc trần liền mất. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, những xúc chạm đối với thân này cũng thế. Tiếp cận trần cảnh bên ngoài, lúc nào ta cũng chủ động, không để căn dính cảnh, cảnh không vướng căn. Căn và cảnh ở vào vị trí của nó. Nhà thiền gọi là tâm cảnh như như.

Kinh Lăng Nghiêm nói nếu căn cảnh dính nhau thì không có như như. Mắt vừa thấy sắc liền dính sắc thì không bao giờ như như. Mắt thấy sắc chỉ biết sắc tượng đó, như khi nhìn thấy cây quạt đang quay, chỉ biết như vậy, không khởi thêm niệm gì nữa. Nếu có người tắt nút điện, cây quạt không quay nữa, biết rõ như thế, không khởi niệm phân biệt tại sao cây quạt bị tắt. Nhà thiền gọi đó là tâm cảnh như như.

Trường hợp chúng ta, các căn môn lúc nào cũng tỉnh sáng, bén nhạy bình thường, không có bệnh. Tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, những cái biết của các giác quan không thiếu, không bệnh khi tiếp xúc với trần cảnh. Cái cửa là cái cửa, cái nhà là cái nhà, con người là con người, cảnh là cảnh. Cảnh không tới nói với cái thấy của mình, nó là gì cả. Có khi nào gốc cây đi tới nói với chúng ta tôi là gốc cây không? Không bao giờ có chuyện đó. Tóm lại, căn là căn, trần là trần, không để căn dính trần, không để cho trần có sức hấp dẫn kéo lôi căn. Được như vậy là như như.

Đây là nhiếp phẩm Diệu Trang Nghiêm ở trước. Khi được vị thiện tri thức căn bản nắm tay dắt đi, khiến chẳng lạc vào các nẻo tà hiểm mà được thấy Phật.

Thiện tri thức tức là trí căn bản. Người sáng mắt chỉ sử dụng trí chứ không sử dụng thức. Trí tuệ chính là thấy biết như thật mọi việc trong cuộc sống này. Dù ai nói chúng ta tu như thế nào cũng mặc họ, miễn sao chúng ta có niềm tin vững, không chạy theo thức tình phân biệt là tốt. Tu tập phải có căn bản, phải dùng trí tuệ để quán chiếu cho tường tận. Chúng ta sử dụng trí, đừng để thức tình lấn áp, không chấp nhận nuôi con khỉ ý thức. Mỗi ngày mỗi ngày công phu huân tập như thế, chúng ta sẽ được lợi lạc. Kinh nói được hướng dẫn từ trí căn bản thì không lầm. Cho nên mới tiến đến dùng tâm nghe, thấy được tánh, nhập bản tâm.

Trong kinh Hoa Nghiêm, đồng tử Thiện Tài được Bồ tát Đại Trí Văn Thù giới thiệu cuộc hành hương phương nam. Bồ-tát Văn Thù biểu trưng cho trí căn bản. Dù gian lao khó khổ, sống chết bức xúc như thế nào cũng y như thế mà làm. Nhờ thế Thiện Tài đi tham vấn qua năm mươi ba vị thiện tri thức, kết quả cuối cùng là gặp ngài Phổ Hiền, gặp ngài Văn Thù và lầu các Di Lặc hiện bày, đầy đủ công đức hiện thành. Chúng ta tu tập mà bỏ trí tuệ thì không biết y cứ vào đâu?

Trong thiền ngữ ghi các vị thiền sư hỏi học tăng: Phật là gì? Có người trả lời: Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Các ngài đánh cho một bạt tai bảo “Nói xàm!” Lời đó chúng ta học từ kinh ra, chớ trên thực tế ta không tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn gì cả. Phật là gì? Nói theo nhà thiền, Phật là tỉnh giác, là đừng chạy theo, đừng lầm mê. Vừa có một niệm dấy lên liền buông, muôn năm buông bỏ thì sẽ thể hiện đầy đủ tính chất đặc biệt của định tuệ, như thế Phật hiện tiền. Không lý giải gì về Phật mà Phật vẫn hiện tiền.

Quan trọng là chúng ta phát huy được trí tuệ của mình, luôn luôn sử dụng trí tuệ để tu tập thì tất cả những ý niệm, vọng tưởng đều buông hết. Buông bỏ vọng tưởng như thảy đồ trong gánh ra vậy, càng thảy càng nhẹ. Huynh đệ nghiệm pháp tu của chúng ta hằng ngày thấy nhẹ chứ đâu có gì phải nhăn mặt nhíu mày, đâu có gì đến đỗi gòng mình chịu đựng rồi than bệnh. Bệnh là do báo nghiệp của mình, những chủng nghiệp chúng ta đã gây tạo trong nhiều đời, bây giờ trổ quả. Vì vậy có người tuổi còn trẻ, tu chưa bao nhiêu mà thân cứ bệnh, lại mang những căn bệnh ngặt nghèo, đó là báo nghiệp chúng ta gây tạo từ quá khứ chiêu cảm nên.

Người tu luôn luôn nhớ sử dụng trí Bát-nhã. Giả dụ bây giờ mình chết, bị đọa xuống địa ngục khổ sở vô cùng, nhưng vẫn không mất chủng Bát-nhã. Trả hết báo nghiệp ở địa ngục, trở lên nhớ lại chủng trí Bát-nhã, gầy dựng lại con đường mình đi. Đối với tất cả những nghiệp báo, coi nó không thật nên bệnh cũng không thật, không oán không than, sống đời thanh thản, tuỳ duyên tiêu nghiệp cũ. Cho nên người con Phật phải anh hùng, có đầy đủ trí tuệ Bát-nhã. Trí tuệ Bát-nhã là thuyền bè duy nhất đưa chúng ta vượt qua mọi nguy khốn, để thành tựu bản thệ của mình là tu hành thành Phật.

Đối với việc tu hành nếu chúng ta còn nuôi ý thức lăng xăng, vọng tưởng điên đảo thì sẽ không thành tựu được. Đại thệ nguyện của chúng ta là thành Phật. Do đó phải buông bỏ thức tình một cách triệt để mới phát huy được trí giác. Muốn phát huy trí giác phải thảy đồ trong gánh ra. Từ đây cho tới ngày thành Phật, chúng ta thêm đồ trong gánh thì nặng lắm, đường xa dốc ngược, trời trưa nắng gắt, gánh nặng quá sẽ gục giữa đường. Cho nên phải thảy đồ trong gánh ra, để cuộc hành trình tìm về bảo sở thanh thản, lòng mình nhẹ như mây trôi. Phật dạy phải buông bỏ vọng tưởng đảo điên, dẹp sạch mê tình, sống trở về bổn tâm thanh tịnh mới mong không cô phụ chí nguyện tu hành của mình. Đó là phần tâm.

Về thân, Phật dạy thân này hư huyễn, không thật. Tất cả đều do duyên sinh, đủ duyên chúng thành hết duyên chúng rã. Thân tứ đại này rồi phải trả về cho đất nước gió lửa, không có gì bảo đảm, nó sẵn sàng xé hợp đồng bất cứ lúc nào. Có khi nào thân nói với ta rằng: tôi sẽ giữ mạnh khỏe cho anh tu tới chừng nào thành Phật đâu. Không có, mà chỉ toàn là bấp bênh, mong manh, vô thường luôn luôn rình rập, sẵn sàng triệt tiêu chúng ta bất cứ lúc nào. Không có gì bảo đảm cả. Phật bảo chúng sinh sanh đây chết kia, trải qua vô lượng kiếp, đâu đâu cũng là mồ mã chôn mình. Thế thì còn ham thích, mong mỏi cái gì?

CHÁNH VĂN

Than ôi! Chúng sanh vọng sanh phân biệt, cho tánh nghe thuộc lỗ tai. Ngoài thì, niệm niệm dong ruổi theo thinh trần, trong lại bời bời phan duyên dấy khởi. Lẫn theo những phải quấy của thinh tướng, vọng tưởng phiền não loạn khởi. Chẳng biết tánh nghe ấy chính là tâm, sẵn có hạnh lớn Phổ Hiền. May mắn được khai thị, mới hay ngộ nhập ý nghĩa tâm nghe Phổ Hiền.

GIẢNG

Đoạn trước nói về tánh thấy, bây giờ nói tiếp tánh nghe. Mỗi người đều có sẵn tánh nghe, tức là tâm nghe Phổ Hiền. Ngày xưa có một thiền sư cả đời đi hành khước mà chưa sáng được việc của mình, mãi tới lúc thân bệnh ngặt nghèo, được đưa xuống nhà Niết-bàn để nghỉ ngơi. Nhà Niết-bàn tức là bệnh xá. Lúc ấy ngài buồn lắm, thấy cả đời mình đi hành khước mà không xong việc. Bây giờ muốn kéo thời gian khỏe mạnh lại không sao kéo được. Một hơi thở ra không bảo đảm có thể lấy lại. Chúng tăng trình lên Hòa thượng đường đầu, ngài mới xuống thăm. Ở Trung Hoa người ta hay xài đèn giấy, có khung bên ngoài viết chữ Đại Kiết hoặc Song Hỷ.

Hòa thượng hỏi:

- Nghe ngươi bệnh phải không?

- Dạ! Bạch Hòa thượng, con cả đời tu hành không ra gì, đi hành khước bao năm cũng không xong việc. Giờ bệnh hoạn chết đến nơi rồi. Con buồn lắm.

Hòa thượng chỉ cây đèn hỏi:

- Thấy không?

Ngài sững sốt đáp:

- Thấy.

Hòa thượng nói:

- Cái thấy đó của ta, của ngươi, của Phật không khác.

Ngay đó ngài đại ngộ, toát mồ hôi hạn và hết bệnh.

Vị tăng bệnh này nghe Hòa thượng chỉ điểm liền nhận ra tánh thấy hay tâm bất sanh bất diệt của chính mình. Khi nhận ra rồi thì tâm an nên thân mạnh. Nếu thân không mạnh thì vẫn an nhiên nhập Niết-bàn, có gì vướng bận để quyến luyến.

Chúng ta nếu có được niềm vui đó, phút giây mình chợt nhận ra chính mình, bấy nhiêu thôi cũng đủ niềm tin để chúng ta thành tựu bổn nguyện của mình. Hòa thượng xuống thăm bệnh dưới nhà Niết-bàn, không giảng kinh gì, cũng không biểu phải đốt đèn đốt nhang, dâng hương, tụng Bát-nhã... Ngài chỉ cây đèn hỏi thấy không? Nói thấy. Ngài khẳng định cái thấy đó của ta, của ngươi, của Phật không khác. Vị tăng liền ngộ đạo. Tánh nghe và các tánh khác cũng như thế.

Đoạn này ngài Minh Chánh nói đến tâm chân thật của mỗi người thông qua tánh nghe. Đức Phật ra đời nhằm chỉ cho chúng ta tánh này. Đầu kinh Pháp Hoa Phật giới thiệu mục đích ra đời của ngài là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Phật nói tri kiến Phật, ở đây nói tâm nghe, tánh thấy, tuy nhiều danh từ nhưng bản thể vẫn là một.

CHÁNH VĂN

Nói tâm nghe tức là nhĩ thức, nhĩ thức chính là tâm linh, diệu dụng khắp suốt mười phương pháp giới. Tâm khắp mười phương, thì nghe cũng khắp mười phương. Nghe khắp mười phương, thì biết cũng khắp mười phương. Biết khắp mười phương thì tâm thức thấu suốt pháp giới, thành Tạng Đại Quang Minh vậy.

