CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Hôm nay là ngày kỷ niệm đức Phật đản sinh lần
thứ 2536, dương lịch là năm 1992. Vừa rồi Tăng Ni và Phật tử đã hướng về
đức Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni tác lễ kỷ niệm. Sau đây chúng tôi xin nhắc
lại vài điểm trong đời sống của đức Phật, để từ đó chúng ta tìm ra một
phương thức tu tập như lời dạy của Thế Tôn.
Như tất cả Tăng
Ni và Phật tử đều biết, trước khi thành đạo đức Phật là Thái tử Sĩ-đạt-ta
(Siddhartha), con vua Tịnh Phạn trị vì nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu),
thân mẫu là hoàng hậu Maya. Theo Phật sử, trước khi thị hiện ở Ấn Độ, Ngài
là vị Bồ-tát đã trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp, tu hành Bồ-tát hạnh. Đời
cuối cùng giáng sanh tại Ấn Độ, tu hành thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu
Ni. Như vậy quá trình Ngài đi đến quả Phật không phải ngắn cũng không phải
dễ dàng.
Bây giờ chúng ta là Thích tử, tức con của Ngài thì tất cả tài sản Như Lai
nhất định phải biết. Muốn được như cha mình chắc rằng chúng ta phải thực
hiện những gì đức cha lành chỉ dạy, thì mới có kết quả hoàn bị. Trong sử
nói Phật trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành mới thành đạt quả vị Phật.
Chúng ta là những người con của Ngài, liệu xem mình có đi qua nổi thời
gian dài đó với bao nhiêu khó khăn, chông gai cản trở không? Nếu không
vượt qua nổi thì sự tu hành của chúng ta sẽ ra sao? Đó là điều khiến cho
giới Tăng Ni chúng tôi suy nghĩ, và có lẽ Phật tử cũng có suy nghĩ.
Trải qua quá
trình dài như vậy, đức Phật đã thực hiện bao nhiêu công hạnh, bao nhiêu
việc làm khó khăn mới hoàn thành viên mãn Phật quả. Bây giờ chúng ta là
Phật tử, nhất định phải dẫm, phải vượt qua, phải chiến thắùng như Ngài.
Chư Phật mười phương và tất cả những bậc tiền bối đã có kinh nghiệm, đã
sống trải, lúc nào cũng chờ đợi, mong mỏi chúng ta quyết tâm tu hành thật
tốt, các Ngài sẵn sàng giúp mình hoàn thành bản nguyện giác ngộ giải thoát.
Như vậy trên đường Phật đạo chúng ta không cô đơn. Bởi vì ta luôn được sự
hộ niệm của đấng cha lành, của những thiện hữu tri thức. Vì vậy mong chư
huynh đệ hãy hướng về pháp môn mình đã chọn, về mười phương thiện hữu tri
thức để thực hiện cho được nguyện lành, để mình được an ổn, dứt khổ được
vui.
Chúng ta ngày
nay có sẵn phương pháp, cách thức để tu tập, chớ không khó khổ như đức
Phật hồi xưa, chỉ cần hạ quyết tâm thôi. Khi quyết tâm rồi không được dòm
ngó hai bên, mà hãy thẳng tiến tới trước để viên thành Phật đạo. Ngày xưa
đức Phật phải chịu vô vàn khó khăn, mất nhiều thời gian mới giải quyết
xong nỗi trăn trở của Ngài về thân phận con người, đó là sanh già bệnh
chết. Đây là vấn đề mà không ai có thể thay thế cho ai được hết. Quí vị
thử nghiệm lại xem, khi chúng ta đau, những người chí thân của mình ngồi
một bên, nhưng họ giúp gì được cho ta? Nhiều lắm là vài câu an ủi, cho ta
thuốc men và xoa dịu phần ngoài thôi. Còn nỗi khổ đau phải chịu đựng thì
tự chúng ta chịu lấy, không ai thay thế được.
Chúng ta biết, Bồ-tát Sĩ-đạt-ta trước khi xuất gia là một vị
Đông cung Thái tử, đứa con duy nhất trong hoàng triều. Tất cả những tiện
nghi cần thiết và đôi khi không cần thiết, đều dồn hết cho ông hoàng này,
miễn sao Thái tử sống an vui. Nhưng làm sao Ngài an vui được, khi trong
lòng cứ khoắc khoải, trăn trở về kiếp sống ngắn ngủi tạm bợ của con người?
Bởi vậy khi ra cửa thành phía Đông, hình ảnh của người lớn tuổi, tóc bạc
da nhăn, tướng đi không vững chắc như thời son trẻ, tiếng nói không còn
trong trẻo nữa làm cho Thái tử nghĩ về đời mình ở một ngày mai cũng như
thế. Ngài biết chắc rằng cái thân đang có đây, sẽ bị giũa mài, không tồn
tại được với thời gian. Một trăm điều mình mong muốn, hoạ hoằn được chừng
đôi ba chục điều thôi. Khi chứng kiến con người đi đến hiện thực ấy, Thái
tử đã đặt câu hỏi với người tuỳ tùng:
- Ngày mai, ta có già nua như thế không?
Người hầu cận đáp hết sức thật thà:
- Thưa Thái tử! Phàm có thân thì có già nua. Thái tử rồi cũng
sẽ già nua lụm khụm như người kia.
Chừng ấy thôi, coi như Thái tử nắm được chìa khóa rồi. Bấy
giờ mọi thứ tiện nghi chung quanh đời sống không còn đủ lực để ràng buộc
Thái tử nữa. Những cuộc vui trong hoàng cung trở thành trơ trẽn với Ngài.
Thái tử nhất định không chấp nhận một đời sống dễ duôi qua ngày như thế,
không thể chìm mình trong thân phận con người sanh ra rồi già, bệnh và
chết. Sử ghi lại khi chứng kiến sự kiện ngoài cửa thành phía Đông rồi,
Ngài luôn luôn đặt câu hỏi thế này: Thân ta rồi đây cũng thế ư? Như vậy
sang hèn hay là già trẻ, bất luận ai rồi cũng như thế ư? Đó là một đề án
lớn mà chưa ai có thể giải quyết được.
Sau đó Ngài dạo cửa thành phía Nam, gặp một người thân thể
bệnh tật oằn oại, rên la khổ sở. Ngài hỏi người hầu cận:
- Có cách gì giúp cho người bệnh này hết đau đớn không?
- Thưa Thái tử, có những loại thuốc trị liệu được thân bệnh,
giúp cho người bệnh khoẻ mạnh, nhưng cũng chỉ tạm thời trong một giai đoạn
nào thôi, không thể giải quyết hết bệnh vĩnh viễn được.
Thái tử suy nghĩ cách giải quyết tạm thời này không đảm bảo, không thể đặt
trọn niềm tin để con người sống an ổn trong cuộc đời. Bây giờ Thái tử
quyết tâm mạnh hơn nữa, nhất định tìm cho ra phương pháp giải quyết sự khổ
đau này.
Tăng Ni Phật tử chúng ta cũng nên tập giống như Phật. Một khi
nhìn thấy những gì mình mong cầu không đảm bảo được như ý, không giữ gìn
trọn vẹn suốt cả cuộc đời, nhất định ta không thể nào yên tâm mà phải suy
nghĩ tìm ra phương pháp giải quyết. Chúng ta là những người học theo sự
giác ngộ, sáng suốt của đức Phật thì không thể nào chấp nhận một việc làm
không có tương lai, không có kết quả bảo đảm. Nếu chúng ta cứ bình thường
dễ duôi để cho ngày qua, không lo lắng chuẩn bị tương lai, thì ta không
phải là người có trí tuệ. Phật dạy: Phàm làm việc gì, chúng ta phải thấy
hậu quả của nó. Phải biết kết quả của nó như thế nào, chúng ta mới yên
lòng làm. Trái lại, việc làm nào dù lớn dù nhỏ, mà không biết kết quả chắc
thực, an toàn cho sự tu tập, cho sinh mệnh của mình thì nhất định không
làm.
Ngày xưa Thái tử sống trong nhung lụa, trong sự chiều chuộng
của phụ hoàng, nhưng Ngài thấy không có gì đảm bảo. Bởi vì khi Ngài đau
phụ hoàng không đau thế được, cho nên dù có bao nhiêu tiện nghi, Ngài cũng
luôn cảm thấy thiếu thốn. Thái tử thấy cần phải giải quyết việc này của
mình. Cứ mỗi lần chứng kiến những hiện thực trong cuộc đời, Ngài càng dứt
khoát hơn. Dứt khoát cái gì? Dứt khoát tìm ra một phương pháp để giải
quyết việc của mình. Ngài biết rất rõ không thể trông cậy vào những người
thương, những tiện nghi chung quanh cuộc sống, mà mình có thể yên ổn được.