GIẢNG

Tâm nghe bắt đầu từ nhĩ thức, nhưng phải là nhĩ thức thanh tịnh. Nhĩ thức này thông suốt không vướng mắc, biết khắp mười phương. Tâm thức thấu suốt pháp giới thành Tạng Đại Quang Minh. Đại Quang Minh là gì? Đại là lớn, Quang là sáng, Minh cũng là sáng. Đại Quang Minh là cái sáng suốt lớn, tức là trí tuệ Bát-nhã hay bản tâm của chúng ta, chớù không gì khác.

CHÁNH VĂN

Nói khuyến phát, nhằm bày tỏ chớ lấy trí nhỏ cho tự đủ, phải phát khởi tiến lên, cầu đạo Bồ-đề vô thượng. Nghĩa là dù đã sạch hết năm ấm, năm vọng tưởng diệt, vượt ngoài năm trược, thoát khỏi ba cõi, thức tâm tròn sáng, hàm dung pháp giới, mới có thể lãnh ngộ yếu chỉ tâm nghe, nhưng vẫn chưa phải là tâm rốt ráo tịch diệt Niết-bàn. Thế nên cần phải khuyến phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Phổ Hiền, thẳng vào biển lớn Tỳ-lô Hoa tạng, soi thấy đạo tràng trong sạch xưa nay, thân cận bản tôn Quang Minh Biến Chiếu là Pháp thân thanh tịnh Như Lai Tỳ-lô-giá-na trọn thành vô thượng Bồ-đề, trở về chỗ không sở đắc. Đây mới chính thật tỏ rõ tạng thức Đại Quang Minh vậy.

GIẢNG

Khuyên phát tâm Bồ-đề để trở về chỗ tột cùng là Đại Quang Minh tạng. Tâm Bồ-đề là tâm gì? Bồ-đề là giác. Tâm Bồ-đề là tâm giác. Phát tâm Bồ-đề là phát tâm cầu thành Phật. Hằng ngày trong từng phút giây, nếu chúng ta tỉnh giác là sống được với Phật nhân. Nếu quên tỉnh giác, chạy theo thức tình vọng tưởng là ta quay lưng với ông Phật của mình. Đã quay lưng với ông Phật của chính mình thì không bao giờ thể nhập vào biển Tỳ-lô Đại Quang Minh Tạng, tức pháp thân Phật. Nơi biển Tỳ-lô Đại Quang Minh Tạng không còn những sóng thức lao xao, những thấp cao của nhân tình. Đó là tạng thể bình thản an nhiên, tâm thái thanh tịnh, ai cũng có.

Thế nên vừa thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật nhìn khắp mọi phương rồi nói: “Lạ này, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để bị trầm luân sanh tử?” Chúng ta có sẵn tâm Bồ-đề, có sẵn chất Phật nhưng lại quay lưng, bỏ quên nó để con khỉ ý thức thao túng, cuối cùng loay hoay lẩn quẩn suốt cả một đời.

Khuyến phát ở đây là khuyến phát chúng ta phát tâm Bồ-đề, nhớ sống lại với tánh Phật của mình. Chúng ta bỏ quên kho báu nhà mình, chạy theo những lăng xăng điên đảo, giả dối, mê lầm hết đời này sang đời khác. Cho nên bây giờ huynh đệ nhớ phải “Tỉnh!” Vừa thấy trong lòng bất an liền tự nhắc “Tỉnh nghe!” Có thiền sư lâu lâu nói: Tỉnh, Tỉnh, chớ để ma quỷ làm lầm. Ở trong đại chúng, mình thấy ai mở mắt trừng trợn hoặc sắp nổi nóng, mình nhắc tỉnh nghe. Thấy huynh đệ rầu rỉ chảy nước mắt, biết là nhớ nhà, nhắc tỉnh nghe. Tỉnh được là Phật, là giác. Được vậy đức Phật luôn hiện tiền trong mỗi chúng ta.

Huynh đệ quyết tâm tu, nhất định ngày ngày giờ giờ, trong từng phút giây phải thấy rõ các sinh hoạt, việc tu tập của mình. Người hảo tâm xuất gia, phát tâm mãnh liệt chẳng cần ai nhắc nhở. Người này lúc nào cũng tự ý thức tỉnh giác, tự gắng gổ, tự tỉnh tu. Tuy nhiên tập khí chúng ta quá sâu dầy nên vướng víu nhiều thứ. Vướng là vì chúng ta xem thường, không ý thức rõ việc tu hành, giỡn ngươi với sanh tử. Để rồi phút cuối cùng nhìn lại, cả đời quàng xiêng, hối hận cũng không kịp. Phật dạy đời là vô thường, thở ra không hít vào thì xong một kiếp người.

Dù đã sạch hết năm ấm, chúng ta đã sạch năm ấm chưa? Năm vọng tưởng diệt, chẳng những năm vọng tưởng mà vô lượng vọng tưởng chúng ta chưa diệt. Vượt ngoài năm trược, chẳng những năm trược mà vô lượng trược mình còn nguyên. Thoát khỏi ba cõi, mình cũng chưa thoát cõi nào. Thức tâm tròn sáng, chúng ta lại mờ mờ mịt mịt. Hàm dung pháp giới, mới có thể lãnh ngộ yếu chỉ tâm nghe. Nhưng vẫn chưa phải là tâm rốt ráo tịch diệt Niết-bàn. Những công phu siêu xuất như vậy, vẫn chưa phải chỗ tịch diệt Niết-bàn. Huống gì chúng ta chưa tu được chút nào cả. Bởi chưa được gì nên cần phải khuyến phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Phổ Hiền. Chúng ta phải nỗ lực tu hành vô lượng thời gian, thành tựu vô lượng công đức mới viên mãn Phật đạo.

Những vị tịnh nhân cư sĩ mới vào thiền viện tập sự rất cần mẫn siêng năng. Nhưng đến khi được xuất gia làm tăng, tu hành một thời gian, không biết thần lười ở đâu nhập, cứ ì ra đó, huynh đệ nhắc nhở năm lần bảy lượt vẫn không sửa đổi. Bổn phận làm thầy, chúng tôi khuyên nhắc nhưng có vị quá cứng không ý thức được điều đó, không chịu tỉnh giác, phấn chấn nỗ lực tu thì ai kéo lên nổi. Không có cần cẩu nào mà trục nổi khối vô minh tăm tối của quí vị. Nếu chúng ta không ý thức, không tự tháo gỡ thì đành chịu trầm luân sanh tử muôn đời thôi. Người xưa nói việc mình chưa sáng, đâu nỡ lòng nào nằm đó ngủ, thả trôi cuộc đời theo dòng xoáy thế gian. Do đó chư huynh đệ phải ráng, phát tâm tu hành mãnh liệt.

Người xưa nói chỗ có đạo, dù thiếu cơm ăn áo mặc, ta vẫn kiên trì ở đó tu học. Chỗ không có Phật pháp dù ăn ngọc vị trân châu cũng không nên ở, dù một ngày một giờ. Người tu phải có tâm mãnh liệt như vậy. Khoảng 10 năm trước, có một chú tịnh nhân khoảng 11 tuổi, đi với mẹ lên đây trong dịp lễ rồi không chịu về. Không biết ai xúi chú tới xin tôi cho ở đây tu. Tôi nói trong thiền viện chỉ có mấy thầy lớn, con nhỏ ai hướng dẫn, dạy dỗ, không được đâu. Nói thế nhưng chú cứ chạy tới chạy lui, không chịu về. Sáng hôm sau chạy vô thất tôi lạy lục, sau đó vô thất Hòa thượng lạy nữa. Cuối cùng Hòa thượng bảo tôi nhận chú. Hòa thượng dạy tôi mới dám nhận, sau xuất gia đặt tên là Tỉnh Huy.

Giai đoạn đầu của Tỉnh Huy đẹp lắm. Một chú thiền sinh nhỏ được thọ giới Sa di sống trong tập thể, tụng kinh, thụ trai, làm việc với đại chúng bình thường. Nhỏ tuổi như thế, tới giờ thức chúng không bao giờ thức trễ, giờ thụ trai không đi trễ, làm việc tuy không hoàn toàn nhưng chúng làm tới đâu chú làm tới đó. Giờ nghỉ, giờ thụ trai, giờ ngồi thiền, giờ tụng kinh rất hài hòa. Ngoài những giờ làm việc theo chúng, tôi kêu qua thất tôi làm thị giả, đưa những quyển sách, những đoạn văn đọc cho tôi nghe. Lúc đầu chú cà lăm cà lặp, đọc không được tôi phải chỉ cho, đọc tới chỗ nào dừng, rồi tôi giải thích từng đoạn cho chú hiểu. Như vậy huấn luyện đến lúc lớn lên, biết suy nghĩ thông suốt thì Tỉnh Huy xin đi thành phố học. Học mấy năm rồi xin đi luôn. Quí vị thấy tâm ban đầu của Tỉnh Huy rất mạnh, nhưng không nuôi dưỡng, dễ duôi, lơi lỏng, sau đó không thu lại được.

Đây là những hình ảnh biểu trưng trong tập thể, trong sinh hoạt tăng đoàn của chúng ta. Nó là bài học để những thiền sinh nhỏ tuổi làm kinh nghiệm, gầy dựng cho mình sức tỉnh giác, lúc nào cũng nhớ đến việc tu hành. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng tâm ban đầu ngày một lớn thêm, đừng để nó dừng lại hay lui sụt, sẽ dẫn đến tình trạng rất đáng tiếc. Đó là điều quan trọng.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Phát tâm Bồ-đề là thế nào?

Đáp: Bồ-đề có vô lượng nghĩa. Tất cả ba tạng, mười hai bộ kinh, đều là nghĩa của Bồ-đề, nên chẳng thể thuật hết. Nay xin lược lấy một vài lối giải thích rất gần mà chỉ ra đó thôi.

Bồ-đề, đây nói là tánh giác. Lại, bồ là chiếu, đề là kiến. Nói chung là tánh giác chiếu kiến. Tánh giác chiếu kiến này là tri kiến Phật.

GIẢNG

Thiền sư Minh Chánh nói tâm Bồ-đề trùm hết cả tam tạng thánh giáo, nói không hết được. Đây chỉ lược một vài lối giải thích rất gần để chỉ ra. Chúng ta hiểu gọn Bồ-đề là tri kiến Phật, là tánh giác của mình, chớ không có gì lạ. Đã là tri kiến Phật, là tánh giác của mình tại sao phải phát tâm Bồ-đề? Tuy nó của mình nhưng từ lâu chúng ta đã quên, đã quay lưng với nó, chạy ra nên bị vướng mắc bên ngoài, do vậy các vị thánh trước động viên, nhắc nhở chúng ta nhớ lại, khuyến phát chúng ta phát tâm Bồ-đề. Phát tâm là một cách nói, đúng ra là nhớ và sống lại tâm Bồ-đề.

Nói công phu như ngồi thiền, học kinh, làm việc trong chúng, xả bỏ thân này quyết liệt tu hành v.v… nhằm gầy dựng lại cái tỉnh lực để đừng bị mê. Đừng bị mê là đừng quên tánh giác. Lâu nay chúng ta quên, bây giờ gầy dựng lại tỉnh lực, không phải thêm cái gì khác. Hòa thượng dạy phải sống với tánh giác, tức biết mình có cái đó. Chúng ta quen chạy ngược chạy xuôi bên ngoài nên bây giờ phải khép vào khuôn khổ, quy chế, có thời khóa biểu đàng hoàng để không dám dễ duôi. Khóa biểu cắt thời gian ra từng giai đoạn, phát hiệu bằng chúng lệnh, giờ nào việc đó, không ai được làm sai. Tất cả đều thực hiện trong sự tỉnh giác. Sở dĩ như thế là vì chúng ta thường bỏ quên việc bổn phận của mình.

Người xưa trong lúc làm việc cũng có thể ngộ đạo. Như ngài Hương Nghiêm nghe tiếng viên sỏi chọi vào gốc tre một cái “cách” liền ngộ đạo. Chúng ta đi làm, cuốc chung quanh gốc dầu trong tỉnh giác rất dễ có cơ hội ngộ đạo. Chỉ ngại anh em không tỉnh mà quên cho tới bỏ cuốc ở đâu cũng không nhớ. Lúc muốn tìm lại, tìm không ra. Trong tất cả oai nghi, sinh hoạt đều tựu trung nhớ lại cái mình bỏ quên. Nó chưa mất, nó vẫn đâu đó, nhưng đòi hỏi chúng ta luôn luôn tỉnh mới nhớ lại việc của mình. Công phu tu hành là như vậy.

CHÁNH VĂN

Phát là mở ra, bày ra. Lúc còn mông muội mà phát minh ra. Ví như các cảnh giới thấy trong mộng, đều chẳng rời giấc mộng. Lúc biết là cảnh mộng, toàn thể đều là không. Biết rõ ràng cảnh mộng đều không, đó là nghĩa phát giác.

Lại như lúc còn mông muội chưa sáng, thì tánh giác bị bóng dáng duyên theo sáu trần làm mờ tối. Phàm đã thấy biết, đều như cảnh mộng, dù có tri kiến ấy, đều là mông muội, đó chỉ cho tri kiến của chúng sanh. Nếu lúc ngộ, thì bóng dáng duyên theo sáu trần, toàn thể đều không. Đã biết rõ trần cảnh đều không, thì tri kiến đó luôn luôn là tri kiến Phật, cũng gọi là phát tâm Bồ-đề và là tâm phát giác vậy.

GIẢNG

Ngài dẫn dụ về nghĩa phát tâm giác cho chúng ta hiểu. Đưa ví dụ cảnh mộng để chúng ta hiểu mình từng sống trong hư giả không thật. Khi nhận ra được như thế, tất cả cảnh đều không còn chi phối mình, ta không chạy theo nắm bắt, bám giữ. Đó là nghĩa phát giác.

Bóng dáng duyên theo sáu trần làm mờ tối giác tâm. Các giác quan khi tiếp cận trần cảnh, nếu vướng mắc chạy theo, thì bị nó trói buộc. Sau đó, những bóng dáng ấy lưu đọng lại trong tàng thức, làm mình mất đi thể tánh sáng suốt. Bây giờ muốn phát huy được cái tinh anh sáng suốt ấy phải làm sao? Các giác quan vẫn tiếp cận với cảnh duyên bình thường, thấy nghe cảm nhận rõ ràng, nhưng không chấp, không chạy theo, không lầm chúng. Do đó cắt đứt hết các bóng dáng, tâm thể rỗng rang sáng suốt. Được như thế thì lúc nào cũng tỉnh táo sáng suốt, không chút vương vấn gì.

Chúng ta có tánh thấy tánh nghe rõ ràng, không lầm âm thanh sắc tướng nào cả. Âm thanh của con vật kêu biết rõ ràng, nếu lầm thì giác quan có bệnh. Chỉ xin không để nó kéo lôi đi đâu hết. Chúng ta thường dễ lao theo cảnh, bị chúng kéo lôi. Như nghe tiếng chim hót líu lo trên cành cây, liền nghĩ đến bản nhạc có liên hệ đến tiếng chim hót. Từ hình ảnh bên ngoài chúng ta chạy theo để hình thành vọng tưởng.

Người tu không được như thế. Vừa có một niệm liền cắt đứt. Cắt đứt không có nghĩa là mình đóng lỗ tai, nhắm mắt lại v.v... vẫn bình thường, nhưng không lầm. Vậy thôi. Nếu chúng ta luôn luôn như vậy thì không sợ khi các giác quan tiếp xúc với trần cảnh. Còn dễ duôi buông trôi sẽ bị mất mình tức thì. Như chuyện ăn uống bình thường, nếu chúng ta không để ý nó sẽ thành nghiệp. Chẳng hạn nhiều vị khoái ăn cơm cháy, mỗi ngày đều xuống nhà bếp lục cơm cháy ăn. Nước tương thiếu một miếng ớt ăn không trôi, phải chạy kiếm ớt mới ăn được. Chuyện không đáng gì hết nhưng đã thành nghiệp rồi đó. Người tu phải tỉnh để kiểm soát những việc nhỏ như thế.

Cho nên Hòa thượng thường dạy phải làm chủ các dấy niệm. Một dấy niệm nhỏ xíu thôi, mình không làm chủ nó vẫn lôi đi như thường. Người nào buông được những dấy niệm, người đó nuôi lớn sự tỉnh giác, phát huy tỉnh lực, lần lần sống với tánh giác. Người áp dụng công phu tu hành tốt, tu một ngày bằng người loay hoay lẩn quẩn mất nhiều năm tháng. Thái tử Tất Đạt Đa lúc trải tòa cỏ dưới cội Bồ-đề đã phát lời thệ nguyện thế này: “Ta nguyện nơi tòa cỏ này, nếu không chứng được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, dù thịt nát xương tan, quyết không rời khỏi chỗ này”. Đức Thế Tôn phát thệ nguyện mãnh liệt như vậy. Cho nên sau 49 ngày đêm thiền định, ngài chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Nếu chúng ta không tỉnh, không cố gắng thì việc lớn không thành. Tự mỗi người phải tỉnh, phải nỗ lực, không ai có thể thế mình được. Nghe hơi lười một chút phấn đấu lên, hơi dã dượi một chút đứng lên, con mắt hơi kéo xuống mở ra, hơi muốn nằm liền ngồi dậy. Trong đầu khởi niệm muốn đi đâu đó, dừng lại. Phải dứt khoát như vậy. Tổ Huệ Khả suốt đêm đứng tuyết cầu đạo với Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma. Vậy mà Sơ Tổ còn chê “ông đâu thể đem chút hạnh nhỏ ấy để cầu diệu đạo”. Nghe thế Nhị Tổ liền chặt tay dâng lên. Nhờ thế Sơ Tổ mới tiếp nhận và truyền pháp an tâm cho. Nếu là chúng ta chắc rút lui lâu rồi.

Lúc không có ý chí, sinh hoạt tu tập của mình cứ lơ lơ lửng lửng. Các huynh đệ nghiệm lại kỹ sẽ thấy rõ điều này. Vô nấu cơm cũng lơ lơ lửng lửng, tụng kinh cũng lơ lơ lửng lửng, ra vườn cũng lơ lơ lửng lửng, thậm chí vô nhập thất cũng lơ lơ lửng lửng, không biết phải làm gì. Giống như người nói đánh giặc mà chưa nhận được giặc là ai, sào huyệt ở đâu, làm sao đánh? Tu hành thật ra không khó. Chỉ vì chúng ta không chịu tu thôi.

Chư huynh đệ nên nhớ, tham sân phiền não hiện tại là điều kiện hình thành đời sau tiếp tục thọ nhận khổ đau. Có những người bình thường hình dáng bên ngoài rất hiền lành đạo đức, nhưng tiếp duyên xúc cảnh, cù cặn nổi lên cũng huơ tay múa chân, la hét um sùm. Cho nên không thể nhìn bên ngoài đánh giá được bên trong. Chỉ có đương sự tự biết mình. Mình không chịu biết mình thì thôi, ai biết được. Đó là những đề án chúng ta phải suy xét cho thật kỹ để tu tập. Nhà thiền gọi là phản quan tự kỷ.

Ngài Minh Chánh nhắc nhở chúng ta, người tu hành phải có tâm tỉnh giác đầy đủ. Cách thức hành trì tựu trung phát huy tỉnh lực để sống được với tánh giác, bỏ đi sự tăm tối, mờ mịt, không để bóng dáng trần cảnh len lỏi, làm chao đảo mình. Người tu thiền là người làm chủ, không để vô minh dẫn, luôn luôn sống lại với tâm chân thật của mình. Mỗi ngày chúng ta chiêm nghiệm lại mình, phản quan tự kỷ để biết cái sáng và cái chưa sáng của mình, từ đó cố gắng tăng tiến công phu. Được vậy là người biết phát tâm Bồ-đề.

Nếu có tỉnh lực thì hy vọng thức tình vọng tưởng sẽ không làm gì được mình. Tỉnh lực là nguồn trí dụng diệu giác do chúng ta phát huy. Người tu thiền là người có tỉnh lực mạnh. Buổi sáng làm việc, buổi trưa ăn cơm v.v… luôn luôn tỉnh sáng, biết rõ, thấy rõ, nắm vững mọi thứ chung quanh. Trí dụng diệu giác trị thức tình vọng tưởng. Cái tỉnh này không phân biệt của riêng ai. Tóm lại, huynh đệ kiểm nghiệm thấy mình chưa tỉnh thì phải tỉnh. Được như thế mới ăn ngon, ngủ yên. Người không tỉnh sống trong mờ ảo, mê vọng, ngủ mê nói mớ, không phải là người chân tu.

Chư huynh đệ cố gắng giữ vững công phu, sau này có thể truyền đạt hướng dẫn người khác. Chứ bây giờ lôi thôi, nói tỉnh thì nghe tỉnh, nói bất tỉnh nghe bất tỉnh, sống không có mục đích lý tưởng gì cả, làm một người tốt bình thường còn chưa được, mong gì thành Phật tác Tổ. Tóm lại, anh em phải tỉnh, nói gì thì nói mà thiếu tỉnh là một thiệt thòi lớn của người xuất gia. Cho nên anh em nào còn lờ mờ, chưa phát huy được năng lực tỉnh giác phải ráng lên, tự khắc phục lấy mình.

Người xưa nói bước vào chùa làm tăng thì phải quên ăn bỏ ngủ, siêng ngồi thiền tụng kinh, bỏ điên đảo vọng tưởng, bớt đi lại, tiếp xúc, để tâm được yên tịnh. Chứ mình chưa tỉnh mà chạy lăng xăng việc này việc nọ hoài làm sao tu. Chữ “điên đảo” là sao? Chữ “điên” là mất bình thường, chữ “đảo” là lộn ngược. Người điên là người lấy phần dưới để lên phần trên, cái giả cho là thật, không biết lớp lang gì hết. Người ta thường bảo thất điên bát đảo, nghĩa là bảy điên tám đảo, tức cái tầm bậy nhiều hơn cái đúng. Dân quê nói câu này xem ra cũng rất chí lý.

Mỗi chúng ta đều có dư báo. Có nghiệp phải trả nghiệp. Không khi nào tự nhiên cả, luôn luôn có nhân duyên. Từ nhân sanh ra quả. Chúng ta tu tiến hay không, phát huy được đạo lực trí tuệ hay không, đều từ mình mà ra. Việc tu không khó chỉ vì chúng ta không kiên quyết, không dứt khoát, không tỉnh, để thực hiện trọn vẹn việc tu hành của mình.

CHÁNH VĂN

Phát tâm Bồ-đề là biết rõ tất cả chư Phật, cùng các chúng sanh, đồng một giác nguyên, mình người một thể. Chỉ chúng sanh bị thức tâm vọng tưởng duyên theo bóng dáng sáu trần làm mê hoặc, nên chẳng hay biết. Ta đã tự giác, lại hay giác ngộ cho chúng sanh, nguyện khắp chúng sanh đều thành chánh giác. Đấy gọi là phát tâm giác cho tất cả vậy.