Ngài thường tìm những nơi thật yên tĩnh để suy nghiệm tại sao cuộc đời như
vậy? Tại sao ta có mặt trong cuộc đời? Tại sao con người phải đương đầu
với những cảnh duyên như vậy v.v
Với bao nhiêu những Tại sao? Tại sao?
,
không tìm ra lối thoát, không ai có thể giải quyết được, không có câu trả
lời nào thoả đáng, vì vậy Ngài phải tìm thêm nữa.
Đến lần thứ ba Ngài sang cửa thành phía Tây thì thấy một thân
thể sình thối và sắp hư rã. Ruồi nhặng bu kín, chúng tranh nhau rút tỉa
từng thân phần bấy nát. Đó là thân thể của một người đã chết. Thái tử nghĩ
rồi đây thân mình cũng như thế, mọi người cũng như thế. Dù có trang sức,
thương yêu, sửa soạn bao nhiêu cho nó, cũng đi đến tình trạng hư hoại,
thối rữa như thế. Trong lòng Ngài đi đến quyết định mãnh liệt, nhất định
không chấp nhận cuộc sống này, phải tìm cho ra con đường thoát ly sanh tử.
Nhìn thấy thi thể một người sắp chết, đức Phật đã chấn động như thế, vậy
mà chúng ta ngày nay lại thích sửa soạn cho một cái thân không đảm bảo,
không an toàn. Thật đáng tiếc!
Khi hiểu Phật rồi, lẽ ra chúng ta phải lợi dụng thân này để
làm những việc công đức, lợi dụng thân này để tu thật gấp. Bởi vì nó mong
manh lắm, mới thấy mạnh khoẻ đó rồi già bệnh chết. Con đường này tất cả
mọi người sẽ phải đương đầu. Bây giờ còn minh mẫn, các giác quan còn sáng,
chúng ta phân biệt rõ ràng những hiện tượng, cảnh duyên bên ngoài, thì
phải làm sao áp dụng tu hành cho được. Như thế cuộc sống còn được chút ý
vị. Ngược lại trong thời gian có thể thực hiện việc tu tập, mà chúng ta bỏ
qua thì đến phút chót sẽ hốt hoảng lo sợ, bấy giờ đã muộn, không thể cứu
vãn kịp nữa.
Chúng ta có thể làm rất nhiều việc ngoài xã hội, nhưng việc
của chính mình lại quên. Vậy nên Phật, Tổ thường nhắùc chúng ta phải
thương mình. Thương ai thì thương các ngài không cấm, như thương tất cả
chúng sinh, nhưng đừng quên mình. Mình không thương mình, không lo cho
mình, để rồi đến giờ phút chót, miệng méo, tay chân quờ quạng, các giác
quan không còn tự chủ nữa, lúc ấy muộn mất rồi. Đã thương mình thì phải
chuẩn bị, chuẩn bị cái gì? Tức là phải tu hành. Đừng bao giờ quên điều đó.
Làm gì thì làm, tất cả những việc bên ngoài đều là phương tiện để bổ sung
cho sự sống, còn tu hành là việc chính. Dù quý vị đầy đủ mọi mặt về phương
tiện vật chất, nhưng không tự lo cho mình về mặt tinh thần thì đến lúc ra
đi sẽ cảm thấy thiếu thốn. Nhờ tu hành, chuẩn bị đầy đủ tư lương, quí vị
sẽ ra đi trong niềm tin, trong sự sáng suốt, như thế mới là người biết
thương mình.
Vì thế khi đức Phật đến cửa thành sau cùng ở phía Bắc, thấy hình ảnh một
nhà sư bỏ nhà, không nhà học đạo, không danh vị, không tài sản, không tất
cả, nhưng gương mặt rất khoan thai, khinh an, tươi tắn. Từ con người ấy
lan tỏa ra tất cả những nét an lạc, hạnh phúc. Thái tử Sĩ-đạt-ta mừng quá,
liền xuống xe cúi đầu trước vị Sa-môn ấy và hỏi:
- Thưa Ngài, Ngài là người gì?
- Thưa Thái tử, tôi là Sa-môn, tức là người không màng đến
mọi thứ ở thế gian, hoàn toàn làm chủ mình, không dính mắc với các cảnh
duyên bên ngoài. Do đó tôi tự tại, giải thoát.
Thái tử Sĩ-đạt-ta mừng quá thưa:
- Thưa Ngài, Ngài có thể giúp tôi được như Ngài không?
- Chúng tôi sẵn sàng nếu Thái tử quyết tâm cho hướng đi này.
Hướng đi này là hướng buông bỏ tất cả, là hướng tự mình
thương mình. Tất cả những gì xưa nay mình yêu thích nắm giữ, bây giờ loại
ra, bỏ hết, dẹp sạch, thì mới thực hiện trọn vẹn hướng đi này.
Thái tử Sĩ-đạt-ta nói:
- Được! Tất cả những gì tôi đã có xin sẵn sàng từ bỏ. Tôi sẽ
vâng theo lời của Ngài và dứt khoát thực hiện được điều Ngài vừa nói.
Thế nên hình ảnh của vị Sa-môn, con người tự tại giải thoát
đó đập mạnh vào tâm khảm Bồ-tát Sĩ-đạt-ta. Nhờ hình ảnh độc đáo ấy in đậm
trong lòng, nên tình thương của phụ hoàng Thái tử cũng để một bên, tất cả
những tình cảm trong hoàng cung, những tiện nghi, danh vị đều loại ra hết,
chỉ giữ một hình ảnh tự tại giải thoát của Sa-môn thôi. Vì vậy cuối cùng
giữa đêm khuya, Bồ-tát Sĩ-đạt-ta đánh thức người hầu, đưa Ngài vượt thành
xuất gia. Ngài chuẩn bị cho mình một cuộc sống mới.
Trải qua sáu năm khổ hạnh ở Khổ Hạnh lâm, thân thể phương phi tốt đẹp của
Ngài chỉ còn lớp da bọc xương. Nhưng với ý chí và nguyện lực, Bồ-tát nhất
định không thua cuộc. Bởi ý chí dứt khoát như vậy nên trong cùng lộ phát
ra sanh lộ, từ chỗ cùng cực khổ hạnh Ngài tìm ra được lối thoát. Ngang đây
có một điều chúng ta cần bàn với nhau. Trong tinh thần của đạo Phật, nhất
là Phật giáo Đại thừa, thì đối với sự khổ hạnh và lợi dưỡng là hai thái
cực không nên có của một tu sĩ. Nếu mình khổ hạnh quá thân thể sẽ gầy suy
ốm yếu, không đủ sức để thiền định, để phát huy trí tuệ. Khổ hạnh thường
làm cho tri thức suy giảm, không đủ nhuệ khí để giúp mình đủ lực tu tập.
Trải qua kinh nghiệm ấy nên Bồ-tát Sĩ-đạt-ta thấy khổ hạnh làm trở ngại
cho việc thành tựu đạo quả.
Trái lại với khổ hạnh là lợi dưỡng, những tiện nghi vật chất,
nó cũng làm trở ngại cho việc tu hành. Ví dụ như thời văn minh bây giờ,
chúng ta ngồi đây mà có thể biết được việc bên Tây bên Tàu. Chỉ bấm nút
một cái là nghe được tiếng nói của người cách xa mình vài ba nghìn cây số.
Đó là những tiện nghi trong cuộc sống theo đà văn minh. Nhưng trên phương
diện tu hành của người Phật tử thì những thứ tiện nghi này làm mất thì giờ
lắm. Như tám giờ là giờ quí vị ngồi thiền hoặc tụng kinh, nhưng tới lúc đó
lại có chương trình đặc sắc đã được giới thiệu trước cả tuần, mình không
thể bỏ được nên tạm gác giờ tu qua một bên. Ít có ai gan dạ dám bỏ chương
trình ấy để lo tu tập. Nên biết tiện nghi lợi dưỡng càng nhiều thì việc tu
càng kém.
Phật nói giọt nước dù nhỏ mà tích lũy lâu ngày cũng đầy cả
chung lớn. Một giờ ngồi thiền, một ngày tu tập không thể thành Phật, song
nhiều giờ ngồi thiền, nhiều ngày tu tập sẽ gom góp đạo hạnh, dẫn tới viên
thành Phật đạo. Vì vậy chúng ta không nên làm cho việc tu tập của mình bị
đứt quãng, bị cắt xén vì bất cứ lý do gì. Người biết thương mình mạnh dạn
loại bỏ những ngoại duyên, chỉ tập trung vào một việc tu mà thôi. Đó mới
thực sự là người thương mình, thực sự muốn hoàn thành tâm nguyện của mình.