GIẢNG

Khi chúng ta đã phát huy được tánh giác của mình rồi, thấy rõ nguồn giác đó nơi tất cả chúng sanh không khác. Cho nên mình phát tâm làm tất cả công đức, tạo duyên lành để chúng sanh có điều kiện nhận và sống lại với giác tâm của họ. Đây gọi là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn trong đạo Phật.

CHÁNH VĂN

Nhưng phát tâm Bồ-đề là chỉ cho người tu hành, tâm ban đầu được phát giác. Bởi ta cùng chúng sanh từ vô thủy đến giờ, trái giác hợp trần, chấp bốn đại năm uẩn cho là thân tâm. Niệm niệm duyên theo trần cảnh, phân biệt các ảnh sự, chưa từng có một niệm hồi quang, chẳng biết đến bao giờ tâm mới có thể phát giác! Thế nên, tâm ban đầu được phát giác này là việc rất khó! Người xưa trèo non vượt biển, chỉ vì cầu “Tâm ban đầu phát giác” đó thôi.

GIẢNG

Tuy chúng sanh có tri kiến Phật, nhưng quay lưng với nó nên trong kinh Phật bảo chúng sanh bội giác hợp trần. Nói cho dễ hiểu là quay lưng với tánh giác mà chạy theo trần cảnh. Bây giờ phát tâm phát giác, tức tự tỉnh giác không chạy theo thức tình vọng tưởng nữa. Việc làm này khó là vì chúng ta chưa từng tự phản tỉnh, chưa từng hồi đầu. Muốn phát tâm phát giác phải chí thành tha thiết, một lòng tu hành, siêng năng xả bỏ tập khí từ nhiều đời. Người xưa trèo non vượt biển, chỉ vì cầu “Tâm ban đầu phát giác”, ngoài ra không có một niệm tạp nào xen lẫn cả. Tu hành như vậy mới hy vọng có ngày thành tựu việc lớn.

CHÁNH VĂN

Nói phát giác tức là tự thấy Phật tánh. Phật tánh chính là tự thể tánh giác. Có thể thấy được tự thể tánh giác này, thì tất cả việc làm đều là Phật sự. Cần thiết chớ nhận lầm thức tâm vọng tưởng duyên trần cho là tự mình, thì thức tâm như huyễn, việc tu hành cũng đều như huyễn. Kinh nói: “Nhận giặc làm con” là đấy!

GIẢNG

Phát giác tức là thấy Phật tánh. Làm sao tháo gở hết những dây mơ rễ má vọng tưởng, không bị sự kiện bên ngoài làm lầm hay có sức cản trở việc tu hành của chúng ta. Hòa thượng tôn sư nói rất đơn giản, đừng để các niệm kéo lôi. Như người nặng về ngủ nghỉ thì niệm ngủ nghỉ hay lóe lên, người nặng về ăn uống thì niệm ăn uống lóe lên, người nặng về đi lại thì niệm đi lại lóe lên. Tóm lại, muốn thắng vượt ngoại duyên bên ngoài và vọng tưởng bên trong, luôn luôn phải tỉnh, làm chủ được thân tâm trong tất cả oai nghi, tất cả thời. Nhà thiền thường dạy phải cắt đứt ngay từ niệm đầu, tức vừa dấy lên ta cắt liền, đừng để nó tiếp diễn thành tuồng tích, chừng đó khó cắt lắm. Hoặc giả có cắt, cũng đã mê hết một đoạn, mất đi một khoảng thời gian thanh tịnh. Việc tu hành tuy đơn giản, song cần phải thực hiện liên tục, nhà thiền gọi là miên mật. Nếu quí vị xem thường, nhiều khi cả đời sẽ không làm được gì hết.

Thiền sư Minh Chánh từ sự thể nghiệm của bản thân, ngài chỉ dạy cho chúng ta phát tâm Bồ-đề. Phải chuyên chú quay lại, nhận ra tánh giác, chúng ta sẽ lượm được của báu của mình từ những sinh hoạt bình thường. Quý ở chỗ thực hành, chớ không phải nói trên mây xanh. Một thiền sinh cuốc đất trồng rau, làm tất cả các công việc bình thường, sống và áp dụng tu tập siêng năng tinh tấn. Năm năm, mười năm, hai ba chục năm, sẽ nhận ra chính mình, chớ không phải chữ nghĩa tuôn đầy mà lòng không bụng rỗng.

Những người hay nói kiến tánh, nói nội ngoại đạo v.v… chính họ là những người ngoại đạo tà giáo. Bởi vì họ không kiến tánh, chỉ có một mớ lý thuyết suông, không có giá trị chân thật. Pháp tu của chúng ta là bỏ ra, chớ đâu có thu vô. Càng loại ra chừng nào thì càng nhẹ càng trống, càng sáng càng khỏe, tại sao lại phải lý luận nhiều chữ nghĩa? Thành ra tu mà điên là tu tầm bậy, tu mà nói nhiều là họa, không phải thật tu thiền. Anh em phải thận trọng, dè dặt chỗ này.

Thức tình vọng tưởng của chúng ta còn cù cặn quá nhiều, lượm mà bỏ ra, đừng để nó làm loạn tâm, đã cực khổ lắm rồi, bây giờ còn nhồi nhét vô nữa, làm sao chịu nổi. Cuộc đời là mộng mơ, nên học hành kiến thức cũng là mộng mơ thôi. Các anh em mình nhớ thân thể mỗi ngày mỗi già nua, mỗi suy thoái, kiến thức nào có thể giúp cho tiến trình ấy dừng lại? Nếu không nhanh chóng phát tâm Bồ-đề, không nỗ lực tu tập, vô thường đến không biết bao giờ chúng ta mới thành tựu giác ngộ giải thoát.

Lâu lâu chúng ta cũng nên tự kiểm xem mình đã phát tâm Bồ-đề chưa? Nếu chưa thì coi như không dính dáng chút nào đến việc tu hành cầu giác ngộ cả. Bởi vì ở ngoài đời mình đã điên đảo, bây giờ vào đạo cũng không xả bỏ vọng tưởng, cứ tiếp tục như thế thì có gì khác ngoài đời đâu. Một lúc nào đó, chúng ta cũng nên quay lại xem sự tu tập hằng ngày của mình như thế nào? Nếu chưa có gì tiến triển, quả thật là một bất hạnh vậy. Bởi vì chúng ta sẽ không còn nhiều thời gian nữa. Nhân duyên tốt thế này mà chưa xoáy thẳng vào điểm chính, cứ ngồi đó để ngày qua tháng lụn, uổng một đời tu, không phải là nỗi bất hạnh đó sao! Vì vậy không luận người già người trẻ, tu lâu tu mau, có kiến thức hay không kiến thức, ai nấy đều phải phát tâm Bồ-đề.

Chúng ta nói tu mà không nhìn lại công phu, không có việc làm nào tương xứng với đạo thì chỉnh sửa lại. Mọi phương tiện chúng ta hiện có đều vì mục đích của sự tu. Có thể nói khẳng định như thế. Tuy phương tiện không phải là cứu kính nhưng lại rất cần thiết trong quá trình tu tập để đi đến cứu cánh. Nếu chúng ta không làm tâm Bồ-đề phát sanh thì phương tiện trở thành vô nghĩa, có khi nó lại là chướng ngại nữa. Nói thế không có nghĩa là lúc nào huynh đệ cũng lầm lì, trừng trợn với công phu. Dụng công thanh thản, nhẹ nhàng nhưng liên tục. Đó là người biết tu, khéo tu.

Nếu không vì sự tu hành, chúng ta cạo tóc sống chung một thiền viện để làm gì? Vì giải quyết việc sanh tử, chúng ta mới xuất gia, thệ nguyện ra khỏi trần lao, tập theo hạnh Phật. Hạnh Phật là hạnh giác ngộ, đâu phải hạnh si mê. Mỗi người tự bảo vệ bản ngã của mình, không chịu buông xả, tuy có thương nhau nhưng nói sai một câu là giận liền. Vì sao như thế? Vì không tu. Chư huynh đệ thử nghĩ có vô lý không, khi không vô đây làm gì, sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn, huynh đệ chẳng giúp được gì nhau, lại còn gây phiền não cho nhau.

Mỗi ngày qua như thế là chồng chất thêm si mê, không gầy dựng được sự tỉnh sáng. Có xấu hổ không? Chúng ta ở trong tập thể lẽ ra đóng góp công sức vào thêm, ta lại còn vay mượn nợ nần nữa. Thật đáng trách! Cho nên các thiền sư nói “nếu mỗi ngày các ông không tu, uổng nhận sự cung phụng của đàn na”. Các ngài nói rất thẳng cho học nhân tỉnh, không như mình chẳng ai dám nói ai. Vì vậy chúng ta không thể tự tiến và giúp huynh đệ cùng tiến trên đường tu.

Tu hành nếu không có thiện hữu tri thức nhắc nhở, việc tu sẽ rất khó tiến. Bởi vì đâu phải lúc nào mình cũng tỉnh táo, sáng suốt. Nhiều lúc nghe tiếng bảng ăn cơm mình chẳng muốn ăn. Hoặc nghe tiếng bảo chúng tụng kinh mình không muốn tụng kinh. Phật tử muốn cầu an cầu siêu, phải bỏ tiền của, công sức thỉnh quí thầy tới nhà tụng kinh, còn chúng ta không tốn đồng nào hết, vậy mà tới giờ tụng kinh không muốn tụng. Như vậy bên trong quí vị còn rất nhiều cù cặn, chưa khắc trừ được. Bởi chưa khắc trừ nên chưa tinh tấn, chưa đặt cuộc sống của mình vào nếp sinh hoạt của người xuất gia cầu thoát khỏi ba cõi.

Chúng ta không thực hành đúng tâm nguyện của mình, nên thành quả đưa tới không tốt đẹp như ý. Giống như ông thợ mộc lãnh làm nhà mà thước tấc không rành, lại thêm lười biếng không chịu kiểm nghiệm, cứ làm đại. Tới hồi dựng lên, cái lỗ bên tây cái mộng bên đông, cây vuông mà lỗ tròn, không cái nào ăn rơ với cái nào. Cuộc sống của chúng ta nếu không khéo tu cũng như vậy. Có khi nào mình hoàn toàn miên mật đâu. Người xưa dùng chữ miên mật rất hay. Tu không xen hở chút nào thì chúng ma làm sao len lõi vào tâm ta được. Các ngài không có ba đầu sáu tay gì, cũng ăn mặc ngủ nghỉ như mình thôi, nhưng có cái khác hơn là miên mật.

Quan trọng là chúng ta siêng soát xét lại mình, đừng bao giờ để thời gian qua suông, uổng lắm. Điều kiện, hoàn cảnh, tri thức, công phu và sở trường của các huynh đệ ngay bây giờ là phản quan và tựu trung phát huy tâm giác. Tổ Minh Chánh đã cắt ruột cắt gan để dạy cho chúng ta. Đến chỗ này ngài dặn chúng ta đừng nhận giặc làm con, nghĩa là đừng nhận bất cứ cái gì bên ngoài cho là giác tâm của mình. Pháp tu Hòa thượng Ân sư dạy là làm chủ, đừng chạy theo hoặc dính mắc một dấy niệm nào. Rõ ràng ăn khớp nhau. Như vậy mới sống yên, mới đầy đủ định tuệ hiện tiền.

Ở đây ngài nhắc đừng nhận giặc làm con. Cần thiết chớ nhận lầm thức tình vọng tưởng hay bóng dáng của tiền trần làm mình, rồi chấp chặt, vướng mắc vào nó. Bây giờ đừng nói thức tâm thức tình gì hết, bởi nhiều vị không biết thức là gì, tình là gì, tâm tưởng là gì, chỉ nói đừng dính mắc là xong. Bất cứ cái gì cũng đừng dính mắc. Sống, sinh hoạt, tụng kinh, ngồi thiền, ăn nghỉ, tiếp xúc… đừng dính mắc hình ảnh, sự việc nào hết. Được thế là người sống với tâm Bồ-đề, không nhận bất cứ của báu nào từ bên ngoài đem vô, không nhận giặc làm con.

CHÁNH VĂN

Nhưng tâm ban đầu phát giác đó đã như ở trước, phần tổng nêu pháp dụ đề mục của kinh và trong phẩm Tựa có nói rồi. Đến sau phần Bạt dẫn Tông chỉ, lại sẽ chỉ rõ hơn.

GIẢNG

Đoạn này đặt vấn đề nêu lên tâm phát giác, trước đã nói nên ở đây không cần nói lại. Sau có dịp sẽ nhắc tới.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Làm thế nào tu hạnh Phổ Hiền?

Đáp: Hạnh đầy khắp pháp giới, gọi là Phổ. Vị gần kề Á thánh, ấy là Hiền. Hạnh thì như đại nguyện vương trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới nói: Một sắc một hương đầy khắp pháp giới. Nói tóm lại là:

Các điều ác chớ làm,

Vâng làm các việc lành.

Đấy gọi là hạnh Phổ Hiền.

GIẢNG

Phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát nói về phần công hạnh. Cho nên ở đây đặt ra vấn đề làm thế nào tu hạnh Phổ Hiền?

Hạnh Phổ Hiền là hạnh trùm khắp hết, không hạnh nào ngoài hạnh Phổ Hiền. Tu biết vọng là hạnh Phổ Hiền. Làm bất cứ việc gì mà không vướng mắc cũng là hạnh Phổ Hiền. Ăn chỉ ăn, nghỉ chỉ nghỉ, đi chỉ đi, làm việc gì tập trung biết một việc đó, không vọng động… đều là hạnh Phổ Hiền. Nhất cử nhất động, nếu chúng ta quay về soát xét cho kỹ, đừng vướng bên ngoài thì tất cả hạnh đều là hạnh Phật, hạnh Bồ-tát, hạnh Phổ Hiền, hạnh Quan Âm, hạnh Văn Thù v.v... Quan Âm là từ bi, chúng ta tập từ bi vô điều kiện là tu hạnh Quan Âm. Phổ Hiền là làm tất cả việc, giúp đỡ tất cả chúng sanh không thấy mệt mỏi, chúng ta tập quên mình hy sinh vì đại chúng không thán oán, không chán nản, vui vẻ làm, hăng hái làm… tức là tu hạnh Phổ Hiền.

Sinh ra trong cõi người là nhân duyên lớn nhất để chúng ta tu tập. Chúng sanh nào được phước sanh lên thiên giới, thấy là thần tiên sướng lắm, nhưng không có duyên để tu tập. Như mình muốn bố thí mà ai nấy đều dư ăn dư mặc hết thì bố thí cái gì. Ở cõi này nhiều người thiếu cơm ăn áo mặc, thiếu tình thương, tha hồ cho chúng ta bố thí. Cho nên ở cõi trời không có cơ hội để tu, ở đây có rất nhiều cơ hội để tu mà chúng ta không chịu tu thì uổng quá.

Huynh đệ chúng ta không có tiền nhưng vẫn có rất nhiều cơ hội để bố thí. Bố thì gì? Như sáng nay 10 vị được sắp vào ban trị nhật, 3 giờ khuya xuống nấu cơm, rửa rau luộc rau, làm nước tương… làm thật vệ sinh, chuẩn bị dọn lên. Huynh đệ nghĩ đến thầy mình, tất cả anh em đồng hạnh với mình có được những dĩa rau luộc mềm chín, sạch sẽ, chén nước tương chấm rất khoái khẩu, cho nên hết lòng hết sức làm một bữa cơm ngon. Đó là cúng dường, là bố thí. Tại sao? Vì mình đã bỏ công để đem đến cho đại chúng một bữa cơm ngon. Cho nên nấu cơm là cơ hội để mình tu tập, phát huy hạnh Phổ Hiền.

Nếu sanh lên cõi trời muốn gì có nấy, không cần phải nấu cơm vẫn có cơm ăn, mình làm sao trổ tài nấu cơm cúng dường đây. Ở cõi trời phúc duyên đặc biệt lắm. Chư thiên vui chơi, du hí, tới chừng đói bụng, họ tưởng đến thức ăn tự nhiên có mùi thơm khắp nơi, họ ngửi mùi thơm ấy là no. Như vậy chúng ta luộc rau cho ai ăn? Tất cả thì giờ của chư thiên đều tập trung cho việc du hý. Lỡ sanh lên đó mình tu không được. Nếu muốn thành tựu viên mãn Bồ-tát đạo để tiến lên Phật đạo thì đừng cầu mong sanh lên cõi trời. Chỉ có cõi Ta bà này có nhiều cơ hội nhất cho chúng ta tu hành thành Phật thôi.

Kinh A Hàm kể lại, Phật sai ngài Mục Kiền Liên lên trời tìm thầy thuốc Kỳ Bà. Lúc này ông đã được sanh lên trời, nhờ công đức chăm sóc sức khoẻ cho chư tăng. Ngài Mục Kiền Liên chờ hoài vẫn không thấy Kỳ Bà đến. Đến sao được, vì ông bận đi chơi. Bất ngờ, ngài thấy Kỳ Bà chạy xe tới, ông đưa tay chào ngài. Tôn giả Mục Kiền Liên liền dùng thần thông chận lại, bảo:

- Ông là đệ tử Phật, mới lên đây mà đã quên hết rồi. Phật nói vô thường ông không nhớ, sao mau quên quá vậy.

Ông nói:

- Thầy ơi, trên này ai cũng vậy, không phải một mình con đâu. Con chỉ có một xe, một người hầu, rất đơn giản. Thầy nhìn các vị trời khác kìa, gia đình người ta đi chơi rần rần, còn con chỉ có một mình thôi. Thầy gặp con có chuyện gì nói nhanh lên, để con đi.

Thử hỏi chúng ta sanh lên đó làm sao tu? Nghĩ thế mới thấy quý trọng cõi này. Bên cạnh mình, huynh đệ bị bệnh, cần đi lấy nước uống, cần giặt mấy bộ đồ công tác, cần có bát cháo lót long… nên mình có rất nhiều điều kiện để tu tạo công đức. Chúng ta học hạnh ngài Phổ Hiền làm mà không đặt vấn đề, không đòi hỏi trả công, không phân biệt thân sơ, làm khắp hết tất cả. Rõ ràng đây là nơi cho chúng ta hành pháp, phúc duyên lớn lao đến với mình. Tóm lại, sống chung trong thiền viện, anh em dễ tu, dễ thực hiện được hạnh Phổ Hiền.

CHÁNH VĂN

Nhưng người tu hành học theo hạnh Phổ Hiền, tức là dùng yếu chỉ lỗ tai nghe, từ nhĩ thức mà vào. Chỉ dùng nhĩ thức theo niệm phân biệt, soi khắp quần cơ, lựa hạnh lành của Phổ Hiền kia mà tu, để tròn đầy tuệ tự tại, thành tựu trí nhất thiết chủng.

GIẢNG

Đoạn này kết lại hạnh Phổ Hiền trên kia. Tu hạnh Phổ Hiền căn cứ từ lỗ tai nghe, từ nhĩ thức mà vào. Căn nghe ai cũng có, nhưng nghe mà đừng dính dáng âm thanh, đó là hạnh Phổ Hiền rộng khắp. Ai nói gì, mình cảm ơn, nhờ thầy nói tôi biết cái dở để tu sửa, ta đảnh lễ cám ơn. Đó là soi lại hay sống được với căn nghe, không chạy theo niệm tham sân phiền não khi nghe âm thanh trái tai. Ngài Minh Chánh từ kinh nghiệm tu hành dạy chúng ta từ lỗ tai nghe quay về nhận lại tánh nghe, không chạy theo âm thanh bên ngoài. Nghe cái gì cũng tựu trung về việc tu hành, như vậy phản quan tự kỷ được.

Tu hành học theo hạnh Phổ Hiền, tức là dùng yếu chỉ lỗ tai nghe, từ nhĩ thức mà vào. Chỉ dùng nhĩ thức theo niệm phân biệt, soi khắp quần cơ, lựa hạnh lành của Phổ Hiền kia mà tu, để tròn đầy tuệ tự tại, thành tựu trí nhất thiết chủng. Ngài dạy chúng ta biết cách dùng nhĩ thức tức là biết nghe, tựu trung để thành tựu thánh hạnh của mình.

Như có người chửi mình, mình chửi lại thì không có vấn đề gì để nói, không đặt hạnh Phổ Hiền ở đây. Song chúng ta không đến đỗi tệ như thế. Mình biết người kia chửi, mình vẫn bình thường, không vì âm thanh đó mà thay đổi. Luôn luôn sống tròn đầy với hạnh khắp, nếu có khởi lên niệm gì thì chỉ là niệm thương người kia. Vì sân si mà họ phát âm khó nghe, tạo nghiệp bất thiện, rất đáng thương.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Từ trước, quở chê thức tâm, bảo là huyễn vọng. Đến đây, cớ sao lại nói nhĩ thức là hạnh lớn chân thật. Thế ấy đâu khỏi trước sau có thủ xả ư?

Đáp: Quở chê ở trước là thức tâm duyên trần. Nếu ngoài hiện sáu trần, thì trong khởi thức tâm, vọng sanh phân biệt. Trần qua thì thức phân biệt tự không, vì thế bảo rằng huyễn vọng cần phải bỏ. Nay thức này là dụng của nhĩ căn, đầy khắp mười phương, tuỳ lúc nghe, tuỳ lúc nhận thức, tuỳ lúc phân biệt, nó trạm nhiên thường trụ. Như ánh sáng của mặt gương, tức thức tánh trong kinh Lăng Nghiêm, nói “Minh tri giác minh, chân thức diệu giác trạm nhiên, biến chu pháp giới, dung nhập Như Lai tạng tánh, Diệu liên hoa tâm”. Thế nên, đáng phải giữ lấy mà tu. Đức Di Lặc cũng do tròn thành Tam-muội thức tâm này, mà tương lai sẽ làm Phật. Trong kinh Phổ Hiền cũng nói: “Nếu có người thọ trì đọc tụng hiểu nghĩa thú kia, người đó lúc mạng chung, được một ngàn vị Phật đưa tay xoa đầu. Khiến lòng không sợ hãi, chẳng lạc vào nẻo ác, liền sanh lên cung trời Đâu Suất, chỗ Bồ-tát Di Lặc đang ở”.

Đây cũng chính bày tỏ đã hội được nhĩ thức kia, mà trở về tánh thức Như Lai tạng vậy.

GIẢNG

Hỏi: Từ trước, quở chê thức tâm, bảo là huyễn vọng. Đến đây, cớ sao lại nói nhĩ thức là hạnh lớn chân thật. Thế ấy đâu khỏi trước sau có thủ xả ư? Đặt lại vấn đề đã quở trách thức tâm là huyễn vọng, tại sao bây giờ lại nói nó là hạnh lớn chân thật. Như vậy là mâu thuẫn nhau rồi?