Đức Phật đã dám làm như vậy nên sau khi gặp gỡ vị Sa-môn, trong lòng Ngài
dứt khoát chọn cuộc sống tu sĩ bỏ nhà, không nhà học đạo. Chỉ một hướng ấy
thôi, không để một cái gì xen vô hết. Vậy nên Ngài ngồi dưới cội bồ-đề bốn
mươi chín ngày đêm, tinh chuyên thiền định, cuối cùng thành đạt trí tuệ
viên mãn thành Phật.
Trở lại chúng ta, có lẽ mình cũng phát nguyện tu lâu rồi, khổ
hạnh thì chưa có bao nhiêu, nhưng chắc chắùn mỗi vị đều hướng tâm về con
đường tu hành. Quí vị, ai nấy đều ý thức và chuẩân bị gạt bỏ bớt những
tiện nghi trong cuộc sống. Tuy không khổ hạnh nhưng biết vừa đủ, biết áp
dụng cách thức tu hành hằng ngày vào sinh họat của mình, với mục đích
thành tựu giác ngộ giải thoát như đức Phật. Là Phật tử, chúng ta tự hứa là
sẽ được như đấng cha lành, nếu không như thế thì ta đi theo con đường này
để làm gì. Trên trước có đức giáo chủ chứng minh, vô lượng chư Phật, chư
Bồ-tát trong mười phương hộ niệm, thiện hữu tri thức sẵn sàng giúp đỡ để
chúng ta đạt được tâm nguyện đó.
Khi nỗ lực tu quí Phật tử nên nhớ tránh hai thái cực như đã
nói ở trên. Một là quá khắc khổ, thái cực này sẽ làm cho chúng ta không
chịu nổi rồi bỏ cuộc, hoặc những bạn đồng tu theo chân ta không được. Vậy
nên người Phật tử sáng suốt không chọn con đường khổ hạnh. Hai là quá
chiều chuộng mình. Đây là thái độ mà đại đa số Phật tử đang vướng phải.
Tuy ham tu nhưng vẫn lệ thuộc, vẫn chạy theo những nhu cầu của thân này.
Phật nói thân này không thật, tứ đại giả hợp, không bảo đảm chút nào hết,
cho nên lo cho nó bao nhiêu rồi cũng trở về không. Dù mình có cưng chiều,
sửa soạn, trang bị cho bao nhiêu rồi nó cũng bỏ mình thôi. Còn sống thì
tạm mượn nó để tu, chớ đừng quá lệ thuộc mà tạo nghiệp, chuốt quả khổ phải
trầm luân trong sanh tử mãi. Đó là một thái cực mà người Phật tử sáng suốt
đừng bao giờ rơi vào. Trong lúc nó còn ta vui vẻ, hoà hợp, thích ứng với
mọi hoàn cảnh để tu tập.
Đa số Phật tử luôn cả Tăng Ni thường bị thân quấy rầy, bị
thân làm khổ. Những yêu cầu của nó, ta không bao giờ có thể thoả đáng một
cách hoàn bị được. Khi biết tu rồi, ta từ bỏ cả hai thái cực khổ hạnh và
chiều chuộng thân. Có thế mới tiến tu dễ dàng. Nói tóm lại người Phật tử
sáng suốt là biết sử dụng thân này đúng với hoàn cảnh để tu hành. Không để
nó quá khổ, cũng không cho quá sướng. Một ngày ăn ba lần, sáng trưa và
chiều là rất tốt rồi. Những buổi ăn tối phụ thêm, có thể nên bớt, những
yêu cầu nào thấy không cần thiết thì bớt đi. Chúng ta làm thế nào để còn
thì giờ niệm Phật tụng kinh, nghiên cứu kinh điển, hoặc tọa thiền. Một
ngày phải có những phút giây yên tĩnh nhất định, mới có thể tiến tới đời
sống thanh tịnh giải thoát được.
Người không để mất thì giờ trong cuộc sống là người biết tu.