Đáp: Quở chê ở trước là thức tâm duyên trần. Nếu ngoài hiện sáu trần, thì trong khởi thức tâm, vọng sanh phân biệt. Trần qua thì thức phân biệt tự không, vì thế bảo rằng huyễn vọng cần phải bỏ. Nay thức này là dụng của nhĩ căn, đầy khắp mười phương, tùy lúc nghe, tùy lúc nhận thức, tuỳ lúc phân biệt, nó trạm nhiên thường trụ. Như ánh sáng của mặt gương, tức thức tánh trong kinh Lăng Nghiêm, nói “Minh tri giác minh, chân thức diệu giác trạm nhiên, biến chu pháp giới, dung nhập Như Lai tạng tánh, Diệu liên hoa tâm”. Thế nên, đáng phải giữ lấy mà tu.

Quở là khi mê, vọng sanh phân biệt thì thức tâm hư ngụy. Chớ giác biết rõ ràng thì thức là dụng của nhĩ căn, không có nó chúng ta duyên vào đâu để tu. Người biết tu có thể dùng tất cả căn cảnh làm phương tiện để đạt đến chỗ cứu cánh. Người không biết tu thì thức tâm dẫn đi tạo nghiệp. Chúng ta thấy các nhạc công có thể dùng âm thanh kỹ nhạc cúng dường đức Thế Tôn. Ngược lại, với người không biết tu thì âm thanh kỹ nhạc làm tăng trưởng điên đảo vọng tưởng, tạo nghiệp trầm luân khổ hải.

Người biết tu dùng thân giả hợp, tâm không thật và tất cả cảnh duyên để tựu trung thực hành hạnh Phổ Hiền. Người không biết tu bị thân tâm dẫn đi trong những nẻo tối tăm. Nó thao túng mê hoặc mình, khiến ta điên đảo ngược xuôi, tạo nghiệp rồi bị quả báo trầm luân sinh tử, không có ngày cùng. Tóm lại, từ các hiện tượng, từ thức tình biết quay lại là tu được, không quay lại là trầm luân sanh tử. Thế nên chúng ta phải cố gắng giữ lấy tâm thanh tịnh trong sáng để tiến tu đạo nghiệp.

Đức Di Lặc cũng do tròn thành Tam-muội thức tâm này, mà tương lai sẽ làm Phật. Trong kinh Phổ Hiền cũng nói: “Nếu có người thọ trì đọc tụng hiểu nghĩa thú kia, người đó lúc mạng chung, được một ngàn vị Phật đưa tay xoa đầu. Khiến lòng không sợ hãi, chẳng lạc vào nẻo ác, liền sanh lên cung trời Đâu Suất, chỗ Bồ-tát Di Lặc đang ở”.

Đây cũng chính bày tỏ đã hội được nhĩ thức kia, mà trở về tánh thức Như Lai tạng vậy.

Bồ-tát Di Lặc đặc biệt sở trường về tông Duy Thức, nên nói ngài đã tròn thành Tam-muội thức tâm, nên tương lai sẽ thành Phật. Trên tinh thần tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chẳng những Bồ-tát Di Lặc viên tròn thức tâm sẽ thành Phật mà tất cả chúng ta cũng vậy. Người nào không bị thức tình chuyển, mà chuyển được thức tình đều sẽ thành Phật. Thế nên đoạn dưới thiền sư Minh Chánh dẫn kinh Phổ Hiền nói, bất cứ chúng sanh nào thọ trì hiểu rõ nghĩa thú kinh này, lúc sắp mạng chung, lòng không sợ hãi, được sanh về cung trời Đâu Suất, tức chỗ Bồ-tát Di Lặc đang ở.

Hiểu nghĩa thú kinh rồi, đưa nhĩ thức trở về tánh thức Như Lai tạng mới gọi là viên mãn thức tâm. Chỗ này, chúng ta cũng đã được Hòa thượng Ân sư chỉ dạy ứng dụng nơi tánh nghe. Nếu sống với tánh nghe chân thật, có âm thanh gì chúng ta nghe âm thanh đó, không khởi tâm phân biệt, đó là đưa nhĩ thức về Như Lai tàng tâm. Ngược lại, chúng ta chạy theo âm thanh rồi sanh yêu thích hay ghét bỏ là để nhĩ thức trôi theo ngoại duyên, xa rời bản tánh thanh tịnh nên tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử.

Huynh đệ chúng ta ở đây tuy quê mùa nhưng có phước là lớn nhỏ gì, người cũ người mới v.v… đều được nghe, được động viên, được nhắc nhở phát huy tánh giác. Người tu nếu không phát tâm Bồ-đề, coi như cả đời không dính dáng chi tới việc tu hành. Câu nói này nghe thật đau. Một đời tu hành, không ít thì nhiều cũng có năm năm ba năm bỏ công sức cho việc tu tập, vậy mà bảo không dính dáng gì. Có phải xót cho mình chưa? Song quả thật là như vậy. Bởi mục đích lớn nhất của chúng ta là làm chủ được thân tâm, chuyển hóa hết nghiệp. Bây giờ nghiệm lại, mình chưa thành tựu được điều gì cả. Biết thế, chúng ta cố gắng lập nguyện, lập hạnh, quyết lòng chiến thắng được tập nghiệp từ lâu đời, không mê ngoại cảnh bên ngoài, không đem hình thức tu sĩ ma mị thiên hạ, cầu lợi cầu danh. Phải mạnh dạn nhìn lại chính mình, nếu giác tâm chưa phát huy được thì không thể yên lòng thọ nhận của đàn na tín thí.

Đức Phật nói dù một ngày thọ dụng vài ba giọt nước cũng nợ nần tín thí. Người phát huy được tánh giác, một ngày dù thọ dụng muôn lượng vàng ròng cũng tiêu dung được hết, không sợ phải quay lại đền trả nợ trước. Nhận được chỗ ấy, chúng ta giảm thiểu bớt sự thọ dụng bên ngoài, cố gắng tăng trưởng công phu bên trong. Nếu không như thế chúng ta sẽ bị vướng mắc, gặp nhiều trở ngại, tu không được.

Người ta thường sợ ma mị bên ngoài, không sợ nội ma bên trong. Thật ra những hình ảnh ma quái kinh dị, người ta thường kể để hù dọa những kẻ yếu bóng vía, nó chỉ là những trò chơi, tay nào có máu ảo thuật đều làm được cả. Ma mị hay không là tự nơi chúng ta. Một niệm ta không làm chủ được là bị ma dẫn. Một niệm ta chạy theo sự tối tăm là bị ma nhập. Một niệm chấp nhận cảnh duyên bên ngoài mà bỏ quên mình là bị ma nuốt chửng rồi. Ma đó mới đáng nói đáng ngại, bởi vì nó thật sự tác động và gây ảnh hưởng đến chuyện tu hành của chúng ta. Nếu ta cứ để cho loại ma mị đó quấn quít mãi thì cuộc đời tu hành của mình chung cuộc sẽ rơi vào đường tà, làm quyến thuộc nhà ma, bị chúng sai khiến khổ sở vô cùng. Nói cụ thể hơn, chúng ta ôm giữ cái không thật tức là ôm giữ ma. Chạy theo cái không thật là bị ma dẫn. Chấp nhận cái không thật là chấp nhận ma.

Bây giờ huynh đệ kiểm lại mình, xem có bị ma xanh, ma đỏ, ma thật, ma giả, ma nam, ma nữ, ma có học, ma không học, ma miền quê hay ma thị thành ốp mình không? Ham chạy theo thành thị là bị ma thành thị ốp. Ma là như thế. Chạy theo vọng tưởng là chạy theo ma. Vọng tưởng về cái gì mà buông không được thì coi như bị ma ốp. Như chúng ta đang ngồi đây mà vọng tưởng về quê hương, nơi mình sinh ra, ngôi nhà, người thân, mảnh vườn, cái ao, cây cầu v.v... tức là bị ma gia đình dẫn, mình không có lực làm chủ, nên nó nuốt chửng chúng ta mất. Có người bị nuốt vài tiếng, có người bị nuốt vài ngày, có người bị nuốt cả một cuộc đời.

Để cho ma nuốt chửng mà cứ niệm Phật cầu Phật rước, Phật nào rước được? Nêu một ví dụ để biết về các hiện tượng ma như thế, chứ bọn chúng nhiều lắm. Nào ma danh, ma lợi, ma tài, ma sắc, ma ăn, ma ngủ, ma tưởng, ma vọng… Hễ vọng tưởng về những thứ đó không dừng được thì bị ma cột trói kéo lôi, chẳng những đời này mà nhiều đời khác cũng vậy. Người không biết tu, không tìm ra manh mối để cắt đứt, tháo gỡ, đành chấp nhận như thế. Trải qua bao đời kiếp, không biết chừng nào mới thoát khỏi.

Chúng ta không buông được những tưởng tượng điên loạn của mình là bị ma tưởng còng trói. Thứ ma này rất nguy hiểm. Tuy nhiên dù nguy hiểm tới đâu, chúng vẫn không thật. Bởi không thật nên Bồ-tát mới hàng phục, diệt trừ được. Song nếu chúng ta chấp nhận nuôi dưỡng ma, dù Bồ-tát có thần lực đến đâu cũng không trị được. Chư huynh đệ nên biết có một loại ma hiện đang hành chúng ta đây. Ma gì? Ma ngũ ấm xí thạnh. Do mình thiếu năng lực tu, không làm chủ được nên dưới sự tác động của thân ngũ ấm xí thạnh, chúng ta khổ. Muốn trị ma này phải làm sao? Chỉ có ráng tu, ráng tỉnh, phấn chấn lên, chứ không có cách nào khác.

Có hai trường hợp, một là chúng ta bị thân năm ấm dẫn dắt. Hai là thân năm ấm suy thoái, làm trở ngại chúng ta. Trước nhất nói về thân năm ấm dẫn dắt. Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng là duyên hợp không thật. Nhưng nếu ta mê chúng, chúng sẽ sai sử ta chạy theo đến đổi quên mất mình, trôi lăn trong ba cõi, không biết đường về. Những hình sắc bên ngoài, đẹp thì ưa thích, xấu liền ghét bỏ. Đó là chạy theo sắc ấm. Những cảm thọ khổ, lạc, không khổ không lạc luôn chi phối chúng ta, mình thường chọn thọ lạc, sợ thọ khổ. Đó là chạy theo thọ ấm. Các tưởng tượng luôn quay cuồng trong đầu, khiến người ta lo buồn, sợ hãi, vui mừng, hờn giận… trong khi nó không thật có, chỉ là tưởng tượng thôi mà có sức mạnh làm cho con người thất điên bát đảo. Đó là chạy theo tưởng ấm. Những dấy niệm nối nhau không dừng, gây bất an bất ổn, làm mất đi sự thanh tịnh của tâm. Vậy mà chúng ta không làm chủ, không bắt nó dừng lại được. Đó là chạy theo hành ấm. Những dòng suy tư nghĩ tưởng, phân biệt lăng xăng như khỉ vượn đã khiến chúng ta không phút giây yên tỉnh. Đó là chạy theo thức ấm. Đây là bị ma năm ấm dẫn dắt.

Đối với ma ngũ ấm, chư huynh đệ cũng đừng để cho thân thịnh quá. Thân thịnh mà không đủ đạo lực sẽ bị ma ốp. Bấy giờ sanh ra nhiều thứ oan khiên, nghiệp báo chướng ngại việc tu hành. Không phải chướng ngại từ bên ngoài, mà tự nơi thân mình, từ vọng tưởng không tỉnh sáng sanh ra vấn đề. Các thầy còn thanh niên trai tráng phải tăng trưởng đạo lực, phát huy tâm Bồ-đề, làm chủ hơi thở, những hoạt động của thân, đừng để thân suy yếu cũng không cho nó tăng trưởng quá. Như vậy mới trị được ma năm ấm. Trong Luận Bảo Vương Tam Muội có dạy “Nghĩ đến thân chẳng cầu không bệnh, thân không bệnh thì tham dục dễ sanh”, là để ngăn ngừa tham dục phát sinh từ một thân năm ấm quá sung thịnh.

Kế đến nói về thân năm ấm suy thoái, làm trở ngại việc tu tập của chúng ta. Hầu hết chư huynh đệ chưa ai bệnh liệt giường, cũng chưa ai bị bệnh truyền nhiễm đến độ mọi người ghê tởm, lánh xa. Chủ yếu đừng quá quan trọng về thân khi nó bệnh thì chúng ta có thể trị bệnh không khó. Còn yếu đuối hoặc quá quan trọng về thân thì bệnh ít cảm thấy bệnh nhiều, bệnh nhiều tưởng như sắp chết. Người như thế là bị ma năm ấm suy thoái chụp mũ rồi. Làm sao tỉnh sáng, phấn chấn lên cho đạo lực vững vàng. Một khi tâm mình đã mạnh thì tất cả ma mị không làm gì được. Như vậy huynh đệ tập trung vào đạo lực, trị ma năm ấm xí thạnh bằng cách siêng tu hành. Tuy nhiên cũng thuốc thang bồi dưỡng khi tứ đại bất hoà, nhưng thấy bình thường, không có gì quan trọng, chúng ta sẽ vượt qua bệnh tật. Đó là mình chiến thắng được ma năm ấm.

Tu là sửa. Chúng ta nghiệm coi mình trật cái gì thì sửa cái đó, thiếu cái gì tu bổ cái đó. Cứ thầm thầm lặng lặng nghiệm xem và chỉnh sửa, nhất định sẽ có ngày hoàn hảo. Tu hành là hành trì sửa đổi, chớ không phải tu thì bị hành như những bác nhà quê hay nói. Mình tự nguyện đi tu, chớ có ai bắt đi đâu mà bảo vô chùa bị hành. Nếu bị hành thì đừng vô. Có nhiều vị năn nỉ quí thầy rất nhiều lần mới được chấp nhận vào thiền viện, cho nên việc đi tu là do chúng ta tự nguyện, tự hứa, không ai bắt mình vào chùa cả. Mà vào chùa cũng chỉ quét lá, nấu cơm, rửa chén, cuốc đất, trồng hoa… đâu có gì dữ dằn. Cho nên phải hiểu chữ “hành” là hành trì. Sự hành trì đó do chúng ta tự nguyện, tự phát tâm, chứ không ai hành hạ mình cả.

Trong huynh đệ chúng ta có những tay tài tuấn, thi đậu dư điểm... rất ngon lành. Ngày đầu mới tới uy nghi hùng dũng, sau đó xuất gia được làm tăng một thời gian bỗng dưng èo uột như bị rét cách nhật, xanh xao vàng vọt, cuối cùng giống như bị ma nhập. Nhưng ma nào mà nhập mấy thầy. Ma nó gặp mấy ông thầy mặc đồ vàng, nó chạy thấy mồ thấy tổ, không con ma nào dám léo hánh tới khu vực thiền viện. Chỉ có mình làm ma, tự hại mình thôi. Thì đó, thân ngũ ấm xí thịnh, chúng ta không khắc phục được, đạo lực suy vi riết thành xanh xao. Cho nên bệnh tật là nghiệp chướng, trở ngại việc tu hành của chúng ta.

Bây giờ chúng ta nhớ tu là sửa, hành trì, giữ gìn bảo vệ. Phải hành trì liên tục trong từng phút giây, để loại bỏ tất cả những gì không cần thiết. Như sáng mai mọi người ăn cơm cầm chén đi ngay ngắn, mắt ngó xuống không quá xa cũng không quá gần, ngó vừa tầm, đi ngay ngắn, không đánh đòng xa v.v... Mọi người như vậy, có một mình mình đi khác người ta, vừa đi vừa nhảy cò cò thì phải sửa lại. Giản dị vậy thôi. Bởi vì có ông thầy nào vừa đi vừa nhảy cò cò đâu. Sửa một lần chưa xong thì sửa nhiều lần, bữa nay sửa một chút, ngày mai sửa một chút. Tập khí đã lâu đời, gọt một lần không hết, ta gọt từ từ, gọt hoài cũng xong. Hễ cái tay đánh đòng xa ra sau lưng thì sửa ngắn lại, cái đầu cúi xuống thì ngó thẳng lên, sửa từng tật một. Sửa cái nào chắc ăn cái nấy. Giản dị như thế.

Thiền tăng luôn sống đời thoải mái, không có gì ràng buộc. Từ sáng tới chiều không ai rầy rà thì việc gì ta phải trợn mắt trừng mi. Hôm nào tôi lỡ trợn mắt với quí vị, lỡ sân lên, thật tình tôi rất xấu hổ. Nói xong tôi về thất, uống nước lạnh từng chút từng chút cho dịu lại, rồi ngồi thiền. Tôi nhận ra sai lầm của mình, cứ tạo tỳ vết trong lòng, đem phiền não tăm tối vô hoài, làm sao an ổn được. Mình dạy người ta tu mà bản thân mình mang bệnh đây nè. Cho nên nhiều khi bực bội việc gì, nói xong tôi bỏ đi. Huynh đệ thấy, khi nào tôi ngồi một mình tức là tôi đang chỉnh đốn. Chỉnh đốn chính mình, bởi vì việc này không thể nhờ ai làm dùm được cả.

Người tu phải có trí tuệ. Chúng ta đang có điều kiện chỉnh đốn mà không chịu làm thì đâu phải người sáng. Vậy mà có ai nói thầy dở hoặc không sáng là mình không vui. Đó là chúng ta đã làm quen với mê lầm, không chịu tỉnh sáng. Khi thầy hay huynh đệ chung quanh nhắc nhở là thấy mình có lệch lạc, nên ráng nghe rồi sửa, không nên buồn giận mà thiệt thòi cho việc tu tập.

Người tu thiền ngay trong từng phút giây phải kiểm điểm tự thân. Nếu ta chấp nhận vọng tưởng là bị ma dẫn. Chúng ta tỉnh táo, không buồn phiền, không lo lắng, không ưu tư, không bị vọng tưởng dẫn đi là ta giác, sống được với cái thật, không bị ma dẫn. Chư Tổ có một câu nói rất mạnh “Phùng Phật sát Phật, phùng ma sát ma”, nghĩa là không chấp nhận hình ảnh nào bên ngoài hết. Hằng sống được như thế là tỉnh giác, lúc nào cũng thấy an ổn sung sướng. Sung sướng bởi mình không bị ma dẫn, không đi con đường ma.

Nếu các vị kiểm nghiệm thấy cảnh vui mình tỉnh, cảnh không vui mình cũng tỉnh. Lúc tụng kinh ngồi thiền mình tỉnh, lúc nấu cơm rửa chén mình cũng tỉnh, thì xem như việc tu có tiến triển. Lúc nào cũng tu tập và hành trì như vậy. Hành trì là gìn giữ. Gìn giữ cái gì? Gìn giữ công phu, giới hạnh theo lời Phật dạy, không để sai suyễn tí nào. Được như thế thì sung sướng biết mấy. Từng bước từng bước chúng ta thực hiện tu tập liên tục, không để cái khác xen tạp trong đời sống, trong hơi thở, trong sinh hoạt của mình. Tu thiền phải có khí phách như vậy mới được. Người hiểu đạo không chấp nhận lang thang trong đời sống vô minh. Vì vậy mọi thứ ngang đây cắt đứt, không trói buộc trong hệ luỵ của thân tâm mộng huyễn vô thường nữa.

Phát tâm Bồ-đề là chuyện của tất cả chúng sanh, không phải chuyện của Phật, của Bồ-tát. Vì các ngài có đầy đủ tâm ấy rồi, đâu cần phải phát làm gì. Cho nên chúng ta không nên mặc cảm tự nhận mình là phàm phu tục tử, không bao giờ phát được tâm Bồ-đề. Tổ Quy Sơn từng răn nhắc: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thối khuất”. Kia trượng phu, ta cũng trượng phu; không nên tự khinh mà lui sụt. Kia thành Phật, ta cũng như vậy. Phải tin chắc như thế để tiến lên.

Việc sanh tử của mình, mình không lo, ai lo cho mình. Các vị thương lắm thì thoa bóp, thuốc men bên ngoài thôi, còn thì ta phải tự đảm đang lấy. Đảm đang nhận cái nghiệp hay phúc duyên của mình. Người có phúc duyên tương đối sáng sủa, người không có phúc duyên thì trăm ngàn thứ tăm tối. Chỉ người có đạo lực, công phu thâm hậu, sống đúng với lời Phật Tổ dạy, tự nhiên trí lực, đạo lực được phát huy thì nghiệp lực mới nhẹ đi. Căn cứ nội cái thân này cũng đủ tu rồi. Soi rọi ra không bệnh này cũng bệnh khác. Vui vẻ hạnh phúc ở đâu mà mê đắm nó, không chịu tỉnh tu.

CHÁNH VĂN

Lại, phẩm này cũng nói Đà-la-ni là biểu lộ thể tâm nghe này, tổng trì tất cả công đức của pháp thân chư Phật, hiện khắp tất cả đạo tràng Bồ-đề của chư Phật, rộng làm việc Phật, lợi ích chúng sanh, là con của đấng Pháp vương vậy.

GIẢNG

Đà-la-ni ở đây là biểu lộ thể tâm nghe, cũng là tổng trì tất cả công đức pháp thân chư Phật. Tâm là thể rỗng rang sáng suốt, tuy nói nghe nhưng nó viên thông tất cả. Một khi chúng ta sống được với thể rỗng lặng sáng suốt, là sống được với tâm nghe, sống với tánh giác.

Đà-la-ni người Trung Hoa dịch là Tổng trì, tức là tổng nhiếp và gìn giữ bảo vệ tất cả các công đức. Công đức này từ nơi tánh thể, không phải từ những việc làm tầm thường. Người được tổng trì, trước nhất có bộ nhớ tốt. Như ngài A Nan là đa văn tổng trì, bộ nhớ phi thường, gom hết và gìn giữ đầy đủ những lời Phật dạy. Nếu chúng ta tu tập đến mức được định tổng trì thì đầy đủ tất cả công đức. Công đức đó lưu xuất từ tâm thể, không phải những công đức thường. Những công đức thường đôi khi chúng ta giữ không được.

Ta còn dùng thân này, còn nương huynh đệ tu hành thì phải có sự bảo vệ. Bảo vệ bằng tâm nhu nhuyến, nhường nhịn, tương trợ nhau đồng tu cho tới ngày thành Phật. Bảo vệ sự tỉnh táo sáng suốt. Bao giờ xong việc thì đất trời thênh thang, đường ai nấy đi. Bây giờ chưa được, anh đi mà còn vướng, tôi đi vẫn nặng nề thì chúng ta liên kết, ủng hộ. Trong kinh A Hàm, Phật nói người thấy được chân lý là người kiến đế. Lẽ thực sờ sờ đây chứ không ở đâu xa. Như nói các pháp không thật, chư hành vô thường là pháp sanh diệt. Ngay đó ta nhận đến chỗ tột cùng, gọi là người thấy chân lý. Thấy được mé thật của các pháp là thấy chân lý, thấy chân lý là ngộ đạo. Cho nên Phật giảng pháp Tứ đế, năm thầy Tỳ-kheo ở Lộc Uyển nghe xong, nhận tới mé thực của nó liền ngộ đạo, chứng quả A La Hán.