Nếu ai bị mất mình hay mất thì giờ với những tiện nghi trong cuộc sống là
người chưa biết tu, chưa biết thương mình. Nếu ta không biết thương mình
thì ai thương mình đây? Không ai thương hết. Cha mẹ, anh em, những người
thân trong gia đình có thương mình cũng không sống hay chết thế cho mình
được. Dù tiền của chất đống, dù địa vị tột đỉnh, đến lúc hơi thở ra không
còn lấy vào được thì tất cả đều bỏ hết. Cho nên cần phải tu tỉnh để đừng
bị thân này kéo lôi, theo yêu cầu của nó để gây tạo nghiệp nhân bất hảo.
Từ đó phải trôi giạt trong luân hồi sinh tử vô lượng kiếp.
Hôm nay trong ngày lễ Phật đản sanh, chúng ta lấy pháp chân
chánh dâng lên cúng dường Thế Tôn. Pháp chân chính tức là công đức tu hành.
Trong các thứ cúng dường thì pháp cúng dường là cao quý nhất. Là con Phật,
hơn ai hết chúng ta phải biết đến công ơn vô lượng vô biên của Ngài. Đức
Phật chịu vô vàn khó khổ mới tìm ra con đường chân lý để chỉ dạy lại cho
chúng ta tu tập. Với Phật tử hôm nay, chỉ có yêu cầu duy nhất là hạ quyết
tâm thực hiện đúng như lời Phật dạy thì nhất định sẽ đạt được kết quả như
Ngài. Bằng ngược lại chúng ta làm sai, thì tu trải qua ba vô số kiếp cũng
không đạt được gì hết.
Như vậy kể từ bây giờ quan điểm học Phật, tu Phật như thế nào
chúng ta phải chỉnh lại, đừng bao giờ để thời gian qua suông. Quí Phật tử
cũng nên sám hối vì bệnh dễ duôi, tự chôn vùi mình nhiều đời nên vẫn còn
phiêu trầm mãi tới trong ba cõi. Tuổi thọ của chúng ta bằng tuổi thọ của
Phật, Ngài trải qua ba vô số kiếp tu tập thành đạo, nhập Niết-bàn cho tới
bây giờ 2536 năm, còn chúng ta vẫn là một chúng sanh đau khổ, lặn hụp
trong bùn lầy của cuộc đời này. Như vậy đủ biết nghiệp tập của mình bao
nhiêu rồi. Tuy nhiên bây giờ mình đã nhận ra, đã biết được nguyên nhân nào
đẩy ta vào những con đường ấy ấy, thì nguyện không lầm lạc nữa. Hôm nay
từng phút giây chúng ta trèo lên, vượt qua để thực hiện đúng như điều Phật
dạy chúng sanh là Phật sẽ thành.
Chúng ta có sẵn Phật nhân, chỉ có điều là hạ quyết tâm chưa
hay như những đứa bé ham vui đuổi bướm bắt hoa, chưa chịu quay về lo việc
của mình. Bây giờ trong phút giây này, tất cả huynh đệ Tăng Ni Phật tử tự
hứa với vị giáo chủ của mình, chúng ta là những đứa con trung thành, là
đích tử của Ngài, không bao giờ làm trái lại những gì Ngài dạy. Nhất định
Ngài đạt được điều gì, chúng ta cũng sẽ đạt được đúng như thế. Bởi vì như
trong một gia đình, tài sản của ông cha, mình là đích tử thì phải chánh
thức kế thừa tài sản ấy, chứ không ai khác.
Chúng ta muốn gặp Phật, muốn đời đời đi chung một hướng với
Thầy, với thiện hữu tri thức thì ngoài việc tu ra không có cách nào khác.
Chỉ có đi trên con đường tu hành, con đường Phật đạo ta mới gặp nhau, đời
đời cùng nhắc nhở, đùm bọc nhau đi cho trọn vẹn lộ trình ấy. Tất cả chúng
ta là Phật sẽ thành, nhất định như vậy, không thành cái gì khác. Chủng
nhân Phật chúng ta có sẵn, khả năng thành Phật cũng có sẵn, bây giờ chỉ
phát huy, loại bỏ những tơ tưởng, dây mơ rễ má của phiền não vọng tưởng,
tạo những điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện trọn vẹn Phật nhân của
mình. Từ đó chúng ta tùy duyên tùy nguyện, đem từ bi trí tuệ ban rải khắp
nơi, giúp cho tất cả chúng sanh đều tu tập và đạt được kết quả cứu cánh
như đức Thế Tôn không khác.
|