Tứ đế là gì? Đế là chân lý. Tứ đế là bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Phật nói các pháp là khổ. Khổ ấy có tập nhân của nó gọi là tập. Thấy được mé thật này là thấy được lý nhân quả thông thường. Tiếp theo Phật nói tới diệt và đạo. Diệt là quả vui sau khi đã diệt hết các khổ. Đạo là những phương thức tu hành để diệt khổ. Tu hành đâu khó đến đỗi mình không tu được. Nhưng sự bảo vệ của chúng ta phải đến nơi đến chốn, không được nửa chừng bỏ cuộc. Một phen đi là tới nơi. Mỗi ngày qua anh em tâm niệm phải giải tỏa mọi thứ tồn đọng trong lòng. Xem lại thuyền bè của mình đang dùng có lủng chảy chỗ nào không? Chỗ nào hư lủng ta trám sửa lại, để còn nhờ nó đưa ta qua bến bờ bên kia. Bờ kia là bờ giác.

CHÁNH VĂN

Kệ rằng:

Đầu nói Hoa Nghiêm, đây Pháp Hoa,

Trước sau thuần một Diệu Liên Hoa,

Văn Thù trí gốc, đơm Phật tuệ,

Phổ Hiền tâm nghe, trổ giác hoa,

Thâm ngộ Đà-la-ni mật ý,

Trên gần Di Lặc, thức tâm hoa,

Tương lai đồng đến Long Hoa hội,

Nhân quả hợp nhau, gốc Pháp Hoa.

GIẢNG

Đầu nói Hoa Nghiêm, đây Pháp Hoa, Phật nói kinh Hoa Nghiêm trước tiên kể từ khi được đạo quả vô thượng Bồ-đề, kinh Pháp Hoa nói chót. Trước sau thuần một Diệu Liên Hoa, Văn Thù trí gốc, đơm Phật tuệ, Văn Thù là biểu trưng cho trí căn bản, đó là Phật tuệ. Phổ Hiền tâm nghe, trổ giác hoa, Phổ Hiền là hạnh trùm khắp. Thâm ngộ Đà-la-ni mật ý, người đắc tổng trì hiểu thấu thực tướng được tất cả pháp. Trên gần Di Lặc, thức tâm hoa, trong kinh Hoa Nghiêm diễn tả lầu các Di Lặc là nơi những vị đại Bồ-tát tu hành gần đến toàn giác sẽ vào lầu các Di Lặc. Tương lai đồng đến Long Hoa hội, nhân quả hợp nhau, gốc Pháp Hoa, tu tập thành tựu như thế đồng đến hội Long Hoa, tức hội thuyết pháp của đức Phật Di Lặc. Trong kinh đức Phật Thích Ca đã huyền ký từ đây đến ngày Bồ-tát Di Lặc ra đời, thành Phật dưới cội Long Hoa, giáo hóa vô lượng chúng sanh ngộ đạo, thời gian lâu xa không thể tính kể.

Thế giới khi được hình thành trải qua bốn giai đoạn: thành, trụ, hoại, không. Kiếp của mình đây là kiếp hoại, nhiều khổ sở, đấu tranh, nước lụt, lửa cháy, thương đau đủ thứ. Chúng ta thấy những thức ăn ngon lại thường độc hại, có thể giết người một cách ghê gớm. Chẳng hạn bột ngọt, các thức ăn đóng hộp… Những thứ đó tựu lại, bác sĩ cũng phải bó tay. Hồi xưa nghe nói bệnh ung thư, gia đình nào bất hạnh lắm mới có người bị vướng phải bệnh này, nhưng ngày nay thiên hạ bị đầy trời.

Ở kiếp chúng ta là kiếp hoại, tuổi thọ giảm dần cho đến chỉ còn mười tuổi. Lúc đó con người rất ác, thế giới xảy ra nhiều tai biến. Trong kinh diễn tả, trước tiên là nước ngập, không phải chỉ ngập ở địa cầu, mà nạn hồng thủy từ chân núi Tu Di dâng lên tới đỉnh núi Tu Di. Mấy châu dưới này bị chìm lĩm trong nước. Sau nạn nước thì tới nạn lửa. Lửa cháy ác liệt, cháy tới các tầng trời cõi sắc giới, tức cao hơn cả nạn nước. Sau nạn lửa tới nạn gió. Gió này thổi qua thì tất cả không còn gì nữa, trống trơn hết. Thời gian không gian hòa quyện, mênh mông thiên địa, kéo dài vô kể, không biết tới chừng nào. Đây chính là giai đoạn của kiếp Không. Sau khi đã trải qua bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không. Thế giới bắt đầu gầy dựng lại cũng từ những trận gió. Chúng sanh đầu tiên của thế giới mới là những người biết tu Thập thiện, còn sót lại rất ít trong số những chúng sanh tạo nghiệp thập ác của thế giới trước. Sự hình thành của các thế giới cứ luân chuyển như thế, thời gian không thể tính kể.

Ngài Di Lặc ra đời nhằm kiếp trụ của thế giới mới, con người sống đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Đức Phật đương lai thành đạo dưới cội Long Hoa và mở pháp hội dưới cội này. Do vậy gọi là Long Hoa tam hội, tức ngài thuyết pháp ba hội. Những việc này đức Phật Thích Ca đã nói rõ trong kinh. Hiện giờ ngài Di Lặc đang ở trong nội viện cõi trời Đâu Suất. Nếu chúng ta siêng năng tu tập, giữ gìn, bảo vệ được chủng Phật thì tương lai mình sẽ được dự vào hội Long Hoa của đức Phật Di Lặc. Muốn quả được như vậy, nhân phải nhận ra tri kiến Phật. Nói nghe dễ nhưng thật ra khó trần ai, chứ không phải dễ đâu.

CHÁNH VĂN

Nguyên lai kinh này là gồm chứa hải tạng của Hoa Nghiêm, nhiếp thu tông hiến của các kinh, tóm lãnh nhân duyên xuất thế của chư Phật, bày tỏ tri kiến Nhất thừa của chúng sanh.

GIẢNG

Yếu chỉ kinh Pháp Hoa là chỉ cho chúng ta tri kiến Phật. Do vậy đầu kinh Phật nói chư Như Lai ra đời vì một đại sự nhân duyên là nhằm khai thi ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sanh. Khai là mở ra, thị là chỉ bày, ngộ là nhận được, nhập là hằng sống với tri kiến Phật của chính mình. Tôn chỉ của kinh Pháp Hoa là như thế. Đây nói bày tỏ tri kiến Nhất thừa của chúng sanh.

CHÁNH VĂN

Chỉ hơn sáu muôn lời, mà lý hàm súc vô tận, có hai mươi tám phẩm, mà nghĩa sâu kín khôn lường. Tôi dù làm Đề Cương này, như loài muỗi nhặng uống nước biển cả. Trí hẹp biết lờ mờ chỉ thú, khác nào lây ống tre dòm trời cao.

GIẢNG

Ngài tự khiêm nhường nói mình như loài muỗi nhặng uống nước biển cả. Tức ngài muốn nói trí tuệ của ngài và trí tuệ Phật không thể bì vào đâu được, giống loài muỗi nhặng quá nhỏ với biển cả. Cũng như người ta nói ếch ngồi đáy giếng, nhìn trời bằng ống tre nên thấy ông trời bằng ống tre thôi, còn cái mênh mông thiên địa đâu có thể thấy. Cách nói khiêm nhường của người xưa là thế.

CHÁNH VĂN

Tuy chẳng suốt thấu huyền vi, cũng chẳng dám trái thánh chỉ. Hoặc có kẻ lại bảo: Văn tự này, chẳng thấy hiện có trong kinh kia, nên nghi.

Xin hãy xem thật kỹ trong kinh, xét chín chắn lời lẽ của mỗi phẩm. Nghĩa trong lời, lý trong nghĩa, uẩn trong lý, áo trong uẩn, khả dĩ hội ý mới hiểu. Chớ đem kiến giải ngoài da, mà mờ mịt đối với cốt tủy của kinh. Kinh nói:

Tạng kinh Pháp Hoa này,

Sâu xa bền kín lắm,

Không người có thể đến

GIẢNG

Có người nói bản Đề cương này không thấy trong văn kinh chính. Vì đây là Đề cương nêu lên chỗ cương lĩnh của kinh thôi nên trong chính kinh không có. Tuy nhiên không dám trái thánh chỉ, tức trái ý Phật. Ngài Minh Chánh dẫn một đoạn kệ trùng tụng của kinh Pháp Hoa nói kinh này rất sâu xa bền chắc, miên mật kín đáo, không người có thể đến. Không người có thể đến nghĩa là tri kiến Phật, chỗ này ít ai dám nhận. Tại sao? Vì từ lâu rồi chúng ta quay lưng với nó. Bây giờ kinh chỉ thẳng, mỗi chúng sanh trực nhận lại thôi, nhưng chưa từng nhận nên ta không dám nhận luôn.

CHÁNH VĂN

Bảo rằng sâu xa bền kín thì không thể dùng văn nghĩa cạn cợt bên ngoài mà có thể tột cùng nguồn đáy kia. Nhưng người xưa có dạy: “Nói pháp chẳng lìa tự tánh, lìa tự tánh nói pháp tức thành ma nói”.

Xin hiểu Đề Cương này của tôi cũng là lời lời chỉ tánh, câu câu sáng tông, mà chẳng lìa tự tánh vậy. Hoặc có trái lầm, xin cho sám hối. May được khai thị, để cứu lỗi kia. Nếu hợp lời kinh, mong đem lưu thông rộng rãi hầu ích lợi cho khắp chúng sanh.

GIẢNG

Đề Cương này được lưu xuất từ tánh thể của thiền sư Minh Chánh. Vì vậy cho nên lời lời chỉ tánh, câu câu sáng tông, chẳng lìa tự tánh, hoặc trái lầm với ý Phật Tổ thì xin sám hối. Nếu hợp thì xin được lưu thông rộng rãi để lợi ích chúng sanh. Đó là lời kết của phần kinh văn 28 phẩm trong bản Đề Cương kinh Pháp Hoa này.

Phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát tức là dùng đại hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền để khuyến phát chúng sanh đời sau muốn nhập tri kiến Phật phải phát tâm rộng lớn cầu vô thượng Bồ-đề. Phẩm này có những điểm quan trọng như sau: Điểm thứ nhất, muốn thâm nhập tri kiến Phật phải phát tâm Bồ-đề, nuôi dưỡng tánh giác. Điểm thứ hai, phải tu hạnh rộng khắp của Bồ-tát Phổ Hiền: “Các việc ác chớ làm, vâng làm các việc lành”. Điểm thứ ba là được đại tổng trì. Hằng sống với tánh giác thì không có ma mị nào kéo lôi được chúng ta. Chúng ta tu hành muốn viên mãn phải thực hành như thế.

Qua Đề Cương, chúng ta có thể nắm được yếu chỉ của kinh Pháp Hoa. Từ đó nỗ lực tu tập sẽ thấy kết quả lợi lạc thiết thực của kinh Pháp Hoa.

 

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM